61 bài tập đọc cho học sinh lớp 1 Hay chọn lọc
61 bài tập đọc cho học sinh lớp 1 là tài liệu rất hay và hữu ích dành cho các bậc phụ huynh và quý thầy cô giáo nhằm rèn luyện kỹ năng tập đọc và viết chính tả lớp 1.
61 bài tập đọc cho học sinh lớp 1
- Bài 1: Trăng sáng sân nhà em
- Bài 2: Trí khôn
- Bài 3: Chú ếch
- Bài 4: Đẹp mà không đẹp
- Bài 5: Hoa sen
- Bài 6: Mô-da
- Bài 7: Bàn tay cô giáo
- Bài 8: Giàn mướp
- Bài 9: Tay bé
- Bài 10: Lời khuyên của bố
- Bài 11: Con ong chuyên cần
- Bài 12: Mua kính
- Bài 13: Thạch Sanh
- Bài 14: Con quạ khôn ngoan
- Bài 15: Hoa cúc vàng
- Bài 16: Con cáo và chùm nho
- Bài 17: Ngôi nhà
- Bài 18: Ve và Kiến
- Bài 19: Quạt cho bà ngủ
- Bài 20: Mẹ
- Bài 21: Việt Nam
- Bài 22: Có trí thì nên
- Bài 23: Đàn gà mới nở
- Bài 24: Hoa mai vàng
- Bài 25: Mẹ
- Bài 26: Xiếc thú
- Bài 27: Lời nói
- Bài 28: Gọi bạn
- Bài 29: Cây xoài của ông em
- Bài 30: Mười quả trứng tròn
- Bài 31: Mùa xuân
- Bài 32: Bố làm thợ mộc
- Bài 33: Trăng sáng sân nhà em
- Bài 37: Bố làm thợ mộc
Bài 1: Trăng sáng sân nhà em
Sân nhà em sáng quá,
Nhờ ánh trăng sáng ngời,
Trăng tròn như mắt cá
Chẳng bao giờ chớp mi.
Những đêm nào trăng khuyết
Trông giống con thuyền trôi.
Em đi trăng theo bước
Như muốn cùng đi chơi.
---------------------------
Bài 2: Trí khôn
Một hôm, nom thấy bác thợ cày bảo gì trâu phải nghe nấy, Cọp lấy làm lạ hỏi:
- Này, Trâu kia, mày to xác như thế này sao dại thế, sao lại để cho bác ta sai khiến như thế?
- Bác ấy có trí khôn.
Cọp ngạc nhiên quay sang bác thợ cày:
- Này bác, trí khôn của bác để đâu?
- Ta để ở nhà.
- Bác về lấy cho ta xem!
- Ta về, Cọp ăn mất Trâu của ta thì sao? Có thuận cho ta cột vào cây kia thì ta về lấy cho mà xem!
Cọp muốn xem, nên thuận ngay. Sau khi Cọp bị cột chặt vào gốc cây, bác nông dân lấy bắp cày phang cho nó một trận nên thân hồn. Vừa phang bác vừa nói:
- Trí khôn của ta đây! Trí khôn của ta đây!
---------------------------
Bài 3: Chú ếch
Có chú là chú ếch con
Hai mắt mở tròn nhảy nhót đi chơi
Gặp ai ếch cũng thế thôi
Hai cái mắt lồi cứ ngước trơ trơ.
Em không như thế bao giờ
Vì em ngoan ngoãn biết thưa, biết chào.
---------------------------
Bài 4: Đẹp mà không đẹp
Thấy bác Thành đi qua, Hùng liền gọi:
- Bác Thành ơi, bác xem con ngựa của cháu vẽ có đẹp không?
Trên bức tường trắng hiện lên những nét than đen vẽ hình một chú ngựa đang leo núi. Bác Thành nhìn vào bức vẽ rồi trả lời:
- Cháu vẽ đẹp đấy nhưng có cái không đẹp.
Hùng vội hỏi:
- Cái nào không đẹp hả bác?
Bác Thành bảo:
- Cái không đẹp là bức tường của nhà trường đã bị vẽ bẩn cháu ạ!
---------------------------
Bài 5: Hoa sen
Hoa sen đã nở
Rực rỡ đầy hồ
Thoang thoảng gió đưa
Mùi hương thơm ngát.
Lá sen xanh mát
Đọng hạt sương đêm
Gió rung êm đềm
Sương long lanh chạy.
