Thuyết mong đợi của Victor H. Vroom

Thuyết mong đợi của Victor H. Vroom được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Victor H. Vroom cho rằng động viên là kết quả của những mong đợi của một cá nhân. Sự động viên của con người phụ thuộc vào hai nhân tố:

  • Mức độ mong muốn thực sự của cá nhân đối với việc giải quyết công việc.
  • Cá nhân đó nghĩ về công việc thế nào và sẽ đạt đến nó như thế nào.

Vì thế, để động viên người lao động chúng ta cần quan tâm đến nhận thức và mong đợi của cá nhân về các mặt:

  • Tình thế;
  • Các phần thưởng;
  • Sự dễ dàng thực hiện theo cách mà sẽ đạt đến phần thưởng;
  • Sự đảm bảo là phần thưởng được trả.

Thuyết mong đợi đòi hỏi các nhà quản lý phải hiểu biết những mong đợi của người lao động và gắn những mong đợi này với những mục tiêu của tổ chức. Muốn vậy nhà quản trị nên:

  • Tạo ra các kết cục mà người lao động mong muốn;
  • Tạo ra sự cần thiết thực hiện để đạt mục tiêu tổ chức;
  • Bảo đảm mức độ thực hiện mong muốn là có thể đạt tới;
  • Gắn chặt kết quả mong đợi với việc thực hiện cần thiết;
  • Đánh giá tình thế đối với những mong đợi khác nhau;
  • Bảo đảm phần thưởng là đủ sức hấp dẫn cần thiết;
  • Bảo đảm là hệ thống công bằng với tất cả mọi người.

Tóm lại, hầu như mọi lý thuyết về động cơ đều cố gắng đưa ra những nhu cầu quan trọng nhất của con người và tìm cách thỏa mãn chúng, đồng thời hướng sự thỏa mãn đó tới việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của tổ chức. Vì vậy, chúng ta có thể hoàn toàn nhất trí với phát biểu của D. Carnegie là "Muốn dẫn dụ ai làm việc gì theo ý ta, chỉ có cách là làm cho người ấy nảy sinh ý muốn làm việc đó".

Vô thức

Vô thức là những hiện tượng tâm lý không có sự tham gia của ý thức và chúng xảy ra ngoài sự kiểm soát của con người. Vô thức được nhà phân tâm học Z. Freud phát hiện và nêu trong luận thuyết về "sự vô thức trong động cơ thúc đẩy".

Hành vi ứng xử của con người thường xuất phát từ động cơ thúc đẩy nhằm đạt mục tiêu nhất định. Động cơ, mục đích đó thường được chúng ta ý thức và kiểm soát. Nhưng vẫn có những hành vi, cử chỉ, câu nói được chúng ta thực hiện theo vô thức - tức là không nhận biết được động cơ và mục đích của hành động.

Vô thức có thể được hình thành xuất phát từ bản năng, những nhu cầu tự nhiên nhưng cũng có khi đó lại là một hành động vốn có ý thức nhưng được lặp đi lặp lại nhiều lần mà trở lên vô thức (còn gọi là tiềm thức). Nói chung các thói quen và kỹ xảo giao tiếp của chúng ta đều ở dạng tiềm thức, tức là chúng ta thực hiện chúng một cách tự động.

Các cơ chế tự vệ

Khi con người gặp phải những sức ép của sự đe dọa, một va chạm, một sự lo âu, thì các cơ chế tự vệ xuất hiện nhằm giúp người ta tránh những phiền phức, giữ được sự cân bằng tâm lý. Các cơ chế tự vệ thường là ở dạng vô thức.

Cơ chế đè nén. Đó là sự chối bỏ thực tế. Gạt ra khỏi ý thức những ý tưởng, cảm xúc, kinh nghiệm tiêu cực. Chúng ta né tránh những thực tế không vui lòng bằng cách né tránh nó đi. Chúng ta ngoảnh đi trước những cảnh tượng đau buồn, tránh không đề cập tới những vấn đề khó giải quyết.

Cơ chế đền bù. Là một cố gắng che đậy những khuyết điểm cá nhân bằng cách phát triển những nét tích cực trong nhân cách. Ví dụ, người bị khuyết tật về thể chất cố học thật giỏi.

Cơ chế quy chụp. Là gán cho người khác những ý nghĩ lỗi lầm hay ước muốn của chúng ta. Chúng ta đổ lỗi cho người khác khi chúng ta phạm lỗi. Thường chúng ta hay đổ lỗi cho số phận, hên xui.

Cơ chế viện lý giả tạo. Là đưa ra những lý lẽ không đúng sự thực để giải thích cho hành động của mình.

Cơ chế di chuyển. Tức là di chuyển một cảm xúc, một phản ứng đối với đối tượng này sang đối tượng khác theo kiểu “giận cá chém thớt”.

Cơ chế thoái bộ. Tức là dùng những hành vi của trẻ con để trốn tránh trách nhiệm, ngại thử thách. Ví dụ, một người có thể dậm chân, dậm cẳng, khóc òa khi tức giận hay buồn đau.

Thế giới quan

Thế giới quan là hệ thống quan điểm của con người về tự nhiên, xã hội và bản thân, xác định phương châm hành động của người đó. Thế giới quan quyết định thái độ của con người đối với thế giới xung quanh, quyết định những phẩm chất và phương

hướng phát triển của nhân cách. Thế giới quan đóng vai trò định hướng hành vi của chúng ta. Thường thì người đó quan niệm như thế nào thì sẽ hành động như vậy.

Một trong những dạng đặc biệt của thế giới quan là niềm tin. Niềm tin là hệ thống quan niệm mà con người nhận thức được qua hiện thực để xem xét cuộc đời, để định hướng hành động, hành vi của mình. Niềm tin tạo cho con người nghị lực, ý chí để hành động phù hợp với quan điểm đã chấp nhận. Con người có nhiều loại niềm tin: niềm tin khoa học, niềm tin cha mẹ, pháp luật...

Niềm tin giữ vai trò kim chỉ nam cho cuộc sống của con người. Khi con người tin vào ai, tin vào cái gì thì họ phục vụ, phụng sự hết lòng vì người đó và vì điều đó. Vì vậy nhà quản trị phải chú ý gây được niềm tin của mọi người vào mình, đặc biệt là phải tạo chữ tín trong kinh doanh.

Cảm xúc

Cảm xúc là những rung cảm của con người đối với những sự vật và hiện tượng có liên quan tới việc thỏa mãn hay không thỏa mãn nhu cầu. Cảm xúc thường là những rung cảm ngắn, nhất thời, không ổn định và hay thay đổi. Trong quá trình giao dịch, những cảm xúc tích lũy dần dần sẽ biến thành những tình cảm tương ứng.

Tình cảm là những rung cảm đã trở nên ổn định, bền vững và kéo dài. Tình cảm và cảm xúc là hai cấp độ khác nhau của đời sống tình cảm của con người.

Những tình cảm tích cực như yêu thương, quý trọng và những cảm xúc dễ chịu nảy sinh trên cơ sở những tình cảm đó là cho hai người lại có nhu cầu gặp gỡ giao dịch với nhau. Ngược lại, những tình cảm tiêu cực như sự căm thù, khinh bỉ và những cảm xúc khó chịu nảy sinh làm cho hai người xa lánh nhau, ngại giao dịch.

Trong giao dịch, tình cảm, xúc cảm chi phối lại cách nhận thức của chúng ta về đối tượng tham gia giao dịch. Chúng có thể làm cho chúng ta nhận thức sai lệch đi, méo mó đi. Hơn nữa tình cảm, xúc cảm cũng chi phối rất mạnh tới hành vi của con người trong giao dịch. Chúng có thể tạo nên hưng phấn, sáng suốt, hoạt bát, sự tươi trẻ, nhưng cũng có thể làm cho con người trở nên mò mẫm, chán nản, mất hết tinh thần, sinh khí. Đặc biệt trong giao tiếp, nếu xảy ra những cơn xúc động mạnh thì chúng có thể làm cho ta mất hết sáng suốt, không ý thức được hành vi, không lường trước được hậu quả, dẫn đến sai lầm trong hành vi và quyết định.

Để giao dịch có hiệu quả cần kiềm chế và làm chủ được tình cảm, xúc cảm của mình.

Tính cách

Tính cách là một thuộc tính tâm lý phức tạp của cá nhân bao gồm một hệ thống thái độ của nó đối với hiện thực, thể hiện trong hệ thống hành vi, cử chỉ, cách nói năng tương ứng.

Trong cuộc sống mỗi cá nhân đều có những phản ứng riêng của mình đối với những tác động ngoại cảnh. Khi những phản ứng đó trở nên ổn định trong những hoàn cảnh khác nhau thì chúng trở thành thuộc tính tâm lý, tạo nên tính cách con người. Với tính cách của mình, con người thể hiện thái độ đối với thế giới xung quanh, với mọi người, với công việc và với chính bản thân mình.

Tính cách mang tính ổn định và bền vững, tính thống nhất và tính độc đáo là riêng biệt, điển hình cho mỗi cá nhân. Vì thế, tính cách là sự thống nhất giữa cái chung và cái riêng, cái điển hình và cái cá biệt. Tính cách cá nhân chịu sự chi phối của xã hội.

Như vậy, tính cách là sự kết hợp độc đáo các đặc điểm tâm lý ổn định của con người, những đặc điểm này quy định phương thức hành vi điển hình của con người đó trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định, thể hiện thái độ của họ đối với thế giới xung quanh và bản thân.

Tính cách ảnh hưởng rất lớn đến hành vi giao dịch. Những phẩm chất của tính cách sau đây giúp con người dễ dàng giao dịch và giao dịch có hiệu quả: bình tĩnh, cởi mở, hiền hậu, khiêm tốn, lịch sự, thẳng thắn. Còn ngược lại, những nét tính cách xấu như đanh đá, cộc cằn, gian xảo, hung hãn,... thường cản trở sự giao tiếp có hiệu quả của con người.

Khi đánh giá tính cách con người thông qua hành vi chúng ta nên thận trọng, thậm chí có thể phải dùng đến những tình huống để kiểm tra được cái "Tâm" bên trong.

Tính khí

Khí chất là thuộc tính tâm lý phức tạp của cá nhân, biểu hiện cường độ, tiến độ, nhịp độ của các hoạt động tâm lý thể hiện sắc thái hành vi, cử chỉ, cách nói năng của cá nhân.

I.P. Paplov đã giải thích rằng khí chất phụ thuộc vào kiểu hoạt động thần kinh cao cấp của con người, được tạo bởi các quá trình thần kinh cơ bản là hưng phấn và ức chế cùng các tính chất của những quá trình đó là cường độ, tính linh hoạt và sự cân bằng,… Hưng phấn là quá trình cá nhân đáp ứng lại kích thích của môi trường. Ức chế là quá trình cá nhân kìm hãm hoặc làm mất phản ứng trước tác động của môi trường. hai quá trình thần kinh này có 3 thuộc tính cơ bản:

Cường độ. Chỉ khả năng chịu đựng kích thích mạnh hay yếu của hệ thần kinh của đối tượng tham gia hoạt động giao tiếp.

Cân bằng. Sự cân đối của 2 quá trình hưng phấn và ức chế.

Linh hoạt. Sự chuyển hóa từ quá trình này sang quá trình khác nhanh hay chậm.

Căn cứ vào sự kết hợp của 3 thuộc tính trên Paplov chia ra 4 kiểu khí chất đặc trưng của con người:

Khí chất linh hoạt. Loại người này có hệ thống thần kinh mạnh. Quá trình hưng phấn và ức chế mạnh, cân bằng, linh hoạt. Họ thường nhận thức nhanh nhưng hời hợt, chủ quan, lập trường không kiên định. Tuy nhiên, họ là người lạc quan, yêu đời, dễ thích nghi với hoàn cảnh, nhiệt tình, sôi nổi, trung thực… Thường thì người này không thích hợp những công việc đơn điệu nhưng lại là người làm việc có năng suất cao.

Khí chất điềm tĩnh. Những người này thường tỏ ra ung dung, bình thản. Họ có thể kiềm chế được cảm xúc và những cơn xúc động. Trong quan hệ thường đúng mực, hơi kín đáo và tỏ ra thờ ơ, thiếu nhiệt tình với những người xung quanh. Họ thường nhận thức hơi chậm, nhưng sâu sắc, chín chắn. Đối với người điềm tĩnh công việc phù hợp là công việc cần sự thận trọng, chín chắn, có tính chất ổn định, bảo mật, ít cần có sự giao tiếp vì họ ít cởi mở.

Khí chất nóng nảy. Là người có sức sống dồi dào, các hoạt động tâm lý bộc lộ mạnh mẽ. Họ thường vội vàng hấp tấp, làm việc sôi động, phung phí sức. Trong quan hệ thường tỏ ra nóng nảy, thậm chí đôi khi tỏ ra cộc cằn, thô bạo, họ dễ bị kích động, dễ cáu bẩn, nhưng không để bụng lâu. Trong hoạt động quản trị, những người này không thích hợp với công việc mang tính tổ chức, nhân sự, không hợp với những công việc đòi hỏi tính tỉ mỉ, mang tính tầm thường. Tuy nhiên họ có thể đảm nhận tốt những công việc mang tính dũng cảm, xông xáo. Trong quan hệ nên đối xử tế nhị, nhẹ nhàng với họ, tránh việc phê bình trực diện.

Khí chất ưu tư. Đây là người sống đa cảm, dễ xúc động nên rất nhân hậu, thủy chung. Họ dễ sinh lo lắng, mặc cảm, thường sống trầm lặng, kín đáo, ngại va chạm, ngại giao tiếp, thường sống hướng nội. Họ thường đắn đo suy nghĩ chi tiết, thận trọng trong mọi việc sắp làm, nên lường trước được hậu quả. Họ có tính kiên trì, chịu khó trong những công việc đơn điệu. Trong hoạt động quản trị nên đối xử với họ một cách nhiệt tình, tế nhị, cần có sự khuyến khích, động viên, tin tưởng giao việc cho họ và không nên phê bình, trách phạt một cách trực tiếp.

Trong thực tế, không có 4 loại người trên một cách thuần túy mà có sự giao thoa giữa các loại người. Khi ta đánh giá khí chất của một người là căn cứ vào loại khí chất nào nổi bật nhất ở họ. Mỗi khí chất đều có ưu và nhược điểm nên nhà quản trị phải hiểu rõ khí chất của con người để phân công công việc và đối xử cho hợp lý, nhằm nâng cao hiệu quả công việc.

---------------------------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Thuyết mong đợi của Victor H. Vroom về thuyết mong đợi đòi hỏi các nhà quản lý phải hiểu biết những mong đợi của người lao động và gắn những mong đợi này với những mục tiêu của tổ chức....

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Thuyết mong đợi của Victor H. Vroom. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Đánh giá bài viết
1 1.561
Sắp xếp theo

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm