Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nhà văn Kim Lân đã nói về truyện ngắn Vợ nhặt: "Những người đói, họ không nghĩ đến cái chết, mà nghĩ đến cái sống"

Văn mẫu lớp 12: Nhà văn Kim Lân đã nói về truyện ngắn Vợ nhặt: "Những người đói, họ không nghĩ đến cái chết, mà nghĩ đến cái sống" được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới các em học sinh cùng quý thầy cô tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

1. "Những người đói, họ không nghĩ đến cái chết, mà nghĩ đến cái sống" - Mẫu 1

Lắm lúc tôi thấy văn chương là một thứ đạo, đạo làm người, như một thứ tôn giáo. Mà tôn giáo nào cũng đòi hỏi sự thương yêu giữa con người với con người, đòi con người có quyền làm người, bình đẳng, tự do, bác ái. Mỗi người truyền một cách, nhưng cuối cùng con người vẫn thương yêu nhau và làm cho con người có tư cách, có nhân phẩm, tài năng để đánh giá đúng và chống lại bạo ngược, cường quyền, áp bức”. Ấy là những bộc bạch của nhà văn Kim Lân khi chia sẻ về quan niệm nghệ thuật của mình. Không coi văn học đơn thuần là công cụ để “tỏ chí” như những hiền nhân xưa, đối với Kim Lân, văn chương được nâng tầm lên là tôn giáo. Và thứ “đạo” mà Kim Lân hướng đến và mang lại cho người đọc chính là tình thương, lòng nhân ái. Nhà văn đã phát hiện ra khát vọng sống mãnh liệt, ước mơ hạnh phúc cao cả của con người để rồi thốt lên: "Những người đói, họ không nghĩ đến cái chết, mà nghĩ đến cái sống". Điều này được thể hiện rất rõ trong những trang viết về nạn đói của ông trong “Vợ nhặt”.

Tác phẩm mở đầu với khung cảnh tang thương của miền quê Việt Nam. Nạn đói kinh hoàng quét qua nơi đây, biến vùng nông thôn thanh bình trù phú trở thành cõi tang tóc tiêu điều. Người chết như ngả rạ. Người sống cũng xanh xám như những bóng ma. Tiếng quạ kêu lên từng hồi thê thiết. Nhân vật trung tâm của tác phẩm là Tràng cùng người vợ nhặt và bà cụ Tứ. Mẹ con Tràng là những người dân ngụ cư, có thân phận rẻ rúng. Kim Lân luôn chọn cho nhân vật của mình những cái tên có phần xấu xí như Thúng, Mủng, Tràng, Đục,... gợi liên tưởng đến những vật dụng của nông dân. Cũng có khi nhân vật của ông được định danh bởi gắn với một sự vật nào đó như “Bố con ông gác máy bay trên núi Côi Kê”. Và thậm chí, có khi họ còn chẳng có tên mà được gọi bằng những danh xưng chung chung như nhân vật thị - người vợ nhặt. Việc đặt tên nhân vật đã phần nào hé lộ đặc điểm của nhân vật, cho thấy thân phận trôi nổi, vô định của con người. Không chỉ vậy, điều này đã góp phần đưa giá trị nhân đạo và hiện thực của truyện lên tầm phổ quát. Những nhân vật của Kim Lân không phải là một số phận cá biệt mà là tiêu biểu cho hình ảnh người nông dân Việt Nam trước cách mạng.

Viết về cuộc sống của người nông dân không phải là đề tài xa lạ. Kim Lân đã chọn gieo trồng những hạt giống văn chương nên nền đất quen thuộc. Thế nhưng, chính cách nhìn hiện thực và con người đã làm nên nét đặc sắc của ông so với những nhà văn khác. Khát vọng sống mãnh liệt, niềm tin vào tương tai tươi sáng của con người được thể hiện xuyên suốt tác phẩm.

