Đêm nay Bác không ngủ - Hoàn cảnh sáng tác, Dàn ý phân tích tác phẩm

Đêm nay Bác không ngủ - Hoàn cảnh sáng tác, Dàn ý phân tích tác phẩm được VnDoc sưu tầm và đăng tải nhằm giới thiệu Nội dung tác phẩm, Hoàn cảnh sáng tác nằm trong chương trình giảng dạy môn Ngữ văn lớp 6. Mời quý thầy cô cùng các bạn tham khảo tài liệu dưới đây.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Để giao lưu và dễ dàng chia sẻ các tài liệu học tập hay lớp 6 để chuẩn bị cho năm học mới, mời các bạn tham gia nhóm facebook Tài liệu học tập lớp 6.

I. Đôi nét về tác giả: Minh Huệ (1927 - 2003)

- Tên khai sinh: Nguyễn Đức Thái

- Quê quán: Bên Thủy, nay thuộc phường Quang Trung, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

- Bút danh: Mai Quốc Minh, Nguyễn Thái, Minh Huệ (bút danh Minh Huệ được biết đến nhiều nhất)

- Cuộc đời:

  • Hoạt động cho Việt Minh từ năm 1945
  • Tham gia giành chính quyền ở Nghệ An trong Cách mạng tháng 8 năm 1945
  • Khi quân Pháp nổ súng tái chiếm Đông Dương, ông hoạt động tuyên truyền, văn nghệ tuyên huấn, báo chí ở Nghệ An, khu ủy khu Bốn và một số nơi.
  • Sau cách mạng, ông tiếp tục đi học và tốt nghiệp đại học Văn, được kết nạp làm Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
  • Từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Hội trưởng Hội sáng tác Văn nghệ liên khu IV; Trưởng ban thơ, lý luận, phê bình Văn học dịch Nhà xuất bản văn học; Ủy viên Ủy ban hành chính kiêm Trưởng ty Văn hóa Nghệ An; Chủ tịch Hội văn nghệ Nghệ Tĩnh; Ủy viên Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam.

- Sự nghiệp sáng tác:

  • Bắt đầu viết năm 1951, khi mới 24 tuổi
  • Sáng tác nhiều thể loại: thơ, truyện kí, bút kí nhưng thành công nhất ở mảng thơ hiện đại
  • Tác phẩm tiêu biểu: Đêm nay bác không ngủ, Tiếng hát quê hương, Đất chiến hào...

- Giải thưởng: được Nhà nước Việt Nam tặng giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.

II. Đôi nét về tác phẩm Đêm nay Bác không ngủ

1. Xuất xứ

- Bài thơ Đêm nay Bác không ngủ được:

  • Sáng tác năm 1951
  • In trong cuốn Thơ Việt Nam 1945 - 1975 của NXB Tác phẩm mới, Hà Nội vào năm 1976

2. Hoàn cảnh sáng tác

Đêm nay Bác không ngủ - Minh Huệ

Bài thơ Đêm nay Bác không ngủ được sáng tác dựa trên một sự kiện có thật: trong chiến dịch Biên giới cuối năm 1950, Bác Hồ đã trực tiếp ra mặt trận theo dõi và chỉ huy cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Và trong hồi kí của mình, nhà thơ đã kể lại cuộc gặp gỡ với một chú bộ đội vừa từ Việt Bắc trở về. Trong cuộc gặp gỡ ấy, tác giả đã lắng nghe kỉ niệm được gặp Bác trong một đêm hành quân đi chiến dịch Biên giới của chú bộ đội. Vô cùng xúc động trước tình cảm, hành động của Bác, Minh Huệ đã sáng tác ngay bài thơ Đêm nay Bác không ngủ.

3. Thể loại

- Thơ 5 chữ (thể ngũ ngôn)

4. Phương thức biểu đạt

- PTBĐ tự sự kết hợp miêu tả và biểu cảm

5. Ngôi kể

- Ngôi thứ 3

- Tác dụng: Góc nhìn từ bên ngoài giúp cho việc miêu tả những hành động, suy nghĩ của cả 2 nhân vật trong bài thơ được toàn diện và khách quan hơn. Khiến người đọc dễ dàng cảm nhận, đồng điệu với tâm hồn, lắng lo, suy tư của cả Bác và anh chiến sĩ.

6. Bố cục bài thơ Đêm nay Bác không ngủ

Gồm 3 phần:

STT Giới hạn Nội dung
Phần 1 Khổ 1
  • Thắc mắc của anh đội viên vì sao bác Hồ mãi không ngủ được.
Phần 2 Từ khổ 2 đến khổ 15
  • Câu chuyện giữa anh đội viên với Bác Hồ trong đêm rừng Việt Bắc.
Phần 3 Khổ 16
  • Lí do không ngủ của Bác Hồ.

7. Giá trị nội dung bài thơ Đêm nay Bác không ngủ

Qua câu chuyện về một đêm không ngủ của Bác Hồ trên đường đi chiến dịch, bài thơ đã thể hiện tấm lòng yêu thương sâu sắc, rộng lớn của Bác với bộ đội và nhân dân,tình cảm yêu kính, cảm phục của người chiến sĩ đối với lãnh tụ.

8. Giá trị nghệ thuật bài thơ Đêm nay Bác không ngủ

- Thể thơ năm chữ, có nhiều vần liền thích hợp với lối kể chuyện

- Kết hợp nhiều phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm

- Sử dụng linh hoạt biện pháp tu từ so sánh, kết hợp với nhiều từ láy, từ tượng hình

- Sử dụng nhiều chi tiết giản dị, chân thực và cảm động

III. Dàn ý phân tích bài thơ Đêm nay Bác không ngủ

1. Mở bài

- Khái quát những hiểu biết của bản thân về Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc

- Giới thiệu khái quát về tác giả Minh Huệ

- Giới thiệu về bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” (xuất xứ, khái quát giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật…)

2. Thân bài

2.1. Hình tượng Bác Hồ

Đêm nay Bác không ngủ - Minh Huệ

a. Hình dáng, tư thế

- Trong đêm đông giá rét, mưa lâm thâm, Bác không nằm ngủ như mọi người mà một mình ngồi trầm tư bên bếp lửa để lo nghĩ cho đất nước:

"Mà sao Bác vẫn ngồi

Đêm nay Bác không ngủ"

- Bác thức với vẻ mặt trầm ngâm, chắn chắn Bác đang suy nghĩ, trăn trở rất nhiều về vận mệnh đất nước. Suốt cuộc đời Bác luôn dành sự quan tâm, lắng lo cho đất nước, cho muôn dân chứ không lúc nào Bác suy nghĩ cho riêng bản thân mình cả:

"Lặng yên bên bếp lửa

Vẻ mặt Bác trầm ngâm"

b. Cử chỉ, hành động

"Bác vẫn ngồi đinh ninh

Chòm râu im phăn phắc"

→ Hình ảnh hoán dụ "chòm râu" ý chỉ hình ảnh Bác ngồi yên lặng, không có bất kì hành động nào, đến chòm râu cũng yên lặng theo.

→ Suốt đêm đông rét mướt, Bác ngồi yên lặng, trầm tư suy nghĩ không tạo nên âm thanh ồn ào nào ảnh hưởng đến các chiến sĩ đang ngủ cả → Thể hiện sự tập trung, kiên định khi suy nghĩ của Bác, đồng thời thể hiện sự tinh tế, chu đáo của Bác

"Rồi Bác đi dém chăn

Từng người từng người một

Sợ cháu mình giật thột

Bác nhón chân nhẹ nhàng"

→ Hành động đi dém chăn cho các chiến sĩ đã thể hiện sự quan tâm, thương yêu như một người cha dành cho các con của Bác. Đồng thời thể hiện mối quan hệ thân thiết, gắn bó giữa lãnh tụ và các chiến sĩ.

→ Chi tiết "nhón chân nhẹ nhàng" thể hiện được sự tinh thế và sự quan tâm của Bác dành cho các chú chiến sĩ. Vì lo cho giấc ngủ của các anh nên Bác đã đi thật nhẹ nhàng. Bác kiên trì dém chăn cho từng chiến sĩ, để các anh không bị lạnh.

"Đêm nay Bác ngồi đó

Đêm nay Bác không ngủ

Vì một lẽ thường tình

Bác là Hồ Chí Minh"

→ Hành động không ngủ, lo lắng cho chiến sĩ, cho dân tộc của Bác được xem là rất thường tình - bởi vì hình tượng của Bác vô cùng to lớn và vĩ đại. Bác từ trước đến nay luôn là vị lãnh tụ thương dân như con, vì nước quên mình. Chính vì thế, hình tượng của Bác nay lại càng vĩ đại hơn, gần gũi và thân thiết hơn.

c. Lời nói

- Xưng hô: chú - Bác → Xưng hô vô cùng thân mật, gần gũi - không hề có sự xa cách giữa vị lãnh tụ của một quốc gia với một người lính - qua đó thể hiện tấm lòng nhân hậu của Người.

- Ngôn từ: không cầu kì, hoa lệ mà giản dị, thân thiết - giúp kéo gần khoảng cách giữa Bác và anh chiến sĩ.

- Nội dung:

"Chú cứ việc ngủ ngon

Ngày mai đi đánh giặc

Bác thức thì mặc Bác"

→ Lời nói thể hiện sự quan tâm đến cuộc sống của chiến sĩ - muốn các anh được ngủ thật ngon, có sức khỏe, trạng thái thật tốt - lời quan tâm đơn giản những thấm đượm tình cảm của người cha.

→ Cùng với đó, Bác không quên nhắc nhở về nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này - đó là đánh giặc - đây là vấn đề được coi trọng nhất → Vì thế, mọi người cần dồn toàn lực cho việc đánh giặc, dù là Bác cũng không để ảnh hưởng đến việc chung.

"Bác ngủ không an lòng

...

Bác thương đoàn dân công

Đêm nay ngủ ngoài rừng

Rải lá cây làm chiếu

Manh áo phủ làm chăn

...

Trời thì mưa lâm thâm

Làm sao cho khỏi ướt!

Càng thương càng nóng ruột

Mong trời sáng mau mau"

→ Đến đây lý do mà Bác thức cả đêm đã được sáng rõ: Bác không ngủ được vì quá lo lắng cho các chiến sĩ, đoàn dân công đang phải chịu khổ, chịu rét để tham gia góp sức cho cuộc kháng chiến của toàn dân ngoài kia.

→ Vì quá lo lắng, nên người không cách nào ngủ được, cồn cào hết cả ruột gan 

→ Từ đó, tô đậm hơn hình ảnh người cha già nhân hậu của Bác Hồ.

2.2. Tâm tư của người chiến sĩ

a. Trong lần thức dậy thứ nhất: 

- Anh đã rất thương Bác khi đã khuya như vậy mà Bác vẫn chưa ngủ "Càng nhìn lại càng thương"

- Chính vì thế anh rất lo lắng khi thấy Bác cứ thức hoài:

  • Lo cho Bác nên dù nằm xuống nhưng anh cứ mơ màng, lâng lâng, trằn trọc không thể ngủ  được
  • Vậy nên, anh không thể dằn lòng được mà thì thầm hỏi Bác "Bác có lạnh lắm không" - anh rất lo cho Bác khi Bác không nằm ngủ trong chăn mà ngồi giữa không khí giá buốt của mùa đông Việt Bắc 
  • Tuy Bác bảo anh cứ việc ngủ ngon để mai đi đánh giặc, anh đã nhắm mắt lại nhưng trong bụng vẫn bồn chồn, lo sợ Bác bị ốm
  • Trong tâm trí anh là những suy nghĩ lo lắng cho sức khỏe của Bác khi chiến dịch vẫn còn kéo dài, đường đi thì khó khăn, nếu Bác cứ thức như vậy thì lấy sức đâu mà đi

→ Những lo lắng, trăn trở của anh chiến sĩ đã thể hiện được tình yêu thương, quý trọng, kính mến của anh chiến sĩ nói riêng và cả dân tộc nói chung dành cho người cha già vĩ đại. 

- Cảm nhận về Bác của anh chiến sĩ:

"Người Cha mái tóc bạc

Đốt lửa cho anh nằm"

→ Từ Cha được viết hoa như một danh từ riêng, bởi Bác đã luôn quan tâm, chăm sóc đến từng chi tiết cho các chiến sĩ và người dân. Bác đối xử với mọi người bằng tình thương của một người cha hiền hậu. Đối với anh chiến sĩ, Bác chính là một người cha vĩ đại.

