Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn có đáp án số 18

Đề thi thử tốt nghiệp THPT Quốc gia môn Văn có đáp án

Đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn có đáp án số 18 là tài liệu ôn thi hay dành cho các em học sinh ôn thi THPT Quốc gia. Tài liệu bao gồm 2 phần: đọc hiểu và làm văn. Thí sinh làm đề trong thời gian 120 phút. Mời các bạn cùng tham khảo tại đây.

Nhằm giúp các em học sinh ôn thi THPT Quốc gia 2021, VnDoc giới thiệu bộ đề ôn thi THPT Quốc gia. Đây là bộ tài liệu hay cho các em tham khảo, chuẩn bị cho kì thi sắp tới đạt kết quả cao.

Tham khảo thêm: Bộ đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Ngữ văn

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

“Một trong những điều tử tế của chúng ta trong quan hệ với mọi người là giữ được đức tính khiêm tốn của bản thân mình. Tuy nhiên, nhiều người thường đánh đồng đức tính khiêm tốn với sự yếu đuối. Thật ra phải nói ngược lại mới đúng. Khiêm tốn như thỏi nam châm thu hút thiện chí của mọi người và làm nên giá trị của con người.

Khiêm tốn không phải là một hành động, mà là một thái độ. Đó là thái độ biết tôn trọng người khác hơn là đề cao bản thân. Người khiêm tốn là người biết lắng nghe một cách chân thành. Họ quan tâm đến người khác mà không bận tâm đến các yếu tố xung quanh như địa vị, sang hèn, thành công, thất bại… Đối với họ, lắng nghe để hiểu tâm tư tình cảm, hoàn cảnh của người khác là một mong muốn tự thân, là một quá trình của cảm xúc chứ không phải chỉ là một hành động đơn thuần biểu hiện ra bên ngoài.”

(Trích “Điều kì diệu của thái độ sống” - Mac Anderson)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Theo tác giả, đâu là biểu hiện của một người có đức tính khiêm tốn?

Câu 2. Anh / chị hãy thử nêu ra điểm khác nhau giữa đức tính khiêm tốn và sự yếu đuối?

Câu 3. Anh / chị hiểu như thế nào về ý kiến: “Khiêm tốn như thỏi nam châm thu hút thiện chí của mọi người và làm nên giá trị của con người”?

Câu 4. Anh / chị có cho rằng sự khiêm tốn đồng nghĩa với việc hạ thấp giá trị bản thân không? Vì sao?

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày quan điểm của anh / chị về những điều bản thân cần làm để có được đức tính khiêm tốn.

Câu 2 (5,0 điểm)

Phân tích hình tượng nhân vật Trương Ba trong mắt những người thân qua hai màn đối thoại sau, từ đó bình luận ngắn gọn về thông điệp mà Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm qua vở kịch:

MÀN 1:

- Vợ Trương Ba: (nghĩ ngợi) Tôi nói thật đấy… ông Trương Ba ạ, tôi đã nghĩ kĩ: Có lẽ tôi phải đi…

- Hồn Trương Ba: Đi đâu?

- Vợ Trương Ba: Chưa biết ! Đi cấy thuê làm mướn ở đâu cũng được… đi biệt… (rưng rưng).

- Hồn Trương Ba: Bà ! (sau một hồi nghĩ ngợi) Sao lại đến nông nỗi này?

- Vợ Trương Ba: Tôi biết, ông vốn là người hết lòng thương yêu vợ con… Chỉ tại bây giờ… (khóc) Ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa, ông biết không: Thằng Cả đã quyết định dứt khoát sẽ bán khu vườn để có tiền mở thêm vốn liếng cửa hàng thịt.

- Hồn Trương Ba: Thật sao? Không được !

- Vợ Trương Ba: Ông bảo là không được nhưng tôi biết sự thể rồi sẽ cứ dẫn đến như vậy, ông sẽ đành ưng chịu như vậy… Thôi tùy ông, tôi chỉ muốn ông được thảnh thơi sung sướng… Tôi không còn giúp gì cho ông được, tốt nhất là… là… không còn tôi nữa, cũng như không có khu vườn nữa ! (bỏ ra)

(Khi hồn Trương Ba ngẩng lên thì đã thấy cái Gái đứng trước mặt với cái nhìn lặng lẽ, soi mói)

- Hồn Trương Ba: (như cầu cứu) Gái, cháu…

- Cái Gái: (lùi lại) Tôi không phải là cháu của ông !

- Hồn Trương Ba: (nhẫn nhục) Gái, lớn lên rồi cháu sẽ hiểu… ông đúng là ông nội cháu…

- Cái Gái: Ông nội tôi chết rồi. Nếu ông nội tôi hiện về được, hồn ông nội tôi sẽ bóp cổ ông ! Ông dám nhận là ông nội, dám đụng vào cây cối trong vườn của ông nội tôi.

- Hồn Trương Ba: Dù sao… Cháu… Sáng nào ông cũng ra cuốc xới chăm chút cây cối ngoài vườn, cháu không thấy sao: Chỉ có ông nội cháu mới biết quí cây như thế…

- Cái Gái: Quí cây ! Hừ, tôi phải rình lúc này, cả nhà đi vắng hết để đến nói với ông: Từ nay ông không được động vào cây cối trong vườn ông tôi nữa ! Ông mà quí cây à? Sáng qua, tôi để ý lúc ông chiết cây cam, bàn tay giết lợn của ông làm gãy tiệt cái chồi non, chân ông to bè như cái xẻng, giẫm lên nát cả cây sâm quí mới ươm. Ông nội tôi đời nào thô lỗ phũ phàng như vậy !”

MÀN 2:

- Vợ Trương Ba: Ông ở đâu? Ông ở đâu?

(Giữa màu xanh cây vườn, Trương Ba chập chờn xuất hiện)

- Hồn Trương Ba: Tôi đây bà ạ. Tôi vẫn ở liền ngay bên bà đây, ngay trên bậc cửa nhà ta, trong ánh lửa bà nấu cơm, cầu ao bà vo gạo, trong cái cơi bà đựng trầu, con dao bà dẫy cỏ… Không phải mượn thân ai cả, tôi vẫn ở đây, trong vườn cây nhà ta, trong những điều tốt lành của cuộc đời, trong mỗi trái cây cái Gái nâng niu…

(Dưới một gốc cây, hiện lên cu Tị và cái Gái)

- Cái Gái: (tay cầm một trái na) Cây na này, ông nội tớ trồng đấy ! Quả to mà ngon lắm ! Ta ăn chung nhé !

(Bẻ quả na đưa cho cu Tị một nửa. Đôi trẻ ăn ngon lành. Cái Gái lấy những hạt na vùi xuống đất)

- Cu Tị: Cậu làm gì thế?

- Cái Gái: Cho nó mọc thành cây mới. Ông nội tớ bảo vậy. Những cây sẽ nối nhau mà lớn khôn. Mãi mãi…

(Trích “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” - Lưu Quang Vũ)

Hết

Đáp án đề thi thử THPT quốc gia 2021 môn Văn số 18

I. PHẦN ĐỌC HIỂU

Câu 1. Biểu hiện của một người có đức tính khiêm tốn: là người biết lắng nghe một cách chân thành. Họ quan tâm đến người khác mà không bận tâm đến các yếu tố xung quanh như địa vị, sang hèn, thành công, thất bại…

Câu 2.

- Người khiêm tốn là người biết được giá trị của chính mình, nhưng do có ý thức tôn trọng người khác, luôn mong muốn học hỏi để tiến bộ nên họ thể hiện có chừng mực.

- Ngược lại, kẻ yếu đuối lại là kẻ không tin vào giá trị của chính mình, dẫn đến thái độ tự ti, sợ hãi.

Câu 3.

- Người có đức tính khiêm tốn do luôn biết mình biết người nên được người khác tôn trọng, yêu mến.

- Người khiêm tốn luôn ý thức về sự chưa hoàn thiện của bản thân, nên không ngừng lắng nghe, học hỏi, do vậy, ngày càng nâng cao giá trị của bản thân.

Câu 4. Học sinh tự do bày tỏ quan điểm, miễn lí giải hợp lí. Tham khảo:

Không đồng tình. Vì: Khiêm tốn là biết mình biết người, chịu khó lắng nghe, học hỏi để vun bồi cái tốt, diệt trừ cái xấu, ngày càng nâng cao giá trị bản thân, được mọi người thêm yêu mến. Do vậy, nó không thể đồng nghĩa với việc hạ thấp giá trị bản thân được.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày quan điểm của anh / chị về những điều bản thân cần làm để có được đức tính khiêm tốn.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích, song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

c. Triển khai vấn đề nghị luận:

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề mà đề bài yêu cầu. Có thể theo hướng sau:

- Luôn luôn ý thức về sự chưa hoàn thiện của bản thân để có hướng sửa chữa, bồi đắp, hoàn thiện.

- Luôn thể hiện thái độ tôn trọng người khác, tâm niệm rằng mỗi người đều là thầy ta, có những cái hay mà ta cần học hỏi.

- Hãy nghĩ đến những hệ quả tốt đẹp mà đức tính khiêm tốn mang lại: được mọi người yêu mến, giúp đỡ; giá trị bản thân được nâng cao từng ngày…

- Hãy nghĩ đến những hậu quả của thói kiêu căng, hoặc bệnh tự ti…

v.v...

Xem chi tiết dàn ý và đoạn văn mẫu tham khảo tại bài nghị luận về lòng khiêm tốn.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo:

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2 (5,0 điểm)

Phân tích hình tượng nhân vật Trương Ba trong mắt những người thân qua hai màn đối thoại, từ đó bình luận ngắn gọn về thông điệp mà Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm qua vở kịch.

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề; thân bài triển khai được vấn đề; kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

c. Triển khai vấn đề nghị luận:

1. Vài nét khái quát về tác giả Lưu Quang Vũ, vở kịch và đoạn trích trong SGK.

2. Tóm tắt về tình huống bi kịch của Trương Ba

3. Phân tích đoạn trích:

3.1. Đoạn 1:

a. Lúc này hồn Trương Ba đang sống nhờ trong thân xác anh hàng thịt, và hồn ngày càng bị tha hóa, nhiễm phải nhiều thói hư tật xấu của xác, không làm chủ được mình.

b. Điều này dẫn đến thái độ chối bỏ của những người thân đối với Trương Ba.

- Vợ Trương Ba:

+ Trương Ba bây giờ đã thay đổi: không còn yêu thương vợ con (tát con trai); thờ ơ với số phận người khác (cu Tị ốm mà không biết); không biết cách chăm sóc vườn tược (dẫn đến việc anh con trai đòi bán khu vườn).

+ Vợ Trương Ba đòi bỏ đi biệt tích.

- Cái Gái:

+ Với tâm hồn trẻ thơ, cái Gái không thể hiểu hết những sự éo le của cuộc đời. Nó nhìn vào những hành động của Trương Ba và dứt khoát chối bỏ, không nhận Trương là ông nội của nó.

+ Cái Gái đưa ra bằng chứng rất rõ ràng để phản bác lại lí lẽ của Trương Ba: Trương Ba nói yêu cây cối, nhưng cái Gái thấy ông chỉ làm “gãy tiệt chồi non”, “dẫm nát cả cây sâm quí”. Trong trí nhớ của nó, ông nội nó là người khéo léo, thanh cao chứ không phải kẻ có “bàn tay giết lợn”, “đôi chân to bè”.

3.2. Đoạn 2:

b. Lúc này hồn Trương Ba đã trả lại thân xác cho anh hàng thịt để được chết. Chính hành động chết đi này lại làm cho Trương Ba được sống, sống một cách toàn vẹn và đẹp đẽ như xưa trong mắt của người thân.

b. Điều này dẫn đến thái độ yêu mến, tôn trọng của những người thân đối với Trương Ba.

- Vợ Trương Ba: Qua lời gọi tha thiết: “Ông ở đâu? Ông ở đâu?”, có thể thấy được tình yêu thương, nỗi nhớ sâu đậm của người vợ dành cho Trương Ba. Nếu khi Trương Ba còn sống trong thân xác anh hàng thịt, bà đã định bỏ đi biệt tích, thì giờ đây, khi Trương Ba đã từ bỏ thân xác ấy, bà lại khát khao được gặp ông.

- Cái Gái: Trương Ba trong tâm trí của cái Gái giờ đây là hình ảnh đẹp đẽ, toàn vẹn như xưa. Việc cái Gái luôn nhắc đến ông nội với một thái độ yêu mến, trân trọng, tự hào cho thấy nó quí ông nội đến nhường nào. Mọi hành động, lời nói của ông nội, đối với nó đều là đẹp nhất, đúng đắn nhất, là kim chỉ nam cho mọi hành động của nó: cây na này ông nội tớ trồng đấy, ông nội tớ bảo vậy…

4. Bình luận:

- Cuộc đấu tranh giữa hồn Trương Ba với xác anh hàng thịt cũng chính là cuộc đấu tranh giữa cái thanh cao, tốt đẹp với cái phàm tục, xấu xa trong một con người. Khi cái phàm tục lên ngôi, con người sẽ bị đồng loại xa lánh, chối bỏ; ngược lại, nếu con người phục thiện, sẽ lại nhận được tình yêu mến.

- Việc dũng cảm trả lại thân xác cho anh hàng thịt, chết để được sống là chính mình đã làm cho hình ảnh Trương Ba mãi mãi cao đẹp trong lòng người thân.

- Việc hình ảnh Trương Ba xuất hiện mọi nơi cho thấy Trương Ba sẽ trở nên bất tử trong tâm trí người thân: bất tử ở những hành động đẹp mà ông đã làm, ở cách sống đẹp mà ông đã sống. Lời thủ thỉ của Trương Ba với vợ đã nói lên một chân lí: sự có mặt trên đời dài hay ngắn không quan trọng, cái quan trọng là mình để lại gì khi đã ra đi.

5. Khái quát vấn đề.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

-/-

........................

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới bạn đọc Đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn có đáp án số 18. Mời các bạn cùng tham khảo thêm các môn Toán 12, Tiếng Anh 12, đề thi học kì 1 lớp 12, đề thi học kì 2 lớp 12... được cập nhật liên tục trên VnDoc.com.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Thi THPT Quốc gia môn Văn

    Xem thêm