Giữa lúc nạn đói hoành hành, Tràng lại dẫn một người đàn bà lạ về làm vợ. Niềm vui hiện rõ trên gương mặt anh: “Mặt hắn có một vẻ gì phởn phơ khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh". Việc này đã làm dấy lên sự tò mò của người làng. Những đứa trẻ trong xóm quấn quýt theo Tràng để trêu chọc: “Chông vợ hài!”. Những người lớn thì bàn tán, chỉ trỏ. Bất giác, sự rạng rỡ lóe lên trong ánh mắt dân làng. Người đàn bà kia đã thổi vào ngôi làng u ám một luồng sinh khí tươi mát vô cùng. Thế nhưng, nó cũng thoáng qua mau. Mới vui mừng, họ lại khấp khởi âu lo: "Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?".

Trên đường về, nếu thị ngại ngùng đến mức chân nọ vướng vào chân kia thì Tràng lại vô cùng tự hào. Anh ta vênh mặt lên tự đắc với chính mình. Bước vào căn nhà rách nát của Tràng, thị ngồi xuống giường và khẽ thở dài. Cái thở dài ấy không phải là sự khinh miệt với gia cảnh của Tràng mà là tâm trạng buồn bã, tủi thân tủi phận cho kiếp nghèo khổ của mình và những người xung quanh. Cả Tràng và thị đều quá bỡ ngỡ trước sự việc này, không giấu nổi vẻ gượng gạo. Hai người đều đã đưa ra những quyết định liều lĩnh. Lần thứ nhất hai người gặp nhau, chỉ vì một câu hò “Muốn ăn bánh đúc mấy giò/Lại đây mà đẩy xe bò với anh”, thị đã giúp Tràng đẩy xe bò lên dốc tỉnh. Đến lần gặp thứ hai, Tràng thậm chí không nhận ra thị bởi lúc ấy trông thị thảm hại quá. Bị cái đói hành hạ, thị không còn giữ thể diện mà một mực vin vào câu hò của Tràng để đòi ăn. Hành động ấy tuy chẳng lấy làm duyên dáng nhưng cho thấy khát vọng sống mãnh liệt khi cái chết đang cận kề. Cảm động hơn, Tràng, dù chỉ là một người đẩy xe bò thuê nhưng vì thương xót cho hoàn cảnh của thị mà Tràng đã đãi thị ăn. Thị ta ngồi xuống ăn một chặp bốn bát bánh đúc mà chẳng chuyện trò gì, ăn xong còn lấy đũa quyệt ngang miệng. Tấm lòng nhân hậu, sự bao dung cùng tinh thần đồng cam cộng khổ đã khiến Tràng đề nghị: “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”. Trên đường về,Tràng bỏ ra hai hào để mua một chai dầu. Quả thực, sự gắn bó giữa hai con người liều lĩnh này đã thắp lên niềm hy vọng vào tương lai và sự sống. Họ cùng nâng đỡ nhau vượt qua cái nghèo, cái đói, nương tựa vào nhau để sống.

Dù chỉ là “nhặt vợ” nhưng Tràng vẫn rất trân trọng thị. Điều ấy chứng tỏ tinh thần quý trọng và nâng niu hạnh phúc. Tràng trịnh trọng giới thiệu với mẹ về người vợ mới. Bà cụ Tứ buồn vui, tủi hờn lẫn lộ. Trong thoáng chốc, ta thấy bóng đêm của nạn đói lại ùa về đen kịt trong đôi mắt ầng ậc nước của bà. Chồng và con gái bà đã mất vì cái đói ghê gớm. Nay Tràng lại đèo bồng thêm một cô vợ, liệu hai người có thể sống sót nổi không? Thế nhưng, sau tất cả, bà vẫn chọn hướng về phía tích cực, chúc phúc cho các con. Bà hiểu rằng hạnh phúc có khi xuất hiện thật bất ngờ, biết đâu chỉ trong tình cảnh này thì con bà mới có thể lấy được vợ.

