Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, một vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích

Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, một vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích là bài viết bao gồm dàn ý và văn mẫu hay do VnDoc biên soạn nhằm giúp các bạn học sinh có thêm tư liệu học tập môn Ngữ văn 11. Mời các bạn tham khảo!

I. Dàn ý Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, một vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích.

1. Mở bài

Giới thiệu về bộ phim, vở kịch hoặc bài hát và nêu khái quát những điểm đặc sắc.

2. Thân bài

- Khái quát chung các thông tin về tác phẩm như tác giả, hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm.

- Phân tích chi tiết những nét đặc sắc của tác phẩm.

- Nêu cảm nhận của bản thân về tác phẩm nghệ thuật hoặc thành công/hạn chế của tác phẩm.

3. Kết bài

Khẳng định giá trị của tác phẩm.

II. Văn mẫu Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, một vở kịch hoặc một bài hát mà em yêu thích.

1. Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, một vở kịch hoặc một bài hát mẫu 1

So sánh về tuổi đời, điện ảnh thuộc lớp những ngành nghệ thuật còn non trẻ ở Việt Nam. Thế nhưng, không vì thế mà điện ảnh ít được đón nhận. Bộ phim “Mùi cỏ cháy” chính là một minh chứng cho sức hấp dẫn của phim điện ảnh chất lượng tại Việt Nam.

“Mùi cỏ cháy” được công chiếu vào năm 2012. Sức hấp dẫn của bộ phim được thể hiện trên nhiều khía cạnh, đầu tiên là về mặt đề tài. Đề tài chiến tranh không phải là đề tài mới mẻ, xa lạ với các sáng tạo nghệ thuật. Có biết bao những tác phẩm văn chương, âm nhạc, nhiếp ảnh về đề tài này đã trở nên nổi tiếng và đi vào đời sống tinh thần của con người Việt Nam. Thế nhưng, người dân nước ta khi ấy vẫn còn ít tiếp xúc với điện ảnh. Việc khai thác một đề tài kinh điển bằng chất liệu mới đã thu hút được sự chú ý và khơi gợi sự trân trọng ở công chúng. Không chỉ vậy, chính tên tuổi biên kịch cùng nguyên tác, đơn vị sản xuất cũng là yếu tố góp phần gây tiếng vang cho tác phẩm. Kịch bản của bộ phim được viết bởi nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm – một nhà thơ và cũng là một người chiến sĩ từng từ giã mái trường để lên đường chống Mỹ. Xúc động hơn, tác phẩm được dựa trên cuốn nhật kí bất hủ “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Đơn vị sản xuất là Hãng phim truyện Việt Nam. Chỉ từng ấy yếu tố thôi, “Mùi cỏ cháy” đã hứa hẹn là tác phẩm lấy đi nhiều nước mắt của khán giả khi tái hiện những năm kháng chiến hào hùng của đất nước cùng vẻ đẹp con người Việt Nam giữa lửa đạn chiến tranh.

Nếu những yếu tố trên thu hút công chúng đến với phòng vé thì chính nội dung hấp dẫn, chân thực và cảm động đã khiến “Mùi cỏ cháy” có sức sống lâu bền. Từ Hà Nội cổ kính rêu phong đến Quảng Trị kiên cường máu lửa, tất cả đều hiện lên vô cùng sống động. Nhân vật chính của tác phẩm là những chàng sinh viên đang độ tuổi đôi mươi, quyết tâm gác lại việc học để lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Bốn chàng trai Hoàng, Thành, Thăng, Long mang trong mình bầu nhiệt huyết tuổi trẻ, tâm hồn ngây thơ trong sáng, sự tinh nghịch lạc quan, khát khao hạnh phúc và trên hết và tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm, tinh thần quyết tâm xả thân vì độc lập tự do của dân tộc. Những sự kiện, địa danh trong phim như 81 ngày đêm khốc liệt tại Thành cổ, dòng sông Thạch Hãn, những đợt ném bom của Mĩ,… đều là những điều có thật. Hơn hết, “Mùi cỏ cháy” không dừng lại ở mức tái hiện khô cứng hiện thực lịch sử. Tác phẩm không khoác lên chiến tranh bộ chiến bào lấp lánh, oai hùng mà khắc họa tận cùng những mất mát, đau thương của con người. Ta tìm thấy trong tác phẩm nỗi buồn khi rời xa gia đình, sự đau xót khi chứng kiến đồng đội lần lượt hi sinh của những người lính kiên cường hơn sắt thép. Ngày ra đi, bốn chàng trai cùng nhau chụp một tấm ảnh hẹn ngày chiến thắng trở về. Đến khi đất nước đã không còn bóng giặc thì Thành, Thăng, Long cũng đã nằm lại nơi chiến trường, chỉ còn lại mình Hoàng. Mỗi nụ cười, mỗi ánh mắt của các nhân vật trong bộ phim đều để lại trong tâm hồn người xem biết bao day dứt, khắc khoải. Tác phẩm thực sự là khúc bi hùng ca về con người và đất nước Việt Nam.

Không chỉ thành công về mặt nội dung ý nghĩa truyền tải đến người xem, “Mùi cỏ cháy” còn là tác phẩm thành công về nghệ thuật làm phim. Tiến trình của phim đi theo mạch hồi tưởng của nhân vật Hoàng – khi ấy đã là một cựu chiến binh già tạo nên sự chân thực và gây xúc động mạnh cho người xem. Bên cạnh đó, đây còn là tác phẩm kết hợp hài hòa giữa chất thơ và chất hiện thực. Trong phim xuất hiện nhiều hình ảnh ẩn dụ như dòng máu chảy trên tượng cô gái khi Thành, Thăng, Long hy sinh hay tấm ruy đô Long mang từ nhà,...Bối cảnh của phim cũng được chau chuốt kĩ lưỡng để tái hiện đầy đủ vẻ đẹp làng quê Việt Nam với giếng nước, đốc ga. Các cảnh chiến trận được đoàn làm phim chuẩn bị vô cùng kì công với khoảng thời gian lên tới bốn tháng.

Với những nét hấp dẫn trên, “Mùi cỏ cháy” đã xứng đáng “Bông sen Bạc” tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 cùng 4 giải “Cánh diều vàng” tại Lễ trao giải Cánh Diều Vàng 2011. Đến nay, câu chuyện về bốn chàng thanh niên Hoàng, Thành, Thăng, Long vẫn được yêu mến và lấy đi nước mắt của khán giả. Lời nhận xét của đạo diễn Hữu Mười có lẽ đã đủ tổng kết giá trị của bộ phim: “"Vinh danh Mùi cỏ cháy, là vinh danh quá khứ (…) Chúng ta không bao giờ được phép quên quá khứ, nếu quên quá khứ sẽ không có tương lai".

2. Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, một vở kịch hoặc một bài hát mẫu 2

Dù nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ đã ra đi, nhưng những "gia tài" ông để lại cho văn học nước nhà vẫn giữ được giá trị đến ngày nay. Những tác phẩm kịch ông sáng tác chứa đựng tinh thần nhân văn sâu sắc. Trong đó, "Lời thề thứ 9" là một trong những tác phẩm nổi bật và đáng nhớ của ông, và đã được trình diễn nhiều lần trong nhiều năm qua.

Lời thề thứ 9 của Quân đội nhân dân Việt Nam, "Kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân," và "Không lấy của dân, không quấy nhiễu dân, không dọa nạt dân," đã trở thành nguồn cảm hứng cho Lưu Quang Vũ khi ông sáng tác vở kịch "Lời thề thứ 9." Câu chuyện xoay quanh Đôn và Xuyên, hai lính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã xảy ra một tình huống không may, tịch thu túi xách của một người đàn ông, người sau này họ mới nhận ra là cha của Hiến - một người bạn thân. Hiến là con của Chủ tịch Tỉnh, Cựu chỉ huy trưởng của Trung đoàn. Trong quá trình này, bố Xuyên bị ức hiếp bởi Chủ tịch Xã, và mọi nỗ lực để tìm kiếm công lý cho bố Xuyên đã gây ra nhiều xung đột và bi kịch gia đình. Những sự kiện này cuối cùng kết thúc bằng việc tất cả mọi người nhận ra lỗi lầm của họ.

Diễn viên trong vở kịch đã thể hiện vai diễn một cách tròn trịa. Đôn với tính cách tươi tắn, sở thích ca cải lương, nhưng khi cần, anh lại dũng cảm đối diện với nguy hiểm và để lại vết sẹo trên mặt. Xuyên là một người hiền lành, yêu thương gia đình, nhưng cũng dũng cảm và hy sinh bản thân để bảo vệ Hiến trong một trận chiến. Hiến, con trai của Chủ tịch Tỉnh, thể hiện tính cách cương trực, thẳng thắn, và luôn sẵn sàng chiến đấu.

