Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nghị luận về Những tấm gương vượt khó vươn lên trong học tập

Nghị luận về Những tấm gương vượt khó vươn lên trong học tập là tài liệu học tập được VnDoc biên soạn chi tiết, nhằm giúp các bạn học sinh học tốt môn Ngữ văn lớp 11. Mời các bạn tham khảo!

1. Những tấm gương vượt khó vươn lên trong học tập mẫu 1

Ai đó đã nói rằng: “Cuộc sống vốn dĩ rất công bằng. Nó không lấy đi của ai tất cả và cũng không cho ai tất cả”. Tôi cho rằng đây là quan niệm đúng đắn. Rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn nhưng bù lại, họ mang trong mình nghị lực sống phi thường và tinh thần hiếu học. Những con người ấy đã trở thành tấm gương sáng về vượt khó vươn lên trong học tập rất đáng trân trọng.

Suy cho cùng, chẳng ai đạt được thành công hay hạnh phúc mà không phải trải qua gian nan. Cha ông ta có câu: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” là vậy. Mỗi người, dù sống trong hoàn cảnh nào, đều có hoài bão cùng nỗi vất vả riêng. Tuy nhiên, trong cuộc sống luôn tồn tại những số phận thiệt thòi hơn, có xuất phát điểm kém hơn những người xung quanh. Một bữa cơm no, một tấm áo ấm, một gia đình hạnh phúc hay một cơ thể toàn vẹn – những điều tưởng như nghiễm nhiên với chúng ta thì với người khác, lại là cả niềm ao ước.

Hoàn cảnh sinh ra và lớn lên có tác động rất lớn đến quá trình trưởng thành của con người. Điều này là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, điều kiện sống không thể trở thành yếu tố tiên quyết định đoạt số phận của con người. Càng ý thức được sự khó khăn của cuộc sống, con người càng khao khát vươn lên để khẳng định bản thân và cống hiến cho xã hội. Những tấm gương ấy chiến đấu không ngừng nghỉ trong mỗi phút giây để cải tạo hiện thực. Lòng quyết tâm, tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường cùng niềm đam mê, sự chăm chỉ ở họ xứng đáng với hai chữ “Phi thường”.

Cô gái Nguyễn Mai Anh – cử nhân Trường Đại học Luật Hà Nội chính là một tấm gương vượt khó vươn lên trong học tập. Mai Anh sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Phú Thọ giàu truyền thống. Cô có một người em gái là Trúc Anh. Cặp sinh đôi chào đời vào tháng thứ 7 của thai kì nên phải nằm lồng ấp ở bệnh viện. Đến khi Mai Anh được 18 tháng tuổi, bác sĩ chẩn đoán bạn bị mắc hội chứng bại não thể co cứng. Điều này thực sự là nỗi đau lớn đối với gia đình. Cô Hảo – mẹ Mai Anh đã run lẩy bẩy và khóc nấc lên tại bệnh viện. Hai thiên thần nhỏ chỉ vừa mới đến với thế gian mà đã chịu đựng biết bao thiệt thòi.

Những tháng năm trưởng thành của Mai Anh là chuỗi ngày cố gắng không ngừng nghỉ. Khi học đến lớp 2, Mai Anh được phẫu thuật. Khả năng đi lại của cô bé được cải thiện phần nào nhưng việc sinh hoạt hằng ngày như đi đứng, cầm nắm vật dụng, viết lách,…vẫn gặp nhiều trở ngại. Thế nhưng, niềm ham học trong tâm hồn người con gái bé nhỏ chưa bao giờ vụt tắt. “Mọi người cứ bảo em là què, cụt, nhưng thực tế em không hề bị như vậy, em chỉ khó khăn trong đi lại mà thôi. Mọi người không hề biết những lời nói đó đã làm tổn thương đến một đứa trẻ lúc ấy như thế nào đâu. Đã có những thời khắc, em muốn bỏ cuộc. Nhưng em lại nghĩ đến bố mẹ, nghĩ đến Trúc Anh nên lại vực dậy tinh thần” – Mai Anh chia sẻ. Những định kiến, sự thương hại ngao ngán của người ngoài chưa bao giờ khiến Mai Anh lung lay quyết tâm học tập. Nhiều năm liền, Mai Anh là học sinh giỏi, đạt nhiều giải thưởng trong các kì thi. Vào kì thi tuyển lớp 10, bạn đỗ vào trường THPT Chuyên. Năm 2019, Mai Anh thực hiện được ước mơ trở thành tân sinh viên của Trường Đại học Luật với số điểm 26,75. Nói về ước mơ của mình, cô gái đến từ đất Tổ bộc bạch rằng bản thân muốn trở thành luật sư để am hiểu luật pháp, dùng luật pháp bảo vệ những người yếu thế. Trong lễ tốt nghiệp, Mai Anh vinh dự được thầy Hiệu trưởng dắt lên sân khấu và trao bằng khen vì nỗ lực phi thường.

Câu chuyện của Mai Anh là minh chứng sống cho việc nghị lực sống của con người có thể chiến thắng nghịch cảnh. Thành quả Ma Anh có được ngày hôm nay được tạo nên từ sự cố gắng của chính bạn cùng sự đồng hành từ phía gia đình.

Ngược lại, trong xã hội lại tồn tại những con người có điều kiện hoàn cảnh tốt nhưng lười nhác, ham hưởng thụ, lười lao động. Hoặc cũng có người cứ hễ gặp khó khăn thì nản chí, dễ dàng buông xuôi. Đây là những lối sống tiêu cực, đáng phê phán.

Cuộc sống là đường đua không ngừng mà trong đó, cuộc đua với chính mình là cuộc đua căng thẳng nhất. Chỉ cần ta dừng lại đôi chút, từ bỏ ước mơ thì ngay tức khắc đã trở thành kẻ thua cuộc. Chính vì vậy, muốn đạt được thành công, con người phải giữ vững quyết tâm, kiên định với lựa chọn của mình, dùng mọi cách để khắc phục hoàn cảnh. Nếu chúng ta gặp những hoàn cảnh khó khăn, hãy mở lòng để yêu thương và nâng đỡ họ.

Lê – nin đã từng nói: “Tôi không sợ khó, không sợ khổ, tôi chỉ sợ những phút yếu mềm của lòng tôi. Đối với tôi chiến thắng bản thân là chiến thắng vẻ vang nhất”. Hãy giương cao đôi cánh ước mơ của mình và đừng để bất cứ điều gì kéo ta lại phía sau.

2. Những tấm gương vượt khó vươn lên trong học tập mẫu 2

Trong cuộc sống quanh ta, có rất nhiều gương sáng về ý chí, nghị lực vượt khó để vươn lên, chiến thắng hoàn cảnh, chiến thắng số phận bất hạnh. Không ít gương sáng của tuổi thiếu niên, thanh niên nghèo mà hiếu học và học giỏi. Có những người được ca ngợi trên báo chí, được cả nước biết đến, nhưng cũng có những người âm thầm vật lộn với cuộc sống đói nghèo để nuôi dưỡng và thực hiện bằng được ước mơ, khát vọng cháy bỏng của mình. Sau đây, em xin giới thiệu về hai tấm gương học sinh nghèo học giỏi mà em biết.

Nhắc đến cái tên Trần Bình Gấm, “cô bé bán khoai đậu ba trường đại học” chắc nhiều người còn nhớ vì cách đây vài năm, báo chí đã viết nhiều về chị. Chị Gấm là con gái lớn trong một gia đình lao động nghèo. Ba chị làm nghề đạp xích lô. Mẹ chị bán khoai luộc, bắp luộc… mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục ngàn. Số tiền ít ỏi đó chi dùng cho một gia đình năm sáu miệng ăn. Không có nhà riêng, ba mẹ chị phải ở nhờ nhà bà ngoại ven kênh Nhiêu Lộc. Dưới chị là mấy đứa em còn nhỏ.
Thương ba mẹ, chị Gấm sớm biết lo toan. Nửa ngày đi học, nửa ngày đi bán vé số. Có những bữa gặp trời mưa, xấp vé số bán hoài không hết, chị vẫn lầm lũi ghé vào từng quán, năn nỉ khách mua giùm. Tấm thân gầy run rẩy trong lần áo ướt. Nhìn cô gái gầy guộc, xanh xao, mắt lại bị cận thị nặng, không ai ngờ đó là con người có ý chí và nghị lực phi thường.

