Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Lịch sử 6 bài 10: Những chuyển biến trong đời sống kinh tế

Lý thuyết Lịch sử 6 bài 10: Những chuyển biến trong đời sống kinh tế được VnDoc sưu tầm và đăng tải, tóm tắt lí thuyết trong chương trình giảng dạy môn Lịch sử lớp 6 bài 10. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh. Mời quý thầy cô cùng các bạn tham khảo nội dung bài Lịch sử 6 bài 10.

A. Lý thuyết Lịch sử 6 bài 10

1. Công cụ sản xuất được cải tiến như thế nào?

Những người nguyên thủy trên đất nước ta tiếp tục mở rộng vùng cư trú. Một số đã dừng lại ở các vùng chân núi, thung lũng ven khe, suối..., một số khác thì chuyển xuống các vùng đất bãi ven sông, dựng chòi, cuốc đất trồng trọt, làm chuồng nuôi lợn, gà, chó... Các nhà khảo cổ đã phát hiện được rất nhiều địa điểm chứa đựng những lưỡi rìu đá có vai được mài rộng ra hai mặt, những lưỡi đục, những bàn mài và những mảnh cưa đá. Số công cụ bằng xương, sừng cũng nhiều hơn. Bên cạnh đó, họ còn tìm thấy nhiều loại hình đồ gốm như bình, vò, nồi cùng nhiều hạt chuỗi đá, vỏ ốc... Người nguyên thủy cũng đã biết làm chì lưới bằng đất nung để đánh cá.

Trong một số di chỉ như Phùng Nguyên (Phú Thọ), Hoa Lộc (Thanh Hóa), Lung Leng (Kon Tum) có niên đại cách đây 4.000 - 3.500 năm, các nhà khảo cổ đã phát hiện được hàng loạt công cụ: những rìu đá, bôn đá được mài nhẵn toàn bộ có hình dáng cân xứng. Họ còn tìm thấy những đồ trang sức, những loại đồ gốm khác nhau như bình, vò, vại, bát đĩa, cốc có chân cao... Những mảnh gốm thường in hoa văn hình chữ s nối nhau, đối xứng hoặc in những con dâu nổi, liền nhau với những đường cuộn theo hình tròn hay hình chữ nhật, những đường chấm nhỏ li ti chạy dài trên một nền phẳng.

2. Thuật luyện kim được phát minh như thế nào?

Cuộc sống của người nguyên thủy ngày càng ổn định hơn. Dần dần đã xuất hiện những làng bản đông dân ở các vùng ven sông, đặc biệt là ven các con sông lớn như sông Hồng, sông Mã, sông cả, sông Đồng Nai gồm nhiều gia đình thuộc nhiều thị tộc khác nhau. Cuộc sống định cư lâu dài đòi hỏi con người lúc đó phải cải tiến hơn nữa các công cụ sản xuất và đồ dùng hằng ngày.

Nhờ sự phát triển của nghề làm đồ gốm, người Phùng Nguyên, Hoa Lộc đã phát minh ra thuật luyện kim.

Kim loại được dùng đầu tiên là đồng.

Ở Phùng Nguyên, Hoa Lộc và các di chỉ khác cùng thời trên khắp nước ta, người ta đã phát hiện được nhiều cục đồng, xỉ đồng, dây đồng, dùi đồng. Thuật luyện kim đã được phát minh.

3. Nghề nông trồng lúa nước ra đời ở đâu và trong điều kiện nào?

Theo các nhà khoa học, nước ta là một trong những quê hương của cây lúa hoang xuất hiện từ cách đây khoảng 10.000 năm. Với nghề nông vốn có và với hàng loạt công cụ sản xuất được cải tiến, những người nguyên thủy sống định cư lâu dài ở vùng đồng bằng ven sông, ven biển. Họ đã trồng được nhiều loại cây, củ và đặc biệt là cây lúa. Việc phát hiện hàng loạt lưỡi cuốc đá được mài nhẵn toàn bộ ở các di chỉ Hoa Lộc, Phùng Nguyên... đã chứng tỏ điều đó. Người ta còn tìm thấy ở đây gạo cháy, dấu vết thóc lúa bên cạnh các bình, vò đất nung lớn. Nghề nông trồng lúa đã ra đời. Trên các vùng cư trú rộng lớn ở đồng bằng ven sông, ven biển, cây lúa nước dần dần trở thành cây lương thực chính của con người. Cây lúa cũng được trồng ở vùng thung lũng, ven suối.

