Phương pháp thúc đẩy

Phương pháp thúc đẩy được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

1. Các nguyên tắc thúc đẩy

a- Phải hướng vào nhu cầu của con người:

Nguồn gốc của động cơ là nhu cầu, trong con người khi phát sinh những nhu cầu sẽ thôi thúc sự hành động nhằm thỏa mãn nhu cầu. Điều quan trọng ở người quản lý là phát hiện được và chính xác nhu cầu ở cấp dưới để tác động vào những phương pháp thúc đẩy thích hợp, tạo động lực cao.

b- Phải đi từ thấp đến cao:

Theo hệ thống thứ bậc của Maslow các cấp bậc nhu cầu theo một tuần tự từ thấp đến cao một khi con người chưa thỏa mãn nhu cầu cấp thấp về sinh lý và an toàn thì về nguyên tắc họ chưa thể có được một mức thúc đẩy mạnh từ nhu cầu cao hơn. Các nhu cầu có xu hướng diễn ra đồng thời nhưng một trong các nhu cầu đó luôn luôn mạnh mẽ hơn các nhu cầu khác, nó quyết định hoàn toàn động cơ thúc đẩy cá nhân, quyết định mức độ thực hiện của cá nhân đó.

c- Phải chú ý vào nhu cầu hiện tại cấp bách nhất:

Thực tiễn đã chỉ ra rằng, một khi con người có nhu cầu này cấp bách, nhưng lại được đáp ứng cao ở một nhu cầu khác, một điều kiện khác thì sẽ không tạo ra động cơ thúc đẩy mạnh mẽ, hoặc nếu có cũng rất thấp. Điều này có nghĩa là nó không đem lại sự thỏa mãn cao, nên không tạo được sự thúc đẩy.

d- Phải phối hợp kích thích toàn diện:

Trong thực tế, các nhu cầu của con người có xu hướng xuất hiện và liên kết với nhau thành một chuỗi nhu cầu không thể tách rời với nhiều nhu cầu khác nhau. Để tạo ra hiệu năng phối hợp của các động cơ thúc đẩy, các nhà quản trị cần hướng tác động vào nhiều nhu cầu cùng một lúc.

2. Phương pháp thúc đẩy nhân viên

2.1. Hướng vào nhu cầu sinh lí

Đây là nhu cầu đầu tiên và quan trọng nhất, phải luôn luôn được chú ý không thể thiếu, người quản trị phải biết sử dụng những công cụ đòn bẩy trước hết là đồng tiền hoặc hiện vật phục vụ cho cuộc sống để chi phối thông qua chế độ tiền lương, tiền thưởng và các kích thích vật chất khác.

Muốn tiền lương, tiền thưởng và kích thích vật chất khác trở thành động lực thúc đẩy, động cơ làm việc tốt, có hiệu năng, thì: chế độ tiền lương phải đảm bảo tái sản xuất sức lao động, đảm bảo phù hợp với sự đóng góp sức lực của cá nhân. Hình thức trả lương phải thích hợp với đặc tính, đặc điểm từng loại, khâu công việc hoặc sản phẩm để người lao động chủ động đem tài năng, sức lực cho tổ chức và tổ chức cũng bù đắp một cách thỏa đáng khi công việc hoàn thành thông qua đồng tiền thu nhập được.

Song hành với chế độ lương bổng, thưởng và kích thích vật chất khác sẽ tạo ra động lực to lớn bởi lẽ con người khi nhận sự khen thưởng về tinh thần sẽ đưa họ lên một bậc thang mới về sự kính trọng tổ chức và tự khẳng định ở con người của họ, bên cạnh những lợi ích vật chất sẽ đáp ứng hoặc làm thay đổi điều kiện sống, nhất là những người có mức thu nhập thấp.