---------------------------
Bài 6: Mô-da
Có lần, một nhà quyền quý đưa con đến nhà Mô-da giúp đỡ:
- Thưa nhạc sư, xin nhạc sư bảo giùm cháu nên sáng tác thế nào?
Sau khi nghe chàng thanh niên ấy đàn. Mô-da khuyên:
- Hãy chờ đã, còn sớm quá!
- Sao lại sớm quá? Chính nhạc sư đã sáng tác nhạc từ năm lên bốn cơ mà?
- Vâng, chỉ có cái là chú bé Mô da lên bốn tự mình làm lấy, chứ đâu có nhờ ai bảo giùm nên sáng tác như thế nào.
Bài 7: Bàn tay cô giáo
Bàn tay cô giáo
Tết tóc cho em
Về nhà mẹ khen
Tay cô rất khéo.
Bàn tay cô giáo
Vá áo cho em
Như tay chị cả
Như tay mẹ hiền
Cô cầm tay em
Nắn từng nét chữ
Em viết đẹp thêm
Điểm mười trang vở.
Bài 8: Giàn mướp
Thật là tuyệt!
Mấy bông hoa vàng tươi như những đốm nắng đã nở sáng trưng trên giàn mướp xanh mát.
Cái giàn trên mặt ao soi bóng xuống làn nước lấp lánh hoa vàng. Mấy chú cá rô cứ lội quanh lội quẩn ở đó chẳng muốn đi đâu. Cứ thế hoa nở tiếp hoa. Rồi quả thi nhau chồi ra... bằng ngón tay... bằng con chuột...rồi bằng con cá chuối to...Có hôm, chị em tôi hái không xuể. Bà tôi sai mang đi biếu cô tôi, dì tôi, cậu tôi, chú tôi, bác tôi mỗi người một quả.
---------------------------
Bài 9: Tay bé
Bàn tay bé uốn uốn
Là dải lụa bay ngang
Bàn tay bé nghiêng sang
Là chiếc dù che nắng
Bàn tay bé dang thẳng
Là cánh con ngỗng trời
Bàn tay bé bơi bơi
Là mái chèo nho nhỏ.
Bàn tay bé xòe nở
Là năm cánh hoa tươi
Là mọc dậy mặt trời
Bé dâng lên tặng mẹ
---------------------------
Bài 10: Lời khuyên của bố
Học quả là khó khăn, gian khổ. Bố muốn con đến trường với niềm hăng say và niềm phấn khởi. Con hãy nghĩ đến những người thợ, tối đến trường sau một ngày lao động vất vả. Cả những người lính vừa ở thao trường về là ngồi ngay vào bàn đọc đọc, viết viết. Con hãy nghĩ đến các em nhỏ bị câm điếc mà vẫn thích học.
Con hãy tưởng tượng mà xem, nếu phong trào học tập ấy bị ngừng lại thì nhân loại sẽ chìm đắm trong cảnh ngu dốt, trong sự dã man. Bố tin rằng con sẽ luôn cố gắng và không bao giờ là người lính hèn nhát trên mặt trận đầy gian khổ ấy.
---------------------------
Bài 11: Con ong chuyên cần
Con ong bé nhỏ chuyên cần
Mải mê bay khắp cánh đồng gần xa
Ong đi tìm hút nhụy hoa
Về làm mật ngọt thật là đáng khen
---------------------------
Bài 12: Mua kính
Có một cậu bé lười học nên không biết chữ. Thấy nhiều người khi đọc sách phải đeo kính, cậu tưởng rằng cứ đeo kính vào là đọc được sách. Một hôm, cậu vào cửa hàng để mua kính, Cậu giở một cuốn sách ra đọc thử. Cậu thử đến năm bảy cái kính khác nhau mà vẫn không đọc được. Bác bán kính thấy thế liền hỏi:
- Hay là cháu không biết đọc
Cậu ngạc nhiên:
- Nếu cháu mà biết đọc thì cháu phải mua kính làm gì nữa?
Bác bán kính phì cười:
- Chẳng có thứ kính nào đeo vào mà biết đọc đâu! Cháu muốn đọc sách thì phải học đi đã.
Bài 13: Thạch Sanh
Đàn kêu: ai chém chằn tinh
Cho mày vinh hiển dự mình quyền sang?
Đàn kêu: ai chém xà vương
Đem nàng công chúa triều Đường về đây?
Đàn kêu: hỡi Lý Thông mày
Cớ sao phụ nghĩa lại rày vong ân?
Đàn kêu: Sao ở bất nhân
Biết ăn quả lại quên ân người trồng?