Rồi ba chị mất vì lao lực. Gánh nặng mưu sinh dồn cả lên đôi vai của mẹ. Chị Gấm thương mẹ lắm nên tìm mọi cách để san sẻ với mẹ gánh nặng ấy. Tan học là chị về nhà ngay, bưng rổ khoai luộc đi bán rong khắp các con hẻm nhỏ. Khách mua khoai phần lớn là những người lao động nghèo quanh khu ga xe lửa.

Có điều lạ là nghèo khổ như vậy mà chị Gấm vẫn học rất giỏi, nhất là các môn tự nhiên. Cái tin chị Gấm thi đậu liền ba trường đại học không chỉ làm chấn động xóm nghèo mà còn chấn động thành phố và cả nước. Rất nhiều người xúc động, khâm phục trước tấm gương vượt khó của chị Gấm và lấy chị làm gương để dạy dỗ, động viên con cái. Chị Gấm đã chọn vào trường Đại học Y Dược để thỏa mãn ước mơ trở thành một bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo. Hiện giờ, chị đã tốt nghiệp và là bác sĩ chuyên ngành Lão khoa.

Tấm gương thứ hai là bạn Nguyễn Ngọc Hiếu, cùng độ tuổi với em. Hiếu là học sinh lớp 9 trường Phan Sào Nam. Hoàn cảnh gia đình Hiếu vô cùng khó khăn. Cha mẹ đều mù lòa, phải kiếm sống qua ngày bằng nghề làm chổi và bàn chải. Hiếu vừa học vừa giúp đỡ cha mẹ. Là con trai, lại là con một nên mọi công việc lớn nhỏ trong nhà, Hiếu phải cáng đáng cả.

Ngày ngày, Hiếu đem chổi và bàn chải gửi các sạp tạp hóa nhờ bán hộ rồi tranh thủ đi xách nước thuê cho các bà, các chị hàng cá, hàng rau. Số tiền dành dụm được, Hiếu đưa cho mẹ phần lớn, phần còn lại để mua sách vở. Quanh năm, Hiếu chỉ mặc một bộ quần áo cũ sờn và đi đôi dép đã khâu lại quai đến mấy lần.

Căn phòng thuê chỉ hơn hai chục mét vuông trong con hẻm nhỏ gần chợ Bàn Cờ luôn gọn gàng, ngăn nắp nhờ tay Hiếu. Tuy chật chội nhưng Hiếu vẫn dành một góc nhỏ cho mình để học bài, làm bài. Sức học của Hiếu, nhiều bạn học trong lớp phải nể. Suốt mấy năm liền, Hiếu đều đạt danh hiệu Học sinh xuất sắc.

Quỹ dành cho học sinh nghèo hiếu học ở phường em đã cấp cho Hiếu một suất học bổng. Hiếu hứa sẽ cố gắng học giỏi hơn nữa để không phụ lòng tin của cha mẹ và bà con lối xóm. Ước mơ cháy bỏng của bạn ấy là sau này trở thành một phóng viên. Hiếu sẽ viết về cuộc sống của tầng lớp dân nghèo cùng với những nguyện vọng thiết tha của họ.

Trên đây chỉ là hai trong rất nhiều gương sáng học sinh nghèo học giỏi của cả nước. Hiện nay, không ít bạn con nhà giàu sang, khá giả, đầy đủ mọi điều kiện nhưng lại không chịu nghiêm túc học hành, thường tụ tập rủ rê nhau ăn chơi, quậy phá gia đình, xã hội. Nhìn vào những gương sáng như chị Gấm, như bạn Hiếu hoặc một số bạn là nạn nhân của chất độc màu da cam mà vẫn kiên trì phấn đấu để vượt lên hoàn cảnh, vượt lên số phận, họ sẽ nghĩ gì?! Riêng em, em thấy mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Em học được từ những gương sáng ấy rất nhiều điều bổ ích và điều thấm thía nhất là: Kiên trì, nhẫn nại sẽ dẫn đến thành công trên đường đời.

3. Những tấm gương vượt khó vươn lên trong học tập mẫu 3

Chúng ta khi sinh ra vốn dĩ đã không được lựa chọn cho mình một gia đình giàu có hay đầy đủ cả. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, có người sinh ra đã làm cậu ấm cô chiêu. Nhưng có những người khi sinh ra họ đã phải chịu sự thiếu thốn, khó khăn, vì những khó khăn ấy nên họ luôn mang trong mình một nghị lực rất lớn và hiện nay có rất nhiều tấm gương cho ta thấy được rằng mặc dù không được lựa chọn hoàn cảnh nhưng chính bản thân họ có thể thay đổi được hoàn cảnh của mình tốt lên.

Những tấm gương ấy chẳng đâu xa xôi, khi hằng ngày chúng ta lướt tin tức vẫn thấy những trang báo đưa tin về những em học sinh nghèo vượt khó, học giỏi. Hoặc những tấm gương đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ như Cao Bá Quát, ông sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, nhưng với ý chí và nghị lực ông đã vượt qua hoàn cảnh trở thành một nhà thơ nhà văn lỗi lạc, thậm chí người đương thời thường nói rằng “Văn như Siêu, Quát vô triều Hán” tức là trước thời Hán không có ai giỏi văn như Siêu và Quát. Hay ta có thể thấy một nhân vật rất quen thuộc với hình ảnh đôi chân biết viết đó là thầy Nguyễn Ngọc Ký, sẽ ít ai hình dung được rằng một người bại liệt hai tay có thể trở thành một nhà giáo ưu tú, nhà văn, nhà thơ. Đúng vậy tất cả nhờ vào sự nỗ lực không ngừng, vẫn biết mình khiếm khuyết nhưng thầy không bao giờ nhụt chí, sự vượt khó của thầy khiến cho ai nhìn thấy cũng nể phục. Dù là ai đi chăng nữa chỉ cần có ý chí, có nghị lực thì cho dù bất kỳ hoàn cảnh khó khăn đến mấy chúng ta đều có thể vượt qua được. Hai nhân vật trên cho ta thấy rằng. Một người có sự kiên trì, nhẫn nại, sẵn sàng vượt qua mọi thử thách, không sợ hiểm nguy, khổ cực là những người có một ý chí rất lớn. Khi họ đã chấp nhận với hoàn cảnh éo le của mình để cố gắng tức là họ đang đối đầu với vô vàn khó khăn mà cuộc sống này mang lại. Họ luôn biết cách tạo ra cho mình những cơ hội trong lúc khó khăn, họ luôn tìm tòi học hỏi để thay đổi số phận của mình. Bởi lẻ, họ sinh ra đã không có cuộc sống trọn vẹn như bao người, nên vì thế họ chỉ có con đường duy nhất là cố gắng hết sức để xã hội công nhận họ.

