Từ xa xưa, tinh thần thương thân thương ái đã là một trong những đạo lý truyền thống quý báu của dân tộc ta được lưu giữ từ đời này qua đời khác, và cho đến hôm nay, nó vẫn như một ngọn lửa rực rỡ âm ỉ cháy suốt chiều dài lịch sử. Nhân dân muôn đời vẫn mãi nhớ lời răn dạy của cha ông “Thương người như thể thương thân”.
Câu tục ngữ ngắn gọn mà ẩn chứa một ý nghĩa lớn lao. “Thương người” có thể hiểu là yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ người khác, những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, còn “thương thân” lại là thương yêu chính bản thân mình. Hai vế câu được đặt trong cách nói so sánh đã mở ra trước mắt ta một bài học đạo lý làm người sâu sắc đó là: Mỗi người chúng ta trong cuộc sống cần giúp đỡ, sẻ chia với những mảnh đời xung quanh ta bằng tất cả tình yêu, sự quan tâm như với chính bản thân mình.
Câu tục ngữ mới đúng đắn và sâu sắc làm sao. Trước hết, tại sao con người ta cần phải yêu thương người khác như yêu thương chính bản thân mình? Cuộc sống xung quanh ta vẫn còn rất nhiều những mảnh đời, hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ. Có những người không được may mắn như ta, sinh ra đã tật nguyền hay mồ côi cha, mẹ; cũng có những người phải sống trong hoàn cảnh gia đình nghèo khó, thiếu thốn hoặc không nơi nương tựa. Không ai sinh ra có thể chọn lựa cho mình hoàn cảnh sống, không ai có thể lường trước được bất kỳ khó khăn nào trước mắt sẽ xảy ra. Vậy nên luôn tồn tại những nghịch cảnh cần sự giúp đỡ và sẻ chia.
Khi ta biết yêu thương, đùm bọc người khác, giúp đỡ họ vượt qua khó khăn, ta sẽ nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc, sự thanh thản tâm hồn và lòng biết ơn từ những người ấy, người nhận cũng sẽ khắc phục được một phần nào cuộc sống. Hơn nữa, vì cho đi là nhận lại, khi ta giúp đỡ người khác, sẽ đến lúc ta cũng gặp hoàn cảnh khó khăn và nhận lại được sự giúp đỡ của họ. Nếu một xã hội luôn có những con người biết yêu thương, sẻ chia thì xã hội ấy sẽ ngày một phát triển, đẩy lùi được những hoàn cảnh sống khó khăn, xóa đói giảm nghèo.
Tinh thần thương thân thương ái đã được minh chứng rất rõ qua bao đời nay. Trong thời chiến, nhân dân đồng bào cả nước đồng lòng xây dựng chiến lũy, đắp hào, góp gạo nuôi chiến sĩ, bác Hồ đã thành lập hũ gạo cứu đói với khẩu hiệu “Một nắm khi đói bằng một gói khi no”,...Rồi cho đến thời bình hôm nay, nó vẫn được phát huy một cách mạnh mẽ khi ngày càng nhiều những quỹ từ thiện, các tổ chức từ thiện được thành lập để ủng hộ đồng bào miền Trung lũ lụt, quyên góp ủng hộ các mảnh đời, các hoàn cảnh khó khăn khắp mọi miền trên cả nước. Những suất cơm 2,000 đồng, những nồi cháo yêu thương tuy nhỏ nhưng ấm âp vô cùng, nó đã sưởi ấm.biết bao trái tim đơn côi, khó khăn. Phát huy mạnh mẽ tinh thần thương thân thương ái cũng chính là bảo tồn truyền thống quý báu của dân tộc.
Tuy nhiên, trong cuộc sống này vẫn còn tồn tại những con người sống ích kỉ, vô cảm, lạnh lùng với những hoàn cảnh khó khăn xung quanh. Những con người ấy vĩnh viễn không được chào đón, yêu mến và đáng bị lên án. Tất nhiên, yêu thương, sẻ chia cũng phải đúng lúc, đúng chỗ, đúng hoàn cảnh. Ta không thể giúp đỡ, dung túng những kẻ xấu xa, cũng không phải giúp đỡ mọi lúc mọi nơi, sự sẻ chia cần xuất phát từ chính trái tim bạn, tấm lòng bạn và hoàn cảnh, khả năng của bạn. Yêu thương sẽ khiến mọi người xích lại gần nhau hơn, để vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, không đau đớn, không khổ cực.
“Thương người như thể thương thân”, đạo lý ấy vẫn luôn được gìn giữ và duy trì. Hãy dành một khoảng lặng trong cuộc sống bộn bề thường ngày để ngắm nhìn, ngẫm nghĩ về những người xung quanh ta, có lẽ bạn sẽ nhận ra rằng, ta cần phải sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn.
Từ xưa đến nay ông cha ta luôn nhắc nhở, khuyên nhủ con cháu cần biết yêu thương lẫn nhau. Điều ấy được tổ tiên chúng ta gửi gắm qua lời ca, tiếng hát, các câu tục ngữ, ca dao, một trong những câu đó là: “Thương người như thể thương thân”.
