Bộ đề đọc hiểu Ngữ văn 11 phần Truyện ngắn hiện đại
Bộ đề đọc hiểu Ngữ văn 11 phần Truyện ngắn hiện đại có đáp án
Bộ đề đọc hiểu Ngữ văn 11 phần Truyện ngắn hiện đại được VnDoc.com tổng hợp với những ngữ liệu nằm trong và ngoài chương trình Ngữ văn lớp 11. Mời các bạn cùng theo dõi bộ đề đọc hiểu dưới đây nhé.
Bộ đề đọc hiểu Ngữ văn 11 Chương trình mới
CHỦ ĐỀ: TRUYỆN NGẮN HIỆN ĐẠI
ĐỀ LUYỆN SỐ 1
Môn: Ngữ văn lớp 11
(Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề)
I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)
Cụ Kép là người thích uống rượu ngâm thơ và chơi hoa lan. Cụ đã tới cái tuổi được hoàn toàn nhàn rỗi để dưỡng lấy tính tình. Vì bây giờ trong nhà cụ cũng đã thừa bát ăn. Xưa kia, cụ cũng muốn có một vườn cảnh để sớm chiều ra đấy tự tình. Nhưng nghĩ rằng mình chỉ là một anh nhà nho sống vào giữa buổi Tây Tàu nhố nhăng làm lạc mất cả quan niệm cũ, làm tiêu hao mất bao nhiêu giá trị tinh thần; nhưng nghĩ mình chỉ là một kẻ chọn nhầm thế kỷ với hai bàn tay không có lợi khí mới, thì riêng lo cho thân thế, lo cho sự mất còn của mình cũng chưa xong, nói chi đến chuyện chơi hoa. Cụ Kép thường nói với lớp bạn cũ rằng có một vườn hoa là một việc dễ dàng, nhưng đủ thời giờ mà săn sóc đến hoa mới là việc khó. Cụ muốn nói rằng người chơi hoa nhiều khi phải lấy cái chí thành chí tình ra mà đối đãi với giống hoa cỏ không bao giờ biết lên tiếng. Như thế mới phải đạo, cái đạo của người tài tử. Chứ còn cứ gây được lên một khoảnh vườn, khuân hoa cỏ các nơi về mà trồng, phó mặc chúng ở giữa trời, đày chúng ra mưa nắng với thờ ơ, chúng trổ bông không biết đến, chúng tàn lá cũng không hay thì chơi hoa làm gì cho thêm tội
Đến hồi gần đây, biết đã đủ tư cách chơi cây cảnh, cụ Kép mới gây lấy một vườn lan nho nhỏ. Giống lan gì cũng có một chậu. Tiểu kiều, đại kiều, Nhất điểm, Loạn điểm, Yên tử v. v… Chỉ trừ có giống lan Bạch ngọc là không thấy trồng ở vườn. Không phải vì lan Bạch ngọc đắt giá mỗi giò mười đồng bạc, mà cụ Kép không trồng giống hoa này. Trong một buổi uống trà đêm, cụ Kép nói với một người bạn đến hỏi cụ về cách thức trồng cây vườn hoa:
- Tôi tự biết không chăm được lan Bạch ngọc. Công phu lắm, ông ạ. Gió mạnh là gẫy, nắng già một chút là héo, mưa nặng hột là nẫu cánh. Bạch ngọc thì đẹp lắm. Nhưng những giống nhẹ nhàng ấy thì yểu lắm. Chăm như chăm con mọn ấy. Chiều chuộng quá như con cầu tự. Lầm lỡ một chút là chúng đi ngay. Những vật quý ấy không ở lâu bền với người ta. Lan Bạch ngọc hay ưa hơi đàn bà. Trồng nó ở vườn các tiểu thư thì phải hơn.
Thiếu hẳn loài Bạch ngọc, cụ Kép đã cho trồng nhiều giống Mặc lan, Đông lan, Trần mộng. Giống này khỏe, đen hoa và dò đẫy, hoa có khi đậu được đến nửa tháng và trong mươi ngày, nếu chủ vườn có quên bón tưới, cũng không lụi.
