Bài học đường đời đầu tiên- Hoàn cảnh sáng tác, Dàn ý phân tích tác phẩm

Bài học đường đời đầu tiên - Hoàn cảnh sáng tác, Dàn ý phân tích tác phẩm được VnDoc sưu tầm và đăng tải nhằm giới thiệu Nội dung tác phẩm, Hoàn cảnh sáng tác nằm trong chương trình giảng dạy môn Ngữ văn lớp 6. Tài liệu giúp các em nắm vững những thông tin chính về tác giả, tác phẩm, từ đó dễ dàng triển khai các đề văn liên quan tới tác phẩm dễ dàng hơn.

I. Đôi nét về tác giả Tô Hoài (1920 - 2014)

- Tên khai sinh: Nguyễn Sen

- Quê quán:

  • Sinh ra tại quê nội ở thôn Cát Động, thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) - làm nghề thủ công
  • Lớn lên ở quê ngoại - làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội

- Bút danh: Tô Hoài được tạo nên bởi 2 địa danh có ý nghĩa với cuộc đời ông là sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức.

- Cuộc đời: từ khi còn là thanh niên ông đã phải làm nhiều công việc để kiếm sống như dạy trẻ, bán hàng, kế toán hiệu buôn..., cũng có những lúc ông phải chịu cảnh thất nghiệp.

- Sự nghiệp văn chương:

  • Tô Hoài viết văn từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 và nhanh chóng được công chúng chú ý đến
  • Ông có khối lượng tác phẩm phong phú và đa dạng, gồm nhiều thể loại như truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận, báo chí...

- Tác phẩm tiêu biểu:

  • Dế Mèn phiêu lưu kí (truyện dài. 1941)
  • O chuột (tập truyện ngắn, 1942)
  • Truyện Tây Bắc (tập truyện, 1853)...

- Phong cách viết: tôn trọng sự thật trong đề tài, nội dung, sáng tác kết hợp với lối trần thuật tài hoa, vốn từ linh hoạt, các sáng tác của ông đều có sự kết hợp với các vùng miền khác nhau tạo nên nét sống động, hấp dẫn.

- Giải thưởng: năm 1996, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật

II. Đôi nét về tác phẩm Bài học đường đời đầu tiên

1. Xuất xứ

- Bài học đường đời đầu tiên”(tên do người biên soạn đặt) trích từ chương I của tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí”

- Dế Mèn phiêu lưu kí:

  • Được in lần đầu năm 1941 - là tác phẩm nổi tiếng và đặc sắc nhất của Tô Hoài viết về loài vật, dành cho lứa tuổi thiếu nhi.
  • Dung lượng: 10 chương
  • Nội dung: kể về những cuộc phiêu lưu của Dế Mèn qua thế giới những loài vật nhỏ bé

2. Thể loại

- Bài học đường đời đầu tiên thuộc thể loại kí, nhưng về bản chất vẫn là một "tiểu thuyết đồng thoại" được sáng tạo chủ yếu bằng yếu tố tưởng tượng và nhân hóa.

3. Phương thức biểu đạt

- PTBĐ tự sự kết hợp miêu tả và biểu cảm

- Trong đó PTBĐ chính là tự sự

4. Ngôi kể

- Ngôi thứ nhất, xưng "tôi"

- Tác dụng của việc dùng ngôi thứ nhất để kể chuyện: làm tăng thêm ý nghĩa của biện pháp nhân hóa đã được dùng lên Dế Mèn, khiến Dế Mèn như là một con người biết suy nghĩ và có hành động cụ thể đang tự miêu tả, tự kể về cuộc đời mình. Từ đó làm cho câu chuyện trở nên thân mật hơn, gần gũi hơn.

5. Tóm tắt văn bản Bài học đường đời đầu tiên

Bài học đường đời đầu tiên - Tô Hoài

Tóm tắt Bài học đường đời đầu tiên siêu ngắn mẫu 1

Bài học đường đời đầu tiên kể về một chàng dế có tên là Dế Mèn. Với ngoại hình cười tráng, mạnh mẽ, Dế Mèn nảy sinh tính tự mãn về mình. Cậu ta thường bày trò nghịch ngợm, chọc phá khiến mọi người xung quanh phải khó chịu. Một lần, cậu ta bày trò nghịch dại khiến chị Cốc - một kẻ nóng tính bực mình. Chị ta đã hiểu nhầm Dế Choắt tội nghiệp là kẻ gây nên mọi chuyện nên đã mổ liên tục vào tổ khiến Dế Choắt qua đời. Điều đó khiến Dế Mèn rất đau khổ và hối hận. Nó trở thành bài học đầu tiên, khiến cậu thay đổi bản thân mình.

Tóm tắt Bài học đường đời đầu tiên siêu ngắn mẫu 2

Dế Mèn là chàng dế thanh niên cường tráng biết ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực. Tuy nhiên Dế Mèn tính tình kiêu căng, tự phụ luôn nghĩ mình “là tay ghê gớm, có thể sắp đứng đầu thiên hạ”. Bởi thế mà Dế Mèn không chịu giúp đỡ Dế Choắt- người hàng xóm trạc tuổi Dế Mèn với vẻ ngoài ốm yếu, gầy gò như gã nghiện thuốc phiện. Dế Mèn vì thiếu suy nghĩ, lại thêm tính xốc nổi đã bày trò nghịch dại trêu chị Cốc khiến Dế Choắt chết oan. Trước khi chết, Dế Choắt tha lỗi và khuyên Dế Mèn bỏ thói hung hăng, bậy bạ. Dế Mèn sau khi chôn cất Dế Choắt vô cùng ân hận và suy nghĩ về bài học đường đời đầu tiên.

(Mời các bạn tham khảo thêm Tóm tắt Bài học đường đời đầu tiên Ngắn gọn lớp 6)

6. Bố cục văn bản Bài học đường đời đầu tiên 

- Gồm 2 phần:

STTGiới hạnNội dung
Phần 1Từ đầu → "đứng đầu thiên hạ rồi"
  • Bức chân dung tự họa của Dế Mèn
Phần 2Phần còn lại
  • Bài học đường đời đầu tiên của  Dế Mèn

7. Giá trị nội dung văn bản Bài học đường đời đầu tiên

Bài văn miêu tả Dế Mèn có vẻ đẹp cường tráng của tuổi trẻ nhưng tính nết còn kiêu căng, xốc nổi. Do bày trò trêu chọc chị Cốc nên đã gây ra cái chết thảm thương cho Dế Choắt, Dế Mèn hối hận và rút ra được bài học đường đời cho mình.

8. Giá trị nghệ thuật văn bản Bài học đường đời đầu tiên

- Cách kể chuyện theo ngôi thứ nhất tự nhiên, hấp dẫn

- Nghệ thuật miêu tả loài vật sinh động, đặc sắc

- Ngôn ngữ chính xác, giàu tính tạo hình

III. Phân tích văn bản Bài học đường đời đầu tiên

1. Mở bài

- Giới thiệu về tác giả Tô Hoài (tiểu sử, sự nghiệp sáng tác…)

- Giới thiệu về văn bản Bài học đường đời đầu tiên (xuất xứ, tóm tắt, khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật…)

2. Thân bài

2.1. Hình ảnh Dế Mèn (do chính Mèn tự miêu tả)

Ngoại hìnhHành động
  • Càng: mẫm bóng
  • Vuốt: cứng, nhọn hoắt
  • Cánh: áo dài chấm đuôi
  • Đầu: to, nổi từng tảng
  • Răng: đen nhánh, nhai ngoàm ngoạp
  • Râu: dài, cong vút
  • Đi đứng oai vệ, làm điệu, nhún chân, rung đùi
  • Quát mấy chị cào cào, đá ghẹo anh gọng vó
  • Co cẳng, đạp phanh phách vào các ngọn cỏ, dáng điệu tỏ vẻ con nhà võ.
  • Nhai ngoàm ngoạm, trịnh trọng vuốt râu

→ Dế Mèn là một chàng thanh niên có vẻ ngoài tự tin, khỏe mạnh, cường tráng

⇒ Với ngoại hình, sức khở và hành động như vậy, Dế Mèn nghĩ rằng mình sắp đứng đầu thiên hạ được rồi.

⇒ Dế Mèn là một chàng dế thanh niên khỏe mạnh, cường tráng, hùng dũng, oai vệ nhưng tính tình kiêu căng, hợm hĩnh, xốc nổi, chưa biết tự hiểu lấy mình.

2.2. Bài học đường đời đầu tiên của Dế Mèn

a. Hình ảnh Dế Choắt:

  • Trạc tuổi Dế Mèn
  • Người gầy gò, cánh ngắn cũn, càng bè bè, râu cụt

→ Dế Choắt là người xấu xí, yếu đuối, trái ngược hoàn toàn với Dế Mèn

b. Thái độ của Dế Mèn đối với Dế Choắt:

  • Lời lẽ, giọng điệu bề trên, xưng hô “chú mày”
  • Cư xử : ích kỷ, không thông cảm, bận tâm gì về việc giúp đỡ Choắt
  • Đánh giá về Dế Choắt: một kẻ xấu xí, yếu ớt, lười nhác, đáng khinh

→ Vì vậy, Dế Mèn luôn từ chối sự nhờ vả của Dế Choắt, đồng thời rất xem thường Choắt, tỏ vẻ trịch thượng, tìm cơ hội để ra oai với cậu ta.

→ Dế Mèn là một chàng thành niên kiêu căng, hách dịch, không biết yêu thương, san sẻ với người khác mà trái lại, luôn khinh thường người hàng xóm yếu đuối của mình.

c. Dế Mèn trêu chọc chị Cốc

- Dế Mèn tìm chị Cốc để trêu chọc:

  • Sau cơn mưa lớn thì nước ở những ao hồ dâng lên mênh mông, nhiều loài vật tụ tập về đây (cò, sếu, vạc, cốc, le, sâm cầm, vịt trời, bồ nông, mòng, két...) → Mèn cho rằng đó là những kẻ yếu đuối, vật lộn cơ cực kiếm sống → Tự cho mình là lớn lao hơn, đứng cao hơn để nhìn xuống và phán xét
  • Chị Cốc đang kiếm ăn và nghỉ ngơi trước hang của Dế Mèn - không có hành động nào ảnh hưởng đến chàng ta cả

→ Thế nhưng Dế Mèn lại quyết định trêu chọc chị Cốc, với suy nghĩ vô cùng táo tợn

- Dế Mèn rủ Dế Choắt cùng trêu chị Cốc: 

  • Xưng hô chú - tớ, mày - tao
  • Cất tiếng gọi - nghe tiếng thưa
  • Các câu nói trống không, cụt lủn, không có chủ ngữ
  • Quát, mắng, sùng sộ khi Choắt từ chối chơi cùng

→ Dế Mèn rủ Dế Choắt chơi với thái độ hợm hĩnh, trịch thượng đang rủ lòng thương cho Choắt chơi cùng chứ không phải là đang mời một người bạn chơi chung

→ Đặc biệt câu nói "Mày bảo tao biết sợ ai hơn tao nữa" thể hiện sự ngông cuồng, không biết sợ hãi, không biết trời cao đất dày của Mèn.

- Tâm trạng của Dế Mèn sau khi trêu chọc chị Cốc:

  • Hả hê vì trò đùa tai quái của mình: chui vào trong hang nằm khểnh, bụng nghĩ thú vị…
  • Sợ hãi khi nghe tiếng chị Cốc mổ Dế Choắt: nằm im thin thít

→ Tâm trạng Dế Mèn thay đổi liên tục, sau sự sung sướng vì chọc ngoáy thành công là sự sợ hãi vì màn trả thù đáng sợ của mụ Cốc - khiến Mèn giật mình nhận ra mình không phải là kẻ mạnh nhất như lâu nay vẫn cho rằng.

- Kết quả của màn trêu chọc chị Cốc: Dế Choắt đáng thương qua đời → Khiến cho Dế Mèn nhận được bài học đắt giá đầu tiên trong cuộc đời.

Bài học đường đời đầu tiên - Tô Hoài

- Thái độ của Dế Mèn trước sự ra đi của Dế Choắt:

  • Hốt hoảng, lo sợ, bất ngờ trước cái chết và lời khuyên của Dế Choắt
  • Ân hận, chân thành sám hối: đứng yên lặng trước mộ Dế Choắt

- Bài học đường đời đầu tiên của Dế Mèn: ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy.

3. Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản

  • Nội dung: Bài văn miêu tả Dế Mèn có vẻ đẹp cường tráng của tuổi trẻ nhưng tính nết còn kiêu căng, xốc nổi. Do bày trò trêu chọc chị Cốc nên đã gây ra cái chết thảm thương cho Dế Choắt, Dế Mèn hối hận và rút ra được bài học đường đời cho mình
  • Nghệ thuật: cách kể chuyện theo ngôi thứ nhất tự nhiên, miêu tả loài vật sinh động, ngôn ngữ chính xác, giàu tính tạo hình…

- Bài học cho bản thân: không được kiêu căng, hợm hĩnh, phải biết yêu thương và giúp đỡ người khác…

.....................

Ngoài Bài học đường đời đầu tiên- Hoàn cảnh sáng tác, Dàn ý phân tích tác phẩm, các bạn tham khảo thêm Ngữ văn 6 - Kết nối, Văn mẫu lớp 6 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 6. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Đánh giá bài viết
48 17.936
Sắp xếp theo

    Lý thuyết Ngữ văn 6 KNTT

    Xem thêm