---------------------------
Bài 14: Con quạ khôn ngoan
Có một con quạ khát nước. Nó tìm thấy một cái lọ nước. Nhưng nước trong lọ quá ít, cổ lọ lại cao, nó không sao thò mỏ vào uống được. Quạ liền nghĩ ra một cách: nó lấy mỏ gắp từng viên sỏi bỏ vào lọ. Một lúc sau, nước dâng lên, quạ tha hồ uống.
Bài 15: Hoa cúc vàng
Suốt cả mùa đông
Nắng đi đâu miết
Trời đắp chăn bông
Còn cây chịu rét
Sớm nay nở hết
Đầy sân cúc vàng
Thấy mùa xuân đẹp
Nắng lại về chăng?
Ồ chẳng phải đâu
Mùa đông nắng ít
Cúc gom nắng vàng
Vào trong lá biếc
Chờ cho đến tết
Nở bung thành hoa
Rực vàng hoa cúc
Ấm vui mọi nhà
---------------------------
Bài 16: Con cáo và chùm nho
Một con cáo nhìn thấy những chùm nho chín mọng trên cành liền tìm cách hái chúng. Nhưng loay hoay mãi Cáo ta vẫn không với tới được chùm nho. Để dẹp nỗi bực mình, cáo ta bèn nói:
- Nho còn xanh lắm!
---------------------------
Bài 17: Ngôi nhà
Em yêu ngôi nhà
Hàng xoan trước ngõ
Hoa xao xuyến nở
Như mây từng chùm.
Em yêu tiếng chim
Đầu hồi lảnh lót
Mái vàng thơm phức
Rạ đầy sân phơi.
Em yêu ngôi nhà
Gỗ tre mộc mạc
Như yêu đất nước
Bốn mùa chim ca
Bài 18: Ve và Kiến
Ve và Kiến cùng sống trên cây nhưng mỗi người một nết. Kiến chăm chỉ làm việc suốt ngày. Thức ăn kiếm được ăn không hết. Kiến để dành phòng khi mùa đông. Ve thì nhởn nhơ ca hát suốt ngày mùa hè.
Mùa đông đến, thức ăn khan hiếm, Ve đói đành tìm Kiến xin ăn. Kiến cho ve ăn rồi hỏi Ve làm gì suốt mùa hè. Ve đáp:
- Tôi ca hát.
Kiến bảo
- Ca hát là tốt nhưng cũng cần phải lao động nữa chứ.
---------------------------
Bài 19: Quạt cho bà ngủ
Ơi chích chòe ơi
Chim đừng hót nữa
Bà em ốm rồi
Lặng cho bà ngủ.
Bàn tay bé nhỏ
Vẫy quạt thật đều
Ngấn nắng thu thu
Đậu trên tường trắng
Căn nhà đã vắng
Cốc chén nằm im
Đôi mắt lim dim
Ngủ ngon bà nhé
Hoa cam hoa khế
Chín lặng trong vườn
Bà mơ tay cháu
Quạt đầy hương thơm
-------------------------
Bài 20: Mẹ
Mỗi con đường tôi đã đi qua đều có hình bóng mẹ, dù vui, dù buồn. Tôi luôn tự hào với bạn bè của mình vì có người bạn thân là mẹ. Trải qua nhiều vấp ngã,thành công trong những bước đi đầu đời, tôi đã hiểu mẹ mãi mãi là người yêu thương tôi nhất. Cho dù tôi có là ai, tôi vẫn tự hào tôi là con mẹ.
---------------------------
Bài 21: Việt Nam
Việt Nam đẹp khắp trăm miền
Bốn mùa đặc sắc trời riêng đất này
Xóm làng, đồng ruộng, rừng cây,
Non cao gió dựng, sông đầy nắng chang
Sum suê xoài biếc, cam vàng
Dừa nghiêng, cau thẳng, hàng hàng nắng soi.
---------------------------
Bài 22: Có trí thì nên
Đầu năm học, bắc được bố đưa đến trường. Bố cậu nói với thầy giáo
- Xin thầy kiên nhẫn, thật kiên nhẫn vì con tôi nó tối dạ lắm!
Từ đó, có người gọi cậu là “ tối dạ”. Bắc không giận mà quyết trả lời bằng việc làm. Cậu học thật chăm, khó khăn không nản. Ở lớp, điều gì chưa hiểu, cậu xin thầy giảng lại. Ở nhà, cậu học bài thật thuộc và làm bài đầy đủ. Chỉ ba tháng sau, cậu vượt lên đứng đầu lớp. Trước đây, cậu không biết gì về phép tính, bài chép mắc nhiều lỗi chính tả. Thế mà giờ đây, cậu giải được các bài toán đố, viết đúng chính tả và hiểu cặn kẽ các bài học.
