Phân tích đoạn trích tự chọn “Thúy Kiều báo ân báo oán” trong “Truyện Kiều”

Phân tích đoạn trích “Thúy Kiều báo ân báo oán” trong “Truyện Kiều”

 Phân tích đoạn trích “Thúy Kiều báo ân báo oán” trong “Truyện Kiều” là bài văn mẫu hay do VnDoc biên soạn nhằm giúp các bạn học sinh có thêm tư liệu học tập môn Ngữ văn 11. Mời các bạn tham khảo!

Trong tác phẩm “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”, nhà thơ Chế Lan Viên đã nói về “những ngày đẹp nhất” của dân tộc:

Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc

Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hoá thành văn

Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc

Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng…

Trong cảm nhận của nhà thơ, khi “Nguyễn Du viết Kiều” là một trong những ngày đẹp nhất. Câu chuyện về nàng Kiều lưu lạc đã đi vào tâm thức của con người Việt Nam, nối dài vẻ đẹp văn hóa cho đất nước. Đoạn trích “Thúy Kiều báo ân báo oán” là một trong những trích đoạn tiêu biểu nhất của kiệt tác này, cho thấy ước mơ của nhân dân về công bằng xã hội.

Đoạn trích “Kiều báo ân báo oán” nằm ở phần “Gia biến và lưu lạc”. Sau khi đã trải qua nhiều đắng cay và tủi nhục, Kiều chẳng còn thiết tha với cuộc sống. Trong những tháng ngày đau thương nhất, Kiều đã gặp Từ Hải. Người anh hùng “chọc trời khuấy nước” là nguồn sáng hiếm hoi trong cuộc đời đoạn trường của Kiều. Từ Hải đã đưa Kiều lên vị trí của một quan tòa uy nghi để báo ân, báo oán - một điều chưa từng có tiền lệ trong xã hội phong kiến. Mười hai câu đầu của trích đoạn là cảnh Thúy Kiều báo ân với Thúc Sinh và những câu còn lại là lời đối đáp với Hoạn Thư.

Cho gươm mời đến Thúc Lang

Mặt như chàm đổ mình dường dẽ run

Nàng rằng: “Nghĩa nặng nghìn non

Lâm Tri người cũ chàng còn nhớ không?

Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng,

Tại ai há dám phụ lòng cố nhân?

Gấm trăm cuốn bạc nghìn cân,

Tạ lòng dễ xứng báo ân gọi là.

Vợ chàng quỷ quái tinh ma

Phen này kẻ cấp bà già gặp nhau.

Kiến bò miệng chén chưa lâu,

Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa”

Đứng trước công đường oai nghiêm, trang trọng, Thúc Sinh vô cùng hoảng sợ. Chàng Thúc “Mặt như chàm đổ”, mất hết thần sắc, bước đi còn không vững. Những cử chỉ này góp phần cho thấy tính cách có phần nhu nhược, đớn hèn của Thúc Sinh. Đối mặt với Thúc Sinh, Kiều bày tỏ tấm lòng trân trọng với những điều mà “người cũ” đã làm cho nàng trong cơn hoạn nạn. Thúc Sinh đưa nàng ra khỏi lầu xanh, cho Kiều những tháng ngày êm ấm. “nghĩa nặng nghìn non” tức là tình nghĩa nặng như nghìn núi, không thể đong đếm, cho thấy sự biết ơn của Kiều dành cho Thúc. Tuy nhiên, cũng vì gắn bó với Thúc Sinh mà Kiều đã vướng phải những đau khổ của phận làm lẽ. Ở đây, ta thấy Kiều toát lên vẻ đẹp thông minh và vị tha, nhân hậu. Kiều nhận thức rằng kẻ gây ra đau khổ cho nàng chính là Hoạn Thư nên không oán trách Thúc Sinh. Nàng rất thấu tình đạt lí, hiểu cho tình cảnh của Thúc: “Tại ai há dám phụ lòng cố nhân?”. Vì thế, nàng tặng cho Thúc Sinh “Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân”. “trăm”, “nghìn” đều là những từ chỉ số lượng vô cùng nhiều, thể hiện sự tri ân sâu sắc. Nàng nhắc đến điển tích Sâm Thương cùng nhiều từ Hán – Việt như “nghĩa”, “tòng”, “cố nhân” tạo nên không khí trang trọng cho cuộc đối thoại. Điều đặc biệt nằm ở chỗ, Kiều đã nhắc đến Hoạn Thư khi nói chuyện cùng Thúc Sinh bằng những thành ngữ như “kẻ cắp bà già”, “kiến bò miệng chén” rất gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân.

Thoắt trông nàng đã chào thưa:

“Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây!

Đàn bà dễ có mấy tay,

Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan!

Dễ dàng là thói hồng nhan,

Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều”.

Hoạn Thư hồn lạc phách xiêu,

Khấu đầu dưới trướng liệu điều kêu ca.

Rằng: “Tôi chút phận đàn bà,

Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.

Nghĩ cho khi gác viết kinh,

Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.

Lòng riêng riêng những kính yêu,

Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai.

Trót lòng gây việc chông gai,

Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng”.

Ở đây, Kiều vẫn gọi Hoạn Thư là “tiểu thư”, giữ nguyên cách xưng hô khi làm nô tì để mỉa mai Hoạn Thư. Điều này đã giáng đòn tâm lí vào Hoạn Thư, khiến “tiểu thư” cảm thấy xấu hổ. Lời đối thoại trong đoạn thơ này thể hiện rõ sự bung tỏa những đau thương, uất ức đã dồn nén bấy lâu của Kiều. Cách nói “dễ có”, “dễ dàng”, “mấy tay”, “mấy mặt”, “càng cay nghiệt”, “càng oan trái”,… thể hiện rõ sự đay nghiến mà Kiều dành cho Hoạn Thư. Có ngày hôm nay đứng trên công đường cũng là hệ quả tất yếu của những gì Hoạn Thư gây ra nên “Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa”. Ngay cả trong lúc sợ hãi, Hoạn Thư vẫn cố gắng “liệu điều kêu ca” cho thấy sự khôn khéo của người phụ nữ quyền quý. Hoạn Thư vin vào tâm lí thường tình của người phụ nữ: “Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”. Bỗng chốc, Hoạn Thư biến Kiều trở thành người đồng cảnh “phận đàn bà” với mình, mong được Kiều thấu hiểu rằng mình cũng chỉ là một người phụ nữ chịu cảnh đa thê. Thậm chí, Hoạn Thư còn kể “công” đã cho Kiều ra viết kinh ở gác Quan Âm và không cho người truy bắt Kiều khi nàng bỏ trốn khỏi nhà họ Hoạn.

Khen cho: “Thật đã nên rằng,

Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời.

Tha ra thì cũng may đời,

Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen.

Đã lòng tri quá thì nên”.

Trước những lời nói ấy của Hoạn Thư, Kiều đã bị thuyết phục. Nàng công nhận rằng đây là con người “nói năng phải lời”. Hoạn Thư thể hiện sự hối cải, Kiều cũng bằng lòng tha bổng. Điều này đã làm nổi bật lòng nhân hậu của Kiều. Nguyễn Du đã thể hiện tài năng bậc thầy trong việc miêu tả tính cách, tâm lí phức tapj của các nhân vật.

Đoạn trích “Thúy Kiều báo ân báo oán” đã thể hiện ước mơ cao đẹp của nhân dân về công lí cùng đạo lí “Gieo nhân nào, gặt quả nấy”. Hình ảnh Thúy Kiều đứng trên công đường, cầm cân nảy mực mọi oan trái ở đời trở thành một trong những hình ảnh đẹp nhất của “Truyện Kiều”.

--------------------------------------------------

Ngoài bài viết trên, mời các độc giả của VnDoc tham khảo thêm các bài viết hay và bổ ích khác tại Ngữ văn 11 Cánh Diều, Văn mẫu lớp 11 Cánh Diều. Chúc các bạn học tập thật tốt!

Đánh giá bài viết
1 69
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 11 Cánh diều

    Xem thêm