Bác Hồ chúng ta từng dạy:

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”

Đúng vậy, nếu một người không có ý chí quyết tâm đạt được mục tiêu mà mình đề ra thì cho dù điều kiện của họ có tốt đến đâu đi chăng nữa thì cũng là bình phong để che đi sự lười nhác và vô dụng của họ. Rõ ràng ta có thể nhận định một điều rằng chỉ khi chúng ta thiếu thốn chúng ta mới có được khát khao vươn lên. Đặc biệt ở Việt Nam, theo thống kê số lượng trẻ nông thôn, trẻ em nghèo lại có thành tích học tốt hơn các em ở thành thị, thậm chí chúng ta cũng không mấy xa lạ gì khi hằng năm kỳ thi trung học phổ thông đến lại có những thủ khoa xuất thân từ những gia đình nghèo khó, đó là điều mà rất nhiều người đặt ra một chấm hỏi lớn. Họ không hiểu sao trong khi các nước phát triển trên thế giới, đa phần các bạn thủ khoa đều là những đứa trẻ con nhà giàu, có điều kiện. Và để nhân chứng cho điều này đó là bạn Đinh Xuân Chung học tại Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội. Dù xuất thân trong gia cảnh nghèo khó, bố bị nhiễm chất độc màu da cam do chiến tranh để lại, nhưng Chung luôn khát vọng vươn lên bằng chính năng lực, trí tuệ của mình, trở thành tấm gương sáng cho nhiều bạn học sinh sinh viên khác học tập và noi theo. Năm 2006, Chung là một trong 100 thủ khoa xuất sắc tiêu biểu được thành phố Hà Nội tuyên dương và khen thưởng. Không dừng ở đó, Chung còn sở hữu nhiều suất học bổng toàn phần học thạc sĩ hai năm tại trường đại học Hàn Quốc (Seoul, Hàn Quốc), học bổng Shinnyo En,… Quả thật cuộc sống này có quá nhiều thứ tốt đẹp, chỉ cần bạn cố gắng vượt qua mọi thử thách, kiên trì đến cuối cùng thì sớm muộn gì bạn cũng thu hoạch cho mình những trái ngọt. Đồng thời, không thể phủ nhận rằng cái nghèo cái đói đã nung nấu con người chúng ta phải quyết tâm thoát ra khỏi vùng vây đầy rẫy sự khó khăn vất vả, thậm chí là khinh bỉ để đạt được những thứ mình muốn.

Ngoài những tấm gương sáng về sự vượt khó để ta noi theo thì lại có những tấm gương đáng để ta lên án và chê trách. Thật không tiện khi nói điều này, nhưng với cuộc sống hiện đại như ngày nay chúng ta cũng gặp không ít những trường hợp sống không có sự nỗ lực, họ chỉ biết dựa dẫm vào người khác mà không tự mình vươn lên. Có những bạn học sinh sinh ra trong gia đình không mấy khá giả nhưng lại có tính đua đòi, ăn chơi lêu lỏng. Các bạn ấy không quan tâm đến hoàn cảnh gia đình mình khó khăn ra sao, các bạn chỉ biết mỗi ngày xin ba mẹ tiền để mua này mua kia, đua đòi theo bạn của mình. Thật sự đáng buồn, bởi các bạn không hề biết trân trọng những gì mình đang có để rồi khi nhận ra thì đã quá muộn. Trong khi đó ở ngoài kia còn rất nhiều người muốn được đi học, muốn được hằng ngày cắp sách đến trường mà không có cơ hội, thì ở đây lại có những kẻ lười nhát, không thấy sự may mắn của mình để mà cố gắng. Thiệt tình, ông trời thật biết trêu đùa, nhưng dù sao đi chăng nữa ta cũng thấy rõ một điều rằng những người có sự cố gắng, nỗ lực đều là những người thành công trong cuộc sống. Họ là những tấm gương sáng giúp chúng ta có những những bài học quý báu, họ truyền tải một năng lượng tích cực đến mọi người. Hy vọng rằng sẽ còn nhiều những tấm gương như thế để cổ vũ, khích lệ tinh thần cho những người đang trong tình trạng khó khăn, muốn thoát khỏi sự nghèo khổ

Tóm lại, một đời người sinh ra chúng ta hãy sống làm sao cho trọn vẹn, đừng vì những lý do vô lí đó mà đổ lỗi cho hoàn cảnh. Nên nhìn lại bản thân mình đã thực sự nỗ lực hay chưa, hãy học cách vươn lên để sống một cuộc sống có ích và đầy ý nghĩa.

4. Những tấm gương vượt khó vươn lên trong học tập mẫu 4

Lá xanh tươi rồi cũng sẽ về với cội, cuộc sống con người hối hả cũng sẽ lắng vào dòng cát bụi của thời gian. Nên lá kia đâu có thể mãi màu xanh tháng năm. Nên tuổi đời con người đâu có thể hai lần thắm lại. Nên là người thì phải sống một cuộc sống ý nghĩa. Phải có ý chí, nghị lực để vượt lên hoàn cảnh khó khăn, gian nan phía trước. Giống như anh Nguyễn Ngọc Ký, anh Hoa Xuân Tứ, anh Đỗ Trọng Khơi họ đều là những người không may mắn nhưng họ vẫn tự mình vươn lên. Họ là “những người không chịu thua số phận “làm tấm gương sáng cho chúng ta học tập.

Trước hết ta cần hiểu khái niệm số phận. Số phận ở đây được hiểu là những nỗi khốn khổ về hoàn cảnh hoặc bất hạnh( tàn tật, khiếm khuyết…) Về thể xác của một ai đó, xưa nay số phận thường được nhiều người coi là sự an bài của ông trời, do ông trời định đoạt : “ Ngẫm hay muôn sự tại trời” ( Truyện kiều, Nguyễn Du) “ Ngẫm dài có số, tươi héo bởi trời” ( Chuyện người con gái nam xương) bởi vậy người có số phận bất hạnh thường có tâm lý cam chịu, trời phạt đành chịu… Ngược lại với họ” Những người không cam chịu số phận “mà mạnh mẽ vươn lên để sống một cuộc sống có ích và có ý nghĩa đó là lối sống đẹp.

Có thể nói, những con người không chịu thua số phận là những người đáng quý. Họ có nhận thức đúng đắn về số phận. Họ nhận thức đúng đắn về số phận. Họ nhận ra rằng cuộc sống này thật tươi đẹp, thật ý nghĩa. Họ biết chắc rằng số phận nằm trong tay mỗi người và họ quyết tâm vươn lên hoàn cảnh, vượt lên chính mình để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho mình và người thân. Mục tiêu, lý tưởng sống của họ chính là trở thành người có ích cho xã hội. Họ có nhiều đóng góp cho xã hội, họ tự phục vụ mình, làm ra của cải nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, cho xã hội, cống hiến cho xã hội. Một trong số con người đó phải kể đến Nick ujicic- chàng trai người úc sinh ra với vơ thể không tay không chân, nhưng điều đó không khiến anh nản chí. Vượt qua những khiếm khuyết trên cơ thể mình. Anh trở thành một diễn giả nổi tiếng khắp thế giới, được mọi người biết đến như tấm gương của sự vượt khó. Họ là những tấm gương sáng.

Nhưng tấm gương ấy vươn lên trên nỗi bất hạnh của mình để cất lên những tiếng hát ca ngợi cuộc đời. Nhói lên niềm tin, lẽ sống cho mọi người. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, mặc dù liệt hai tay,từ nhỏ nhưng thầy vẫn quyết tâm đến trường, kiên trì học viết bằng chân, học hết đại học trở thành nhà giáo ưu tú, nhà văn nhà thơ. Từ nghị lực và ý chí vượt khó vươn lên của bản thân,thầy Nguyễn Ngọc Ký đã viết lên trang huyền thoại cho mình và trở thành tấm gương của biết bao thế hệ học sinh, thanh niên Việt Nam . Và hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, từ khi còn nhỏ đã mắc bệnh hiểm nghèo khiến anh bị liệt toàn thân nhưng anh vẫn cố gắng học tập, mở trung tâm tin học dành cho người khuyết tật, giúp đỡ họ có một hướng đi trong đời mình có niềm tin vào cuộc sống. Anh làm cho mọi người khâm phục bởi ý chí phi thường vươn lên trong cuộc sống, sống có ích, có cống hiến cho xã hội. Tất cả họ chính là những tấm gương tiêu biểu cho một lẽ sống đẹp, không chịu khuất phục sự nghiệt ngã.

