Những vấn đề cơ bản về hợp đồng kinh tế
Chúng tôi xin giới thiệu bài Những vấn đề cơ bản về hợp đồng kinh tế được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Những vấn đề cơ bản về hợp đồng kinh tế
Ngày 25/09/1989, Hội đồng Nhà nước (nay là Chính phủ) đã ký ban hành Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế. Bản Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế là kết quả của nhiều năm công tác hợp đồng kinh tế ở nước ta. Pháp lệnh này gồm có 5 chương với 45 điều, đề cập đến những nội dung chính sau đây:
Các bên ký kết hợp đồng và căn cứ để ký kết hợp đồng kinh tế
Điều 2 khẳng định, hợp đồng kinh tế được ký kết giữa các bên sau đây:
Pháp nhân với pháp nhân.
Pháp nhân với các cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Pháp nhân là những tổ chức kinh tế có đủ điều kiện như: được thành lập một cách hợp pháp; có tài sản riêng và chịu trách nhiệm một cách độc lập bằng tài sản đó; có quyền quyết định một cách độc lập về các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình; có quyền tự mình tham gia các quan hệ pháp luật (Điều 54 – Bộ Luật Dân sự). Còn các cá nhân có đăng ký kinh doanh là người đã đăng ký kinh doanh tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định về đăng ký kinh doanh và được cấp giấy phép kinh doanh.
Hợp đồng mua bán hàng hóa cũng như hợp đồng kinh tế nói chung được ký kết giữa các bên trên cơ sở các căn cứ sau đây:
Định hướng kế hoạch của Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao, các chế độ, chính sách, các chuẩn mực kinh tế - kỹ thuật hiện hành.
Nhu cầu thị trường, đơn hàng, đơn chào hàng của bạn hàng.
Khả năng phát triển sản xuất, kinh doanh, chức năng hoạt động kinh tế của mình.
Tính hợp pháp của hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng bảo đảm về tài sản của các bên cùng ký kết hợp đồng.
Để đảm bảo cho việc thực hiện nghiêm túc và triệt để nghĩa vụ trong hợp đồng, hợp đồng kinh tế áp dụng các biện pháp như thế chấp tài sản, cầm cố tài sản và bảo lãnh tài sản. Những biện pháp đó buộc các bên ký kết nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc thi hành các điều khoản của hợp đồng.
Hình thức và nội dung hợp đồng kinh tế
Vì hợp đồng kinh tế được ký kết theo nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, trực tiếp chịu trách nhiệm về tài sản và không trái pháp luật, cho nên hình thức ký kết rất linh hoạt và thuận tiện cho cả hai bên như công văn, điện báo, đơn chào hàng, đơn đặt hàng… Nó có hiệu lực pháp lý từ thời điểm các bên đã ký vào văn bản hoặc từ khi các bên nhận được tài liệu giao dịch thể hiện sự thoả thuận về tất cả những điều khoản chủ yếu của hợp đồng (Điều 11).
Một hợp đồng kinh tế nói chung và hợp đồng trong kinh doanh thương mại nói riêng thường có kết cấu và nội dung chủ yếu sau đây:
1/ Phần mở đầu của hợp đồng: bao gồm những nội dung sau đây
- Quốc hiệu: Phần này mở đầu một hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước. Còn đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thì không ghi quốc hiệu vì chủ thể thuộc các quốc gia khác nhau.
- Số và ký hiệu hợp đồng: Ghi ở góc trái của hợp đồng hoặc dưới tên văn bản. Nội dung này cần thiết cho việc lưu trữ, tra cứu khi cần thiết, phần ký hiệu hợp đồng thường là những chữ viết tắt của tên chủng loại hợp đồng.
- Những căn cứ để xây dựng hợp đồng: thông thường là căn cứ vào những văn bản pháp quy, văn bản hướng dẫn của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thỏa thuận của các chủ thể.
