Phân tích đoạn thơ trích trong bài Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên: Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ… Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi

Văn mẫu lớp 12: Phân tích đoạn thơ trích trong bài Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên: Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ… Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới các em học sinh cùng quý thầy cô tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Phân tích đoạn thơ: Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ… Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi

Chế Lan Viên là nhà thơ có tài năng nảy nở rất sớm. Năm 17 tuổi, tập thơ Điêu tàn của nhà thơ "đột ngột xuất bản ra giữa làng thơ như một niềm kinh dị”, rồi hồn thơ ấy cũng sớm bị mai một, khô héo trong sự bế tắc chung của phong trào Thơ mới. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ánh sáng của Đảng và Cách mạng đã soi đường, dẫn lối cho nhà thơ đến với nhân dân và đất nước mến yêu. Tập thơ Ánh sáng và Phù sa ra đời đánh dấu bước trưởng thành vững chắc của Chế Lan Viên trên con đường thơ Cách mạng, rất có ý nghĩa đối với nền văn học hiện đại Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975. Tập thơ thể hiện hành trình tư tưởng và tâm hồn của người nghệ sĩ đi “từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui", “từ chân trời của một người đến chân trời của mọi người”. Tập thơ còn thể hiện lòng biết ơn, sự gắn bó của nhà thơ với Đảng, đất nước, nhân dân và cuộc đời. Tiếng hát con tàu là bài thơ vượt thời gian năm trong tập thơ ấy. Đây là bốn khổ thơ đặc sắc của bài thơ:

Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa

Như đứa trẻ đói lòng gặp sữa

Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa,

Con nhớ anh con, người anh du kích

Chiếc áo nâu anh mặc đêm công đồn

Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách

Đêm cuối cùng anh để lại cho con.

Con nhớ em con, thằng em liên lạc.

Rừng thưa em băng, rừng rậm em chờ

Sáng bản Na, chiều em qua bản Bắc

Mười năm tròn! Chưa mất một phong thư.

Con nhớ mế Lửa hồng soi tóc bạc.

Năm con đau, mế thức một mùa dài

Con với mế không phải hòn máu cắt

Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi.

Trước khi tìm hiểu đoạn thơ trên, chúng ta cần hiểu hoàn cảnh lịch sử của bài thơ. Đó là giai đoạn 1955 - 1960, sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cứu nước dân tộc ta toàn thắng với chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Miền Bắc hòa bình đang dành nhiều công sức hàn gắn vết thương chiến tranh, hăng hái bắt tay vào công cuộc khôi phục kinh tế, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cũng ở miền Bắc những năm 1958 - 1960, Đảng và nhà nước ta có cuộc vận động nhân dân miền xuôi lên Tây Bắc xây dựng kinh tế miền núi, hưởng ứng cuộc vận động, có rất nhiều văn nghệ sĩ nhiệt tình lên Tây Bắc, trong đó có nhà thơ Chế Lan Viên.

Chủ đề của bài thơ Tiếng hát con tàu cũng là chủ đề của cả tập thơ Ánh sáng và Phù sa. Ngoại trừ lời đề từ, bài thơ có tất cả 15 khổ thơ, mỗi khổ bốn dòng, chia làm ba đoạn. Đoạn đầu (gồm bốn khổ) là sự trăn trở, giục giã lên đường. Đoạn giữa (7 khổ) là hồi tưởng về những kỉ niệm với nhân dân trong kháng chiến. Đoạn kết (4 khổ thơ cuối) là khúc hát lên đường say mê háo hức.

Bốn khổ thơ trích trên thuộc đoạn giữa. Khổ đầu của trích đoạn nói lên khát vọng trở về như là trở về ngọn nguồn của sự sống:

Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa

Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.

Chúng ta cần phải hiểu Chế Lan Viên trước khi đến được, gặp được nhân dân mới cảm được “con gặp lại nhân dân” là xúc động đến chừng nào. Thật vậy, trước thời điểm ấy, trong thơ Chế Lan Viên, tập Điêu tàn xuất hiện một thế giới kinh dị đầy sọ người, xương máu, yêu ma”, những ngọn tháp Chàm huyền bí, gầy mòn, đổ nát, những nấm mồ hiện ra trong bóng đêm dày đặc hoặc ánh trăng đơn côi, lạnh lẽo:

Đây những tháp gầy mòn vì mong đợi

Những đền xưa đổ nát dưới thời gian

Những sông vắng lê mình trong bóng tối

Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than.

Đồng thời, trong trí tưởng tượng của nhà thơ, còn hiện về những hình ảnh vật vờ của những hồn ma sờ soạng dắt nhau đi “những khớp xương rợn trắng”, những dòng huyết đẫm khí tanh hôi”, những bóng dáng thấp thoáng, hư ảo của chiêm nữ:

Đây những cánh ngàn sâu cây lả ngọn,

Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi

Những rừng thẳm bóng chiều lan hỗn độn

(…)

Rồi lấy ra một khúc xương rợn trắng,

Nút bao dòng huyết đầm khí tanh hôi,

Tìm những miếng "trần gian” trong tủy cạn,

Rồi say sưa vang cất tiếng reo cười.

