Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2024 lần 1 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc

Đề thi thử tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2024 lần 1 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2024 lần 1 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc được VnDoc.com sưu tầm và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo. Hi vọng qua đây bạn đọc có thêm tài liệu ôn thi kì thi THPT Quốc gia sắp tới nhé. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.

1. Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn Sở Vĩnh Phúc

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Tại sao lại cần đến con người sáng tạo?

Lí do nằm ở chỗ, thế giới, xã hội đang không ngừng biến đổi hàng ngày hàng giờ. Trong khi những vấn đề cũ vừa được giải quyết xong hay thậm chí chưa được giải quyết triệt để đã lại nảy sinh các vấn đề mới. Gia tốc của sự biến đổi này ngày càng lớn. Để thích nghi với cuộc sống như thế, xã hội cần đến những con người có tinh thần và khả năng sáng tạo. Sáng tạo vì thế đã trở thành phẩm chất, tiêu chuẩn cơ bản để đảm bảo cho sự sinh tồn và phát triển. Không phải ngẫu nhiên mà trong khoảng 20 năm trở lại đây Bộ Giáo dục Nhật Bản đã đặt trọng tâm vào việc tạo ra và phát triển “Năng lực sống” ở học sinh. Đây chính là năng lực thích nghi với môi trường xã hội đang biến đổi nhanh chóng, năng lực tự mình phát hiện vấn đề, tự mình giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.

(Trích Đi tìm triết lí giáo dục Việt Nam, Nguyễn Quốc Vương, NXB Tri thức, 2019, tr. 118)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Theo đoạn trích, khái niệm “Năng lực sống” được hiểu như thế nào?

Câu 3. Trình bày suy nghĩ của anh/chị về nội dung câu văn Sáng tạo vì thế đã trở thành phẩm chất, tiêu chuẩn cơ bản để đảm bảo cho sự sinh tồn và phát triển.

Câu 4. Theo anh/chị việc tạo ra và phát triển “Năng lực sống” ở học sinh có cần thiết không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về việc mỗi chúng ta cần làm gì để trở thành con người sáng tạo.

Câu 2 (5,0 điểm)

Trong trích đoạn Đất Nước, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết:

Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái

Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương

Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm

Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên

Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh

Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm

Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta…

(Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr. 120)

Anh/Chị hãy phân tích đoạn trích trên; từ đó, nhận xét cách sử dụng chất liệu văn hóa dân gian của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm được thể hiện trong đoạn trích.

2. Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn Sở Vĩnh Phúc

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Phương thức nghị luận/Nghị luận.

Câu 2. Theo đoạn trích, khái niệm “Năng lực sống” được hiểu là năng lực thích nghi với môi trường xã hội đang biến đổi nhanh chóng, năng lực tự mình phát hiện vấn đề, tự mình giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.

Câu 3.

- Câu văn Sáng tạo vì thế đã trở thành phẩm chất, tiêu chuẩn cơ bản để đảm bảo cho sự sinh tồn và phát triển đã khẳng định tầm quan trọng của tính sáng tạo – đó chính là một đặc tính, khả năng cần có ở mỗi người, là yêu cầu thiết yếu để đảm bảo cho sự tồn tại và vận động đi lên của xã hội.

- Trong bối cảnh hiện nay, đây là một nhận thức, quan điểm phù hợp, đúng đắn, có khả năng tạo nên động lực để mỗi chúng ta phấn đấu trở thành một công dân sáng tạo, từ đó đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội, đất nước.

Câu 4. Thí sinh trả lời theo quan điểm của bản thân và có sự lí giải hợp lí, thuyết phục, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Có thể tham khảo gợi ý sau:

Việc tạo ra và phát triển “Năng lực sống” ở học sinh là cần thiết bởi trong bối cảnh xã hội đang không ngừng biến đổi như hiện nay việc có được năng lực thích nghi, năng lực tự mình phát hiện vấn đề, tự mình giải quyết vấn đề một cách sáng tạo là một trong những yêu cầu thiết yếu. Với học sinh, việc trang bị đầy đủ Năng lực sống càng đặc biệt quan trọng để không bị tụt hậu, sống chủ động, tích cực, khám phá phát huy được những năng lực, sở trường của bản thân, hoà nhập và tiến tới đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

II. LÀM VĂN

Câu 1.

a. Đảm bảo yêu cầu hình thức đoạn văn nghị luận

Thí sinh có thể trình bày đọan văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Suy nghĩ về việc mỗi chúng ta cần làm gì để trở thành con người sáng tạo

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp, triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách để làm rõ những việc mỗi chúng ta cần làm để trở thành con người sáng tạo; đảm bảo hợp lí, thuyết phục, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Có thể theo hướng:

- Con người sáng tạo: con người có tinh thần và khả năng sáng tạo, có những suy nghĩ và cách thức hành động mới mẻ, tích cực góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy xã hội phát triển.

