Đinh Thi H Huon Văn học

Thuyết minh về trò chơi dân gian (trò chơi kéo co)

3
3 Câu trả lời
  • Ma Kết
    Ma Kết

    Xã hội và đất nước Việt Nam ngày một trở nên phát triển, con người chúng ta ngày nay do vậy mà cũng có nhiều cách để vui chơi giải trí hơn sau những giờ học tập và làm việc vô cùng mệt mỏi, căng thẳng. Nhưng, có thể nói không gì có thể thay thế được những trò chơi dân gian của dân tộc chúng ta, và tỏng đó không thể không kể đến trò kéo co truyền thống của người dân Việt Nam.

    Trò chơi kéo co theo như lời kể thì nó đã có từ rất lâu rồi, từ thời cổ đại ở Ai Cập. Vào những năm 2500 trước công nguyên, trên những ngôi mộ cổ ở Ai Cập có những hình vẽ về một cuộc thi kéo co. Dần dần nó trở thành một trò chơi được ưa chuộng, lan sang Trung Quốc, Hy Lạp,.. Ở Tây u, lịch sử kéo co bắt đầu từ năm 1000 sau Công Nguyên. Các chiến binh Viking thường chơi một trò chơi có tên gọi là "kéo da", trong đó người ta dùng da động vật như da trâu, bò, dê,… thay cho dây thừng để chơi kéo co.

    Trò chơi kéo co là một môn thể thao và là một trò chơi dân gian phổ biến trong đời sống. Trò chơi này là một trò chơi mang tính đồng đội cao và nó trọng sức mạnh. Và đặc biệt luật chơi cũng cực kì đơn giản, dễ hiểu đối với tất cả mọi người và ai có đủ sức khỏe cũng có thể tham gia. Khi chơi, ta cần chuẩn bị một chiếc dây thừng to, chắc chắn, độ dài vào khoảng 10 mét hoặc có thể hơn. Cùng với đó là một chiếc khăn được buộc giữa chiếc dây, chiếc dây chính là dấu hiệu chiến thắng trong cuộc đọ sức. Kéo co được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau tùy vào tập tục văn hóa của mỗi vùng nhưng về cơ bản, số người tham dự không giới hạn và chia làm hai phe sao cho số lượng người tham gia ở mỗi phe là bằng nhau. Người chơi dùng hết sức lực của mình kéo sợi dây thừng sao cho chiếc khăn buộc giữa dây nghiêng về phía mình và vượt qua vạch giới hạn của mình trước thì bên đó thắng. Trong một cuộc thi đấu kéo co, người ta cử ra một trọng tài, trọng tài sẽ là người phân định thắng thua giữa hai đội chơi. Trong quá trình chơi, đòi hỏi người tham gia phải kéo hết sức lực, tinh thần đoàn kết cao,và khi kéo có thể bị đau rát tay do ma sát với sợi dây thừng,.. nhưng bỏ qua những mệt mỏi, khi ta chiến thắng sẽ rất vui vẻ.

    Đối tượng tham gia trò chơi thường là những thanh niên khỏe mạnh, có sự hiếu thắng, tham gia cuộc thi kéo co để đọ sức và khẳng định mình. Có thể là nam cũng có thể là nữ. Trò chơi kéo co đem lại niềm vui, sự thoải mái cho mọi người khi tham gia những trò chơi trong các dịp lễ hội. Ở Việt Nam, kéo co là một trò chơi dân gian truyền thống. Trong các hội hè dã ngoại, trò chơi này luôn hấp dẫn nhiều người tham gia. Vào các dịp lễ tết, kéo co lại là một phần quan trọng trong các lễ hội cổ truyền, được nhiều người dân đón nhận. Trò chơi kéo co còn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia đại diện của nhân loại.

    Hiện nay có một vấn đề nổi cộm đó là trò chơi dân gian này đang dần bị lãng quên bởi thế hệ trẻ. Những đứa trẻ say mê với những trò chơi điện tử, mải mê với những bộ phim 3D kịch tính mà quên đi trò chơi truyền thống của dân tộc, không màng đến trò chơi dân gian đã trở thành di sản phi vật thể, là đời sống tinh thần của ông cha ta khi trước. Bởi lẽ đó, chúng ta nên thức tỉnh, rời xa những trò chơi điện tử dù chỉ một ngày để tham gia chơi kéo co, lúc ấy ta mới nhận ra những niềm vui và sự thỏa mãn khi chiến thắng.

