Nghị luận xã hội về vấn đề: Có phải lúc nào cũng nên theo đuổi đam mê

Nghị luận Có phải lúc nào cũng nên theo đuổi đam mê là tài liệu học tập được VnDoc biên soạn chi tiết, nhằm giúp các bạn học sinh học tốt môn Ngữ văn lớp 11. Mời các bạn tham khảo!

1. Dàn ý nghị luận Có phải lúc nào cũng nên theo đuổi đam mê

I. Giới thiệu

- Giới thiệu vấn đề: Quyết định theo đuổi đam mê hay không luôn là một câu hỏi đáng suy ngẫm đối với nhiều người.

- Trình bày mục đích: Bài viết này sẽ xem xét cả hai mặt của vấn đề để đưa ra quan điểm cá nhân.

II. Lợi ích của việc theo đuổi đam mê

1. Sự hài lòng và niềm vui trong công việc

- Giải thích rằng khi theo đuổi đam mê, người ta thường có cảm giác sự thỏa mãn và hạnh phúc vì đang làm điều mình yêu thích.

- Đưa ra ví dụ với những người nổi tiếng thành công nhờ theo đuổi đam mê của mình.

2. Khả năng vươn lên và thành công

- Bàn về việc khi người ta gắn bó với đam mê, họ sẽ có đủ động lực và sự kiên nhẫn để phát triển kỹ năng và đạt được thành công.

- Đưa ra ví dụ với những người thành công vượt bậc trong lĩnh vực mà họ yêu thích.

III. Những hạn chế của việc theo đuổi đam mê

1. Thiếu sự ổn định tài chính

- Nêu rõ rằng nhiều lĩnh vực đam mê không đảm bảo thu nhập ổn định, dẫn đến khó khăn trong việc duy trì cuộc sống hàng ngày.

- Đưa ra ví dụ với các công việc trong nghệ thuật hoặc âm nhạc.

2. Áp lực và độc đoán lựa chọn

- Trình bày rằng không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm ra đúng đam mê của mình, và người ta cũng có thể bị áp lực phải chọn ngành hàng ngày trong môi trường cạnh tranh.

- Đề cập đến ví dụ của những người đã theo đuổi đam mê mà không đạt được thành công hoặc không hạnh phúc vì áp lực.

IV. Đánh giá sự cần thiết của việc theo đuổi đam mê

- Bàn luận về việc không phải lúc nào cũng nên theo đuổi đam mê, cân nhắc giữa niềm đam mê và sự cần thiết của một công việc ổn định.

- Tuy nhiên, cũng chỉ đề cập rằng việc theo đuổi đam mê vẫn là một trong những khía cạnh quan trọng của cuộc sống và mang lại nhiều lợi ích tinh thần và sự thỏa mãn cá nhân.

V. Kết luận

- Tóm tắt lại quan điểm: Mặc dù không phải lúc nào cũng nên theo đuổi đam mê, tuy nhiên, theo đuổi đam mê vẫn mang lại sự hài lòng và niềm vui trong công việc, cũng như khả năng vươn lên và thành công.

- Tổng kết lại vấn đề: Vấn đề này không phải là đơn giản, và quyết định của mỗi người cần được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên hoàn cảnh và mục tiêu cá nhân.

2. Nghị luận xã hội về vấn đề: Có phải lúc nào cũng nên theo đuổi đam mê mẫu 1

Khi được hỏi về yếu tố tiên quyết tạo nên thành công, gần như tất cả các bậc vĩ nhân trên thế giới đều đưa ra đáp án là sự đam mê. Điều này quả thực đúng đắn vì ta chưa từng thấy ai làm việc trong sự chán nản, lười nhác mà có thể tạo ra thành quả tốt đẹp. Thế nhưng, trên đời vốn chẳng có điều gì đúng với chữ “hoàn hảo”. Liệu rằng đam mê có thật sự là chìa khóa vạn năng, giúp ta vượt qua mọi khó khăn trong đời? Và hơn hết, có phải lúc nào cũng nên theo đuổi đam mê?

Đam mê không đơn thuần chỉ là một sở thích hay thú vui. Nhắc đến đam mê là nói đến điều mà mỗi người thực sự yêu thích, hăng say, quyết tâm chinh phục bằng mọi giá. Trong đó, mỗi con người lại chọn cho mình những đam mê riêng. Có người đam mê âm nhạc, có người lại yêu thích hội họa, có người khác lại say mê kinh doanh,… Thế giới càng rộng lớn, ta càng bắt gặp vô vàn niềm đam mê kì thú. Việc lựa chọn sống hết mình vì đam mê hay tạm gác lại, thậm chí từ bỏ đam mê luôn là một trong những vấn đề lớn của đời người.