- Thời gian và địa điểm ký kết hợp đồng: nội dung này phải xác định rõ ràng vì nó là mốc quan trọng đánh dấu sự thiết lập hợp đồng kinh tế xảy ra trong một không gian, thời gian cụ thể, để chứng minh sự giao dịch của các bên, khi cần thiết Nhà nước sẽ thực hiện sự xác nhận, hoặc kiểm soát, đồng thời đó cũng là căn cứ quan trọng để các chủ thể hợp đồng ấn định thời hạn của hợp đồng được bắt đầu và kết thúc khi nào.
2/ Phần thông tin về những chủ thể hợp đồng bao gồm những nội dung sau:
- Tên doanh nghiệp: Hai bên phải kiểm tra lẫn nhau về tư cách pháp nhân hoặc giấy phép đăng ký kinh doanh, để chống mạo danh lừa đảo hoặc bị thông báo vỡ nợ, đình chỉ hoạt động, giải thể.
- Địa chỉ của doanh nghiệp: Ghi rõ nơi có trụ sở pháp nhân đóng, khi cần các bên có thể tìm đến nhau để liên hệ, giao dịch. Yêu cầu phải ghi cụ thể số nhà, đường phố, phường xã, quận huyện, tỉnh thành phố…
- Số điện thoại, telex, fax: Đây là những phương tiện thông tin quan trọng để giao dịch, liên hệ với nhau, giảm bớt chi phí đi lại.
- Số tài khoản mở tại ngân hàng: Khi ký hợp đồng các bên phải thẩm định về ngân hàng mở tài khoản, số hiệu tài khoản, kiểm tra nắm vững số tiền đối tác có trên tài khoản để đảm bảo khả năng thanh toán.
- Người đại diện ký hợp đồng: Về nguyên tắc phải là người đứng đầu pháp nhân hoặc là người đứng tên trong giấy phép kinh doanh. Song có thể uỷ quyền cho người khác theo đúng quy định của pháp luật.
3/ Phần những điều khoản căn bản hai bên thỏa thuận, bao gồm những nội dung sau:
- Điều khoản về đối tượng hợp đồng: Trong đó nêu rõ tên của hàng hóa giao dịch trong hợp đồng. Tên của hàng hóa phải được nêu bằng những danh từ thông dụng nhất, tiếng phổ thông. Bản thân hàng hóa mua bán phải đảm bảo tính hợp pháp, tức là những hàng hóa không trong danh mục cấm lưu thông của Nhà nước.
- Điều khoản về số lượng hàng hóa: Số lượng hàng hóa trong hợp đồng phải được ghi chính xác, rõ ràng theo sự thỏa thuận của các chủ thể và tính theo đơn vị đo lường hợp pháp của Nhà nước với từng loại hàng. Nếu tính trọng lượng thì phải ghi cả trọng lượng tịnh và trọng lượng cả bì. Nếu trong hợp đồng có mua bán nhiều loại hàng hóa khác nhau thì phải ghi riêng số lượng, trọng lượng của từng loại, sau đó ghi tổng giá trị hàng hóa mua bán.
- Điều khoản về chất lượng, quy cách hàng hoá: Điều khoản này chỉ rõ phẩm chất, quy cách, tiêu chuẩn kỹ thuật, kích thước, màu sắc, mùi vị, độ ẩm, tạp chất…
- Điều khoản về giá cả hàng hóa: Điều khoản này chỉ rõ giá mua bán mà hai bên thỏa thuận với nhau trong giao dịch. Điều khoản này rất quan trọng cần phải ghi chính xác, rõ ràng theo sự thỏa thuận của các bên. Khi định giá trong hợp đồng cần phải nêu rõ đơn vị tính giá và phương pháp định giá.
- Điều khoản về thanh toán: Điều khoản này chỉ rõ đồng tiền và thể thức thanh toán mà hai bên lựa chọn. Tùy theo tính chất của các loại giao dịch thương mại và các quan hệ chi trả hai bên có thể chọn một trong các thể thức thanh toán chấp nhận được, chẳng hạn như thanh toán bằng tiền mặt, séc, ủy nhiệm chi (chuyển tiền), thư tín dụng (L/C), đổi hàng…
- Điều khoản về giao hàng: Trong điều khoản này phải xác định trách nhiệm của người bán thông báo cho người mua về việc hàng đã chuẩn bị xong để giao, liệt kê những chứng từ giao hàng mà người bán phải giao khi người mua nhận hàng. Trong hợp đồng cần quy định rõ lịch giao nhận, trong đó xác định cụ thể số lượng cần giao, thời gian, địa điểm, phương thức giao nhận và điều kiện của người đến nhận hàng.
- Điều khoản về bao bì và ký mã hiệu hàng hoá: Điều khoản này cho thấy quy cách, chủng loại, chất lượng bao bì, độ bền và cách đóng gói hàng. Cần đảm bảo ghi nhận đầy đủ các dấu hiệu đặc trưng của từng loại hàng như: Tên cơ sở sản xuất, trọng lượng hàng, số hiệu đơn hàng, phải có đủ những chỉ dẫn đặc biệt về vận chuyển, bảo quản, bốc xếp hàng hóa. Nội dung ký mã hiệu đôi khi còn quy định cả phương thức thanh toán bao bì trong hợp đồng.
4/ Những điều khoản khác: Ngoài những điều khoản căn bản trên đây trong hợp đồng còn có những điều khoản khác, bao gồm những điều khoản sau đây:
- Điều khoản về bảo hành hàng hóa và giấy hướng dẫn sử dụng.
- Điều khoản về những biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng.
- Điều khoản về trách nhiệm vật chất.
- Điều khoản về hiệu lực hợp đồng.
- Điều khoản về giải quyết tranh chấp phát sinh…
5/ Phần cuối của hợp đồng: phần này chỉ rõ:
- Số lượng bản hợp đồng ký có giá trị như nhau.
- Đại diện của các bên đã xác nhận vào hợp đồng (ký tên, đóng dấu)
Thưởng phạt hợp đồng
Điều 13 của Nghị định 17/HĐBT ngày 16/01/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh hợp đồng kinh tế có ghi rõ các bên có nghĩa vụ thực hiện đúng và đầy đủ cam kết trong hợp đồng kinh tế trên tinh thần hợp tác, tôn trọng lợi ích của nhau.
Để khuyến khích thực hiện tốt hợp đồng kinh tế về mua bán vật tư hàng hoá, các bên có quyền thỏa thuận mức tiền thưởng theo tỉ lệ phần trăm giá trị hợp đồng hoặc bằng số tiền tuyệt đối. Trường hợp có sự vi phạm hợp đồng kinh tế thì bên vi phạm hợp đồng phải trả cho bên bị vi phạm tiền phạt và trong những trường hợp có thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại. Mức tiền phạt được Nhà nước quy định như sau:
Vi phạm chất lượng: Phạt từ 3% đến 12% giá trị phần hợp đồng kinh tế bị vi phạm về chất lượng.
Vi phạm thời hạn thực hiện hợp đồng: Phạt 2% giá trị phần hợp đồng kinh tế bị vi phạm thời hạn thực hiện cho 10 ngày lịch đầu tiên; phạt thêm từ 0,5% đến 1% cho mỗi đợt 10 ngày tiếp theo cho đến mức tổng số các lần phạt không quá 8% giá trị hợp đồng kinh tế bị vi phạm ở thời điểm 10 ngày lịch đầu tiên; nếu hoàn toàn không thực hiện hợp đồng kinh tế đã ký kết thì bị phạt đến mức 12% giá trị hợp đồng kinh tế.
Vi phạm nghĩa vụ không hoàn thành sản phẩm, hàng hoá, công việc một cách đồng bộ: Phạt từ 6% đến 12% giá trị hợp đồng kinh tế bị vi phạm.
Vi phạm nghĩa vụ tiếp nhận sản phẩm hàng hoá, công việc đã hoàn thành theo đúng hợp đồng: Phạt từ 4% giá trị hợp đồng kinh tế đã hoàn thành mà không được tiếp nhận cho 10 ngày lịch đầu tiên và phạt thêm 1% cho mỗi đợt 10 ngày tiếp theo cho đến mức tổng số các lần phạt không quá 12% giá trị phần hợp đồng đã hoàn thành không được tiếp nhận ở thời điểm 10 ngày lịch đầu tiên.