    Kéo co đã trở thành một di sản phi vật thể, một trò chơi gần gũi với con người Việt Nam. Trò chơi dân gian ấy luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tình thần con người mà chúng ta phải luôn nhớ về và giữ gìn nó.

    0 Trả lời 17/03/23
    • Mỡ
      Mỡ

      Nhân dân Việt Nam ta từ bao đời nay vẫn luôn mặn mà, tha thiết với các lễ hội truyền thống dân tộc, ngoài phần rước lễ có nhiều nghi thức, trang trọng, mang tính hình thức cao, thì phần hội là phần thu hút người xem, người tham dự hơn cả. Ở miền Bắc nước ta đặc biệt là các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, tháng 1 âm lịch được mệnh danh là tháng ăn chơi, hầu như mỗi làng mỗi xã đều có những lễ hội truyền thống, không lớn thì nhỏ, tạo điều kiện cho bà con, du khách vui chơi tham quan, đồng thời cũng là một phương pháp hay để giữ gìn nét đẹp trong văn hóa dân tộc. Trong phần hội thường diễn ra các tiết mục ca múa, biểu diễn, hoặc tổ chức các trò chơi thi đấu giữa các làng các xã với nhau như: đua thuyền, nấu cơm, nhảy dây, chạy thi,… Trong số đó kéo co được xem là bộ môn thi đấu có tính phổ biến và ứng dụng cao nhất, bởi nó không chỉ xuất hiện trong lễ hội truyền thống mà còn có mặt trong mọi cuộc thi đấu thể thao giao lưu của các tổ chức.

      Kéo co hay kéo dây là trò chơi dân gian quen thuộc, dễ chơi, dễ phân định thắng thua và người chơi cũng không cần phải trải quan huấn luyện gì bởi nó không phải là bộ môn cần kỹ thuật khéo léo, cao cấp mà là bộ môn thiên về thể lực và sự đoàn kết giữa đồng đội với nhau. So sánh với các trò chơi dân gian truyền thống khác, thì người ta thường thích tham gia trò kéo co hơn bởi sự đông vui của đồng đội, phát huy được sức mạnh tập thể và tinh thần đoàn kết, thêm vào đó tương đối an toàn cho người chơi. Chính vì vậy kéo co đã trở thành trò chơi “quốc dân”, luôn luôn cố mặt trong các hội hè tập thể, trong trường học, nơi công sở và trong các lễ hội.

      Kéo co có lẽ bắt nguồn sớm nhất tại cổ đại Ai Cập vào khoảng năm 2500 TCN theo như những vết chạm khắc trên các ngôi mộ cổ xưa, sau đó có mặt tại Hy Lạp vào khoảng năm 500 TCN và được xem như một môn thể thao. Ở Trung Quốc kéo co từng được coi là môn thể thao “vua” rất được ưa chuộng dưới triều Đường và triều Tống, còn ở châu Âu kéo co xuất hiện khá muộn vào khoảng thế kỷ thứ 16 tại Anh.

      Về luật chơi thì cứ mỗi một nơi, một tổ chức lại tự đề ra luật và các quy chế tính điểm riêng. Nhưng về cơ bản kéo co là trò chơi đòi sự phối hợp lẫn nhau trong cùng một đội. Người ta chia người kéo co thành các đội theo các tiêu chí khác nhau: cùng làng, cùng xã, cùng đơn vị, cùng trường,… một số cá biệt có thể chia thành đội nam và đội nữ kéo với nhau. Số người giữa hai đội là như nhau, các đội có quyền tự chọn thành viên, thông thường các thành viên được chọn là người có sức vóc, chịu lăn xả, và đã có kinh nghiệm chơi thì càng tốt. Dụng cụ chơi rất đơn giản chỉ là một sợi dây thừng lớn, chắc, đường kính khoảng 2cm, dài tầm 30m.