Trước hết, điều ta không thể phủ nhận chính là đam mê đem đến cho đời sống con người rất nhiều giá trị tích cực. Khi xác định được đam mê của mình, con người sẽ có động lực để học tập. Dù phải trải qua những gian nan, thử thách, ta cũng không nề hà. Đam mê đem đến cho con người thái độ tích cực, ý chí kiên cường, nghị lực bền bỉ và phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mỗi người. Bên cạnh đó, nhờ có đam mê mà chúng ta có định hướng rõ ràng cho tương lai của mình thay vì sống một cách vô hướng, mông lung. Không chỉ vậy, niềm đam mê còn mang đến cho tâm hồn ta niềm hứng khởi, sự tự tin. Tìm thấy đam mê đồng nghĩa với tìm ra mục đích sống. Không đam mê, không tình yêu, con người sẽ chỉ “tồn tại” chứ không thực sự “sống” với tất cả những rung cảm của tâm hồn. Và nếu một ngày ta không còn trên thế giới, liệu ta có tự hỏi mình đã để lại điều gì cho nhân loại khi từng ngày trôi qua đều vô nghĩa? Huyền thoại bóng đá Pelé là minh chứng điển hình cho việc theo đuổi đam mê. Pelé được sinh ra ở một làng nhỏ tại Brazil. Do gia đình khó khăn, ông từng phải chơi bóng bằng chân trần với quả bóng được bện từ những miếng vải vụn. Niềm đam mê được chơi trên sân cỏ đã tiếp thêm sức mạnh để Pelé kiên trì luyện tập hằng ngày và trở thành huyền thoại bóng đá thế giới. Hay ta có thể kể đến họa sĩ Fujiko F. Fujio - tác giả bộ truyện tranh Doraemon. Vào những năm cuối đời, khi sức khỏe suy kiệt, Fujiko vẫn miệt mài làm việc. Tình yêu nghệ thuật của ông còn mạnh mẽ hơn sự dày vò của bệnh tật. Chú mèo máy Doraemon đã trở thành một phần không thể thiếu trong tuổi thơ trẻ em toàn thế giới, lưu giữ sức sống cho tên tuổi ông.

Đam mê đem lại nhiều lợi ích và có ý nghĩa to lớn với cuộc đời. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều khi đam mê phải lùi bước trước những yếu tố khác. Nhân dân ta có câu: “Dã tràng xe cát biển Đông/Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì” chỉ những người làm việc cơ cực mà không thu lại thành quả. Câu nói này có thể áp dụng vào những trường hợp không nhận thức được sự chênh lệch giữa đam mê và tài năng cũng như hoàn cảnh thực tế. Có những việc không phải cứ yêu thích, đam mê hay kiên trì là thành công. Ví dụ như âm nhạc, hội họa đều đòi hỏi năng khiếu rất cao. Nếu ta không có được khả năng ca hát thiên phú, chắc chắn không thể trở thành ca sĩ dù luyện tập nhiều đến đâu. Ngoài ra, đời sống luôn chứa đựng vô vàn bước ngoặt. Chắc hẳn, sẽ có những thời điểm mà đam mê, cái tôi của bản thân ta phải lùi bước trước gánh nặng cơm áo gạo tiền và tuổi tác. “Có thực mới vực được đạo” là chân lí muôn thuở. Thậm chí, sự dèm pha từ người đời hoặc những định kiến xã hội cũng có thể là nguyên nhân khiến con người cân nhắc việc theo đuổi đam mê. Những ảo tưởng hão huyền, niềm hy vọng viển vông thực sự có thể khiến cuộc đời con người rơi vào vực thẳm.