- Để trở thành con người sáng tạo mỗi chúng ta cần: nhận thức được vai trò quan trọng của tính sáng tạo; tích cực, chủ động trong việc phát hiện và giải quyết các vấn đề của cuộc sống; biết khám phá, phát huy những năng năng lực, sở trường của bản thân; dám nghĩ khác, làm khác, không theo lối mòn, không theo số đông; tích luỹ, rèn luyện tri thức, kinh nghiệm, kĩ năng để có khả năng tạo nên những điều mới mẻ, có ý nghĩa…

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Có cách lập luận, diễn đạt mới mẻ; thể hiện suy nghĩ sâu sắc, có ý tưởng riêng phù hợp với vấn đề nghị luận.

Câu 2.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Có đủ mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề. Thân bài triển khai được vấn đề. Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ; nhận xét cách sử dụng chất liệu văn hóa dân gian của tác giả trong đoạn trích.

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí có thể triển khai theo nhiều cách, cần vận dụng kết hợp các thao tác lập luận, phối hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

* Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Khoa Điềm, trường ca Mặt đường khát vọng, đoạn trích Đất Nước và vấn đề nghị luận

* Phân tích đoạn trích

- Nội dung:

+ Đoạn thơ là những phát hiện, lí giải mới mẻ, độc đáo và có chiều sâu của Nguyễn Khoa Điềm về sự hình thành những cảnh quan kì thú của non sông gấm vóc. Nhà thơ không cảm nhận những thắng cảnh thiên nhiên đơn thuần là do tạo hóa ban tặng mà ẩn sâu trong đó là sự đóng góp, hóa thân từ bao số phận, cảnh ngộ, tình cảm của nhân dân như: lối sống thủy chung, ân nghĩa; truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm; truyền thống cần cù, hiếu học; những sự vật, con người thân thương, bình dị, gắn bó với cuộc sống hàng ngày, với đời sống tinh thần của của nhân dân.

+ Từ những hiện tượng cụ thể, nhà thơ đã khái quát về sự hóa thân của nhân dân vào đất nước một cách giàu chất suy tư và triết luận. Hình tượng nhân dân hiện diện ở khắp mọi miền không gian và trong suốt chiều dài thời gian, trở thành chủ nhân, linh hồn của lịch sử dân tộc, của đất nước.

- Nghệ thuật: thể thơ tự do; sử dụng các biện pháp tu từ liệt kê, trùng điệp; hai chữ Đất Nước luôn được viết hoa; sử dụng linh hoạt các chất liệu văn hóa dân gian; cách triển khai ý thơ đi từ cụ thể đến khái quát; ngôn ngữ, hình ảnh gần gũi với đời sống mà vẫn mới mẻ, gợi nhiều liên tưởng sâu sắc; giọng điệu suy tư sâu lắng.

- Đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật. Có thể theo hướng: Đoạn trích thể hiện tư tưởng Đất Nước của Nhân Dân - đất nước là sự hội tụ, kết tinh bao công sức và khát vọng của nhân dân; nhân dân chính là những người đã làm ra đất nước. Qua đây, ta thấy được lòng yêu nước, tư duy sâu sắc, mới mẻ, tài năng và phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Khoa Điềm.

* Nhận xét cách sử dụng chất liệu văn hóa dân gian được tác giả thể hiện trong đoạn trích.

- Chất liệu văn hóa dân gian được sử dụng rất phù hợp, đa dạng, linh hoạt và sáng tạo.

- Chất dân gian thấm sâu vào tư tưởng, cảm xúc của tác giả, tạo nên một đặc điểm riêng trong tư duy nghệ thuật của Nguyễn Khoa Điềm.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

---------------------------------------------

VnDoc.com vừa gửi tới bạn đọc bài viết Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2024 lần 1 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc. Mời các bạn cùng tham khảo thêm tại mục Thi THPT Quốc gia 2024.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Thi THPT Quốc gia môn Văn

    Xem thêm