Đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn có đáp án số 23

Đề thi thử tốt nghiệp THPT Quốc gia môn Văn có đáp án

Đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn có đáp án số 23 gồm 2 phần: đọc hiểu và làm văn. Thí sinh làm đề trong thời gian 120 phút. Mời các bạn cùng tham khảo tại đây.

Nhằm giúp các em học sinh ôn thi THPT Quốc gia 2021, VnDoc giới thiệu bộ đề ôn thi THPT Quốc gia. Đây là bộ tài liệu hay cho các em tham khảo, chuẩn bị cho kì thi sắp tới đạt kết quả cao.

Tham khảo thêm: Bộ đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Ngữ văn

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Sự quý giá của thời gian không phải là để giúp chúng ta có thể làm được những điều này, điều nọ... Có quá nhiều những điều này nọ như thế đủ để cho chúng ta quay cuồng trong suốt một đời, nhưng cuối cùng rồi chúng ta sẽ không mang theo được gì cả! Vấn đề là chúng ta phải biết sống như thế nào để xứng đáng với giá trị thời gian ấy. Chúng ta lao động như một phương tiện để nuôi sống, nhưng bản thân sự lao động sáng tạo cũng chính là cuộc sống của chúng ta. Ngược lại, những giá trị vật chất được tạo ra luôn luôn có những giới hạn tạm bợ của nó, và rõ ràng không thể là mục đích cuối cùng để chúng ta nhắm đến. Những giá trị vật chất ấy có thể giúp cho ta có cuộc sống thoải mái hơn, nhưng nếu chúng ta chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào chúng, chúng ta sẽ phải trả giá đắt. Nghệ thuật sống chân chính là ý thức được giá trị quý báu của đời sống trong từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời.

(…) Thời gian cần phải được trân trọng trong từng khoảnh khắc. Khi chúng ta ý thức được rằng giá trị của cuộc sống nằm ở chỗ là chúng ta đang sống, chúng ta sẽ thấy tất cả những điều khác đều trở nên nhỏ nhặt, vụn vặt không đáng kể. Đời sống của ta quý giá, và đời sống của mọi người quanh ta cũng quý giá không thể lấy gì đánh đổi được.

(…) Mỗi buổi sáng thức dậy, chúng ta nhìn lên bầu trời trong xanh có ánh nắng ban mai ửng hồng, hoặc một chồi non vừa nhú còn ướt đẫm sương đêm... Mỗi một thực thể xinh đẹp ấy đều nhắc nhở ta biết là đời sống của ta đang tồn tại, và ta tự nhủ với mình sẽ không bỏ phí một phút giây nào được tồn tại trong cuộc sống nhiệm mầu này. Ta sẽ sống như thế nào để bản thân có được niềm vui hạnh phúc, và mang niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi người quanh mình.

(Nguyên Minh - Thời gian là vốn quý)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2. Anh/chị hiểu thế nào về câu nói sau: Có quá nhiều những điều này nọ như thế đủ để cho chúng ta quay cuồng trong suốt một đời, nhưng cuối cùng rồi chúng ta sẽ không mang theo được gì cả!

Câu 3.

Theo anh/chị vì sao tác giả lại cho rằng: Những giá trị vật chất ấy có thể giúp cho ta có cuộc sống thoải mái hơn, nhưng nếu chúng ta chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào chúng, chúng ta sẽ phải trả giá đắt?Câu 4. Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất với anh/chị?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu ra ở phần đọc hiểu: Thời gian cần phải được trân trọng trong từng khoảnh khắc.

Câu 2 (5,0 điểm)

Có ý kiến cho rằng: Nổi bật trong tác phẩm “Rừng xà nu” của tác giả Nguyễn Trung Thành là hình tượng cây xà nu, đây là một hình tượng nghệ thuật biểu trưng cho sức sống, phẩm chất của người Tây Nguyên thời chống Mỹ.

Anh/chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

Hết

Đáp án đề thi thử tốt nghiệp thpt 2021 môn Văn

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.

Câu 2. Gợi ý: "Có quá nhiều những điều này nọ như thế đủ để cho chúng ta quay cuồng trong suốt một đời, nhưng cuối cùng rồi chúng ta sẽ không mang theo được gì cả! " có thể hiểu là:

- Những điều này nọ khiến chúng ta quay cuồng trong suốt một đời có thể là áp lực từ học hành, từ công việc, từ những lo toan về cuộc sống vật chất, những mối quan hệ xã hội…. tất cả làm cho chúng ta luôn vội vàng, tất bật. Đôi khi chúng ta quên mất thời gian dành cho chính bản thân mình.

- Tuy nhiên, cuối cùng rồi chúng ta sẽ không mang theo được gì cả vì giá trị của cuộc sống nằm ở chỗ là chúng ta đang sống. Nếu cứ để những lo toan, bận bịu, áp lực của cuộc sống đeo bám, dần dần chúng sẽ bào mòn, rút cạn sức sống làm cho chúng ta cảm thấy ngột ngạt, trống rỗng và mơ hồ về cuộc sống: không biết mình đang sống vì điều gì, đâu mới là hạnh phúc thật sự đối với mình?

=> Vì thế, đừng để cuộc sống hối hả cuốn ta vào vòng quay chóng mặt của nó, mỗi người cần có những khoảng ngừng lặng để được tận hưởng cuộc sống với ý nghĩa đích thực của nó.

Câu 3: Những giá trị vật chất ấy có thể giúp cho ta có cuộc sống thoải mái hơn, nhưng nếu chúng ta chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào chúng, chúng ta sẽ phải trả giá đắt vì:

- Những giá trị vật chất như tiền bạc, những tiện nghi trong cuộc sống sinh hoạt (nhà cửa, xe cộ, quần áo, các thiết bị điện tử…) quả là rất cần thiết vì nó nâng cao chất lượng sống cho con người và thúc đẩy xã hội phát triển.

- Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta sẽ dần bị những ham muốn bản năng, những lợi ích trước mắt làm cho tha hóa, trở nên thực dụng, xa rời những mục tiêu, lí tưởng cao đẹp. Có khi, vì những lợi ích vật chất mà con người đánh mất những mối quan hệ, những tình cảm lành mạnh, tốt đẹp với bạn bè, người thân; bị mọi người xa lánh, mãi sống trong cô độc. Nếu ai ai trong xã hội cũng đề cao giá trị vật chất hơn những giá trị tinh thần khác thì xã hội sẽ trở nên lạnh lùng, vô cảm.

Câu 4: Đoạn trích có nhiều thông điệp ý nghĩa về thời gian và cuộc sống. Thí sinh có thể chọn một thông điệp có ý nghĩa nhất với bản thân như:

- Cuộc sống vô cùng tươi đẹp, hãy biết tận hưởng nó trong từng khoảnh khắc.

- Đừng quá mải mê chạy theo những giá trị vật chất mà bỏ quên nhiều điều quý giá khác.

II. LÀM VĂN

Câu 1

Thí sinh viết một đoạn văn có dung lượng khoảng 200 chữ, đảm bảo đúng yêu cầu về nội dung và hình thức của một đoạn văn. Có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần có lập luận hợp lí, thuyết phục, bày tỏ quan điểm rõ ràng, không vi phạm các chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật. Sau đây là gợi ý:

- Thời gian là thứ vô cùng quý giá vì mỗi phút giây trôi qua trong cuộc đời chúng ta là vĩnh viễn mất, không thể lấy lại.

- Trân trọng từng khoảnh khắc của thời gian nghĩa là con người biết sống hết mình cho hiện tại, không chìm đắm trong quá khứ và mơ mộng về tương lai.

- Để từng khoảnh khắc không trôi đi vô nghĩa, cần phải làm gì?

+ Luôn sống ở tư thế chủ động, tích cực tham gia mọi hoạt động xung quanh để học hỏi, để tìm thấy niềm vui và những điều thú vị trong cuộc sống.

+ Biết yêu thương, quan tâm đến những người xung quanh.

+ Dám dấn thân, trải nghiệm để chinh phục những thử thách.

- Phê phán những người không biết trân trọng thời gian, để cuộc sống trôi qua kẽ tay.

Câu 2

a. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận

- Nguyễn Trung Thành là một nhà văn quân đội gắn bó với Tây Nguyên suốt hai cuộc kháng chiến, có nhiều tác phẩm thành công về mảnh đất và con người nơi đây.

- Truyện ngắn Rừng xà nu ra đời năm 1965, khi đế quốc Mỹ bắt đầu đổ quân ào ạt vào miền Nam, là câu chuyện về cuộc nổi dậy của dân làng Xô man.

- Một trong những thành công nổi bật của tác phẩm là xây dựng hình tượng nghệ thuật độc đáo: hình tượng cây xà nu. Đây là một hình tượng nghệ thuật biểu trưng cho sức sống, phẩm chất của người Tây Nguyên thời chống Mỹ.

b. Phân tích hình tượng cây xà nu để làm sáng tỏ nhận định

* Xà nu là hình tượng nổi bật trong tác phẩm:

- Rừng xà nu được dùng để đặt tên cho tác phẩm, xuất hiện ngay từ những dòng mở đầu và trở đi trở lại nhiều lần theo diễn biến câu chuyện và kết thúc cũng bằng hình ảnh những cánh rừng xà nu chạy đến chân trời. Riêng hai chữ xà nu được nhắc lại khoảng 20 lần trong tác phẩm. Có thể nói tác phẩm trùng trùng điệp điệp những xà nu: cây xà nu, rừng xà nu, lửa xà nu, khói xà nu, nhựa xà nu…

- Xà nu gắn bó mật thiết với con người Tây Nguyên, không ở đâu có mặt người mà lại vắng bóng xà nu:

+ Xà nu gắn bó với cuộc sống sinh hoạt của người Xô Man: ngọn lửa xà nu cháy trong mỗi bếp, cháy trong đống lửa nhà Ưng – nơi tập hợp dân làng, khói xà nu nhuộm đen tấm bảng cho Tnú và Mai học chữ.

+ Xà nu còn gắn với cả những kỉ niệm riêng tư của con người: Dưới gốc cây xà nu lớn Tnú gặp lại Mai sau khi vượt ngục trở về, Mai nắm lấy tay anh đầy yêu thương.

+ Xà nu chứng kiến những sự kiện trọng đại của buôn làng: Giặc tẩm nhựa xà nu đốt mười đầu ngón tay Tnú; lửa xà nu soi rõ xác mười tên lính giặc ngổn ngang…

=> Hình tượng xà nu có vị trí đặc biệt trong tác phẩm, vừa là hình tượng khơi nguồn cảm xúc cho nhà văn sáng tạo, vừa là mạch thẩm mĩ để nhà văn dẫn dắt câu chuyện.

* Xà nu là biểu tượng cho sức sống, phẩm chất của con người Tây Nguyên thời chống Mĩ

- Thương tích mà rừng xà nu phải gánh chịu tượng trưng cho những mất mát đau thương mà người Tây Nguyên phải trải qua:

+ Rừng xà nu là đối tượng của sự tàn phá, hủy diệt: Chúng nó bắn đã thành lệ, ngày hai lần… trong rừng hàng vạn cây xà nu không cây nào không bị thương

+ Nỗi đau hiện ra trong nhiều vẻ: những cây non vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đạn đại bác chặt đứt làm đôi … vết thương loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết, những cây trưởng thành đổ ào ào như một trận bão. Tả cái chết của xà nu mà làm lòng người xót xa như đang chứng kiến cái chết của con người.

=> Thương tích của xà nu cũng là những nỗi đau mà con người phải gánh chịu: khi giặc kéo tới làng Xô Man, ngọn roi của chúng không trừ một ai, nhiều người dân Xô Man đã bị sát hại: bà Nhan, anh Xút, mẹ con Mai…

- Sức sống mãnh liệt của xà nu tượng trưng cho sự kiên cường, bất khuất của người dân Tây Nguyên:

+ Bất chấp bom đạn, xà nu vẫn vươn lên đầy sức sống: Trong rừng ít có loại cây sinh sôi, nảy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây đã ngã gục đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời; cụ Mết từng nói: không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta => Gợi liên tưởng đến sức sống kiên cường của con người: những thế hệ con người Xô Man cũng tương ứng với các thế hệ xà nu kế tiếp nhau: thế hệ của các già làng như cụ Mết → thế hệ của Tnú, Mai → thế hệ của Dít, bé Heng…

+ Xà nu kiên cường đứng ở vị trí tuyến đầu chắn bão gió để bảo vệ dân làng rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng cũng như những người dân Tây Nguyên dũng cảm, dù bị đàn áp đẫm máu vẫn nuôi giấu cán bộ.

=> Nếu như dòng nhựa xà nu được truyền nguyên vẹn từ những cây cổ thụ đến những cây con thì dòng máu Tây Nguyên với nhiệt tình yêu nước cũng được truyền nguyên vẹn từ trái tim người già đến trái tim người trẻ.

- Đặc tính ham ánh sáng của xà nu tượng trưng cho niềm khao khát tự do, một lòng đi theo Đảng của người dân Tây Nguyên: Cũng có ít loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng… Ham ánh sáng mặt trời là hướng về phía sự sống, là khao khát tự do. Có lẽ vì thế mà xà nu không chịu sống khuất mình dưới bóng râm của những tán rừng khác. Con người Tây Nguyên cũng như xà nu: một lòng hướng về Đảng, đi theo ánh sáng của lí tưởng cách mạng.

c. Đánh giá chung

- Hình tượng cây xà nu là một thành công của nhà văn Nguyễn Trung Thành khi tái hiện cuộc chiến đấu của đồng bào Tây Nguyên với bọn Mĩ - Ngụy. Xà nu không chỉ là loài cây có thực ở núi rừng Tây Nguyên mà nó còn tiêu biểu cho vẻ đẹp hào hùng, đầy sức sống của thiên nhiên và con người nơi đây.

- Xây dựng hình tượng xà nu, nhà văn đã sử dụng thủ pháp nghệ thuật so sánh, đối chiếu, ẩn dụ tượng trưng; ngôn ngữ, giọng điệu đậm tính sử thi hào hùng, …

-/-

........................

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới bạn đọc Đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn có đáp án số 23. Mời các bạn cùng tham khảo thêm các môn Toán 12, Tiếng Anh 12, đề thi học kì 1 lớp 12, đề thi học kì 2 lớp 12... được cập nhật liên tục trên VnDoc.com.

Đánh giá bài viết
1 115
Sắp xếp theo

    Thi THPT Quốc gia môn Văn

    Xem thêm