Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội lớp 11

Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội lớp 11 được VnDoc.com sưu tầm và xin gửi tới bạn đọc. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm tài liệu bổ ích để học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 11 nhé. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết bài viết dưới đây.

Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội - Những tấm gương vượt khó vươn lên trong học tập

Chúng ta khi sinh ra vốn dĩ đã không được lựa chọn cho mình một gia đình giàu có hay đầy đủ cả. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, có người sinh ra đã làm cậu ấm cô chiêu. Nhưng có những người khi sinh ra họ đã phải chịu sự thiếu thốn, khó khăn, vì những khó khăn ấy nên họ luôn mang trong mình một nghị lực rất lớn và hiện nay có rất nhiều tấm gương cho ta thấy được rằng mặc dù không được lựa chọn hoàn cảnh nhưng chính bản thân họ có thể thay đổi được hoàn cảnh của mình tốt lên.

Những tấm gương ấy chẳng đâu xa xôi, khi hằng ngày chúng ta lướt tin tức vẫn thấy những trang báo đưa tin về những em học sinh nghèo vượt khó, học giỏi. Hoặc những tấm gương đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ như Cao Bá Quát, ông sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, nhưng với ý chí và nghị lực ông đã vượt qua hoàn cảnh trở thành một nhà thơ nhà văn lỗi lạc, thậm chí người đương thời thường nói rằng “Văn như Siêu, Quát vô triều Hán” tức là trước thời Hán không có ai giỏi văn như Siêu và Quát. Hay ta có thể thấy một nhân vật rất quen thuộc với hình ảnh đôi chân biết viết đó là thầy Nguyễn Ngọc Ký, sẽ ít ai hình dung được rằng một người bại liệt hai tay có thể trở thành một nhà giáo ưu tú, nhà văn, nhà thơ. Đúng vậy tất cả nhờ vào sự nỗ lực không ngừng, vẫn biết mình khiếm khuyết nhưng thầy không bao giờ nhụt chí, sự vượt khó của thầy khiến cho ai nhìn thấy cũng nể phục. Dù là ai đi chăng nữa chỉ cần có ý chí, có nghị lực thì cho dù bất kỳ hoàn cảnh khó khăn đến mấy chúng ta đều có thể vượt qua được. Hai nhân vật trên cho ta thấy rằng. Một người có sự kiên trì, nhẫn nại, sẵn sàng vượt qua mọi thử thách, không sợ hiểm nguy, khổ cực là những người có một ý chí rất lớn. Khi họ đã chấp nhận với hoàn cảnh éo le của mình để cố gắng tức là họ đang đối đầu với vô vàn khó khăn mà cuộc sống này mang lại. Họ luôn biết cách tạo ra cho mình những cơ hội trong lúc khó khăn, họ luôn tìm tòi học hỏi để thay đổi số phận của mình. Bởi lẻ, họ sinh ra đã không có cuộc sống trọn vẹn như bao người, nên vì thế họ chỉ có con đường duy nhất là cố gắng hết sức để xã hội công nhận họ.

Bác Hồ chúng ta từng dạy:

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”

Đúng vậy, nếu một người không có ý chí quyết tâm đạt được mục tiêu mà mình đề ra thì cho dù điều kiện của họ có tốt đến đâu đi chăng nữa thì cũng là bình phong để che đi sự lười nhác và vô dụng của họ. Rõ ràng ta có thể nhận định một điều rằng chỉ khi chúng ta thiếu thốn chúng ta mới có được khát khao vươn lên. Đặc biệt ở Việt Nam, theo thống kê số lượng trẻ nông thôn, trẻ em nghèo lại có thành tích học tốt hơn các em ở thành thị, thậm chí chúng ta cũng không mấy xa lạ gì khi hằng năm kỳ thi trung học phổ thông đến lại có những thủ khoa xuất thân từ những gia đình nghèo khó, đó là điều mà rất nhiều người đặt ra một chấm hỏi lớn. Họ không hiểu sao trong khi các nước phát triển trên thế giới, đa phần các bạn thủ khoa đều là những đứa trẻ con nhà giàu, có điều kiện. Và để nhân chứng cho điều này đó là bạn Đinh Xuân Chung học tại Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội. Dù xuất thân trong gia cảnh nghèo khó, bố bị nhiễm chất độc màu da cam do chiến tranh để lại, nhưng Chung luôn khát vọng vươn lên bằng chính năng lực, trí tuệ của mình, trở thành tấm gương sáng cho nhiều bạn học sinh sinh viên khác học tập và noi theo. Năm 2006, Chung là một trong 100 thủ khoa xuất sắc tiêu biểu được thành phố Hà Nội tuyên dương và khen thưởng. Không dừng ở đó, Chung còn sở hữu nhiều suất học bổng toàn phần học thạc sĩ hai năm tại trường đại học Hàn Quốc (Seoul, Hàn Quốc), học bổng Shinnyo En,… Quả thật cuộc sống này có quá nhiều thứ tốt đẹp, chỉ cần bạn cố gắng vượt qua mọi thử thách, kiên trì đến cuối cùng thì sớm muộn gì bạn cũng thu hoạch cho mình những trái ngọt. Đồng thời, không thể phủ nhận rằng cái nghèo cái đói đã nung nấu con người chúng ta phải quyết tâm thoát ra khỏi vùng vây đầy rẫy sự khó khăn vất vả, thậm chí là khinh bỉ để đạt được những thứ mình muốn.