Thật vậy, tình yêu thương giữa con người với con người luôn là tình cảm cao đẹp nhất, cốt lõi nhất mà mỗi người cần có. Câu tục ngữ trên là bài học vô cùng quý giá về điều đó. Trước hết cần hiểu: “Thương người như thể thương thân” là gì? Nhìn vào hình thức chúng ta thấy câu tục ngữ được tách thành hai vế: Một vế là “người” tức tất cả mọi người dù là họ hàng thân thích hay không có quan hệ máu mủ, “người” ở đây có thể hiểu là nhân loại; vế còn lại là “thân” tức bản thân mỗi người. Cả câu tục ngữ muốn nói nếu chúng ta thương bản thân ta như thế nào thì cũng cần thương người xung quanh ta như thế ấy. Không những thế, câu tục ngữ còn muốn đề cao lối sống tình cảm, bác ái của nhân loại. Mỗi người cần mở rộng tấm lòng yêu thương của mình để tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp cho bản thân và xã hội.
Vậy tại sao chúng ta lại cần sống một cuộc sống coi trọng tình yêu thương giữa con người với con người? Vâng, chắc hẳn trong chúng ta mỗi người đều hiểu không ai có thể sống đơn độc, cô đơn suốt cuộc đời. Trong từng mối quan hệ gia đình, nhà trường, các cơ quan đoàn thể hay xã hội,... luôn luôn cần hỗ trợ từ người khác. Nếu không yêu thương nhau, đoàn kết giúp đỡ nhau trong công việc và cuộc sống con người sẽ không thể phát triển toàn diện được.
Biểu hiện của tinh thần: “Thương người như thể thương thân” rất phong phú, đa dạng. Trong gia đình, chúng ta sống trong sự yêu thương của mẹ cha, anh chị em...những người có quan hệ máu mủ. Cho nên không khó để hiểu: “Máu chảy ruột mềm” hay “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Bên cạnh nhà ta là bà con hàng xóm, chúng ta chẳng phải luôn sống trong “tình làng nghĩa xóm” hay sao? Những lúc bất trắc, những khi không có người thân ở gần ông cha ta chẳng phải cũng luôn dạy: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Những con người không chung huyết thống ấy luôn sẵn sàng chia sẻ khó khăn lúc ta làm nhà, dựng của, lúc ta ốm đau bệnh tật. Ngay ở môi trường lớp học, trường học, có rất nhiều tấm gương tốt sống theo lối sống tình thương. Có bạn học sinh không ngại vất vả cõng bạn đi học nhiều năm trời. Có những bạn bị ốm chúng ta sẵn sàng chép bài hộ bạn, hay như việc quyên góp ủng hộ sách vở, quần áo cho các bạn khó khăn hơn... Mỗi hành động nhỏ nhoi ấy đều chứng tỏ tình thương yêu dù nhỏ nhất cũng đủ sức làm cảm động lòng người. Hay như rộng hơn nữa là cộng đồng người ở Việt ở khắp mọi nơi trên thế giới: người miền ngược gặp khó khăn người miền xuôi cùng ủng hộ tiền bạc, thức ăn, áo quần gửi lên. Vùng nào của nước ta bị thiên tai, lũ lụt người dân cũng sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo” mong cho họ nhanh chóng ổn định lại. Ngay cả khi đất nước khác trên thế giới gặp động đất, sóng thần... chịu nhiều thiệt hại, Nhà nước và nhân dân ta cũng ra tay ủng hộ, quyên góp giúp nước bạn vượt qua giai đoạn khó khăn... Và còn rất nhiều biểu hiện cao đẹp khác về tình yêu thương mà chúng ta không thể kể hết.
Để thực hiện lối sống tình thương tưởng như khó nhưng lại không hề khó. Trong mỗi con người chúng ta luôn thấm nhuần tư tưởng, lối sống tình thương ấy, chỉ có điều chưa có dịp phát huy. Nếu chúng ta thương thân ta như thế nào thì phải thương người xung quanh ta như thế ấy. Cũng giống như thân thể của ta thì ta quý trọng, chỉ một vết đau nhẹ cũng khiến cho ta phải quan tâm lo sợ. Nếu như người xung quanh ta không may gặp khó khăn, hoạn nạn thì ta nên giúp đỡ, quan tâm, chăm sóc họ như yêu thương chăm sóc chính bản thân mình. Cha ông ta cũng đúc kết lẽ sống tình thương ở nhiều câu ca khác như:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Hay:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng
Nói tóm lại, câu tục ngữ trên tuy ngắn gọn nhưng hàm chứa bài học vô cùng ý nghĩa, quý giá về tình yêu thương giữa con người với con người. Trong xã hội hiện đại ngày nay chũng ta lại càng cần phát huy lối sống tốt đẹp đó bởi nó là cơ sở để xã hội ngày càng phát tiển văn minh hơn, tiến bộ hơn.