Tuy phần âm nhạc và phối cảnh của vở kịch không cần thiết phức tạp, nhưng nội dung sâu sắc của nó đã chứa đựng nhiều vấn đề xã hội mà chúng ta vẫn phải đối mặt và suy ngẫm. Câu chuyện thể hiện sự xung đột giữa quân đội và dân cư, cũng như giữa chính quyền và nhân dân. Nó đặt ra câu hỏi về trách nhiệm trong tình huống khi quân và dân không còn đồng lòng, và chính quyền thờ ơ đối với nỗi oan của nhân dân.

Vở kịch này đã mang lại nhiều tư duy và thách thức mà vẫn còn phù hợp với thời đại hiện tại. Điều này chứng tỏ tài năng nghệ thuật độc đáo của Lưu Quang Vũ đã để lại dấu ấn sâu sắc trong văn hóa và nghệ thuật của nước ta.

3. Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, một vở kịch hoặc một bài hát mẫu 3

Nhà bà Nữ” là một trong những bộ phim chiếu rạp đem lại doanh thu lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại. Phim xoay quanh những vấn đề đều đến từ sự ích kỉ, việc không ai chịu thấu hiểu cho ai, cho đến khi dẫn đến cao trào của sự bùng nổ của việc nhẫn nhịn, bởi vậy phim đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều về nội dung và cách dàn dựng phim.

Khác xu hướng làm phim Tết với chủ đề nhẹ nhàng, nhiều tiếng cười, đạo diễn đi vào nội tâm nhân vật. Phim chọn góc nhìn chính từ Ngọc Nhi - một người con vốn phải sống theo định hướng của mẹ từ nhỏ. Mê làm gốm, cô vẫn phải học ngân hàng, phụ mẹ buôn bán. Cô chưa bao giờ đi chơi quá 10 giờ đêm, không thể xếp đồ lót theo ý mình. Từ các cãi vã nhỏ nhặt, mẹ con bà Nữ dần nảy sinh nhiều rạn nứt khó cứu vãn. Mâu thuẫn được đẩy lên là khi cô cãi lời mẹ khi lén lút quen John - Việt kiều mới về nước. Cao trào xảy ra khi Nhi có bầu, bỏ nhà ra đi, sống cùng John song nhanh chóng nhận trái đắng”.

Ngoài chuyện mẹ con bà Nữ, chuyện tình Nhi và John đại diện cho những đôi nhiều hoài bão nhưng thiếu thực tế. Họ mơ mộng với cuộc sống lứa đôi và sớm bị ghì chặt bởi cơm áo gạo tiền. Chuyện vợ chồng Phú Nhuận và Ngọc Như - con gái bà Nữ - là nỗi buồn của người đàn ông ở rể, bị nhà vợ lấn lướt. Yêu chồng nhưng thích kiểm soát, Ngọc Như để tuột mất hạnh phúc theo cách cô khó ngờ nhất.

Ở một phần ba thời lượng đầu, phim gây cười theo lối hài sân khấu. Về sau, phim dồn dập tình tiết, đẩy cao mâu thuẫn nhân vật. Những cảnh tranh cãi giữa mẹ con Nhi được lồng ghép tự nhiên, lời thoại dễ khơi gợi đồng cảm từ người xem. Những đoạn nhân vật Nhi bộc bạch, thoại phim đơn giản nhưng vẫn mang sức nặng về thông điệp: "Trong một mối quan hệ, sợ nhất là không ai đúng cũng không ai sai, vấn đề chỉ khác nhau ở góc nhìn, rồi họ lặng lẽ tổn thương, rời xa nhau".

Tuy nhiên, bộ phim vẫn còn nhiều điểm chưa “đã” khiến em cảm giác không được như mong đợi. Phim có nhiều góc máy về ẩm thực theo lối duy mỹ nhưng về sau, phim mang dáng dấp của một tác phẩm truyền hình, thiếu lối đặc tả, ghi dấu cá tính của đạo diễn và đặc biệt phim lồng lời thoại “chửi thề” vào quá nhiều. Bởi vậy, khi xem, không có những phân đoạn không để lại nhiều ấn tượng trong em.

Mặc dù có những điểm hạn chế nhưng em không thể phủ nhận rằng nội dung rất “đời”, kết cấu chặt chẽ, diễn xuất tự nhiên phần nào cũng đã tạo nên góc nhìn về cuộc sống đời thường. Qua đó, cũng gửi gắm được những bài học về cuộc sống để giúp chúng ta trưởng thành hơn trong suy nghĩ, để khi nhìn về sẽ không còn đọng lại những “tiếc nuối” như những nhân vật trong phim.

4. Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, một vở kịch hoặc một bài hát mẫu 4

Biệt động Sài Gòn là một bộ phim tái hiện lịch sử những năm đấu tranh giải phóng miền Nam. Bộ phim với nhiều tập kịch tính, hấp dẫn, dàn diễn viên ấn tượng đã thực sự để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc. Dù thời gian kể từ ngày công chiếu đầu tiên của bộ phim đã lùi xa. Ngày nay cũng có rất nhiều những tác phẩm phim mì ăn liền nổi tiếng ra đời, song bộ phim này vẫn là một tác phẩm ấn tượng khiến tôi không thể nào quên.

Biệt động Sài Gòn gồm có 4 phần: Điểm hẹn, Tĩnh lặng, Cơn giông, Trả lại tên cho em, do Lê Phương và Nguyễn Thanh viết kịch bản, đạo diễn Long Vân. Bộ phim bắt đầu bấm máy từ năm 1982, không lâu sau ngày hoà bình độc lập. Thực hiện các cảnh quay cuối cùng vào năm 1986. Đây là một bộ phim màu và có nội dung duy nhất phản ánh về lực lượng biệt động Sài Gòn. Vượt trên tất cả những cái đầu tiên ấy bộ phim vẫn mang về doanh thu lớn cho phòng vé và trở thành một trong những bộ phim nổi tiếng nhất về đề tài biệt động lúc bấy giờ. Hơn 10 triệu lượt quan tâm đón xem của khán giả trên màn ảnh rộng, bộ phim này đã tạo nên một cú hích cho lịch sử của phim Việt Nam thời kỳ bấy giờ.

Phải nói đầu tiên của bộ phim này chính là một kịch bản chất lượng, kịch tính. Tiếp đến là tài năng đạo diễn của Long Vân. Bằng tài năng và tư duy nhạy bén Long Vân đã khai thác chân thực trên từng góc quay, với tư cách là người ở giữa hai chiến tuyến. Ông không đứng về bên nào mà chủ yếu chỉ muốn tái hiện lịch sử đấu tranh, hiện thực cuộc chiến để phơi bày cho người xem. Sau đó chính là tài năng diễn xuất xuất thần của dàn diễn viên thực lực như Thanh Loan, Thương Tín, Thuý An, Quang Thái… họ đều là những diễn viên trẻ đẹp, được tuyển chọn casting kỹ càng. Nhân vật mà họ được chọn mặt gửi vàng như được đo ni đóng giày cho họ. Họ đã lột tả được trọn vẹn cái thần thái, tư tưởng của nhân vật, tạo nên ấn tượng khó phai trong lòng độc giả.

Cho đến bây giờ tôi vẫn ấn tượng với phân cảnh diễn viên Ngọc Mai do Hà Xuyên đóng ngồi trước gương, dùng chai nước hoa đập vỡ gương trước mặt. Trên gương mặt của cô là hai hàng nước mắt rưng rưng rơi xuống và chỉ còn sót lại những mảnh gương vỡ. Nhưng cần đó đã đủ để lột tả gương mặt đau khổ của nhân vật khi tình cảm không được đáp lại. Có thể nói diễn viên Hà Phương đã lột tả ấn tượng sự đau khổ, dồn nén của nhân vật, gây ấn tượng đậm nét trong lòng độc giả.

Song ám ảnh hơn chính là phân đoạn Ni cô Huyền Trang bị bắt vào nhà tù và bị tra tấn dã man. Phân đoạn bọn giặc xung điện áp vào người cô, cô run lên từng tiếng bần bật, đau đớn da thịt, tiếng kêu rên thảm thiết, đau đớn vô cùng nhưng không hề khuất phục. Trước sự tra tấn dã man của kẻ thù trước sau cô chỉ hé một lời “Không biết”, “Tôi không biết” Bọn giặc hoàn toàn bất lực, không thể làm gì được cô gái bé nhỏ, mỏng manh nhưng trái tim kiên trung và bất khuất. Chúng trả cô ra ngoài với bộ dạng tàn tạ, trên người đầy những vết thương, thật xót xa vô cùng.

