Lịch sử Việt Nam thời nhà Hồ
Nhà Hồ (Hồ triều) là triều đại quân chủ trong lịch sử Việt Nam, bắt đầu khi Hồ Quý Ly lên ngôi năm 1400 sau khi giành được quyền lực từ tay nhà Trần và chấm dứt khi Hồ Hán Thương bị quân Minh bắt vào năm 1407 – tổng cộng là 7 năm. Quốc hiệu Đại Việt đã đổi thành Đại Ngu năm 1400.
Nhà Hồ (1400-1407)
Quốc hiệu Đại Ngu, kinh đô Tây Đô (Thanh Hóa), 7 năm, 2 đời vua
1. Hồ Quý Ly (Thánh Nguyên, 1400-1401)
Hồ Quý Ly tự là Thánh Nguyên, cháu 16 đời của Trạng nguyên Hồ Hưng Dật, vốn gốc thuộc tộc Việt ở Chiết Giang, phương nam Trung Quốc, đời Hậu Hán (thời Ngũ Quý) sang làm Thái thú Diễn Châu, sau định cư ở hương Bào Đột (Nghĩa Đàn, Nghệ An).
Hồ Quý Ly là nhân vật thông minh lỗi lạc, ông đã đề ra nhiều cải cách táo bạo. Ông ra sách Minh Đạo để phê phán hệ tư tưởng Tống Nho, phục vụ cho những cải cách mới như hạn điền, hạn nô, sa thải tăng lữ để hạn chế phong kiến quý tộc, đồng thời tăng thêm lực lượng lao động xã hội góp phần giải phóng sức sản xuất, sức lao động.
Nhà Hồ cho đo đạc lại ruộng đất, điều tra dân số để nắm chắc tài sản và sức lao động toàn xã hội, phát hành tiền giấy, giải quyết khó khăn về tài chính quốc gia và thuận tiện cho việc lưu thông hàng hoá.
Cải cách chế độ thi cử, mở mang việc giáo dục, để đào tạo nhân tài, lập Quảng tế thự để chữa bệnh cho nhân dân đều là những cải cách tiến bộ.
Nhà Hồ định ra hình luật để củng cố, tăng cường bộ máy và quyền lực của triều đình trung ương, quan tâm đến giao thông thủy lợi, đào sông, đắp đường thiên lý, đặt phố xá, đặt trạm công văn.
Về quân sự thì tăng cường quân đội thường trực, xây dựng các tuyến phòng thủ, lập xưởng đúc binh khí kỹ thuật để chống giặc phương Bắc.
Các cải cách của Hồ Quý Ly có tính chất toàn diện, có những cải cách đi trước thời đại, giá trị thực tiễn của nó đến nay vẫn còn hấp dẫn, nhiều nhà kinh tế nước ngoài đã ca ngợi Hồ Quý Ly là một nhà cải cách kinh tế lớn. Nhưng Hồ Quý Ly mắc tội giết vua Thiếu Đế cùng tôn tộc và quan lại nhà Trần, kể cả tướng Trần Khát Chân, gồm hơn 370 người để cướp ngôi nhà Trần. Do vậy bị nhân dân oán hận. Khi quân Minh sang xâm lược nước ta, Hồ Quý Ly đã không tập hợp được lực lượng toàn dân đánh giặc, bố con Hồ Quý Ly bị quân Minh bắt đem về Trung Quốc.
2. Hồ Hán Thương (1401-1407)
Cũng như nhà Trần, ngày 12/1/1401, Hồ Quý Ly nhường ngôi cho con thứ hai là Hồ Hán Thương, còn mình thì tự xưng là Thái Thượng hoàng cùng coi chính sự.
Hồ Hán Thương là con công chúa Huy Ninh, cháu ngoại của vua Trần Minh Tông.
Hồ Quý Ly nhường ngôi cho Hồ Hán Thương, nhưng vẫn tự mình quyết đoán mọi việc.
Nhà Minh lấy cớ Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, đem quân sang đánh chiếm nước ta.
Tháng 9/1406, Nhà Minh sai Tân Thành hầu Trương Phụ đem 40 vạn quân đánh vào cửa ải Pha Luỹ (tức là Hữu Nghị quan ngày nay).
Nhà Minh còn sai Tây Bình hầu Mộc Thạnh cũng đem 40 vạn quân đánh vào cửa ải Phú Lệnh (gần thị xã Hà Giang ngày nay).
Tháng 12, quân Minh đã chiếm được Việt Trì. Nhà Hồ chống giữ không nổi 80 vạn quân Minh, bỏ chạy vào Thanh Hoá.
