Phân tích Chữ người tử tù Hay Chọn Lọc
Phân tích Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân
VnDoc xin giới thiệu tới bạn đọc Phân tích Chữ người tử tù để bạn đọc cùng tham khảo. Mời các bạn và thầy cô cùng tham khảo chi tiết và tải về bài viết dưới đây nhé.
Dàn ý Phân tích Chữ người tử tù
I. Mở bài
- Giới thiệu đôi nét về tác giả Nguyễn Tuân: Một cây bút tài hoa độc đáo, có vị trí quan trọng trong nền văn học hiện đại Việt Nam.
- Khái quát chung về tác phẩm Chữ người tử tù: Một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách tài hoa nghệ sĩ của ông, được in trong tập Vang bóng một thời (1940).
II. Thân bài
1. Tình huống truyện
+ Không gian: nhà tù. Đây không phải là nơi dành cho những cuộc gặp gỡ.
+ Thời gian: những ngày cuối cùng trước khi ra pháp trường của Huấn Cao.
⇒ Không gian và thời gian góp phần tạo nên kịch tính cho tình huống.
- Cuộc gặp gỡ khác thường của hai con người khác thường:
⇒ Cuộc hội ngộ diễn ra giữa chốn ngục tù căng thẳng
2. Nhân vật Huấn Cao
a. Một người nghệ sĩ tài hoa
- Người khắp vùng tỉnh Sơn khen Huấn Cao là người:
+ có tài viết chữ “rất nhanh và rất đẹp”.
+ “ Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm … có được chữ ông Huấn mà treo là có một báu vật ở trên đời”.
b. Một con người có khí phách hiên ngang bất khuất
- Là thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa chống lại triều đình.
- Ngay khi đặt chân vào nhà ngục: Thản nhiên rũ rệp trên thang gông:
⇒ khí phách, tiết tháo của nhà Nho
- Khi được viên quản ngục biệt đãi: “Thản nhiên nhận rượu thịt” như “việc vẫn làm trong cái hứng bình sinh”
⇒ phong thái tự do, ung dung, xem nhẹ cái chết.
- Trả lời quản ngục bằng thái độ khinh miệt: “Ngươi hỏi ta muốn gì ... vào đây”.
⇒ Không khuất phục trước cường quyền.
⇒ khí phách của một người anh hùng.
c. Một nhân cách, một thiên lương cao cả
- Tâm hồn trong sáng, cao đẹp: “Không vì vàng ngọc hay quyền thê mà ép mình viết câu đối bao giờ” ⇒ trọng nghĩa, khinh lợi, chỉ cho chữ những người tri kỉ.
- Khi chưa biết tấm lòng của quản ngục: xem y là kẻ tiểu nhân
- Khi biết tấm lòng 'biệt nhỡn liên tài'' của quản ngục: Huấn Cao nhận lời cho chữ
⇒ Chỉ cho chữ những người biết trân trọng cái tài và quý cái đẹp.
- Câu nói của Huấn Cao với quản ngục: “Thiếu chút nữa ... trong thiên hạ”
⇒ Sự trân trọng đối với những người có sở thích thanh cao, có nhân cách cao đẹp.
⇒ Huấn Cao là một anh hùng - nghệ sĩ, một thiên lương trong sáng.
3. Nhân vật quản ngục
a. Tấm lòng biệt nhỡn liên tài
- Trong những ngày Huấn Cao trong ngục, quản ngục luôn bày tỏ thái độ nghiêm kính khiêm nhường
- Dũng cảm biệt đãi Huấn Cao
- Cảm thấy tiếc nuối khi biết Huấn Cao sắp phải từ giữ cõi đời: “Bấy nhiêu ... vũ trụ”.
b. Sự khát khao và trân trọng cái đẹp
- Khát khao cái đẹp: mong ước của ông là “được treo ở nhà riêng một đôi câu đối” do chính tay Huấn Cao viết.
- Lo lắng nếu như không xin được chữ ông Huấn trước khi bị hành hình thì “ân hận suốt đời mất”
4. Cảnh cho chữ
- Thời gian: đêm trước khi Huấn Cao ra pháp trường chịu án chém, khi chỉ còn “vẳng có tiếng mõ trên vọng canh”
- Địa điểm: trại giam tỉnh Sơn
- Không gian: buồng tối chật hẹp, ẩm ướt...
- Đây là "cảnh tượng xưa nay chưa từng có" :
+ Thân phận và hành động của người cho chữ và nhận chữ đặc biệt:
+ Xây dựng được các cặp phạm trù đối lập nhau
- Chi tiết quản ngục cúi đầu vái lạy người tử tù Huấn Cao: sự thức tỉnh trước cái đẹp, quản ngục đã thoát ra những cái tầm thường, ràng buộc để vươn tới cái cao đẹp.
⇒ Toàn bộ cảnh cho chữ là bài ca tôn vinh cái đẹp, cái thiện, cái thiên lương của con người trong hoàn cảnh tối tăm ngục tù bậc nhất.
Xem thêm: Phân tích cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù
III. Kết bài
- Khẳng định những nét nghệ thuật đặc sắc làm nên thành công của tác phẩm
- Chữ người tử tù là một văn phẩm xuất sắc đạt “gần đến sự toàn thiện, toàn mĩ” (Vũ Ngọc Phan)
Văn mẫu Phân tích Chữ người tử tù
Phân tích Chữ người tử tù - Mẫu 1
Nguyễn Đình Thi đã từng miêu tả về Nguyễn Tuân: "Đây là một nhà văn "suốt đời đi tìm cái Đẹp, cái Thật", tự nhận mình là người "sinh ra để thờ Nghệ Thuật với hai chữ viết hoa". Tác phẩm “Chữ người tử tù” chính là minh chứng sắc nét cho sự tài hoa và tâm huyết của Nguyễn Tuân trong nghệ thuật.
Nguyễn Tuân (1910 - 1987) được mệnh danh là “Bậc thầy của nghệ thuật ngôn từ”. "Chữ người tử tù" là truyện ngắn xuất sắc nhất trong tập "Vang bóng một thời", được in vào năm 1940. Truyện ngắn này nằm trong mạch cảm hứng chung của toàn truyện, tập trung ca ngợi và khẳng định những vẻ đẹp xa xưa nay chỉ còn vang bóng, những giá trị cổ truyền nay bỗng trở nên lạc lõng giữa thời hiện đại.
Nguyễn Tuân đã xây dựng một tình huống truyện độc đáo, đặc sắc cho hai nhân vật chính của thiên truyện: Huấn Cao và viên quản ngục. Trên bình diện xã hội, họ hoàn toàn đối lập nhau về địa vị. Một người thì là một kẻ phạm tội đại nghịch, đại diện cho cái xấu và một người lại là người quản lý tù nhân, đại diện cho trật tự của xã hội. Thế nhưng họ lại có cùng điểm chung là yêu cái đẹp và trọng nhân tài. Chính tình huống độc đáo này đã giúp Nguyễn Tuân thắp sáng hình tượng nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục.
Nhà văn Đức W. Goethe đã từng nói: “Con người là điều thú vị nhất đối với con người, và con người cũng chỉ hứng thú với con người”. Quả thật, văn học chính là thế giới của con người và nhân vật trong văn học là tượng trưng cho những con người khác nhau trong xã hội. Nhân vật Huấn Cao được xem là bức tượng đài lý tưởng về cái đẹp trong trang văn của Nguyễn Tuân. Thư pháp được xem là một thú vui tao nhã và nét đẹp trong văn hóa của người xưa. Nhân vật Huấn Cao trong truyện hiện lên là một người nghệ sĩ tài hoa với tài viết chữ đẹp khiến người vùng Tỉnh Sơn không khỏi hết lời ca ngợi: “Huấn Cao? Hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và đẹp đó phải không?”. Tài năng ấy được biết bao người tôn sùng và kính nể, coi việc có được câu đối ông viết treo trong nhà là một phước báu: “Chữ ông đẹp lắm, vuông lắm… Có được chữ ông Huấn mà treo là có một vật báu trên đời”. Phải chăng chữ viết của Huấn Cao cũng chính là một phần của con người ông, toát lên phong thái hiên ngang và khát vọng tung hoành tự do của đời người.