Chiều hôm nay, hoa Mặc lan chớm nở.
Chiều mai, mùng một Tết, hoa Mặc lan mãn khai đầy vườn.
Đêm giao thừa, bên cạnh nồi bánh chưng sôi sình sịch, bõ già đang chăm chú canh nồi kẹo mạch nha. Cụ Kép dặn bõ già phải cẩn thận xem lửa kẻo lơ đễnh một chút là khê mất nồi kẹo. Hai ông ấm, con trai cụ Kép, người lớn tuổi đứng đắn như thế, mà lại ngồi gần đấy, phất giấy vào những nan lồng. Thực là hai đứa trẻ con đang ngồi nghịch với lồng bàn giấy. Họ trịnh trọng ngồi dán hồ, vuốt giấy. Ông cụ Kép đứng kèm bên, mỗi lúc lại nhắc:
- Này Cả, thầy tưởng miệng lồng bàn, con nên đan to hơn miệng chậu. Con chạy ra, lấy cái que đo lại chậu xem. Nếu rộng thì hỏng hết. Đo lại chậu Mặc lan thôi.
Hai ông ấm, ngồi phất được đến mười cái lồng bàn giấy. Họ rất vui sướng vì họ tin đã làm toại được sở thích của cha già. Cụ Kép co ro chạy từ nồi mạch nha, qua đám lồng bàn giấy, đến cái rổ đá cuội đã ráo nước thì cụ ngồi xổm xuống, ngồi lựa lấy những viên đá thật trắng, thật tròn, để ra một mẹt riêng. Ông ấm cả, ông ấm hai lễ mễ bưng những chậu Mặc lan vào trong nhà. Cả ba ông con đều nhặt những hòn cuội xấu nhất, méo mó, xù xì trải xuống mặt đất những chậu lan gần nở. Mỗi lần có một người đụng mạnh vào dò lan đen, cụ Kép lại xuýt xoa như có người châm kim vào da thịt mình.
Nồi kẹo đã nấu xong nhưng phải đợi đến gần cuối canh hai kẹo mới nguội.
Bây giờ thêm được bõ già đỡ một tay nữa, cả ba ông con đều lấy những hòn cuội để riêng ban nãy ra mẹt, đem dúng đá cuội vào nồi kẹo, quấn kẹo bọc kín lấy đá, được viên nào liền đem đặt luôn vào lồng chậu hoa. Những viên đá bọc kẹo được đặt nhẹ nhàng lên trên lượt đá lót lên nền đất chậu hoa. Úp xong lồng bàn giấy lên mười chậu Mặc lan thì vừa cúng giao thừa. Ba ông con, khăn lượt áo thâm lạy trước bàn thờ đặt ngoài trời. Năm nay, trời giao thừa lành. Cả một buổi sớm, cụ Kép phải bận ở đình làng. Trước khi ra đình cụ đã dặn bõ già ở nhà phải sửa soạn cho đủ để đến quá trưa, cụ và vài cụ nữa đi việc đình làng về sẽ cùng uống rượu thưởng hoa. Bõ già đã bày ra giữa sân bốn cái đôn sứ Bát Tràng mầu xanh quan lục. Trước mặt mỗi đôn, bõ già đặt một án thư nhỏ, trên đó ngất nghểu hai chậu lan còn lù lù chiếc lồng bàn úp, và một hũ rượu da lươn lớn có nút lá chuối khô. Bõ già xếp đặt trông thạo lắm. Trong mấy năm nay, đầu mùa xuân nào bõ già cũng phải ít ra là một lần, bày biện bàn tiệc rượu Thạch lan hương như thế. Bõ già hôm nay lẩm bẩm phàn nàn với ông ấm hai:
- Năm nay cụ nhà uống rượu sớm quá và lại uống ban ngày. Mọi năm, cứ đúng rằm tháng giêng mới uống. Vả lại uống vào chiều tối. Đốt đèn lồng, treo ở ngoài vườn, trông vào bữa rượu hoa, đẹp lắm cậu ạ.
