Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Lịch sử Việt Nam thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh

Trịnh – Nguyễn phân tranh là thời kỳ phân chia giữa chế độ "vua Lê chúa Trịnh" ở phía Bắc sông Gianh (sử gọi là Đàng Ngoài) và chúa Nguyễn cai trị ở miền Nam (Đàng Trong), mở đầu khi Trịnh Tráng đem quân đánh Nguyễn Phúc Nguyên năm 1627 và kết thúc vào cuối thế kỷ 18 khi nhà Tây Sơn đánh đổ cả chúa Nguyễn lẫn chúa Trịnh. Sau đây VnDoc xin chia sẻ một số nét khái quát về lịch sử Việt Nam thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, mời các bạn cùng tìm hiểu.

Hậu Lê 255 năm, 16 đời vua

1. Lê Kính Tông (1600-1619)

Lê Kính Tông tên húy là Duy Tân, con thứ của Lê Thế Tông, ngày 27 tháng Tám năm Kỷ Hợi - 1599 được Trịnh Tùng lập làm vua, khi đó mới 11 tuổi.

Từ đầu thế kỷ 17, sau khi đánh tan nhà Mạc, giành lại được kinh đô Đông Đô (dư đảng nhà Mạc phải rút lên Cao Bằng) quyền lực của Trịnh Tùng ngày càng lớn, triều đình chỉ biết phục vụ nhà chúa.

Trước tình hình đó, vua Lê Kính Tông cùng với Trịnh Xuân - con thứ của Trịnh Tùng - mưu giết Trịnh Tùng. Việc bại lộ, Trịnh Xuân bị bắt giam, còn Kính Tông bị bức thắt cổ chết vào ngày 12 tháng Năm năm Kỷ Mùi - 1619.

Lê Kính Tông ở ngôi được 19 năm, thọ 32 tuổi.

2. Lê Thần Tông (1619-1643 và 1649-1662)

Lê Thần Tông tên húy là Duy Kỳ, con trưởng của Lê Kính Tông và bà Trịnh Thị Ngọc Trinh (con thứ của Trịnh Tùng).

Duy Kỳ sinh ngày 19 tháng 11 năm Đinh Mùi - 1607, là cháu ngoại của Bình An Vương Trịnh Tùng, tháng 6 năm 1619 được lập làm vua khi đó mới 12 tuổi.

Vua có sống mũi cao, thông minh, học rộng, mưu lược sâu, văn chương giỏi. Song lấy Trịnh Thị Ngọc Trúc (là vợ của chú họ) để tiếng xấu về sau.

Tháng 10/1643, Lê Thần Tông nhường ngôi cho con là Lê Duy Hựu (tức Lê Chân Tông) để làm Thái thượng hoàng.

Tháng 8 năm 1649, Lê Chân Tông bị bạo bệnh mất, vì không có con nối ngôi, Lê Thần Tông lại trở lại ngôi vua lần thứ 2.

Ngày 22 tháng 9 năm 1662, Lê Thần Tông mất thọ 56 tuổi, ở ngôi 24 năm, làm Thái thượng hoàng 6 năm, lại lên ngôi 13 năm, tổng cộng làm vua 2 lần 37 năm.

3. Lê Chân Tông (1643-1649)

Lê Chân Tông tên húy là Duy Hựu, con trưởng của Lê Thần Tông, được truyền ngôi vào năm 13 tuổi, ở ngôi được 6 năm, năm 1649 bị bệnh mất, mới 20 tuổi, chưa có con nối ngôi. Lê Thần tông trở lại ngôi vua lần thứ 2

4. Lê Huyền Tông (1663-1671)

Lê Huyền Tông tên húy là Duy Vũ, con thứ của Lê Thần Tông, em của Lê Chân Tông, được lập làm vua mới 9 tuổi, ở ngôi vua được 8 năm, ngày 15 tháng 10 năm Tân Hợi - 1671, Lê Huyền Tông mất mới 18 tuổi, chưa có con nối.

5. Lê Gia Tông (1672-1675)

Lê Gia Tông tên húy là Duy Hợi con thứ của Lê Thần Tông, em của Lê Chân Tông và Lê Huyền Tông, được lập làm vua lúc mới 11 tuổi.

Vua tướng mạo anh tú, tính tình khoan hoà, có đức độ làm vua, tiếc rằng ở ngôi được 3 năm, chết mới 15 tuổi, chưa có con nối.

6. Lê Hy Tông (1675-1705)

Lê Hy Tông tên húy là Duy Hợp, con thứ của Lê Thần Tông, em của Lê Gia Tông, được Tây vương Trịnh Tạc lập làm vua lúc mới 13 tuổi.

Nhà vua dựa vào chúa Trịnh để giữ cơ nghiệp có sẵn, kỷ cương được chấn hưng, được người đời ca ngợi là vua bậc nhất thời Lê Trung Hưng.

Tháng 4 năm Ất Dậu - 1705, nhường ngôi cho con trưởng là Lê Duy Đường. Vua Lê Hy Tông còn vui sống trong cảnh nhàn 12 năm sau mới mất, ở ngôi được 30 năm, thọ 54 tuổi.

7. Lê Dụ Tông (1705-1729)

Lê Dụ Tông tên húy là Duy Đường, con trưởng của Lê Hy Tông, được lên ngôi vua năm 1705.

Nhà vua rũ áo, ngồi ở trên, dựa vào chúa Trịnh Cương và quần thần giúp việc đắc lực như Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn... Họ đưa ra chủ trương cải cách trên nhiều lĩnh vực về kinh tế - tài chính, thi cử, tổ chức hành chính... nhưng các cải cách đó chưa thu được kết quả thì chúa Trịnh Cương qua đời.

Ngày 20 tháng 4 năm 1729, Lê Dụ Tông nhường ngôi cho con là Duy Phường.

Tháng Giêng năm 1731, Thượng hoàng Lê Dụ Tông mất, thọ 52 tuổi, ở ngôi 24 năm.

8. Lê Duy Phường (1729-1732)

Thái tử Lê Duy Phường là con thứ của Lê Dụ Tông, cháu ngoại của chúa Trịnh Cương, được vua cha nhường ngôi năm 1729, nhưng khi Trịnh Cương mất thì ngôi vua của Duy Phường không đứng vững.

Khi Trịnh Giang lên nối ngôi chúa, tháng 8/1732 đã giáng Duy Phường xuống làm Hôn Đức Công và buộc thắt cổ chết vào tháng 9/1735.

Trịnh Giang lập con trưởng của Lê Dụ Tông là Duy Tường lên làm vua.

9. Lê Thuần Tông (1732-1735)

Lê Thuần Tông tên húy là Duy Tường, con trưởng của Lê Dụ Tông được chúa Trịnh Giang lập làm vua năm 1732, đổi niên hiệu là Long Đức.

