Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 năm 2021 Hà Nội

Hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2021-2022

Công văn 1146/SGDĐT-QLT của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội về việc hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2021-2022.

UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

______

Số: 1146/SGDĐT-QLT

V/v Hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2021-2022

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

________________________

Hà Nội, ngày 09 tháng 4 năm 2021

Kính gửi:

- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã;

- Hiệu trưởng các trường trung học phổ thông;

- Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận, huyện, thị xã.

Căn cứ các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT): Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở (THCS), trường trung học phổ thông (THPT) và trường phổ thông có nhiều cấp học; Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT ngày 03/5/2019 ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT; Văn bản hợp nhất số 20/VBHN-BGDĐT ngày 30/5/2014 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động trường THPT chuyên; Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT của Bộ GDĐT được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 05/2021/TT-BGDĐT ngày 12/3/2021 (gọi tắt là Quy chế thi); Quyết định số 01/2007/QĐ-BGDĐT ngày 02/01/2007 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX); Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở GDĐT thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV 19/10/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ GDĐT - Bộ Nội vụ hướng dẫn việc sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm GDTX, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX); chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trung tâm GDNN-GDTX; Công văn số 1392/BGDĐT-GDTrH ngày 05/4/2017 về việc thực hiện một số quy định về đánh giá học sinh (HS) THCS mô hình trường học mới từ năm học 2016-2017; Công văn số 1461/BGDĐT-GDTrH ngày 08/4/2019 về việc xét tốt nghiệp HS mô hình trường học mới; Công văn số 5814/BGDĐT-GDTrH ngày 07/12/2017 về việc tổ chức các cuộc thi dành cho HS phổ thông từ năm học 2017-2018; Công văn số 2216/BGDĐT-GDTrH ngày 23/5/2019 về việc quy định đối tượng tuyển thẳng HS vào THPT;

Căn cứ các văn bản chỉ đạo của UBND Thành phố: Quyết định số 839/QĐ-UBND ngày 19/02/2021 về việc phê duyệt Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022; Công văn số 1026/UBND-KGVX ngày 08/4/2021 về việc điều chỉnh thời gian tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 và thi, tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022,

Sở GDĐT Hà Nội hướng dẫn các phòng GDĐT, các trường: THPT chuyên, THPT công lập, THPT công lập tự chủ tài chính (TCTC), THPT ngoài công lập (sau đây gọi chung là các trường THPT), các trung tâm GDNN-GDTX chuẩn bị và tổ chức triển khai công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022, nội dung cụ thể như sau:

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh của Bộ GDĐT, đảm bảo chính xác, công bằng, khách quan; đảm bảo 100% HS đã tốt nghiệp THCS có nguyện vọng (NV) tiếp tục đi học đều được tuyển vào các trường THPT, các trung tâm GDNN- GDTX và các cơ sở giáo dục (CSGD) nghề nghiệp có tuyển HS tốt nghiệp THCS;

2. Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện;

3. Hướng dẫn tuyển sinh đầy đủ, rõ ràng, công khai, tạo thuận lợi cho HS và cha mẹ HS;

4. Phân công nhiệm vụ cụ thể; cá nhân chịu trách nhiệm với nhiệm vụ được giao trước cấp trên trực tiếp, thủ trưởng đơn vị là người chịu trách nhiệm cuối cùng về công tác thi và tuyển sinh.

B. ĐĂNG KÝ DỰ TUYỂN

I. ĐỐI TƯỢNG DỰ TUYỂN

HS đã tốt nghiệp THCS chương trình giáo dục phổ thông hoặc chương trình GDTX.

II. ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN

1. Độ tuổi dự tuyển

a) Quy định chung: tuổi của HS vào học lớp 10 là 15 tuổi.

b) Một số trường hợp đặc biệt:

- HS đã được học vượt lớp ở các cấp học trước hoặc HS vào cấp học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định thì tuổi vào lớp 10 được giảm hoặc tăng căn cứ vào tuổi của năm tốt nghiệp THCS;

- HS là người dân tộc thiểu số, HS khuyết tật, HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, HS ở nước ngoài về nước có thể vào cấp học ở tuổi cao hơn tối đa 3 tuổi so với quy định;

- HS thiếu một tuổi do tồn tại từ những năm học trước: trường THCS lập danh sách (theo mẫu) những HS có đủ điều kiện về học lực, sức khỏe và có đơn xin học THPT trước một tuổi; phòng GDĐT tập hợp danh sách (mẫu M04) và trình Sở GDĐT duyệt vào ngày 21/5/2021;

- Các trường hợp khác, phòng GDĐT lập danh sách báo cáo Sở GDĐT để xem xét giải quyết.

2. Điều kiện về hộ khẩu

a) Dự tuyển vào trường THPT công lập:

- HS hoặc bố, mẹ của HS có hộ khẩu thường trú (HKTT) tại Hà Nội.

- HS hoặc bố, mẹ của HS đã hoàn thành thủ tục nhập HKTT, có giấy hẹn nhận kết quả của công an quận, huyện, thị xã.

- Riêng Trường THPT Chu Văn An: Ngoài những HS có đủ điều kiện về hộ khẩu như trên thì HS ở các tỉnh, thành phố phía Bắc từ Thanh Hóa trở ra có xếp loại hạnh kiểm tốt, học lực giỏi năm học lớp 9 và đạt giải chính thức trong kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh được đăng ký dự tuyển.

b) Dự tuyển vào trường THPT công lập TCTC, trường THPT ngoài công lập: HS thuộc các diện trên (mục a); HS cư trú tại Hà Nội (có xác nhận cư trú tại địa bàn của công an cấp phường, xã, thị trấn).

3. Điều kiện về ngoại ngữ khi đăng ký học tại THPT

a) Các chương trình ngoại ngữ được tổ chức tại các trường THPT bao gồm:

- Chương trình tiếng Anh: được tổ chức tại tất cả các trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Chương trình tiếng Nhật (ngoại ngữ 1): được tổ chức tại ba trường THPT là Chu Văn An, Kim Liên, Việt Đức. Trường hợp HS đăng ký học lớp tiếng Nhật nhưng không trúng tuyển, sẽ được xét tuyển vào lớp tiếng Anh ở các NV đã đăng ký.

- Chương trình tiếng Pháp song ngữ: được tổ chức tại hai trường THPT là chuyên Hà Nội - Amsterdam và Chu Văn An.

- Chương trình tiếng Pháp tăng cường: được tổ chức tại trường THPT Việt Đức.

- Chương trình tiếng Pháp hệ 3 năm: được tổ chức tại trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (hệ chuyên) và THPT Sơn Tây (hệ không chuyên).

- Chương trình tiếng Đức (ngoại ngữ 2) hệ 7 năm: được tổ chức tại trường THPT Việt Đức cho các HS đã được học tiếng Đức trong 4 năm ở cấp THCS và tiếng Đức đạt trình độ A2 trở lên theo khung tham chiếu Châu Âu (những HS thuộc đối tượng trên sau đây gọi chung là nhóm Đức 2-7).

b) Điều kiện để đăng ký học các chương trình ngoại ngữ tại THPT: Chi tiết xem tại Phụ lục 1

III. HỒ SƠ DỰ TUYỂN VÀ HỒ SƠ NHẬP HỌC

1. Hồ sơ dự tuyển

a) Phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 (mẫu M01);

b) Giấy khai sinh (bản sao);

c) Bằng tốt nghiệp THCS hoặc bổ túc THCS hoặc Giấy chứng nhận tốt nghiệp THCS tạm thời (đối với HS tốt nghiệp THCS năm học 2020-2021) do trường THCS, trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm GDNN-GDTX (sau đây gọi chung là CSGD) cấp;

d) Học bạ (bản chính);

đ) HKTT (bản chứng thực) hoặc xác nhận HS cư trú tại địa bàn của công an cấp phường, xã, thị trấn (bản chính, nếu có);

e) Giấy xác nhận chế độ ưu tiên do cơ quan có thẩm quyền cấp, giấy cho phép được học vượt lớp, vào học sớm hoặc muộn so với quy định chung ở cấp học dưới (nếu có);

g) Giấy xác nhận “không trong thời gian thi hành án phạt tù; cải tạo không giam giữ hoặc vi phạm pháp luật” do chính quyền cấp xã, phường nơi cư trú cấp (đối với thí sinh tự do - là thí sinh đã tốt nghiệp THCS chương trình giáo dục phổ thông hoặc chương trình GDTX từ những năm học trước).

2. Nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển

a) Thí sinh tốt nghiệp THCS năm học 2020-2021 tại các CSGD nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển tại CSGD nơi HS đang học.

b) Thí sinh tự do; thí sinh học tập ở tỉnh ngoài nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển tại phòng GDĐT nơi thí sinh hoặc bố, mẹ thí sinh cư trú.

c) Thí sinh tốt nghiệp THCS năm học 2020-2021 tại các tỉnh, thành phố phía Bắc từ Thanh Hóa trở ra, đủ điều kiện đăng ký dự tuyển vào lớp chuyên hoặc lớp không chuyên của Trường THPT Chu Văn An, nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển tại phòng GDĐT Cầu Giấy (số 485 đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy).

3. Hồ sơ nhập học, rút hồ sơ

- Toàn bộ hồ sơ dự tuyển nêu trong mục B.III.1 ở trên (trừ Phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022), HS sẽ được nhận lại cùng với Phiếu báo kết quả thi vào ngày 30/6/2021 tại CSGD nơi HS ĐKDT.

- HS sử dụng hồ sơ này để nhập học tại các trường THPT, trung tâm GDNN- GDTX, CSGD nghề nghiệp đủ điều kiện trúng tuyển.

- Trong thời gian tuyển sinh, HS đã nộp hồ sơ nhập học, được quyền rút hồ sơ (nếu có nhu cầu); các trường tạo điều kiện để HS rút hồ sơ và xóa tên khỏi danh sách trúng tuyển, đồng thời thực hiện thao tác hủy nhập học trên hệ thống phần mềm. Trường hợp HS có NV chuyển trường sang tỉnh, thành phố khác để học tập, nhà trường làm thủ tục chuyển trường, không xóa tên HS trong danh sách trúng tuyển.

IV. KHU VỰC TUYỂN SINH

1. Phân chia và quy định khu vực tuyển sinh khi đăng ký dự tuyển

a) Toàn thành phố có 12 khu vực tuyển sinh (KVTS) như sau:

- KVTS 1: gồm quận Ba Đình, Tây Hồ.

- KVTS 2: gồm quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng.

- KVTS 3: gồm quận Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy.

- KVTS 4: gồm quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì.

- KVTS 5: gồm quận Long Biên và huyện Gia Lâm.

- KVTS 6: gồm huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.

- KVTS 7: gồm quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và huyện Hoài Đức, Đan Phượng.

- KVTS 8: gồm huyện Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì.

- KVTS 9: gồm huyện Thạch Thất, Quốc Oai.

- KVTS 10: gồm quận Hà Đông, huyện Chương Mỹ, Thanh Oai.

- KVTS 11: gồm huyện Thường Tín, Phú Xuyên.

- KVTS 12: gồm huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức.

b) HS được đăng ký dự tuyển tối đa vào ba trường THPT công lập, xếp theo thứ tự NV1, NV2 và NV3, trong đó NV1, NV2 phải vào trường THPT thuộc KVTS mà HS hoặc bố, mẹ của HS có HKTT, NV3 có thể vào trường THPT thuộc một KVTS bất kỳ.

2. Các trường hợp không theo quy định về khu vực tuyển sinh

a) HS đăng ký dự tuyển vào lớp chuyên tại các trường THPT chuyên và các trường THPT có lớp chuyên.

b) HS đăng ký dự tuyển vào các trường THPT công lập TCTC và THPT ngoài công lập.

c) HS đăng kí dự tuyển học chương trình thí điểm đào tạo song bằng tú tài.

d) HS đăng kí dự tuyển học chương trình tiếng Pháp song ngữ hoặc chương trình tiếng Pháp tăng cường.

đ) Một số trường hợp đặc biệt khác được quy định tại Mục C.I.1.a.

3. Đổi khu vực tuyển sinh

a) Những HS thuộc vùng giáp ranh giữa các KVTS hoặc có chỗ ở thực tế khác với nơi đăng ký HKTT... được phép đổi KVTS với điều kiện: NV1 và NV2 phải ĐKDT vào 2 trường THPT công lập trong KVTS đã thay đổi, NV còn lại (nếu có) thuộc KVTS bất kỳ.

b) HS có đơn xin đổi KVTS (mẫu M02), trong đơn nêu rõ lý do đổi và được Thủ trưởng CSGD xác nhận.