2.2. Hướng vào nhu cầu an toàn của con người

Đây là nhu cầu thứ hai sau nhu cầu vật chất, nhu cầu này nói lên con người luôn muốn có một cuộc sống an toàn cho cá nhân và gia đình họ. Sự an toàn được hiểu là sự an toàn về tính mạng, tài sản, ngoài ra nó còn được hiểu là sự an toàn về công ăn việc làm, được pháp luật bảo vệ che chở, né tránh được các tác động bất lợi của môi trường sống lên cuộc sống của họ...

Để nhân viên cảm nhận được sự an toàn, người quản lý cần quan tâm đến các điều kiện an toàn đó là:

An toàn trong cuộc sống xã hội: là phải quan tâm đến cuộc sống gia đình của nhân dân, phải can thiệp cần thiết để bảo vệ quyền lợi, tính mạng của nhân viên và gia đình. Cha ông ta đã từng nói “an cư mới lạc nghiệp” “Có bột mới gộp nên hồ” Nghĩa là phải có trách nhiệm với nhân viên, không những giờ hành chính mà cả lúc ốm đau, hoạn nạn, che chở bảo vệ họ trong cuộc sống xã hội.

An toàn công việc: Con người luôn mong mỏi có đủ việc làm và việc công việc phong phú, ổn định. Vì vậy, để tạo điều kiện cho người lao động thỏa mãn nhu cầu này, tổ chức nên tạo cơ hội để họ có khả năng được tuyển dụng dài hạn. Trong điều kiện có thể được, luôn cố gắng không sa thải họ, tạo cho họ cảm giác an toàn làm việc, không lo sợ đe dọa bị mất việc sẽ tạo được sự cố gắng và trách nhiệm cao với đa số nhân viên. Song cũng còn thấy những mặt không tích cực của việc tuyển dụng lâu dài, nó sẽ tạo ra tính ỷ lại, chây lười lao động, tuổi đời bình quân cao, ít sáng tạo và chậm đổi mới, tiếp cận với các công nghệ khi có sự thay đổi.

Khắc phục hạn chế, tiêu cực nên sử dụng nhiều hình thức tuyển dụng lao động để tạo ra một sự đua tranh thường xuyên.

An toàn lao động: là phải tạo một môi trường làm việc an toàn, trong sạch, đảm bảo sức khỏe, không gây ra tai nạn, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động. Muốn vậy người quản lý phải tạo được điều kiện phù hợp với tâm sinh lý, vệ sinh phòng bệnh và thẩm mỹ nhằm tạo ra một nơi làm việc ngăn nắp, sạch sẽ, hài hòa, đẹp, đạt được các yêu cầu tránh nóng, tránh lạnh, tránh bụi, tiếng ồn, thoáng đãng, sạch sẽ thì cần phải chọn lựa một vị trí và mặt bằng thích hợp với cách thiết kế, bố trí kinh tế với các trang thiết bị, dụng cụ chất lượng cao, mẫu mã đẹp, gọn và phải tuyệt đối an toàn.

Quan tâm đối với quần áo, dụng cụ bảo hộ lao động tạo nên tâm lý an toàn làm việc và đồng thời giáo dục nhận thức về sử dụng vừa bảo hộ mình, vừa tạo ra sự khác biệt đối với Công ty, xí nghiệp khác đem lại niềm tự hào, quí trọng Công ty.

Màu sắc, âm nhạc, cây xanh, thể dục bắt buộc giữa giờ đem lại cho người lao động cảm giác nhẹ nhàng, dễ chịu, sôi động, chống mỏi mệt và căng thẳng không cần thiết.

Ngoài ra việc luân chuyển, linh hoạt trong công việc sẽ làm giảm sự nhàm chán đối với công nhân viên.