Năm 1735, Thuần Tông mất, thọ 37 tuổi, làm vua được 3 năm.

Lê Thuần Tông mất, chúa Trịnh Giang lập Duy Thìn là con thứ 11 của Lê Dụ Tông lên làm vua.

10. Lê Ý Tông (1735-1740)

Lê Ý Tông tên húy là Duy Thìn lêm làm vua mới 17 tuổi.

Chúa Trịnh Giang là kẻ vô cùng bạo ngược, sát hại công thần, giết vua nọ lập vua kia. Vì thế, tháng 12 năm 1738, các tôn thất nhà Lê như Duy Mật, Duy Quý (con Dụ Tông), Duy Chúc (con Hy Tông) nổi lên chiếm cứ miền thượng du tây nam Thanh Hóa chống nhau với nhà Trịnh ròng rã 30 năm.

Từ ngày giết vua, Trịnh Giang ngày càng lấn át quyền vua. Trịnh Giang tha hồ ăn chơi trác táng, vì thế mắc bệnh kinh quý, sợ sấm sét. Bọn hoạn quan Hoàng Công Phụ cho đào đất làm cung thưởng trì dưới hầm cho Trịnh Giang ở. Bọn hoạn quan tha hồ lũng đoạn triều đình. Các quan đại thần kế tiếp nhau bị giết hại, thuế khóa nặng nề, lòng dân ly tán. Các cuộc khởi nghĩa của nhân dân nổ ra khắp nơi.

Trước tình hình nguy ngập đó. Trịnh Thái Phi (mẹ Trịnh Giang và Trịnh Đường) cho triệu quần thần đến đưa Trịnh Doanh lên thay Trịnh Giang để trừ hoạn nạn.

Năm 1740, Trịnh Doanh lên thay Trịnh Giang, tháng 5 năm 1740, Trịnh Doanh ép Lê Ý Tông nhường ngôi cho con trưởng của Thuần Tông là Duy Diêu. 19 năm sau Lê Ý Tông mất, thọ 40 tuổi, trị vì được 5 năm.

11. Lê Hiển Tông (1740-1786)

Lê Hiển Tông tên húy là Duy Diêu, là ông vua trị vì lâu thứ 2 trong lịch sử phong kiến nước ta - 46 năm, và thọ 70 tuổi.

Nhờ có tài giúp đỡ của Minh Vương Trịnh Doanh nên mười năm sau đất nước trở lại bình yên, dân được an cư lạc nghiệp, được ca ngợi là thời thái bình.

Tháng Giêng năm 1764, Hiển Tông lập Duy Vĩ làm thái tử. Năm 1767 Trịnh Doanh mất, Trịnh Sâm lên thay làm nguyên soái Tĩnh Đô Vương, tháng 3 năm 1769, Trịnh Sâm truất ngôi thái tử của Duy Vĩ rồi bắt giam vào ngục. Tháng 8 năm 1769, Trịnh Sâm giả mệnh vua truất thái tử làm thứ dân rồi vẫn giam ở ngục, lập Duy Cận con thứ của Lê Hiển Tông làm thái tử.

Tháng 12/1771, Trịnh Sâm sai giết thái tử Duy Vĩ, đến tháng Giêng năm 1783 lập Duy Kỳ làm Hoàng Thái Tôn, truất Duy Cận làm Sùng nhượng công.

12. Lê Mẫn Đế (Chiêu Thống, 1787-1788)

Lê Chiêu Thống tên húy là Duy Kỳ, cháu đích tôn của Lê Hiển Tông.

Duy Kỳ được quân tam phủ đưa từ trại giam về ép vua và chúa Trịnh Khải lập làm Hoàng Thái Tôn.Tháng 7/1786, trước khi vua Lê Hiển Tông mất đã cho gọi Thái Tôn, Duy Kỳ vào trối lời truyền ngôi. Duy Kỳ vừa lạy vừa khóc xin nhận mệnh. Lúc đó Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã cưới công chúa Ngọc Hân.

Khi Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ rút quân về Phú Xuân (Huế) thì các hào mục ở các nơi nổi dậy cắt cứ. Trịnh Bồng cũng trở lại kinh đô Thăng Long tự lập làm nguyên soái Yến Đô vương và lấn át nhà vua như trước, khiến cho triều chính rối ren, chém giết lẫn nhau. Nguyễn Huệ lại phải kéo quân ra Bắc dẹp loạn, chiêu tập các cựu thần văn võ nhà Lê, lấy Sùng Nhượng Công Lê Duy Cận đứng làm Giám quốc và giao cho Ngô Văn Sở làm Đại đô đốc ở Thăng Long, rồi Nguyễn Huệ lại rút quân về Phú Xuân.

Để khôi phục lại triều Lê, tháng 7/1788 Hoàng thái hậu nhà Lê sang cầu viện nhà Mãn Thanh.

Dựa vào thế quân Mãn Thanh, Lê Chiêu Thống trở lại kinh đô Thăng Long đã trả thù tàn bạo những người theo Tây Sơn.

Mồng 5 tết năm Kỷ Dậu (1789), quân đội Tây Sơn do hoàng đế Quang Trung trực tiếp chỉ huy kéo ra Bắc đã đánh tan 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh ở gò Đống Đa giành độc lập cho tổ quốc ta. Lê Chiêu Thống, vua bán nước, đã cùng 25 bầy tôi chạy theo tàn quân nhà Thanh sang Trung Quốc.

Sau năm năm sống lưu vong nhục nhã trên đất Mãn Thanh, tháng 10 năm Quý Sửu (1793), Lê Chiêu Thống chết ở Yên Kinh (Trung Quốc) thọ 28 tuổi, ở ngôi vua chưa được 3 năm.

Nhà Trịnh 243 năm, 12 đời chúa

1. Thanh Đô Vương (Trịnh Tráng, 1623-1652)

Mạc Kính Khoan đang chiếm cứ Cao Bằng nghe tin Trịnh Tùng chết, các con (Trịnh Xuân, Trịnh Tráng) đánh nhau để giành ngôi chúa, liền từ Cao Bằng kéo hàng vạn quân xuống Gia Lâm. Trịnh Tráng phải rước vua Lê chạy vào Thanh Hoá.

Tháng 8 năm Quí Hợi - 1623, Trịnh Tráng đem quân ra phá tan quân của Kính Khoan. Kính Khoan một mình chạy thoát thân. Trịnh Tráng lại rước vua Lê trở lại kinh đô, vua Lê phong cho Trịnh Tráng chức Nguyên súy thống quốc chính Thanh Đô Vương.

Tạm yên mặt Bắc, Trịnh Tráng lo đối phó mặt Nam. Lúc này ở Đàng Trong, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã ra mặt chống lại chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Trịnh Tráng nhiều lần lấy danh nghĩa vua Lê đem quân đi đánh Phúc Nguyên nhưng quân Nguyễn lợi dụng địa thế hiểm trở, đắp luỹ dài chống cự quyết liệt, quân Trịnh không làm gì được, phải rút về.