      Điểm giữa sợi dây được đánh dấu bằng cách cột một dải vải đỏ để làm mốc chiếu với vạch ngăn cách kẻ dưới đất để xác định thắng thua, từ điểm giữa tính về hai bên 1 mét nữa đều được đánh dấu bằng cách cột vải tương tự, để xác định định vị trí đứng và vị trí cầm dây của người đầu tiên. Sân thi đấu là một sân phẳng, tốt nhất là sân cỏ hoặc sân đất có địa hình bằng phẳng, rộng rãi, không đọng nước, không có sỏi đá, rác rưởi. Trên sân người ta xác định điểm thi đấu bằng cách kẻ một vạch lớn ngăn cách giữa sân, sau đó mỗi bên kẻ thêm một vạch tại điểm cách vạch giữa 1 mét để xác định điểm đứng của người đầu tiên mỗi đội. Một trận đấu thông thường có ba hiệp, đội nào thắng hai hiệp thì chiến thắng, nếu có nhiều đội cùng thi đấu thì tổ chức đấu loại dần theo sự bốc thăm ngẫu nhiên hai đội thi với nhau, đội nào thắng thì có quyền vào vòng trong, cứ như thế cho đến khi vào chung kết là hai đội mạnh nhất.

      Trọng tài sẽ dải sợi dây dọc sân, điểm giữa sợi dây trùng với vạch mốc giữa sân, rồi ra hiệu cho hai đội vào vị trí, các thành viên của độ tự sắp xếp chỗ đúng theo kiểu so le, ví dụ những người số lẻ đứng bên phải, số chẵn đứng bên trái, hoặc chọn đứng hết về một phía để tập trung lực kéo, đồng thời chọn hai người khỏe nhất cho đứng vị trí đầu và vị trí cuối đóng vai trò làm trụ. Hai đội chơi làm theo hiệu lệnh của trọng tài, nâng dây, căng dây và khi nghe tiếng trọng tài hô “kéo” thì cả hai đội dồn hết sức kéo dây về bên mình, đội nào kéo được đội bạn qua vạch phân cách giữa sân thì đội đó thắng. Cứ sau mỗi hiệp hai đội chơi lại đổi sân cho nhau, rồi tiếp tục kéo cho đủ 3 hiệp và trọng tài dựa trên sự quan sát của mình để phân định thắng thua.

      Có một số lưu ý đối với người chơi khi tham gia kéo co để được an toàn và có một cách chơi đúng đắn, cũng như khả năng giành chiến thắng cao. Đó là phải trang bị tốt khi tham gia thi đấu, hãy chuẩn bị cho các tuyển thủ mỗi người một đôi găng tay dày và có độ ma sát cao, để tránh trầy xước cũng như nắm dây được tốt hơn, thêm vào đó người chơi cũng cần có một đôi giày vải mềm, đế có nhiều gân, khả năng bám trên mặt đất tốt để tránh trượt ngã khi đang dùng sức kéo. Về tư thế kéo, người nào thuận bên nào thì đứng phía đó, nhưng vẫn phải sắp xếp sao cho hợp lý, khi nắm dây phải nắm vững và chắc, chân mở rộng, một trước một sau trùng xuống, người hơi đổ về phía sau, kẹp thừng kéo co vào nách. Vì kéo co là trò chơi đòi hỏi sự đoàn kết thế nên người trong một đội cần thống nhất chặt chẽ với nhau về việc dùng lực, có thể sử dụng các tiếng hô đều “1 2” hoặc “1 2 3” để tập trung sức kéo cùng lúc.

      Kéo co là một trò chơi thú vị, tăng tính đồng đội và tinh thần đoàn kết giữa con người trong cùng một tập thể với nhau, đặc biệt là mang lại sự vui vẻ, thỏa mái khi chơi, khiến những người vốn không thích vận động cũng trở nên hào hứng hơn trong bộ môn này vì nó có tính “tập thể”. Hy vọng rằng kéo co sẽ mãi là một trò chơi truyền thống được yêu thích, đồng thời được nhiều người biết đến và tham gia chơi trong tương lai hơn nữa.

      0 Trả lời 17/03/23
      • Phan Thị Nương
        Phan Thị Nương

        Xem thêm một số bài thuyết minh khác tại https://vndoc.com/thuyet-minh-ve-tro-choi-dan-gian-keo-co-153859

        0 Trả lời 17/03/23

        Văn học

        Xem thêm