2.3. Hướng vào nhu cầu giao tiếp

Đây là nhu cầu thứ ba trên bậc thang cấp bậc nhu cầu của Maslow. Để tạo động cơ cho người lao động, Công ty cần gắn người lao động vào môi trường làm việc mà qua đó có khả năng thỏa mãn cho họ các nhu cầu này. Tức là tạo ra những cơ hội để làm cho nhân viên hội nhập vào cuộc sống của cộng đồng, mở rộng khả năng giao tiếp cho họ trong nội bộ công ty và ngoài xã hội thông qua việc tổ chức các lễ hội, thăm hỏi giao lưu văn hóa, tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của đất nước, các cơ sở kinh doanh có hiệu quả cao. Đi đôi với việc hướng nhu cầu giao tiếp ra bên ngoài, lãnh đạo đơn vị cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường khả năng giao tiếp của nhân viên trong doanh nghiệp bằng cách xây dựng lịch tiếp nhân viên của ban giám đốc hợp lý, thường xuyên phát động các chương trình văn hoá, thể thao trong doanh nghiệp nhằm tạo ra không khí vui vẻ, sôi nổi hào hứng qua đó mà thắt chặt quan hệ gần gũi, thân tình trong nội bộ nhân viên.

Đối với công nhân, nên thiết lập cơ cấu tổ chức theo đội và đặc biệt là các nhóm lao động từ 5 - 20 người cùng làm việc chung. Thông qua quá trình làm việc theo nhóm sẽ thiết lập không khí, chân tình cởi mở, gắn bó nhau làm cho mỗi cá nhân đều cảm thấy cần thiết phải gắn liền với tổ chức, vì tổ chức, hạn chế chủ nghĩa cá nhân, liên kết các cá nhân thành sức mạnh của tổ chức.

2.4. Hướng vào nhu cầu được tôn trọng

Khác với ba nhu cầu trước, nhu cầu được tôn trọng là vốn sống của mỗi con người. Để khai thác khía cạnh này, người quản lý phải biết tạo ra môi trường bình đẳng, thân thiện trong mối quan hệ giữa người lãnh đạo với công nhân nhằm tạo nên một khối kết dính vô hình, một bầu không khí cởi mở cùng mục đích phục vụ đơn vị phát triển ngày một phồn vinh.

Muốn vậy, các chính sách tuyển chọn, đề bạt nhân sự, thăng chức và bố trí công việc, trả lương, thưởng phải xuất phát từ mục tiêu của Công ty và nhu cầu của công nhân. Nhà quản lý cần phải đảm bảo sự bình đẳng và chính xác trong việc xác định cá nhân được tưởng thưởng hoặc bị kỷ luật sao cho sự đánh giá đó phải phản ánh đúng với công trạng và thành tích mà họ đã đóng góp cho tổ chức. Nhờ đó mà tạo ra động lực mạnh mẽ trong việc ganh đua hoàn thành nhiệm vụ, đưa ra sáng kiến cải tiến kỹ thuật của nhân viên.

Tính kịp thời về thời gian trong biểu dương và đúng công trạng đáng biểu dương sẽ tạo nên sự phấn chấn không những đối với cá nhân đạt được thành tích mà còn lôi cuốn người khác trong bộ phận phấn đấu với các nỗ lực vượt xa mức bình thường của mỗi người.

Bên cạnh những việc làm theo một qui định chung của Công ty, người quản trị cũng cần tạo dựng môi trường cho các nhóm không chính thức hình thành và hướng họ vào sự tự quản không thủ lĩnh để tất cả mọi người trong nhóm đều có khả năng tự khẳng định mình, lòng tự trọng, tính sáng tạo để phát huy, trách nhiệm đối với tổ chức được giành giữ, bầu không khí văn hóa của Công ty, trở nên trong lành, góp phần đem lại năng suất chất lượng cao, chi phí trong sản xuất kinh doanh giảm.

---------------------------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Phương pháp thúc đẩy về hướng vào nhu cầu được tôn trọng, nhu cầu giao tiếp, nhu cầu an toàn của con người, các nguyên tắc thúc đẩy....

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Phương pháp thúc đẩy. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Đánh giá bài viết
1 11
Sắp xếp theo

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm