Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Lương dạy lâu năm chỉ bằng giáo viên mới từ ngày 20/3/2021?

Lương dạy lâu năm chỉ bằng giáo viên mới từ ngày 20/3/2021? khi Thông tư: 01, 02, 03, 04 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực. Vậy thực hư chuyện này như thế nào. Mời các thầy cô cùng tìm hiểu sau đây.

1. Giáo viên dạy lâu năm bằng lương giáo viên mới ra trường?

Có nhiều ý kiến cho rằng, khi bốn Thông tư 01, 02, 03 và 04 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về bổ nhiệm, xếp lương cho giáo viên các cấp có hiệu lực từ ngày 20/3/2021 thì giáo viên giảng dạy lâu năm sẽ chỉ được hưởng lương bằng giáo viên mới ra trường.

Cụ thể, về việc xếp lương cho một số đối tượng giáo viên giảng dạy lâu năm, hiện đang xếp lương ở các bậc sau, khi được bổ nhiệm sang hạng mới thì căn cứ vào hệ số lương hiện hưởng, nếu chưa nhận phụ cấp thâm niên vượt khung sẽ được xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở hạng mới.

Ví dụ:

- Giáo viên tiểu học hạng II cũ, xếp lương ở bậc 6 hệ số 3,99 khi đáp ứng đủ điều kiện và được bổ nhiệm sang hạng II mới sẽ áp dụng hệ số lương 4,0, bậc 1.

- Giáo viên trung học cơ sở (THCS) hạng II cũ, hệ số 3,66 bậc 5 khi đáp ứng đủ điều kiện thì được bổ nhiệm vào giáo viên THCS hạng II mới, hệ số 4,0, bậc 1…

Tuy nhiên, bốn Thông tư nêu trên chỉ quy định về mức lương theo công thức: Lương = Hệ số x Lương cơ sở. Trong khi đó, ngoài “lương cứng” này, giáo viên còn được hưởng các khoản phụ cấp và khoản chi ngoài lương khác.

Cụ thể, một trong những khoản phụ cấp mà giáo viên giảng dạy lâu năm được hưởng mà giáo viên mới ra trường chưa được hưởng là phụ cấp thâm niên.

Theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, để thực hiện cải cách tiền lương, các chế độ phụ cấp lương hiện hành sẽ được sắp xếp lại. Trong đó, phụ cấp thâm niên sẽ bị bãi bỏ:

Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức

Đồng thời, trong Điều 76 của Luật Giáo dục năm 2019, trong cơ cấu tiền lương của giáo viên cũng không còn đề cập đến phụ cấp thâm niên.

Tuy nhiên, do tình hình Covid-19 đầu năm 2020 đến nay diễn biến phức tạp nên tại Hội nghị Trung ương 13, Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua việc lùi thời điểm cải cách tiền lương đến 01/7/2022.

Không chỉ vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo, xin ý kiến của các Bộ liên quan và đều nhận được sự đồng thuận về vấn đề này.

Do đó, có thể thấy, đến 01/7/2022, phụ cấp thâm niên của giáo viên mới chính thức bị bãi bỏ. Hiện nay, giáo viên các cấp vẫn đang được hưởng phụ cấp thâm niên cùng các khoản phụ cấp khác.

Như vậy, hiện nay, lương giáo viên sẽ được tính theo công thức sau đây:

Lương = Hệ số x Mức lương cơ sở + các loại phụ cấp (Thâm niên + giảng dạy…) - tiền đóng bảo hiểm xã hội

Trong đó:

- Mức lương cơ sở hiện đang áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP;

- Hệ số hiện đang được tính theo từng hạng quy định tại các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22 và 23.. Sắp tới đây, từ ngày 20/3/2021, giáo viên các cấp sẽ được chuyển hạng và bổ nhiệm sang hạng mới với hệ số lương nêu tại Thông tư số 01, 02, 03 và 04.