Không chỉ là một người tài hoa yêu cái đẹp tha thiết, ông còn mang trong mình sự hiên ngang, giàu lòng tự trọng. Ông là thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa chống lại triều đình. Khi bị giam vào ngục chờ ngày xử tử, ông không hề run sợ. Huấn Cao “lạnh lùng, chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thang gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái. Then ngang chiếc gông bị giật mạnh, đập vào cổ năm người sau”. Trong ngục tù, Huấn Cao tỏ rõ thái độ khinh miệt đối với viên quan coi ngục: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà người đừng đặt chân vào đây”.Đối lập với khung cảnh tù ngục tối tăm, người nghệ sĩ ấy vẫn bừng bừng khí chất.
“Cốt lõi của lòng nhân đạo là lòng yêu thương. Bản chất của nó là chữ tâm đối với con người”. Huấn cao như một tấm gương phản chiếu nhận định ấy của Hoài Trân. Dù có tài năng nhưng ông không ham quyền và hám lợi, ông đã quả quyết rằng: “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”. Ông chỉ cho chữ những người tri kỷ từ xưa đến nay: “Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”. Đó là một thái độ kính trọng mà ông dành cho ba người bạn tri kỷ của mình, nét chữ của ông sẽ chỉ trao đúng người. Đặc biệt, sau khi hiểu được tấm lòng của viên quản ngục, ông đã bày tỏ lòng cảm kích trước tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” ấy và quyết định cho chữ ở ngay chốn ngục tù: "Nào đâu có biết một người như thầy Quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Chính vì trân trọng cái đẹp và thiên lương trong sáng ấy, ông không thể chấp nhận được sự lẫn lộn giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái ác với cái thiện. Điều này được thể hiện rõ qua lời khuyên của Huấn Cao đối với viên quản ngục: “Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở đã… Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng nhem nhuốc mất cả đời lương thiện đi”. Lời khuyên bảo cuối cùng đối với viên quản ngục thể hiện cái tâm của nhân vật Huấn Cao.
Cảnh cho chữ giữa Huấn Cao với viên quản ngục được xem là “một hạt bụi vàng” của thiên truyện. Đó là giây phút nét đẹp của ông được tỏa sáng, lấn át cái tối tăm dơ bẩn của chốn tù đày. Thời gian diễn ra vào đêm khuya tăm tối, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vắng có tiếng mõ trên vọng canh. Đây là một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, đã bày ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián. Trong một không khí khói toả như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ. Khói bốc toả cay mắt, làm họ dụi mắt lia lịa.
Che lấp đi sự bẩn thỉu nơi tăm tối ấy là hình ảnh một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván. Đó chính là Huấn Cao. Ông viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực. Thay bút con, đề xong lạc khoản, ông Huấn Cao thở dài, buồn bã đỡ viên quản ngục: “...Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”. Ngục quan cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.
Trong cảnh tượng đẹp như vậy, có sự hôi hám của nhà tù, nhưng nghiên mực thơm phức và những nét chữ vuông vắn kia mới là thứ ba con người kia cảm nhận được. Ấy mới thấy, cái đẹp, cái thiện dù xuất hiện ở nơi đâu thì giá trị vẫn vẹn nguyên chẳng hề thay đổi. Trật tự kỷ cương của nhà tù và mối liên kết giữa tâm hồn của những người yêu cái đẹp giờ chỉ cách nhau một ranh giới mong manh. Người tù nhân giờ đã trở thành người ban phát cái đẹp, cái lương thiện, thanh cao còn ngục quan vốn đại diện cho công lí lại trở nên nhỏ bé, hèn mọn. Giữa chốn ngục tù tàn bạo, cái thiện vẫn hiện lên mạnh mẽ chiến thắng được cái ác. Đó chính là lý do mà Chu Văn Sơn đã phải thốt lên rằng: “ Cảnh cho chữ thực là cảnh tượng đăng quang của Cái Đẹp. Có thể nói đó là cuộc nổi loạn của Cái Đẹp trong thế giới nhà tù. Thì ra không chỉ có quyền lực của Cái Chết, quyền lực của Cái Gông mà còn có quyền lực của Cái Đẹp. Cái đẹp vẫn có uy quyền riêng của nó. Gọi Cái Đẹp Nguyễn Tuân là Cái Đẹp Nổi Loạn chính là như thế.”
Nguyễn Đăng Mạnh đã từng bộc lộ đầy thiết tha khi đọc xong “Chữ người tử tù”: “Người ta thường đặt cho Nguyễn Tuân danh hiệu: “Người đi tìm cái đẹp”. Nhưng thế nào là đẹp? Đối với Nguyễn Tuân, cái đẹp phải là những gì đập mạnh vào giác quan nghệ sĩ”. Đúng thật vậy, cảnh cho chữ đã khép lại tác phẩm nhưng nó đã góp một tiếng nói đầy tính nhân bản rằng dù cuộc đời có đen tối vẫn còn có những tấm lòng tỏa sáng. Và thứ còn tồn tại mãi trong lòng người đọc đó chính là bức tượng đài Huấn Cao - một con người tượng trưng cho cái đẹp và nghệ thuật.
Phân tích Chữ người tử tù - Mẫu 2
Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Nói đến Nguyễn Tuân là nói đến một nghệ sĩ tài hoa. Mỗi lời văn của Nguyễn Tuân đều là những nét bút trác tuyệt như một nét chạm khắc tinh xảo trên mặt đá quý của ngôn ngữ (Tạ Tỵ). Một trong những nét bút trác tuyệt đó là tác phẩm Chữ người tử tù. Nối bật lên trong tác phẩm là hình tượng nhân vật Huấn Cao và cảnh cho chữ - một cảnh tượng xưa nay chưa từng có.
Huấn Cao là nhân vật khá điển hình cho bút pháp lãng mạn. Chúng ta đều biết văn học lãng mạn thường mô tả theo những mẫu hình lí tưởng. Có nghĩa là nhà vàn thường thả trí tưởng tượng của mình để theo đuổi những vẻ đẹp hoàn hảo nhất. Bởi thế nhân vật viết theo lối lãng mạn có tầm vóc phi thường. Nó là biểu hiện cho những gì mà nhà văn mơ ước, khao khát. Huấn Cao là thế. Từ đầu đến cuối, ông hiện ra như một con người phi thường. Từ tài hoa đến thiên lương, từ thiên lương đến khí phách, nhất nhất đều có tầm vóc phi thường. Có thể nói Huấn Cao là một giấc mơ đầy tính nhân văn của ngòi bút Nguyễn Tuân.
Là nhân vật tài hoa nghệ sĩ, phẩm chất đầu tiên của Huấn Cao là tài hoa. Thiên truyện được mở đầu bằng cuộc đối thoại của hai nhân vật quản ngục và thơ lại. Ở đây tuy Huấn Cao hiện lên gián tiếp nhưng cũng đủ để cho ta thấy ông nổi tiếng với tài văn võ song toàn, uy danh đồn khắp cõi tỉnh Sơn. Cái tài được tô đậm nhất ở nhân vật này là tài viết chữ đẹp. Đó là nghệ thuật thư pháp - một bộ môn nghệ thuật truyền thống và cao siêu của dân tộc. Ở sự gửi gắm, kí thác toàn bộ những tâm nguyện sâu xa của mình. Bởi thế mỗi con chữ là một tác phẩm nghệ thuật sâu xa của mình. Bởi thế mỗi con chữ là một tác phẩm nghệ thuật, là sự kết tinh những vẻ đẹp tâm hồn của người viết. Mỗi con chữ là hiện thân của khí phách, của thiên lương và tài hoa. Chữ Huấn Cao thể hiện nhân cách Huấn Cao. Nó quý giá không chỉ vì được viết rất nhanh, rất đẹp, đẹp lắm, vuông lắm mà trước hết vì đó là những con chữ nói lên khát vọng tung hoành của một đời con người. Chính vì thế mà có được chữ của ông Huấn Cao đã trở thành tâm nguyện lớn nhất, thiêng liêng nhất của quản ngục. Để có được chữ Huấn Cao, quản ngục sẵn sàng đánh đổi tất cả, kể cả sự hi sinh về quyền lợi và sinh mệnh của mình. Nhưng Huấn Cao không chỉ là một đấng tài hoa, sâu xa hơn, ông còn có một tấm lòng - đó là tấm lòng biết quý trọng thiên lương của con người.
Một nhà văn nước ngoài đã nói về chân lí sâu xa. Hãy đập vào trái tim mình thiên tài là ở đó. Thì ra gốc của tài năng là ở trái tim, gốc của cái tài là cái tâm. Tấm lòng biết trọng thiên lương là gốc rễ của nhân cách Huấn Cao. Trong mắt Huấn Cao, quản ngục chỉ là một kẻ tầm thường không làm nghề thất đức. Bởi lí Huấn Cao đã thể hiện sự khinh bỉ không cần giấu giếm, đến khi nhận ra viên ngục là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa bản đàn mà nhạc luật điều hỗn loạn xô bồ thì Huấn Cao rất ân hận. Bằng tất cả sự xúc động, Huấn Cao đã nói: Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các ngươi... Thiếu chút nữa ta phụ một tấm lòng trong thiên hạ. Câu nói ấy đã hé mở cho chúng ta thấy phương châm của một nhân cách sống là phải xứng đáng với những tấm lòng.
Cảm hứng lãng mạn bao giờ cũng xui khiến các nghệ sĩ khắc họa những hình tượng sao cho hoàn hảo thậm chí đến mức phi thường. Ông Huấn Cao cũng thế. Nguyễn Tuân đã khiến cho hình tượng này trở thành một con người siêu phàm với việc tô đậm một khí phách siêu việt. Căm ghét xã hội thối nát, ông đã cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình, sự nghiệp không thành, ông lĩnh án tử hình. Nhưng tù đày, gông cùm và cái chết cùng không khuất lạc được ông. Ông luôn tìm thấy ở những nơi mà tự do bị tước bỏ. Đối với Huấn Cao, mọi sự trói buộc, tra khảo, giam cầm đều vô nghĩa. Và khi quản ngục hỏi ông muốn gì để giúp, ông đã trả lời bằng sự khinh bạc đến điều... lời nói của ông có thể là nguyên cớ để ông phải rước lấy những trận trả đũa. Nhưng một khi đã nói nghĩa là ông không hề run sợ, không hề quy phục trước cường quyền và bạo lực. Có thể Huấn Cao sừng sững trong suốt cả thiên truyện như một khí phách kiên cường bất khuất, uy vũ bất năng khuất.
Những phẩm chất tuyệt vời đó của Huấn Cao đã chói sáng lên trong cảnh tượng cuối cùng mà Nguyễn Tuân đã gọi là cảnh tượng xưa nay chưa từng có - cảnh cho chữ. Cảnh cho chữ là sự biểu hiện sống động rực rỡ của tài hoa, thiên lương và khí phách của Huấn Cao.
Muốn hiểu được giá trị sâu sắc của cảnh cho chữ cho chúng ta không thể không nói tới quá trình dẫn đến cảnh cho chữ ấy. Người tinh ý sẽ dễ nhận thấy rằng câu chuyện có hai phần rõ rệt: Phần đầu giới thiệu các nhân vật và dẫn dắt câu chuyện chuẩn bị cho phần sau. Phần sau khắc họa cảnh cho chữ. Nếu không có phần hai thì phần đầu chỉ là những mẩu vụn vặt, thiếu sức sống. Bởi thế phần hai tuy ngắn nhưng lại là kết tinh của toàn bộ câu chuyện. Và bút lực của Nguyễn Tuân càng dồn vào phần này đậm nhất. Toàn bộ câu chuyện xoay quanh một tình huống đặc biệt. Đó là cuộc gặp hết sức éo le của Huấn Cao và quản ngục - Nơi gặp gỡ là nhà tù, thời gian là những ngày cuối cùng trước khi ra pháp trường của Huấn Cao. Những điều này làm cho tình thế trở nên ngặt nghèo, bức xúc, khó xoay sở. Nhưng oái ăm hơn cả vẫn là thân phận của hai nhân vật, về bình diện xã hội, họ là những kẻ đối địch. Một người là kẻ phản loạn, dám nổi dậy chống lại thể chế đương thời, còn người kia lại là một viên quan đại diện cho chính thể ấy. Nhưng về bình diện nghệ thuật, họ lại là hai người tri âm: Một người có tài viết chữ đẹp còn người kia lại vô cùng ngưỡng mộ cái tài đó. Sự trái ngược này đã đặt quản ngục trước sự lựa chọn nghiệt ngã: hoặc là muốn làm tròn bổn phận cua một viên quan thi phải chà đạp lên tấm lòng tri kỉ hoặc muốn trọn đạo tri kỉ phải phản bội lại chức phận của một viên quan. Quản ngục sẽ hành động như thế nào? Ông ta hành động như thế nào thì tư tưởng tác phẩm sẽ nghiêng về hướng đó.
Với một tương quan như vậy, quan hệ giữa họ ban đầu rất căng thẳng. Tâm nguyện lớn nhất của quản ngục là có được chữ của ông Huấn Cao nhưng đây là cơ hội cuối cùng. Còn Huấn Cao tuy có tài viết chữ nhưng lại chỉ cho chữ những ai ông cho là tri kỉ. Vậy muốn có chữ của Huấn Cao thì quản ngục phải được ông thừa nhận là tri kỉ trong vòng mấy ngày tới. Điều đó lại dường như không thể đạt được. Trong mắt Huấn Cao, quản ngục chỉ là kẻ tiểu nhân, giữa họ là một vực sâu ngăn cách. Thực ra quản ngục cũng có những ưu thế để đối xử với những người tù thông thường. Đó là ông ta có thừa quyền lực và tiền bạc. Nhưng Huấn Cao không phải hạng tiểu nhân như thế, quyền lực không ép được ông cho chữ, tiền bạc không mua được chữ ông. May thay ở viên quản ngục lại có một tấm lòng trong trẻo - tấm lòng biệt nhỡn liên tài. Và tấm lòng này đã khiến cho Huấn Cao cảm động. Sự cảm động này của Huấn Cao là cội nguồn dẫn đến cảnh cho chữ.
Vậy là việc Huấn Cao cho chữ không giống như việc trả nợ một cách tầm thường, không giống việc một kẻ sắp bị tử hình đang đem tài sản cuối cùng cho người sống, cũng không phải là cơ hội cuối cùng mà để Huấn Cao trình diễn tài năng, về bản chất việc cho chữ là sự xúc động của một tấm lòng trước một tấm lòng.
Và cảnh cho chữ được Nguyễn Tuân gọi đó là cảnh xưa nay chưa từng có. Bởi trước hết lẽ ra nó phải diễn ra ở nơi sang trọng, đàng hoàng thì nó lại diễn ra trong căn buồng giam chật hẹp, hôi hám, bẩn thỉu. Và người đem cho cái đẹp lẽ ra phải thuộc thế giới tự do thì ở đây lại là tử tù sắp bị hành hình. Đặc biệt ở đây diễn ra một sự đổi ngôi xưa nay chưa từng có. Kẻ cầm quyền hành trong tay thì bị tước hết quyền uy, khúm núm trước Huấn Cao, kẻ tưởng chừng bị mất hết quyền sống là ông Huấn Cao trở nên đầy quyền uy khi chăm chú tô đậm những nét chữ và cho quản ngục những lời khuyên. Và quản ngục vái lạy Huấn Cao như một bậc thánh nhân: Kẻ mê muội này xin bái lĩnh. Cảnh cho chữ lã khẳng định sự chiến thắng của cái đẹp, thiên lương trước cái xấu, cái ác. Trong căn phòng giam ẩm tháp đó, ánh sáng rực rờ của bó đuốc đã đẩy lùi bóng tối, mùi thơm của chậu mực đã xua đuổi mùi phân chuột, phân gián, màu trắng của tấm lụa bạch đã xóa tan sự u ám của nhà tù. Lúc này cái đẹp đang lên ngôi, cái đẹp đang đăng quang, chiến thắng hoàn toàn cái xấu. Trong những con người ấy lúc này chỉ còn là niềm kính trọng, tôn sùng cái đẹp. Và thiên lương của Huấn Cao đang tỏa sáng, soi đường dẫn dắt quản ngục - một kẻ nhầm đường, lạc lối. Qua đây tác giả cũng khẳng định rằng cái đẹp có thể tồn tại ở mọi nơi, mọi lúc, chiến thắng mọi cái xấu, cái ác. Và cái đẹp có thể cứu rỗi linh hồn con người, giúp con người hiểu nhau hơn, xích lại gần nhau hơn. Cái đẹp sẽ không mất đi ngay cả khi nó bị vùi dập. Đó là giá trị nhân văn của tác phẩm.
Với nghệ thuật vẽ mây, nảy trăng và nghệ thuật đối lập, Nguyễn Tuân đã làm nổi bật hình tượng Huấn Cao và khẳng định sự chiến thắng của cái đẹp. Đồng thời nhà văn còn sử dụng hệ thống ngôn ngữ cổ: biệt nhỡn liên tài, thiên lương, bái lĩnh, sở nguyện... mang lại cho truyện bầu không khí và nhịp điệu của thời phong kiến xa xưa, giúp nhà văn tái tạo câu chuyện của một thời vang bóng.
Phân tích Chữ người tử tù - Mẫu 3
Tình huống truyện được tái dựng trong tác phẩm và tác dụng của nó đối với việc bộc lộ tính cách nhân vật và kịch tính của truyện.
Tình huống truyện là tình thế xảy ra trong truyện, tạo cho câu chuyện thêm đặc sắc. Tình huống truyện biểu hiện mối quan hệ giữa nhân vật này với nhân vật khác, giữa nhân vật với hoàn cảnh sống, qua đó bộc lộ tâm trạng tính cách suy nghĩ... của nhân vật.
Nguyễn Tuân đã xây dựng một tình huống truyện độc đáo, đặc sắc, giàu kịch tính cho hai tuyến nhân vật trong tác phẩm của mình. Hai nhân vật đó là Huấn Cao - người tử tù phạm tội đại nghịch đang bị giam chờ ngày hành quyết, người tài hoa nổi tiếng viết chữ đẹp... và nhân vật viên quản ngục - người quản lí tù nhân, đại diện cho cái trật tự xã hội đương thời nhưng lại rất yêu cái đẹp, hâm mộ người tài và có tấm lòng lương thiện. Trên bình diện xã hội, họ hoàn toàn đôi lập nhau: nhưng họ lại có cùng điểm chung là say mê cái đẹp tao nhã và đều có tâm hồn thanh khiết, lương thiện, biết đãi ngộ nhân tài. Như vậy, trên bình diện nghệ thuật, họ lại là tri kỉ của nhau.
Hoàn cảnh gặp gỡ của họ thật éo le: đó là nơi tù ngục tối tăm, nhơ bẩn, nơi người này quản lí người kia. Tình huống này dẫn đến xung dột trong nội tâm của viên quản ngục: làm thế nào để vừa làm tròn phận sự của một người canh tù lại vừa giữ trọn tấm lòng đối với một người tài hoa mà mình từng quý trọng và ao ước gặp mặt. Từ đây nảy sinh nhiều kịch tính: người tử tù thành người mà viên quản ngục nhờ vả muốn xin chữ; đồng thời lại là người mở đường hướng thiện cho cuộc sống về sau của viên quản ngục. Chính tình huống độc đáo này đã giúp làm nổi bật trọn vẹn, tự nhiên vẻ đẹp của hình tượng nhân vật Huấn Cao và làm sáng tỏ tấm lòng biệt đãi người tài của viên quản ngục.
Phân tích Chữ người tử tù - Mẫu 4
Huấn Cao là một người tài hoa khác thường. Ông có tài viết chữ rất đẹp, "chữ đẹp và vuông lắm", khiến nhiều người mơ ước có được chữ viết của ông treo trong nhà của mình, trong đó có viên quản ngục.
Huấn Cao là một con người hiên ngang, khí phách, là một anh hùng đầu dội trời chân đạp đất. Một tử tù đợi ngày ra pháp trường vẫn giữ trạng thái ung dung, tự tại và không hề nao núng. Đến cảnh chết chém ông còn chẳng sợ. Sự ngang tàng của ông còn được thể hiện qua thái độ không quỵ lụy trước cường quyền và hơn nữa lại còn miệt thị viên quản ngục.
Ông còn là một người có thiên lương trong sáng và cao đẹp. Ông không phải là một con người sắt đá, ông cũng biết quý trọng người ngay, người tri kỉ. Khi hiểu được tấm chân tình và thái độ từ chỗ khinh miệt, coi thường, dè chừng sang thái độ tôn trọng. Đó là thái độ tôn trọng đối với con người có nhân cách sống tốt dẹp: trong người tài, yêu cái thú vui tao nhã, thanh khiết. Ông sẵn sàng cho chữ - cái chữ mà không cường quyền và bạc tiền nào có thể mua được - cái chữ mà cả cuộc đời ông chỉ mới viết cho ba người bạn thân. Tuy nhiên, cái đáng quý nhất và là cái thể hiện thiêng lương cao đẹp của ông chính là những lời khuyên chân thành, cuối cùng đối với viên quản ngục trước khi vào kinh thành thụ án. "Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy quản nên thay chốn đi... ở đây thiên lương khó giữ cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi".
Cho chữ để cứu người là cái tâm cao đẹp của Huấn Cao. Cái tâm không chỉ là lòng nhân ái mà nó còn có sức mạnh cảm hóa lòng người. Ông đã khiến viên quản ngục cảm phục "Chắp tay vái người tù một vái... nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: kẻ mê muội này xin bái lĩnh".
Tính cách và tâm hồn của nhân vật viên quản ngục
Nhân vật viên quản ngục xuất hiện trong tác phẩm làm nổi bật chủ đề của tác phẩm. Đây là một con người không sáng tạo được cái đẹp nhưng lại biết trân trọng yêu mến cải đẹp.
Là một ngục quan chịu trách nhiệm canh giữ tù nhân, giúp ích cho bộ máy cai trị đương thời nhưng viên quản ngục không phải là kẻ không có thiên lương, tàn ác, xảo trá mà ngược lại ông vẫn giữ được nhân cách sống cao quý trong cảnh tù ngục tối tăm, nhiều cám dỗ.
Viên quản ngục biết trân trọng giá trị con người, biết quý trọng nhân tài. Điều này thể hiện rõ qua những chi tiết về những hành động biệt đãi đối với Huấn Cao và những người bạn tù của Huấn Cao.
Ông là một người có sở thích tao nhã, cao quý: đó là thú chơi chữ. Sở nguyện cả đời của ông là có được đôi câu đối do chính tay Huấn Cao viết để treo trang trọng trong nhà. Cái sở nguyện này mạnh mẽ vượt qua cả nỗi sợ hãi, bất chấp mọi nguy hiểm đến bản thân, làm đảo lộn trật tự trong tù, biến một phạm nhân có án tử hình thành một thần tượng để mình tôn thờ.
Diễn hiến nội tâm, hành động và cách ứng xử của viên quản ngục chứng tỏ dù sống ở nơi tăm tôi nhưng ông vẫn giữ được nhân cách cao đẹp - một tấm lòng trong thiên hạ, xứng đáng trở thành bạn tri kỉ của Huấn Cao. Nhân cách và tâm hồn của viên quản ngục theo như nhận xét của Huấn Cao là "một âm thanh trong trẻo xen giữa bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ".
Cảnh cho chữ trong nhà lao
Cảnh cho chữ trong nhà lao vào đêm khuya tăm tối là một trong những sáng tạo tuyệt vời của tác giả nhằm làm bộc lộ vẻ đẹp hình tượng của nhân vật Huấn Cao. Đây là một cảnh tượng trước đây chưa từng có. Một cảnh tượng mà khung cảnh và nội dung của nó hoàn toàn trái ngược nhau: cảnh cho chữ vốn thanh tao, tươi sáng, đẹp đẽ lại diễn ra trong chốn tù ngục dơ bẩn tối tăm, ẩm thấp. Nhưng chính trong cảnh tượng như thế, cái đẹp, cái thiện lại càng chứng minh tĩnh giá trị của nó.
Người nghệ sĩ vượt qua những gông cùm, đau đớn để hiện mình tươi sáng hơn, uy nghi, lồng lộng hơn để viết lên những nét chữ xinh đẹp, những tâm huyết của cả đời mình: trong khi đó, người vốn đại diện cho uy quyền lại trở nên khúm núm, run run đón nhận từng nét chữ quý giá mà cả đời tâm huyết.
Trật tự kỉ cương của nhà tù hoàn toàn bị đảo ngược: tù nhân trở thành người ban phát cái đẹp, cái lương thiện, thanh cao còn ngục quan vốn đại diện cho công lí lại trở nên nhỏ bé, hèn mọn.
Giữa chốn ngục tù tàn bạo, không phải kẻ thống trị làm chủ mà là người tù làm chủ, cái thiện vẫn hiện lên mạnh mẽ chiến thắng được cái ác. Đó là sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối; là sự tôn vinh cái đẹp, cái thiện và nhân cách cao cả của con người.
Phân tích Chữ người tử tù - Mẫu 5
Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám là một nhà văn duy mĩ. Ông yêu đến say đắm cái đẹp, ngợi ca cái đẹp, tôn thờ cái đẹp. Theo ông mĩ là đỉnh cao của nhân cách con người. Ông săn lùng cái đẹp không tiếc công sức. Ông miêu tả cái đẹp bằng kho ngôn ngữ giàu có của riêng ông. Những nhân vật hiện lên trong tác phẩm của Nguyễn tuân phải là hiện thân của cái đẹp. Đó là những con người tài hoa hoạt động trong những hoàn cảnh, môi trường đặc biệt, phi thường. Ông phát hiện, miêu tả cái đẹp bên ngoài và bên trong của nhân vật. Trong cái đẹp của ông bao gồm cái chân và thiện. Ông lại còn kết hợp mĩ với dũng. Truyện ngắn “Chữ người tử tù” (1939) trong tập “Vang bóng một thời” là áng văn hay nhất, tiêu biểu nhất của Nguyễn Tuân. Giá trị tư tưởng và dụng công nghệ thuật của Nguyễn Tuân được thể hiện chủ yếu trong đoạn văn tả “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”, cảnh tượng một người tử tù cho chữ một viên cai ngục.
Ông Huấn Cao trong truyện “Chữ người tử tù” là một nho sĩ tài hoa của một thời đã qua nay chỉ còn “vang bóng”. Nguyễn Tuân đã dựa vào nguyên mẫu nhà thơ, nhà giáo, một lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa nông dân là Cao Bá Quát, một con người hết sức tài hoa và dũng khí phi thường để sáng tạo ra nhân vật Huấn Cao (Cao là họ, Huấn là dạy). Cao Bá Quát trước khi trở thành lãnh tụ nông dân cũng là thầy giáo. Nguyễn Tuân đã dựa vào hai tính cách của nguyên mẫu để xây dựng nhân vật Huấn Cao. Cao Bá Quát, người viết chữ đẹp nổi tiếng và khí phách lừng lẫy. Xây dựng nhân vật Huấn Cao, Nguyễn Tuân vừa thể hiện lý tưởng thẩm mĩ của ông lại vừa thỏa mãn tinh thần nổi loạn của ông đối với xã hội đen tối tàn bạo lúc bấy giờ.
Truyện có hai nhân vật chính, một là ông Huấn Cao có tài viết chữ đẹp, một nữa là viên quản ngục say mê chữ đẹp của ông Huấn, quyết tìm mọi cách để “xin chữ” treo trong nhà. Lão coi chữ của Huấn Cao như báu vật.
Họ đã gặp nhau trong tình huống oái ăm là nhà ngục. Người có tài viết chữ đẹp lại là một tên “đại nghịch” cầm đầu khỏi nghĩa nông dân (triều đình gọi là nổi loạn, giặc) đang bị bắt giam chờ ngày thụ hình. Còn người mê chữ đẹp của ông Huấn Cao lại là một quản ngục đại diện cho cái trật tự xã hội ấy. Trên bình diện nghệ thuật họ là tri âm tri kỉ, trên bình diện xã hộ họ ở hai vị trí đối lập. Tình huống của truyện có tính kịch. Từ tình huống đầy kịch tính ấy, tính cách hai nhân vật được bộ lộ và tư tưởng chủ đề của truyện được thể hiện một cách sâu sắc.
Huấn Cao nói: “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”. Huấn Cao coi thường tiền bạc và uy quyền, nhưng Huấn Cao vui lòng cho chữ viên quản ngục vì con người sống giữa chốn bùn nhơ này, nơi người ta chỉ biết sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc lại có kẻ biết trọng người có nghĩa khí, biết tôn quý cái đẹp của chữ nghĩa “ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quí như vậy”. Viên quản ngục cũng không dễ gì nhận được chữ của Huấn Cao. Hắn đã bị nghi ngờ, bị đuổi. Có lần hắn mon men vào ngục định làm quen và biệt đãi Huấn Cao để xin chữ thì lại bị Huấn Cao cự tuyệt: “ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Về sau hiểu được tấm lòng của viên quản ngục, ông đã nói một lời sâu sắc và cảm động: “thiếu chút nữa ta đã phụ một tấm lòng trong thiên hạ”.
Coi khinh cường quyền và tiền bạc, Huấn Cao chỉ trọng những tấm lòng biết quí cái đẹp, cái tài, có sở thích cao quý. Những con người ấy theo Huấn Cao là còn giữ được “thiên lương”. Ông khuyên viên quản ngục bỏ cái nghề nhơ bẩn của mình đi “ở đây khó giữ được thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cả đời lương thiện đi”.
Huấn Cao còn đẹp ở khí phách. Ông là một người tử tù gần đến ngày tử hình vẫn giữ được tư thế hiên ngang, đúng là khí phách của một anh hùng Cao Bá Quát. “Đêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vẳng có tiếng mõ trên vọng canh, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có đã bày ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”. Tác giả cố ý miêu tả bằng cách tương phản giữa tính cách cao quí của Huấn Cao với cái dơ dáy, bẩn thỉu của nhà tù, một hình ảnh thu nhỏ của xã hội thời bấy giờ.
Vẻ đẹp rực rỡ của Huấn Cao hiện lên trong đêm viết chữ cho viên quản ngục. Chính trong tình tiết này, cái mĩ và cái dũng hòa hợp. Dưới ánh đuốc đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu, “một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ trên phiến lụa óng”. Hình ảnh người tử tù trở nên chủ động. Viên quản ngục và viên thư lại trở nên nhỏ bé, bị động, khúm núm trước người tử tù.
Vì sao Nguyễn Tuân lại nói đây là một “cảnh tượng xưa nay chưa từng có”?
Cảnh tượng này quả là lạ lùng, chưa từng có vì trò chơi chữ nghĩa thanh tao có phần đài các lại không diễn ra trong thư phòng, thư sảnh, mà lại diễn ra nơi ngục tối chật hẹp, bần thỉu, hôi hám.
Cảnh tượng lạ lùng chưa từng thấy là hình ảnh tên tử tù cho chữ thì nổi bật lên uy nghi lộng lẫy, còn viên quản ngục và thư lại, những kẻ đại diện cho xã hội đương thời thì lại khúm núm run rẩy.
Điều đó cho thấy rằng trong nhà tù tăm tối, hiện thân cho cái ác, cái tàn bạo đó, không phải cái ác, cái xấu đang thống trị mà chính cái Đẹp, cái Dũng, cái Thiện, cái cao cả đang làm chủ. Với cảnh cho chữ này, cái nhà ngục tăm tối đã đổ sụp, bởi vì không còn kẻ phạm tội tử tù, không có quản ngục và thư lại, chỉ có người nghệ sĩ tài hoa đang sáng tạo cái đẹp trước đôi mắt ngưỡng mộ sùng kính của những kẻ liên tài, tất cả đều thấm đẫm ánh sáng thuần khiết của cái đẹp, cái đẹp của thiên lương và khí phách. Cũng với cảnh này, người tử tù đang đi vào cõi bất tử. Sáng mai ông sẽ bị tử hình, nhưng những nét chữ vuông vắn, tươi đẹp hiện lên cái hoài bão tung hoành cả một đời của ông trên lụa bạch sẽ còn đó. Và nhất là lời khuyên của ông đối với tên quản ngục có thể coi là lời di huấn của ông về đạo lí làm người trong thời đại nhiễu nhương đó. Quan niệm của Nguyễn Tuân là cái Đẹp gắn liền với cái Thiện. Người say mê cái đẹp trước hết phải là người có thiên lương. Cái Đẹp của Nguyễn Tuân còn gắn với cái Dũng. Hiện thân của cái Đẹp là hình tượng Huấn Cao với khí phách lừng lẫy đã sáng rực cả trong đêm cho chữ trong nhà tù.
Bên cạnh hình tượng Huấn Cao lồng lộng, ta còn thấy một tấm lòng trong thiên hạ. Trong đêm cho chữ, hình ảnh viên quản ngục cũng cảm động. Đó là âm thanh trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ. Cái tư thế khúm núm, giọng nói nghẹn ngào, cái cúi đầu xin bái lĩnh và cử chỉ run run bưng chậu mực không phải là sự quỵ lụy hèn hạ mà là thái độ chân thành khiến ta có cảm tình với con người đáng thương này.
Đoạn truyện ông Huấn Cao cho chữ là đoạn văn hay nhất trong truyện ngắn “Chữ người tử tù”. Bút pháp điêu luyện, sắc sảo khi dựng người, dựng cảnh, chi tiết nào cũng gợi cảm, gây ấn tượng. Ngôn ngữ Nguyễn Tuân biến hóa, sáng tạo, có hồn, có nhịp điệu dư ba. Một không khí cổ kính trang nghiêm đầy xúc động, có phần bi tráng toát lên trong đoạn văn.
“Chữ người tử tù” không còn là “chữ” nữa, không chỉ là Mỹ mà thôi, mà “những nét chữ tươi tắn nó nói lên những hoài bão tung hoành của một đời người”. Đây là sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối. Đấy là sự chiến thắng của cái đẹp, cái cao thượng, đối với sự phàm tục nhơ bẩn, cũng là sự chiến thắng của tinh thần bất khuất trước thái độ cam chịu nô lệ. Sự hòa hợp giữa Mỹ và Dũng trong hình tượng Huấn Cao là đỉnh cao nhân cách theo lí tưởng thẩm mĩ của Nguyễn Tuân, theo triết lí “duy mĩ” của Nguyễn Tuân.
Phân tích Chữ người tử tù - Mẫu 6
Nguyễn Tuân là một nhà văn rất tài năng với sự hiểu biết trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt với sở trường về tùy bút và ký, tác giả đã để lại cho người đọc những tác phẩm tuyệt vời như tập tùy bút sông Đà, Vang bóng một thời, Một chuyến đi... Trong đó không thể không nhắc đến tác phẩm Chữ người tử tù, một tác phẩm đã làm nên tiếng vang về tài năng của ông khi đã khắc họa rất thành công nhân vật Huấn Cao, một con người tài hoa, có cái tâm trong sáng và khí phách hiên ngang, bất khuất.
Chữ người tử tù được in trong tập Vang bóng một thời xuất bản năm 1940, tác phẩm khi xuất hiện trên tạp chí Tao đàn có tên Dòng chữ cuối cùng, sau in thành sách đổi thành Chữ người tử tù. Tác phẩm đã truyền tải đầy đủ tinh thần của tác giả, cũng như giá trị nhân văn của tác phẩm. “Chữ” là hiện thân của cái đẹp, cái tài sáng tạo ra cái đẹp, cần được tôn vinh, ngợi ca. “Người tử tù” là đại diện của cái xấu, cái ác, cần phải loại bỏ khỏi xã hội. Ngay từ nhan đề đã chứa đựng những mâu thuẫn gợi ra tình huống truyện éo le, gợi dậy sự tò mò của người đọc. Qua đó làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm: tôn vinh cái đẹp, cái tài, khẳng định sự bất tử của cái đẹp trong cuộc đời.
Tác phẩm có tình huống gặp gỡ hết sức độc đáo, lạ, chúng diễn ra trong hoàn cảnh nhà tù, vào những ngày cuối cùng của người tử tù Huấn Cao, một người mang chí lớn và tài năng lớn nhưng không gặp thời. Vị thế xã hội của hai nhân vật cũng có nhiều đối nghịch. Huấn Cao kẻ tử từ, muốn lật đổ trật tự xã hội đương thời. Còn quản ngục là người đứng đầu trại giam tỉnh Sơn, đại diện cho luật lệ, trật tự xã hội đương thời. Nhưng ở bình diện nghệ thuật, vị thế của họ lại đảo ngược nhau hoàn toàn: Huấn Cao là người có tài viết thư pháp, người sáng tạo ra cái đẹp, còn quản ngục là người yêu và trân trọng cái đẹp và người sáng tạo ra cái đẹp. Đó là mối quan hệ gắn bó khăng khít chặt chẽ với nhau. Với tình huống truyện đầy độc đáo, đã giúp câu chuyện phát triển logic, hợp lí đẩy lên đến cao trào. Qua đó giúp bộc lộ tính cách nhân vật và làm nổi bật chủ đề của truyện: Sự bất tử của cái đẹp, sự chiến thắng của cái đẹp. Sức mạnh cảm hóa của cái đẹp.
Nổi bật trong tác phẩm chính là Huấn Cao, người có tài viết chữ đẹp và nổi tiếng khắp nơi: “người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp” tiếng tăm của ai khiến ai ai cũng biết đến. Cái tài của ông còn gắn liền với khát khao, sự nể trọng của người đời. Có được chữ của Huấn Cao là niềm mong mỏi của bất cứ ai, được treo chữ của ông trong nhà là niềm vui, niềm vinh dự lớn. Cái tài của Huấn Cao không chỉ dừng lại ở mức độ bình thường mà đã đạt đến độ phi thường, siêu phàm.
Không chỉ tài năng, vẻ đẹp của Huấn Cao còn là vẻ đẹp của thiên lương trong sáng: “Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”. “Khoảnh” ở đây có thể hiểu là sự kiêu ngạo về tài năng viết chữ, bởi ông ý thức được giá trị của tài năng, luôn tôn trọng từng con chữ mình viết ra. Mỗi chữ ông viết như một món quà mà thượng đế trao cho bản thân nên chỉ có thể dùng những chữ ấy để trao cho những tấm lòng trong thiên hạ. Trong đời ông, ông không vì uy quyền mà trao chữ cho ai bao giờ: “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”. Đặc biệt, tấm lòng thiên lương ấy còn thể hiện trong việc ông đồng ý cho chữ viên quản ngục: “Ta cảm tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”, tấm lòng của Huấn Cao với những con người quý trọng cái đẹp, cái tài.