Ngoài những tấm gương sáng về sự vượt khó để ta noi theo thì lại có những tấm gương đáng để ta lên án và chê trách. Thật không tiện khi nói điều này, nhưng với cuộc sống hiện đại như ngày nay chúng ta cũng gặp không ít những trường hợp sống không có sự nỗ lực, họ chỉ biết dựa dẫm vào người khác mà không tự mình vươn lên. Có những bạn học sinh sinh ra trong gia đình không mấy khá giả nhưng lại có tính đua đòi, ăn chơi lêu lỏng. Các bạn ấy không quan tâm đến hoàn cảnh gia đình mình khó khăn ra sao, các bạn chỉ biết mỗi ngày xin ba mẹ tiền để mua này mua kia, đua đòi theo bạn của mình. Thật sự đáng buồn, bởi các bạn không hề biết trân trọng những gì mình đang có để rồi khi nhận ra thì đã quá muộn. Trong khi đó ở ngoài kia còn rất nhiều người muốn được đi học, muốn được hằng ngày cắp sách đến trường mà không có cơ hội, thì ở đây lại có những kẻ lười nhát, không thấy sự may mắn của mình để mà cố gắng. Thiệt tình, ông trời thật biết trêu đùa, nhưng dù sao đi chăng nữa ta cũng thấy rõ một điều rằng những người có sự cố gắng, nỗ lực đều là những người thành công trong cuộc sống. Họ là những tấm gương sáng giúp chúng ta có những những bài học quý báu, họ truyền tải một năng lượng tích cực đến mọi người. Hy vọng rằng sẽ còn nhiều những tấm gương như thế để cổ vũ, khích lệ tinh thần cho những người đang trong tình trạng khó khăn, muốn thoát khỏi sự nghèo khổ

Tóm lại, một đời người sinh ra chúng ta hãy sống làm sao cho trọn vẹn, đừng vì những lý do vô lí đó mà đổ lỗi cho hoàn cảnh. Nên nhìn lại bản thân mình đã thực sự nỗ lực hay chưa, hãy học cách vươn lên để sống một cuộc sống có ích và đầy ý nghĩa.

Viết văn bản nghị luận về vấn đề Học đại học có phải là con đường duy nhất để thành công?

Thanh xuân, tuổi trẻ mỗi người chỉ trải qua một lần duy nhất, đó là thời điểm con người ta hạnh phúc nhất, sung sướng nhất, tự do nhất, dũng cảm nhất, nhưng cũng là lúc con người ta phải đối diện với muôn vàn thử thách khó khăn, phải đắn đo suy nghĩ và lựa chọn cho mình một con đường, một ước mơ. Với nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh cuối cấp 3 đang sắp bước vào một kỳ thi cam go, hồi hộp, kỳ thi ấy sẽ dẫn các bạn vào cánh cổng đại học mở ra hay sẽ đưa các bạn rẽ sang một hướng khác, đó còn tùy thuộc vào sự nỗ lực của các bạn. Thế nhưng, có một vấn đề được đặt ra, tại sao mọi người đều ép bản thân mình chen chân vào cánh cổng đại học? Liệu đại học có phải là con đường tiến thân duy nhất của tuổi trẻ?

Không phủ nhận cánh cổng trường đại học là một lựa chọn rất tốt cho các bạn trẻ, là bệ đỡ giúp chúng ta tiến xa hơn trong tương lai bằng con đường học tập. Ở môi trường đại học, chúng ta dường như bước vào một xã hội thu nhỏ, ở đó các thầy cô truyền dạy cho chúng ta nhiều bài học, không chỉ là những kiến thức khô khan trong sách vở mà còn là những kinh nghiệm sống rất quý giá mà không nơi nào có thể dạy chúng ta tốt như thế. Ước mơ vào đại học là một ước mơ rất đẹp, thể hiện khát vọng của con người về việc vươn đến một chân trời mới mẻ, một môi trường tri thức rộng mở, cao cấp hơn hẳn so với môi trường ở bậc trung học. Đặc biệt, môi trường đại học là một môi trường giáo dục rất tự do, khuyến khích sinh viên có những ý tưởng, sáng tạo, được thỏa sức bày tỏ quan điểm, khẳng định bản thân bằng nhiều cách khác nhau.

Những câu lạc bộ, đoàn đội, hội nhóm sẽ là nơi giúp các em rèn luyện kỹ năng mềm, khả năng giao tiếp, khả năng ứng phó linh hoạt với các tình huống thực tế có thể xảy ra trong tương lai. Ngoài ra khi bước vào đại học, môi trường sống của các bạn sinh viên đa số đều thay đổi, xa gia đình, xa vòng tay cha mẹ, đa số các bạn đều phải sống tự lập, đó chính là cách giúp các bạn trưởng thành nhanh nhất.

Đại học là bước đường các bạn học sinh dễ tiếp cận nhất và cũng là lựa chọn gần như tốt nhất. Bởi trong xã hội hiện đại, dân trí ngày một nâng cao, đất nước ngày một phát triển, để đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội, đòi hỏi nguồn nhân lực phải có trình độ ngày một cao hơn. Tri thức trở thành nền tảng cốt yếu để phát triển đất nước, chính vì thế, con người có những lựa chọn đúng đắn để trau dồi tri thức cho bản thân, liên tục nâng cao trình độ thì sẽ dễ dàng thành công hơn trong cuộc sống. Hơn thế nữa, ngày nay học vấn còn trở thành thước đo giá trị của một con người trong thời đại mới, nên đôi khi việc dừng lại ở bậc trung học phổ thông sẽ khó được xã hội công nhận năng lực và tham gia vào lao động sản xuất với một chế độ đãi ngộ tốt, nếu như bạn không thực sự cố gắng trong những lĩnh vực khác ngoài việc học lên đại học.

Tuy nói là vậy nhưng việc bước vào cánh cổng đại học cũng không phải là con đường tiến thân duy nhất dành cho giới trẻ, bởi ngoài nó, chúng ta vẫn còn những lựa chọn khác, tuy có nhiều khó khăn vất vả hơn hẳn, nhưng nó cũng là một lựa chọn không tồi. Bạn cố chen chân kiếm cho mình một cái vé vào đại học, trong khi năng lực không đủ, điều kiện gia đình không cho phép, đặc biệt bạn còn vì muốn vào đại học mà chọn bừa cho mình một ngành học, một trường học mà chưa tìm hiểu thật kỹ càng. Đến khi bước chân vào rồi bạn mới nhận ra mình đã sai lầm, từ bỏ thì nuối tiếc, mà không từ bỏ thì bạn cứ mãi lửng lơ vô định hướng với một thứ bạn không thích, không am hiểu. Tôi tự hỏi nếu rơi vào hoàn cảnh ấy, ai trong số các bạn còn cảm thấy rằng vào đại học là con đường tiến thân duy nhất? Và từ thực tế cho thấy, không phải sinh viên đại học nào ra trường cũng có công ăn việc làm ổn định, cũng có một mức thu nhập cao, một tương lai xán lạn. Chẳng phải vẫn có người học qua quýt trong đại học, rồi ra trường không tìm được việc làm, cuối cùng cũng phải đi làm những công việc lao động chân tay, làm trái ngành, trở nên chán nản và hối hận vì đã lãng phí 4 năm thanh xuân vì không chịu cố gắng, không định hướng bản thân thật tốt. Thế nên cánh cổng đại học là cánh cổng đẹp, nhưng đó không phải là cánh cổng màu hồng như chúng ta hằng tưởng tượng, bởi cái gì cũng cần sự cố gắng. Ví như chúng ta chẳng may không đỗ vào trường chúng ta mong muốn, không đủ điều kiện học tập trong môi trường đại học, thì tốt hơn hết chúng ta hãy nghĩ đến một con đường khác, nghĩ xem mình thích gì, chúng ta có thể tham gia các lớp đào tạo nghề, ai có khiếu kinh doanh thì có thể tập tành buôn bán,...

Bất kể làm việc gì, các bạn cũng phải nỗ lực hết sức mình thì mới thành công được, đừng nghe những lời gièm pha đàm tiếu của người ngoài rằng không học đại học là kém cỏi, là bất tài, bởi cuộc sống là của chúng ta chứ không phải của họ. Hãy nhìn xem Bill Gates đã dũng cảm thế nào khi từ bỏ Harvard ngôi trường trong mơ của bao lớp trẻ, để sáng lập ra Microsoft - Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, rồi Steve Jobs đồng sáng lập tập đoàn Apple, Michael Dell nhà sáng lập ra tập đoàn máy tính Dell Inc, Henry Ford người sáng lập ra hãng ô tô Ford, có ai có tấm bằng đại học nào trên tay đâu, thế nhưng họ vẫn rất thành công, thành công một cách vượt bậc và vô cùng đáng ngưỡng mộ. Họ sáng lập ra những tập đoàn lớn hàng đầu thế giới, rồi những con người có những tấm bằng đại học danh giá cũng phải chen lấn xô đẩy để có thể vào đó làm việc. Thế nên thành công hay không học vấn là một phần quan trọng, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự cố gắng không ngừng nghỉ của bản thân.

Đại học là con đường ngắn nhất dẫn bạn đến thành công, thế nhưng nó không phải là con đường duy nhất, chúng ta còn rất nhiều những lựa chọn khác nữa, mặc dù sẽ khiến chúng ta vất vả và phải đi một con đường xa hơn hẳn để bước tới thành công. Hãy nhớ cánh cổng đại học khép lại, thì chúng ta hãy tự mở cho mình một cánh cổng khác, tôi tin rằng các bạn sẽ thành công!

Trên đây VnDoc.com vừa gửi tới bạn đọc bài viết Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội lớp 11. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm tài liệu học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 11 nhé.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 11 Kết nối tri thức

    Xem thêm