Hướng dẫn cách tính lương hưu cho người lao động từ 2021
Bộ luật lao động 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) quy định tăng tuổi nghỉ hưu của NLĐ theo lộ trình và bắt đầu thực hiện từ ngày 01/01/2021. Nên điều kiện hưởng lương hưu của NLĐ từ năm 2021 cũng sẽ có sự thay đổi. Vậy Hướng dẫn cách tính lương hưu cho người lao động từ 2021 như thế nào? Mời các bạn tham khảo.
Hướng dẫn cách tính lương hưu cho người lao động từ 2021:
Từ năm 2021, cách tính lương hưu cho người lao động đã thay đổi như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp vấn đề trên.
Căn cứ Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì mức lương hưu hàng tháng được tính như sau:
Mức lương hưu hằng tháng của người lao động | = | Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng | X | Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH |
Trong đó:
1. Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng
Theo Điều 56, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì tỷ lệ hưởng tối thiểu là 45% và tối đa là 75%. Trong đó, nếu người lao động nghỉ hưu từ năm 2021 thì:
- Đối với lao động nam: Trong năm 2021 thì bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 19 năm đóng BHXH, sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa bằng 75%. Từ năm 2022 thì 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 20 năm đóng BHXH.
Ví dụ 1: Ông X làm việc trong điều kiện bình thường và đến năm 2021 đủ tuổi nghỉ hưu. Tính đến thời điểm nghỉ, ông có 29 năm đóng BHXH. Lương hưu hàng tháng của ông được tính: 19 năm đóng BHXH = 45%; 10 năm đóng BHXH còn lại = 10 x 2% = 20%. Vậy lương hưu hàng tháng của ông X sẽ bằng 65% mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH.
Ví dụ 2: Ông Y nghỉ hưu năm 2022 và lúc nghỉ hưu, ông có 30 năm đóng BHXH. Khi đó, mức lương hưu của ông Y bằng 65% mức bình quân tiền lương đóng BHXH: 20 năm đóng BHXH = 45%; 10 năm đóng BHXH còn lại = 10 x 2% = 20%.
- Đối với lao động nữ: 45% mức bình quân lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa bằng 75%. Mức này không bị thay đổi và được áp dụng từ năm 2018 trở đi.
Ví dụ: Bà Z đã tham gia BHXH được 25 năm và năm 2021 bà Z nghỉ hưu thì bà Z được hưởng lương hưu bằng 65% mức bình quân tiền lương đóng BHXH (15 năm đầu tiên đóng BHXH = 45%; 10 năm tiếp theo đóng BHXH là 10 x 2% = 20%).
2. Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
Căn cứ Điều 9 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH từ năm 2021 để tính lương hưu của người lao động được quy định cụ thể như sau:
- Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01/01/1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
- Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1995 đến ngày 31/12/2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
- Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2001 đến ngày 31/12/2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 08 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
- Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2007 đến ngày 31/12/2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
- Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2019 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
- Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/12/2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
- Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.
Người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định: Bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được tính của toàn bộ thời gian đóng BHXH.
Người lao động có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định vừa do người sử dụng lao động quyết định: Bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được tính chung của các thời gian.
Người lao động có thời gian đóng BHXH đủ 15 năm trở lên thì lấy mức lương cao nhất của công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… hoặc mức tiền lương trước khi chuyển ngành tương ứng với số năm tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đã nêu ở bảng trên nếu là sĩ quan quân đội, công an…
Người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày 01/10/2004 theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định mà hưởng BHXH từ ngày 01/01/2016 trở đi: Tiền lương tháng đóng BHXH làm căn cứ tính hưởng BHXH được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm nghỉ việc.
Người lao động đã đóng BHXH có phụ cấp thâm niên nghề sau đó chuyển sang ngành khác không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề: Lấy mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ tính lương hưu tại thời điểm nghỉ hưu cộng với phụ cấp thâm niên nghề (nếu đã được hưởng) theo thời gian đã đóng BHXH gồm phụ cấp thâm niên nghề chuyển đổi theo chế độ tiền lương tại thời điểm nghỉ hưu để tính lương hưu.
- Bảng tra cứu tuổi nghỉ hưu từ 2021 dành cho mọi người lao động
- Cách xác định thời điểm nghỉ hưu, thời điểm bắt đầu nhận lương hưu
- Mức hưởng lương hưu từ ngày 01/01/2021 ai cũng cần biết
- 04 trường hợp được nghỉ hưu sớm từ 2021
- 3 trường hợp đủ điều kiện giải quyết hưởng lương hưu 2021
- 07 quy định liên quan đến lương hưu sẽ bị bãi bỏ từ 2021
....................................................
Trên đây là nội dung chi tiết của bài viết Hướng dẫn cách tính lương hưu cho người lao động từ 2021. Tất cả các tài liệu về Văn bản Giáo dục đào tạo được VnDoc cập nhật và đăng tải thường xuyên. Chi tiết nội dung của các Văn bản, Thông tư mời các bạn cùng theo dõi và tải về sử dụng.