Để thắt chặt thêm quan hệ gắn bó giữa nhà chúa và vua Lê, Trịnh Tráng đem con gái của mình (đã lấy chồng có bốn con với chú họ của vua Lê) gả cho vua Lê, ép vua lập làm Hoàng hậu. Vua Lê phải chấp nhận.

Năm Ất Dậu - 1645, Trịnh Tráng xin vua Lê phong cho con thứ hai là Tây quận công Trịnh Tạc làm Khâm sai tiết chế các sứ thủy bộ chủ dinh chương quốc quyền binh, tả tướng thái úy Tây quốc công và được quyền nối ngôi chúa.

Năm Đinh Dậu - 1657, Trịnh Tráng mất thọ 81 tuổi, ở ngôi chúa 30 năm.

2. Tây Đô Vương (Trịnh Tạc, 1653-1682)

Trịnh Tạc là con thứ hai được cha chọn làm Nguyên súy chưởng quốc chính Tây Định Vương từ năm Quí Tỵ - 1653, khi Trịnh Tráng đang còn sống. Sự không chọn Trịnh Toàn là con trưởng nối ngôi chúa đã dẫn đến mâu thuẫn ngấm ngầm giữa Toàn và Tạc.

Năm Định Dậu - 1657, Trịnh Tạc đã sai đình thần tống ngục và tra hỏi Trịnh Toàn cho đến chết.

Năm Đình Mùi - 1667, Trịnh Tạc tự gia phong Đại nguyên soái thượng sư Thái phụ Tây Đô Vương.

Năm Nhâm Tí - 1672, Trịnh Tạc ép vua Lê đem quân vào đánh chúa Nguyễn một trận lớn ở châu Bố Chính, quân Trịnh chiếm được luỹ Trấn Ninh, huy động 3 vạn quân vượt sông Gianh đánh vào cửa Nhật Lệ. Quân Nguyễn ra sức chống cự nhờ có hệ thống thành luỹ kiên cố, tháng 12/1672, Trịnh Tạc phải rút đại binh về chỉ để Lê Thời Hiến trấn giữ Nghệ An. Từ đó Đàng Ngoài và Đàng Trong tạm ngừng chiến, lấy sông Gianh làm giới tuyến.

Tháng 7 năm Giáp Dần - 1674, Trịnh Tạc xin vua Lê phong cho con là Trịnh Căn làm Nguyên soái. Năm Tân Dậu - 1682, Trịnh Tạc mất, thọ 77 tuổi, ở ngôi chúa 29 năm.

3. Định Vương (Trịnh Căn, 1682-1709)

Trịnh Căn là con trưởng của Trịnh Tạc được nối ngôi chúa là Định Vương.

Dưới thời Trịnh Căn, chiến tranh Trịnh - Nguyễn đã tạm dừng. Trịnh Căn có điều kiện để củng cố bộ máy cai trị. Giúp việc cho chúa Trịnh lúc đó có nhiều người đỗ đạt cao như Nguyễn Danh Nho, Nguyễn Tông Quai, Nguyễn Quí Đức, Đặng Đình Tường nên đã ổn định được xã hội, kinh tế phát triển.

Bằng nhiều cố gắng ngoại giao, chúa Trịnh buộc nhà Thanh trả lại một số thôn ấp vùng biên giới mà họ đã lấn chiếm của ta, nhưng chưa được nhiều.

Chúa Trịnh Căn gặp nhiều trắc trở trong việc lập người kế nghiệp. Năm Giáp Tí - 1684, Trịnh Căn phong cho con thứ là Trịnh Bách làm Tiết chế thay cho con cả là Vĩnh đã chết, nhưng đến năm Đinh Mão - 1687, Trịnh Bách lại chết sớm. Trịnh Căn lại phong cho Trịnh Bính là cháu nội đích tôn (con Trịnh Vĩnh) nối ngôi, nhưng đến năm Quí Mùi - 1703, Trịnh Bính cũng chết, Trịnh Căn lại phải phong cho chắt nội (con cả Trịnh Bính) là Trịnh Cương làm Tiết chế An quốc công.

Năm Kỷ Sửu - 1709, Trịnh Căn mất. Chắt là Trịnh Cương lên nối ngôi. Trịnh Căn thọ 77 tuổi ở ngôi chúa 27 năm.

4. An đô vương (Trịnh Cương, 1709-1729)

Trịnh Cương lên ngôi chúa, được phong làm Nguyên soái tổng quốc chính An đô vương năm 1709.

Tháng 9 năm Giáp Ngọ (17 14) Trịnh Cương lại được tiến phong Đại nguyên soái tổng quốc chính Thượng sư An đô vương.

Trịnh Cương biết giữ mối quan hệ tốt với vua Lê, đồng thời chăm lo việc trị nước. Chúa trọng dụng ba đại thần rất trẻ nhưng có tài là Lê Anh Tuấn, Nguyên Công Cơ và Nguyễn Công Hãng. Họ đã đưa ra chủ trương cải cách trên nhiều lĩnh vực về kinh tế, tài chính, thi cử, tổ chức hành chính.. . nhưng các cải cách tiến bộ đó đang được tiến hành thì Trịnh Cương mất.

Năm Kỷ Dậu (1729), Trịnh Cương đi vãng cảnh chùa Phật Tích rồi Như Kinh, bị bệnh, chết ngay tại đó, quan quân bí mật đưa về phủ Chúa phát tang. Tiếc thay vị chúa có nhiều tâm huyết với công cuộc cải cách kinh tế, chính trị đã mất ở tuổi 44, ở ngôi chúa 20 năm.

5. Uy nam vương (Trịnh Giang, 1729-1740)

Trịnh Giang là con cả Trịnh Cương. Khi Giang còn làm Thế từ, bảo phó của Giang là Nguyễn Công Hãng đã dâng một số nhận xét rằng Giang là người ươn hèn không thể gánh vác được ngôi chúa. Trịnh Cương đã có ý thay ngôi Thế tử, nhưng chưa dứt khoát thì Trịnh Cương đột ngột mất, Trịnh Giang với tư cách là Thế tử lên nối ngôi chúa.

Tháng 4 năm Canh Tuất (1739) Giang tự tiến phong là Nguyên soái thống quốc chính Uy nam vương.