Sức sống mới bao phủ lên căn nhà của Tràng vào sáng hôm sau. Với Tràng, anh ta thấy “người êm ái lửng lơ như người ở trong giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến hôm nay hấn vẫn còn ngỡ như không phải”. Bỗng nhiên, Tràng thấy thương yêu gắn bó với cái nhà tồi tàn của hắn lạ lùng. Viễn cảnh hạnh phúc đem đến cho Tràng nguồn năng lượng và động lực sống. Còn gì hạnh phúc hơn một gia đình nhỏ? Và anh Tràng ngờ nghệch nay đã có ý thức về bổn phận của người đàn ông trong gia đình. Đây chính là biểu hiện cho khát vọng sống cao đẹp. Nhân vật người vợ nhặt cũng vậy. Thị trở lại làm người đàn bà hiền hậu, đúng mực, cùng mẹ chồng quét tước nhà cửa. Hành động, thái độ của thị cho thấy ý thức vun vén hạnh phúc. Thị theo Tràng về là muốn cho mình một cơ hội sống tốt đẹp, được làm lụng và cống hiến vì hạnh phúc đơn sơ chứ không chỉ tìm một nơi để đeo bám khi đói nghèo. Cuối cùng là bà cụ Tứ. Dù nghèo nhưng bà vẫn dành những gì tốt đẹp nhất cho các con. Hình ảnh nồi cháo cám là hội tụ của tình yêu thương con, lòng nhân hậu, ước mơ hạnh phúc của bà. Niềm tin vào tương lai còn được thể hiện khi bà bàn bạc với Tràng: “Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tin rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này, ngoảnh đi ngoảnh lại, chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem”.

Kết thúc tác phẩm là hình ảnh đoàn người chạy trên đê phá kho thóc. Đoàn người ấy đang vùng lên chống lại sự áp bức của thực dân, phát xít. Sớm thôi, Tràng và thị cũng sẽ gia nhập đoàn người đó, đi theo tiếng gọi của cách mạng để giành lại độc lập, tự do. Kết truyện đã cho thấy tinh thần nhân đạo của Kim Lân. Người nông dân của ông không rơi vào cảnh cùng đường mà được khai sáng để đấu tranh.

Kim Lân chỉ quen viết về những điều quen thuộc với cuộc sống của mình. Bối cảnh tác phẩm của ông thường gói gọn trong lũy tre xanh của làng quê. Thế nhưng, ngay trên nền đất cũ, nhà văn vẫn không ngừng khơi gợi những tình cảm mới. “Vợ nhặt” đã thêm một nét mới cho chủ nghĩa nhân đạo của văn học nước nhà. “Nhà văn dùng "Vợ nhặt" để làm cái đòn bẩy để nâng con người lên trong tình nhân ái. Câu chuyện "Vợ nhặt" đầy bóng tối nhưng từ trong đó đã loé lên những tia sáng ấm lòng” (Trần Đồng Minh).

2. "Những người đói, họ không nghĩ đến cái chết, mà nghĩ đến cái sống" - Mẫu 2

Vợ nhặt là tác phẩm ưu tú của nhà văn Kim Lân và cũng là một trong những thành tựu xuất sắc của nền văn học cách mạng. Tác phẩm ra đời cách đây đã trên bốn mươi năm, viết về một giai đoạn đau thương trong lịch sử dân tộc: nạn đói năm 1945 - từ Quảng Trị đến Bắc Bộ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói; thế nhưng, tác phẩm không mang tính nhất thời và sẽ bất tử với thời gian bởi giá trị nhân văn cao cả: niềm tin không bao giờ tắt hướng về con người. Trong tác phẩm, niềm tin ấy được thể hiện ở chỗ: những người đói, họ không nghĩ đến cái chết, mà nghĩ đến cái sống.

Như nhiều tác phẩm trước đó viết về nạn đói, ngòi bút Kim Lân chứa chan thương cảm trước những số phận lương thiện và cùng khổ. ông không dành nhiều trang viết mô tả kĩ hiện thực tàn khốc lúc bấy giờ - người chết đói như ngả rạ - mà chủ tâm thể hiện vẻ đẹp tinh thần ẩn giấu trong cái bề ngoài xác xơ vì đói khát của những người nghèo khổ. Cốt truyện Vợ nhặt thật đơn giản: Một anh chàng nghèo khổ - tên Tràng - độc thân, chỉ với mấy câu "hò chơi cho đỡ nhọc", đã có được cô "vợ nhặt" - đang sống dở, chết dở vì đói. Họ thành vợ thành chồng giữa cái cảnh "tối sầm lại vì đói khát". Đêm tân hôn của họ âm thầm trong bóng tối, giữa tiếng hờ khóc tỉ tê của những nhà có người chết đói theo gió đưa lại. Bữa cơm cưới của đôi vợ chồng trẻ và người mẹ già chỉ có cháo loãng, muối hột, nhưng ăn uống rất ngon lành, trong hồi trống thúc thuế. Ba mẹ con vừa ăn cơm, vừa bàn chuyện Việt Minh phá kho thóc chia cho dân nghèo. "Trong óc Tràng, vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới".

