Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi chọn học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 11 trường THPT chuyên Thái Nguyên năm 2015 - 2016

Đề thi chọn học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 11

Đề thi học sinh giỏi lớp 11 cấp trường THPT chuyên Thái Nguyên năm 2015 - 2016 là đề thi học sinh giỏi cấp trường môn Lịch sử lớp 11. Tài liệu bao gồm đề thi và đáp án, thuận tiện cho các bạn luyện tập và kiểm tra lại kết quả sau khi làm bài, hi vọng giúp các bạn ôn thi học sinh giỏi, ôn thi vào lớp 11 các trường THPT chuyên hiệu quả.

Đề kiểm tra học kì 1 môn Lịch sử lớp 11 năm học 2009 - 2010 trường THPT Chơn Thành, Bình Phước

Trường THPT CHUYÊN THÁI NGUYÊN

Đề chính thức

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI
MÔN: LỊCH SỬ - KHỐI 11
Ngày thi: 01 tháng 08 năm 2015
Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
(Đề thi gồm 01 trang)

Câu 1 (3,0 điểm)

Nêu những sự kiện chính của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai từ tháng 9-1939 đến tháng 6-1941 và tác động của chúng đến Việt Nam trong thời gian này.

Câu 2 (2,5 điểm)

Có hay không sự đối lập giữa xu hướng bạo động và xu hướng cải cách trong phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỉ XX? Vì sao?

Câu 3 (3,0 điểm)

Phân tích nguyên nhân thất bại của phong trào nông dân Yên Thế (1884 - 1913).

Câu 4 (3,0 điểm)

Nêu và làm sáng tỏ công lao to lớn đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam. Hãy trình bày suy nghĩ của anh/chị về vai trò của cá nhân kiệt xuất trong lịch sử.

Câu 5 (3,0 điểm)

Khái quát và nhận xét về phong trào đấu tranh của công nhân Việt Nam giai đoạn 1926 - 1929.

Câu 6 (2,5 điểm)

Dựa vào bảng dữ liệu sau:

Giai đoạnHoạt động của tư sản Việt Nam
1919 – 1926Tổ chức cuộc tẩy chay tư sản Hoa kiều; cuộc vận động người Việt Nam chỉ mua hàng của người Việt Nam; đấu tranh chống tư bản Pháp độc quyền cảng Sài Gòn, độc quyền xuất cảng lúa gạo Nam Kì; thành lập Đảng Lập hiến...
1927 – 1930Thành lập Việt Nam Quốc dân đảng; tổ chức ám sát trùm mộ phu người Pháp; phát động và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Bái.

1. Nêu mục tiêu và hình thức - phương pháp đấu tranh của giai cấp tư sản Việt Nam trong hai giai đoạn trên.

2. Cho biết kết cục của khuynh hướng cứu nước dân chủ tư sản ở Việt Nam và nhận xét về con đường đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam.

Câu 7 (3,0 điểm)

Hội nghị Ianta (2-1945) được triệu tập trong bối cảnh lịch sử như thế nào? Trình bày và nhận xét về sự phân chia khu vực đóng quân và phạm vi ảnh hưởng giữa các cường quốc Đồng minh tại hội nghị này.

Đáp án đề thi chọn học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 11

Câu 1: Nêu những sự kiện chính của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai từ tháng 9-1939 đến tháng 6-1941 và tác động của chúng đến Việt Nam trong thời gian này.

1. Những sự kiện chính của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai từ tháng 9-1939 đến tháng 6-1941

  • Ngày 1-9-1939, phát xít Đức tấn công Ba Lan. Ngày 3-9-1939, Anh, Pháp tuyên chiến với Đức. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Đức đánh chiếm các nước Tây Âu, trong đó có nước Pháp. Tháng 6-1940 tư sản phản động Pháp đầu hàng Đức. Tháng 6-1941, phát xít Đức tấn công Liên Xô. (0,5 điểm)
  • Khi chiến tranh nổ ra, quân Nhật đẩy mạnh xâm lược Trung Quốc. Tháng 9-1940, Nhật vào Đông Dương từng bước biến Đông Dương thành thuộc địa. (0,5 điểm)

2. Tác động đến Việt Nam

  • Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Pháp tăng cường chính sách thống trị ở Đông Dương làm cho mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân Đông Dương với thực dân Pháp trở nên sâu sắc. Nhiệm vụ giải phóng dân tộc đặt ra cấp thiết. (0,5 điểm)
  • Trước yêu cầu của lịch sử, tháng 11-1939, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương được triệu tập, quyết định giương cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thực hiện chủ trương tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất... đánh dấu bước chuyển hướng quan trọng của Đảng. (0,5 điểm)
  • Pháp - Nhật câu kết đàn áp và bóc lột nhân dân Đông Dương, mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với đế quốc Pháp - Nhật phát triển gay gắt. Nhiệm vụ giải phóng dân tộc đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. (0,5 điểm)
  • Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (5-1941) dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc đã xác định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng là giải phóng dân tộc, tiếp tục chủ trương tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, thành lập Mặt trận Việt Minh... hoàn chỉnh trương được đề ra tại Hội nghị tháng 11-1939 nhằm giải quyết mục tiêu số 1 của cách mạng là độc lập dân tộc... (0,5 điểm)

Câu 2: Có hay không sự đối lập giữa xu hướng bạo động và xu hướng cải cách trong phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỉ XX? Vì sao?

1. Không có sự đối lập giữa xu hướng bạo động và xu hướng cải cách trong phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỉ XX. (0,5 điểm)

2. Nguyên nhân

  • Cả hai xu hướng bạo động và cải cách đều có chung động cơ là yêu nước, đều kế thừa và phát huy truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc. (0,5 điểm)
  • Mục tiêu đấu tranh của hai xu hướng đều là cứu nước, cứu dân, kết hợp việc giành độc lập dân tộc với xây dựng một xã hội tiến bộ theo hướng tư bản chủ nghĩa. (0,5 điểm)
  • Sự xuất hiện của hai xu hướng bạo động và cải cách trong phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX đều dựa trên sự tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản. (0,5 điểm)
  • Hai xu hướng bạo động và cải cách có thể chuyển hóa, kết hợp với nhau và cùng tồn tại trong một khuynh hướng cứu nước. (0,5 điểm)

Câu 3: Phân tích nguyên nhân thất bại của phong trào nông dân Yên Thế (1884 - 1913).

Cần phân tích được các ý sau:

  • Do tương quan lực lượng chênh lệch giữa nghĩa quân và thực dân Pháp; Pháp sử dụng nhiều thủ đoạn để đàn áp phong trào... (0,75 điểm)
  • Phong trào nông dân Yên Thế thiếu sự lãnh đạo của một lực lượng xã hội tiên tiến và hệ tư tưởng tiến bộ dẫn đường... (0,75 điểm)
  • Phong trào có những hạn chế về mục tiêu và chiến thuật... (0,75 điểm)
  • Phong trào mang tính địa phương nhỏ hẹp... (0,75 điểm)

Câu 4: Nêu và làm sáng tỏ công lao to lớn đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam. Hãy trình bày suy nghĩ của anh/chị về vai trò của cá nhân kiệt xuất trong lịch sử.

1. Công lao to lớn đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam là khẳng định con đường giành độc lập tự do của nhân dân Việt Nam (tìm ra con đường cứu nước mới - con đường cách mạng vô sản) (0,5 điểm)

2. Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định con đường giành độc lập tự do của nhân dân Việt Nam

  • Sự thất bại của các phong trào yêu nước theo tư tưởng phong kiến, sự không thành công của phong trào yêu nước theo tư tưởng dân chủ tư sản đầu thế kỉ XX do các sĩ phu tiến bộ khởi xướng chứng tỏ sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam đang lâm vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối. (0,25 điểm)
  • Trước yêu cầu của lịch sử, từ năm 1911 Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước. Người đã đến nhiều nước, nhiều châu lục khác nhau khảo sát các con đường cứu nước... (0,25 điểm)
  • Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc đọc được Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, khẳng định muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. (0,25 điểm)
  • Tháng 12-1920, tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành ra nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành đảng viên cộng sản. (0,25 điểm)
  • Như vậy, sau khoảng 10 năm tìm đường cứu nước (1911 - 1920), Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và khẳng định con đường giải phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản, mở đường để giải quyết tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước ở Việt Nam từ cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỷ XX. (0,25 điểm)

3. Suy nghĩ của anh/chị về vai trò của cá nhân kiệt xuất trong lịch sử

Thí sinh có thể trình bày những suy nghĩ khác nhau về vai trò của cá nhân kiệt xuất trong lịch sử song phải làm rõ được hai vai trò sau:

  • Cá nhân kiệt xuất giữ vai trò quan trọng trong lịch sử (0,25 điểm)
  • Ở những bước ngoặt của lịch sử, đôi khi cá nhân kiệt xuất giữ vai trò quyết định. (0,25 điểm)

Câu 5: Khái quát và nhận xét về phong trào đấu tranh của công nhân Việt Nam giai đoạn 1926 - 1929.

1. Phong trào đấu tranh của công nhân Việt Nam giai đoạn 1926 - 1929

  • Trong hai năm 1926 - 1927, đã nổ ra 27 cuộc đấu tranh của công nhân. (0,5 điểm)
  • Dưới tác động của phong trào "vô sản hóa" (1928), phong trào công nhân phát triển mạnh trở thành nòng cốt của phong trào dân tộc trong cả nước. (0,5 điểm)
  • Trong những năm 1928 - 1929 có 40 cuộc đấu tranh của công nhân. Đấu tranh của công nhân đã nổ ra tại các trung tâm kinh tế, chính trị, không chỉ giới hạn trong phạm vi một nhà máy, một địa phương, một ngành mà đã bắt đầu có sự liên kết thành phong trào chung... (0,5 điểm)
  • Sự phát triển của phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã đặt ra yêu cầu cần thành lập một Đảng cộng sản. Yêu cầu đó tác động vào các tổ chức tiền cộng sản (Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và Tân Việt cách mạng đảng) làm cho các tổ chức này bị phân hóa, dẫn đến sự xuất hiện của các tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản đảng (6-1929) An Nam Cộng sản đảng (8-1929) và Đông Dương Cộng sản liên đoàn (9/1929)... (0,5 điểm)

2. Nhận xét

  • Phong trào công nhân Việt Nam trong những năm 1926 - 1929 có bước phát triển mới. Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng giác ngộ về chính trị, ý thức giai cấp ngày càng rõ rệt, đang đi dần vào cuộc đấu tranh có tổ chức. (0,5 điểm)
  • Phong trào công nhân đang chuyển biến mạnh mẽ từ tự phát sang tự giác, có sức quy tụ và dẫn đầu phong trào yêu nước. (0,5 điểm)

Câu 6: Nêu mục tiêu và hình thức - phương pháp đấu tranh của giai cấp tư sản Việt Nam trong hai giai đoạn trên.

a. Về mục tiêu (1,0 điểm)

  • Giai đoạn 1919-1926: chủ yếu đấu tranh đòi quyền lợi về kinh tế.
  • Giai đoạn 1927-1930: chủ yếu đấu tranh về chính trị, giải phóng dân tộc

b. Về hình thức - phương pháp đấu tranh (1,0 điểm)

  • Giai đoạn 1919-1926: đấu tranh công khai, hợp pháp
  • Giai đoạn 1927-1930: đấu tranh bí mật, bất hợp pháp, khởi nghĩa vũ trang
  • Cho biết kết cục của khuynh hướng cứu nước dân chủ tư sản ở Việt Nam và nhận xét về con đường đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam

Kết cục: thất bại. (0,5 điểm)

  • Sự thất bại của khuynh hướng cứu nước dân chủ tư sản ở Việt Nam chứng tỏ hệ tư tưởng tư sản không đủ khả năng giúp dân tộc Việt Nam thoát khỏi kiếp nô lệ, độc lập dân tộc không gắn với chủ nghĩa tư bản.

Câu 7: Hội nghị Ianta (2-1945) được triệu tập trong bối cảnh lịch sử như thế nào? Trình bày và nhận xét về sự phân chia khu vực đóng quân và phạm vi ảnh hưởng giữa các cường quốc Đồng minh tại hội nghị này.

1. Hoàn cảnh

  • Đầu năm 1945, cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn cuối, nhiều vấn đề quan trọng và cấp bách đặt ra trước các cường quốc Đồng minh. Đó là: 1- Nhanh chóng đánh bại hoàn toàn các nước phát xít; 2 - Tổ chức lại thế giới sau chiến tranh; 3 - Phân chia thành quả chiến thắng giữa các nước thắng trận. (0,5 điểm)
  • Trong bối cảnh đó, tháng 2-1945 một hội nghị quốc tế được triệu tập tại Ianta (Liên Xô) với sự tham gia của nguyên thủ ba nước là Liên Xô, Mĩ, Anh. (0,5 điểm)

2. Trình bày và nhận xét về sự phân chia khu vực đóng quân và phạm vi ảnh hưởng giữa các cường quốc Đồng minh tại hội nghị Ianta

a. Sự phân chia khu vực đóng quân và phạm vi ảnh hưởng giữa các cường quốc Đồng minh tại hội nghị Ianta

  • Ở Châu Âu: quân đội Liên Xô chiếm đóng miền Đông nước Đức, Đông Béclin và các nước Đông Âu; quân đội Mĩ, Anh và Pháp chiếm đóng miền Tây nước Đức, Tây Béclin và các nước Tây Âu. Vùng Đông Âu thuộc phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô; vùng Tây Âu thuộc phạm vi ảnh hưởng của Mĩ. (0,5 điểm)
  • Ở Châu Á: Trả lại Liên Xô miền Nam đảo Xakhalin và các đảo xung quanh, Liên Xô chiếm 4 đảo thuộc quần đảo Curin, Liên Xô chiếm đóng Bắc Triều Tiên; Quân đội Mĩ chiếm đóng Nhật Bản và Nam Triều Tiên. Trừ Trung Quốc, những vùng còn lại ở châu Á thuộc phạm vi ảnh hưởng của các nước phương Tây. (0,5 điểm)

b. Nhận xét

  • Sự phân chia khu vực đóng quân và phạm vi ảnh hưởng giữa các cường quốc Đồng minh tại Hội nghị Ianta đã tạo ra khuôn khổ của trật tự thế giới mới, Trật tự hai cực Ianta. (0,5 điểm)
  • Sự phân chia khu vực đóng quân và phạm vi ảnh hưởng tại hội nghị Ianta chủ yếu là sự phân chia giữa hai cường quốc Liên Xô và Mĩ; sự phân chia này dẫn đến tình trạng đối đầu căng thẳng Xô - Mĩ, Đông - Tây. (0,5 điểm)
Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Thi học sinh giỏi lớp 11

    Xem thêm