Ở Huấn Cao ta còn thấy được trong ông vẻ đẹp của một con người có nghĩa khí, khí phách hơn người. Ông là người giỏi chữ nghĩa nhưng không đi theo lối mòn, dám cầm đầu một cuộc đại phản, đối đầu với triều đình. Khi bị bắt ông vẫn giữ tư thế hiên ngang, trước lời đe dọa của tên lính áp giải tù, Huấn Cao không hề để tâm, coi thường, vẫn lạnh lùng chúc mũi gông đánh thuỳnh một cái xuống nền đá tảng… Khi viên quản ngục xuống tận phòng giam hỏi han ân cần, chu đáo, Huấn Cao tỏ ra khinh bạc đến điều: “Ngươi hỏi ta muốn gì, ta chỉ muốn có một điều, là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Vào thời điểm nhận tin dữ (ngày mai vào kinh chịu án chém), Huấn Cao bình tĩnh, mỉm cười.
Và đẹp đẽ nhất là cảnh cho chữ, cả ba vẻ đẹp của ông được hội tụ và tỏa sáng. Trên tấm vải trắng còn nguyên vẹn lần hồ, chữ Huấn Cao “vuông tươi tắn” nói lên hoài bão, tung hoành của một con người có khí phách. Ông không để tâm đến mọi điều xung quanh chỉ tập trung vào việc tạo ra những nét chữ tuyệt tác. Với việc quản ngục xin chữ, Huấn Cao cũng hiểu ra tấm lòng của quản ngục, trong những giây phút cuối đời đã viết chữ dành tặng viên quản ngục, dành tặng cho tấm lòng biệt nhỡn liên tài trong thiên hạ.
Viên quản ngục là người có số phận bi kịch. Ông vốn có tính cách dịu dàng, biết trọng những người ngay thẳng, nhưng lại phải sống trong tù – môi trường chỉ có tàn nhẫn, lừa lọc. Nhân cách cao đẹp của ông đối lập với hoàn cảnh sống tù đầy, bị giam hãm. Ông tự nhận thức về ki kịch của mình, bi kịch của sự lầm đường lạc lối, nhầm nghề. Nhưng dù vậy, trong quản ngục vẫn giữ được tâm hồn cao đẹp, tâm hồn của một người nghệ sĩ. Ông khao khát có được chữ của Huấn Cao để treo trong nhà, và nếu không xin được chữ ông Huấn quả là điều đáng tiếc. Nhưng xin được chữ của Huấn Cao là điều vô cùng khó khăn: bản thân ông là quản ngục, nếu có thái độ biệt nhỡn, hay xin chữ kẻ tử tù – Huấn Cao, chắc chắc sẽ gặp tai vạ. Hơn nữa Huấn Cao vốn “khoảnh” không phải ai cũng cho chữ.
Trong những ngày cuối cùng của ông Huấn, quản ngục có hành động bất thường, biệt nhỡn với người tử tù. Cũng như Huấn Cao, vẻ đẹp tâm hồn của quản ngục được thể hiện rõ nhất ở đoạn cho chữ. Ông trân trọng, ngưỡng mộ nên đã bất chấp tất cả để tổ chức một đêm xin chữ chưa từng có. Ba con người, ba nhân cách cao đẹp chụm lại chứng kiến những nét chữ dần dần hiện ra…, viên quản ngục khúm lúm cất từng đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ, với thái độ sùng kính, ngưỡng mộ cái đẹp. Trước những lời giảng giải của Huấn Cao, viên quản ngục chắp tay vái người tù một vái, “kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.
Tác phẩm đã sáng tạo tình huống truyện vô cùng độc đáo. Với nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc, mỗi nhân vật mang một vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp thiên lương, khí phách và trọng đãi người tài. Đồng thời tác phẩm cũng thành công khi Nguyễn Tuân đã gợi lên không khí cổ xưa nay chỉ còn vang bóng. Nhịp điệu câu văn chậm, thong thả, góp phần phục chế lại không khí cổ xưa của tác phẩm. Bút pháp đối lập tương phản vận dụng thành thục, tài hoa.
Qua truyện ngắn Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã thể hiện niềm tin vào sự chiến thắng tất yếu của cái đẹp, cái thiên lương với cái xấu xa, tàn nhẫn. Đồng thời ông cũng thể hiện tấm lòng chân trọng những giá trị văn hóa truyền thống, qua đó kín đáo bộc lộ lòng yêu nước. Với nghệ thuật xây dựng tình huống đắc sặc, ngôn ngữ tài hoa đã góp phần tạo nên sự thành công cho tác phẩm.
Phân tích Chữ người tử tù - Mẫu 7
Nguyễn Tuân được coi là “nhà văn lớn, một nghệ sĩ suốt đời kiếm tìm cái đẹp”, ông có vai trò và ảnh hưởng quan trọng đến nền văn học Việt Nam. Trước cách mạng ông thoát li hiện thực để nhớ lại một thời vang bóng và tập Vang bóng một thời chính là tập truyện tiêu biểu nhất về phong cách của ông trước cách mạng. Trong đó ta không thể không nhắc đến Chữ người tử tù với sự tôn trọng thú viết chữ đẹp truyền thống. Nguyễn Tuân là một cây bút để lại dấu ấn đặc sắc trong nền văn học nước nhà, ông nổi tiếng và được người đọc biết đến qua các bài bút và kí. Là một nhà văn theo “ chủ nghĩa xê dịch”, trong những câu văn cuả Nguyễn Tuân luôn có sự khám phá những vẻ đẹp trước nay ít người để ý đến và có những nét đột phá riêng làm lên tên tuổi của Nguyễn Tuân. Trong các tác phầm làm lên tên tuổi của Nguyễn Tuân không thể không kể đến tác phẩm Chữ người tử tù. Đây là một trong số những tác phẩm để lại dấu ấn cũng như tên tuổi của Nguyễn Tuân trong nền văn học nước nhà.
Chữ người tử tù được đăng trong tuyển tập Vang bóng một thời xuất bản năm 1940 và tác phẩm khi xuất hiện trên tạp chí Tao đàn có tựa Những chữ cuối cùng, sau in thành sách tên là Chữ người tử tù. Tác phẩm đã truyền tải đầy đủ tư tưởng của tác giả, cũng như giá trị nhân văn của tác phẩm. “Chữ” là biểu tượng của cái tốt, cái tài sáng tạo nên cái mới và cần được kính trọng, tôn vinh. “Người tử tù” là hiện thân của cái xấu xa, cái tàn ác, nhất thiết phải loại trừ khỏi xã hội. Ngay từ tiêu đề đã chứa đựng nhiều mâu thuẫn tạo thành tình huống truyện kịch tính, khơi gợi được trí tưởng tượng của người đọc. Qua đó làm sáng tỏ chủ đề tư tưởng của tác phẩm: ca ngợi cái đức và cái tài, khẳng định tính vĩnh cửu của vẻ đẹp trong xã hội.
Tác phẩm có tình huống gặp gỡ rất mới, lạ lẫm, chúng diễn ra trong môi trường xã hội hiện đại ở những giờ phút cuối cùng của người tử tù Huấn Cao, một người với ý chí kiên cường và tài năng lớn song không gặp thời. Vị thế xã hội của hai nhân vật cũng có sự thay đổi. Huấn Cao đã tử từ, muốn phá hoại trật tự xã hội đương thời. Còn quản ngục là người đứng đầu trại giam tỉnh Sơn, đại diện cho luật pháp, trật tự xã hội đương thời. Nhưng ở góc độ xã hội, vị thế của họ đều đảo ngược nhau hoàn toàn: Huấn Cao là người có tài viết thư pháp, người phát minh ra cái đẹp, còn quản ngục là người yêu và quý trọng cái đẹp hơn người sáng tạo ra cái đẹp. Đó là mối quan hệ rất mật thiết gắn bó với nhau. Với tình huống truyện đầy hấp dẫn, đã giúp câu chuyện phát triển logic, hợp lí đẩy lên đến cao trào. Qua đó giúp bộc lộ tính cách nhân vật và làm nổi bật thông điệp của truyện: Sự bất tử của cái đẹp, Sức mạnh chiến thắng của cái đẹp. Sức mạnh chiến thắng và cảm hóa trước nét thanh thuần thoát tục của cái đẹp.