Ngày 20 tháng 1 năm 1407, quân Minh hạ thành Đa Bang (Ba Vì), bố con Hồ Quý Ly bỏ chạy vào Thanh Hoá, đến ngày 17/6/1407, quân Minh bắt được cha con Hồ Quý Ly. Thế là đất nước ta lại bị nhà Minh đô hộ với một chính sự vô cùng hà khắc. Chúng vơ vét của cải, hãm hiếp đàn bà, con gái, giết đàn ông và còn thiến hoạn nhiều con trai nhỏ tuổi, để mong đồng hóa dân ta.
3. Đời sống văn hóa xã hội thời nhà Hồ
Kinh tế
Việc đổi tiền được Hồ Quý Ly khởi xướng thực hiện từ trước khi nhà Hồ được chính thức thành lập (1400). Năm 1396, tháng 4, Hồ Quý Ly khi đó nắm toàn quyền điều hành nhà Trần bắt đầu phát tiền giấy Thông bảo hội sao. Cứ 1 quan tiền đồng đổi lấy 1 quan 2 tiền giấy. Cấm tuyệt tiền đồng, không được chứa lén, tiêu vụng, tất cả thu hết về kho Ngao Trì ở kinh thành và trị sở các xứ. Kẻ nào vi phạm cũng bị trị tội chết như làm tiền giả.
Thể thức tiền giấy: tờ 10 đồng vẽ rong, tờ 30 đồng vẽ sóng, tờ 1 tiền vẽ mây, tờ 2 tiền vẽ rùa, tờ 3 tiền vẽ lân, tờ 5 tiền vẽ phượng, tờ 1 quan vẽ rồng. Kẻ làm tiền giả bị tội chết, ruộng đất, tài sản tịch thu.
Tuy nhiên, việc dùng tiền giấy không được sự ủng hộ của dân chúng và nhà Hồ đã thất bại trong cuộc cải cách tiền tệ này. Thực tế, đến năm 1403, tức sau bảy năm ban hành, tiền giấy vẫn không được ưa dùng, và do nhà nước cấm tiền đồng, nhân dân buộc phải trao đổi theo hình thức hàng đổi hàng. Nhà nước đã phải định giá tiền giấy cho trao đổi, lập điều luật định tội không tiêu tiền giấy.
Việc thi cử
Từ cuối thời Trần (1396), Hồ Quý Ly đã thay đổi chế độ thi cử, bỏ cách thi ám tả cổ văn chuyển sang tứ trường văn thể.
Năm 1404, Hồ Hán Thương định thể thức thi chọn nhân tài: Cứ tháng 8 năm trước thi Hương, ai đỗ thì được miễn tuyển bổ; lại tháng 8 năm sau thi Hội, ai đỗ thì thi bổ thái học sinh. Rồi năm sau nữa lại bắt đầu thi hương như hai năm trước. Phép thi phỏng theo lối văn tự ba trường của nhà Nguyên nhưng chia làm 4 kỳ, lại có kỳ thi viết chữ và thi toán, thành ra 5 kỳ. Quan nhân, người làm trò, kẻ phạm tội đều không được dự thi.
Tháng 8 năm 1400, Hồ Quý Ly mở khoa thi Thái học sinh. Lấy đỗ Lưu Thúc Kiệm, Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên, Hoàng Hiến, Nguyễn Thành, Nguyễn Nhữ Minh (Nguyễn Quang Minh) v.v gồm 20 người. Tháng 8 năm 1405, Hồ Hán Thương sai bộ Lễ thi chọn nhân tài, đỗ được 170 người. Lấy Hồ Ngạn, Lê Củng Thần sung làm Thái học sinh lý hành; Cù Xương Triều và 5 người khác sung làm Tư Thiện đường học sinh.
Tôn giáo
Nhà Hồ không tôn sùng đạo Phật như trước mà tôn trọng Nho giáo hơn. Năm 1396, theo lời Hồ Quý Ly, vua Trần Thuận Tông đã xuống chiếu sa thải các tăng đạo chưa đến 50 tuổi trở xuống, bắt phải hoàn tục. Lại thi những người thông hiểu kinh giáo, ai đỗ thì cho làm Đường đầu thủ (Tăng đường đầu mục), tri cung, tri quán, tri tự, còn thì cho làm kẻ hầu của người tu hành.
Vậy là sau khi xem hết bài viết trên đây của VnDoc bạn cũng đã phần nào hiểu hơn về bối cảnh lịch sử thời nhà Hồ cũng như các nét văn hóa, hoạt động giao thương trong thời kỳ này. Ngoài ra để tìm hiểu thêm các thông tin bổ ích khác, mời các bạn tham khảo thêm chuyên mục Tài liệu của VnDoc.