Chúa Trịnh Giang là kẻ vô cùng bạo ngược, sát hại công thần, giết vua Lê Duy Phường, lập vua Lê ý Tông. Trịnh Giang ngày càng lấn át quyền vua, tha hồ ăn chơi trác táng. Một hôm Trịnh Giang bị sét đánh gần chết nên mắc bệnh kinh hãi, sợ sấm sét. Bọn hoạn quan Hoàng Công Phụ cho đào đất làm Cung Thưởng Trì dưới hầm cho Trịnh Giang ở. Bọn hoạn quan tha hồ lũng đoạn triều chính. Các quan đại thần kế tiếp nhau bị giết hại, thuế khóa nặng nề, lòng dân ly tán. Các cuộc khởi nghĩa của nhân dân nổ ra khắp nơi. Trước tình hình nguy ngập đó, Trịnh Thái Phi (mẹ Trịnh Giang và Trịnh Doanh) cho triệu quần thần đến đưa Trịnh Doanh lên thay Trịnh Giang để trừ họa nạn.

Trịnh Giang ở ngôi chúa 11 năm, năm 1760 mới mất thọ 51 tuổi.

6. Minh đô vương (Trịnh Doanh, 1740-1767)

Năm Canh Thân (1740), 'Trịnh Doanh lên ngôi chúa lấy hiệu là Minh đô vương tiến tôn Trịnh Giang làm Thái thượng vương.

Trịnh Doanh liền ban hành nhiều quyết định hợp lòng người, được quần thần và dân chúng ủng hộ. Chính sách cai trị dưới thời Trịnh Doanh khá chắc chắn và hoàn chỉnh. Nhiều sắc chỉ được ban hành dưới thời Trịnh Cương (đã bị Trịnh Giang bỏ) nay được thực hiện.

Trịnh Doanh chăm lo chính sự. Cho đặt ống đồng ở cửa phủ để nhận thư từ dân chúng tố giác việc làm sai trái của quan lại: Khi cần tuyển chọn và cất nhắc quan lại, Trịnh Doanh coi trọng thực tài nên trước khi bổ nhiệm ai người đó phải vào phủ đường yết kiến để chúa trực tiếp hỏi về việc là làm. Ai có khả năng mới trao cho chức quyền. Chúa thưởng phạt rất công minh. Nhiều danh sĩ xuất thân khoa bảng được trọng dụng, tiêu biểu là Lê Quí Đôn. Ngô Thì Sĩ...

Lịch sử đã ghi nhận những năm Trịnh Doanh cầm quyền ở Bắc Hà là thời kỳ đất nước ổn định và thịnh đạt.

Song khi mới lên ngôi chúa, để dẹp loạn bằng mọi giá Trịnh Doanh đă mắc một sai lầm không thể tha thứ là đốt hết sổ sách thư từ, thu nhặt hết chuông khánh các chùa chiền để đúc binh khí.

Tháng Giêng năm Đinh Hợi (1767). Trịnh Doanh mất thọ 48 tuổi, ở ngôi chúa 27 năm.

7. Tĩnh đô vương (Trịnh Sâm, 1767-1782)

Trịnh Sâm là con trưởng của Trịnh Doanh. Năm Ất Sửu (1745) Sâm được lập làm Thế tử. Trịnh Doanh cử hai tiến sĩ danh tiếng là Dương Công Chú và Nguyễn Hoàn làm tư giảng cho Trịnh Sâm.

Năm Đinh Hợi (1767). Trịnh Doanh mất, Trịnh Sâm lên ngôi chúa, tiến phong là Nguyên soái Tổng quốc chính Tĩnh đô vương...

Trịnh Sâm là người cứng rắn, thông minh, quyết đoán. Khi lên ngôi chúa, Trịnh Sâm cho sửa đổi kỷ cương, chính sự cả nước vì cho rằng phép tắc của triều trước là nhỏ hẹp, nay Sâm muốn làm to rộng hơn, nên phần nhiều tự quyết đoán, không theo phép cũ.

Năm Kỷ Sửu (1769), sau hai năm lên ngôi vì ghen ghét tài năng, đức độ và địa vị của Thái tử Duy Vĩ, Sâm đã vu tội cho Thái tử, sai người bắt giữ, truất ngôi và tống giam, chết trong ngục.

Năm Canh Mão (1770), sau khi đánh tan Lê Duy Mật, buộc Duy Mật tự tử, Trịnh Sâm kiêu mãn, cho mình có công lớn nên tự tiến phong là Đại nguyên soái tổng quốc chính, Thượng sư thượng phụ, Duệ đoán văn công võ đức Tĩnh đô vương.

Năm Giáp Ngọ (1774), để khuếch trương thanh thế, Sâm sai Hoàng Ngũ Phúc làm thống tướng đem quân vào Nam đánh chúa Nguyễn, tháng 10 năm đó, Sâm đích thân cầm quân kéo vào Thuận Hóa, chiếm được Thuận Hóa và đặt quan cai trị đất Thuận Quảng, trong đó có Lê Quý Đôn, tác giả sách ''Phủ biên tạp lục".

Trịnh Sâm sau khi đã dẹp yên các cuộc khởi nghĩa, bốn phương yên ổn, kho đụn đầy đủ, dần dần sinh bụng kiêu căng: xa xỉ, kén nhiều thần phi thị nữ, mặc ý vui chơi thỏa thích.

Đặng Thi Huệ là nữ tỳ của tiệp dư Trần Thị Vinh, ả mắt phượng mày ngài, vẻ người rất xinh đẹp và hấp dẫn. Trịnh Sâm trông thấy đem lòng yêu mến đặc biệt.

Đặng Thị Huệ được sống với chúa như vợ chồng. Xe hiệu quần áo của ả đều được sắm sửa như của chúa.

Để chiều lòng người đẹp, mỗi năm cứ đến tết Trung Thu là cho tổ chức đêm ''Hội Long Trì" treo hàng ngàn chiếc đèn lồng, trông xa tựa hàng vạn ngôi sao sáng để vui chơi thỏa thích.

Chúa Trịnh Sâm còn gả con gái yêu cho em trai Thị Huệ là Đặng Mậu Lân, một tên du côn ỷ quyền thế chuyên cướp bóc, cưỡng hiếp phụ nữ giữa phố phường.

Đặng Thị Huệ còn liên kết với Huy quận công Hoàng Đình Bảo gạt bỏ Thế tử Trịnh Khải (con cả của Trịnh Sâm) lập Trịnh Cán (con của Thị Huệ) làm thế tử mới 5 tuổi.

Tháng 9 năm Nhâm Dần (1782), Trịnh Sâm mất, thọ 44 tuổi, ở ngôi chúa 15 năm.

8. Điện Đô Vương (Trịnh Cán, 2 tháng trong năm 1782)

Trịnh Sâm mất, Đặng Thị Huệ và Huy quận công Hoàng Đình Bảo lập Trịnh Cán lên ngôi chúa với tước hiệu Điện đô vương, lúc đó Cán mới 6 tuổi. Tuyên phi Đặng Thị Huệ nghiễm nhiên trở thành người điều khiển triều chính giúp con. Lòng người lo sợ, từ phủ chúa ra kinh thành, thôn dã, ai cũng biết chắc hoạ loạn sắp xẩy ra.

