Lịch sử Việt Nam nhà tiền Lý và nhà Triệu
Nhà Tiền Lý /Tiền Lý triều, 544 – 602) là một triều đại trong lịch sử Việt Nam, gắn liền với quốc hiệu Vạn Xuân. Nhà Tiền Lý kéo dài 61 năm và nước Vạn Xuân kéo dài 58 năm, tổng cộng ba đời vua, trong đó có hai vua họ Lý và một vua họ Triệu cũng được tính gộp vào nhà Tiền Lý. Mời các bạn tìm hiểu về lịch sử Việt Nam thời tiền Lý trong bài viết sau đây của VnDoc.
Thời kỳ tiền Lý và nhà Triệu
Nhà tiền Lý và nhà Triệu (544-602)
Quốc hiệu Vạn Xuân, kinh đô Long Biên, 58 năm
1. Lý Nam Đế (Lý Bôn, 544-548)
Lý Bôn tức Lý Bí, quê ở Long Hưng (Thái Bình), sinh ngày 12 tháng 9 năm Quý Mùi (17/10/503), là con hào trưởng Lý Toản, mẹ là Lê Thị Oánh người Ái Châu (Thanh Hoá), 5 tuổi bố mất, 7 tuổi mẹ mất, phải ở với chú ruột. Vị pháp tổ thiền sư thấy khôi ngô tuấn tú xin làm con nuôi đưa về chùa Linh Bảo nuôi dạy. Hơn mười năm đèn sách chuyên cần, lại được vị thiền sư hết lòng dạy bảo, Lý Bí trở thành người học rộng hiểu sâu, ít người sánh kịp. Nhờ có tài kiêm văn võ, Lý Bí được tôn làm thủ lĩnh địa phương.
Thấy nhân dân ta vô cùng thống khổ dưới sự đô hộ tàn ác của Tiêu Tư. Tháng 1 năm 542 Lý Bí lãnh đạo nhân dân khởi binh tấn công quân Lương. Thứ sử Tiêu Tư khiếp sợ bỏ chạy về nước. Chưa đầy 3 tháng Lý Bí đã chiếm được hầu hết các quận, huyện và thành Long Biên. Nhà Lương sai tướng đem quân sang phản công chiếm lại, Lý Bí đã cho quân mai phục đánh tan bọn xâm lược.
Đầu năm 543, vua Lương lại huy động binh mã sang xâm lược nước ta một lần nữa. Lý Bí chủ động đem quân đón đánh giặc ở bán đảo Hợp Phố, quân Lương bị tiêu diệt gần hết.
Tháng Hai năm Giáp Tý - 544, Lý Bí lên ngôi Hoàng đế lấy hiệu là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên.
Triều đình gồm có hai ban văn võ. Tướng Phạm Tu đứng đầu hàng quan võ. Tinh Thiều đứng đầu hàng quan văn. Triệu Túc được phong là Thái phó.
Triều tiền Lý khởi nghiệp từ đấy.
Lý Nam Đế sai dựng chùa Khai Quốc ở phường Yên Hoa trên đảo Kim Ngư, Hồ Tây (nay là chùa Trấn Quốc, Hà Nội).
Đầu năm 545, nhà Lương cử Dương Phiêu làm thứ sử Giao Châu cùng với tên tướng khát máu Trần Bá Tiên chia hai đường thủy bộ kéo sang xâm lược nước ta, hòng bóp chết nhà nước Vạn Xuân non trẻ. Lý Nam Đế đem quân chặn đánh bọn xâm lược ở vùng sông Lục Đầu (Hải Dương), nhưng vì ít quân không cản được giặc, vua phải lui quân về giữ thành ở cửa sông Tô Lịch (Hà Nội). Quân địch hung hãn tấn công ác liệt, lão tướng Phạm Tu hy sinh oanh liệt, Lý Nam Đế phải rút quân vào miền núi Vĩnh Yên, Phú Thọ và đóng thủy quân tại hồ Điển Triệt (Lập Thạch, Vĩnh Phúc).
