Phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật “Sóng” - Xuân Quỳnh
Phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật “Sóng” - Xuân Quỳnh
Phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật “Sóng” - Xuân Quỳnh là bài viết bao gồm dàn ý và văn mẫu hay do VnDoc biên soạn nhằm giúp các bạn học sinh có thêm tư liệu học tập môn Ngữ văn 11. Mời các bạn tham khảo!
1. Phân tích bài thơ Sóng mẫu 1
Đố ai cắt nghĩa được tình yêu
Có khó gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng hương nhè nhẹ gió hiu hiu
(Xuân Diệu)
Hai tiếng “Tình yêu” nghe đơn giản là thế nhưng cũng là hai tiếng khó lí giải nhất cõi đời. Thứ tình cảm tự nhiên, dung dị mà nồng cháy ấy đã đi vào trong văn chương, làm trái tim con người rung lên những nhịp đập thổn thức biết bao lần. Chàng thi sĩ Xuân Diệu đã định nghĩa tình yêu bằng “một buổi chiều” có “nắng nhạt” và “gió hiu hiu”. Với Puskin, đó là “Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai”. Và đến với Xuân Quỳnh, ta sẽ bắt gặp một tình yêu có diện mạo đằm thắm, nữ tính, dạt dào như những cơn sóng biển trong thi phẩm “Sóng”.
Xuân Quỳnh (1942-1988) là nhà thơ nữ tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Sinh ra và lớn lên trong thời kì khó khăn của đất nước, lại có hoàn cảnh gia đình đặc biệt nên Xuân Quỳnh luôn giàu lòng trắc ẩn, tràn đầy niềm khao khát yêu, khao khát được cống hiến. Sức mạnh của thơ chị chính là sức mạnh của sự nữ tính, của một trái tim rất đỗi “phụ nữ”. Mọi biến động của đời sống, mọi sự kiện xảy đến trong đời đều được chị ghi chép lại bằng những vần thơ da diết. Xuân Quỳnh sáng tác cả thơ và văn xuôi, trong và sau kháng chiến chống Mĩ. Chất trữ tình đằm thắm thấm nhuần trong thơ chị kể cả khi chị viết về chiến tranh. Hiện thực đất nước những năm kháng chiến gian lao cũng từng trở thành nguồn cảm hứng cho những sáng tác của Xuân Quỳnh như biết bao cây bút cùng thời:
Lời mẹ ru không chỉ ngọt ngào
"Cái bống ngủ ngon, cánh cò bay mải..."
Bởi khi bay có cánh cò đã gãy
Trong lúc ngủ say cái bống vẫn giật mình
(Khi con ra đời)
Chiến hào ngước nhìn lên
Chuối vườn ai vừa trổ
Một giàn mướp hoa vàng
Một đầm sen trước ngõ.
(Chiến hào)
Tuy nhiên, chỉ khi được sống trọn với những xúc cảm đa đoan về tình yêu và gia đình thì thơ Xuân Quỳnh mới thực sự được thăng hoa. Trái tim nhạy cảm ấy đã xao xuyến trước một bông hoa cúc xanh trong đầm lầy tuổi thơ, bâng khuâng khi đợi mùa ngâu hoa nở, thấm thía về sự trôi chảy của thời gian,… Thơ chị không gọt đẽo cầu kì mà tự nhiên, chân thành, sâu sắc như chính trái tim của người phụ nữ từng trải. “Thơ Xuân Quỳnh là thơ của một cánh chuồn chuồn bay tìm chỗ nương thân trong nắng nôi dông bão của cuộc đời … Thế giới thơ ca Xuân Quỳnh là sự tương tranh không ngừng giữa khắc nghiệt và yên lành với những biểu hiện sống động và biến hóa khôn cùng của chúng. Ở đó trái tim thơ Xuân Quỳnh là cánh chuồn chuồn báo bão cứ chao đi chao về, mệt nhoài giữa biến động và yên định, bão tố và bình yên, chiến tranh và hòa bình, thác lũ và êm trôi, tình yêu và cách trở” (Chu Văn Sơn).
Bài thơ “Sóng” được ra đời vào tháng 12 năm 1967 tại bãi biển Diêm Điền. Tác phẩm là lời tự giãi bày của một tâm hồn luôn khao khát yêu và được yêu đến tận cùng, trăn trở âu lo về mọi bình diện của tình yêu. Sôi nổi, trẻ trung, rạo rực mà vẫn ý nhị, dịu dàng - bài thơ đã trở thành một trong những sáng tác hay nhất viết về tình yêu của người phụ nữ, thể hiện rõ phong cách nghệ thuật Xuân Quỳnh.
Lấy sóng để biểu đạt tình yêu đâu phải là điều mới lạ trong thi ca nói riêng và nghệ thuật nói chung. “Ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu từng lấy cái ào ạt của sóng để diễn tả men say ái tình trong đôi mắt những người đang yêu:
Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt!
Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt
Nữ sĩ Phan Thị Thanh Nhàn lại miêu tả sóng gắn với những cảm thức về tình yêu đổ vỡ:
Gió lạnh đến tê người
Sóng như là chạy trốn
Biển mịt mù vắng tanh
Không cánh buồm không bến
Em chìa tay hứng mưa
Nghe lòng mình mặn chát
Điểm độc đáo của Xuân Quỳnh nằm ở chỗ nhà thơ đã sáng tạo một con sóng riêng mang đầy vẻ nữ tính. Hai hình tượng “Sóng” và “Em” cùng song hành xuyên suốt tác phẩm, khi riêng rẽ, khi hòa nhập nhưng đều thể hiện những cảm xúc đa tầng, chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ về tình yêu. Trong khổ thơ đầu tiên, nhà thơ đã nêu lên những đặc tính của sóng:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Bốn câu thơ vừa tả thực những chuyển động của sóng, vừa bộc lộ những cung bậc của tình yêu. Những con sóng ngoài biển khơi có lúc cuộn trào dữ dội, tạo nên những âm thanh ồn ã khiến ta phải bất ngờ nhưng bỗng chốc lại âm thầm, lặng lẽ xô vào bờ cát, âu yếm dấu chân con người. Những đối cực của thiên nhiên thật thú vị và khó nắm bắt, giống hệt dòng nội tâm của một người đang yêu. Trái tim ta khi thì nồng nàn, mãnh liệt, muốn vượt lên bất chấp tất cả mọi rào cản nhưng có khi lại mềm yếu, khao khát sự bình yên dung dị. Xuân Quỳnh hết sức tinh tế khi sử dụng cặp từ đối lập “Dữ dội” - “dịu êm”, “Ồn ào” - “lặng lẽ” cùng quan hệ từ “và”. Hai thái cực của sóng tưởng như mâu thuẫn nhưng lại cùng hòa hợp trong một bản thể, làm nên diện mạo phong phú của tình yêu. Các - mác đã gọi đây là “Sự thống nhất của các mặt đối lập”, những điểm ngược dấu cùng tồn tại và bổ sung lẫn nhau. Tuy nhiên, con sóng của Xuân Quỳnh vẫn là một con sóng được nhìn bằng nhãn quan của một người phụ nữ nên cuối cùng vẫn thiên về phần “dịu êm” và “lặng lẽ”. Điều này khác với con sóng đầy nam tính, khát khao chiếm hữu trong thơ Xuân Diệu:
Cũng có khi ào ạt
Như nghiến nát bờ em
Là lúc triều yêu mến
Ngập bến của ngày đêm
Hai câu thơ sau của khổ thơ đầu, nhà thơ nêu ra hệ quả của sự đối nghịch. Bởi sóng “dữ dội”, chân thực đến tận cùng với từng cảm xúc và ước ao sự bình yên nên sóng không chịu khuôn mình vào dòng chảy nhỏ bé của sông. Nếu sông không “hiểu” được sóng, ngọn sóng ắt sẽ từ giã không gian quen thuộc, “tìm ra tận bể” để thỏa sức vẫy vùng. Điều này quả thực rất đúng với những người phụ nữ khi yêu. Sự nhảy cảm, yếu mềm trong bản năng phụ nữ luôn khiến họ hướng đến những điều gần gũi, yên bình. Tuy nhiên, không vì thế mà họ cam chịu sống dưới mái nhà của những cảm xúc quẩn quanh, giả dối và cũ kĩ. Chính niềm khao khát yêu, khát vọng tự do sẽ chắp cánh cho người phụ nữ mạnh mẽ đối diện với những khó khăn, cách trở để tìm ra tình yêu đích thực của mình. Trên con đường đi tìm “chân hạnh phúc”, ta đâu thể đại khái và qua loa! Tâm hồn và quan niệm về tình yêu của Xuân Quỳnh rất phóng khoáng, cao cả và thực tế, cho thấy vẻ đẹp mới mẻ của người phụ nữ Việt Nam hiện đại. Quả thực, “Quỳnh đã không thể tương đối được khi định vị cái gọi là HẠNH PHÚC” (Nguyễn Thị Minh Thái).
Khổ thơ thứ hai, con sóng được miêu tả trong chiều kích vô cùng của thời gian, từ đó nhà thơ cho thấy sức sống trường tồn của tình yêu trong đời sống nhân loại:
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
“ngày xưa” và “ngày sau” là hai khoảng thời gian đối lập, chỉ quá khứ và tương lai. Cụm từ “vẫn thế” đã khẳng định quy luật bất biến rằng dẫu thời gian có trôi qua, vạn vật có đổi thay nhưng những con sóng vẫn ngày đêm miệt mài, khi “Ồn ào”, khi “lặng lẽ” như thế. Định luật ấy không chỉ đúng với tự nhiên mà còn đúng với con người. Dù trước hay sau, ở thời đại nào, khát vọng tình yêu vẫn luôn là điều tự nhiên, bất biến trong trái tim con người. Tuổi của tình yêu, của trái tim có thể đi ngược với khoảng thời gian vật lí. Chỉ cần va chạm với tình yêu, dù là “tuổi hai mươi” hay “khi tóc bạc”, trái tim ta vẫn sẽ ngân lên những nhịp đập bồi hồi, tươi trẻ. Yêu và làm thơ đã trở thành lẽ sống của cuộc đời nữ sĩ. Xuân Quỳnh đã viết về sức mạnh kì diệu của tình yêu trong “Thơ viết cho mình và những người con gái khác”:
Em yêu anh, yêu anh như điên
Em viết những bài thơ tình yêu tưởng anh là ý tứ
Trán em bớt dô ra, bàn tay không vụng nữa
Tay này đây, em may áo cho anh
Bàn sẽ cắm hoa, tường sẽ treo tranh
Em sẽ làm theo những điều anh mơ ước
Không ngừng soi chiếu vào những cơn sóng biển dập dìu để khám phá chính mình, nhà thơ đã đặt ra câu hỏi về nguồn gốc của sóng và cũng là của tình yêu:
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Khổ thơ thứ ba gợi ra trong tâm trí người đọc hình ảnh người con gái nhỏ bé đang đứng trước biển khơi rộng lớn với lớp lớp sóng trào. Đối mặt với sự mênh mông, rợn ngợp của tự nhiên, con người bao giờ cũng nảy sinh những suy tư về bản thân, cuộc sống. Xuân Quỳnh đã “nghĩ về anh, em”, về tình yêu đôi lứa trên thế gian và tự hỏi không biết những con sóng kia đến từ nơi đâu mà dạt dào đến thế. Và còn tình yêu? Tình yêu từ đâu tới mà mãnh liệt và cháy bỏng khôn cùng? Điệp ngữ “Em nghĩ” được lặp lại hai lần thể hiện những suy tư, trăn trở xuất hiện liên tiếp trong tâm trạng nhà thơ. Thế giới tự nhiên đã thực sự “khúc xạ” tâm hồn đa đoan của Xuân Quỳnh, trở thành nơi để thi sĩ gửi gắm tâm tư và bộc bạch những trăn trở.