Tháng 10 năm Nhâm Dần - 1782, Dự Vũ là tay chân của Trịnh Khải xúi kiêu binh (lính Tam phủ) nổi loạn, truất ngôi Cán, giáng xuống làm Cung quốc công, giết chết Hoàng Đình Bảo. Đặng Thị Huệ bị truất xuống thứ dân, sau tự tử. Trịnh Cán bị đưa ra ở phủ Lượng quốc, ốm chết, ở ngôi được gần hai tháng.

9. Đoan Nam Vương (Trịnh Khải, 1782-1786)

Lính Tam phủ nổi loạn lật đổ Trịnh Cán đưa Trịnh Khải lên ngôi chúa, tiến phong là Đoan nam vương.

Tháng 6 năm Bính Ngọ - 1786, đang lúc phủ chúa rối ren, khốn khổ vì nạn kiêu binh hoành hành khắp kinh kỳ, dân chúng ngày đêm nơm nớp lo sợ thì nghĩa quân Tây Sơn của Nguyễn Huệ với danh nghĩa "phù Lê diệt Trịnh" kéo ra Bắc Hà.

Quân Trịnh chống cự yếu ớt, mau chóng tan rã, bỏ chạy.

Tướng Hoàng Phùng Cơ, Nguyễn Lệ rút chạy lên phía Bắc, Trịnh Khải mặc nhung phục, cưỡi voi, cầm cờ lệnh chỉ huy, nhưng quân sĩ đã bỏ chạy hết. Trịnh Khải phải một mình bỏ chạy lên Sơn Tây.

Trịnh Khải bị Nguyễn Trang bắt giải về nộp cho quân Tây Sơn, trên đường giải về Trịnh Khải dùng dao tự tử.

Trịnh Khải làm chúa chưa được 4 năm thì chết, lúc đó mới 24 tuổi.

10. Án Đô Vương (Trịnh Bồng) (1787-1788)

Trịnh Bồng là con Trịnh Giang, bác ruột của Trịnh Khải. Trịnh Bồng đã được phong là Côn quận công. Khi Trịnh Khải bỏ trốn lên Sơn Tây, Trịnh Bồng lánh nạn ở huyện Văn Giang (Hưng Yên).

Khi Nguyễn Huệ và vua Thái Đức Nguyễn Nhạc rút về Nam Hà, Trịnh Bồng đã về yết kiến Vua Lê, được Vua Lê phong cho làm Nguyên soái, tổng quốc chính Án Đô Vương.

Trịnh Bồng nhu nhược, lười biếng, không điều khiển được công việc, do đó chính sự lại vào tay Đinh Tích Nhưỡng, chúng lấn át Vua Lê, từ đó Vua và Chúa lại càng mâu thuẫn. Vua Lê đã vời Nguyễn Hữu Chỉnh từ Nghệ An đem quân về giúp.

Trịnh Bồng trốn chạy về xã Dương Xá rồi Quế Võ (Bắc Ninh). Trịnh Bồng đi Hải Dương - Quảng Yên và Thái Bình mộ quân lương mưu đánh lại Nguyễn Hữu Chỉnh, nhưng đánh mấy trận đều thất bại.

Năm 1788, Trịnh Bồng sau nhiều lần thất bại, đã bỏ đi tu ở vùng Lạng Sơn, Cao Bằng.

Nhà nguyễn 219 năm, 9 đời chúa

1. Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Sãi, 1613-1635)

Nguyễn Hoàng sắp mất, gọi con thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên vào dặn dò: Đất Thuận - Quảng này phía bắc thì có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang, phía nam thì có núi Hải Vân và núi Bi Sơn thật là nơi trời để cho người anh hùng dụng võ. Vậy con phải thương yêu nhân dân, luyện tập binh sĩ mới gây dựng cơ nghiệp muôn đời.

Nguyễn Phúc Nguyên khóc và bái tạ lãnh mạng. Vua Lê sai sứ giả vào viếng và truy tặng Nguyễn Hoàng là Cẩn nghi công, vẫn cho Nguyễn Phúc Nguyên làm trấn thủ Thuận - Quảng với hàm Thái bảo, tước Thuỵ quận công. Nguyễn Phúc Nguyên xưng là Sãi vương và cho rời cung phủ về xã Phúc Yên, huyện Quảng Điền, ngày đêm lo việc chính sự, thu dụng nhân tài. Quan khám lý Trần Đức Hòa tiến cử Đào Duy Từ cho chúa Nguyễn, chúa mừng lắm phong cho Đào Duy Từ tước Lộc kê hầu, chức Nha úy nội tán. Đào Duy Từ giúp chúa Nguyễn đắp lũy Trường Dục lũy Thầy để phòng ngự, chống nhau với quân Trịnh, Đào Duy Từ còn bày kế sách cho chúa Nguyễn trả lại sắc phong của vua Lê, không chịu nộp thuế cống cho chúa Trịnh.

Chuyện kể rằng năm Đinh Mão - 1627, Trịnh Tráng sai sứ mang sắc vua Lê dụ chúa Sãi cho con vào chầu và nộp 30 con voi cùng 30 chiếc thuyền để đưa cống nhà Minh. Nhận được sắc vua, chúa Sãi họp triều thần hỏi mưu kế. Đào Duy Từ dâng kế, cho người làm một cái mâm hai đáy, trên sắp đầy sản vật, giữa để sắc thư, rồi cử Lại Văn Khuông làm chánh sứ đem phẩm vật ra tạ ơn chúa Trịnh. Nhờ đã được chuẩn bị trước, khi ra kinh đô yết kiến chúa Trịnh, Lại Văn Khuông ứng đối khá trôi chảy. Chúa hậu đãi, cho phép Khuông cùng phái đoàn đi thăm kinh thành để chờ chúa dạy bảo. Trên đường đi, Khuông lén mở cẩm nang của Đào Duy Từ trao cho từ trước. Sau khi đọc cẩm nang, Khuông cùng cả phái đoàn lẻn trốn về Nam. Thấy phái đoàn đột ngột trốn về, chúa Trịnh nghi hoặc, bèn cho người đập vỡ mâm mới thấy tờ sắc trước, và một bài thơ, mỗi câu bốn chữ như sau.

Mâu nhi địch

Mịch phi kiến tích

Ái lạc tâm trường

Lực lai tương địch

Cả triều thần không ai hiểu ý nghĩa. Trịnh Tráng phải mời Trạng Bùng Phùng Khắc Hoan giải mã... Đọc xong Phùng Khắc Khoan giải thích: Đấy là lối chơi chữ của Đào Duy Từ, chữ mâu không có dấu phẩy là chữ dư, chữ mịch không thấy chữ kiến thì còn chữ bất, chữ ái rơi chữ tâm thành chữ thụ, chữ lực cùng đối địch với chữ lai thành chữ sắc. Vậy ý nghĩa của bài thơ 4 câu trên là Dư bất thụ sắc tức là Ta không nhận sắc.

