Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn - Đề 7
Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2023 - Đề 7 là đề thi thử mới, sát với chương trình học Ngữ văn lớp 9 do VnDoc biên soạn nhằm giúp các bạn học sinh củng cố kiến thức trong quá trình ôn thi. Mời các bạn tham khảo!
Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2023 - Đề 7
Phần I. Đọc hiểu văn bản (3,0 điểm):
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
“Cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ngoài ngưỡng cửa nhà mình là một cuộc sống nghèo nàn, dù nó có đầy đủ tiện nghi đến đâu đi nữa, nó giống như một mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận, đầy hoa thơm sạch sẽ và gọn gàng. Mảnh vườn này có thể làm chủ nhân của nó êm ấm một thời gian dài, nhất là khi lớp rào bao quanh không còn làm họ vướng mắt nữa. Nhưng hễ có một cơn dông tố nổi lên là cây cối sẽ bị bật khỏi đất, hoa sẽ nát và mảnh vườn sẽ xấu xí hơn bất kì một nơi hoang dại nào. Con người không thể hạnh phúc với một hạnh phúc mong manh như thế. Con người cần một đại dương mênh mông bị bão táp làm nổi sóng nhưng rồi lại phẳng lì và trong sáng như trước. Số phận của những cái tuyệt đối cá nhân không bộc lộ ra khỏi bản thân, chẳng có gì đáng thèm muốn.”
(Theo A.L.Ghec-xen, 3555 câu danh ngôn, NXB Văn hóa – Thông tin)
Câu 1 (0,75 điểm): Nêu nội dung chính của văn bản trên.
Câu 2 (1,0 điểm): Xác định biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích và nêu tác dụng.
Câu 3 (1,25 điểm): Theo quan điểm riêng của em, cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ở bên ngoài ngưỡng cửa nhà mình gây ra những tác hại gì?
Phần II. Làm văn (7,0 điểm):
Câu 1 (2,0 điểm): Nghị luận về ý kiến: Sách là người bạn lớn của con người.
Câu 2 (5,0 điểm): Cảm nhận của em về đoạn thơ 3, 4, 5, 6 bài Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận.
Đáp án Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2023 - Đề 7
Phần I. Đọc hiểu văn bản (3,0 điểm):
Câu 1: Văn bản trên bàn về tác hại của lối sống thu mình, ích kỉ, an phận “không biết đến điều gì xảy ra ngoài ngưỡng cửa nhà mình” và từ đó, bác bó quan điểm sống này.
Câu 2:
- Biện pháp nghệ thuật tiêu biểu nhất được sử dụng trong đoạn văn trên chính là so sánh. Tác giả so sánh lối sống nghèo nàn, thu mình với “ một mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận, đầy hoa thơm sạch sẽ và gọn gàng”.
- Tác dụng của biện pháp nghệ thuật: Tăng thêm sự sinh động cho lối diễn đạt, tạo ra những liên tưởng phong phú nơi người đọc, nhấn mạnh được chủ đề của đoạn.
Câu 3:
Cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ở bên ngoài ngưỡng cửa nhà mình mang lại rất nhiều tác hại. Đây đích thị là một cuộc sống quẩn quanh, tù túng, ích kỉ. Con người sẽ không biết đến những biến động bên ngoài xã hội, trở nên trì trệ và lạc hậu. Không chỉ vậy, lối sống này còn khiến chúng ta trở thành những kẻ sống vô cảm.
Phần II. Làm văn (7,0 điểm):
Câu 1:
Không có điều gì lưu giữ những tri thức trên thế gian được như sách. Quả thực, “Sách là người bạn lớn của con người”. Những vai tò to lớn mà sách để lại cho chúng ta đó là thứ tài sản quan trọng và nó để lại những nguồn tri thứ quý giá cho con người. Sách giúp con người đúc kết những tinh hoa tri thức, mang lại hiểu biết về cuộc sống, gợi mở cho chúng ta nhiều điều chưa từng được biết đến. Những tri thức trong sách vô cùng đa dạng, giúp con người nâng cao kiến thức. Giống như một người bạn tốt, sách còn giúp con người bồi đắp vẻ đẹp tâm hồn, những đức tính cao đẹp như chăm chỉ, yêu thương, sáng tạo,… Người bạn ấy không chỉ yêu thương ta mà còn vô cùng nghiêm khắc. Đọc sách rèn luyện cho con người tính độc lập, khả năng tư duy, góp phần hình thành kỷ luật sống. Trong xã hội hiện đại, khi công nghệ phát triển, văn hóa đọc xuống cấp thì càng ngày càng nhiều người lười đọc sách, coi thường giá trị của sách vở. Đây là hiện tượng đáng buồn và đáng phê phán. Sách là người bạn lớn nhưng Khổng Tử cũng từng nói: “Hoàn toàn tin sách, thà chẳng đọc sách còn hơn”. Phụ thuộc máy móc vào sách là điều tiêu cực nên ta cần kết hợp đọc sách với những yếu tố khác mới có thể thành công. Như vậy, chúng ta nên giữ gìn và bảo vệ sách, để nó phát huy được đúng giá trị.
Câu 2:
Biển cả luôn là nguồn đề tài phong phú cho những sáng tạo nghệ thuật. Nếu Tế Hanh nhớ "Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi" , Xuân Diệu yêu "Bờ cát dài phẳng lặng/Soi ánh nắng pha lê" thì Huy Cận lại thể hiện tình yêu, niềm tự hào của mình với biển cả quê hương qua hình ảnh đoàn thuyền đánh cá trong thi phẩm cùng tên. Từ khổ thơ thứ ba đến khổ thơ thứ sáu, tác giả miêu tả cảnh lao động trên biển của những người ngư dân.
Khổ thơ thứ ba lag khúc hát đánh cá trên biển của đoàn thuyền. Chính sự tinh tế trong cảm xúc, óc quan sát tài tình đã giúp nhà thơ phát hiện những vẻ đẹp của cảnh đánh cá trên biển trong đêm trăng. Điểm nhìn của nhân vật trữ tình là điểm nhìn di động, được đặt trên con thuyền nên cảnh và người được miêu tả rất chân thực, hùng tráng và thơ mộng. Đầu tiên, đoàn thuyền lướt sóng để tìm luồng cá, bủa lưới vây giăng:
Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.
Con thuyền tưởng như nhỏ bé giữa thiên nhiên bao la nay lại hiện lên kì vĩ, hào hùng, tràn đầy sức sống, mang tầm vóc vũ trụ. Con người và tự nhiên không đối chọi mà gắn bó, hòa quyện với nhau. Gió trời như vươn cánh tay chèo lái con thuyền khiến tầm vóc của chủ nhân của con thuyền - người đánh cá cũng trở nên sánh ngáng với trời đất. Ánh trăng đêm chiếu rọi trên cánh buồm tạo thành “buồm trăng” đầy thi vị. Con người nổi bật ở vị trí trung tâm của bức tranh, chinh phục cả đất trời, biển lớn. Những chi tiết “đậu dặm xa”, “dò bụng biển”, “đan thế trận” cho thấy những hoạt động cụ thể của đoàn thuyền đánh cá trong cuộc đấu gay cấn với thiên nhiên. Từ đó, đoạn thơ cho thấy sự hăng hái, lòng dũng cảm, niềm say mê với nghề nghiệp cùng trí tuệ tinh anh nơi những người ngư dân.
Khổ thơ thư tư mở ra trong mắt người đọc khung cảnh giàu đẹp của biển cả. Cái đẹp đẽ, trù phú của biển khơi đã tô điểm thêm bức tranh lao động:
Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé.
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.
Biện pháp liệt kê cho thấy sự phong phú của biển cả quê hương và tầm am hiểu sâu sắc của tác giả. Các loại cá vừa đa dạng, vừa quý hiếm lại rất đẹp. Nào cá nhụ, cá chim, cá dé rồi cá song. Hình ảnh ẩn dụ “Cá song lấp lánh đuốc đen hồng” đã tả thực hình dáng loài cá song, trên thân có những chấm nhỏ màu đen hồng nhưng cũng tạo nên sự lộng lẫy, kì vĩ cho cảnh vật, gợi hình ảnh cả đàn cá song như một cây đuốc lấp lánh giữa trời đêm. Nghệ thuật nhân hóa “Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé” với cách gọi “em” thân thương cho thấy tình yêu của tác giả dành cho biển cả và miêu tả hoạt động quẫy đuôi của một chú cá. Hình ảnh đẹp lung linh, huyền ảo như bước ra từ trang cổ tích. Đặc sắc nhất chính là câu thơ cuối: “Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.” Một lần nữa, Huy Cận lại thành công với biện pháp nhân hóa, truyền cho thiên nhiên hơi thở sống động. Tác giả tả nhịp điệu dập dìu của sóng mà gợi ra cả nhịp thở của vũ trụ. Biển mang một tâm hồn, sức sống riêng.
Khổ thơ thứ năm là cảnh gõ thuyền xua cá vào lưới:
Ta hát bài ca gọi cá vào,
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao.
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.
Thiên nhiên cũng góp vui vào khúc nhạc của con người, cùng ngư dân gõ những nhịp phách rộn ràng cho công việc. Trăng in xuống nước, sóng đánh từng nhịp xô bóng trăng tạo cảm giác như gõ vào mạn thuyền. Cách so sánh “Biển cho ta cá như lòng mẹ” thể hiện niềm tự hào, trân trọng và biết ơn của người ngư dân với biển cả quê hương. Biển cả cung cấp cho con người biết bao điều quý giá, nuôi dưỡng con người “tự buổi nào” như một người mẹ ân tình. Mở rộng ra, tình yêu với biển cũng chính là tình yêu sâu nặng với quê hương đất nước.
Đến khổ thơ thứ sáu, thời gian lúc này là khi đêm tàn, những ngôi sao dần lui về nhường chỗ cho ánh sáng:
Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.
Vảy bạc đuôi vàng loé rạng đông,
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.
Khung cảnh lao động như một bức tranh sơn mài rực rỡ. Chi tiết “kéo xoăn tay chùm cá nặng” làm nổi bật dáng vẻ gân guốc, cường tráng, khỏe khoắn đồng thời cho thấy đây là một mẻ cá bội thu. Các hình ảnh “vẩy bạc”, “đuôi vàng” gợi lên hình ảnh cá đầy ắp trong khoang thuyền, dấu hiệu của một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc. Công sức lao động của con người đã thu về những thành quả xứng đáng. Ánh nắng hồng rực rỡ tỏa rạng, chào đón con người trở về sau công cuộc chinh phục thiên nhiên vĩ đại.
Bốn khổ thơ là bài ca lao động đầy hứng khởi, hào hùng. Qua đó, nhà thơ Huy Cận đã ca ngợi sự giàu có, trù phú của biển cả, trân trọng, ngợi ca sự cần cù, nhiệt huyết của người lao động trong cuộc sống mới với tư thế tự tin, chủ động trong công việc, mang niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng của đất nước.
---------------------------------------------------------
Ngoài bài viết trên, mời các bạn truy cập vào chuyên mục Thi vào lớp 10 trên VnDoc để tham khảo thêm Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2023 - Đề 8 cùng luyện thêm nhiều đề thi bổ ích. Chúc các bạn học tập thật tốt!