Bình giảng bài thơ Tuyệt cú trong chùm thơ bốn bài của Đỗ Phủ
Văn mẫu lớp 7: Bình giảng bài thơ Tuyệt cú trong chùm thơ bốn bài của Đỗ Phủ dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 7 hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra môn Ngữ văn 7 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
Bình giảng tác phẩm Tuyệt cú
Tuyệt cú
Lưỡng cá hoàng li minh thúy liễu,
Nhất hàng bạch lộ thướng thanh thiên.
Song hàm Tây Lĩnh thiên thu tuyết,
Môn bạc Đông Ngô vạn lí thuyền.
Đỗ Phủ
Đôi chim oanh vàng hót trong liễu biếc,
Một hàng cò trắng bay lên trời xanh.
Cửa sổ ngậm tuyết Tây Lĩnh đọng hàng nghìn năm,
Trước cửa, thuyền Đông Ngô từ muôn dặm đến đỗ.
Hai cái oanh vàng kêu liễu biếc
Một hàng cò trắng vút trời xanh.
Nghìn năm tuyết núi sông in sắc,
Muôn dặm thuyền Ngô cửa rập rình.
Tản Đà dịch
Liễu xanh hót cặp oanh vàng,
Trời xanh trắng điểm một hàng cò bay.
Song lồng mái tuyết non Tây,
Thuyền Ngô muôn dặm đổ ngay cửa ngoài.
Tương Như dịch
Có người gọi bài ‘Tuyệt cú’ này là một bức tranh tứ bình tuyệt mĩ. Mỗi câu thơ là một bức tiểu họa xinh xắn. Câu thứ nhất có hình ảnh khóm liễu xanh biếc, trong đó cất lên tiếng hót của đôi chim oanh vàng. Bức tranh đẹp lộng lẫy: nổi lên trên nền biếc của liễu là màu Vàng của đôi chim oanh bé nhỏ hót ríu rít. Thơ vừa có nhạc vừa có họa đầy mĩ lệ và ấn tượng:
‘Hai cái oanh vàng kêu liễu biếc’
Câu thơ thứ hai tả bầy cò ở phía xa và trên tầm cao. Cò trắng bay thành hàng, bay hướng lên trời xanh, sắc trắng của hàng cò nổi bật trên nền xanh của bầu trời. Bức tiểu họa này cho thấy nghệ thuật phối sắc thần tình. Đàn cò được miêu tả trong trạng thái ‘động’ đang bay giữa trời xanh: ‘Một hàng cò trắng vút trời xanh’.
Câu 1 và câu 2 được cấu trúc đăng đối hài hòa. Cảnh vật thiên nhiên đang cùng tồn tại, vật này cảnh này hòa hợp với vật kia, cảnh kia:
‘Hai cái oanh vàng kêu liễu biếc,
Một hàng cò trắng vút trời xanh’
‘Hai cái oanh vàng hót’ đối với ‘một hàng cò trắng bay’, ‘liễu biếc’ đối với ‘trời xanh’. Thiên nhiên vốn đẹp như vậy. Có liễu biếc và trời xanh, có oanh vàng và hàng cò trắng. Màu sắc tươi sáng, rực rỡ: vàng, biếc, xanh. Có liễu bay, chim hót, có hàng cò vỗ cánh giữa trời xanh. Có điểm và diện, có cái nhỏ bé và cái bao la. Thật là mĩ lệ và thần tình trong bút pháp miêu tả.
Câu thứ 3 đích thực là cảnh thu phương Bắc rồi. Ở câu thơ trên mới nói đến trời xanh, câu này nói đến núi tuyết. Cảnh sắc bao la một màu ‘thiên thu tuyết’, tuyết trùm lên các đỉnh non Tây, tuyết tràn ra ‘cửa sổ ngậm tuyết’. Cả không gian là một màu trắng lạnh, vắng lặng mênh mông. Nhà thơ hình như đang đứng trong con thuyền – ngôi nhà mình, vén bức màn thư nơi cửa sổ khoang thuyền bâng khuâng ngắm tuyết:
‘Nghìn năm tuyết núi sông in sắc’
Câu thứ tư miêu tả dòng sông tương. Có cơ man nào thuyền Đông Ngô từ muôn dặm đến đỗ trước cửa – con thuyền nhà thơ. Hình ảnh những thuyền từ Đông Ngô xa muôn dặm đến đã gợi lên trong lòng nhà thơ – kẻ tha hương biết bao nỗi niềm: ’.
‘Muôn dặm thuyền Ngô của rập rình’
Nhiều nhà nghiên cứu thơ Đường cho rằng Đỗ Phủ dùng hình ảnh những chiếc thuyền này để gửi gắm ý định rời Tứ Xuyên đi về phía Đông rồi vòng lên quê nhà tại Hà Nam. Trong những bài thơ cuối đời, Đỗ Phủ luôn gửi gắm ý định về quê vào hình ảnh những chiếc thuyền:
‘Con thuyền buộc chặt mối tình nhà’
(Thu hứng)
‘Bạn bè một chữ vẫn không,
Thán già ma bệnh chiếc bồng lẻ loi…’
(Lên lầu Nhạc Dương)
Hai câu thơ 3, 4 cũng cấu trúc đăng đối: ‘ngoài song’ với ‘trước cửa’, ‘Tây Lĩnh’ với ‘Đông Ngô’, ‘thiên thu tuyết’ với ‘vạn lí thuyền’ đã làm hiện lên bức tranh thu lạnh lẽo, mênh mông, xa vời; bức tranh thiên nhiên ấy trải dài, trải rộng trên một không gian tuyết đầy núi, thuyền đầy sông. Cảnh đẹp mà lòng nhà thơ nhiều man mác:
‘Song hàm Tây Lĩnh thiên thu tuyết,
Môn bạc Đông Ngô vạn lý thuyền’
(Song lồng mái tuyết non Tây,
Thuyền Ngô muôn dặm đố ngay cửa ngoài)
Bài thơ này chỉ có hai vần: ‘thiên’ câu 2 vần với ‘thuyền’ câu 4. Câu 1 và 2 câu 3 và 4 đối nhau từng cặp một. Có thể nói bài tuyệt cú này là hình ảnh phần thực và phần luận của một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật.Mỗi câu thơ là một cảnh thu. Câu nào cũng có màu sắc, đường nét hoặc âm thanh. Có chim hót, liễu buông, có cò bay, có sắc biếc của liễu, có màu trắng bầy cò xếp hàng chữ nhất trên nền trời xanh, có màu trắng tuyết lạnh của Tây Lĩnh,… Cảnh đẹp nhưng chứa ẩn bao nỗi niềm của kẻ tha hương: gia cảnh nghèo, tuổi già, lắm bệnh, bâng khuâng nhớ quê buổi thu về.
Có thể nói, qua bài thơ này, ta cảm nhận sâu hơn nghệ thuật miêu tả thiên nhiên qua ngòi bút thiên tài của Đỗ Phủ. Bài thơ ‘Tuyệt cú’ này đã nâng cao cảm xúc thẩm mĩ cho mỗi chúng.ta khi tiếp cận, khám phá vẻ đẹp văn chương ‘thi trung hữu họa’ của thơ Đường và thơ ca dân tộc.
Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Bình giảng bài thơ Tuyệt cú trong chùm thơ bốn bài của Đỗ Phủ cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 7 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 7 và biết cách soạn bài lớp 7 các bài Tác giả - tác phẩm ngữ văn 7 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.