V. CHẾ ĐỘ ƯU TIÊN, TUYỂN THẲNG

1. Chế độ ưu tiên

a) Cộng 1,5 điểm cho một trong các đối tượng: con liệt sĩ; con thương binh mất sức lao động từ 81% trở lên; con bệnh binh mất sức lao động từ 81% trở lên; con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên”; con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; con của người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; con của người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;

b) Cộng 1,0 điểm cho một trong các đối tượng: con của Anh hùng lực lượng vũ trang, con của Anh hùng lao động, con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng; con thương binh mất sức lao động dưới 81%; con bệnh binh mất sức lao động dưới 81%; con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%”;

c) Cộng 0,5 điểm cho một trong các đối tượng: người có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số; người dân tộc thiểu số; người đang sinh sống, học tập ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn (được quy định tại Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ).

d) Thí sinh có nhiều tiêu chuẩn ưu tiên chỉ được hưởng tiêu chuẩn ưu tiên cao nhất.

2. Chế độ tuyển thẳng

a) Đối tượng tuyển thẳng

Có 4 đối tượng tuyển thẳng (a, b, c, d) được quy định như sau:

- Đối tượng a: HS trường Phổ thông dân tộc nội trú đã tốt nghiệp THCS được tuyển thẳng vào lớp 10 THPT của trường Phổ thông dân tộc nội trú;

- Đối tượng b: HS là người dân tộc rất ít người (thuộc một trong 16 dân tộc sau: La Ha, La Hủ, Pà Thèn, Chứt, Lự, Lô Lô, Mảng, Cống, Cờ Lao, Bố Y, Ngái, Si La, Pú Péo, Brâu, Rơ Măm, Ơ Đu);

- Đối tượng c: HS khuyết tật

+ HS khuyết tật là HS bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng không bình thường khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn;

+ HS khuyết tật phải nộp bản sao hợp lệ Giấy xác nhận khuyết tật do Chủ tịch UBND cấp xã cấp (Mẫu số 06 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH ngày 02/01/2019 của Bộ Lao động và Thương binh xã hội) cho CSGD khi làm hồ sơ đăng ký tuyển thẳng.

- Đối tượng d: HS đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia dành cho HS THCS và THPT theo quy định tại Công văn số 5814/BGDĐT-GDTrH ngày 07/12/2017 của Bộ GDĐT về việc tổ chức các cuộc thi dành cho HS phổ thông từ năm học 2017-2018 và Công văn số 2216/BGDĐT-GDTrH ngày 23/5/2019 của Bộ GDĐT về việc quy định đối tượng tuyển thẳng HS vào THPT (chi tiết danh mục các cuộc thi được quy định tại Phụ lục 3).

b) Điều kiện đăng ký tuyển thẳng

- HS hoặc bố, mẹ của HS có HKTT tại Hà Nội và thuộc một trong 4 đối tượng tuyển thẳng ở trên;

- HS chỉ được tuyển thẳng vào một trường THPT là trường THPT công lập trong KVTS nơi HS hoặc bố, mẹ của HS có HKTT;

- Trường hợp HS đủ điều kiện tuyển thẳng mà không có NV tuyển thẳng thì phải tham gia thi tuyển vào ngày 10, 11/6/2021 để dự tuyển vào lớp 10 THPT công lập;

- Nếu có NV tuyển thẳng vào các trường THPT công lập TCTC hoặc trường THPT ngoài công lập, HS phải liên hệ và đăng ký trực tiếp với trường.

c) Hồ sơ đăng ký xét tuyển thẳng

- Phiếu đăng ký tuyển thẳng vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 (dùng chung mẫu M01);

- Giấy khai sinh (bản sao);

- Bằng tốt nghiệp THCS hoặc bổ túc THCS hoặc Giấy chứng nhận tốt nghiệp THCS tạm thời (đối với HS tốt nghiệp THCS năm học 2020-2021) do CSGD cấp;

- Học bạ (bản chính);

- HKTT (bản chứng thực) của HS hoặc bố, mẹ của HS;

- Bản chứng thực một trong các giấy tờ:

+ Giấy chứng nhận đạt giải môn hoặc lĩnh vực dự thi;

+ Giấy xác nhận khuyết tật (bản sao hợp lệ hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu).

- Giấy xác nhận chế độ ưu tiên do cơ quan có thẩm quyền cấp, giấy cho phép được học vượt lớp, vào học sớm hoặc muộn so với quy định chung ở cấp học dưới (nếu có).

d) Lịch xét tuyển thẳng

- Ngày 12/5/2021: những HS trong diện tuyển thẳng, nộp hồ sơ đăng ký dự xét tuyển thẳng tại CSGD nơi HS học lớp 9;

- Ngày 14/5/2021: CSGD có HS trong diện xét tuyển thẳng kiểm tra hồ sơ và nộp phòng GDĐT danh sách HS diện tuyển thẳng và hồ sơ kèm theo;

- Ngày 21/5/2021: Phòng GDĐT lập danh sách các HS đủ điều kiện xét tuyển thẳng và hồ sơ kèm theo (bản sao) nộp về Sở GDĐT;

- Ngày 01/6/2021: Sở GDĐT công bố danh sách HS trúng tuyển diện tuyển thẳng;

- Từ ngày 01/7/2021 đến ngày 03/7/2021: HS có Quyết định trúng tuyển diện tuyển thẳng xác nhận nhập học tại trường THPT nơi HS đăng ký tuyển thẳng theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp.

- Từ ngày 09/7/2021 đến 17 giờ ngày 12/7/2021: HS có Quyết định trúng tuyển diện tuyển thẳng nộp hồ sơ nhập học tại trường THPT nơi HS trúng tuyển thẳng.

VI. QUY ĐỊNH SỬ DỤNG VÀ VIẾT TẮT MỘT SỐ THUẬT NGỮ

1. Ngoại ngữ học THPT

- Ngoại ngữ học THPT (NN học): là chương trình ngoại ngữ HS sẽ học tại bậc THPT. HS đăng ký NN học trong Phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 (mẫu M.01).

- NN học tại cấp THPT gồm có: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Đức (ngoại ngữ 2, hệ 7 năm). HS cần nghiên cứu kỹ mục B.II.3 để đăng ký cho phù hợp.

2. Ngoại ngữ thi, ngoại ngữ điều kiện chuyên

- Ngoại ngữ thi (NN thi): là một trong bốn môn HS phải dự thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2021-2022, trừ trường hợp HS được hưởng chế độ tuyển thẳng mà không có NV dự thi vào lớp chuyên.

- HS có thể đăng ký NN thi là một trong các ngoại ngữ sau: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Đức, tiếng Hàn (tùy theo khả năng, không bắt buộc phải thi môn ngoại ngữ được học ở cấp THCS), riêng nhóm Đức 2-7: NN thi bắt buộc phải thi bằng tiếng Đức.

- Đối với HS có đăng ký thi chuyên, môn NN thi đồng thời là một trong 3 môn điều kiện để xét tuyển vào lớp chuyên, nên còn được gọi là Ngoại ngữ điều kiện chuyên.

3. Lớp chuyên ngữ

- Là lớp học trong trường THPT chuyên hoặc trường THPT có lớp chuyên với môn chuyên là ngoại ngữ. Có 4 lớp chuyên ngữ: chuyên tiếng Anh, chuyên tiếng Pháp, chuyên tiếng Trung, chuyên tiếng Nga (gọi tắt là chuyên Anh, chuyên Pháp, chuyên Trung, chuyên Nga).

- Các lớp chuyên ngữ được chia thành 2 nhóm:

+ Nhóm 1: phải thi bằng đúng ngoại ngữ học tại lớp chuyên (ví dụ: chuyên Anh thi bằng tiếng Anh, chuyên Pháp thi bằng tiếng Pháp).

+ Nhóm 2: HS thi vào lớp chuyên ngữ bằng ngoại ngữ khác với ngoại ngữ học tại lớp chuyên (ví dụ: HS thi vào lớp chuyên Pháp tại Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ bằng tiếng Anh; thi vào lớp chuyên Trung Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam bằng tiếng Nhật...).

4. Ngoại ngữ chuyên ngữ và ngoại ngữ thay thế chuyên ngữ

- Ngoại ngữ chuyên ngữ (NN chuyên ngữ): là ngoại ngữ HS dùng để thi vào các lớp chuyên ngoại ngữ.

+ Đối với lớp chuyên ngữ thuộc nhóm 1: NN chuyên ngữ trùng với ngoại ngữ học tại lớp chuyên.

+ Đối với lớp chuyên ngữ thuộc nhóm 2: NN chuyên ngữ khác với ngoại ngữ học tại lớp chuyên nên còn được gọi là Ngoại ngữ thay thế chuyên ngữ (NNTT chuyên ngữ).

