Lịch sử Việt Nam thời kỳ Trưng Nữ Vương

Thời kỳ lịch sử Hai bà Trưng chính là giai đoạn lịch sử xen giữa Bắc thuộc lần 1 và Bắc thuộc lần 2 trong lịch sử Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về lịch sử Việt Nam thời kỳ Trưng nữ vương, mời các bạn cùng theo dõi bài viết sau đây của VnDoc.

Hai Bà Trưng là thời kỳ xen giữa Bắc thuộc lần 1 và Bắc thuộc lần 2 trong lịch sử Việt Nam. Đây là tên gọi chung của hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị, là anh hùng dân tộc của người Việt, những thủ lĩnh khởi binh chống lại nhà Đông Hán của Trung Quốc, lập ra một quốc gia với kinh đô tại Mê Linh và tự phong là Nữ vương.

Sau khi cuộc khởi nghĩa này bị quân Đông Hán dưới sự chỉ huy của Mã Viện đánh bại, tục truyền rằng vì không muốn chịu khuất phục, Hai Bà Trưng đã gieo mình xuống dòng sông Hát Giang tuẫn tiết, địa danh Hát Môn - Hát Giang là nơi thánh tích Hai Bà dựng cờ khởi nghĩa chống quân Đông Hán xâm lược và cũng là nơi Hai Bà hóa thân vào cõi bất diệt. Đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ công nhận tại QĐ số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013, ngôi đền Hát Môn cổ kính với nhiều hàng cây cổ thụ, khung cảnh trang nghiêm yên tĩnh quanh năm. Đại Việt Sử ký Toàn thư coi Trưng Trắc là một vị vua trong lịch sử Việt Nam.

Ngoài chính sử, cuộc đời và sự nghiệp của Hai Bà Trưng được phản ánh trong rất nhiều ngọc phả và thần phả. Vì sự thiếu thống nhất giữa các nguồn tài liệu, nhiều sử gia đã dùng nguồn thần phả, ngọc phả bổ sung cho cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Lịch sử Việt Nam thời Hai Bà Trưng

1. Nguồn gốc, tên gọi

Quận Giao Chỉ được xác định vị trí là đất Bắc Bộ Việt Nam và một phần phía tây nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) hiện nay. Bộ sử cổ nhất của Việt Nam đề cập đề cập đến Hai Bà Trưng là Đại Việt sử lược. Theo sách này, Trưng Trắc là con gái Lạc tướng ở Mê Linh, lấy chồng là Thi Sách ở huyện Chu Diên.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Hai Bà Trưng vốn họ Lạc, là dòng dõi Lạc tướng ở Mê Linh. Trưng Trắc là vợ của Thi Sách ở huyện Chu Diên. Thi Sách cũng là con Lạc tướng, con hai nhà tướng kết hôn với nhau. Khi lên ngôi, Hai Bà mới đổi sang họ Trưng .

Truyền thuyết xác nhận quê nội Hai Bà ở làng Hạ Lôi và quê ngoại hai Bà ở làng Nam Nguyễn thuộc Ba Vì, Hà Nội.

Mẹ Hai Bà là Man Thiện, được thần phả ghi tên là Trần Thị Đoan.

Tuy nhiên, theo các sử gia hiện đại, thời đầu công nguyên, người Việt chưa có họ. Tên Trần Thị Đoan của mẹ hai Bà chỉ là tên thần phả đặt sau này, khoảng thế kỷ 17, 18. Cả tên Man Thiện nghĩa là người Man tốt, có thể do người Hán gọi. Còn tên của hai Bà, có nguồn gốc từ nghề dệt lụa truyền thống của Việt Nam, tương tự như cách đặt tên theo các loài cá của các vua nhà Trần sau này vốn xuất thân từ nghề chài lưới. Xưa kia nuôi tằm, tổ kén tốt gọi là kén chắc, tổ kén kém hơn gọi là kén nhì; trứng ngài tốt gọi là trứng chắc, trứng ngài kém hơn gọi là trứng nhì. Do đó, theo Nguyễn Khắc Thuần, tên hai bà vốn rất giản dị là Trứng Chắc và Trứng Nhì, phiên theo tiếng Hán gọi là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Khi chữ Hán chưa được truyền bá hoặc chưa có điều kiện thấm sâu vào nhận thức xã hội thì xu hướng đặt tên người rất giản dị và mộc mạc, thể hiện sự gắn bó với cuộc sống đời thường và xu hướng này còn tiếp tục trong các thế hệ sau. Sau này các sử gia phương Bắc viết chệch tên hai bà thành Trắc và Nhị với nghĩa “phản trắc” và “nhị tâm”.

Tên của ông Thi Sách, theo Thủy kinh chú của Trung Quốc xác định: chồng bà Trưng Trắc tên là Thi.

2. Khởi nghĩa hai bà Trưng

Do chính sách đồng hóa gắt gao và bóc lột hà khắc của nhà Đông Hán đối với người Việt tại Giao Chỉ đương thời, các Lạc tướng người Việt liên kết với nhau để chống lại nhà Hán. Trưng Trắc kết hôn với con trai Lạc tướng ở Chu Diên là Thi Sách, hai nhà cùng có chí hướng chống Hán. Khoảng năm 39-40, nhằm trấn áp người Việt chống lại, Thái thú Tô Định giết Thi Sách.