Vậy đâu là đáp án cho câu hỏi“Có phải lúc nào cũng nên theo đuổi đam mê?”? Có lẽ, đáp án hoàn chỉnh nhất chính là sự kết hợp giữa “trái tim nóng” và “cái đầu lạnh”. Mỗi khi cân nhắc việc cống hiến hết mình vì điều gì đó, chúng ta cần xác định xem nó có thực sự là niềm đam mê chân chính hay không và dự liệu những thứ ta sẽ phải hy sinh khi theo đuổi nó. Hơn nữa, đam mê không phải là câu chuyện tầm phào nên hãy cam kết với chính bản thân mình sẽ nỗ lực hết sức. Con đường đến đỉnh vinh quang ắt sẽ khó khăn và có nhiều thất bại nhưng chớ nản lòng. Hơn hết, nếu hiện tại bạn chưa có đủ khả năng để theo đuổi đam mê thì đừng vội để nó lụi tắt. Khát vọng có thể tạm thời lùi bước trước thực tế. Chỉ cần ta còn nhiệt huyết và quyết tâm, không bao giờ là quá muộn. “Những ước mơ không chết chừng nào bạn còn nuôi dưỡng nó bằng niềm đam mê” - Nick Vujicic.

Đam mê là một phần kì diệu của cuộc sống. Nền văn minh tiên tiến mà con người đang sống ngày hôm nay được xây dựng trên nền tảng của lao động, sáng tạo và đam mê nên hãy chọn cho mình một niềm đam mê giữa thế giới muôn màu.

3. Nghị luận xã hội về vấn đề: Có phải lúc nào cũng nên theo đuổi đam mê mẫu 2

Tỷ phú Bill Gates đã từng nói rằng “Đam mê và thành công luôn đi cùng nhau”. Điều đó chứng tỏ rằng, có đam mê chúng ta sẽ có động lực để thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình và rồi ta sẽ thành công. Vậy thì tại sao, bản thân mỗi người lại không thể vẽ ra cho mình một đam mê và ước muốn cống hiến mình vì niềm đam mê đó.

Đam mê là một cái gì đó lớn lao hơn sở thích và niềm vui. Sở thích có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh, tùy theo trạng thái nhưng đam mê thì không. Nó bền bỉ và gắn kết với con người một cách keo sơn khó có thể thể tách rời. Cũng giống như ý chí và nghị lực, đam mê là động lực để con người vượt qua mọi khó khăn, rào cản để đến với niềm khát khao của mình. Vì có đam mê, chúng ta sẽ không sợ bất kì thử thách nào cả, dù nó có khó khăn và vất vả đến đâu, ta cũng sẽ cố gắng để vượt qua. Đam mê là đòn bẩy, là động lực để con người vươn xa hơn và cao hơn trời bầu trời mơ ước.

Trên con đường đi đến thành công, ta sẽ gặp biết bao gian nan, thử thách, nó chưa bao giờ là bằng phẳng với bất kì ai. Thành công ngày hôm nay là sự tích tụ của biết bao mồ hôi, nước mắt. Những đắng cay, ngọt bùi ta đều phải trải qua trên con đường chinh phục ước mơ. Chính niềm đam mê đã tạo nên sức mạnh và ý chí quật cường để ta quật ngã tất cả những trắc trở. Niềm đam mê vẽ ra một con đường đi cho tương lai, và cuộc đời ta sẽ dấn mình và theo đuổi con đường ấy đến khi nào ta chạm đến cuối đường. Niềm đam mê quả thật là rất cần thiết và có ý nghĩa lớn lao trong cuộc đời mỗi con người.

Nếu một người không có hoài bão, không có ước mơ và đam mê thì họ sống cũng chỉ như không sống. Những con người ấy thật tầm thường và nhỏ bé. Sống mà không ước mơ khác gì đi một con đường mà không có điểm đến. Niềm đam mê và được hết mình vì đam mê là một ý nghĩa lớn lao của cuộc sống. Có đam mê ắt sẽ có những nỗ lực để đi đến thành công. Chúng ta sẽ không ngừng cố gắng vì đam mê và cũng sẽ không bao giờ hối hận vì bản thân mình đã dám đam mê dù biết rằng đam mê đó có thực hiện được hay không. Nhưng hãy cứ đam mê, hãy làm cho cuộc sống này có một hướng đi đúng đắn. Đam mê sẽ luôn theo bạn đến suốt cuộc đời và nó làm cho cuộc sống của bạn rực rỡ sắc màu hơn.

Như vậy đam mê là nguồn lực cần có ở mỗi người. Có đam mê ắt chúng ta sẽ có được thành công. Cho dù thế nào đi nữa, đam mê vẫn là ngọn lửa rực cháy trong trái tim mỗi người.

4. Nghị luận xã hội về vấn đề: Có phải lúc nào cũng nên theo đuổi đam mê mẫu 3

Nếu ước mơ là kim chỉ nam cho mọi hành động thì đam mê là chìa khóa mở ra cánh cửa của thành công. Bàn về mối quan hệ mật thiết của đam mê và thành công có nhận định cho rằng: "Có phải lúc nào cũng nên theo đuổi đam mê". Vậy liệu rằng đam mê có thật sự là chìa khóa vạn năng, giúp ta vượt qua mọi khó khăn trong đời?

Đam mê là những mong muốn, khát khao cháy bỏng về một kết quả, mục tiêu nào nào đó trong cuộc, công việc, tình cảm. Người có đam mê sẽ kiên trì với những mục tiêu, ước mơ của bản thân mà không bị dao động bởi những khó khăn, thử thách trong quá trình thực hiện. Họ nghiêm túc, hăng say với những công việc mình đang làm để chinh phục được những mục tiêu mà mình đặt ra. Đam mê thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết trong trái tim mỗi người, đó cũng là nguồn sức mạnh to lớn giúp con người mạnh mẽ đối mặt với những khó khăn, thử thách; đam mê là "đôi tay" nâng đỡ chúng ta khỏi những thất bại và cảm xúc tiêu cực khi đối mặt với những kết quả không mong muốn. Khi có đam mê, con người sẵn sàng bỏ ra thời gian, sức lực và cả sự nhiệt huyết, sự chú tâm cho công việc. Bởi vậy mà cùng một xuất phát điểm nhưng người có đam mê sẽ dễ dàng đạt được thành công hơn những người không có đam mê.

Nhưng liệu rằng có phải cứ theo đuổi đam mê là sẽ có được thành công? Không bỗng dưng người ta đúc kết nên câu nói đó. Như chúng ta đều biết, khi bạn muốn bắt tay vào làm một điều gì đó đa phần đều xuất phát từ bạn thích. Ví dụ như bạn thích đàn bạn sẽ học chơi đàn, bạn thích viết lách bạn sẽ học thật tốt môn văn,... Mọi sự đều bắt nguồn từ đam mê, bản thân bạn không có đam mê chắc chắn sẽ trở nên lạc lõng. Bởi lẽ bạn có đam mê đồng nghĩa với bạn có mục tiêu cuộc đời, có mục đích sống, từ đó cố gắng kiên trì theo đuổi và thành công. Hơn nữa đam mê là cơ sở, nguồn gốc để chúng ta có cách sống, lối suy nghĩ tích cực, rèn luyện bản thân... Mà như chúng ta đều biết, những người thành công luôn là những người có ý chí mãnh liệt, kiên trì theo đuổi mục tiêu đã đặt ra, có lối sống vô cùng lạc quan, tinh thần thoải mái, không bao giờ từ bỏ khi chưa đến cuối con đường.

Thử hỏi, nếu bạn là một nhà leo núi, động lực nào để bạn lên tới đỉnh núi? Nếu bạn không có đam mê với việc chinh phục những ngọn núi cao thì bạn có quyết tâm để đi hết đỉnh núi này đến đỉnh núi khác hay không? Mọi sự đều được tác động bởi đam mê, chỉ có đam mê mãnh liệt với một thứ gì đó bản thân mới dốc hết lực để hoàn thành thật tốt. Sẽ chẳng khó khăn nếu ta kể cho nhau nghe hàng loạt những người nổi tiếng luôn kiên trì theo đuổi một đam mê và cuối cùng họ đã thành công. Từ lâu chúng ta đã được học về Louis Pasteur (1822-1895 TCN) - một trong những nhà bác học có cống hiến to lớn đối với nhân loại. "Các công trình nghiên cứu về vi sinh vật, vi trùng của ông đã mở đường cho nhiều nhà khoa học khác tìm kiếm các vi trùng tại các phạm vi khác nhau. Năm 1868, do gặp nhiều biến cố đau thương trong cuộc đời, Pasteur đã bị tai biến mạch máu não. Những tưởng nhà bác học qua đời, nhưng chỉ 3 tháng sau, mặc dù bị liệt một phần thân thể, ông vẫn trở lại với những công trình nghiên cứu mới về bệnh truyền nhiễm. Và ông đã hoàn thành những công trình vĩ đại nhất của đời mình như: tìm ra nguyên nhân gây bệnh truyền nhiễm ở súc vật như: bệnh tằm, bệnh dịch tả gà, bệnh chó dại...Ông đã tìm được vắcxin để chủng ngừa các bệnh bệnh dịch tả gà, đặc biệt là bệnh chó dại. Ngày 6/7/1885, cậu bé Joseph Meister đã trở thành người đầu tiên được chủng ngừa bệnh dại và đã hoàn toàn bình phục sau 10 ngày. Từ thành công ban đầu này, chỉ trong vòng 1 năm, đã có hơn 2.500 người, chiếm khoảng 99,5% bệnh nhân bị chó dại cắn được chủng ngừa và cứu sống." (Nguồn: Việt Báo) Như vậy ta thấy nhờ sự nỗ lực, cống hiến không mệt mỏi, Louis Pasteur đã đem đến cho con người những điều thật bổ ích, chính bản thân ông đã thành công trong con đường theo đuổi đam mê của mình đối với y học.

