Từ xưa đến nay, ca dao tục ngữ vẫn có sức giáo dục vô cùng mạnh mẽ, giúp mỗi con người hoàn thiện nhân cách và có cuộc sống tốt đẹp hơn. Cùng với bao thăng trầm của lịch sử, những câu tục ngữ vẫn luôn là một phần quan trọng trong tâm thức của những người dân Việt Nam. Một trong số đó là câu: “Một điều nhịn chín điều lành”.
Trước tiên, chúng ta hãy cùng giải thích câu tục ngữ. “Nhịn” ở đây là sự nhường nhịn, nhẫn nại trong giao tiếp và hành động. Còn “lành” là kết quả tốt đẹp, như mọi người mong muốn. “Một” và “chín” đều là những số từ phiếm chỉ. Vậy, ý của câu tục ngữ muốn khuyên chúng ta rằng: Nên nhường nhịn, nhún nhường một chút để đạt được kết quả tốt đẹp lâu dài về sau.
Câu tục ngữ đã thể hiện được sự tinh tế trong cách ứng xử của người xưa. Vậy tại sao ông cha ta lại khuyên như thế? Trong cuộc sống, mọi chuyện không phải lúc nào cũng êm đẹp hay thuận buồn xuôi gió. Đôi lúc chúng ta cũng sẽ gặp phải những chuyện không đâu, những bất đồng làm cho bản thân khó chịu, tức giận, không giữ nổi bình tĩnh. Trong các trường hợp ấy, nếu chúng ta vội vàng, hấp tấp, cố tìm hiểu, điều tra đến cùng, kết quả chẳng những không được như mong muốn mà còn làm rạn nứt các mối quan hệ. Những lúc như thế, điều cần làm là ta phải bình tĩnh, suy xét đầu đuôi kĩ càng, lời lẽ nhã nhặn, thậm chí có thể chịu thua thiệt về mình để lợi ích và những mối quan hệ được bền lâu. Khi làm việc trong một tập thể mà không biết nhường nhịn nhau thì sẽ dẫn đến nội bộ lục đục. Vợ chồng, bạn bè cãi nhau mà không ai chịu nhường ai thì tình cảm đi xuống, khó có thể chung sống lâu dài. Vậy nên, chúng ta cần dĩ hòa vi quý để tránh những tranh cãi, xô xát không đáng có. Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn không chỉ là một nhà quân sự tài ba mà còn rất tinh tế trong cách hành xử. Ông đã biết gạt bỏ tư thù, ân oán trong gia đình, cùng với Trần Quang Khải phò tá vua Trần, ba lần đánh thắng giặc Mông Nguyên. Hay trong các cuộc thương lượng, đàm phán, các nhà ngoại giao đều phải hết sức cẩn thận, nhún nhường nhau từng chút một để đi đến đạt được lợi ích chung.
Tuy nhiên, nói “một điều nhịn chín điều lành” cũng không có nghĩa là nhu nhược, hèn nhát, chỉ biết chiều theo ý người khác. Nhường nhịn ở đây là lùi một bước để tiến hai bước. Tuy nhiên, để bảo vệ danh dự cũng như lợi ích cá nhân, chúng ta cũng phải đấu tranh đến cùng để người khác không vì thấy ta nhẫn nhục mà làm càn tiến tới. Nhẫn nhịn chỉ phát huy tác dụng khi ta bảo vệ cái đúng chứ không phải là điều vô lí.
Qua câu tục ngữ, ta cũng cần phê phán những người không biết nhường nhịn, hay so đo, tính toán, chấp vặt. Những con người ấy sẽ dễ làm mếch lòng người khác trong cuộc sống, không thể đắc nhân tâm vì đã đi ngược lại bài học mà người xưa răn dạy.
Mỗi chúng ta cần vận dụng những điều hay mà ông cha truyền lại để có thể thu phục lòng người, đạt được những kết quả tốt đẹp trong các mối quan hệ và trong công việc. Chi khi ta biết dĩ hòa vi quý đúng lúc thì mới có thể bình yên lâu dài.
Câu tục ngữ là hành trang quý báu sẽ theo ta đi suốt cuộc đời. Qua câu tục ngữ, ta cũng phần nào thấy được sự uyên thâm trong trí tuệ cùng cách ứng xử tinh tế, phù hợp của người xưa.