Nhờ đâu họ có sức mạnh để vươn lên số phận, sức mạnh ấy được nhen nhóm từ ý chí, nghị lực, niềm tin yêu mãnh liệt vào cuộc sống. Họ đã tạo dựng cuộc sống từ muôn vàn khó khăn, gian khổ, thử thách bằng sự kiên trì, nhẫn nại và quyết tâm chiến thắng số phận mình. Họ là bông hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời. Bên cạnh đó, nhờ có sự động viên khích lệ của gia đình, bạn bề xã hội nên họ có đủ dũng cảm, tự tin để vượt qua hoàn cảnh, số phận và những chông gai phía trước.

Có thể nói, nếu con chim mang tiếng hót cho đời thêm vui, nếu bông hoa mang vẻ đẹp cho đời thêm hương sắc, thì nghị lực, không chịu thua số phận đã mang lại cho họ nhiều điều đáng quý. “ Không chịu thua số phân” giúp họ có tinh thân, quyết tâm vượt lên hoàn cảnh, vượt lên chính mình để sống có ích, sống có công hiến cho xã hội, giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Tàn nhưng không phế, bằng khả năng của mình họ đã có nhiều thành công và khẳng định được mình trong xã hội. Và họ là những tấm gương sáng để lại trong chúng ta bài học sâu sắc về nghị lực và ý chí vươn lên. Chính những tấm gương về họ dạy cho chúng ta phải biết vươn qua những khó khăn trong cuộc sống để thực hiện ước mơ, hoài bão. Không ai khác, họ là thần tượng của mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày hôm nay.

Cuộc đời luôn có hai mặt đúng- sai, phải- trái cho nên bên cạnh ca ngợi những tấm gương vượt khó thì chúng ta cũng cần phải phê phán những cá nhân không kiên cường, nhút chí trước những chông gai cuộc sống. Mỗi khi gặp khó khăn thường rất dễ nản lòng, chưa thật sự cố gắng đầu hàng số phận, dễ buông xuôi hoặc ỷ lại, hoặc phản ứng tiêu cực…. Đó là những người hèn nhát, không dám đối diện với sự thật nên khó thành công trong mọi việc.

Như vậy, không đao to búa lơn, chính cuộc đời họ những người không chịu thua số phận là thông điệp cao cả về lối sống có ích, làm thơ viết văn, dạy học… Bằng những công việc thầm lặng, họ cống hiến cho xã hội như cây xanh làm đẹp cho đời, điểm tôt cho cuộc sống. Họ là bài học lớn cho thế hệ trẻ hôm nay, trong hoàn cảnh đầy đủ tiện nghi, sung túc, được sống trong sự yêu thương, quan tâm của cha mẹ, xã hội thì không ít học sinh, thanh niên tự đánh mất mình, lao vào tệ nạn xã hội, lối sống vô nghĩa ăn chơi, hưởng thụ, không biết cố gắng phấn đấu để trở thành người có ích cho xã hội, đất nước. Cho nên chúng ta cần giúp đỡ, quan tâm những người tàn tạt. Phần lớn những người may mắn như chúng ta đã bao giờ cho rằng giúp đỡ những người tàn tật là vấn đề cần được quan tâm nữa không? Đúng vậy giúp đỡ người tàn tật là trách nhiệm của cả cộng đồng. Và giúp đỡ người tàn tật là biểu hiện sâu sắc nhất của lòng nhân ái.

Tóm lại, Những người không chịu thua số phận mãi mãi được mọi người yêu quý, khâm phục. Chúng ta nên ngưỡng mộ hộ, lấy họ làm tấm gương trong cuộc sống.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
2
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 11 Chân trời sáng tạo

    Xem thêm