Khổ thơ thứ tư dường như đã trả lời cho câu hỏi của nhà thơ: “Sóng bắt đầu từ gió”. Xuân Quỳnh lại một lần nữa dựa vào sự vận động của tự nhiên để lí giải tình cảm. Gió từ khơi xa thổi vào mặt biển, tạo nên những con sóng trập trùng. Ngày gió yên, biển lặng. Ngày gió gào, biển dữ. Thế nhưng, sự tò mò đã khiến nhà thơ muốn truy vấn đến tận cùng, tiếp tục đặt ra câu hỏi: “Gió bắt đầu từ đâu?”. Thế rồi, dường như thua cuộc trước sự diệu kì của tạo hóa, người con gái đành bất lực thú nhận: “Em cũng không biết nữa/Khi nào ta yêu nhau”. Câu thơ như một tiếng cười trừ vừa dễ thương lại vừa nữ tính. Tự nhiên và bí ẩn - ấy chính là gió trời và cũng là tình yêu đôi lứa. Ta làm sao có thể cài đặt trái tim như một chiếc đồng hồ dây cót để đợi chờ gió thổi hay đánh thức yêu thương! Sẽ thật phũ phàng và đau đớn làm sao nếu “Bài thơ nói về trái tim anh lại viết bằng bộ óc”. Cô gái đã nhận ra chẳng có điểm xuất phát và biên giới cuối cùng cho tình cảm. Ta chỉ biết rằng mình đã yêu khi đã thực sự sống trọn trong nó rồi:
Tình yêu đến trong đời không báo động
Trái tim em đâu lỡ hẹn bao giờ
Một trong những nét hấp dẫn nhất của tình yêu chính là nỗi nhớ. Nỗi nhớ không chỉ xuất hiện trong tâm tưởng mà còn biểu hiện ngay trên khuôn mặt, ánh mắt, cử chỉ của kẻ đang yêu. Khổ thơ thứ năm có hình thức đặc biệt, được kéo dài hơn với sáu câu thơ, diễn tả nỗi nhớ da diết và đằm sâu trong cõi lòng người con gái:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Không gian biển cả ngày càng được mở ra đa chiều, rộng lớn. Điệp từ “Con sóng” được lặp lại ba lần trong ba câu thơ gợi liên tưởng đến hình ảnh những đợt sóng liên tiếp cuồn cuộn dưới lòng biển sâu rồi lũ lượt xô vào bờ giống một con người đang sống trọn trong hạnh phúc và nhớ nhung. Các cặp từ đối lập “dưới lòng sâu” - “trên mặt nước”, “ngày” - “đêm” diễn tả nỗi nhớ thường trực, đeo bám con người đến mức “không ngủ được”. Từ cảm thán "Ôi" xuất hiện giữa dòng thơ cho thấy nỗi nhớ mạnh mẽ đến mức không thể che giấu mà buộc phải thốt lên thành lời. Sóng thao thức với đại dương cũng như em luôn nhung nhớ, khát khao thấu hiểu và yêu thương anh vậy! Nỗi nhớ được thể hiện qua hình tượng sóng thật gợi cảm và tràn đầy nữ tính. Em là sóng. Sóng là em. Nhưng có lẽ, hóa thân vào sóng vẫn chưa thể diễn tả hết sự nồng nàn của tình cảm nên cuối cùng, cô gái đã tách ra, trực tiếp thổ lộ: “Lòng em nhớ đến anh/Cả trong mơ còn thức”. Nỗi nhớ như một sinh thể, có linh hồn riêng, bước vào cả trong giấc mơ của con người, bung tỏa khỏi giới hạn của không gian và thời gian. “mơ” và “thức” vốn là hai trạng thái đối lập, nay được đặt cạnh nhau, cho thấy lực tác động kì diệu của tình yêu đến con người. Hơn hết, hành động “nhớ” và “thức” không chỉ là biểu hiện của “yêu” mà còn cho thấy sự lo lắng, quan tâm cùng vô vàn dự cảm ập đến trong cõi lòng.
Nỗi nhớ khi hai người yêu nhau phải xa nhau thường đi liền với biết bao lo âu, mặc cảm. Ai cũng sợ tình yêu của mình trở thành “thuyền” và “bến” trong câu ca dao xưa:
Thuyền về có nhớ bến chăng?
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.
Chính vì thế, khổ thơ tiếp theo là lời khẳng định tình yêu son sắt, thủy chung bất chấp mọi rào cản:
Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương.
Tác giả lại một lần nữa sử dụng thủ pháp nghệ thuật đối lập để thể hiện tâm trạng. “Bắc” - “Nam” chỉ hai vị trí địa lí xa xôi, cách trở. “xuôi” - “ngược” là sự vận động trái chiều. Điệp từ “Dẫu” được lặp lại hai lần như khẳng định sức mạnh của tình yêu chân chính. Lời thơ ban đầu rất dịu dàng, đằm thắm, đến đây bỗng tràn trề niềm quyết tâm mạnh mẽ. Phải chăng, khi ta yêu nhau, trái tim luôn hướng về nhau thì mọi phương trời dù ở đâu cũng chẳng còn quan trọng nữa. Nơi nào có anh và em, nơi ấy trở thành duy nhất. Anh chính là bến bờ hy vọng, là niềm mong đợi tuyệt vời và cao cả nhất của em! Không cần ước lệ hay ẩn dụ, tình yêu được bộc lộ một cách táo bạo, quyết liệt, chân thành. Trái tim của Xuân Quỳnh quả thực là một trái tim quả cảm, dám yêu, dám nhớ, dám chờ, thậm chí dám trải qua cả sự tổn thương. Chị đã chọn cho mình một cách yêu và giữ gìn tình yêu thật đáng trân quý:
Khi anh vắng bàn tay em biết nhớ
Lấy thời gian đan thành áo mong chờ
Lấy thời gian em viết những dòng thơ
Để thấy được chúng mình không cách trở…
Giữa con người văn chương và con người đời thường của một tác giả thường có những khoảng cách nhất định. Tuy nhiên, với Xuân Quỳnh, thơ văn của chị vẫn chính là chị như vốn có. Có bao nhiêu tâm tư, chị đều gửi gắm hết vào trang thơ. Những bài thơ của chị, dù ở khoảng thời gian nào, vẫn luôn lấp lánh niềm tin vào tình yêu, hạnh phúc:
Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở
Ba từ “Ở ngoài kia” đem đến hình dung cô gái đang hướng của mình về khơi xa, nơi trăm ngàn con sóng không biết mỏi đang vượt qua giới hạn để chạm được vào bờ, ôm ấp nỗi yêu thương. Câu chuyện ấy của biển cả cũng là câu chuyện miên viễn của tình yêu con người. Những người yêu nhau bao giờ cũng sẽ tìm đến nhau, luôn luôn là thế.Hình tượng sóng bỗng sáng ngời lên vẻ đẹp của tâm hồn người phụ nữ với những khao khát về tình yêu chung thủy và mái ấm gia đình hạnh phúc. Nhưng không dừng lại ở đó, là một người phụ nữ nhạy cảm, ở Xuân Quỳnh còn tồn tại một chút chạnh lòng nghĩ đến những cách trở trong tình yêu:
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Ở khổ thơ thứ tám, thời gian và không gian được đặt trong thế đối lập. “Cuộc đời” vốn ngắn ngủi, “năm tháng” lại quá dài. Biển cả dẫu rộng lớn mênh mang cũng chẳng đủ sức níu giữ đám mây bay về phía chân trời. Các từ “tuy” - “vẫn”, “dẫu” - “vẫn” như tiếng thở dài buồn bã của nhà thơ trước những thực tế chẳng thể cải tạo. Xuân Quỳnh cũng sợ hãi sự trôi chảy của thời gian, sự nguội lạnh của lòng người, sợ cái mai một của tình yêu bởi suy cho cùng, con người cũng chỉ là một thực thể hữu hạn trước sức tàn phá khốc liệt của thế gian. Không ít lần những vần thơ chị nặng trĩu nỗi âu lo:
Lời tình tự trăm lần trên ghế đá
Biết lời nào giả dối với lời yêu…
Những nghịch lí của cuộc đời khiến con người đau khổ biết bao! Khát khao yêu thương và hạnh phúc là bất tận nhưng nhan sắc, tuổi xuân và sinh mệnh lại vô cùng ngắn ngủi. Nhất là ở những con người từng trải qua nhiều biến cố trong đời, điều này lại càng được nhận thức rõ rệt. Tình yêu có thể khiến người ta đẹp lên, đôi tay bớt vụng, cái trán bớt dô nhưng cũng có thể hủy hoại con người. Nếu ta không yêu, không có niềm hạnh phúc vô bờ cũng đồng nghĩa với việc ta không biết tổn thương. Đã chấp nhận sống hết mình vì tình yêu cũng là chấp nhận trái tim có thể tan nát vì tình. Ta lo lắng tình yêu của mình chẳng bì được với sức mạnh của thời gian, sợ hãi khi người ta yêu chẳng hiểu cho tình yêu ấy:
Ta yêu người con trai không phải vì mình
Mà họ yêu ta vì họ yêu chính họ
Được yêu hai lần, họ cao lên một bậc
Ta không được yêu cảm thấy thấp dần đi
Vì chính ta cũng chẳng yêu ta…
Đến đây, tưởng như bài thơ sẽ kết thúc với một nốt trầm bi lụy. Khúc ca dạt dào về tình yêu và biển lớn sẽ hóa thành bản nhạc buồn về con người, năm tháng. Thế nhưng, “Trái tim hoàn thiện nhất chính là trái tim có nhiều mảnh vá”, Xuân Quỳnh đã thể hiện sự kiên định với tình yêu của mình cùng khát vọng bất tử để yêu và được yêu trọn vẹn:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
Đến đây, “Em” và “Sóng” lại cùng hòa nhập, quấn quýt vào nhau. “Làm sao được tan ra” là một câu hỏi tu từ được dùng để bộc lộ cảm xúc. Cụm từ "tan ra" toàn thanh bằng rất nhẹ nhàng nhưng cũng cho thấy khao khát cháy bỏng được hòa mình vào tình yêu của Xuân Quỳnh. Những từ “biển lớn”, “ngàn năm” là những khái niệm không gian, thời gian rộng lớn. Đại dương tình yêu của nhân loại vô cùng rộng lớn. Nhà thơ mong muốn được hóa thành “trăm con sóng nhỏ” để tận hưởng và dâng hiến hết mình cho tình yêu chung của nhân loại. Chỉ khi sóng còn vỗ, biển mới còn xao động. Chỉ khi con người hi sinh, tình yêu mới còn tồn tại, chiến thắng được sức mạnh của thời gian “Để ngàn năm còn vỗ”. Đây là quan niệm tình yêu xuất phát từ truyền thống nhưng cũng rất mới mẻ, hiện đại.
Như vây, qua hình tượng trung tâm là “Sóng” và “Em”, tác phẩm đã khắc họa những cung bậc của con người trong tình yêu, đem đến những triết khí sâu sắc về tình yêu và cuộc sống, cho ta thấy rõ vẻ đẹp nữ tính và khát khao hạnh phúc ở hồn thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ sử dụng thể thơ năm chữ truyền thống, ngôn ngữ tinh tế, nhiều cặp từ đối lập, các tính từ giàu sắc thái biểu cảm, hệ thống điệp ngữ cùng giọng điệu kết hợp giữa sôi nổi, mạnh mẽ với nhẹ nhàng, sâu lắng.
“Sóng” xứng đáng là lời tuyên ngôn ý nhị, tinh tế, chân thành của người con gái về tình yêu. Chừng nào trên thế gian vẫn còn những trái tim trẻ bồi hồi vì tình yêu, chừng ấy những con sóng trong thơ tình của Xuân Quỳnh vẫn mãi dào dạt…
2. Phân tích bài thơ Sóng mẫu 2
Xuân Quỳnh là nhà thơ của hạnh phúc đời thường. Thơ bà là tiếng lòng của một tâm hồn luôn luôn khao khát tình yêu, gắn bó hết mình với cuộc sống hàng ngày, trân trọng, nâng niu và chăm chút cho hạnh phúc đời thường. Trong các nhà thơ nữ Việt Nam, Xuân Quỳnh xứng đáng được gọi là nhà thơ của tình yêu. Bà viết nhiều, viết hay về tình yêu nhưng có lẽ Sóng là bài thơ đặc sắc hơn cả. Bởi nó nói lên được một tâm hồn khao khát yêu đương, một tình yêu vừa hồn nhiên chân thật, vừa mãnh liệt, sôi nổi của một trái tim phụ nữ.
Tình yêu là đề tài muôn thuở của thi ca. Nhiều nhà thơ nổi tiếng đã viết về tình yêu với tất cả sự nồng nhiệt của một trái tim tuổi trẻ. Ta bắt gặp một Xuân Diệu nồng nàn, đắm say và khát khao dâng hiến cho tình yêu, một Nguyễn Bính mơ màng tìm về tình yêu đồng nội, một Anh Thơ tha thiết nhưng thẹn thùng cái duyên con gái… nhưng chỉ đến Xuân Quỳnh, cái khát vọng rất đỗi đời thường của con người đó mới được bộc bạch , mà bộc bạch một cách chân thành như chính cuộc đời nhà thơ vậy : một thứ tình yêu vừa phong phú, phức tạp, vừa thiết tha sôi nổi của một trái tim phụ nữ đang rạo rực, đang khao khát yêu đương.
Sóng trong tác phẩm cùng tên của nhà thơ mang hình ảnh ẩn dụ. Nó là sự hóa thân của cái tôi trữ tình đầy mơ mộng của thi nhân. Sóng và em tuy hai mà một, có lúc phân đôi để soi chiếu vào nhau làm nổi bật sự tương đồng, có lúc lại hòa nhập để tạo nên âm vang cộng hưởng. Và có thể nói qua hình tượng sóng, Xuân Quỳnh đã bày tỏ một tình yêu dạt dào, mênh mông và một khát vọng vĩnh hằng về tình yêu đôi lứa.
Mở đầu bài thơ là trạng thái tâm lý đặc biệt của một tâm hồn đang khao khát yêu đương, đang tìm đến một tình yêu rộng lớn hơn. Xuân Quỳnh diễn tả thật cụ thể cái trạng thái khác thường, vừa phong phú vừa phức tạp trong một trái tim cồn cào khao khát tình yêu. Tính khí của người con gái đang yêu, cũng như sóng vậy thôi, vốn mang trong nó nhiều trạng thái đối cực: “Dữ dội và dịu êm, Ồn ào và lặng lẽ”… Và cũng như sóng, trái tim người con gái đang yêu không chấp nhận sự tầm thường, nhỏ hẹp, luôn vươn tới cái lớn lao để có thể đồng cảm, đồng điệu với mình “Sông không hiểu nổi mình, Sóng tìm ra tận bể”. Có thể thấy, ngay trong khổ thơ đầu tiên này một nét mới mẻ trong quan niệm về tình yêu. Người con gái khao khát yêu đương nhưng không còn nhẫn nhục, cam chịu nữa. Nếu “Sông không hiểu nổi mình” thì sóng sóng dứt khoát từ bỏ nơi chật hẹp đó “Tìm ra tận bể”, đến với cái cao rộng, bao dung. Thật là minh bạch và cũng thật là quyết liệt!
Nỗi khát vọng tình yêu xôn xao, rạo rực trong trái tim con người, trong quan niệm của Xuân Quỳnh, là khát vọng muôn đời của nhân loại mà mãnh liệt nhất là của tuổi trẻ. Nó cũng như sóng, mãi mãi trường tồn , vĩnh hằng với thời gian. Từ ngàn xưa, con người đã đến với tình yêu và mãi mãi cứ đến với tình yêu. Với con người, tình yêu bao giờ cũng là một khát vọng bồi hồi:
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày nay vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Khi tình yêu đến, như một tâm lý tự nhiên và thường tình, người ta luôn có nhu cầu tự tìm hiểu và phân tích. Nhưng tình yêu là một hiện tượng tâm lý khác thường, đầy bí ẩn, không thể giải quyết được bằng lý lẽ thông thường, làm sao có thể giải đáp được câu hỏi về khởi nguồn của tình yêu, về thời điểm bắt đầu của một tình yêu. Cái điều mà trước đó đã từng là Xuân Diêu băn khoăn “Làm sao cặt được nghĩa tình yêu? ” thì nay một lần nữa Xuân Quỳnh bộc bạch một cách hồn nhiên, thật dễ thương. Tình yêu cũng như sóng biển, như gió trời vậy thôi, làm sao có thể hiểu hết được. Nó cũng tự nhiên, hồn nhiên như thiên nhiên , và cũng khó hiểu, nhiều bất ngờ như tự nhiên vậy :
Sóng bắt đầu từ gi
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Tình yêu thường cũng gắn liền với nỗi nhớ khi xa cách. Nỗi nhớ của một trái tim đang yêu được Xuân Quỳnh diễn tả thật mãnh liệt. Một nỗi nhớ thường trực cả khi thức, cả khi ngủ, bao trùm lên cả không gian. Một nỗi nhớ cồn cào, da diết, không thể nào yên, không thể nào nguôi. Nó cuồn cuộn, dào dạt như những đợt sóng biển triền miên, vô hồi, vô hạn. Nhịp thơ trong suốt bài thơ này là nhịp sóng, nhưng rõ nhất, dào dạt, hăm hở, náo nức nhất , mãnh liệt nhất là ở đoạn thơ này :
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Và, như trên đã nói, vẫn là hình tượng song hành của sóng và em bổ sung đắp đổi cho nhau nhằm diễn tả sâu sắc hơn, ám ảnh hơn tình yêu và nỗi nhớ cùng với lòng thủy chung vô hạn của một trái tim đang rạo rực yêu thương. Nỗi nhớ được diễn tả qua hình tượng con sóng nhớ bờ “ Ngày đêm không ngủ được” vẫn chưa đủ, chưa thỏa, lại được thể hiện một lần nữa qua nỗi nhớ của nhà thơ : “ Lòng em nhớ đến anh, Cả trong mơ còn thức”. Nỗi nhớ tràn đầy lòng yêu của thi sĩ. Nỗi nhớ thường trực trong mọi không gian và thời gian, không chỉ tồn tại trong ý thức mà còn len lỏi trong ý thức, xâm nhập vào cả trong giấc mơ. Những đòi hỏi, khao khát yêu đương của người con gái được bộc lộ thật mãnh liệt nhưng cũng thật giản dị: sóng chỉ khao khát tới bờ cũng như em khao khát có anh ! Tình yêu của người con gái ở đây vừa thiết tha, mãnh liệt, vừa trong sáng, giản dị, vừa thủy chung duy nhất. Qua hình tượng sóng và em. Xuân Quỳnh đã nói lên thật chân thành, táo bạo , không hề giấu giếm cái khát vọng tình yêu sôi nổi, mãnh liệt của mình, một phụ nữ, một điều hiếm thấy trong văn học Việt Nam.
Xuân Quỳnh viết bài thơ Sóng năm 1967, khi mà nhà thơ đã từng nếm trải sự đổ vỡ trong tình yêu. Song, người phụ nữ hồn nhiên tha thiết yêu đời này vẫn còn ấp ủ biết bao hi vọng, vẫn phơi phới một niềm tin vào hạnh phúc trong trương lai. Vừa tự động viên, an ủi mình, tác giả vừa tin vào cái đích cuối cùng của một tình yêu lớn như con sóng nhất định sẽ “tới bờ”, “dù muôn vời cách trở”. Tương lai hạnh phúc như đang còn ở phía trước. Và vì thế, ý thức về thời gian chưa làm nhà thơ lo âu mà chỉ làm tăng thêm niềm tin tưởng:
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Xuân Quỳnh vừa thổ lộ trực tiếp, vừa mượn hình tượng sóng để nói và suy nghĩ về tình yêu. Những ý nghĩ này có vẻ tự do, tản mạn, nhưng từ trong chiều sâu của thi tứ vẫn còn sự vận động nhất quán. Đó là cuộc hành trình khởi đầu là sự từ bỏ cái chật chội, nhỏ hẹp để tìm đến một tình yêu bao la, rộng lớn, cuối cùng là khát vọng được sống hết mình trong tình yêu, muốn hóa thân vĩnh viễn thành tình yêu muôn thuở:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
Người con gái mong muốn hòa mình vào bể đời rộng lớn , bứt mình ra khỏi những lo toan tính toán , để ngập chìm trong bể lớn tình yêu. Phải có một tình yêu như thế nào thì mới có được một mong muốn cao cả đến chừng ấy. Khát vọng tình yêu cũng là khát vọng sống mãnh liệt đủ đầy. Cuộc đời còn tình yêu thì cuộc đời còn tươi đẹp và đáng sống và sống trong tình yêu là một điều hạnh phúc. Xuân Quỳnh mong ước được sống mãi trong tình yêu, bất tử với tình yêu
Sóng là một bài thơ tình yêu rất tiêu biểu cho tư tưởng và phong cách thơ Xuân Quỳnh ở giai đoạn đầu. Một bài thơ vừa xinh xắn, duyên dáng, vừa mãnh liệt, sôi nổi, vừa hồn nhiên, trong sáng, vừa ý nhị sâu xa. Sau này khi đã nếm trải nhiều cay đắng trong tình yêu, giọng thơ Xuân Quỳnh không còn phơi phới bốc men say nữa, nhưng cái khát vọng tình yêu vẫn tồn tại mãi mãi trong trái tim tràn ngập yêu thương của nhà thơ.
3. Phân tích bài thơ Sóng mẫu 3
Tình yêu là một đề tài quen thuộc trong thơ ca. Nhưng không phải vì thế mà thành đơn điệu và nhàm chán. Mỗi bài thơ, mỗi nhà nhơ là một thế giới riêng, một nhu cầu, một khao khát riêng không ai giống ai. Chẳng thế mà ta gặp Xuân Diệu trong thi đàn Việt Nam với chất men say tình yêu nồng nàn, mãnh liệt người tự cho mình là “kẻ uống tình yêu dập cả môi”, ta gặp Nguyễn Bính “người nhà quê" chân thật, da diết... và thật bất ngờ khi gặp nữ sĩ với tâm hồn dạt dào và say đắm trong tình yêu - Xuân Quỳnh. Thơ tình yêu của Xuân Quỳnh chân thành nhưng không kém phần cháy bỏng nồng say. Điều đó thể hiện không ít trong bài Sóng.
Bài thơ ra đời vào năm 1967. Vào thời kỳ này, có thể nói rất ít những bài thơ tình yêu kiểu này nhất là với các nhà thơ nữ. Nếu có, phần lớn đều gắn bó với nhiệm vụ cách mạng, gắn với sứ mệnh thiêng liêng cao cả của dân tộc. Rất ít các nhà thơ tự bứt mình ra khỏi không khí chung để tìm vào cái gọi là riêng tư, sâu kín trong tâm linh mình. Dường như mọi người tránh và cố tình tránh... Nói như vậy để thấy rằng Sóng của Xuân Quỳnh là một bài thơ có nhiều điều đáng quý.
Viết về sóng, biển và thuyền để nói lên tình yêu trai gái ta đã gặp trong thơ Xuân Diệu với bài Biển... Ngay trong Xuân Quỳnh cũng có Thuyền và Biển... nhưng tìm một bài nói lên nỗi băn khoăn day dứt như Sóng có lẽ là gặp con người yêu tha thiết và cháy bỏng, luôn luôn muốn bứt mình ra để tìm đến một cái gì đó rõ ràng, cụ thể. Trong cuộc sống, Xuân Quỳnh thể hiện rõ cái phong cách này. Đã yêu ai thì yêu hết mình, đã ghét ai thì ghét cay ghét đắng. Chính lẽ đó mà trong thơ Xuân Quỳnh vẫn giữ được vẻ tận tụy, dứt khoát, rõ ràng. Song điều này cũng thể hiện:
Lòng em nhớ đến anh.
Cả trong mơ còn thức!
Có lẽ là sức mạnh của tình yêu, niềm say mê và nỗi lòng cuồng nhiệt, đã mang con người vào thế giới thần tiên, thơ mộng. Tất cả những lo toan, tính toán, những phức tạp, rắc rối trên cõi đời để nhường chỗ cho ước mơ, cho khát vọng đắm say trong lòng người tất cả những gì tồn tại bên ngoài đều cho hết, xua hết ra ngoài ý tưởng. Khẳng định nỗi lòng, nhà thơ đã đưa ra trạng thái “trong mơ còn thức" để thuyết phục. Tôi còn nhớ, có một nhà thơ khi bày tỏ nỗi lòng của mình với người yêu cũng nói:
Anh yêu em chỉ nhớ em thôi
Lúc đứng lúc ngồi lúc nào cũng nhớ
Trạng thái bồn chồn, xao xuyến, bứt rứt như cắn xé, cào cấu như giục giã người. Người con trai đứng ngồi không yên thì ở đây Xuân Quỳnh lại ngủ, thức không yên. Nào có kém gì đâu. Đã yêu nhau thường nhớ thường mong, thường đợi chờ nên không thể không có cái phút đứng ngồi không yên. Từ xa xưa, ông cha ta cũng có câu:
Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống than
Chính vì lẽ đó mà mở đầu bài thơ cũng nói lên cái tâm trạng băn khoăn, trạng thái không ổn định trong tâm hồn mình:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Hai trạng thái tâm lý ngược nhau lại được dồn trong một ngữ cảnh cụ thể trong một người, ở cùng một lúc. Dĩ nhiên nói “dữ dội”, “ồn ào", “lặng lẽ" là nói về sóng trong bài thơ Sóng là em, và em là sóng, hai câu này hòa lẫn trong nhau, quyện vào nhau. Đọc hai câu thơ tưởng như đã là một sự khập khiễng, trái ngược vậy mà ngược lại rất có logic và hợp lý. Có được như vậy, hẳn phải nói đến nhà thơ và cái tài biểu hiện tâm lý. Đọc cả khổ thơ ta cũng như lắng mình trong đó, nghe được tiếng thổn thức của hồn người, cả khổ thơ là một trạng thái khá đọng của xúc cảm. Con người nhà thơ không bình lặng, không giản đơn mà có nét gì đó trăn trở, day dứt. Đọc câu thơ ta nghe như tiếng sóng vỗ, như thấy được từng đợt sóng dập dìu. Ngôn ngữ thơ mang đầy âm thanh nhưng cũng gợi hình. Tiếng sóng không bình lặng, không dập dìu, nhẹ nhàng hôn nhẹ lên bờ cát, không ôm ấp, vỗ về hay nũng nịu mà “dữ dội" mà "ồn ào" nhưng “dịu êm". Nhà thơ phả vào dòng thơ một chúi hơi thở mà câu thơ sống động hẳn lên, nghe như có tiếng cựa quậy. Nhẽ ra trong trạng thái bình thường thì phải biết "dữ dội" và “ồn ào”, “dịu êm” và “lặng lẽ". Song nếu như thế thì chẳng còn gì để sống “không hiểu nổi” để sóng phải “tìm ra tận bể". Hai câu thơ dưới thể hiện nỗi khát vọng tìm tòi đến tột độ. Câu thơ tưởng chừng như bất chợt bật ra, vậy là thỏa mãn. Trong cuộc sống có gì bực dọc, đau khổ hơn khi chính mình lại không hiểu nổi mình, không lý giải được mình, mình là ai có lẽ cái sức mạnh lớn nhất muốn lật tung cái “sâu kín” đó là mình phải tìm được tận cùng nó. Cái ý nghĩa này, còn theo đuổi nhà thơ đến tận cùng của bài thơ. Khát vọng được hòa mình vào bể lớn của cuộc đời, bể lớn của tình yêu cứ thôi thúc, giục giã.
