Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn - Đề 8

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2023 - Đề 8 là đề thi thử mới, sát với chương trình học Ngữ văn lớp 9 do VnDoc biên soạn nhằm giúp các bạn học sinh củng cố kiến thức trong quá trình ôn thi. Mời các bạn tham khảo!

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2023 - Đề 8

Phần I. (4 đ)

Cho những câu thơ sau:

Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen

Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn

Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng

a. Chép chính xác 8 câu thơ tiếp theo và cho biết đoạn thơ em vừa chép trích trong bài thơ nào? Tác giả?

b. Hình ảnh ngọn lửa trong câu thơ trên được một bạn học sinh hiểu là: Một hiện tượng tạo nên ánh sáng và hơi ấm do sự đốt cháy nhiên liệu, cách hiểu ấy có đúng không? Vì sao?

c. Từ cảm nhận về bài thơ trên, hãy viết đoạn văn khoảng 10 đến 12 câu văn trình bày suy nghĩ của em về tình cảm gia đình.

Phần II. (6đ) Cho đoạn văn sau:

‘’… Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ giàn ra. Chúng nó là trẻ con làng Việt gian đấy? Chúng nó bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu …Ông lão nắm chặt tay lại mà rít lên:

- Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này ” (Trích “Làng” - Kim Lân)

a. Đoạn văn trên nói lên tâm trạng như thế nào của nhân vật Ông Hai? Theo em tình huống nào trong truyện “Làng” đã khiến ông Hai có tâm trạng như vậy?

b. Chỉ ra các câu nghi vấn trong đoạn trích trên. Việc sử dụng kiểu câu ấy đã góp phần tạo nên ngôn ngữ nhân vật độc đáo thế nào?

c. Xây dựng hình tượng nhân vật ông Hai, luôn tự hào, luôn hướng về làng chợ Dầu nhưng vì sao Kim Lân lại đặt tên truyện ngắn của mình là “Làng” mà không phải làng chợ Dầu?

d. Hãy viết một đoạn văn khoảng 12 câu theo phép lập luận tổng – phân – hợp, làm rõ tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng Dầu theo giặc. Trong đoạn có sử dụng một thành phần biệt lập và phép nối. (Gạch chân và chú thích rõ)

Đáp án Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn năm 2023 - Đề 8

Phần I.

a. Chép chính xác 8 câu thơ tiếp theo:

Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ

Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm

Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,

Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi,

Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui,

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ...

Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!

- Đoạn thơ thuộc bài “Bếp lửa” của Bằng Việt.

b. Cách hiểu của bạn học sinh chưa đầy đủ. Đó là cách hiểu theo nghĩa tả thực, người bà trong bài thơ sớm chiều nhóm lửa trong thực tế. Tuy nhiên, ngọn lửa còn mang ý nghĩa ẩn dụ - ngọn lửa trong lòng bà. Ngọn lửa này được nhóm lên từ tình thương, niềm tin yêu bất diệt của bà và trở thành động lực, nâng bước tác giả trong cuộc sống sau này

c.Viết đoạn văn khoảng 10 đến 12 câu văn trình bày suy nghĩ của em về tình cảm gia đình.

Tình cảm đơn thuần, tự nhiên mà cao đẹp nhất trên thế giới này chính là tình cảm gia đình. Tình cảm gia đình là tình yêu thương, quý mến, đùm bọc nhau của các thành viên trong gia đình. Mở rộng hơn, “gia đình” còn có thể là những người cùng chung dân tộc, giống nòi nên tình cảm gia đình cũng phát triển thành tình yêu quê hương, đất nước. Một gia đình mà trong đó mọi người tôn trọng, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau chính là một mái nhà dạt dào tình cảm. Tình cảm trong gia đình đến với ta một cách tự nhiên tựa như dòng máu chảy trong huyết mạch. Nhờ có cái nôi của gia đình mà con người được sinh thành và phát triển. Tình cảm gia đình còn rèn luyện cho ta những đức tính tốt đẹp khác. Một người biết yêu gia đình, được sống trong một gia đình hạnh phúc sẽ trở thành những người công dân tốt cho xã hội. Và hơn hết, để ngôi nhà thực sự trở thành gia đình đúng nghĩa hay không thì phụ thuộc rất nhiều vào ý thức, hành vi của con người. Có nhiều người chưa biết trân trọng tình cảm gia đình, sống thờ ơ, lạnh nhạt. Thậm chí có những người sống bất hiếu, vô lễ với ông bà, cha mẹ,… Đây đích thực là những hành vi xấu mà chúng ta cần bài trừ ra khỏi xã hội. Mỗi người hãy trân trọng gia đình mình, yêu quê hương, yêu con người để cuộc sống trở nên thực sự ý nghĩa.

Phần II. (6đ)

a. Đoạn văn trên nói lên tâm trạng tủi thân, đau khổ, nhục nhã của nhân vật Ông Hai. Tình huống nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc đã khiến ông Hai có tâm trạng như vậy.

b.

- Các câu nghi vấn trong đoạn trích trên: “Chúng nó là trẻ con làng Việt gian đấy? Chúng nó bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy?”.

- Câu nghi vấn có tác dụng làm cách diễn đạt thêm sinh động, bộc lộ được cảm xúc đau đớn, tủi hổ, nỗi nhục nhã không thể giãi bày cùng ai của ông Hai.

c. Tác giả đặt tên nhan đề là “Làng” để tác phẩm mang tính phổ quát hơn cả về hình thức thể hiện lẫn nội dung ý nghĩa. Trong kháng chiến, có rất nhiều ngôi làng như làng Chợ Dầu với nhiều người nông dân yêu làng, yêu nước, yêu kháng chiến như ông Hai. Từ đó, nhan đề góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm, ca ngợi tình yêu quê hương của người nông dân nói chung trong thời kì kháng chiến chống Pháp.

d. Viết đoạn văn

Khi nghe tin làng theo giặc, ban đầu, ông Hai bàng hoàng, sửng sốt. Cú sốc bất ngờ và đau đớn khiến “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được”. Yêu làng, tin tưởng vào làng thì ông lại càng đau xót. Ông cố bình tâm để xác minh tin tức: “Liệu có thật không hở bác? Hay là chỉ lại…”. Làng Chợ Dầu, niềm tự hào của ông, nay đã phản bội kháng chiến. Sự ngập ngừng thể hiện qua dấu ba chấm cho thấy ông niềm âu lo phấp phỏng cùng thoáng hi vọng mong manh. Ông ước ao đó chỉ là tin thất thiệt về làng... Nhưng người đàn bà “vừa ở dưới ấy lên” đã kể ra những dẫn chứng về sự phản bội của làng Chợ Dầu. Giặc vào làng, cả làng vác cờ ra hân hoan. Ông Hai nói bâng quơ: “Hà, nắng gớm, về nào…” nhưng cõi lòng ông đang quặn thắt. Về đến nhà, ông Hai “nằm vật xuống giường”. Ông đau đớn, tủi thân khi nhìn bọn trẻ con đang chơi với nhau ông. Nước mắt ông lão cứ giàn ra. Thế rồi, ông Hai căm giận đến tột cùng, lên tiếng chửi bọn người làng Chợ Dầu: “Chúng bay ăn miếng cơm hay ăn miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này”. Những giọt nước mắt và sự tức giận của ông Hai cũng cho thấy tình yêu của ông với làng, với đất nước. Đó không phải là tình yêu mộc mạc như ban đầu mà là một tình yêu tỉnh táo, lí trí, đặt vận mệnh đất nước lên trên. Ông nhớ lại từng người một rồi tự lẩm bẩm: “Họ đã ở lại làng, quyết tâm một sống một chết với giặc, có đời nào lại cam tâm làm điều nhục nhã ấy”!. Mặt khác, ông lại nghi ngờ chính mình: “Không có lửa làm sao có khói? Ai người ta hơi đâu bịa tạc ra những chuyện ấy làm gì”. Câu nói “Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian!” được ngắt ra thành các câu văn ngắn với dấu “!” thể hiện sự phẫn uất và bất lực của ông Hai. Ông quan ngại cho cuộc sống của mình và những người làng đi tản cư: “Rồi đây biết làm ăn, buôn bán ra sao?”. Bầu không khí nặng nề bao trùm nhà ông Hai tối hôm đó. Ông không sao ngủ được, trở mình hết bên này đến bên kia. Nghe tiếng mụ chủ nhà, trống ngực ông đập thình thịch, chân tay nhủn raKim Lân đã thể hiện trọn vẹn nỗi khổ tâm nhân vật bằng lối viết chân xác, giản dị.

- Thành phần biệt lập: niềm tự hào của ông.

- Phép nối: nhưng

---------------------------------------------------------

Ngoài bài viết trên, mời các bạn truy cập vào chuyên mục Thi vào lớp 10 trên VnDoc để tham khảo thêm các đề Đề thi vào lớp 10 môn Văn năm 2023 - Đề 1, Đề thi vào lớp 10 môn Văn năm 2023 - Đề 2 để cùng luyện thêm nhiều đề thi bổ ích. Chúc các bạn học tập thật tốt!

Đánh giá bài viết
1 251
Sắp xếp theo

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn

Xem thêm