Không cần nói đến những người nổi tiếng, trong lớp thế hệ trẻ thanh niên chúng ta cũng có rất nhiều tấm gương về việc kiên trì theo đuổi đam mê và đạt được thành công ngoài mong đợi. "Không qua bất kỳ một trường lớp đào tạo về sản xuất cơ khí; sáng chế ra chiếc máy nông nghiệp với 15 công năng; mơ ước cháy bỏng về chiếc máy nông nghiệp "Made in Việt Nam"... đó là những phác thảo ban đầu về nhà sáng chế nông dân Tạ Đình Huy ở thôn An Mỹ, xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ, Hà Nội." Nhờ sự kiên trì theo đuổi niềm đam mê sáng chế ra chiếc máy nông nghiệp anh đã cố gắng nhiều năm và cuối cùng thành công đã bước đầu mỉm cười với anh. "Tháng 10-2017, công ty Cổ phần sản xuất máy nông nghiệp đa năng Hòa Phát (AHM) được thành lập như chắp cánh cho ước mơ của anh Tạ Đình Huy vươn xa hơn nữa: "Tôi muốn sáng chế và cung cấp cho bà con nông dân các loại máy móc, công cụ phục vụ nông nghiệp được tạo ra bởi chính bàn tay, khối óc của người Việt, có tính đa năng, kích thước phù hợp, thích ứng với mọi địa hình; đặc biệt là đối với bà con nông dân thiểu số khu vực miền núi, biên giới. Làm thế nào để bà con có những loại máy móc, công cụ nông nghiệp nhỏ gọn, có giá cả phù hợp với điều kiện kinh tế của bà con, góp phần giúp bà con tăng gia sản xuất". (Nguồn: tuyengiao.vn) Nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ, đuổi theo một mục tiêu đến cùng anh đã nhận lại được thành quả rất ngọt ngào. Chúng ta những con người trẻ luôn tràn đầy nhiệt huyết, hãy nuôi dưỡng nó thật tốt, vì đó chính là động lực giúp ta chinh phục niềm đam mê của mình. Thành công chỉ dành cho những người có đam mê, biết cố gắng, không ngừng nỗ lực, kiên trì vượt mọi khó khăn để hướng đến giá trị tốt đẹp nhất.

Bạn cũng giống tôi, đều đang ngồi trên ghế nhà trường. Chúng ta ắt hẳn cũng có những niềm đam mê riêng. Tôi có một niềm đam mê mãnh liệt với phấn trắng, bảng đen, với bục giảng và đang ngày ngày cố gắng không ngừng để bước chân vào cánh cổng đại học để thực hiện ước mơ đó. Còn bạn, đam mê của bạn là gì? Bạn đã và đang làm gì để đuổi theo niềm đam mê ấy?

Ai cũng luôn cho rằng đam mê - thành công là điều gì thật lớn lao. Có đam mê chưa chắc có thành công nhưng họ quên mất bản thân có đam mê nhưng không chịu cố gắng, kiên nhẫn từng bước, từng bước vượt qua mọi khó khăn, không từ bỏ giữa chừng mới có thể đạt được thành công.

5. Nghị luận xã hội về vấn đề: Có phải lúc nào cũng nên theo đuổi đam mê mẫu 4

Nếu ước mơ có thể coi là chiếc la bàn chỉ đường cho mọi hành động, thì đam mê chính là chìa khóa mở cánh cửa của thành công. Trong cuộc trò chuyện về mối liên quan sâu sắc giữa đam mê và thành công, một quan điểm phát ngôn là "Có phải luôn luôn nên theo đuổi đam mê không?" đã được đề cập đến. Vậy, liệu đam mê có thực sự là chìa khóa tuyệt vời, giúp chúng ta vượt qua mọi thách thức trong cuộc sống?