Cuối năm, khi trao phần thưởng cho cậu, thầy giáo phải thốt lên:
- Hoan hô em Bắc, em đã nêu một tấm gương sáng về tính cần cù và kiên nhẫn. Thật là “có chí thì nên”!
---------------------------
Bài 23: Đàn gà mới nở
Lông vàng mát dịu
Mặt đẹp sáng ngời
Ôi! Chú gà ơi!
Ta yêu chú lắm!
Mẹ dang đôi cánh
Con biến vào trong
Mẹ ngẩng đầu trông
Bọn diều bọn quạ.
Bây giờ thong thả
Mẹ đi lên đầu
Đàn con bé tí
Líu ríu chạy sau.
Con mẹ đẹp sao
Những hòn tơ nhỏ
Chạy như lăn tròn
Trên sân, trên cỏ.
Vườn trưa gió mát
Bướm bay dập dờn
Quanh đôi chân mẹ
Một rừng chân con.
---------------------------
Bài 24: Hoa mai vàng
Hoa mai cũng có năm cánh như hoa đào, nhưng cánh hoa mai to hơn cánh hoa đào một chút. Những nụ mai không phải mầu hồng mà xanh ngời mầu ngọc bích. Sắp nở, nụ mai mới phô vàng. Khi nở, cánh mai xòe ra mịn màng như lụa. Những cánh hoa ánh lên một sắc mầu vàng muốt, mượt mà. Hoa mai trổ từng chùm thưa thớt, không đậm đặc như hoa đào. Vì thế, khi cánh mai rung rinh cười với gió xuân, ta liên tưởng đến hình ảnh một đàn bướm vàng dập dờn bay lượn.
---------------------------
Bài 25: Mẹ
Lặng rồi cả tiếng con ve
Con ve cũng mệt vì hè nắng oi.
Nhà em vẫn tiếng ạ ời
Kẽo cà tiếng võng mẹ ngồi mẹ ru.
Lời ru có gió mùa thu
Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về.
Những ngôi sao thức ngoài kia
Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con.
Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.
---------------------------
Bài 26: Xiếc thú
Đi xem xiếc, bé thích nhất là tiết mục xiếc thú.
Thoạt đầu, cả đàn khỉ chạy ùa ra. Các chú kiễng chân, chưa kịp nghiêng mình chào khán giả đã bắt đầu đua xe đạp. Các chũ ngã hấp tấp đứng dậy, khiêng luôn cả xe đạp mà chạy.
Sau đó là tiết mục xiếc chó làm toán. Chú siêng năng, cô giáo khen cho quà. Chú biếng nhác, chẳng làm việc gì, bị cô giáo chê. Có chú nghiêng đầu, tỏ vẻ đang tính toán. Có chú còn liếc sang bên cạnh. Cũng có chú mất trật tự chạy khắp lớp.
---------------------------
Bài 27: Lời nói
Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Có người nói trước quên sau
Nói đi nói lại nhiều câu thành nhàm.
Lời nói đi đôi với làm
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.
Ăn gian nói lớn ồn ào
Nói xằng nói bậy tầm phào ai mê?
Nói phải củ cải phải nghe
Nói tục chửi bậy bạn bè lánh xa.
Ăn không nói có ba hoa
Miệng nói chân bước mới là đáng khen.
Đừng nên ăn nói quàng xiên
Học ăn học nói thường xuyên hàng ngày.
Nếu không lời nói gió bay
Nói khuếch nói khoác còn hay nỗi gì!
---------------------------
Bài 28: Gọi bạn
Tự xa xưa thuở nào
Trong rừng xanh sâu thẳm
Đôi bạn sống bên nhau
Bê vàng và Dê trắng.
Một năm, trời hạn hán
Suối cạn, cỏ héo khô
Lấy gì nuôi đôi bạn
Chờ mưa đến bao giờ?
Bê vàng đi tìm cỏ
Lang thang quên đường về
Dê trắng thương bạn quá
Chạy khắp nẻo tìm Bê
Đến bây giờ dê trắng
Vẫn gọi hoài: “Bê! Bê!”
---------------------------
Bài 29: Cây xoài của ông em
Ông em trồng cây xoài cát này trước sân, khi em còn đi lẫm chẫm.
Cuối đông, hoa nở trắng cành. Đầu hè, quả sai lúc lỉu. Trông từng chùm quả to, đung đưa theo gió, em càng nhớ ông.
Mùa xoài nào, mẹ em cũng chọn những quả chím mọng, vàng đẹp, to nhất, bày lên bàn thờ ông.
---------------------------
Bài 30: Mười quả trứng tròn
Mười quả trứng tròn
Mẹ gà ấp ủ.
Mười chú gà con
Hôm nay ra đủ.
Lòng trắng, lòng đỏ
Thành mỏ thành chân
Cái mỏ tý hon
Cái chân bé xíu;
Lông vàng mát dịu
Mắt đen sáng ngời
Ôi chú gà ơi
Ta yêu chú lắm.
Trong bàn tay ấm,
Chú đứng chú kêu,
Mẹ gà tục tục
Chú ngoái nhìn theo.
Ta thả chú ra
Chạy ăn cùng mẹ
Chạy biến cả chân
Chạy sao nhanh thế!
Là gà của bé
Gà nhớ đừng quên
Ăn khỏe lớn khỏe
Đẻ rõ nhiều lên...
Bài 31: Mùa xuân
Hoa mận vừa tàn thì mùa xuân đến. Bầu trời ngày càng thêm xanh. Nắng vàng ngày càng rực rỡ. Vườn cây lại đâm chồi nẩy lộc. Rồi vườn cây ra hoa. Hoa bưởi nồng nàn. Hoa nhãn ngot. Hoa cau thoảng qua. Vườn cây lại đầy tiếng chim và bóng chim bay nhảy. Những thím chích chòe nhanh nhảu. Những chú khướu lắm điều. Những anh chào mào đỏm dáng. Những bác cu gáy chầm ngâm...
Chú chim sâu vui cùng vườn cây và các loài chim bạn. Nhưng trong trí nhớ thơ ngây của chú còn mãi mãi sáng ngời hình ảnh của một cành mận trắng, biết nở hoa cuối mùa đông để báo trước mùa xuân tới.
Bài 32: Bố làm thợ mộc
Tuấn chăm chú ngắm nghía từng động tác của bố. Cái bào của bố lướt qua trên mặt tấm ván cứ y như tàu lướt trên mặt biển, mà đám vỏ bào đùn đùn lên cứ y như sóng biển cuộn trào. Cái con tàu hình khối vuông dài lao vút lên trước, rồi lùi lại sau. Những làn sóng lúc thì cong vồng, lúc thì loăn xoăn, đợt thì màu vàng, đợt thì màu nâu, màu hồng, ùn lên phía trước mũi tàu...
Gỗ của bố thường chỉ là nhứng cái thùng cũ, những mảnh ván thừa, nhiều khi lấm lem đất cát. Nhưng khi lưỡi bào, lưỡi đục của bố đã gọt hết lượt da ngoài xấu xí đi thì mặt gỗ nào hiện ra cũng đẹp.
Tuấn rất yêu cái mùi hương gỗ. Tối tối, Tuấn đi ngủ, hương gỗ như còn theo Tuấn vào trong cả giấc mơ.
Bài 33: Trăng sáng sân nhà em
Ông trăng tròn sáng tỏ
Soi rõ sân nhà em
Trăng khuya sáng hơn đèn
Ơi ông trăng sáng tỏ
Soi rõ sân nhà em
Hàng cây cau lặng đứng
Hàng cây chuối đứng im
Con chim quên không kêu
Con sâu quên không kêu
Chỉ có trăng sáng tỏ
Soi rõ sân nhà em.
Bài 37: Bố làm thợ mộc
Tuấn chăm chú ngắm nghía từng động tác của bố. Cái bào của bố lướt qua trên mặt tấm ván cứ y như tầu lướt trên mặt biển, mà đám vỏ bào đùn đùn lên cứ y như sóng biển cuộn trào. Cái con tầu hình khối vuông dài lao vút lên trước, rồi lùi lại sau. Những làn sóng lúc thì cong vồng, lúc thì loăn xoăn, đợt thì mầu vàng, đợt thì mầu nâu, mầu hồng, ùn lên phía trước mũi tầu...
Gỗ của bố thường chỉ là nhứng cái thùng cũ, những mảnh ván thừa, nhiều khi lấm lem đất cát. Nhưng khi lưỡi bào, lưỡi đục của bố đã gọt hết lượt da ngoài xấu xí đi thì mặt gỗ nào hiện ra cũng đẹp.
Tuấn rất yêu cái mùi hương gỗ. Tối tối, Tuấn đi ngủ, hương gỗ như còn theo Tuấn vào trong cả giấc mơ.