- HS có thể đăng ký lớp chuyên ngữ thuộc nhóm 1 hoặc nhóm 2 tùy theo NV và khả năng nhưng phải lưu ý: NN chuyên ngữ (hoặc NNTT chuyên ngữ) phải trùng với ngoại ngữ điều kiện chuyên trừ trường hợp HS thuộc nhóm Đức 2-7 (với nhóm Đức 2-7, NN điều kiện chuyên bắt buộc là tiếng Đức, NN chuyên ngữ có thể không phải là tiếng Đức) - chi tiết xem thêm tại Phụ lục 2

C. NGUYỆN VỌNG DỰ TUYỂN, PHƯƠNG THỨC TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT

I. TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT KHÔNG CHUYÊN

1. Đăng ký nguyện vọng dự tuyển

a) Đối với lớp 10 THPT công lập

- Số lượng NV dự tuyển:

+ Mỗi HS được đăng ký tối đa 03 NV dự tuyển vào ba trường THPT công lập xếp theo thứ tự NV1, NV2 và NV3, trong đó NV1 và NV2 phải thuộc KVTS theo quy định, NV3 có thể thuộc một KVTS bất kỳ. HS không được thay đổi NV dự tuyển sau khi đã đăng ký.

+ Nếu HS chỉ đăng ký duy nhất 01 NV vào một trường THPT công lập thì trường này có thể thuộc một KVTS bất kỳ.

+ Nếu HS chỉ đăng ký 02 NV vào hai trường THPT công lập thì trong đó NV1 phải thuộc KVTS theo quy định, NV2 thuộc KVTS bất kỳ.

- Một số trường hợp đặc biệt khác:

+ HS đăng kí dự tuyển NV vào lớp 10 không chuyên học ngoại ngữ tiếng Anh tại Trường THPT Chu Văn An, vào lớp 10 không chuyên tại Trường THPT Sơn Tây, học lớp tiếng Đức (ngoại ngữ 2, hệ 7 năm) tại Trường THPT Việt Đức hoặc vào Trường Phổ thông dân tộc nội trú: NV1 thuộc các trường hợp trên, các NV còn lại (nếu có) phải đăng kí tại KVTS theo quy định.

+ HS đăng kí dự tuyển học lớp tiếng Nhật (ngoại ngữ 1): được đăng ký dự tuyển NV1 và NV2 vào hai trong ba trường THPT (Chu Văn An, Kim Liên, Việt Đức), NV còn lại (nếu có) phải thuộc KVTS theo quy định.

b) Đối với lớp 10 trường THPT công lập TCTC và lớp 10 trường THPT ngoài công lập:

- Trường hợp HS dự tuyển vào các trường THPT công lập TCTC hoặc THPT ngoài công lập tuyển sinh theo phương án có sử dụng kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022: HS phải tham dự kỳ thi để có điểm xét tuyển (ĐXT) mới được xét tuyển vào trường.

- Trường hợp HS dự tuyển vào các trường THPT công lập TCTC hoặc THPT ngoài công lập tuyển sinh theo phương án xét tuyển dựa vào kết quả rèn luyện và học tập của HS tại cấp THCS: HS trực tiếp đến trường THPT công lập TCTC hoặc trường THPT ngoài công lập (trong thời gian tuyển sinh quy định) để xác nhận nhập học.

- Trường hợp HS không có NV học trường THPT công lập mà chỉ có NV xét tuyển vào trường THPT công lập TCTC hoặc THPT ngoài công lập tuyển sinh theo phương án có sử dụng kết quả thi, trong “Phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022”, HS đăng ký như sau:

+ Mục Nguyện vọng 1: ghi tên một trường THPT công lập để được dự thi;

+ Mục Nguyện vọng 2: ghi “NCL” bằng chữ in hoa.

c) Đối với trường hợp đăng ký tuyển thẳng: HS sử dụng mẫu M01 “Phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022”, cách đăng ký như sau:

+ Mục Nguyện vọng 1: ghi tên trường THPT công lập, nơi HS muốn được theo học;

+ Mục Nguyện vọng 2: ghi “Tuyển thẳng (x)”. Trong đó “x” là a, b, c hoặc d tùy theo diện tuyển thẳng.

2. Phương thức tuyển sinh

a) Đối với các trường THPT công lập không chuyên

Thực hiện phương thức “Thi tuyển” để tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên, lớp 10 không chuyên Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây. ĐXT là căn cứ duy nhất để tuyển sinh, dựa trên kết quả bốn bài thi (có tính hệ số) các môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT khóa ngày 10, 11/6/2021 và điểm ưu tiên như sau:

ĐXT = (Điểm Văn + Điểm Toán) x 2 + Điểm Ngoại ngữ + Điểm Lịch sử + Điểm Ưu tiên

Trong đó:

- Điểm Văn, Điểm Toán, Điểm Ngoại ngữ, Điểm Lịch sử: là điểm bài thi các môn Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử chấm theo thang điểm 10, điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn điểm đến 2 chữ số thập phân.

Chỉ đưa vào diện xét tuyển những HS không vi phạm Quy chế đến mức hủy kết quả thi trong kỳ thi tuyển sinh và không có bài thi nào bị điểm 0 (không).

- Điểm Ưu tiên: thực hiện theo quy định (Mục B.V.1).

b) Đối với các trường THPT công lập TCTC, THPT ngoài công lập:

- Sử dụng phương thức “Xét tuyển”. Hội đồng tuyển sinh nhà trường xây dựng phương án tuyển sinh năm học 2021-2022 căn cứ vào: ĐXT của thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2021-2022; kết quả rèn luyện, học tập của HS ở cấp THCS (nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó) và các quy định khác của Quy chế tuyển sinh.

- Hội đồng tuyển sinh của nhà trường xây dựng Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 (trong đó nêu rõ phương án tuyển sinh của trường), báo cáo về Sở GDĐT trước ngày 30/4/2021 và thông báo công khai để HS và cha mẹ HS được biết.

3. Nguyên tắc xét tuyển

a) Đối với các trường THPT công lập:

- HS không trúng tuyển NV1 được xét tuyển NV2 nhưng phải có ĐXT cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 1,0 điểm.

- HS không trúng tuyển NV1 và NV2 được xét tuyển NV3 nhưng phải có ĐXT cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 2,0 điểm.

- Khi hạ điểm chuẩn, các trường THPT công lập được phép nhận HS có NV2, NV3 đủ điều kiện trúng tuyển.

b) Đối với các trường THPT công lập TCTC, THPT ngoài công lập:

- Căn cứ vào số lượng HS nộp đơn xác nhận nhập học và chỉ tiêu của trường, nhà trường sẽ lấy HS có ĐXT từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu được giao và thông báo công khai những HS đã trúng tuyển và thời gian HS mang hồ sơ đến nhập học.

- Ngoài phương thức “Xét tuyển” theo quy định nêu trên, các trường không được tổ chức thi tuyển hay sử dụng một phương thức khác để tuyển sinh.

4. Xác nhận nhập học

a) Nguyện vọng trúng tuyển: khi đăng ký dự tuyển, một HS có thể được đăng ký tối đa 15 NV vào trường THPT công lập (07 NV chuyên, 03 NV không chuyên, 02 NV song bằng tú tài, 02 NV song ngữ tiếng Pháp, 01 Tăng cường tiếng Pháp), các nhóm NV này là độc lập với nhau. Vì vậy, sau khi công bố kết quả thi và điểm chuẩn, một HS có thể có từ 0 (không) đến tối đa 08 (tám) NV trúng tuyển vào các trường THPT công lập (chưa kể NV vào trường THPT công lập TCTC, THPT ngoài công lập, trung tâm GDNN-GDTX, CSGD nghề nghiệp có tuyển HS tốt nghiệp THCS).

b) Xác nhận nhập học: là thủ tục bắt buộc đối với tất cả các HS có NV được tiếp tục học ở bậc học cao hơn. Sau khi công bố kết quả thi và điểm chuẩn, HS có NV theo học tại một NV trúng tuyển, phải thực hiện thao tác xác nhận nhập học từ ngày 01/7 đến ngày 03/7/2021, cụ thể như sau:

- Đối với trường THPT công lập: HS có thể lựa chọn hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp

+ Hình thức trực tuyến: HS đăng nhập bằng tài khoản và mật khẩu vào hệ thống tuyển sinh đầu cấp của Thành phố, chọn tên trường trúng tuyển, chọn xác nhận nhập học, chọn in hoặc lưu phiếu xác nhận nhập học và kết thúc quá trình. Đối với hình thức này, trong thời gian tuyển sinh, HS có thể điều chỉnh NV đã trúng tuyển (nếu HS có nhiều NV trúng tuyển).

Đến 24 giờ 00 ngày 03/7/2021 tài khoản sổ liên lạc điện tử của HS sẽ được hệ thống tự động khóa chức năng xác nhận nhập học, HS không thể xác nhận nhập học hoặc thay đổi NV trúng tuyển đã xác nhận trước đó.