- Các loại phụ cấp: Bởi hiện nay, phụ cấp thâm niên vẫn được áp dụng nên tùy vào từng trường hợp, giáo viên có thể được hưởng các loại phụ cấp như: Phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, phụ cấp khu vực…

- Tiền đóng bảo hiểm xã hội: Giáo viên phải đóng bảo hiểm xã hội với các khoản hưu trí, tử tuất là 8%; bảo hiểm thất nghiệp là 1% và bảo hiểm y tế là 1,5%.

Như vậy, hiện tại hay thậm chí từ ngày 20/3/2021 tới đây, giáo viên dạy lâu năm vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định hiện nay. Do đó, không có chuyện giáo viên lâu năm hưởng bằng lương của giáo viên mới ra trường từ ngày 20/3/2021.

2. Cắt phụ cấp thâm niên cũng bỏ luôn lương tính theo hệ số?

Theo phân tích ở trên, đến 01/7/2022, phụ cấp thâm niên của giáo viên sẽ bị bãi bỏ theo tinh thần của Nghị quyết số 27. Tuy nhiên, cần phải lưu ý, theo Nghị quyết 27, không chỉ phụ cấp thâm niên của giáo viên mà việc xếp lương mới của giáo viên cũng thay đổi.

Theo đó, chính sách tiền lương của giáo viên sẽ được cải cách theo hướng xây dựng 01 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp giáo viên theo nguyên tắc:

- Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau;

- Điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề;

- Sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

- Việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp.

Đồng thời, quy định mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Bởi vậy, Nghị quyết này nêu rõ: Bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.

Như vậy, cùng với việc loại bỏ phụ cấp thâm niên của giáo viên thì thời điểm 01/7/2022 cũng là thời điểm mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay cũng bị bãi bỏ. Thay vào đó, giáo viên sẽ được xếp lương bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.

5 bảng lương mới dự kiến năm 2022 như sau

- 1 Bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.

- 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.

- 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang, gồm

  • 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm);
  • 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an;
  • 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an (trong đó giữ tương quan tiền lương của lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay).

>> Xem thêm: 5 bảng lương 2022

Nói tóm lại: Từ nay đến 01/7/2022, giáo viên vẫn được hưởng lương theo quy định tại bốn Thông tư mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành cùng với các khoản phụ cấp hiện hưởng. Từ ngày 01/7/2022 trở đi, dự kiến mức lương cơ sở và phụ cấp thâm niên bị bãi bỏ thì giáo viên có thể được hưởng lương theo số tiền cụ thể trong bảng lương mới sau cải cách tiền lương.

3. Tất cả giáo viên được "xóa bỏ” chứng chỉ tin học, ngoại ngữ

Một trong những niềm vui đến với toàn thể giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ yêu cầu về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng.

Nếu trước đây, tất cả giáo viên đều phải có chứng chỉ ngoại ngữ tính theo khung năng lực ngoại ngữ 06 bậc dùng cho Việt Nam đạt một trình độ tương đương với hạng đang giữ hoặc tiếng dân tộc nếu vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc.

Riêng giáo viên dạy ngoại ngữ thì phải có ngoại ngữ thứ hai đạt yêu cầu tương đương với hạng đang giữ theo khung năng lực ngoại ngữ sáu bậc dùng cho Việt Nam.

Đồng thời, tin học phải có chứng chỉ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản.

Tuy nhiên, những yêu cầu chứng chỉ này chỉ được nêu tại các Thông tư liên tịch 20, 21, 22 và 23 sẽ hết hiệu lực vào ngày 20/3/2021 và bị thay thế bởi các Thông tư 01, 02, 03 và 04.

Do đó, kể từ ngày 20/3/2021, giáo viên các cấp không còn cần phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học mà thay vào đó là phải có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của cấp giáo dục và hạng tương ứng cũng như có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao.

Tất cả các tài liệu về Văn bản Giáo dục đào tạo, Chế độ quyền lợi của giáo viên, công chức, viên chức được VnDoc cập nhật và đăng tải thường xuyên. Chi tiết nội dung của các Văn bản, Thông tư mời các bạn cùng theo dõi và tải về sử dụng.

Xem thêm các tài liệu Dành cho Giáo viên chi tiết:

Đánh giá bài viết
3 105.740
Sắp xếp theo

    Văn bản giáo dục

    Xem thêm