Trần Bá Tiên là tên tướng giặc rất xảo quyệt. Hắn lợi dụng một đêm mưa to gió lớn thúc quân vào đánh úp quân Lý Nam Đế. Nhà Vua phải rút quân về ẩn tại động Khuất Lão (Tam Nông, Phú Thọ). Anh vua là Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử (người cùng họ) đem một cánh quân lui vào giữ Thanh Hoá.
Ở động Khuất Lão, Lý Nam Đế bị ốm nặng nên đã trao quyền cho Triệu Quang Phục tiếp tục cuộc kháng chiến chống quân Lương. Ngày 20 tháng Ba năm Mậu Thìn (13/4/548) Lý Nam Đế mất.
Để tưởng nhớ Lý Nam Đế, người anh hùng dân tộc mở đầu nền độc lập tự chủ của đất nước ta, nhân dân nhiều nơi lập đền thờ ghi nhớ công đức của ông.
2. Lý Đào Lang (Lý Thiên Bảo, 549-555)
Lý Thiên Bảo là anh họ Lý Bôn. Sau khi Lý Nam Đế bị thất bại ở động Khuất Lão, Lý Thiên Bảo cùng Lý Phật Tử đem một cánh quân rút vào Thanh Hóa chống chọi với quân nhà Lương. Khi Lý Nam Đế mất, Thiên Bảo xưng là Đào Lang vương (549-555) đến 555 thì mất.
3. Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục, 548-571)
Triệu Quang Phục là con Triệu Túc, Tù trưởng ở Chu Diên (Hưng Yên). Khi được Lý Nam Đế trao quyền lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Lương, ông đưa quân về Dạ Trạch (bãi Màn Trò, Hưng Yên) là một vùng đồng lầy rộng mênh mông, lau sậy um tùm, ở giữa có một bãi đất cao khô ráo để đóng quân. Ông cho quân lính vừa sản xuất lương thực, vừa tiếp tục cuộc kháng chiến lâu dài. Đêm đêm nghĩa quân kéo ra đánh các đồn địch, làm cho lực lượng địch bị tiêu hao và mất ăn, mất ngủ.
Ngày 13/4/548, Triệu Quang Phục lên ngôi vua, xưng là Triệu Việt Vương, dân gian gọi ông là Dạ Trạch Vương.
Năm 550, từ căn cứ Dạ Trạch ông tiến quân ra đánh giết được tướng giặc là Dương San, thu lại được thành Long Biên.
Trong khi đó ở Cửu Chân (Thanh Hoá) Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử bị quân Lương truy đuổi có lúc phải chạy sang Lào. Lý Thiên Bảo đóng quân ở động Dã Năng và xưng là Đào Lang vương, đến năm Ất Hợi (555) Lý Thiên Bảo mất, binh quyền về tay Lý Phật Tử.
Năm Đinh Sửu (557) Lý Phật Tử đem quân về đánh Triệu Việt Vương để giành ngôi vua cho nhà Lý, nhưng đánh không thắng, Lý Phật Tử phải chia đất giảng hoà, để tỏ rõ tình hòa hiếu Triệu Việt Vương còn gả con gái là Cải Lương cho con trai Lý Phật Tử là Nhã Lang.
Năm Tân Mão (571) Lý Phật Tử phản trắc, bất ngờ đem quân đánh úp. Vì không phòng bị nên Triệu Việt Vương thua chạy đến cửa biển Đại Nha, cùng đường phải nhảy xuống biển tuẫn tiết. Nhân dân vô cùng thương tiếc lập đền thờ tại đấy.
4. Hậu Lý Nam Đế (Lý Phật Tử, 571- 602)
Diệt xong Triệu Việt Vương, Lý Phật Tử xưng là hậu Lý Nam Đế, đóng đô ở Phong Châu (Bạch Hạc - Phú Thọ).
Trong lúc Lý Phật Tử làm vua ở nước ta, thì bên Trung Quốc Tùy Văn Đế dẹp yên được Nam Bắc triều, thống nhất được đất nước Trung Hoa.
Năm Nhâm Tuất (602) nhà Tùy sai danh tướng Lưu Phương đem quân sang xâm lược nước ta.
Lý Phật Tử hèn nhát đầu hàng, dâng nước ta cho giặc. Từ đó nước ta lại bị nhà Tùy đô hộ.
Mời các bạn tham khảo thêm: