Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nghị luận về hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp hằng ngày

Nghị luận về hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp hằng ngày được VnDoc.com tổng hợp và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo. Mời các bạn cùng theo dõi để có thêm tài liệu học Ngữ văn 11 Cánh diều nhé.

Đề bài: Viết bài văn nghị luận nêu ý kiến của em về hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp hàng ngày của giới trẻ Việt Nam hiện nay.

1. Dàn ý nghị luận hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài

1. Mở bài

- Giới thiệu hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp hằng ngày của giới trẻ Việt Nam hiện nay.

- Nêu nhận định về hiện tượng này (tích cực hay tiêu cực, cần được nhìn nhận như thế nào).

2. Thân bài

a) Giải thích hiện tượng

- “Tiếng nước ngoài” chỉ chung mọi ngôn ngữ khác không phải tiếng mẹ đẻ, không phải là tiếng nói gốc của ông bà, cha mẹ,... từ ngàn đời xưa.

- Sính dùng tiếng nước ngoài là lạm dụng ngôn ngữ khác một cách tuỳ tiện, thiếu ý thức, trong một câu tiếng Việt thường chêm vào một vài từ nước ngoài...

a) Biểu hiện của hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài

- Lạm dụng tiếng nước ngoài trong giao tiếp, đặc biệt là tiếng Anh.

- Chêm xen tiếng nước ngoài vào tiếng Việt một cách bừa bãi, thậm chí nói hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài.

- Sử dụng tiếng nước ngoài để thể hiện đẳng cấp, "sang chảnh".

- Viết tin nhắn, bài đăng trên mạng xã hội bằng tiếng nước ngoài, thậm chí sử dụng tiếng lóng, tiếng viết tắt của nước ngoài.

c) Nguyên nhân của hiện tượng

- Ảnh hưởng của xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.

- Ảnh hưởng của công nghệ thông tin, mạng xã hội, phim ảnh, nhạc nước ngoài.

- Tâm lý sính ngoại, muốn thể hiện đẳng cấp của giới trẻ hay "bắt trend".

- Có người vì sống lâu ở nước ngoài nên khi nói tiếng Việt cũng ít nhiều quên một số từ ngữ.

- Làm việc thường xuyên trong môi trường ngôn ngữ nước ngoài nên hình thành thói quen "loạn ngữ"

- Hệ thống giáo dục chưa chú trọng việc dạy tiếng Việt.

- Ảnh hưởng từ phim ảnh, mạng xã hội.

d) Hậu quả, tác hại

- Làm méo mó tiếng Việt, ảnh hưởng đến sự trong sáng của ngôn ngữ.

- Tạo ra sự phân biệt đối xử, đẳng cấp trong xã hội.

- Gây khó khăn cho giao tiếp, đặc biệt là với những người không biết tiếng nước ngoài.

- Làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc.

e) Đề xuất giải pháp khắc phục

- Nâng cao ý thức của giới trẻ về tầm quan trọng của tiếng Việt.

- Tăng cường giáo dục tiếng Việt trong nhà trường và xã hội.

- Bố mẹ phải làm gương trong việc sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ cũng như tiếng nước ngoài bởi những lệch lạc trong văn hóa ngôn ngữ trẻ sẽ tiếp thu, bắt chước rất nhanh.

- Hạn chế sử dụng tiếng nước ngoài trong các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, phim ảnh, nhạc.

- Khuyến khích sử dụng tiếng Việt trong các hoạt động giao tiếp, sáng tạo nội dung tiếng Việt trên mạng xã hội.

- Khuyến khích sử dụng tiếng Việt một cách đúng đắn, sáng tạo.

- Tuyên truyền, quảng bá về vẻ đẹp của tiếng Việt.

g) Bài học nhận thức và hành động

- Nhận thức: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi công dân, đặc biệt là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước, cũng là đối tượng nhạy cảm nhất với cái mới - càng cần tỉnh táo, bản lĩnh trước thời hội nhập, để góp phần giữ vững bản sắc ngôn ngữ dân tộc mình.

- Hành động:

+ Luôn ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, rèn luyện ngôn ngữ giao tiếp, vận dụng đúng đắn các phương tiện giao tiếp trong cuộc sống cũng như trong học tập.

+ Luôn cập nhật, tiếp thu có chọn lọc những giá trị mới của thời hiện đại; hòa nhập nhưng không “hòa tan”, để giữ được giá trị truyền thống của tiếng Việt.

3. Kết bài

- Khẳng định lại tác hại của hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài.

- Kêu gọi mọi người chung tay gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt.

2. Nghị luận hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài mẫu 1

Như chúng ta đã biết, nước Việt Nam là một đất nước có truyền thống lịch sử rất lâu đời với hơn 4000 năm văn hiến. Cùng với các chặng đường phát triển của lịch sử, người Việt Nam đã tạo ra một nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Và càng đáng tự hào hơn khi chúng ta có một vốn từ ngữ cho riêng mình. Như nhiều ngôn ngữ trên thế giới, trải qua quá trình gọt giũa tiếng Việt đã đạt được phẩm chất trong sáng, vì thế những yêu cầu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cần phải được quan tâm thực hiện. Thế nhưng hiện nay, một số người đặc biệt là giới trẻ - thanh niên học sinh đã lạm dụng ngôn ngữ nước ngoài như một thói quen, một lối sống thời thượng.

Cùng với quá trình phát triển và hội nhập với nền kinh tế thế giới, đặc biệt là khi Việt Nam gia nhập các tổ chức quốc tế thì việc sử dụng ngoại ngữ (tiếng Anh) là rất quan trọng và cần thiết. Không ai có thể phủ nhận lợi ích vô cùng to lớn mà tiếng nước ngoài mang lại cho chúng ta. Bởi nó là phương tiện giúp chúng ta có thể hội nhập và phát triển với thế giới. Nhờ nó mà chúng ta dễ dàng trao đổi với người nước ngoài khi họ vào Việt Nam làm việc, kinh doanh,… Tuy nhiên nếu chúng ta sử dụng tiếng nước ngoài không đúng mục đích, không đúng hoàn cảnh thì chắc chắn sẽ gây tổn hại đối với tiếng mẹ đẻ của chúng ta.

Tiếng Việt có một hệ thống chuẩn mực, quy tắc chung về phát âm và chữ viết, cách dùng từ, đặt cậu,.. Nói hoặc viết đúng chuẩn mực, đúng quy tắc của tiếng Việt sẽ đảm bảo được sự trong sáng của lời nói. Sự trong sáng của tiếng Việt không cho phép dung nạp tạp chất. Do đó, tiếng Việt không cho phép pha tạp, lai căng, những yếu tố khác. Vậy mà thực tế hiện nay, ta có thể dễ dàng bắt gặp giới trẻ kết hợp cách nói hay viết giữa tiếng ta với tiếng nước ngoài theo kiểu “nửa nạc nửa mỡ”, họ sử dụng tiếng nước ngoài một cách tuỳ tiện, thiếu ý thức, trong một câu tiếng Việt thường chêm vào một vài từ nước ngoài. chẳng hạn : “Trông con bé đó kute quá”, “Điện thoại sắp hết tiền rồi làm sao gọi cho honey đây”, “Anh ấy handsome thật!”, “Các superstar thích xài mobile loại xịn”, “ Idol của tao kìa”, rồi nào là hotboy, hotgirl, …

Nếu tình trạng này không được ngăn chặn kịp thời thì sẽ dễ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Dễ thấy nhất là sự phong phú của tiếng Việt sẽ mất dần mà thay vào đó là sự nghèo nàn về phát âm, chữ viết, dùng từ, đặt câu, không chỉ có vậy nó còn phá vỡ luôn hệ thống chuẩn mực, qui tắc của tiếng Việt. Hãy thử hình dung đến một lúc nào đó, người Việt Nam sẽ xa rời chính tiếng mẹ đẻ của mình, làm cho nó bị pha tạp, lai căng làm mất đi bản sắc vốn có của tiếng Việt. Đó quả là một sự thật đáng buồn!

Chúng ta không thể hoàn toàn phủ nhận tiếng nước ngoài là sai. Trong cuốn Sửa đổi lề lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết : “Tiếng ta còn thiếu, nên nhiều lúc phải mượn tiếng nước khác, nhất là tiếng Trung Quốc nhưng phải có chừng mực. Tiếng nào ta sẵn có thì dùng tiếng ta”. Có nghĩa là chúng ta phải biết sử dụng tiếng nước ngoài cho phù hợp, đúng lúc, đúng nơi, đúng hoàn cảnh giao tiếp.

Chính vì vậy việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đang là công việc của tất cả mọi người đặc biệt là giới trẻ hiện nay. Chúng ta phải biết rằng tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của mình, vì vậy phải làm cho nó ngày càng phong phú, giàu đẹp hơn, phải biết phát huy tính văn hoá của dân tộc không nên làm mất đi vẻ đẹp và sự trong sáng của tiếng Việt, không nên quá lạm dụng tiếng nước ngoài nhưng vẫn cần tiếp nhận những yếu tố tích cực của tiếng nước ngoài. Đồng thời mỗi người cũng cần tránh những cách nói thô tục, kệch cỡm để cho lời nói đạt đến mức độ “lời hay, ý đẹp” và có văn hoá.

3. Nghị luận hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài mẫu 2

Giao tiếp là điều kiện tồn tại của con người, thông qua giao tiếp cá nhân gia nhập vào các mối quan hệ xã hội, tiếp thu nền văn hoá xã hội lịch sử, biến nó thành cái riêng của mình, đồng thời cũng góp phần vào sự phát triển văn hoá chung. Xã hội phát triển, khoa học kỹ thuật càng hiện đại càng ảnh hưởng đến hành vi, sự suy nghĩ và cuộc sống con người nên mối quan hệ giữa con người với con người càng được quan tâm, vì thế giao tiếp được xem là vấn đề thời sự trong nhiều lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực làm việc trực tiếp với con người như giáo dục, dạy học, ngoại giao… Ngày nay giao tiếp là phương tiện để con người hợp tác cùng nhau, hướng tới mục đích bình đẳng, hạnh phúc. Nhu cầu giao tiếp là nhu cầu quan trọng của con người. Để thỏa mãn nhu cầu giao tiếp và tiến hành giao tiếp có kết quả, con người cần có kỹ năng giao tiếp.

Có thể nói, thay đổi của giới trẻ không chỉ thể hiện ở cách ăn mặc, ở tóc tai, ở cách ứng xử mà thể hiện nhiều ở ngôn ngữ, ở lời ăn tiếng nói hàng ngày của các bạn. Ngôn ngữ “trong sáng” và “giàu có” của tiếng Việt đã được “thoát xác” hoàn toàn khỏi các quy chuẩn và hầu hết được giới trẻ thay bằng thứ ngôn ngữ không ai hiểu vì các bạn dùng tiếng lóng trong cộng đồng teen.

Người trẻ ngày nay không chọn cách ra sạp báo mua tờ Thanh niên, Tuổi trẻ, không mở thời sự để xem tin tức vào mỗi 19 giờ tối hàng ngày. Giới trẻ ngày nay, chỉ cần một chiếc laptop, một chiếc smartphone là các em có thể nắm bắt toàn bộ thông tin, tin tức của thế giới. Thế nhưng, những vấn đề về thế giới, về quân sự, về chính trị, văn hóa của đất nước hay thế giới không phải là vấn đề mà các em quan tâm. Vì vậy, vốn hiểu biết thực tế của giới trẻ ngày càng hạn chế.

Đối với các bạn trẻ, việc sử dụng ngôn ngữ riêng biệt như thế này cũng có những tác dụng nhất định như rút ngắn được thời gian khi gõ phím hay trò chuyện, khi trò chuyện. Đồng thời, nó cũng tạo điểm nhấn riêng cho mỗi cuộc nói chuyện cũng như làm tăng lên cá tính của các bạn. Thế nhưng, các bạn không thể lường trước được những hậu quả của từ việc sử dụng ngôn ngữ như vậy. Thứ nhất, nó làm méo mó đi sự trong sáng của tiếng việt, tiếng dân tộc thiêng liêng. Nó tạo nên một thói quen không tốt trong tác phong sinh hoạt hằng ngày nói chung và trong giao tiếp nói chung. Thứ hai, nó khiến cho người khác cảm thấy khó hiểu, thậm chí là khó chịu khi phải tiếp xúc với những loại ngôn ngữ như vậy. Bên cạnh đó, nó sẽ tạo thành một trào lưu, một tác động xấu làm ảnh hưởng đến văn hóa xã hội…

Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng giới trẻ sử dụng ngôn ngữ 1 cách sai lệch như vậy? Nguyên nhân đầu tiên mà chúng ta có thể nhắc tới là sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội. Thông qua việc giao tiếp tràn lan, mất kiểm soát trên các trang mạng xã hội, ngôn ngữ teen code nhanh chóng trở thành một thứ “mốt” thời thượng của các bạn trẻ. Họ bị ảnh hưởng rất nhiều từ bạn bè và các sản phẩm trên mạng. Bên cạnh đó, tâm lý học theo, tâm lý theo số đông lại càng khiến cho teen code tác động sâu vào các bạn trẻ. Cùng với đó, gia đình và nhà trường vẫn chưa có sự quan tâm sát sao đối với con em trong việc sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp.

Còn đâu việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt theo lời dạy của Bác Hồ vẫn căn dặn chúng ta. Vẫn biết rằng xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng hiện đại thì con người cần phải đổi thay và phải tiếp thu những cái mới. Nhưng ngôn ngữ của teen thì ngày càng đi ngược lại với thuần phong mỹ tục tốt đẹp mà cha ông ta đã bao nhiêu đời nay vun đắp, xây dựng. Sử dụng ngôn ngữ khó hiểu, tiếng lóng, hay những từ những câu thiếu văn minh lịch sự là điều đáng phê phán, đáng lên án. Việc sử dụng những ngôn ngữ có biến đổi để phù hợp với giới trẻ nên được kiểm soát, để tránh tình trạng lạm dụng và làm mất đi cái hay cái đẹp của tiếng Việt. Các bạn teen cần biết đâu là tốt, đâu là xấu; cần phân biệt được sự sáng tạo và sự biến đổi theo hướng thụt lùi. Người lớn cần quan tâm đến con em mình nhiều hơn, uốn nắn, răn dạy để bọn trẻ có hướng đi đúng với xã hội.

Ngoài ra các cơ quan chức năng, cơ quan văn hóa cũng nên có những biện pháp, những hướng xử lý đối với các bộ phận teen đang ngày càng làm mất đi cái hay của tiếng mẹ đẻ. Có như vậy, thì ngôn ngữ mới không bị biến đổi theo hướng tiêu cực như ngày hôm nay.

Thầy cô – những người có ảnh hưởng trực tiếp đến các bạn sinh viên, những người định hướng, giúp các em hoàn thiện vốn ngôn ngữ của mình cần phải là những tấm gương về sử dụng ngôn ngữ, kiến thức ngôn ngữ. Bản thân thầy cô cũng cần sử dụng những ngôn ngữ có tính chuẩn mực cao. Thường xuyên thiết lập các kênh đối thoại để từ đó khích lệ, nhắc nhở hay chấn chỉnh hoạt động ngôn ngôn ngữ của học sinh.

Nhà trường cần định hướng cho sinh viên những giá trị tốt đẹp của tiếng Việt từ đó nâng cao ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Tạo thêm nhiều cơ hội, tổ chức những cuộc thi, tạo môi trường tích cực, phát huy cũng như khích lệ tinh thần học hỏi để các em nói và làm theo lời hay ý đẹp. Bên cạnh đó cũng cần có những biện pháp để chấn chỉnh những sinh viên đi ngược lại xu thế đó.

Trước thực trạng đó, chúng ta cần có những biện pháp khắc phục tình trạng này. Nhà trường và xã hội phải có những phương pháp giáo dục cụ thể để định hướng các bạn học sinh biết được tác hại của teen code cũng như bảo vệ sự trong sáng của tiếng việt. Gia đình cũng cần sát sao hơn với con cái, trao đổi, tâm sự với con cái nhiều hơn để biết được những thay đổi tâm sinh lý của con. Mỗi người hãy là một tấm gương trong giao tiếp để các bạn thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ sự trong sáng của tiếng việt. Bản thân các bạn trẻ cũng phải có ý thức trong việc rèn luyện và bồi dưỡng tiếng mẹ đẻ cũng như trau dồi khả năng ngoại ngữ thật tốt.

Tiếng Việt là thứ tiếng trong sáng và vô cùng ý nghĩa với mỗi con người. Bảo vệ sự trong sáng của tiếng việt cũng chính là trau dồi bản thân cũng như thể hiện tình yêu nước. Giới trẻ cần có nhận thức đắn hơn trong việc trau dồi bản thân cũng như việc sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp.

4. Nghị luận hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài mẫu 3

Hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh, trong giao tiếp hằng ngày của giới trẻ Việt Nam hiện nay đang là một vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm. Vấn đề này có thể được nhìn nhận từ hai khía cạnh: tích cực và tiêu cực.

Không ít thanh thiếu niên chúng ta đang có tình trạng sử dụng tùy hứng các ngôn ngữ có nguồn gốc châu Âu trong giao tiếp bằng tiếng Việt, đặc biệt là tiếng Anh, tiếng Pháp. Giới trẻ thường sử dụng tiếng lóng lai căng, pha giữa tiếng Anh (hoặc tiếng Pháp) và tiếng Việt. Hiện tượng này không còn ở phạm vi giới trẻ mà đã trở thành “hội chứng” của xã hội. Việc sử dụng từ ngữ ngoại lai theo kiểu vô thức cũng làm cho nhiều đối tượng “quen” đến mức quên mất cả từ tiếng Việt tương ứng.

Giới trẻ chúng ta, đặc biệt là học sinh, sinh viên là những người tiếp xúc với khoa học, công nghệ nhiều và có điều kiện tiếp nhận nhanh, nhất là trong thời kì công nghệ thông tin; Internet đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Chỉ cần vài phút, thông tin về một vụ việc nào đó có thể phát tán tràn lan trên các trang mạng, trong lúc giới trẻ ngày nay, đại bộ phận đều có điện thoại đời mới. Mỗi lúc rảnh rỗi lại lôi ra lướt facebook, xem phim... và thứ “ngôn ngữ mạng” ấy rất dễ thâm nhập vào các đối tượng này. Mở cửa hội nhập cũng đồng nghĩa với việc những phong cách sống và văn hóa của các nước khác sẽ thâm nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, mà giới trẻ lại là lứa tuổi thích cái mới, cái lạ, thích học hỏi và tiếp thu những thứ đó và tạo ra cái của riêng mình, dần dần nó xuất hiện trong lời nói, câu chữ.

Khách quan mà nói, ngôn ngữ của giới trẻ giống như mốt thời trang. Nó được sử dụng nhằm thể hiện cá tính, tâm lý thích đổi mới, ưa cái lạ, chuộng cái hay của giới trẻ. Điều này thấy rõ ở ngôn ngữ mạng, một kiểu ngôn ngữ cá nhân nhưng lại nằm trên mạng xã hội, có sức lan tỏa rất lớn. Ngôn ngữ trên mạng đôi lúc không câu nệ một sự chuẩn mực nào mà nó đã trở thành một phong cách. Tuy nhiên, nếu dùng mãi sẽ trở thành quen, có thể dẫn đến việc giới trẻ sử dụng chệch hướng, biến nó thành ngôn ngữ trong nhà trường, trong các văn bản. Xa hơn nữa, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tư duy.

Giới trẻ là những người thích khẳng định mình và muốn thể hiện mình. Họ muốn cho người khác biết mình là một con người rất hiện đại, rất lạ và khác biệt trong cách sống, cách ăn mặc và nói năng; có tri thức và vốn ngôn ngữ phong phú. Bởi vậy, có người đã chạy theo một thứ thị hiếu mang tính cực đoan, cho rằng tiếng Việt không đủ sức diễn đạt ngữ cảnh của lời nói. Thậm chí có người tỏ ra đề cao quá mức các ngôn ngữ ngoại. Họ cho rằng phải dùng tiếng nước ngoài thì lời nói mới “sang”, mới “hiện đại”, mới “đẳng cấp”, mới “hợp mốt”. Quan niệm này đã khiến không ít các bạn trẻ tìm đến và sử dụng kiểu ngôn ngữ “lai tạp” nửa tây nửa ta một cách thản nhiên như vậy.

Nhận thức và trách nhiệm của gia đình cũng chưa theo kịp với những xu hướng của lớp trẻ. Nhiều bậc phụ huynh còn cổ súy cho lối đua đòi vô lối của con cái. Một đứa trẻ tiểu học cũng được sử dụng điện thoại, thậm chí dùng được cả facebook. Một bộ phận không nhỏ tỏ ra thời thượng, chiều con không đúng cách đã vô tình đẩy lớp trẻ vào thế giới ảo không thể kiểm soát.

Nhà trường và các tổ chức xã hội thường không để ý đến những khía cạnh mang tính cực đoan của xu hướng này. Các nội dung giáo dục hầu như chưa hề đả động đến một giải pháp cụ thể mà chỉ mới dừng lại ở “khẩu hiệu” hô hào “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” mà thôi. Thậm chí một số cá nhân hoặc cơ quan báo chí, truyền thông cũng vô tình “vạch đường cho hươu chạy”. Nhiều từ ngữ (có thể là từ vay mượn) đã được dân ta sử dụng từ bao đời, đã hiểu rất rõ về nghĩa và cả chức năng ngữ pháp, cách biểu hiện trong các tình huống giao tiếp khác nhau… lại được những người làm truyền thông đưa ra những thuật ngữ mới.

Từ thực trạng trên có thể thấy, nếu không có giải pháp chọn lọc, điều chỉnh và phần nào là ngăn ngừa kịp thời thì sẽ dễ dẫn đến những hậu quả xấu. Những nét đẹp truyền thống được hun đúc, tích tụ hàng ngàn năm của tiếng Việt có thể bị phá vỡ, thay vào đó là một sự pha tạp, lai căng, chắp vá. Vì vậy, thiết nghĩ, từ các cơ quan chức năng của nhà nước đến mỗi người dân đều phải có sự nhận thức đầy đủ, chung tay góp sức giải quyết vấn đề.

Nhà nước cần có các văn bản quy định cụ thể về cách sử dụng tiếng nước ngoài trong các loại hình văn bản, trên các hình thức truyền thông, quảng cáo. Các cơ quan báo chí, truyền thông, bên cạnh việc tuyên truyền, khuyến cáo thì phải làm gương; phải trở thành mẫu mực trong việc sử dụng ngôn từ. Ở nhà trường, bên cạnh việc giáo dục cho học sinh thấy rõ được cái đẹp, cái tinh tế, bản sắc và tiềm năng của tiếng Việt chúng ta, với phương châm: có hiểu mới yêu, có yêu mới trân trọng, mới làm tốt việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, các thầy cô giáo phải là tấm gương trong việc thực hiện nhiệm vụ đó. Ngôn ngữ của các thầy cô giáo phải trong sáng, chuẩn mực, phù hợp với quy tắc và phong cách tiếng Việt. Giao lưu, tiếp xúc ngôn ngữ là hiện tượng xã hội.

Để hạn chế những tiêu cực trong tiếp nhận, sử dụng cần có sự tham gia của toàn xã hội, trong đó gia đình và các tổ chức đoàn thể xã hội đóng vai trò quan trọng. Gia đình cần thường xuyên nhắc nhở và giáo dục con em mình trong việc sử dụng ngôn ngữ đúng chuẩn mực; cần thận trọng trong việc sử dụng ngôn ngữ khi giao tiếp với nhau giữa các thành viên gia đình, tập thể; không để những hiện tượng xấu trong giao tiếp ngôn ngữ ảnh hưởng tiêu cực đến con em mình. Các tổ chức đoàn thể mà hạt nhân là Đoàn thanh niên, tổ chức các diễn đàn, bên cạnh tìm hiểu kiến thức về tiếng Việt còn hướng tới việc tạo môi trường thực hành ngôn ngữ, kịp thời điều chỉnh những sai lạc trong tiếp nhận, sử dụng các ngôn ngữ ngoại lai.

Sử dụng tiếng nước ngoài một cách hợp lý là điều cần thiết trong thời đại hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta cần ý thức được tầm quan trọng của tiếng Việt, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt một cách có trách nhiệm.

5. Nghị luận hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài mẫu 4

Hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp hằng ngày của giới trẻ Việt Nam hiện nay đang là một vấn đề nhức nhối, gây ra nhiều tranh cãi. Biểu hiện của hiện tượng này là việc lạm dụng tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh, trong giao tiếp hằng ngày, ngay cả khi không cần thiết. Giới trẻ thường chêm tiếng nước ngoài vào câu nói tiếng Việt, hoặc viết tin nhắn, bài đăng trên mạng xã hội bằng tiếng nước ngoài.

Nguyên nhân của hiện tượng này là do ảnh hưởng của sự toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Giới trẻ muốn thể hiện bản thân, tạo sự khác biệt, 'bắt trend'. Do tâm lý sính ngoại, coi trọng tiếng nước ngoài hơn tiếng Việt, cộng với hệ thống giáo dục chưa chú trọng đúng mức việc rèn luyện kỹ năng sử dụng tiếng Việt cho học sinh, nên hiện tượng này ngày càng phổ biến.

Hậu quả của việc sính dùng tiếng nước ngoài là làm méo mó, pha tạp tiếng Việt, ảnh hưởng đến sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc. Ngoài ra, nó còn gây khó khăn cho giao tiếp, đặc biệt là đối với những người không hiểu tiếng nước ngoài, tạo ra sự phân biệt đối xử, rạn nứt trong các mối quan hệ, làm giảm lòng tự tôn dân tộc, ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa Việt Nam.

Để giải quyết vấn đề này, cần nâng cao ý thức của giới trẻ về tầm quan trọng của tiếng Việt. Việc tăng cường giáo dục về ngôn ngữ, văn hóa dân tộc trong nhà trường và gia đình là rất quan trọng. Ngoài ra, cần khuyến khích sử dụng tiếng Việt trong các hoạt động giao tiếp, sáng tạo nội dung tiếng Việt trên mạng xã hội, tạo môi trường sử dụng tiếng Việt lành mạnh, hạn chế sự ảnh hưởng của tiếng nước ngoài.

Tiếng Việt là một ngôn ngữ giàu đẹp và có sức sống mãnh liệt. Nó là linh hồn của dân tộc, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Mỗi người cần ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Hãy sử dụng tiếng Việt một cách có trách nhiệm, để tiếng Việt tiếp tục phát huy vai trò và vị trí của mình trong đời sống xã hội.

6. Nghị luận hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài mẫu 5

Ngày nay, việc giao lưu hội nhập quốc tế đòi hỏi con người phải học thêm ngoại ngữ. Trong đó, tiếng Anh được người học coi là "sự lựa chọn hàng đầu". Vì thế, hiện tại, ở Việt Nam, việc học tiếng Anh đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, một vài người đang có xu hướng lạm dụng ngôn ngữ đó vào giao tiếp hàng ngày. Hành vi này đã dẫn đến nguy cơ đánh mất sự trong sáng vốn có ở tiếng Việt.

Vậy nguyên nhân của thực trạng này đến từ đâu? Trước hết, nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do tư tưởng sính ngoại cùng những ảo tưởng về sự sang trọng, thời thượng, thích thể hiện của một vài cá nhân. Ngoài ra, một phần nguyên nhân còn đến từ suy nghĩ lệch lạc khi tiếp nhận các trào lưu, xu hướng mới mẻ.

Lạm dụng tiếng Anh trong giao tiếp để lại rất nhiều hệ lụy đáng báo động. Chêm xen tiếng Anh vào tiếng Việt khiến cho cuộc trò chuyện dễ bị cản trở vì không phải ai cũng hiểu được nghĩa của từ ngữ mà người nói sử dụng thay thế cho tiếng Việt. Từ đó, dẫn tới việc người nghe khó hiểu, không tiếp nhận đầy đủ thông tin. Đồng thời, lạm dụng tiếng Anh còn dễ dàng làm mất đi sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ. Việc giao tiếp kiểu nửa Anh, nửa Việt khiến con người dễ quên đi các quy tắc, chuẩn mực chung của ngôn ngữ dân tộc. Bên cạnh đó, nó cũng khiến bạn bè quốc tế lầm tưởng tiếng Việt nghèo nàn, không đủ khả năng diễn đạt những ý nghĩa cơ bản.

Bởi vậy, là người Việt Nam, chúng ta phải ra sức gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Đầu tiên, mỗi người cần hiểu được những vai trò, giá trị mà Tiếng Việt chứa đựng, luôn biết tự hào về sự giàu đẹp của ngôn ngữ dân tộc. Ngoài ra, mỗi người cần sử dụng tiếng Anh đúng lúc, đúng chỗ và đúng đối tượng giao tiếp.

7. Nghị luận hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài mẫu 6

Chúng ta đang dần hòa nhịp cùng với sự phát triển của thế giới. Bên cạnh sự hòa nhập về kinh tế thì sự giao thoa về văn hóa và ngôn ngữ là điều không thể tránh khỏi đòi hỏi chúng ta phải thay đổi để dễ dàng tiếp cận hơn với nhu cầu giao tiếp hiện nay. Hơn thế nữa, hòa trong xu hướng hội nhập đó, việc phát triển của các trang mạng xã hội cũng như việc tìm kiếm và trao đổi thông tin trên internet đã trở thành phổ biến, ngôn ngữ “chat”, trò chuyện qua mạng ra đời đáp ứng nhu cầu “sống nhanh” đặc biệt là nhu cầu viết cũng nhanh trong giới trẻ hiện nay. Điều đó đã dẫn đến sự xuất hiện những ngôn ngữ sính ngoại để giao tiếp của giới trẻ hiện nay và nó đang ngày càng rộng khắp. Đây chính là điều rất đáng lo ngại và ảnh hưởng không nhỏ đến bản sắc vốn có của Tiếng Việt.

Chúng ta đều biết phương tiện giao tiếp hữu hiệu nhất của con người chính là ngôn ngữ. Vì thế mà việc sử dụng ngôn ngữ sao cho đúng đắn, dễ hiểu là điều vô cùng cần thiết. Với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của internet hiện nay cũng như tiếp cận sớm các thiết bị công nghệ hiện đại đã hình thành nên những phong cách giao tiếp, trao đổi kiểu mới của giới trẻ hiện nay. Ngôn ngữ chat được hiểu là ngôn ngữ sử dụng trên mạng xã hội của các bạn trẻ qua việc viết tắt, đơn giản hóa từ ngữ, biến âm một cách cảm tính, tùy tiện và thậm chí là viết sai chính tả vì vui thú. Một trong những biểu hiện của sự thay đổi ấy là ngôn ngữ “chat”, tiếng lóng đã xuất hiện trong quá trình giao tiếp và ngày càng có xu hướng lan rộng trong giới trẻ. Nó đã lan rộng như một trào lưu từ nông thôn cho đến thành thị. Ban đầu, những từ mới, cách diễn đạt mới chỉ được một bộ phận giới trẻ chấp nhận. Thế nhưng sau đó, nhờ sự trợ giúp của các phương tiện công nghệ hiện đại như: điện thoại di động, mạng internet… tiếng nóng và ngôn ngữ “chat” nhanh chóng được lan rộng và trở nên phổ biến khắp giới trẻ. Và ngay trong việc giao tiếp hàng ngày, tiếng lóng cũng được giới trẻ “hồn nhiên” sử dụng. Mà tình trạng giới trẻ ngày nay, đặc biệt là các bạn trong lứa tuổi học sinh, sinh viên thường sử dụng ngôn ngữ theo kiểu viết tắt, viết ký hiệu, những ngôn ngữ “tự chế” nửa tây, nửa ta, nửa chữ, nửa số, tiếng lóng… để nhắn tin trên điện thoại, mạng xã hội ngày càng nhiều để truyền thông điệp một cách nhanh hơn, thể hiện biểu cảm, cá tính của tuổi mới lớn… là một thứ “tín hiệu” giữa những người cùng độ tuổi. Với nhịp sống ngày càng hiện đại và lối sống nhanh, năng động, thì hiện nay, không ít người đã mặc nhiên sử dụng tiếng lóng khi giao tiếp với mục đích tạo ra cảm giác mới mẻ, gần gũi cho những người xung quanh. Thế nhưng, tiếng lóng lại được sử dụng một cách tùy hứng, bừa bãi, không phù hợp với ngữ cảnh giao tiếp lại thành ra sự phản cảm. Chính những cách nói vô tình này khiến cho đối tượng giao tiếp và cả những người xung quanh lắm lúc cảm thấy khó chịu, phật lòng. Không chỉ dừng lại ở đó, một hiện tượng lệch lạc khác trong việc sử dụng tiếng lóng của giới trẻ ngày nay chính là sự lai căng, pha tạp giữa tiếng “Tây” với tiếng “Ta” như là cách để thể hiện “đẳng cấp” và khả năng ngoại ngữ khiến một số người đã không ngần ngại đệm tiếng “Tây” vào trong lời nói của mình ngay cả khi đang giao tiếp với những người lớn tuổi. Chẳng hạn như: thay vì dùng cảm ơn hoặc xin lỗi thì giới trẻ lại dùng “Thanh kiu bác”, “sorry chị”, thậm chí là “ô kê thầy”… Việc sử dụng ngôn ngữ bừa bãi, tùy tiện như vậy không chỉ ảnh hưởng đến giao tiếp mà nó còn ảnh hưởng rất lớn đến sự trong sáng của tiếng Việt. Bên cạnh việc sử dụng tiếng lóng, ngôn ngữ “chat” cũng đang xuất hiện và lây lan với tốc độ nhanh trong giới trẻ và điều đáng nói ở đây là, ngôn ngữ “chat” đã thâm nhập cả vào đời sống học đường gây ảnh hưởng rất lớn cho giáo dục. Giới trẻ không chỉ sử dụng trong quá trình giao tiếp qua lời nói hằng ngày mà nó còn xuất hiện cả trong diễn đạt bằng ngôn ngữ viết của học sinh khi chép bài. Thậm chí, nó còn được sử dụng trong các bài kiểm tra. Không chỉ trong các bài kiểm tra thông thường trên lớp, ngay cả trong những kỳ thi quan trọng, vẫn có những học sinh sử dụng ngôn ngữ “chat” trong bài làm của mình.

Việc giới trẻ sử dụng ngôn ngữ sính ngoại đã và đang gây ra rất nhiều hậu quả khác nhau. Ngôn ngữ nửa tây nửa ta đã và đang khiến cho chúng ta mất đi sự giàu đẹp vốn có của Tiếng Việt. Không ít trường hợp ta nhận thấy các bạn trẻ không biết viết từ sao cho đúng. Các bạn đang sử dụng ngôn ngữ sính ngoại như một thói quen sai lệch để dần dần vốn từ của các bạn bị mai một theo thời gian. Thậm chí, tư duy, thói quen hình thành ngôn ngữ sính ngoại cũng làm con người đang bị biến chất đi một phần nào đó về nhận thức, về suy nghĩ. Ngôn ngữ giàu đẹp của chúng ta bị tác động tiêu cực và trở nên nhí nhố, trở nên xấu xí trong nhận thức, tiềm thức của mọi người. Nếu cứ tiếp tục thì điều này sẽ làm Tiếng Việt mất đi sắc thái đẹp tươi sẵn có và đánh mất đi bản sắc văn hóa Việt. Thời đại càng hiện đại, càng xô bồ, sử dụng ngôn ngữ chat lạm dụng sẽ làm xấu cuộc đời và làm xấu chính chúng ta.

Nguyên nhân việc sử dụng ngôn ngữ như vậy có thể nói là do sự bùng nổ của công nghệ thông tin là “mảnh đất” để lệch chuẩn văn hóa ngôn ngữ có cơ hội phát triển (Internet, điện thoại…). Các phương tiện thông tin đại chúng trong xã hội gây ảnh hưởng lớn đối với sự hình thành các giá trị, thế giới quan, đạo đức của thế hệ trẻ ngày nay. Việc tiếp cận các văn hóa lệch lạc cũng dễ dàng khiến cho giới trẻ mất kiểm soát bản thân. Và có một số người có nhận thức sai trái cũng đang ra sức cổ xúy cho sự lệch lạc văn hóa ngôn ngữ của giới trẻ qua những câu nói, những bài viết lạm dụng một cách có ý thức nhằm câu khách, gây ấn tượng đối với độc giả trẻ. Đặc biệt là hiện tượng ăn theo sự kiện, vụ lợi của các kênh truyền hình vô tình biến một hình tượng lệch lạc trở thành trào lưu nóng, thu hút giới trẻ quan tâm và bắt chước. Chính các trang mạng xã hội và việc hấp thu các yếu tố của ngôn ngữ nước ngoài, nhu cầu muốn thể hiện bản sắc, cái tôi riêng là nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi ngôn ngữ của giới trẻ.

“Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”

Bác Hồ đã khẳng định: “Tiếng Việt của ta rất phong phú, ta phải làm giàu thêm cho tiếng của ta, nhưng không nên vay mượn lu bù để lòe thiên hạ”. Chúng ta cần phải có những giải pháp thiết thực từ gia đình cho tới nhà trường để giáo dục lại cho giới trẻ nhận thức được sự lệch lạc này. Bố mẹ cần phải làm gương cho con cái trong việc sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ cũng như tiếng nước ngoài, những lệch lạc trong văn hóa ngôn ngữ (viết, nói, giao tiếp) để trẻ dễ dàng tiếp thu, bắt chước. Bên cạnh đó cũng cần nhà trường, xã hội giáo dục cho học sinh ý thức bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt khi giao tiếp qua điện thoại, mạng xã hội và tự trau dồi cho bản thân, làm phong phú vốn ngôn ngữ cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài để nâng tầm văn hóa trong giao tiếp và tư duy, dạy đúng chuẩn tiếng Việt, không sử dụng tiếng lóng khi giao tiếp với học sinh, nghiêm cấm các hành vi chửi bậy, nói bậy trong nhà trường. Hơn nữa chúng ta phải có những biện pháp cứng rắn để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Kiên quyết loại bỏ những chương trình phát sóng trên truyền hình không đảm bảo chất lượng và trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Kiểm soát chặt chẽ thông tin mạng, sàng lọc thông tin kỹ lưỡng trước khi người đọc tiếp cận. Những ngôn từ không chuẩn mực có thể sẽ là dòng nước bẩn tưới mỗi ngày vào tâm hồn giới trẻ, gây ảnh hưởng xấu tới hành vi của chúng ta. Vừa qua, sự việc đài truyền hình nhà nước chỉ đích danh một số streamer có những phát ngôn tục tĩu, trái thuần phong mỹ tục trên các nền tảng mạng xã hội vừa qua đã tạo nên dư luận trái chiều. Điều tích cực là các streamer nổi tiếng như Độ Mixi, Pew Pew đã thừa nhận những lời góp ý rất hữu ích và hứa sẽ thay đổi phong cách vì một cộng đồng mạng lành mạnh hơn. Đây có thể là bước ngoặt dẫn đến một sự thay đổi lớn về nhận thức, phát ngôn và hành vi của các ngôi sao, người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Tiếng Việt là tiếng của dân tộc Việt, là tài sản quốc gia, việc sử dụng tiếng Việt gồm cả chữ viết và tiếng nói. Đây là của cải vô cùng quan trọng và quý giá của bất kỳ dân tộc nào trên thế giới, là niềm tự hào của mỗi dân tộc được cha ông ta sáng tạo, gìn giữ, cải tiến trong hành trình tạo dựng cuộc sống, phát triển cộng đồng xã hội. Chúng ta không ngừng giữ gìn, cải tiến tiếng Việt, làm cho tiếng nói của dân tộc ngày càng giàu và đẹp, luôn là niềm tự hào của con người Việt Nam trước bạn bè quốc tế. Giữ gìn và làm giàu tiếng Việt là trách nhiệm của toàn thể dân tộc. Song, cho dù xã hội, khoa học công nghệ có thay đổi đến đâu thì mỗi chúng ta đều phải nhận thức sâu sắc và xác định không được làm méo mó, lai căng tiếng Việt trong quá trình sử dụng. Mỗi chúng ta cần phải ý thức được việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt phải trên cơ sở lời nói và chữ viết đúng chuẩn mực về phát âm, chính tả chữ viết, từ ngữ, ngữ pháp và phong cách ngôn ngữ. Cần loại bỏ những yếu tố không phù hợp, làm ảnh hưởng đến sự chuẩn mực, trong sáng của tiếng Việt. Mỗi một người dân cần phải nêu cao trách nhiệm giữ gìn và làm giàu tiếng Việt để chúng ta luôn tự hào về tiếng của dân tộc Việt Nam, như lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.

Như vậy thế hệ trẻ chúng ta – những chủ nhân tương lai của đất nước, cũng là đối tượng nhạy cảm nhất với những cái mới càng cần tỉnh táo, bản lĩnh trước thời kỳ hội nhập, để góp phần giữ vững bản sắc ngôn ngữ của dân tộc mình. Bên cạnh đó phải luôn cập nhật, tiếp thu có chọn lọc những giá trị mới, hiện đại của thế giới, hòa nhập nhưng vẫn giữ được phẩm chất trong sáng của người học sinh. Không ngừng trau dồi và rèn luyện tiếng mẹ đẻ và tiếng nước ngoài để có vốn từ phong phú và sử dụng đúng chuẩn mực. Không nên chạy theo lối giao tiếp dễ dãi, lệch lạc mà làm mất đi văn hóa giao tiếp của chính mình. Bởi lẽ, tiếng Việt là niềm tự hào của dân tộc ta, là dòng chảy trong tâm trí của mỗi người ngay từ thuở nằm nôi – như nhà thơ Lưu Quang Vũ đã viết:

“Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết

Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi

Như vị muối chung lòng biển mặn

Như dòng sông thương mến chảy muôn đời…”

8. Nghị luận hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài mẫu 7

Trong tiết học ngày hôm nay, em xin trình bày những ý kiến của bản thân về vấn đề 'Việc sử dụng các từ tiếng Anh trong giao tiếp của người Việt trẻ đang làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt'. Mời cô cùng các bạn theo dõi, lắng nghe.

Ngày nay, việc giao lưu hội nhập quốc tế đòi hỏi con người phải học thêm ngoại ngữ. Trong đó, tiếng Anh được người học coi là 'sự lựa chọn hàng đầu'. Vì thế, hiện tại, ở Việt Nam, việc học tiếng Anh đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, một vài người đang có xu hướng lạm dụng ngôn ngữ đó vào giao tiếp hàng ngày. Hành vi này đã dẫn đến nguy cơ đánh mất sự trong sáng vốn có ở tiếng Việt.

Vậy nguyên nhân của thực trạng này đến từ đâu? Trước hết, nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do tư tưởng sính ngoại cùng những ảo tưởng về sự sang trọng, thời thượng, thích thể hiện của một vài cá nhân. Ngoài ra, một phần nguyên nhân còn đến từ suy nghĩ lệch lạc khi tiếp nhận các trào lưu, xu hướng mới mẻ.

Lạm dụng tiếng Anh trong giao tiếp để lại rất nhiều hệ lụy đáng báo động. Chêm xen tiếng Anh vào tiếng Việt khiến cho cuộc trò chuyện dễ bị cản trở vì không phải ai cũng hiểu được nghĩa của từ ngữ mà người nói sử dụng thay thế cho tiếng Việt. Từ đó, dẫn tới việc người nghe khó hiểu, không tiếp nhận đầy đủ thông tin. Đồng thời, lạm dụng tiếng Anh còn dễ dàng làm mất đi sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ. Việc giao tiếp kiểu nửa Anh, nửa Việt khiến con người dễ quên đi các quy tắc, chuẩn mực chung của ngôn ngữ dân tộc. Bên cạnh đó, nó cũng khiến bạn bè quốc tế lầm tưởng tiếng Việt nghèo nàn, không đủ khả năng diễn đạt những ý nghĩa cơ bản.

Bởi vậy, là người Việt Nam, chúng ta phải ra sức gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Đầu tiên, mỗi người cần hiểu được những vai trò, giá trị mà Tiếng Việt chứa đựng, luôn biết tự hào về sự giàu đẹp của ngôn ngữ dân tộc. Ngoài ra, mỗi người cần sử dụng tiếng Anh đúng lúc, đúng chỗ và đúng đối tượng giao tiếp.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 11 Cánh diều

    Xem thêm