Việc trồng các loại rau, đậu, bầu, bí... và việc chăn nuôi gia súc, đánh cá... cũng ngày càng phát triển. Cuộc sống của con người được ổn định hơn và vùng đồng bằng màu mỡ của các con sông lớn như sông Hồng, sông Mã, sông Cả, sông Thu Bồn, sông cửu Long... dần dần trở thành nơi sinh sống lâu dài của con người ở đây.

B. Trắc nghiệm Lịch sử 6 bài 10

Câu 1. Người nguyên thủy ở nước ta tiếp tục mở rộng vùng cư trú tới đâu?

  1. Chân núi, thung lũng, khe suối và tới vùng đất ven sông.
  2. Ven biển.
  3. Vùng đồng bằng rộng lớn.
  4. Vùng biên giới, hải đảo.

Câu 2. Công cụ sản xuất được tiếp tục cải tiến như thế nào?

  1. Đá ghè sắc hơn.
  2. Rìu đá có vai, mài hai mặt, bàn mài... biết làm chì lưới bằng đất nung.
  3. Gia công bằng máy móc.
  4. Rìu đá được thay thế bằng công cụ kim loại.

Câu 3. Đồ gốm tìm thấy ở các di chỉ Phùng Nguyên, Hoa Lộc, Lung Leng có nét nổi bật gì?

  1. Trơn, không hoa văn.
  2. Hoa văn hình trám.
  3. Có hoa văn: hình chữ S nối nhau, in con dấu nổi, hình tròn, chữ nhật, dấu chấm.
  4. Có nhiều hoa văn phản ánh đời sống của con người như ca hát, nhảy múa, làm nông...

Câu 4. Tại di chỉ Phùng Nguyên, Hoa Lộc người ta phát hiện thấy những dấu hiệu nào của con người?

  1. Nhiều vỏ sò, vỏ ốc.
  2. Cục đồng, xỉ đồng, dây đồng, dùi đồng.
  3. Công cụ bằng kẽm.
  4. Nhiều mảnh tước.

Câu 5. Kim loại được phát hiện và dùng đầu tiên là

  1. Kẽm.
  2. Đồng.
  3. Sắt.
  4. Nhôm.

Câu 6. Thuật luyện kim là gì?

  1. Cách tìm ra đồng, chì.
  2. Phát hiện ra sắt.
  3. Cách sử dụng kim loại như: đồng, kẽm, chì để làm ra các công cụ và đồ dùng cần thiết.
  4. Sử dụng kim loại trộn vào với nhau để tao ra các loại chất mới dùng làm công cụ.

Câu 7. Việc phát minh ra thuật luyện kim có ý nghĩa gì?

  1. Tìm ra nguyên liệu mới để chế tạo công cụ tốt, sắc bén hơn, đời sống con người được nâng cao.
  2. Người nguyên thủy rất thông minh.
  3. Thoát khỏi thời kỳ đồ gốm.
  4. Chế tạo ra những đồ trang sức phục vụ đời sống tinh thần của con người.

Câu 8. Nghề trồng lúa nước ra đời với bằng chứng phát hiện nào?

  1. Tìm thấy thóc.
  2. Tìm thấy gạo.
  3. Tìm ra gạo cháy, vết thóc lúa cạnh bình, vò đất nung.
  4. Tìm thấy những cây lúa còn sót lại.