Nguyễn Tuân khắc hoạ vẻ đẹp của nhân vật Huấn Cao ở các bình diện để thấy hết những vẻ đẹp thanh cao đạt đến chân – thiện – mỹ của một người tài hoa bậc nhất. Trước tiên, nhà văn miêu tả Huấn Cao là một người nghệ sĩ tài hoa, nổi danh khắp chốn. Huấn Cao là con người có bản lĩnh hơn người, ông không chịu khuất phục trước quyền lực và danh lợi. Ông không dùng ngòi bút của mình để đánh đổi quyền lực lấy danh lợi, có rất nhiều người muốn mua chữ của ông nhưng ông không bán vì theo chia sẻ của Huấn Cao thì cả cuộc đời ông, ông chỉ cho chữ những người tử tế, đáng kính và những người biết quý trọng, hưởng thụ cái đẹp. Đây cũng là lý do vì sao Huấn Cao đã đồng ý cho chữ viên quản ngục trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt – trong ngục tù và ông cảm kích trước tấm lòng nhân hậu của người quản ngục. Ông xuất hiện thấp thoáng trong hình ảnh của quan quản ngục cùng thầy thơ văn, là người mà “vùng tỉnh Sơn ta đều ca ngợi cái tài viết chữ cực nhanh và siêu giỏi”, chẳng những thế ông còn có khả năng “bẻ khoá và vượt ngục”. Huấn Cao hiện lên trong truyện quả thực là một người “văn võ song toàn”, có tất cả những tư chất của một người anh hùng tài ba. Tác giả giới thiệu Huấn Cao với những miêu tả trên là cũng có ý đồ tốt, nhưng ông muốn giữ cho nhân vật của mình bộc lộ hết sức tự nhiên mà không khiên cưỡng, từ đó giúp người đọc cảm nhận được hình tượng nhân vật và tư tưởng đã truyền đi khắp thiên hạ, khi nhớ đến tên tuổi thì viên quản ngục lẫn thầy thơ lại đều đã từng nghe qua. Cái hào hoa, lãng tử của ông Huấn cao lại được biểu hiện rõ nét nhất khi viên quản ngục bất chấp hiểm nguy, gian khổ với mong muốn có được chữ của ông, chữ ông “đẹp lắm, sáng lắm” chỉ cần có một đôi câu đối của Huấn Cao treo trong nhà coi như là “y đã mãn nguyện” bội phần, dường như trên đời sẽ chả có gì có thể làm cho vị quản ngục hạnh phúc hơn thế nữa.
Ngoài nhân vật trung tâm Huấn Cao, Nguyễn Tuân cũng xây dựng cả một tuyến nhân vật viên quản ngục, một người yêu thích vẻ đẹp và tâm hồn hào hoa nghệ thuật nhưng lại đi lạc vào chốn bẩn thỉu, tục tĩu. Nhà văn xây dựng đồng thời hai nhân vật chính diện song song soi chiếu cho nhau toả sáng với vẻ đẹp tâm hồn cao thượng. Viên quản ngục đã chọn nhầm nghề nghiệp, ông là “một thanh âm trong trẻo xen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật thì lộn xộn ồn ào”. Như cách mà tác giả ví von “Ông trời nhiều khi chơi ác, mang cả những điều thánh thiện vào giữa một đống cặn bã”. Thật đáng trân trọng sống giữa một xã hội rối ren, loạn lạc mà luôn giữ được tâm hồn mình không bị chìm lấp trong bùn lầy, ông ấy đã biết trân trọng điều thiện, biết nể trọng người khác, là sự dũng cảm bất chấp nguy hiểm.
Người cho chữ ở đây là Huấn Cao, nhưng trái với hình ảnh của các tao nhân mặc khách khi cho chữ, Huấn Cao không được thoải mái, tự do về thân thể hay uống rượu thưởng trà mà cổ đeo nẹp chân bị xích vẽ, trong tư thế khó khăn đó, hình ảnh Huấn Cao cho chữ hiện lên càng sáng và có sức hút hơn bất kì nơi nào khác. Làm sao mà trong chốn lao tù lại có thể tồn tai một vẻ đẹp nhân văn như thế? Huấn Cao tựa như bông sen tỏa ngát hương giữa chốn sình lầy tăm tối, tại nơi không ai có thể ngờ đến đó đã tạo lên những dòng chữ vuông vức đẹp đẽ trên giấy trắng. Người có nhu cầu xin chữ là viên quản ngục – người có hứng thú với cái tài do Huấn Cao nghĩ ra. Điều đặc biệt ở đây là địa vị của người cho chữ và kẻ xin chữ cũng hoàn toàn trái ngược, nếu như Huấn Cao là tên tử tù nguy hiểm bị biệt giam thì viên quản ngục chính là người cai quản nhà ngục có nhiệm vụ bắt giữ những kẻ tử tù khác.
Cảnh cho chữ được diễn ra trong một không gian và thời gian hết sức đặc biệt, nơi Huấn Cao viết nên những dòng chữ “to lắm, đẹp lắm” không phải nơi phòng ốc sạch sẽ, cũng không phải nơi phong cảnh hữu tình như mọi khi mà lại là không gian u ám, ngột ngạt của ngục tù “một buồng tối, chật chội ẩm thấp, tường đầy rẫy mạng nhện, tổ kiến, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”. Thời gian viết chữ sao cũng rất đặc biệt, đó không phải ban ngày hay bất kì thời điểm nào khác trong ngày mà lại là giữa đêm khuya khoắt, khi bóng tối đã bao trùm lên toàn bộ cảnh vật , khung cảnh nhà giam đìu hiu tăm tối được soi sáng bằng ánh nến hiu hắt và khi mọi người đã đi vào giấc ngủ- đấy là thời điểm mà viên quản ngục xin chữ của Huấn Cao. Huấn Cao lựa chọn thời điểm đặc biệt này phải chăng là để bảo vệ vị quản ngục tránh khỏi những tai tiếng không đáng có. Hay là do chỉ trong khung cảnh và thời điểm đó là thích hợp nhất và tránh khỏi sự quấy nhiễu và xao nhãng bởi những hoạt động xung quang? Cảnh ngục tù là nơi của những cám dỗ, sự dối trá và các trò chơi xấu nhau, là nơi của những tiếng đánh đập chửi bới và đe dọa. Có thể nói khung cảnh chốn ngục tù đầy cay nghiệt đó lấy đâu ra chỗ cho sự thăng hoa và giao thoa của trí tuệ. Huấn Cao không muốn một con người tốt đẹp như viên quản ngục bị rơi vào vòng xoáy của những thị phi đen tối đó.
Tác phẩm đã tạo nên một tình huống truyện hết sức đặc biệt. Với cách xây dựng nhân vật này, mỗi một nhân vật đều có vẻ đẹp riêng, trí tuệ, khí phách và lòng trọng người tài. Đồng thời, tác phẩm cũng thành công khi Nguyễn Tuân đã gợi nên một không khí xa xưa đến giờ vẫn còn nguyên vẹn. Nhịp điệu các câu văn nhẹ nhàng, chậm rãi góp phần làm tái hiện không khí hoài cổ của tác phẩm. Lối viết tương phản được vận dụng linh hoạt, uyển chuyển.
Mời các bạn cùng tải về bản PDF để xem đầy đủ nội dung