Ông ấm hai vui chuyện, hỏi bõ già:
- Này bõ già, tôi tưởng uống rượu nhấm với đá cuội tẩm kẹo mạch nha thì có thú vị gì. Chỉ thêm xót ruột.
- Chết, cậu đừng nói thế, cụ nghe thấy cụ mắng chết. Cậu không nên nói tới chữ xót ruột. Chính cụ nhà có giảng cho tôi nghe rằng những cụ sành uống rượu, trước khi vào bàn rượu không ăn uống gì cả. Các cụ thường uống vào lúc thanh tâm. Và trong lúc vui chén, tịnh không dùng những đồ nhắm mặn như thịt cá đâu. Mấy vò rượu này, là rượu tăm đấy. Cụ nhà ta quý nó hơn vàng. Khi rót rỏ ra ngoài một vài giọt, lúc khách về, cụ mắng đến phát thẹn lên. Cậu đậy nút lại không có rượu bay!
Phía ngoài cổng, có tiếng chó sủa vang.
Bõ già nhìn ra thấy bốn cụ tiến vào đã quá nửa lòng ngõ duối. Cụ nào cũng cầm một cây quạt thước, chống một chiếc gậy tre càng cua hay trúc đùi gà. Uống xong tuần nước, cụ Kép mời ba cụ ra sân uống rượu. Bõ già vòng tay vái các cụ và đợi các cụ yên vị rồi thì khom khom mở từng chiếc lồng bàn giấy một.
Một mùi hương lan bị bỏ tù trong bầu không khí lồng bàn giấy phất từ đêm qua, đến bây giờ vội tản bay khắp vườn cây […] Cơn gió nhẹ pha loãng hương thơm đặc vào không gian.
(Trích Hương Cuội, Nguyễn Tuân, Vang bóng một thời, NXB Văn học 2012)
Câu 1. Câu chuyện trong đoạn trích trên được kể bằng lời của ai?
A. Lời của nhân vật cụ Kép.
B. Lời của người bõ già.
C. Lời của người con cả.
D. Lời của người kể chuyện ngôi thứ ba số ít.
Câu 2. Câu chuyện trong đoạn trích trên lấy bối cảnh thời gian nào?
A. Những năm đầu thế kỷ XX.
B. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.
C. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954.
D. Sau khi thống nhất đất nước 1975.
Câu 3. Nhân vật cụ Kép trong đoạn trích trên thuộc lớp người nào?
A. Trí thức Tây học.
B. Nhà nho cuối mùa.
C. Công chức thời thuộc Pháp.
D. Nông dân.
Câu 4. Tại sao vườn nhà cụ Kép lại thiếu loại lan Bạch Ngọc?
A. Vì đó là giống lan đắt.
B. Vì đó là giống lan hiếm.
C. Vì đó là giống lan khó chăm.
D. Vì đó là giống lan không đẹp.
Câu 5. Theo cụ Kép, việc ứng xử với hoa như thế nào mới xứng với đạo của người tài tử?
A. Mua thật nhiều hoa lan về để trồng và chăm sóc trong vườn.
B. Trồng hoa ở giữa vườn và để cho hoa mọc tự do.
C. Có thời giờ chăm sóc và đối đãi với hoa bằng đạo chí thành.
D. Trồng hoa ở bất cứ đâu trong khuôn viên nhà để hoa mọc tự nhiên.
Câu 6. Cụm từ nào sau đây nêu đúng nếp sống của cụ Kép?
A. Điều độ, đạm bạc.
B. Thanh cao, nho nhã.
C. Chăm chỉ, chịu khó.
D. Khắc khổ, nhẫn nhịn.
Câu 7. Dòng nào sau đây nêu đúng chủ đề chính của đoạn trích?
A. Đoạn trích ca ngợi thú chơi lan tao nhã như một vẻ đẹp xưa cũ còn vang bóng.
B. Đoạn tríc ca ngợi những con người dám từ bỏ công danh để sống tự do tự tại.
C. Đoạn trích thể hiện nỗi lo lắng của tác giả về sự mai một của những giống lan quý.
D. Đoạn trích thể hiện những dự cam lo âu về sự suy thoái của đạo đức xã hội.
Trả lời câu hỏi / thực hiện yêu cầu:
Câu 8. Qua nhân vật cụ Kép, tác giả thể hiện thái độ như thế nào đối với xã hội “Tây Tàu nhố nhăng” đương thời?
Câu 9. Theo bạn, có nên khuyến khích lối sống như cụ Kép trong xã hội ngày nay không? Vì sao?
Câu 10. Chi tiết nào trong đoạn trích để lại ấn tượng sâu sắc nhất với bạn? Vì sao?
II. VIẾT (4.0 điểm)
Viết một bài luận khoảng 400 - 500 chữ với nhan đề: Đừng đánh mất bản sắc.
ĐÁP ÁN THAM KHẢO
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I |
| ĐỌC HIỂU | 6.0 |
1 | D | 0.5 | |
2 | A | 0.5 | |
3 | B | 0.5 | |
4 | C | 0.5 | |
5 | C | 0.5 | |
6 | B | 0.5 | |
7 | A | ||
8 | Qua nhân vật cụ Kép, tác giả thể hiện thái độ bất hòa với xã hội “Tây Tàu nhố nhăng” đương thời; đồng thời ngợi ca những giá trị truyền thống của dân tộc. | 0.5 | |
9 | - Nêu được quan điểm nên / không nên khuyến khích lối sống như cụ Kép (xa lánh những gì ồn ào của xã hội, gắn bó với thiên nhiên; biết thưởng thức những sinh thú thanh cao, đòi hỏi sự cầu kì, tinh tế). - Lí giải lí do nêu quan điểm. | 1.0 | |
10 | - Nêu cụ thể ấn tượng về một chi tiết trong đoạn trích. - Trình bày lí khiến bản thân có ấn tượng như vậy. | 1.0 | |
II |
| VIẾT | 4.0 |
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề | 0.25 | ||
b. Xác định đúng yêu cầu của đề. Đừng đánh mất bản sắc. | 0.25 | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm HS có thể trình bày bài viết theo nhiều cách trên cơ sở đảm bảo những yêu cầu sau: | 2.5 | ||
- Bản sắc là những nét riêng biệt, độc đáo của một cộng đồng; phân biệt cộng đồng này với cộng đồng khác. Bản sắc của một cộng đồng thể hiện qua từng cá nhân của cộng đồng ấy. - Bản sắc tạo nên truyền thống, văn hóa cho một cộng đồng; tạo nên sức mạnh nối kết những người khác nhau trong cùng một cộng đồng. - Nếu thiếu bản sắc, một cộng đồng có thể không tồn tại được trước những ảnh hưởng văn hóa từ những cộng đồng khác. Vì vậy, giữ gìn bản sắc là giữ gìn mối liên hệ của mỗi cá nhân trong cộng đồng; là duy trì và phát huy sức mạnh của cộng đồng. - Tuy nhiên, giữ gìn bản sắc không có nghĩa là bảo thủ, giữ gìn cả những hủ tục. Giữ gìn bản sắc là phát huy những giá trị truyền thống, tiếp nhận những giá trị thuộc về nhân loại để những gì thuộc về bản sắc có thêm sức sống. | |||
d. Chính tả, từ ngữ, ngữ pháp Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt. | 0.5 | ||
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. | 0.5 |
ĐỀ LUYỆN SỐ 2
Môn: Ngữ văn lớp 11
(Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề)
I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)
Đọc văn bản sau:
Cặp mắt anh lại đang nhìn xói vào cái mặt tôi đang được bàn tay anh dằn ngửa ra. Da mặt tôi cứ dày lên. Tôi nhắm mắt, rồi mở mắt. Mỗi lúc mở mắt, tôi không thể nhìn đi đâu khác cặp mắt anh. Trời ơi, có lẽ tôi ngồi trên ghế cắt tóc ở cái quán này đã một nửa thế kỷ? Chốc nữa, sắp tới, anh sẽ làm gì tôi đây?