Biệt động Sài Gòn không giống như bộ đội hay đặc công được đào tạo chính quy, bài bản mà họ làm việc một cách tự nguyện, nương náu trong dân, nhận nhiệm vụ từ cấp trên. Dạng vai khó nhập vì đa phần diễn viên không được đào tạo bài bản về công việc này. Vì thế diễn viên phải có sự tìm tòi, nhập vai và hoá thân vào nhân vật để có thể lột ra được cái thần của các nhân vật trong tác phẩm. Tác phẩm ca ngợi chiến thắng nhưng không hề vụng về mà rất khách quan. Bộ phim như đứng giữa chiến tuyến, ghi lại sự thật một cách chân thành, xúc động

Có thể nói bộ phim kinh điển này đã lột tả chân thực về quá trình hoạt động quả cảm, quên mình của nhóm biệt động trong thành phố Sài Gòn. Đây là một trong những tác phẩm đáng đã làm nên tên tuổi của đạo diễn cùng dàn diễn viên.

5. Bàn luận về sức hấp dẫn của một bộ phim, một vở kịch hoặc một bài hát mẫu 5

Vở kịch "Hamlet" của William Shakespeare, một trong những tác phẩm kinh điển của văn học thế giới, đã trường tồn qua hàng thế kỷ và vẫn giữ nguyên sức hấp dẫn đặc biệt đối với khán giả hiện đại. Sức mạnh của "Hamlet" nằm ở cốt truyện phức tạp, những nhân vật đa chiều và những câu hỏi triết lý sâu sắc về cuộc sống, cái chết và sự tồn tại.

Câu chuyện xoay quanh Hamlet, hoàng tử Đan Mạch, người trở về quê hương sau cái chết đột ngột của cha mình. Hamlet đau đớn khi phát hiện ra chú ruột Claudius đã sát hại cha mình để chiếm đoạt ngai vàng và cưới mẹ của Hamlet. Bị ám ảnh bởi sự phản bội và tội ác, Hamlet quyết tâm trả thù, nhưng anh ta bị giằng xé giữa tình yêu, lòng trung thành và khát khao công lý.

Hamlet là một nhân vật phức tạp và đầy mâu thuẫn. Anh ta thông minh, nhạy cảm và có tư tưởng sâu sắc, nhưng cũng đầy u uất, do dự và hay tự vấn. Những độc thoại nội tâm của Hamlet, đặc biệt là đoạn "To be, or not to be", đã trở thành những câu nói bất hủ, thể hiện sự giằng xé trong tâm hồn con người trước những lựa chọn khó khăn trong cuộc sống.

Bên cạnh Hamlet, vở kịch còn có nhiều nhân vật ấn tượng khác như Ophelia, người yêu của Hamlet, bị cuốn vào vòng xoáy bi kịch của gia đình; Gertrude, mẹ của Hamlet, người phụ nữ yếu đuối và dễ bị thao túng; Claudius, kẻ phản diện xảo quyệt và tàn nhẫn. Mỗi nhân vật đều có những câu chuyện riêng, những động cơ và tâm lý phức tạp, góp phần tạo nên bức tranh toàn cảnh về xã hội Đan Mạch thời bấy giờ.

"Hamlet" không chỉ là một câu chuyện trả thù đơn thuần, mà còn là một tác phẩm chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa. Vở kịch đặt ra những câu hỏi lớn về cuộc sống, cái chết, tình yêu, lòng trung thành, sự phản bội và sự tồn tại của con người. Những câu hỏi này không có câu trả lời dễ dàng, mà đòi hỏi mỗi người phải tự suy ngẫm và tìm ra ý nghĩa riêng cho mình.

Sức hấp dẫn của "Hamlet" còn nằm ở ngôn ngữ kịch giàu chất thơ và hình ảnh. Shakespeare đã sử dụng ngôn ngữ một cách tài tình để tạo nên những câu thoại đầy cảm xúc, những hình ảnh ẩn dụ sâu sắc và những đoạn độc thoại nội tâm đầy ám ảnh. Những câu nói như "Sống hay không sống, đó là vấn đề" hay "Có gì trong một cái tên? Hoa hồng dù có tên gọi khác vẫn sẽ thơm như vậy" đã trở thành những câu nói kinh điển, được trích dẫn và diễn giải trong nhiều tác phẩm văn học và nghệ thuật khác.

Đối với tôi, "Hamlet" là một vở kịch có sức lay động mạnh mẽ. Tôi đã bị cuốn hút bởi câu chuyện bi kịch của Hamlet, bởi những câu hỏi triết lý sâu sắc và bởi vẻ đẹp của ngôn ngữ kịch. "Hamlet" đã khiến tôi suy ngẫm về cuộc sống, về những lựa chọn của mình và về ý nghĩa của sự tồn tại. Đó là một tác phẩm mà tôi tin rằng sẽ còn tiếp tục được yêu thích và nghiên cứu trong nhiều thế kỷ tới.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 11 Cánh diều

    Xem thêm