+ Hình thức trực tiếp: HS nộp bản sao Phiếu báo kết quả tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 tại trường có NV trúng tuyển. Sau khi được nhà trường cập nhật vào hệ thống hỗ trợ tuyển sinh và xác nhận nhập học, tài khoản của HS sẽ được hệ thống tự động khóa. Nhà trường in Giấy báo xác nhận nhập học cho HS.

Trong thời gian tuyển sinh trực tiếp (từ 01/7 đến 03/7/2021), nếu HS muốn điều chỉnh NV đã trúng tuyển (trường hợp HS trúng tuyển nhiều NV), HS phải liên hệ với nhà trường để hủy nhập học trước khi xác nhận nhập học ở NV mới.

- Đối với trường THPT công lập TCTC, THPT ngoài công lập, trung tâm GDNN-GDTX, CSGD nghề nghiệp có tuyển HS tốt nghiệp THCS:

+ Chỉ xác nhận nhập học theo hình thức trực tiếp.

+ HS nộp đơn đăng ký dự tuyển tại trường từ ngày 01/6/2021 đến ngày 30/6/2021.

+ Từ ngày 01/7 đến 03/7/2021: HS nộp bản sao Phiếu báo kết quả tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 (đối với trường tuyển sinh theo phương án có sử dụng kết quả thi) hoặc Bằng tốt nghiệp THCS hay Giấy chứng nhận tốt nghiệp THCS tạm thời (đối với trường tuyển sinh theo phương án dựa vào kết quả rèn luyện và học tập của HS tại cấp THCS) tại trường có NV.

+ Sau khi được nhà trường cập nhật vào hệ thống hỗ trợ tuyển sinh và xác nhận nhập học, tài khoản của HS sẽ được hệ thống tự động khóa. Nhà trường in Giấy báo xác nhận nhập học cho HS. Trong thời gian tuyển sinh (01/7 đến 03/7/2021), HS muốn thay đổi NV trúng tuyển, phải liên hệ với nhà trường đã xác nhận nhập học để hủy nhập học trước khi xác nhận nhập học ở NV mới.

+ Đối với các trường có số lượng HS dự tuyển quá chỉ tiêu quy định, Hội đồng tuyển sinh nhà trường có trách nhiệm duyệt số HS trúng tuyển đúng số lượng được giao căn cứ vào ĐXT của HS và thông báo công khai số HS trúng tuyển; hệ thống phần mềm hỗ trợ tuyển sinh chỉ cho phép xác nhận nhập học cho HS theo chỉ tiêu được giao.

5. Tuyển sinh bổ sung và nộp Hồ sơ nhập học

a) Tuyển sinh bổ sung:

- Sau ngày 03/7/2021, Sở GDĐT sẽ khóa hệ thống phần mềm xác nhận nhập học và tiến hành thống kê số lượng HS đã xác nhận nhập học ở từng trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX, CSGD nghề nghiệp có tuyển HS tốt nghiệp THCS; thông báo số lượng HS thừa, thiếu so với chỉ tiêu.

- Đối với các trường THPT chuyên, THPT công lập: nếu số HS đã xác nhận nhập học sau ngày 03/7/2021 còn thiếu so với chỉ tiêu, Sở GDĐT sẽ xem xét để duyệt điểm chuẩn bổ sung.

- Đối với các trường THPT công lập TCTC, ngoài công lập, trung tâm GDNN-GDTX, CSGD nghề nghiệp có tuyển HS tốt nghiệp THCS: nếu số lượng HS xác nhận nhập học Đợt 1 chưa đủ chỉ tiêu quy định được tiếp tục tuyển sinh bổ sung trong thời gian theo quy định.

b) Nộp Hồ sơ nhập học: HS đủ điều kiện trúng tuyển bổ sung hoặc đã được xác nhận nhập học ở đợt 1 sẽ nộp Hồ sơ nhập học kèm theo Phiếu xác nhận nhập học (trực tuyến, trực tiếp) tại CSGD trúng tuyển từ ngày 09/7/2021 đến 17 giờ ngày 12/7/2021.

Để xem trọn vẹn nội dung mời các tải về

Ngoài Hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 năm 2021 Hà Nội. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo các đề thi học kì 2 lớp 9 các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề Thi vào lớp 10 năm 2024 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn ôn thi tốt

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Thông tin Tuyển sinh lớp 10

    Xem thêm