Câu 9. Việc phát minh ra nghề trồng lúa nước đối với đời sống con người có ý nghĩa gì?

  1. Giúp con người no đủ hơn.
  2. Con người chủ động nguồn thức ăn, cuộc sống dần ổn định là cơ sở cho việc định cư.
  3. Con người ngày càng giàu lên.
  4. Đưa con người bước vào nền văn minh nông nghiệp rực rỡ.

Câu 10. Nhờ sự phát triển của nghề làm đồ gốm, người Phùng Nguyên, Hoa Lộc đã phát minh ra

  1. Kỹ thuật trồng lúa.
  2. Thuật luyện kim.
  3. Lửa.
  4. Nghề chăn nuôi.

Câu 11. Nơi sinh sống lâu dài của người nguyên thủy ở Việt Nam ở gần các con sông

  1. Hồng.
  2. Mã, Thái Bình.
  3. Thu Bồn, Cửu Long.
  4. Hồng, Mã, Cả.

Câu 12. Di chỉ Phùng Nguyên nằm ở

  1. Thanh Hóa.
  2. Phú Thọ.
  3. Hòa Bình.
  4. Đồng Nai.

Câu 13. Công cụ đá tiêu biểu được tìm thấy ở Phùng Nguyên, Hoa Lộc có niên đại cách đây 4000 – 3500 năm

  1. Rìu đá ghè đẽo thô sơ.
  2. Rìu đá mài ở rìa cạnh.
  3. Rìu đá mài nhẵn toàn bộ.
  4. Hòn cuội chưa qua ghè đẽo.

Câu 14. Một trong những loại hiện vật tiêu biểu được tìm thấy ở Phùng Nguyên, Hoa Lộc có niên đại các đây 4000 – 3500 năm là

  1. Mảnh gốm có in hoa văn trang trí.
  2. Lưỡi cày bằng đồng thau.
  3. Lưỡi cuốc bằng sắt.
  4. Mảnh gốm thô, không có hoa văn.

Câu 15. Sự phát triển của nghề nào sau đây thúc đẩy cư dân Phùng Nguyên, Hoa Lộc phát minh ra thuật luyện kim?

  1. Đánh cá.
  2. Làm gốm.
  3. Chăn nuôi.
  4. Dệt vải.

Câu 16. Những dấu tích của thuật luyện kim trên đất nước ta như cục đồng, dây đồng, xỉ đồng được tìm thấy ở di chỉ khảo cổ nào sau đây?

  1. Sơn Vi.
  2. Núi Đọ.
  3. Phùng Nguyên.
  4. Hòa Bình.

Câu 17. Thuật luyện kim ra đời có ý nghĩa nào sau đây đối với đời sống của người nguyên thủy trên đất nước Việt Nam?

  1. Chuyển dần địa bàn sinh sống từ đồng bằng lên miền núi.
  2. Làm tăng năng suất lao động, cải thiện căn bản đời sống.
  3. Dẫn đến sự ra đời của nghề làm gốm.
  4. Dẫn đến sự ra đời của nền nông nghiệp sơ khai.

Câu 18. Thuật luyện kim ra đời có ý nghĩa nào đây đối với đời sống của người nguyên thủy trên đất nước Việt Nam?

  1. Chấm dứt hoàn toàn hoạt động săn bắt, hái lượm.
  2. Tạo điều kiện mở rộng địa bàn cư trú.
  3. Dẫn đến sự ra đời của nghề làm gốm.
  4. Dẫn đến sự ra đời của nền nông nghiệp sơ khai.

Câu 19. Sự ra đời của nghề nông trồng lúa nước trên đất nước ta có tác động nào sau đây?

  1. Các vùng đồng bằng ven sông lớn trở thành nơi định cư lâu dài của cư dân.
  2. Chấm dứt hoàn toàn hoạt động khai thác nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên.
  3. Cây lúa nước trở thành cây lương thực duy nhất của người Việt cổ.
  4. Các thung lũng ven suối trở thành nơi cư trú chủ yếu của cư dân.

Câu 20. Nội dung nào không đúng về điều kiện ra đời của nghề nông trồng lúa nước ở Việt Nam?

  1. Công cụ sản xuất của người nguyên thủy đã có nhiều cải tiến.
  2. Công cụ bằng đồng đã thay thế hoàn toàn công cụ bằng đá.
  3. Nền nông nghiệp sơ khai đã hình thành và phát triển từ trước.
  4. Nước ta là một trong những quê hương của cây lúa hoang.

Câu 21. Biểu hiện nào chứng tỏ nghề nông trồng lúa nước đã ra đời ở Việt Nam vào cuối thời nguyên thủy?

  1. Hàng loạt lưỡi cuốc đá, dấu vết lúa gạo được tìm thấy ở các di chỉ.
  2. Nhiều cục đồng, xỉ đồng, dây đồng được phát hiện ở các di chỉ.
  3. Các lưỡi cày bằng sắt được tìm thấy ở các di chỉ.
  4. Rìu đá ghè đẽo thô sơ được phát hiện ở nhiều nơi.

Câu 22. Một trong những chuyển biến về xã hội vào buổi đầu thời đại dựng nước ở Việt Nam là

  1. Chế độ mẫu hệ dần thay thế cho chế độ phụ hệ.
  2. Sự phân công lao động hình thành.
  3. Thị tộc, bộ lạc bắt đầu xuất hiện.
  4. Quan hệ huyết thống thay thế quan hệ láng giềng.

Câu 23. Một trong những chuyển biến quan trọng về xã hội vào buổi đầu thời đại dựng nước ở Việt Nam là

  1. Xã hội có sự phân hóa thành người giàu, người nghèo.
  2. Chế độ mẫu hệ dần dần thay thế cho chế độ phụ hệ.
  3. Thị tộc, bộ lạc, hoàn toàn tan rã.
  4. Thị tộc, bộ lạc bắt đầu xuất hiện.

Câu 24. Một trong những chuyển biến quan trọng về xã hội vào buổi đầu thời đại dựng nước ở Việt Nam là

  1. Phụ nữ có vai trò ngày càng lớn trong gia đình.
  2. Chế độ phụ hệ dần thay thế cho chế độ mẫu hệ.
  3. Thị tộc, bộ lạc hoàn toàn tan rã.
  4. Thị tộc, bộ lạc bắt đầu xuất hiện.

Câu 25. Trung tâm văn hóa lớn được hình thành ở Tây Nam Bộ Việt Nam trong khoảng thế kỉ VIII  đến thế kỉ I TCN là

  1. Óc Eo.
  2. Sa Huỳnh.
  3. Đông Sơn.
  4. Phùng Nguyên.

--------------------------------

Với nội dung bài Lịch sử 6 bài 10: Những chuyển biến trong đời sống kinh tế các bạn học sinh cùng quý thầy cô cần nắm vững kiến thức về đặc điểm, vai trò và những chuyển biến trong đời sống kinh tế của nước ta thời kì nguyên thủy...

Như vậy VnDoc đã giới thiệu các bạn tài liệu Lý thuyết Lịch sử lớp 6 bài 10: Những chuyển biến trong đời sống kinh tế. Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu: Trắc nghiệm Lịch sử 6, Lý thuyết Lịch sử 6, Giải bài tập Lịch sử 6, Giải SBT Lịch Sử 6, Giải Vở BT Lịch Sử 6, Giải tập bản đồ Lịch Sử 6, Tài liệu học tập lớp 6.

Để tiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về giảng dạy và học tập các môn học lớp 6, VnDoc mời các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các bạn học sinh truy cập nhóm riêng dành cho lớp 6 sau: Nhóm Tài liệu học tập lớp 6. Rất mong nhận được sự ủng hộ của các thầy cô và các bạn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
17
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Lý thuyết Lịch sử 6

    Xem thêm