Phân tích đoạn trích tự chọn trong “Truyện Kiều”: “Mã Giám Sinh mua Kiều”
Phân tích đoạn trích tự chọn trong “Truyện Kiều”: “Mã Giám Sinh mua Kiều”
Phân tích đoạn trích tự chọn trong “Truyện Kiều”: “Mã Giám Sinh mua Kiều” là tài liệu học tập gồm văn mẫu hay, mới nhất do Vndoc biên soạn nhằm giúp các bạn học sinh học tập thật tốt môn Ngữ văn lớp 11. Mời các bạn tham khảo!
Từ xưa đến nay, người phụ nữ luôn là hình tượng lý tưởng trong những áng văn chương của thời đại. Họ là sự hội tụ của sắc đẹp và tài trí hơn người. Nhưng trong xã hội phong kiến đầy áp bức, bất công, họ lại là đại điện cho số phận bất công, tủi nhục đến cùng cực. Và cuộc đời Thúy Kiều chính là một cuộc đời như thế. Đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” là một bước ngoặt của đời Kiều, khởi đầu cho bi kịch khốn khổ kéo dài suốt mười lăm năm lưu lạc.
Đoạn trích nằm ở đầu phần thứ hai “Gia biến và lưu lạc”. Sau khi bị thằng bán tơ vu oan, gia đình Thúy Kiều gặp tai biến nặng nề. Cha và em trai Kiều bị lũ sai nha bắt bớ, khảo tra, đánh đập dã man, của cải gia đình cũng theo đó mà mất hết. Cái giá mà chúng đưa ra là: “Có ba trăm lạng việc này mới xong”. Khi ấy, Kim Trọng đã trở về Liêu Dương hộ tang chú. Kiều đành gạt nước mắt và gác lại mối tình đầu mới chớm nở với chàng Kim để bán mình chuộc cha và em.
Mở đầu đoạn trích, Nguyễn Du đã thể hiện thái độ khinh bỉ, căm ghét của mình với một kẻ xấu xa, vô học - Mã Giám Sinh:
Gần miền có một mụ nào,
Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh.
Hỏi tên, rằng: “Mã Giám Sinh”,
Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”.
Có lẽ nhiều người sẽ hiểu nhầm rằng “Mã Giám Sinh” là một cái tên cụ thể của một người. Nhưng thực chất, đó chỉ là một tên gọi mang tính chung chung, không rõ ràng về một thân phận nào cả. “Giám sinh” là một chức danh để chỉ một người học trò nho Giáo thời xưa. Mà chức danh ấy bấy giờ lại là một thứ gì đó thật đáng khinh bỉ, chúng có thể được những kẻ vô danh, hám lợi mua bằng tiền để lấy cái mã mà đè đầu cưỡi cổ những lớp người thấp hơn.
Các từ ngữ “viễn khách”, “vấn danh” đã góp phần miêu tả cái lai lịch mập mờ, không rõ ràng của hắn. Giọng điệu thơ của Nguyễn Du như vạch trần về danh tính của kẻ xấu xa này. “Viễn khách” dùng để chỉ những khách làng chơi đã về già, nhưng nó có thể chỉ một kẻ buôn thịt bán người. Hắn đã tự xưng rằng quê mình ở huyện Lâm Thanh, tự nhận mình là sinh viên trường Quốc Tử Giám. Sự khoe khoang, bịa đặt của Mã Giám Sinh thật khiến người ta càng thêm tò mò về thân phận ấy. Hắn đã cố tình chọn “huyện Lâm Thanh” làm quê vì nơi ấy rộng lắm, xa lắm, sẽ chẳng một ai có thể tìm được lai lịch, thông tin của hắn cả! Không những thế, cách nói chuyện của Mã Giám Sinh cũng thể hiện sự xấc xược, vô văn hóa ngấm sâu vào bản chất. Cách trả lời của hắn trống không, không thưa gửi, không có một chút gì gọi là tôn trọng người bề trên. Hắn nhìn đời bằng một con mắt kiêu kỳ, coi thường thiên hạ. Thật đối lập với cái danh xưng hắn đã nêu ở trên.
Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao
Lại một lần nữa, con người của Mã Giám Sinh hiện lên với sự đối lập giả tạo. Hắn đã “ngoại tứ tuần” mà vẫn “áo quần bảnh bao”, “mày râu nhẵn nhụi”, như một gã trai tơ vẫn còn xuân xanh. “Ngoại tứ tuần” là độ tuổi trạc ngoài bốn mươi. Thế nhưng, vẻ ngoài của hắn lại không hề phù hợp với độ tuổi ấy. Người xưa thường nhìn vào phần mày và râu của người đàn ông đầu tiên để đánh giá nhận xét về con người ấy. Hai từ “nhẵn nhụi” đã được Nguyễn Du sử dụng để khắc họa sự trơ trẽn, phẳng lỳ của kẻ này. Ấy vậy mà tác giả lại còn thêm vào từ “bảnh bao” như một sự mỉa mai vẻ bề ngoài thiếu tự nhiên ấy. Hình tượng của Mã Giám Sinh hiện lên đầy lố lăng và phô trương, giả tạo.
