Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Phân tích “Chí khí anh hùng” - Nguyễn Công Trứ

Phân tích “Chí khí anh hùng” - Nguyễn Công Trứ

Phân tích “Chí khí anh hùng” - Nguyễn Công Trứ là tài liệu học tập mới nhất được VnDoc biên soạn nhằm giúp các bạn học sinh học tập thật tốt môn Ngữ văn lớp 11. Mời các bạn tham khảo!

Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc, nghiêm cấm hành vi sao chép với mục đích thương mại.

Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn

Lừng lẫy làm cho lở núi non

Xách búa đánh tan năm bảy đống

Ra tay đập bể mấy trăm hòn

(Đập đá ở Côn Lôn)

Đó là những vần thơ thể hiện chí làm trai của nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Có thể thấy, viết về quan niệm chí làm trai ngạo nghễ, cứng cỏi, gánh vác cả giang san là điều quen thuộc trong thơ văn của các nhà nho. Các tác giả thời trung đại viết rất nhiều bài thơ để tỏ chí, đồng nhất cái “tôi” vào cái “ta” chung của đất nước, nhân dân. Tuy nhiên, đến với thơ văn Nguyễn Công Trứ, ta sẽ thấy chí làm trai được biểu đạt một cách riêng biệt, đặc sắc, hòa quyện giữa bản sắc cá nhân và tư tưởng truyền thống của nhà nho. Điều này được thể hiện rất rõ qua bài thơ “Chí khí anh hùng”.

Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858), tự là Tồn Chất, hiệu là Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn. Ông xuất thân trong một gia đình nghèo khó ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Đến năm 1819, ông thi đỗ Giải nguyên và được bổ làm quan. Trong suốt cuộc đời của mình, Nguyễn Công Trứ đã chứng tỏ được tài năng xuất chúng và khí chất hơn người gắn với một chữ “Ngông”. Ông vừa là nhà quân sự, kinh tế, vừa là một nhà thơ, nhà văn hóa. Hậu thế kính nể và ghi nhớ tên tuổi ông còn bởi tấm lòng yêu nước, thương dân, ghét đời ô trọc. Năm 80 tuổi, nghe tin Pháp xâm lược nước ta, ông vẫn xin vua tòng quân đi đánh giặc nhưng thấy ông tuổi già sức yếu nên vua không phê chuẩn. Bài thơ “Chí khí anh hùng” là một bài thơ ngôn chí điển hình của ông, cho thấy lí tưởng sống cao đẹp, hoài bão mạnh mẽ của chàng trai trẻ.

Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc

Nợ tang bồng vay trả trả vay

Chí làm trai nam bắc đông tây

Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể

Mở đầu bài thơ là không gian rộng lớn của vũ trụ với “Vòng trời đất”, bốn phương “nam bắc đông tây”. Bốn bể bao la ấy chính là không gian thích hợp để đấng nam nhi vùng vẫy tung hoành, nâng tầm vị thế con người và cũng là khát vọng cho con người chinh phục. Cụm từ “dọc ngang ngang dọc” gợi liên tưởng đến một con đường thênh thang, trải dài tít tắp. Đây chính là con đường quan lộ trong suy nghĩ của người thanh niên tràn đầy nhiệt huyết. Câu thơ đã thể hiện sự tự ý thức về tài năng, phẩm giá, cốt cách một cách rất rõ ràng của Nguyễn Công Trứ. Cái “Nợ tang bồng” được nhắc đến trong câu thơ thứ hai gắn liền với quan niệm “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Người xưa quan niệm bậc quân tử phải là người biết tu dưỡng bản thân, trở thành trụ cột cho gia đình, lập nên công danh sự nghiệp lừng lẫy, cống hiến tài năng của mình cho đất nước. Đó là món nợ mà người nam nhi gánh vác trên vai nên phải “vay trả, trả vay”. Không có công danh, sự nghiệp là một điều đáng thẹn. Đặt vào bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, đây là quan niệm nhân sinh mang lại những tác động tích cực, khuyến khích những nhà nho đứng ra giúp đời, giúp người. Đối với những trang nam tử hán, đây là điều nghiễm nhiên phải làm. Nguyễn Công Trứ cũng từng thể hiện ý chí này trong bài “Nợ tang bồng”:

Vũ trụ giai ngô phận sự

Chẳng công danh chi đứng giữa trần hoàn

Chí tang bồng hẹn với giang san

Đường trung hiếu, chữ “quân thân” là gánh vác

Bốn câu thơ sau cho thấy tâm thế chủ động, đường hoàng, khảng khái của nhà thơ:

Nhân sinh thế thượng thuỳ vô nghệ

Lưu đắc đan tâm chiếu hãn thanh

Đã chắc ai rằng nhục rằng vinh

Mấy kẻ biết anh hùng thời vị ngộ

Khát khao được ghi tên sử sách của Nguyễn Công Trứ được thể hiện cụ thể việc “thùy vô nghệ”, tức là mong muốn được nổi tiếng nhờ tài năng và gây dựng sự nghiệp lừng lẫy. Tấm lòng son với dân, với nước sẽ vì thế mà được chứng minh, lưu lại muôn đời. Về sau, điều này đã được chứng minh bằng việc ghi tên bảng vàng của nhà thơ. Nguyễn Công Trứ cũng nhận thức rất rõ về ranh giới giữa “vinh”“nhục”. Soi chiếu vào kho tàng văn học trung đại Việt Nam, ta có thể thấy rất nhiều nhà thơ cũng đề cập đến hai cách sống đối lập này. Tuy nhiên, quan niệm “vinh” - “nhục” của một con người chưa thành danh, đang khát khao chứng tỏ bản thân như Nguyễn Công Trứ sẽ khác với những nhà nho lánh đời, muốn thoát khỏi vòng danh lợi. “thời vị ngộ” có nghĩa là chưa gặp dịp thi thố nhưng ông không dè chừng mà trái lại, hoàn toàn tự tin và ngùn ngụt khí thế.

Cũng có lúc mây tuôn sóng vỗ

Quyết ra tay lèo lái trận cuồng phong.

Chí những toan xẻ núi lấp sông

Làm nên tiếng anh hùng đâu đấy tỏ

mây tuôn sóng vỗ”, “trận cuồng phong” chỉ những lúc thời thế đảo điên, đất nước gặp khó khăn. Đứng trước tình cảnh ấy, người anh hùng sẽ “Quyết ra tay lèo lái”, đưa xã hội vào trật tự. Chí khí của ông không chỉ gói gọn trong cái lồng khoa cử mà còn thể hiện ở những hành động thực tế với đất nước, nhân dân. “xẻ núi lấp sông” thể hiện sức mạnh phi thường, có thể khuấy đảo cả giang san. Nguyễn Công Trứ muốn chứng minh “Danh xứng với thực”, để cả thiên hạ tỏ tường tài năng và khí tiết của ông.

Chất “Ngông” là một đặc trưng trong những bài thơ của Nguyễn Công Trứ. Công danh là món nợ, thậm chí với nhiều người, đó còn là gánh nặng không thể trả hết. Nguyễn Công Trứ vẫn là kẻ “mang nợ” nhưng ông có tâm thế ngạo nghễ, ung dung:

Đường mây rộng thênh thênh cử bộ

Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo

Thảnh thơi thơ túi rượu bầu.

Con đường quan lộ được ví với “Đường mây” rộng rãi thênh thang, khác hẳn con đường cát “Nhất bộ nhất hồi khước” ở thơ Cao Bá Quát. “cử bộ” là cất bước trong sự nhàn nhã, tự do. Nhà thơ tưởng tượng ra lúc trả xong nợ tang bồng, thỏa chí “bình thiên hạ”. Ba câu thơ cuối bài bộc lộ lối sống tích cực, cao quý mà an nhàn. Công danh, sự nghiệp là điều tất yếu phải có nhưng Nguyễn Công Trứ không bị khuất phục bởi sức mạnh quyền thế. Khi đã chứng tỏ được tài năng với đời, ông sẵn sàng dứt áo ra đi để được thảnh thơi. Điều này về sau đã được chứng thực bởi bài thơ viết lúc ông từ quan “Bài ca ngất ngưởng”.

Như vậy, với lời thơ phóng khoáng, giọng điệu tự nhiên, âm hưởng hào hùng, nhịp thơ linh hoạt, bài thơ đã cho thấy nhân cách kẻ sĩ cao đẹp của Nguyễn Công Trứ. Quan điểm về thành công là điều có tính chất thời điểm nhưng những vần thơ ngôn chí vẫn chứa đựng vô vàn quan niệm nhân sinh tiến bộ, góp phần làm rạng danh người anh hùng toàn tài:

Làm trai cho đáng nên trai

Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng.

-----------------------------------------------------------

Kho tài liệu phong phú của VnDoc vẫn còn rất nhiều tài liệu hay chờ các bạn khám phá. Mời các bạn truy cập vào Ngữ văn lớp 11 Chân trời sáng tạo, Văn mẫu lớp 11 Chân trời sáng tạo để tìm kiếm những tư liệu mới. Chúc các bạn học tốt!

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 11 Chân trời sáng tạo

    Xem thêm