- Đồ dối trá, mày hãy nhìn coi, bà mẹ tao khóc đã lòa cả hai mắt kia! Bây giờ thì tấm hình tao đã được trưng trên các tạp chí hội họa của khắp các nước. Người ta đã trân trọng ghi tên mày bên dưới, bên cạnh mấy chữ: "Chân dung chiến sĩ giải phóng". Thật là danh tiếng quá!
- Tôi là một nghệ sĩ chứ có phải đâu là một anh thợ vẽ truyền thần, công việc nghệ sĩ là phục vụ cả một số đông người, chứ không phải chỉ phục vụ một người! Anh chỉ là một cá nhân, với một cái chuyện riêng của anh, anh hãy chịu để cho tôi quên đi, để phục vụ cho cái đích lớn lao hơn. Anh đã thấy đấy, bức "chân dung chiến sĩ giải phóng" đã đóng góp đôi chút vào công việc làm cho thế giới hiểu cuộc kháng chiến của chúng ta thêm!
"A ha! Vì mục đích phục vụ số đông của người nghệ sĩ cho nên anh quên tôi đi hả... Có quyền lừa dối hả? Thôi, anh bước khỏi mắt tôi đi. Anh cút đi!".
Một bận, đến hai ngày liền tôi không thấy anh thợ của tôi làm việc. Cái quán cắt tóc bỏ vắng hai ngày liền. Sáng ngày thứ ba vẫn thế. Và lại thấy một người đàn bà ra dọn dẹp, chứ không phải bà cụ già lòa như mọi ngày. Tôi chạy sang. Chiếc ghế cắt tóc không còn nữa. Chỉ còn chiếc gương và mấy cái chai lọ. Người đàn bà hỏi tôi:
- Bác đến cắt tóc?
- Vâng.
- Nhà em mấy hôm nay đang dọn cái chỗ làm mới ở phố ngoài kia. Ngày mai xong. Xin mời bác đến.
Vợ anh có vẻ trạc tuổi gần ba mươi. Một khuôn mặt đàn bà hiền lành. Chị vừa nói vừa bóc tấm tranh của tôi ra. Tôi gợi chuyện.
- Bức tranh đẹp đấy chứ, chị nhỉ?
Người đàn bà hơi đỏ mặt, cuốn tấm tranh lại một cách cẩn thận. Lâu sau mới đáp:
- Anh nhà tôi bảo: Anh bộ đội trong tờ tranh này chính là người ta vẽ anh ấy. Hồi anh ấy còn ở bộ đội trong B. Cho nên mới mua về treo.
- Anh ấy nói với chị thế?
- Vâng.
- Hôm trước tôi đến cắt tóc ở đây có thấy một bà cụ...
- Là mẹ anh nhà tôi. Thế ra bác là khách quen?
- Vâng. Bà cụ bị tật lâu chưa?
- Thưa đã lâu. Đã chín năm nay.
- Vì sao?
- Bà cụ lòa đi cũng vì anh nhà tôi. Ngày đó bỗng nhiên có tin ra nhà tôi hy sinh. Bà cụ đâm ốm. Anh ấy là con một. Bà cụ nhớ anh ấy, nửa đêm cũng trở dậy đi lang thang. Cứ khóc hoài...
- Bà cụ lòa từ năm nào, chị biết không?
- Từ 69.
- Từ tháng mấy?
- Tôi cũng không nhớ thật rõ, có lẽ khoảng giữa năm.
Tôi ra đến Hà Nội vào đầu tháng ba năm ấy. Nếu tôi là một người tử tế ra thì không khéo bà cụ không bị lòa, không những thế mà tôi còn có thể làm cho bà cụ khỏe ra! Chính tôi đã làm cho bà mẹ anh trở thành mù lòa?
[…] Tôi quyết định phải trở lại cái quán kia. Tôi quyết định phải chường cái mặt mình ra, chứ không được lẩn tránh. Tôi không cho phép tôi chạy trốn. Bà cụ lại ngước mắt lên nhìn tôi như lần trước khuôn mặt đờ đẫn và hoan hỉ:
- Thưa ông đến cắt tóc?
- Vâng ạ!
Anh thợ cắt tóc nghe mẹ lên tiếng mới quay người lại. Tôi vừa kịp nhận ra được từ nơi cặp mắt vẫn còn trẻ của anh chiếu thẳng về phía tôi một cái nhìn ban đầu soi mói, ngạc nhiên, rồi hơi nghiêm mặt lại. Nhưng những diễn biến phản ứng trên cái mặt người thợ chỉ diễn ra nhanh như một cái chớp mắt. Ngay sau đó anh lại trở lại cái vẻ mặt và cử chỉ từ tốn, điềm đạm, ân cần của một người thợ cắt tóc đứng đắn và yêu nghề.
Da mặt tôi tự nhiên dày cộm lên.
- Mời bác ngồi!
Tôi cố trấn tĩnh để khỏi run lập cập, bước tới ngồi vào cái ghế gỗ như một cái ghế tra điện.
- Bác vẫn cắt như cũ?
- Vâng.
…
"Lần này anh lại đối xử với tôi như lần trước đây?"
"Phải".
"Anh cũng không trách mắng, chỉ trán chỉ mặt tôi?"
"Không! Anh cứ yên tâm. Trước sau tôi vẫn coi anh là một nghệ sĩ tài năng đã có nhiều cống hiến cho xã hội".
"Bây giờ anh nói với tôi một điều gì đi, khuyên tôi một nhời đi!"
"Không".
"Tôi có phải cút khỏi đây không?"
"Không. Anh cứ đến đây. Tôi cắt cho anh kỹ lắm, anh biết đấy!"
Gần nửa năm, tôi đã để vào bức tranh sơn mài tất cả công sức và sự suy nghĩ, và trong suốt thời gian ấy, một đôi lần tôi cũng gợi lại chuyện cũ nhưng người thợ vẫn một mực cố tỏ ra chưa hề bao giờ quen biết tôi. Trở về làm một anh thợ cắt tóc cũng như lúc ở bộ đội, anh vẫn lẳng lặng sống như vậy để cho người chung quanh tự phán xét lấy những công việc đã làm. Lời đề nghị rụt rè của anh: Xin mọi người hãy tạm ngừng một phút cái nhịp sống bận bịu, chen lấn, để tự suy nghĩ về chính mình.
Bây giờ thì cái tác phẩm mới của tôi đã hoàn thành. Tôi đang đối mặt với chính mình, để viết những dòng này, như những lời chú giải cho một tác phẩm hội họa thể hiện một cái mặt người rất lớn: những luồng ánh sáng hàng nghìn nến từ phía trước và trên đầu chiếu thẳng xuống một nửa mái đầu tóc tốt rợp như một khu rừng đen bí ẩn, và một nửa mái tóc đã cắt, thoạt trông như một phần bộ óc mầu xám vừa bị mổ phanh ra. Phần bên dưới khuôn mặt như vẫn đang được giấu kín dưới một cái mặt nạ: dưới cằm và hai bên mép phủ kín bọt xà phòng. Không trông rõ miệng, chỉ thấy một vệt mầu đen lờ mờ nổi bồng bềnh trên những đám bọt xà phòng. Và nổi bật trên cái khuôn mặt là đôi mắt mở to, khắc khoải, bồn chồn, đầy nghiêm khắc, đang nhìn vào nội tâm.
(Trích truyện ngắn Bức tranh, Nguyễn Minh Châu, tập Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành,1983)
Lựa chọn đáp án đúng:
Câu 1. Đoạn trích được kể theo ngôi thứ mấy?