Tên tuổi và vẻ ngoài đã dần dần bộc lộ rõ bản chất của con người hắn. Xong, hành động của tên Mã này lại càng tô đậm thêm con người vô phép của hắn:
Trước thầy sau tớ lao xao,
Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang.
Ghế trên ngồi tót sỗ sàng,
Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra…
Một không gian đầy nhốn nháo, mất trật tự và vô kỷ luật hiện ra trước mắt người đọc. Đó chính là sự ồn ào, vô ý thức do Mã Giám Sinh cùng đồng bọn của hắn gây ra. Có một buổi vấn danh nào mà lại thiếu nghiêm túc như này không? Thật không giống cung cách đi hỏi vợ của một người đàn ông bình thường.
Mã Giám Sinh hành động đầy suồng sã và thô lỗ: “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”. Hắn không kiêng nể và tôn trọng một ai, thậm chí là với cả người bề trên trong gia đình. Các từ “tót”, “sỗ sàng” càng thể hiện rõ hơn sự vô phép vô tắc của một kẻ cậy tiền mà khinh người.
Là một tiểu thư của một gia đình phong lưu, đang sống trong cảnh “êm đềm trướng rủ, màn che/ Tường đông ong bướm đi về mặc ai”, cuộc gặp gỡ với tên Mã ấy như một ngã rẽ cuộc đời, đẩy Thúy Kiều vào nỗi tủi nhục và tuyệt vọng, đau đớn khôn nguôi:
Nỗi mình nên tức nỗi nhà,
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng!
Ngại ngùng dợn gió e sương,
Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày.
Mối càng vén tóc bắt tay,
Nét buồn như cúc điệu gầy như mai.
Ngòi bút của Nguyễn Du như thấm đẫm máu chảy mà viết nên những hình ảnh ước lệ cho thân phận trôi nổi của nàng Kiều. Kiều vừa xót xa cho thân phận của mình, vừa xót xa cho mái ấm gia đình. Nước mắt của nàng không ngừng tuôn rơi trước nỗi đau đớn tủi nhục ấy. Các hình ảnh “ngại ngùng dợn gió e sương”, “nét buồn như cúc điệu gầy như mai” đã thể hiện sự đồng cảm của tác giả dành cho nàng. Nàng tự cảm thấy mình không xứng với hoa, cảm thấy bản thân như một món hàng cho khách “vén tóc bắt tay”:
Đắn đo cân sức cân tài,
Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ.
Mặn nồng một vẻ một ưa,
Bằng lòng khách mới tùy cơ dặt dìu
Món hàng mang tên “Thúy Kiều” ấy đã phải đánh đàn, làm thơ “ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ”. Từ “ép” chỉ sự không tự nguyện, không bằng lòng. Mã Giám Sinh thì lại cảm thấy hài lòng trước cô gái ấy, còn mụ mối thì bắt đầu cuộc ngã giá: “Bằng lòng khách mới tùy cơ dặt dìu”.
Giọng điệu của Mã Giám Sinh là giọng điệu của một con buôn chính hiệu, hắn dùng những lời lẽ hoa mỹ mà văn vẻ để hỏi giá:
Rằng: “Mua ngọc đến Lam Kiều,
Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?
Mối rằng: “Giá đáng nghìn vàng,
Dớp nhà nhờ lượng người thương dám nài!
Cách hắn nói không phải là của một người đi “vấn danh” mà đó là sự trả giá cho một món hàng mà hắn muốn mua. Từ “bao nhiêu” đã góp phần bộc lộ bản chất độc địa của một tên buôn người. Hắn được đà nói và tiếp tục “cò kè”:
Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm
Từ láy “cò kè” đã thể hiện bản tính bần tiện, ham muốn chuộc lợi. Đây là đặc trưng của một kẻ buôn người. Mã Giám Sinh đã coi Kiều như một món hàng và trả giá, như một cách gián tiếp xúc phạm đến nhân phẩm của nàng. Hắn chính là đại diện cho kẻ tác ác và đê tiện trong xã hội xưa.
Qua đoạn trích, Nguyễn Du đã vạch trần đến tận cùng của cái xã hội “ăn thịt người”, nơi mà con người bị mang ra mua bán như một thứ hàng hóa ở chợ, bị đày đọa đến cùng cực, tủi nhục. Ông đã khắc họa một tên buôn người với bản chất xấu xa, giả dối, đó chính là Mã Giám Sinh. Đồng thời, tác giả cũng bày tỏ sự thương xót và đồng cảm với tâm trạng đầy đau khổ, bế tắc của nàng Kiều trước bước ngoặt của cuộc đời mình.
--------------------------------------------------
Ngoài bài viết trên, mời các độc giả của VnDoc tham khảo thêm các bài viết hay và bổ ích khác tại Ngữ văn 11 Cánh Diều, Văn mẫu lớp 11 Cánh Diều. Chúc các bạn học tập thật tốt!