Đam mê không chỉ là những mong muốn và khát khao mãnh liệt về một mục tiêu hay kết quả nào đó, mà còn là nguồn năng lượng không ngừng đổ vào những công việc, mục tiêu của chúng ta. Những người có đam mê không bao giờ dao động trước khó khăn và thách thức, mà thay vào đó, họ kiên trì và hăng say theo đuổi ước mơ của mình. Đam mê là đèn sáng hướng dẫn, là nguồn động lực mạnh mẽ để con người vươn lên vượt qua những thách thức, giữ vững trước những thất bại và cảm xúc tiêu cực.

Khi có đam mê, con người sẵn lòng đặt ra sự cống hiến lớn, bao gồm thời gian, sức lực, và nhiệt huyết. Điều này làm cho những người có đam mê dễ dàng đạt được thành công hơn so với những người thiếu đam mê. Đam mê không chỉ tạo nên sức mạnh nội tại mà còn là nguồn động viên để chúng ta không ngừng cố gắng, không từ bỏ giữa chừng, và không ngần ngại đối diện với những khó khăn.

Tuy nhiên, liệu việc theo đuổi đam mê có đồng nghĩa với việc đạt được thành công? Điều này không phải lúc nào cũng là sự thật. Như chúng ta đã biết, nhiều người bắt đầu làm điều gì đó vì họ yêu thích nó. Đó có thể là việc học chơi đàn nếu bạn thích âm nhạc, hoặc việc học viết nếu bạn đam mê văn chương. Tuy nhiên, việc theo đuổi đam mê không đảm bảo sự thành công nếu không có sự nỗ lực và kiên trì từ phía chúng ta.

Mọi thành công thường xuất phát từ niềm đam mê, vì bản thân niềm đam mê đã đặt ra mục tiêu và ý chí sống. Có đam mê là có một hướng dẫn cho cuộc sống, là nguồn động viên để chúng ta kiên trì, và là cơ sở để xây dựng một lối sống tích cực. Những người thành công thường là những người có ý chí mạnh mẽ, không ngừng theo đuổi mục tiêu đã đặt ra, và luôn giữ tinh thần lạc quan, thoải mái.

Chẳng hạn, nếu bạn là một người yêu thích leo núi, động lực nào sẽ khiến bạn vươn lên đỉnh núi? Nếu bạn không có đam mê với việc chinh phục những ngọn núi cao, liệu bạn có đủ quyết tâm để vượt qua từ đỉnh này sang đỉnh khác không? Điều này chỉ chứng minh rằng mọi hành động, mục tiêu đều được tác động bởi đam mê. Chỉ có đam mê mãnh liệt mới khiến chúng ta dốc hết sức mình để hoàn thành một công việc, một ước mơ.

Chúng ta cũng có thể nhìn vào những tấm gương thành công không chỉ trong giới người nổi tiếng mà còn trong cuộc sống hàng ngày của những người trẻ. Một ví dụ là nhà sáng chế nông dân Tạ Đình Huy, người không học qua bất kỳ trường đào tạo cơ khí nào nhưng lại sáng chế ra chiếc máy nông nghiệp đa năng với 15 công năng. Nhờ sự kiên trì và theo đuổi đam mê, ông đã thành công trong việc đưa ra những giải pháp phục vụ nông nghiệp, đặc biệt là cho những người nông dân ở vùng miền núi, biên giới.

Cuối cùng, chúng ta, những người đang ngồi trên ghế nhà trường, cũng có những niềm đam mê riêng. Mỗi người đều có một định hình cho tương lai và sự cống hiến cho đam mê của mình. Điều quan trọng là giữ cho đam mê luôn sống động, nuôi dưỡng nó và biến nó thành động lực để vượt qua mọi khó khăn. Sự kiên trì, nỗ lực và ý chí mạnh mẽ là chìa khóa để chúng ta không chỉ có đam mê mà còn đạt được thành công trong con đường mà chúng ta đã chọn.

Nhưng đồng thời, cũng cần nhìn nhận rằng, có đam mê chỉ là một phần, để đạt được thành công, chúng ta cần phải học hỏi, nỗ lực, và kiên nhẫn từng bước. Thành công không đến một cách dễ dàng và tự nhiên, nó đòi hỏi sự cố gắng liên tục và khả năng vượt qua thất bại. Đam mê là nguồn động viên, nhưng sự đối mặt với thực tế và làm việc chăm chỉ mới thực sự đưa ta đến với thành công.

Đánh giá bài viết
25 33.862
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 11 Chân trời sáng tạo

    Xem thêm