A. Ngôi thứ nhất
B. Ngôi thứ hai
C. Ngôi thứ ba
D. Ngôi thứ hai và ngôi thứ ba
Câu 2. Người kể chuyện chủ yếu trần thuật theo điểm nhìn:
A. Điểm nhìn của tác giả, điểm nhìn bên ngoài chiếm ưu thế
B. Điểm nhìn của nhân vật tôi, điểm nhìn bên trong chiếm ưu thế
C. Điểm nhìn của anh thợ cắt tóc, điểm nhìn bên trong chiếm ưu thế
D. Điểm nhìn của nhân vật tôi, điểm nhìn bên trong chiếm ưu thế
Câu 3. Bức tranh của người họa sĩ vẽ có tên là gì?
A. “Chân dung người chiến sĩ”
B. “Chân dung anh bộ đội cụ Hồ”
C. “Chân dung người chiến sĩ quả cảm”
D. “Chân dung chiến sĩ giải phóng"
Câu 4. Từ “tranh sơn mài” được định nghĩa là: chất liệu hội hoạ, trong và bóng, chế từ nhựa sơn, thường dùng vẽ tranh. Cách giải thích nghĩa của từ thuộc cách giải thích nào?
A. Phân tích nội dung nghĩa của từ
B. Sử dụng từ đồng nghĩa, gần nghĩa hoặc trái nghĩa
C. Nêu định nghĩa
D. Phân tích các thành tố cấu tạo
Câu 5. Vì sao bà mẹ (bà cụ) bị mù lòa cả hai mắt?
A. Bà cụ ốm một trận rất nặng rồi hai mắt lòa đi.
B. Bà cụ khóc thương tới lòa hai mắt khi nghe tin con trai hy sinh.
C. Bà cụ bị mù lòa hai mắt bẩm sinh.
D. Bà cụ gặp tai nạn khiến hai mắt bị mù lòa.
Câu 6. Trên cương vị là một người họa sĩ, nhân vật “tôi” là người như thế nào?
A. Là một nghệ sĩ tài năng, anh ta vốn nghiêm túc với nghệ thuật và công việc.
B. Là một nghệ sĩ nổi tiếng, với mong muốn vẽ được bức tranh để đời.
C. Là nghệ sĩ vẽ tranh kém nổi, sống nhờ nghề vẽ tranh.
D. Là nghệ sĩ tài ba, được học qua nhiều trường lớp và các họa sĩ nổi tiếng.
Câu 7. Sau khi biết lí do mẹ của anh thợ cắt tóc bị mù, nhân vật “tôi” có thái độ như thế nào?
A. Nhận ra lỗi lầm của bản thân và cảm thấy day dứt, trăn trở.
B. Chưa nhận ra lỗi lầm nhưng cảm thấy buồn thương.
C. Cảm thấy lo lắng, sợ hãi.
D. Cảm thấy hoảng hốt, hồi hộp.
Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:
Câu 8. Phân tích đặc điểm của người kể chuyện trong truyện (ngôi kể, quan hệ và thái độ của người kể chuyện đối với các nhân vật trong truyện, lời kể chuyện và lời nhân vật trong truyện có gì đặc biệt?)
Câu 9. Em hiểu như thế nào về lời đề nghị rụt rè của anh thợ cắt tóc trong quá khứ được gợi lại từ dòng hồi tưởng của nhân vật “tôi”: Xin mọi người hãy tạm ngừng một phút cái nhịp sống bận bịu, chen lấn, để tự suy nghĩ về chính mình.
Câu 10. Hãy viết một đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) trình bày suy nghĩ của em về hệ thống điểm nhìn trong văn bản và cho biết điểm nhìn đó có tác dụng hé lộ điều gì trong tâm lí nhân vật.
II. VIẾT (4.0 điểm)
Viết bài văn phân tích đặc sắc trong nghệ thuật kể chuyện (lời kể chuyện, điểm nhìn, ngôi kể) và nội dung (chủ đề, tư tưởng) trong trích đoạn truyện ngắn Bức tranh của Nguyễn Minh Châu
Mời các bạn cùng tải về bản DOC hoặc PDF để xem đầy đủ nội dung nhé