(Trên đường về)

Như vậy, khi chưa được gặp nhân dân, nhà thơ hoàn toàn bế tắc vì “chỉ có nhân dân mới nuôi dưỡng sáng tác của nhà thơ bằng những nguồn nhựa sống”.

Khổ thơ hàm chứa một tiền giả định. Khi Chế Lan Viên viết: “Con gặp lại nhân dân” nghĩa là giữa nhân vật trữ tình và nhân dân vốn đã có một mối quan hệ nhất định. Đó là một mối quan hệ khăng khít, máu thịt. Chính nhân dân đã nuôi nấng, bao bọc, chở che, đồng cam cộng khổ với nhân vật trữ tình và nhiều bộ đội Cụ Hồ khác. Đại từ xưng hô “con” vừa xác định được tính chất, mức độ của mối quan hệ ấy vừa biểu lộ nỗi vui mừng, hạnh phúc vô biên khi nhà thơ tìm gặp được nhân dân - nhịp đập của trái tim mình.

Xét cho cùng, đây là một nghệ thuật thông minh, hội tụ ý nghĩa lớn lao; sự gắn bó không thể chia tách, sự hòa hợp tuyệt đối giữa nhân vật trữ tình với nhân dân. Vả lại, chúng ta vẫn có cảm giác nhà thơ chưa bằng lòng với sự biểu hiện tình cảm qua tập hợp hình chùm ấy. Nhân vật trữ tình dường như muốn bộc bạch nhiều hơn nữa sự gắn bó của mình đối với nhân dân. Mặt khác, thủ pháp nghệ thuật trên còn biểu hiện một sắc thái tình cảm tiềm ẩn: lòng biết ơn vô bờ bến; sự trân trọng, kính yêu vô hạn của nhân vật trữ tình đối với nhân dân.

Nhìn chung, ở khổ thơ đầu của trích đoạn, Chế Lan Viên đã phát huy được sức mạnh cổ điển của phép so sánh tu từ mà Paul, nhà ngôn ngữ học người Đức, thế kỉ XIX đã từng nhận xét rằng: Sức mạnh của so sánh là nhận thức”. Tuy nhiên, đối với Chế Lan Viên, nó không chỉ đơn thuần là một thủ pháp, mà còn nằm trong đặc điểm tư duy của nhà thơ. Vì thế, qua tài năng sáng tạo của nhà thơ, tính trí tuệ của nhà thơ trở nên dồi dào. Từ đó, tính hình tượng, tính truyền cảm lan tỏa khắp tứ thơ, làm rung động tâm hồn những độc giả yêu thơ, say thơ. Vậy nên, hai tiếng “nhân dân” cất lên thiêng liêng, ấm áp, gần gũi lạ thường.

Nếu như ở khổ thơ trên, lòng biết ơn của nhân vật trữ tình còn chất chứa trong một sắc thái tình cảm tiềm ẩn thì ở các khổ thơ sau, tấm lòng ấy bày tỏ cụ thể, chi tiết:

Con nhớ anh con, người anh du kích

Chiếc áo nâu anh mặc đêm công đồn

Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách

Đêm cuối cùng anh để lại cho con.

Con nhớ em con, thằng em liên lạc.

Rừng thưa em băng, rừng rậm em chờ

Sáng bản Na, chiều em qua bản Bắc

Mười năm tròn! Chưa mất một phong thư.

Con nhớ mế Lửa hồng soi tóc bạc.

Năm con đau, mế thức một mùa dài

Con với mế không phải hòn máu cắt

Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi.

Đối với nhà thơ, nhân dân chính là anh du kích hình ảnh “chiếc áo nâu” mộc mạc, dung dị, không chủ yếu gợi sự nghèo khó mà gợi nỗi vất vả, nhọc nhằn của đời lính trong quá trình đi theo tiếng gọi của quê hương, của hồn thiêng sông núi. Nhưng cao cả làm sao cái tấm lòng dũng cảm, sự hy sinh thầm lặng, vì nước quên mình của anh bộ đội.

Hai câu thơ:

Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách

Đêm cuối cùng anh để lại cho con.

Dấy lên trong lòng độc giả nỗi xúc động nghẹn ngào, từng giọt lệ thấm dần qua trang sách, thổn thức canh khuya bởi cái nghĩa cử cao đẹp, cái tình thủy chung tuyệt đối của anh bộ đội Cụ Hồ với đồng chí, đồng đội trước khi trở về hơi ấm của lòng đất mẹ. Ở đây, nghệ thuật điệp ngữ: “chiếc áo nâu” và điệp cấu trúc cú pháp đã khắc họa sâu sắc tình cảm cao thượng, đẹp đẽ của người chiến sĩ cách mạng bất khuất, kiên cường.

Đối với nhà thơ, nhân dân chính là em liên lạc. Em đã dũng cảm, linh hoạt, nhanh nhẹn, băng rừng, lội suối, trèo đèo để đến từng bản làng giao thư, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Em làm tròn trách nhiệm không phải chỉ một ngày, một bữa, mà trong quãng thời gian dài: "Mười năm tròn! Chưa mất một phong thư”, ở đây, nghệ thuật liệt kê: "rừng thưa”, "rừng rậm”, "băng”, "chờ”, “sáng”, “chiều”, “bản Na”, “bản Bắc”, “mười năm tròn” kết hợp với nghệ thuật đối ngữ tương hỗ (Rừng thưa em băng >< Rừng rậm em chờ) và đối ngữ tương phản (Sáng bản Na >< Chiều em qua bản Bắc) có tác dụng khắc họa đậm nét hình ảnh đáng yêu và sự tận tụy hết lòng, công lao không nhỏ của “em liên lạc”.

Đối với nhà thơ, nhân dân chính là “mế”. Trong thi ca từ xưa đến nay, hình ảnh người mẹ hiện lên bao giờ cũng cao đẹp. Nhưng đẹp trong đau thương chắc có lẽ là hình ảnh những người mẹ trong thơ văn thời kì kháng chiến như Mẹ Tơm, Mẹ Suốt, Bà má Hậu Giang, Mẹ đào hầm... Đặc biệt, hình ánh người mẹ nuôi vùng Tây Bắc thời kháng Pháp trong thơ Chế Lan Viên gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ, cảm xúc. Tuy người mẹ ấy không trực tiếp mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng nhà thơ từ thuở còn nằm nôi nhưng trong những giờ phút đau thương nhất của lịch sử dân tộc đã dành hết tình cảm nơi trái tim mình cưu mang, chăm sóc nhà thơ và các cán bộ trung kiên. Ôi! Đẹp làm sao bóng dáng mế kính yêu bên ngọn lửa hồng bập bùng. Tuổi đã cao, sức yếu, mắt mờ, tóc bạc nhưng còn đau” là lòng mế không yên. Mế “thức một mùa dài” để lo cho con từng bát thuốc, bát cháo. Ôi! Tình mế mênh mông như biển cả, cao như những ngọn núi trùng điệp của vùng Tây Bắc. Ôi! Ngọn lửa tình thương của mế ấm áp hơn bất cứ lò sưởi nào vào những đêm đông gió lùa qua khe cửa, gió cắt da cắt thịt.

Ở đây, nghệ thuật liên tưởng (mế - tóc bạc - hòn máu cất; đau - thức - nuôi; một mùa dài - trọn đời) và nghệ thuật đổi trật tự cú pháp (Năm con đau, mế thức một mùa dài; Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi) đã cho thấy tinh thần quân dân thắm thiết, sâu nặng, đẹp đến muôn đời.

Thêm vào đó, cả ba khổ thơ đều xuất hiện điệp từ “nhớ” kết hợp với cách xưng hô thân tình, ruột thịt của chủ đề trữ tình với những con người đại diện cho nhân dân: “con nhớ anh con”, “con nhớ em con”, “con nhớ mế” có sức khơi gợi sâu xa. Lời thơ như tiếng “cám ơn” từ đáy lòng nhà thơ thốt ra, truyền cảm đến tận lòng người. Ngoài ra, tình cảm ấy còn khơi gợi ý thức trách nhiệm của thế hệ mai sau đối với nhân dân, đối với Tổ quốc mến yêu.

Xét cho cùng, hơi thở ở cả bốn khổ thơ cũng như cả bài thơ tràn đi như một khúc hát tâm tình đưa chúng ta trở về hoài niệm - hoài niệm về quá khứ tốt đẹp bởi lẽ quá khứ là gốc rễ, là nền tảng, là sức mạnh của hiện tại, của tương lai. Đặc biệt, nhiều câu thơ trong đoạn thơ rất giàu hình ảnh, nhất là khổ đầu tiên, hình ảnh so sánh được tập hợp thành tầng tầng lớp lớp vừa lan tỏa, vừa mới lạ, vừa bất ngờ và tài hoa. Ở ba khổ thơ còn lại nhà thơ phối hợp thêm các biện pháp nghệ thuật độc đáo như liệt kê, đối ngữ, liên tưởng, đổi trật tự cú pháp, điệp từ, điệp ngữ đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức lí trí, khoái cảm thẩm mĩ và nhiều tình cảm khác của độc giả.

Tóm lại, đoạn trích thơ trên đây tiêu biểu nhất, là sự kết tinh nghệ thuật của cả bài thơ Tiếng hát con tàu. Có thể nói, chính cái “tài” của Chế Lan Viên đã làm tôn lên cái “tình” của nhà thơ với nhiều cung bậc: tình cảm với nhân dân, với đất nước, với kháng chiến. Do đó, thưởng thức Tiếng hát con tàu, chúng ta “càng nghĩ thì thấy sâu xa”, càng “nghe thì xúc động” dâng tràn.

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 12: Phân tích đoạn thơ trích trong bài Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên: Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ… Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 12 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 12 mời các bạn tham khảo một số bài tiêu biểu liên quan:

Đánh giá bài viết
1 1.565
Sắp xếp theo

Văn mẫu lớp 12

Xem thêm