Nghe xong, Trịnh Tráng vội cho người tìm bắt Lại Văn Khuông, nhưng Khuông đã cao chạy xa bay rồi. Tráng muốn phát binh vào đánh chúa Nguyễn, nhưng gặp lúc Cao Bằng và Hải Dương đều có giặc, đành phải hoãn lại chưa đi hỏi tội chúa Nguyễn.

Đào Duy Từ còn tiến cử cho chúa Nguyễn một viên tướng tài ba, mưu lược là Nguyễn Hữu Tiến, quân lực của chúa Nguyễn từ đó ngày thêm mạnh. Đào Duy Từ chỉ giúp chúa Nguyễn 8 năm mà cơ nghiệp chúa Nguyễn thay đổi hẳn về chất, đất Đàng Trong trở nên có văn hiến và quy củ hơn trước nhiều.

Đối với lân bang, chúa Sãi chủ trương thân thiện với Chiêm Thành và Chân Lạp. Năm 1620, chúa gả công nữ Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp Chetta II (1618-1686) để tạo thuận lợi cho dân chúng vào khai khẩn đất hoang ở Thủy Chân Lạp. Năm 1631, chúa Sãi lại gả công nữ Ngọc Khoa cho vua Chiêm Pô Romê để củng cố nền hòa hiếu một thời gian khá dài giữa hai nước Chiêm - Việt.

Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, sinh 16/8/1563, mất ngày 19/12/1635 thọ 73 tuổi, ở ngôi chúa 22 năm. Sau triều Nguyễn truy tôn Hy tông Hiếu văn Hoàng đế. Chúa Sãi có 15 người con (11 con trai và 4 con gái).

2. Chúa Nguyễn Phúc Lan (chúa Thượng, 1635-1648)

Nguyễn Phúc Nguyên có 11 con trai. Nguyễn Phúc Lan là con trai thứ hai được truyền ngôi chúa.

Năm Ất Hợi (1635) chúa Sãi mất, Nguyễn Phúc Lan lên ngôi chúa gọi là chúa Thượng.

Nghe tin Phúc Lan nối nghiệp, hoàng tử thứ 3 là Nguyễn Phúc Anh đang trấn giữ Quảng Nam âm mưu phản nghịch, liên kết với chúa Trịnh đem quân vào đánh miền Nam. Phúc Anh sai đắp lũy Câu Ðê làm kế cố thủ. Phúc Lan đánh bắt được, không nỡ giết người ruột thịt, nhưng tướng sĩ và ông chú là Trường quận công Nguyễn Phúc Khê đều xin giết để trừ hậu hoạ. Chúa dù đau xót cũng phải nghe theo.

Năm Kỷ Mão (1639), Tống Thị (vợ góa của Phúc Anh) dâng cho chúa chuỗi hoa vòng ngọc liên châu rất đẹp. Chúa cầm lên ngửi thấy mùi hương thơm ngát xúc động lòng yêu. Tống Thị lại vào sụp lạy dưới thềm, thưa trình về tình cảnh góa bụa thảm thiết, nhan sắc lại cực kỳ diễm lệ. Chúa Thượng nổi tình riêng, sau đó mời nàng vào nội thất chung chăn gối.

Từ đó chúa rất mực sủng ái Tống Thị. Nàng trình bẩm việc gì chúa cũng nghe theo. Tống Thị lựa lời khéo léo để chúa vui lòng, nghĩ cách chiếm đoạt của cải của dân để làm giàu riêng. Các quan đại thần căm ghét Tống Thị, tìm cách can gián nhưng chúa không nghe. Cho hay, nhan sắc, gái đẹp có mãnh lực vô biên, làm lung lạc cả đấng quân vương.

Làm chúa được 9 năm, vị chúa đa tình này lập được chiến công vang dội. Lần đầu tiên trong lịch sử, thủy quân Việt Nam đã đánh thắng thủy quân Âu Châu.

Ðó là năm 1643, Hà Lan theo yêu cầu của chúa Trịnh đã cho 3 chiếc tàu đồng kiểu tròn, trang bị nhiều trọng pháo tiến vào cửa Eo (Thuận An) mưu đồ xâm lược nước ta.

Chúa Thượng họp quần thần bàn định có nên đưa chiến thuyền của mình ra đánh tàu Hà Lan hay không. Các quần thần không dám hứa là chắc thắng. Chúa hỏi một người Hà Lan đang giúp việc cho chúa. Người ấy tự phụ trả lời: Tầu Hà Lan chỉ sợ mãnh lực và quân đội của trời thôi. Nghe vậy, chúa cảm thấy bị xúc phạm. Ông thân hành đến Eo, ra lệnh cho thủy quân chèo thuyền ra đánh thẳng vào 3 chiếc tàu của Hà Lan.

Hàng trăm chiếc thuyền Việt Nam xông thẳng vào các chiếc tàu Hà Lan, mặc đại bác bắn ra như mưa. Bốn mặt tàu Hà Lan đều bị tấn công. Nhờ thuyền nhỏ cơ động, nhanh nhẹn nên mặc dù bị một số đạn, thuyền Việt Nam vẫn bao vây tấn công vào tàu Hà Lan quyết liệt. Chúng vô cùng kinh hoàng, không ngờ thủy quân chúa Nguyễn lại gan dạ đến thế. Chiếc nhỏ nhất vội luồn lách chạy thoát thân. Chiếc thứ hai thảng thốt đâm vào đá, cả đoàn thủy thủ và tàu chìm nghỉm xuống biển. Chiếc thứ 3 lớn nhất chống cự lại, các thủy quân chúa Nguyễn bám sát tàu bẻ bánh lái. Một số nhảy lên tàu, chặt gẫy cột buồm. Bị dồn vào thế tuyệt vọng, thuyền trưởng Hà Lan cho nổ kho thuốc súng. Thế là tất cả thủy thủ bị hoả thiêu chết la liệt trên biển. Có 7 tên trên tàu nhảy xuống biển, cố bơi thoát nhưng đều bị tóm cổ.

Thắng trận trở về, chúa Thượng dẫn 7 tên tù binh đến trước mặt người Hà Lan nói: "Cần chi mãnh lực và quân đội của trời mới phá được. Chiến thuyền của ta cũng khá đấy chứ."

Năm 1648, Trịnh Tráng cho các đạo quân thủy bộ đánh vào miền Nam. Bộ binh đóng ở đất Nam Bố Chính, còn thủy quân thì đánh vào cửa Nhật Lệ. Nguyễn Phúc Lan phải tự cầm quân đánh lại. Sau Phúc Lan thấy trong người không được khoẻ, mới trao binh quyền cho con trai là Nguyễn Phúc Tần và tướng Nguyễn Hữu Dật chỉ huy còn mình thì rút về. Ðến phá Tam Giang thì chúa mất, thọ đến 48 tuổi, ở ngôi chúa 13 năm. Sau triều Nguyễn truy tôn là Thần tôn Hiến chiêu Hoàng đế. Chúa Thượng có 4 người con (3 con trai, 1 con gái).