Vợ nhặtNgay từ đầu, câu chuyện đã hiện lên đượm màu sắc tang thương tử khí: "Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào. Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người". Thực không còn gì ảm đạm hơn bức tranh quê ấy. Trong khi trước đó không lâu, mỗi chiều Tràng đi làm về, "cái xóm ngụ cư tồi tàn ấy lại xôn xao lên được một lúc" còn bây giờ, cái đói đã đè nặng lên vai mỗi người; ngay cả bọn trẻ - những đứa bé hồn nhiên, vô tư nhất cũng mất đi sự tự nhiên, ngây thơ của mình, chúng ủ rũ, không buồn nhúc nhích...

"Giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy, một buổi chiều, người trong xóm bỗng thấy Tràng về với một người đàn bà nữa". Tràng dẫn người đàn bà này về làm vợ, xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái để tiếp nối sự sống. Giọng văn lúc này thật dồn nén và gây cảm xúc mạnh, mộc mạc mà lôi cuốn: "Mặt hắn có vẻ gì phởn phơ khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh". Đọc đến đây, ta không thể không nghĩ đến những trang bi kịch của sêcxpia, Môlie hay Xtăngđan. Tuy nhiên, bi kịch ở đây đã vượt lên sự thông thường vẫn có; nó cũng không phải là "hiện thân của sự ngu dốt" như Mác nói, mà trở nên sự cao cả "đẹp tươi lạ thường". Đó là biểu hiện cao nhất của sự chiến thắng, vượt lên trên thực tại chết chóc, đen tối để hướng tới sự sống, niềm tin, ánh sáng. Với chi tiết Tràng cùng vợ đi về nhà, chủ nghĩa nhân đạo trong văn học nước nhà cũng có thêm một tiếng nói mới, có sức mạnh.

Chuyện lấy vợ của Tràng, trước hết là một chuyện lạ mà thú vị. Điều ấy đã khiến người dân ở xóm ngụ cư hết sức tò mò, từ bọn trẻ con cho đến tất cả người làng: "Họ bàn tán... Họ hiểu đôi phần, khuôn mặt họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên". Từ trong sâu thẳm tâm hồn những người dân làng, le lói lên một chút niềm vui. Họ thú vị nghĩ tới chuyện Tràng có vợ. Có thể nói, trong phút chốc, khi Tràng cùng với cô "Vợ nhặt" đi về làng, cái chết, sự ảm đạm âm u nơi xóm ngụ cư được đẩy sang một bên. Xóm ngụ cư đang ở trên miệng vực cái chết, bỗng hé lên một thoáng sống.

Nhưng, niềm vui vừa đến, đã phải nhường chỗ cho sự âu lo. Dân làng lo thay cho Tràng: "Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không". Tuy nhiên, đó không phải là nỗi lo tuyệt vọng, mà là lo cho cái sống. Sự chết chóc cứ ám ảnh, đe dọa sự sống, nhưng sự sống vẫn vượt lên cái chết. Khuôn mặt "rạng rỡ" của người dân làng, ánh mắt của họ thực ý nghĩa, nói với chúng ta bao điều.