Từ “không hiểu nổi mình" nhà thơ liên tiếp đặt ra những băn khoăn, thắc mắc. Cuối cùng để tự dằn vặt mình, bởi lẽ hỏi cũng chỉ để hỏi mà thôi. Hỏi cho vơi nỗi lòng:
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Quy luật tự nhiên là sóng gió, nhưng còn tình cảm giải thích từ đâu... Đây là một điều cực khó, vẫn là nỗi băn khoăn dằn dỗi trong nỗi lòng mình. Vậy mà nỗi lo lắng, thảng thốt “không biết nữa", ngây thơ xen chút bất lực. Mọi câu hỏi đặt ra đều tha thiết tìm được nơi khởi nguồn, nơi “bắt đầu” của sự vật. Có như vậy nỗi lòng người mới thỏa mãn.
Trăn trở với khổ thơ ta nghe thấy nỗi lòng nhà thơ trăn trở, nhịp thơ trong khổ thơ thay đổi lúc 3/2 lúc 2/3 linh hoạt nhưng không xuôi không thẳng, không bình thường nhưng cũng dằn vặt, cũng nghĩ suy tìm tòi.
Xưa, nay rất nhiều thi sĩ đặt câu hỏi về tình yêu. Nhưng tình yêu là tình cảm, là cảm xúc làm sao biết được nó như thế nào, đến từ đâu... và nhiều nữa, nhưng tất cả đều bất lực. Ngay đến Xuân Diệu - một nhà thơ tình nổi tiếng, một con người luôn có khát khao giao cảm với đời luôn yêu, say đắm trong tình yêu, người mà: Trong giây phút chót dâng trời đất:
Cũng vẫn say tình đến ngất ngư
Người “uống” tình yêu đến “dập cả môi" cũng bất lực:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu.
Có người phải thốt lên rằng "có gì lạ quá đi thôi" khó quá! Nhưng tình yêu là thế. Làm sao có thể cảnh giác được trong tình yêu. Nó đến lúc nào ta đâu có biết và chiếm ta lúc nào ta đâu có hay. Quay lại khổ thơ Xuân Quỳnh ta gặp câu thổ lộ:
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Một câu hỏi rất con gái, nhẹ nhàng, bối rối lẫn chút đắm say, ngọt ngào, nũng nịu. Nói thế, không có nghĩa là khổ thơ chỉ đơn thuần và cảm xúc, con người chỉ đơn thuần là yêu say đắm bên tình yêu bên sự nồng nàn còn là sự nghĩ suy, tìm tòi đòi hỏi một câu trả lời dù ít thôi nhưng phải có... Nhưng cuối cùng câu hỏi vẫn để đó, nhà thơ bất lực... làm sao mà có thể đáp nổi... Một ánh mắt bâng quơ, một câu nói vô tình nhiều khi cũng làm cho người ta tương tư chứ huống chi lại có một khoảng thời gian dài nỗi khát vọng tình yêu cứ bồi hồi, cứ xao xuyến trong ngực trẻ.
Tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh không giản đơn. Yêu thương cháy bỏng, nồng cay nhưng không vì thế mà hời hợt:
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên
Điệp từ “em nghĩ" nhắc đi nhắc lại càng làm rõ hơn sự suy nghĩ trong lòng người. "Em nghĩ” có nghĩa là đã thao thức, đã lo lắng, đã đặt ra nhiều câu hỏi, chứ không phải em chỉ quen bồng bềnh, quen si mê, đến chỉ yêu và đơn thuần là yêu. Xưa nay không hiểu người “chỉ biết yêu thôi, chẳng biết gì" tình yêu đã làm họ mù quáng, quên đi tất cả. Họ nhìn vào cõi hư vô, mộng ước, chỉ quen hưởng thụ chứ không biết suy nghĩ.
Tình yêu thường đồng hành với nỗi nhớ, sự mong đợi, vì lẽ đó mà trong thơ Xuân Quỳnh điều đó cũng thể hiện khá rõ. Yêu cuồng nhiệt thì nhớ cũng nát tan. Nỗi nhớ cứ dồn lên tầng tầng, lớp lớp như từng đợt sóng:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Đọc khổ thơ, tìm thấy vị trí của con sóng và cũng thấy được nỗi nhớ trong lòng người. Con sóng nhớ bờ nhớ thao thức “Ngày đêm không ngủ được". Nói "Con sóng dưới lòng sâu", “Con sóng trên mặt nước" nhà thơ muốn nói đến sự toàn diện. Dù tận dưới đáy sông hay ngay trên bề mặt sóng vẫn chỉ nhớ bờ, thương bờ. Nỗi nhớ mong tưởng chừng đến tột độ, nhớ nhau nên trăn trở. Đến nỗi trong ca dao người xưa cũng từng nói “đèn thương nhớ ai mà đèn không tắt".
Nỗi nhớ của con sóng chính là nỗi nhớ của con người, nỗi nhớ tầng tầng lớp lớp đan xen nhau, nối tiếp nhau, thôi thúc, giục giã. Nói sóng để nói đến nỗi lòng mình. Nhớ nhau, nên thời gian như dài hơn:
Tháng giêng ngày dài lắm
Biết mà làm sao em.
giấc ngủ cũng chập chờn:
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức!
Khổ thơ được viết theo thể tăng dần, cảm xúc trong thơ được đun nóng đến tận cùng dào dạt... nóng bỏng. Trong thơ mình, khi nói về nỗi nhớ Xuân Quỳnh cũng đã viết:
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau rạn vỡ
(Thuyền và Biển)
Phải nói rằng, trong tình yêu Xuân Quỳnh yêu hết mình, yêu cuồng nhiệt, đắm say, cháy bỏng, nồng nàn. Nhà thơ tha thiết tắm mình trong nguồn cảm hứng vô tận này. Yêu nồng nàn như vậy nhưng trong Xuân Quỳnh vẫn có nét dịu dàng của con gái, vẫn biết là yêu đến nát tan, nhưng không vồ vập, ồn ào như Xuân Diệu. Người muốn “riết”, “say” muốn “hôn" và cuối cùng muốn “cắn": ''Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”. Trong thơ ông tình yêu không bằng lặng, Xuân Diệu mạnh mẽ táo bạo:
Đã hôn rồi hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt
(Biển)
Càng đến cuối bài thơ Xuân Quỳnh càng tỏ ra mình là một con người sâu sắc, thủy chung. Tình yêu của Xuân Quỳnh là tình yêu từ hai phía, ở đây, nhân vật trữ tình đã có đối tượng để hướng tới chứ không vu vơ. Hơn nữa, tình cảm, tâm hồn của nhân vật trữ tình không phải là bi quan, chán nản mà tràn đầy hy vọng. Đọc bài thơ, không hề gặp cái tư tưởng: “Tương tư thức mấy đêm rồi. Biết cho ai hỡi ai người biết cho”.
Khổ thơ tiếp khẳng định được điều đó:
Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương
Đến đây nhà thơ đã đưa ra khái niệm không gian để nói lên mức độ thủy chung. Hai từ “dẫu xuôi, “dẫu ngược", “phương Bắc”, “phương Nam" là những từ cụ thể khẳng định sự thủy chung khoảng không gian, địa điểm đặt ra trong khổ thơ nói lên độ dài nỗi cách trở, gian lao của thực tế với con người. Phương hướng, khoảng cách đặt ra xa bao nhiêu thì lòng người lại thể hiện rõ sự thủy chung bấy nhiêu “một phương". Câu thơ như một lời khẳng định rắn rỏi, mạnh mẽ, dứt khoát, rõ ràng. Khổ thơ đặt ra nhiều thử thách, nhiều cách trở nhưng cũng đưa ra được sự quyết tâm của con người. Tình yêu sẽ chiến thắng tất cả, nếu như đó là tình yêu chân thật, thủy chung. Lời thơ vang lên như một lời thề nguyện đọc lên cứ rưng rưng xúc động. Đã có bài hát khẳng định về điều này: "Dù thời gian xa xôi, dù đường dài xa xôi. Em vẫn như ngày xưa. Mến yêu anh trọn đời". Thơ Xuân Quỳnh cũng hướng về điều đó tuy cách diễn đạt có khác.
Dường như để khẳng định thêm cho lời nói của mình nhà thơ đã đưa ra hàng loạt các dẫn chứng về thiên nhiên, tạo vật. Tất cả rồi sẽ chiến thắng nếu có sự kiên nhẫn, có sức mạnh. Mọi vật rồi sẽ bị chinh phục nếu con người có ý chí, quyết tâm:
Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Hàng loạt các thử thách được đưa ra “sóng", cuộc đời và “biển” rộng là thế, dài là thế nhưng đều bị chinh phục.
Con sóng được Xuân Quỳnh ví như tình yêu "bồi hồi trong ngực trẻ". Nhân vật ước được tan ra thành trăm con sóng nhỏ để thể hiện một ước mong, khát vọng đến tha thiết:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
Khổ thơ kết là một ước muôn khôn cùng. Không có tình yêu cuộc sống tha thiết, không có sự đam mê đến tột cùng không có sự thủy chung làm sao có được những câu thơ như vậy. Trong ước mong vẫn lẫn chút băn khoăn của “làm sao được tan ra". Nhưng cũng phải thấy rằng chỉ có tình yêu thế nào đó thì mới có được ước mong như vậy. Mong muốn xé tan mình, hòa lẫn với bể đời rộng lớn, bứt mình ra khỏi nhọc nhằn, lo loan, tính toán để ngập mình trong tình yêu, tuổi trẻ, ngọt ngào và hạnh phúc.
Ước mong tồn tại vĩnh hằng trên cõi đời này thôi thúc, giục giã. Lời thơ, ý chí, nhịp thơ có phần nhanh hơn, mạnh hơn, gấp gáp hơn. Bài thơ kết thúc mà lời thơ còn vang vọng mãi, ào ạt của sóng, ước muốn tung mình vào bể tình yêu càng ngày nhiệt thành.
Cấu trúc bài thơ được xác lập theo cấu trúc đan xen hình tượng: sóng - bờ (khổ thứ 5), sau đó là anh - em (khổ 3,4) rồi lại sóng - bờ (khổ 7). Lớp lớp sóng đan xen nhau tới lui như vậy biển như lặng dần đi nhường chỗ cho những suy tư về cuộc đời.
Bài thơ viết theo thể 4 câu 5 chữ rất dễ thể hiện tình cảm chân thành của nhà thơ. Trong tình yêu sao không có phút trăn trở, giận hờn, thương nhớ. Nhưng xưa nay, trong thơ từ, nhất là thơ của các nữ sĩ người ta thường chỉ bắt gặp sự nhẹ nhàng yếu đuối, thầm kín chứ ít ai thấy sự mạnh mẽ, táo bạo. Phải chăng chính vì điều này mà phong cách thơ Xuân Quỳnh đã nổi rõ và khẳng định thêm sức mạnh của “phái yếu". Xưa nay, ta thường gặp sự hậm hực trong bài thơ của phái “mày râu".
Anh yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Anh yêu em âm thầm không hy vọng
Lúc đứng ngồi hậm hực lòng ghen
(Tôi yêu em - Puskin)
Còn Xuân Quỳnh thể hiện sự mạnh mẽ, dứt khoát, chung thủy, nồng nàn và cũng thắc mắc, cũng có phút bực mình, trăn trở.
Sóng ra đời cách đây đã gần ba mươi năm nhưng độ nồng nàn, đắm say của nó vẫn không phai giảm trong lòng người. Có thể nói, trong phút giây này nhiều bạn trẻ vẫn đọc thơ giật mình thấy "sợ". Yêu hết mình, hết lòng vì nhau, yêu thương gần gũi và thủy chung đó là một tình yêu đẹp song không dễ gì mà có được. Đọc thơ Xuân Quỳnh phần nào đó ta hiểu được con người nhà thơ. Trong cuộc sống thi sĩ vẫn tận tụy với con cái, yêu thương chúng rất mực, hết lòng vì chúng, với chồng cũng vậy, một người vợ thủy chung và đảm đang... Thơ Xuân Quỳnh là con người Xuân Quỳnh. Khi nhận xét về phong cách Xuân Quỳnh, Võ Văn Trực nói: “Điều đáng quý ở Xuân Quỳnh và thơ Xuân Quỳnh là sự thành đạt, thành thật trong quan hệ với bạn bè, với xã hội và trong cả tình yêu. Chị không quanh co, không giấu diếm một điều gì. Mỗi dòng thơ, mỗi trang thơ đều phơi bày một tình cảm và suy nghĩ của chị. Chỉ cần qua thơ, có thể biết được khá kỹ đời tư của chị. Thành thật, đây là cốt lõi của thơ Xuân Quỳnh”.
Phong cách Xuân Quỳnh về sau này vẫn thế. Qua “Thuyền và biển" càng khẳng định sự đồng nhất rõ hơn trong con người này. Đáng tiếc, cuộc đời đã cướp đi một cây bút đầy tài năng và hy vọng. Song dù không còn nữa nhưng thơ Xuân Quỳnh, những bài thơ tình cảm cho con trẻ “Lời ru trên mặt đất”, “Tiếng gà trưa", “Chuyện cổ tích về loài người” đến cả những bài thơ tình yêu “Thuyền và Biển”, “Sóng"... đều để lại nhiều hấp dẫn trong lòng người. Thơ Xuân Quỳnh sẽ còn in đậm trong tâm trí nhiều độc giả hôm nay và ngày mai.