"Bóng bác cao lồng lộng

Ấm hơn ngọn lửa hồng"

→ Tác giả so sánh hình bóng bác với ngọn lửa hồng - điểm chung ở đây chính là sự ấm áp, sưởi ấm tâm hồn, trái tim và cả con người. Sự quan tâm, yêu thương, dìu dắt được thể hiện trong từng hành động (dém chăn, nhón chân nhẹ nhàng) của Bác.

→ Hơn thế nữa, sự tồn tại của Bác chính là ánh sáng soi đường, dẫn lối cho nhân dân ta chiến đấu dành lại độc lập, bước khỏi đêm trường nô lệ, giống như ánh lửa bập bùng soi sáng cho ta trong đêm. Đối với anh, Bác vô cùng cao lớn và vĩ đại

⇔ Như vậy, các khổ thơ đã thể hiện sự quan tâm, yêu thương, kính trọng, ngưỡng mộ và quý mến Bác của anh chiến sĩ - và đây cũng là những tình cảm chung của hàng triệu người dân Việt nam.

b. Trong lần thức dậy thứ 3:

- Khi anh thức dậy lần thứ 3 thì đêm đã quá nửa, vì vậy khi thấy Bác vẫn còn thức, anh vô cùng hoảng hốt → Sự hoảng hốt ấy, chính bởi anh quá lo lắng cho sức khỏe của Bác.

- Vì thế lần này anh đã tìm cách thuyết phục Bác đi ngủ:

"Anh vội vàng nằng nặc

- Mời Bác ngủ Bác ơi!

Trời sắp sáng mất rồi

Bác ơi! Mời Bác ngủ!"

  • Từ láy "vội vàng" miêu tả hành động nhanh chóng, ngay tức thì của anh chiến sĩ - dù đêm đông rét mướt nhưng vì lo cho Bác anh đã chạy ra khỏi chăn ngay mà không ngần ngại gì.
  • Từ láy "nằng nặc" thể hiện thái độ kiên trì, quyết tâm, tha thiết mong Bác đi ngủ của anh chiến sĩ - không giống như lần đầu tiên thức dậy (hỏi nhỏ) - lần này anh đã đứng dậy, quyết tâm dùng hành động để mời bác đi ngủ
  • Việc lặp các cụm từ "Bác ơi" và "Mời Bác ngủ" cùng việc đảo ngữ (đảo vị trí 2 cụm từ được lặp) thể hiện sự thiết tha, năn nỉ, bồn chồn của anh chiến sĩ khi cố thuyết phục Bác đi ngủ

→ Khổ thơ thể hiện rõ nét những tình cảm thân thiết, sự quan tâm, yêu thương của anh chiến sĩ dành cho Bác Hồ.

c. Anh chiến sĩ quyết định thức đêm cùng Bác

"Anh đội viên nhìn Bác

Bác nhìn ngọn lửa hồng

Lòng vui sướng mênh mông

Anh thức luôn cùng Bác"

→ Khi không thể khuyên Bác đi ngủ được và thấu hiểu lý do cao cả mà Bác không ngủ, anh chiến sĩ đã quyết định thức đêm cùng Bác

→ Anh thức cùng niềm vui sướng, hạnh phúc mênh mông trong lòng mình:

  • Niềm vui được thức cùng người Cha mình luôn kính yêu, ngưỡng mộ
  • Niềm vui như được san sẻ bớt nỗi lo, mệt nhọc cùng với Bác
  • Niềm vui khi dân tộc Việt Nam may mắn có được một vị lãnh tụ vĩ đại, thương dân giống như Bác

3. Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ:

  • Nội dung: bài thơ đã thể hiện tấm lòng yêu thương sâu sắc, rộng lớn của Bác với bộ đội và nhân dân,tình cảm yêu kính, cảm phục của người chiến sĩ đối với lãnh tụ
  • Nghệ thuật: thể thơ năm chữ, kết hợp nhiều phương thức biểu đạt, sử dụng chi tiết giản dị,…

- Cảm nhận của bản thân về Bác.

Như vậy là chúng tôi đã giới thiệu cho các bạn bài Đêm nay Bác không ngủ - Hoàn cảnh sáng tác, Dàn ý phân tích tác phẩm. Mời các bạn tham khảo thêm đề thi học kì 1 lớp 6, văn mẫu lớp 6 cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài.

Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 6 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 6. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

Đánh giá bài viết
61 23.701
Sắp xếp theo

Lý thuyết Ngữ văn 6 KNTT

Xem thêm