Ở bước đường cùng, người ta sinh ra liều lĩnh - điều đó thực đúng lắm thay! Hành động nhân đùa làm thật của cô gái theo chân Tràng về nhà, xét đến cùng, là một hành động liều lĩnh. Tràng gặp người đàn bà ấy tất cả chỉ có hai lần vào các dịp chở thóc lên tỉnh. Với Tràng, chị ta chẳng để lại trong anh một ấn tượng gì. Bởi thế, lần thứ hai gặp lại, Tràng phải mất một thời gian mới nhận ra và cũng như nhiều nhân vật khác trong các sáng tác của Nam Cao, cái dạ dày chị đã chiến thắng khối óc và con tim: được Tràng đãi, chị ăn liền một chập bốn bát bánh đúc. Cái đói đã đẩy lùi ý thức nhân cách, sĩ diện. Quên cả thẹn thùng, người đàn bà không tên ấy cắm đầu ăn "không chuyện trò gì". Khi Tràng ngỏ lời, không cần suy nghĩ, chị cũng đi theo một cách dễ dàng, "vô tư lự". Thế mới hay, cái đói ghê gớm biết chừng nào. Và hai cái "liều" gặp nhau đã tạo nên một gia đình thời tao loạn. Điều đáng chú ý là ở đây, khi cùng người "Vợ nhặt" về nhà, Tràng bỏ ra hai hào để mua một chai dầu, điều này có nghĩa là anh đã thắp lên một ngọn lửa trong cuộc sống tăm tối của mình, đem lại chút ánh sáng cho gia đình cũng như dân làng. Điều này chi phối toàn bộ văn phẩm. Cũng từ cuộc "hôn nhân" của Tràng, những người đời mới thực sự không nghĩ đến cái chết, mà nghĩ đến cái sống.

Khi Tràng cùng vợ về nhà, cuộc sống trước mắt họ không kém phần thảm hại: căn nhà vắng teo, rúm ró; niêu bát, áo xống bừa bộn... ôi, lấy vợ cưới chồng, yên bề gia thất! Việc lớn một đời, hạnh phúc trăm năm! Vậy mà, họ bị bủa vây bởi sự nghèo đói chết chóc. Nhưng, sự sống là bất diệt, chẳng bao giờ chán nản. Trong cái chết, sự sống vẫn tồn tại, tìm chỗ sinh sôi nảy nở. Tất cả thật dữ dội, mà ý nghĩa thì lớn lao: sự sống luôn tồn tại, bất chấp cái chết...

Việc hai người xa lạ bỗng gắn bó với nhau trong cơn đói kém, chứng tỏ quyết tâm nghĩ đến cái sống của hai người, đem lại cho họ - trước hết là Tràng một niềm vui lớn lao. Trong truyện ngắn, hơn hai mươi lần nhà văn nhắc đến niềm vui và nụ cười thường trực của Tràng, khi đã có vợ. Tình yêu của hai người, có sức cải biến thật lớn.

"Trong một lúc, Tràng như quên hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hàng ngày, quên cả cái đói khát đang đe dọa... Trong lòng hắn, lúc này chỉ còn tình nghĩa với người đàn bà đi bên. Một cái gì mới mẻ, lạ lắm, chưa từng thấy ở người đàn ông ấy...". Đúng vậy. Niềm vui lớn nhất đời anh đã thành sự thực: có vợ. Cái "mới mẻ", "lạ lẫm" ấy là tinh thần trách nhiệm của một người chủ gia đình sẽ phải lèo lái con thuyền nhà - gia đình qua thời điểm khó khăn, vươn lên trên hoàn cảnh khắc nghiệt để xây dựng cuộc sống. Tràng bỏ sau lưng tất cả những tiếng hờ khóc, tiếng quạ kêu...

Chỉ sau một đêm "nên vợ, nên chồng", Tràng thấy mình có sự đổi khác: "Trong người êm ái lửng lơ như người ở trong giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến hôm nay hấn vẫn còn ngỡ như không phải...". Chuyện được "vợ nhặt" của Tràng ngỡ như đùa nhưng lại là sự thật; bao nhiêu sự sống, sinh khí trở lại với Tràng, với gia đình sau khi anh có vợ. Và cũng từ buổi "sáng hôm sau đó", dường như tất cả sự thực chết chóc không còn tồn tại nữa, Tràng chỉ nghĩ đến sự gây dựng cuộc sống, hướng về sự sống mà tạo lập hạnh phúc: "Tràng thấy thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cũng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa, che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo cho vợ con sau này"...

Có thể nói, đó là biểu hiện cao nhất của tinh thần hướng về sự sống, quên đi cái chết đang bủa vây.

Vợ Tràng là một nhân vật khá độc đáo. Chị không có tên, không tuổi, không đặc điểm nhận dạng và quê quán. Tưởng rằng, khi chị theo Tràng đi về nhà, với sự chao chát, chỏng lỏn, văn học Việt Nam lại có thêm một nhân vật "không bình thường". Nhưng không, ngòi bút Kim Lân chưa bao giờ để nhân vật của mình tha hóa, biến chất đến độ ấy. Khi về đến nhà Tràng, con người thật của chị mới hiện lên đầy đủ. Chị cứ "ngồi mớm ở mép giường, hai tay ôm khư khư cái thúng". Vì sao vậy? Cái thế ngồi rụt rè, chông chênh ấy cũng là cái thế của lòng chị, trăm mối ngổn ngang. Liệu chỗ ngồi ấy có phải là chỗ của chị không? Nhà này có phải chốn để chị dung thân?

Và cũng như Tràng, sau một đêm làm vợ, chị đã thay đổi hẳn: "Trông chị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu, đúng mực...". Cái đói một khi được xua đi, thì sự tốt đẹp đúng như bản chất hiền trở lại với chị. Ấy cũng là lúc chị nghĩ đến sự sống, lo cho gia đình mình. Chị quét dọn sân nhà sạch sẽ, gánh nước đổ đầy ang... Có bàn tay săn sóc của chị, căn nhà trở nên gọn gàng, sáng sủa. Sự sống trở về với người với cảnh...

Bà cụ Tứ càng để lại cho người đọc những thiện cảm tốt đẹp. Thấy con lấy vợ trong hoàn cảnh khó khăn, bà không khỏi bùi ngùi, thương xót: "Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái, mở mày mở mặt sau này. Còn mình thì...". Nhưng, bà thực sự vui mừng khi con trai đã yên bề gia thất: "Bà lão nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo, u ám của bà rạng rỡ hẳn lên...". Rồi trong bữa cơm, cả ba mẹ con đều quên đi hiện thực đau lòng để hướng đến một tương lai tươi đẹp hơn:

"Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tin rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này, ngoảnh đi ngoảnh lại, chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem...".

"Nghĩ đến cái sống, không nghĩ đến cái chết là ở chỗ đấy. Bà cố gắng xua đi thực tại hãi hùng, để nhen nhóm niềm tin vào cuộc sống cho các con. Tuy nhiên, món chè cám đã nhắc họ về với thực tại. Chao ôi, chè cám! Phải đói đến một mức nào đó, người ta ăn cám mới cảm thấy ngon! Cuộc sống khắc nghiệt, đày đọa, bắt họ phải sống cuộc sống loài vật, nhưng nào có dập tắt được phần NGƯỜI đáng quý trong mỗi con người. Cái phần NGƯỜI ấy, sẽ giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Sẽ là thiếu sót lớn nếu bỏ qua hình ảnh những người nông dân trên đê Sộp cùng nhau đi phá kho thóc, khi nói đến những kẻ hấp hối trong vòng tử địa vẫn hướng tới cuộc sống. Đó là hình ảnh không hề ngẫu nhiên chút nào, được nhà văn chuẩn bị từ trước. Nó là dấu hiệu của "bước đường cùng", không còn cách giành sự sống nào khác, phải vùng dậy đấu tranh, hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tràng thấy "ân hận, tiếc rẻ vẩn vơ, khó hiểu" bởi anh chưa bắt được mạch nguồn cách mạng. Trước mắt người đọc lúc này, sự sống trở thành mục đích chung của mọi người; họ đấu tranh, đoạn tuyệt dứt khoát với cái chết. Và chắc chắn, mẹ con Tràng sẽ tiếp nối dòng người kia, giành sự sống cho mình.

Vợ nhặt là thành công xuất sắc của nền văn học cách mạng. Với truyện ngắn này, Kim Lân bày tỏ thiện cảm sâu sắc với những người nghèo khổ, nhưng giàu lòng nhân ái. ông luôn khẳng định cái đói khát, chết chóc không thể giết chết niềm tin vào cuộc sống. Năm tháng qua đi, còn mãi với thời gian là chất nhân văn cao cả của một nghệ sĩ nhân đạo.

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 12: Nhà văn Kim Lân đã nói về truyện ngắn Vợ nhặt: "Những người đói, họ không nghĩ đến cái chết, mà nghĩ đến cái sống". Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số bài soạn bài Ngữ văn 12 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 12.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

Đánh giá bài viết
1 11.290
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 12

    Xem thêm