Vi phạm nghĩa vụ thanh toán áp dụng mức lãi suất tín dụng quá hạn của ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính từ ngày hết hạn thanh toán. Trường hợp này không giới hạn mức phạt tối đa.
Thanh lý hợp đồng và xử lý hợp đồng kinh tế vô hiệu
Thanh lý hợp đồng kinh tế được các bên cùng nhau giải quyết trong những trường hợp sau:
- Hợp đồng kinh tế đã được thực hiện xong.
- Thời hạn hiệu lực của hợp đồng kinh tế đã hết và không có sự thỏa thuận kéo dài thời hạn đó.
- Hợp đồng kinh tế bị đình chỉ thực hiện hoặc huỷ bỏ.
- Khi hợp đồng kinh tế không được tiếp tục thực hiện (do thiếu điều kiện thực hiện hoặc do giải thể pháp nhân).
Nhà nước đã quy định thời hạn để các bên thanh lý hợp đồng của mình là 10 ngày kể từ ngày phát sinh các trường hợp trên. Quá thời hạn đó mà hợp đồng kinh tế không được thanh lý thì các bên có quyền yêu cầu tòa án kinh tế giải quyết. Việc thanh lý hợp đồng kinh tế được làm bằng văn bản riêng, có những nội dung sau đây:
- Xác nhận mức độ thực hiện nội dung công việc đã thoả thuận trong hợp đồng của các bên, từ đó xác định nghĩa vụ của các bên sau khi thanh lý hợp đồng.
- Xác định các khoản thuộc trách nhiệm tài khoản, hậu quả pháp lý của các bên do phải thanh lý trước khi hợp đồng kinh tế hết hiệu lực.
Trong quan hệ hợp đồng kinh tế bên vi phạm phải chịu trách nhiệm tài sản trực tiếp với bên bị vi phạm. Trách nhiệm tài sản gồm tiền phạt vi phạm hợp đồng kinh tế và tiền bồi thường thiệt hại giá trị tài sản mất mát, hư hỏng kể cả tiền lãi phải trả cho ngân hàng hoặc các khoản thu nhập trực tiếp và không thu được do bên vi phạm hợp đồng, chi phí ngăn chặn và hạn chế thiệt hại, tiền phạt hợp đồng và tiền bồi thường thiệt hại mà bên vi phạm phải trả cho sự vi phạm hợp đồng gây ra…
Thời hạn trả tiền bồi thường thiệt hại là 30 ngày kể từ ngày chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc ngày có quyết định của Trọng tài kinh tế, nếu quá hạn bên vi phạm phải chịu lãi suất chậm trả tiền số tiền bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Điều 39 của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế quy định việc xử lý hợp đồng kinh tế bị coi là vô hiệu toàn bộ cụ thể như sau:
- Nếu nội dung công việc trong hợp đồng đã được thực hiện một phần thì các bên phải chấm dứt việc tiếp tục thực hiện và bị xử lý về tài sản.
- Nếu nội dung công việc trong hợp đồng đã được thực hiện xong, thì các bên bị xử lý tài sản.
Việc giải quyết các trường hợp trên được tiến hành theo nguyên tắc là các bên có nghĩa vụ hoàn trả cho nhau tất cả tài sản đã nhận được từ việc thực hiện hợp đồng (bằng hiện vật hoặc bằng tiền). Những thu nhập bất hợp pháp phải nộp vào ngân sách Nhà nước, còn thiệt hại phát sinh các bên phải chịu. Những người ký hợp đồng kinh tế bị coi là vô hiệu quả toàn bộ mà cố tình thực hiện hợp đồng thì bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Những vấn đề cơ bản về hợp đồng kinh tế về các bên ký kết hợp đồng và căn cứ để ký kết hợp đồng kinh tế, hình thức và nội dung hợp đồng kinh tế, thưởng phạt hợp đồng, thanh lý hợp đồng và xử lý hợp đồng kinh tế vô hiệu...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Những vấn đề cơ bản về hợp đồng kinh tế. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.