3. Nguyễn Phúc Tần (chúa Hiền, 1648-1687)

Nguyễn Phúc Tần sinh năm Canh Thìn (1620). Lúc đầu được phong Phó tướng Dũng lễ hầu, đã từng đánh giặc ở cửa biển, được chúa Phúc Lan rất khen ngợi. Năm Mậu Tý - 1648 được tấn phong là tiết chế chủ quân, thay Phúc Lan phá quân Trịnh ở sông Gianh. Bấy giờ ông 29 tuổi. Chúa Nguyễn Phúc Lan mất đột ngột, bày tôi tôn Nguyễn Phúc Tần lên ngôi chúa, gọi là chúa Hiền. Chúa Nguyễn Phúc Tần là người chăm chỉ chính sự, không chuộng yến tiệc vui chơi.

Phúc Tần biết tận dụng hai tướng tài giỏi là Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Hữu Tiến. Quân chúa Nguyễn nhiều lần vượt sông Gianh tiến ra đất Đàng Ngoài. Năm 1656, sau hai năm tấn công ta Bắc, quân Nguyễn đã chiếm được 7 huyện của Nghệ An. Tự thân Nguyễn Phúc Tần đã đem quân ra đến Nghệ An đóng tại xã Vân Cát, quân Nguyễn có thể tiến sâu thêm nữa, nhưng nghe tin Trịnh Tráng mất, con là Trịnh Tạc lên ngôi chúa đang chịu tang, chúa Nguyễn cho người sang điếu rồi rút quân về, lưu các tướng đóng đồn từ sông Lam trở về Nam, đắp lũy từ núi đến cửa biển để phòng ngự. Sau đợt tấn công đó, quân Nguyễn còn chiếm đất Nghệ An thêm 5 lần nữa, năm 1660 chúa Trịnh mới khôi phục lại được. Từ đó Trịnh - Nguyễn cầm cự nhau suốt mấy chục năm không phân thắng bại.

Năm Kỷ Mùi - 1679, chúa Nguyễn cho phép Dương Ngạn Địch, một tướng cũ của triều Minh cùng với Trần Thượng Xuyên đem gia thuộc hơn 3000 người và hơn 50 chiến thuyền đến khai phá vùng đất Gia Định - Mỹ Tho. Từ đó phố xá, chợ búa mọc lên sầm uất, thuyền buôn của các nước Thanh, Nhật Bản và các nước phương Tây ra vào tấp nập, do đó phong hóa ngày càng mở mang

Dưới thời chúa Hiền, nhiều kênh dẫn nước tưới ruộng được khơi đào, như Trung Đàn, Mai Xá. Bấy giờ bờ cõi được thái bình, thóc lúa được mùa. Chúa càng chăm lo chính sự, không xây đền đài, không gần gái đẹp, bớt lao dịch thuế khoá, nhân dân đều khen ngợi thời thái bình thịnh trị.

Năm Đinh Mão - 1687, chúa Hiền mất, thọ 65 tuổi, ở ngôi chúa 39 năm. Triều Nguyễn truy tôn ông là Thái tông hiền triết hoàng đế. Chúa Hiền có 9 người con (6 con trai, 3 con gái).

4. Nguyễn Phúc Thái (chúa Nghĩa, 1687-1691)

Nguyễn Phúc Tần có 6 người con trai, Nguyễn Phúc Thái là con thứ 2 của bà vợ thứ hai người họ Tống, nhưng lớn tuổi và hiền đức. Khi Nguyễn Phúc Tần mất, Thái đã 39 tuổi.

Nguyễn Phúc Thái nổi tiếng là người rộng rãi, hình phạt và phú thuế đã nhẹ, trăm họ ai cũng vui mừng. Quan lại cũ của triều trước đều được trọng đãi.

Người đời sau nhắc đến chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái là nhớ chúa đã dời phủ từ Kim Long về Phú Xuân địa thế bằng phẳng, đẹp đẽ, tiếp nối nhiều đời chọn làm kinh đô.

Chúa không thọ được lâu. Sau 4 năm ở ngôi chúa, năm Tân Mùi - 1691, Nguyễn Phúc Thái mất, thọ 43 tuổi. Triều Nguyễn truy tôn ông là Anh tông hiếu nghĩa hoàng đế. Chúa Nghĩa có 10 người con (5 con trai, 5 con gái).

5. Nguyễn Phúc Chu (chúa Quốc, 1691-1725)

Nguyễn Phúc Chu là con cả Nguyễn Phúc Thái, sinh năm Ất Mão - 1675, được ăn học khá cẩn thận vì thế văn hay chữ tốt, đủ tài lược văn võ. Khi nối ngôi Chúa mới 17 tuổi.

Chúa Nguyễn Phúc Chu mộ đạo Phật. Năm 1710 chúa sai đúc chuông lớn nặng tới 3.285 cân, đặt ở chùa Thiên Mụ và xây dựng một loạt chùa miếu khác. Chúa cho mở hội lớn ở chùa Thiên Mụ, chùa núi Mỹ An. Tự chúa cũng ăn chay ở vườn Côn Gia một tháng trời. Chúa phát tiền gạo cho người nghèo. Đây là thời kỳ mà chiến tranh Trịnh - Nguyễn đã tạm ngừng hơn 30 năm, đất nước bình yên, chúa Nguyễn Phúc Chu có điều kiện mở mang đất đai về phía Nam và đạt được những thành tựu đáng kể: đặt phủ Bình Thuận năm Đinh Sửu - 1697 gồm đất Phan Rang, Phan Rí, chia làm hai huyện An Phúc và Hòa Đa; bắt đầu đặt phủ Gia Định, chia đất Đông Phố lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long; dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hoà) lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình; dựng dinh Phiên Trấn; lập xã Minh Hương... Từ đó người Thanh đi lại buôn bán rất sầm uất.

Năm 1702, Công ty Ấn Độ của Anh do Allen Catohpole đem 200 quân đến chiếm đảo Côn Lôn, chúa Quốc lập tức sai con là Nguyễn Phúc Phan dùng mưu đánh đuổi ra khỏi đảo.

Năm 1708, chúa Quốc dùng Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên.

Năm 1709, chúa Quốc cho đúc ấn Quốc Bửu "Đại Việt Quốc, Nguyễn Phúc Vĩnh Trấn chi bửu" ấn ấy về sau trở thành vật báu truyền ngôi. Năm 1714, chúa Quốc đại trùng tu chùa Thiên Mụ và đi thăm phố Hội An. Nhân thấy cầu do người Nhật làm tụ tập nhiều thuyền buôn các nước, chúa bèn đặt là Lai Viễn Kiều và ban biển chữ vàng ngày nay vẫn còn biển đó.

Ngày 1/6/1725, chúa Quốc mất, thọ 51 tuổi, ở ngôi 34 năm. Sau triều Nguyễn truy tôn là Hiến Tông Hiếu Minh Hoàng đế. Chúa Quốc có 42 người con (38 con trai và 4 con gái).

6. Nguyễn Phúc Thụ (Ninh Vương, 1725-1738)

Nguyễn Phúc Thụ (nhiều sách viết là Chú) sinh ngày 14/1/1697, là con trai cả của chúa Quốc, khi chúa Quốc mất được lên ngôi Chúa lúc đó đã 30 tuổi, xưng hiệu là Ninh Vương.

Năm Quý Sửu - 1733, chúa cho đặt đồng hồ mua của Tây phương ở các dinh và các đồn tàu dọc biển. Sau có người thợ thủ công là Nguyễn Văn Tú chế tạo được chiếc đồng hồ y hệt.

Năm Bính Thìn - 1736, Mạc Cửu mất, con trai là Mạc Thiên Tứ được chúa cho làm Đô đốc trấn Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ là một nhà cai trị giỏi, mà lại văn thơ hay, Mạc Thiên Tứ mở Chiêu Anh Các để tụ họp các văn nhân thi sĩ cùng nhau xướng hoạ. Mạc Thiên Tứ để lại 10 bài thơ ca ngợi phong cảnh đẹp của Hà Tiên (Hà Tiên thập vịnh).

Ngày 7/6/1738, Ninh Vương mất, thọ 42 tuổi, ở ngôi 13 năm. Sau triều Nguyễn truy tôn là Túc Tông Hiếu Ninh Hoàng đế. Ninh Vương có 9 người con (3 con trai, 6 con gái).

7. Nguyễn Phúc Khoát (Võ Vương, 1738-1765)

Nguyễn Phúc Khoát, sinh năm Giáp Ngọ (1714), là con trưởng của Ninh Vương được lên ngôi chúa ngày 7/6/1738, lấy hiệu là Từ Tế Đạo nhân. Năm Giáp Tý (1744), Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi vương xưng là Võ Vương cho đúc ấn Quốc Vương. Xuống chiếu bố cáo thiên hạ, lấy Phú Xuân làm kinh đô.

Từ năm Giáp Tuất (1754), để xứng đáng với kinh đô của Nguyễn Vương, Phú Xuân được xây dựng thêm hàng loạt cung điện theo quy mô đế vương. Đặc biệt chiếc áo dài Việt Nam tha thướt xinh đẹp như hiện nay, phải trải qua một quá trình phát triển, nó được hình thành từ đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát.

Năm 1757, Võ Vương đặt Rạch Giá làm đạo Kiên Giang, Cà Mau làm đạo Long Xuyên.

Ngày 7/6/1765, Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát mất, thọ 52 tuổi, nối ngôi được 27 năm.

Triều Nguyễn truy tôn ông là Thế tông Hiếu vũ Hoàng đế. Võ Vương có 30 người con (18 con trai, 12 con gái).

8. Nguyễn Phúc Thuần (Định Vương, 1765-1777)

Nguyễn Phúc Thuần sinh ngày 31/12/1753, là con thứ 16 của Nguyễn Phúc Khoát.

Võ Vương lúc đầu lập con thứ 9 là Phúc Hiệu làm thái tử, nhưng Hiệu mất sớm, con trai Hiệu là Hoàng tôn Phúc Dương còn thơ ấu mà hoàng tử cả là Chương cũng đã mất. Hoàng tử thứ hai là Nguyễn Phúc Luân cũng rất khôi ngô tuấn tú, theo thứ tự sẽ phải lập Hoàng tôn Dương hoặc Phúc Luân lên ngôi nên đã trao Luân cho một thầy học nổi tiếng là Trương Văn Hạnh dạy bảo. Nhưng khi Võ Vương mất, tình hình lại đảo ngược. Quyền thần Trương Phúc Loan không muốn lập Phúc Luân vì Luân đã lớn tuổi, khó bề lộng hành. Trương Phúc Loan lại chọn Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên ngôi vua.

Phúc Luân không được lập mà còn bị bắt giam. Trương Văn Hạnh cũng bị giết chết.

Nguyễn Phúc Thuần còn nhỏ tuổi, mọi quyền hành đều do Trương Phúc Loan sắp đặt. Loan tự phong là Quốc phó. Loan thâu tóm toàn bộ từ chính sự đến kinh tế. Các nguồn lợi chủ yếu của vương quốc Đàng Trong đều rơi vào tay Trương Phúc Loan và họ hàng của hắn.

Ngày nắng, Loan cho đem phơi của cải quý báu làm sáng rực cả một góc trời. Có tiền, có quyền, Loan mặc sức hoành hành ngang ngược, người người ai nấy đều oán giận.

Nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Nhạc cầm đầu ở Quy Nhơn được nhân dân đồng tình ủng hộ ngày càng lớn mạnh. Thêm vào đó, tháng 5 năm Giáp Ngọ (1774) Chúa Trịnh lại cho đại quân vào đánh Nguyễn. Cả nghĩa quân Tây Sơn lẫn quân Trịnh đều nêu khẩu hiệu : "Trừ khử quyền thần Trương Phúc Loan và tôn phò Hoàng tôn Dương". Chiến tranh loạn lạc lại nổ ra, đất Thuận Hóa trước trù phú là thế mà nay trăm bề xơ xác tiêu điều, người chết đói đầy đường. Trước tình cảnh đó, không có cách nào khác, tôn thất nhà Nguyễn cùng nhau lập tức bắt trói Trương Phúc Loan nộp cho quân Trịnh. Tháng 12 năm 1974, quân Trịnh chiếm được Phú Xuân và đặt quan cai trị Thuận Hoá. Trong số quan lại nhà Trịnh cử vào trấn thủ Thuận Hóa có Lê Quý Đôn (1776).

Nghĩa quân Tây Sơn tìm cách hòa hoãn với quân Trịnh để yên mặt Bắc và rảnh tay đánh Nguyễn ở phía Nam.

Đại quân Tây Sơn cả thủy lẫn bộ đánh vào Gia Định. Chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy về Định Tường rồi lại chạy sang Long Xuyên. Tháng 9 năm Đinh Dậu (1777), quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ thống lĩnh đánh chiếm Long Xuyên, chúa Nguyễn bị chết trận. Như vậy Nguyễn Phúc Thuần ở ngôi chúa được 12 năm, thọ 24 tuổi không có con nối. Sau triều Nguyễn truy tôn là Duệ Tông Hiếu định Hoàng đế. Định vương Nguyễn Phúc Thuần chết, kết thúc giai đoạn lịch sử của 9 đời chúa Nguyễn Đàng Trong.

Mời các bạn tham khảo thêm:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
5
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Lịch Sử Việt Nam

    Xem thêm