Trưng Trắc và các Lạc tướng càng căm thù, cùng Trưng Nhị mang quân bản bộ về giữ Hát Giang nay là xã Hát Môn huyện Phúc Thọ Hà Nội. Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 2 năm 40, Trưng Trắc cùng Trưng Nhị chính thức phát động khởi nghĩa chống lại nhà Đông Hán. Cuộc khởi nghĩa được sự hưởng ứng của nhiều đội quân và nhân dân các nơi thuộc Âu Lạc và Nam Việt cũ. Quân Hai Bà đánh hãm trị sở Luy Lâu.

Tô Định phải chạy về Nam Hải (Trung Quốc). Các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng. Hai bà lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam. Trưng Trắc tự lập làm vua, xưng là Trưng Nữ Vương (hay Trưng Vương).

3. Cai trị

Hai Bà Trưng cai trị lãnh thổ vùng Lĩnh Nam của người Việt tương đương với Bộ Giao Chỉ của nhà Hán trong 3 năm. Thời gian cai trị ngắn ngủi và phải toan tính chuẩn bị chống lại cuộc chiến của nhà Hán khiến Hai Bà Trưng không có hoạt động gì đáng kể trong việc xây dựng lãnh thổ mà mình cai quản.

4. Hành chính thời kỳ hai bà Trưng

Do thời gian cai trị của Hai Bà Trưng không dài và không còn tài liệu để khôi phục lại hệ thống tổ chức bộ máy thời Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, các sử gia căn cứ trên các sử liệu liên quan đến sự cai trị của nhà Hán trước và sau thời Hai Bà Trưng cho rằng, về cơ bản Hai Bà Trưng vẫn duy trì hệ thống quản lý của nhà Hán trước đó, do người Việt nắm giữ.

Các quận, huyện do nhà Hán lập ra trên đất Âu Lạc và Nam Việt cũ, trên cơ sở các “bộ” thời Văn Lang và Âu Lạc được kế thừa. Sử sách xác nhận Hai Bà đóng đô ở huyện Mê Linh thuộc quận Giao Chỉ.

5. Chống Hán

Ngày 30 tháng 1 năm Tân Sửu, nhà Hán thấy bà xưng vương dấy quân đánh lấy các thành ấp, nên hạ lệnh cho các quận Trường Sa, Hợp Phố và Giao Châu sắp sẵn xe thuyền, sửa sang cầu đường, thông các núi khe, chứa thóc lương, cho Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, Phù Lạc hầu Lưu Long làm phó tướng sang xâm lược.

Cánh quân bộ tiến vào vùng Đông Bắc Mã Viện tiến theo đường ven biển, san núi làm đường hơn nghìn dặm, đến Lãng Bạc (ở phía tây Tây Nhai của La Thành) đánh nhau với vua. Quân Nam bấy giờ ô hợp, rất nhiều thủ lĩnh không phục hai vua là đàn bà, lớp tan rã, lớp tự ly khai. Hai bà thấy thế giặc mạnh lắm, không chống nổi, bèn lui quân về giữ Cấm Khê (sử chép là Kim Khê).

Năm Quý Mão, Hai Bà Trưng chống cự lại với quân nhà Hán ở Cấm Khê, thế cô bị thua, đều tử trận.

Tướng Đô Dương tiếp tục cầm quân chống lại quân Hán đến cuối năm 43. Mã Viện đuổi theo đánh quân còn sót lại huyện Cư Phong, cuối cùng lực lượng này cũng bị dẹp. Ngoài các cừ súy bị giết, hơn 300 cừ súy người Việt bị bắt và đày sang Linh Lăng (Hồ Nam). Mã Viện thu gom, phá hủy nhiều trống đồng và đúc rồi dựng cột đồng (tương truyền ở trên động Cổ Lâu châu Khâm) làm giới hạn cuối cùng của nhà Hán, và khắc lên đó dòng chữ thề: "Cột đồng gãy thì Giao Chỉ diệt" (Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt).

Từ đây, nước Việt lại thuộc quyền kiểm soát của nhà Hán, bắt đầu thời Bắc thuộc lần 2. Thời kỳ Hai Bà Trưng chỉ kéo dài được hơn 3 năm.

Sau khi Hai Bà Trưng thất bại, chế độ giao quyền cai quản cấp huyện ở Bộ Giao Chỉ cho các Lạc tướng không còn, quyền lực của các Lạc tướng, Lạc hầu bị thủ tiêu. Theo như cách gọi của sử gia Madrolle thì chế độ bảo hộ chấm dứt, bắt đầu chế độ cai trị trực tiếp. Nhà Hán đặt quan lại cai trị đến cấp huyện.

Mời các bạn tham khảo thêm:

Đánh giá bài viết
12 1.607
Sắp xếp theo

Lịch Sử Việt Nam

Xem thêm