Chống đối, xúc phạm lực lượng chống dịch bị phạt thế nào?
Chống đối, xúc phạm lực lượng chống dịch
Chống đối, xúc phạm lực lượng chống dịch bị phạt thế nào? VnDoc mời các bạn cùng theo dõi bài viết để nắm rõ về các mức phạt khi chống đối hay có lời nói, hành động xúc phạm lực lượng chống dịch.
- 16 vi phạm về phòng chống Covid-19 sẽ bị phạt tiền, phạt tù
- Xử lý ngay tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 trên mạng
- Cán bộ, công chức, viên chức có nên dùng tên thật trên Facebook
- Những điều cán bộ, công chức không được viết lên Facebook
Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số tỉnh, thành phố đã yêu cầu người dân hạn chế tiếp xúc, chỉ ra đường khi thực sự cần thiết hay tuân thủ theo chỉ thị và các biện pháp phòng tránh dịch. Nhưng có những người dân cố ý vi phạm chỉ thị được ban hành, cố tình chống đối, xúc phạm lực lượng chống dịch khi bị xử lý. Những hành động chống đối, xúc phạm sẽ chịu xử phạt tùy theo mức độ, vậy mức phạt sẽ như nào, mời các bạn theo dõi bài viết.
Chống đối, xúc phạm lực lượng chống dịch bị phạt thế nào?
Tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch Covid-19, các chốt kiểm tra được thành lập ở nhiều nơi nhằm quản lý người dân ra đường không đúng quy định dẫn đến lây lan dịch bệnh.
Sau một thời gian thực hiện, xuất hiện nhiều trường hợp người dân không hợp tác, chống đối lực lượng chức năng làm nhiệm vụ như: không chịu xuất trình giấy tờ, tháo khẩu trang để chửi bới, lăng mạ, thậm chí phá hoại bàn ghế tại chốt kiểm tra…
Đây đều là các hành vi vi phạm về quy định phòng, chống dịch bệnh và chống đối người thi hành công vụ. Vì vậy, tùy từng trường hợp, người vi phạm có thể bị xử lý như sau:
- Phạt tiền đến 03 triệu đồng với hành vi xúc phạm, lăng mạ lực lượng chống dịch
Theo Điều 22 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi không chấp hành kiểm tra, có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ… để chống lại việc thanh tra, kiểm tra có thể bị phạt hành chính từ 02 - 03 triệu đồng.
- Dùng vũ lực để chống đối có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Cũng theo Điều 22 Nghị định 167, nếu thực hiện một trong các hành vi: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của của người thi hành công vụ để chống lại việc thanh tra, kiểm tra thì bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác gây cản trở việc thực hiện công vụ nghiêm trọng thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chống người thi hành công vụ với mức phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù đến 07 năm. Cụ thể Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
5 Điều cần tuân thủ để phòng chống dịch COVID-19
Việc thực hiện nghiêm túc biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 lây lan là vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện tại.
Vì sức khỏe của bản thân và những người xung quanh, mỗi người dân cần thực hiện thật tốt các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, tạm thời thay đổi một số thói quen bất lợi để phòng chống dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt, lưu ý phải làm tốt 5 điều:
1. Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.
2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m.
3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
4. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, lau rửa thường xuyên, để thông thoáng, sinh hoạt lành mạnh.
5. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế.