Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Sinh viên sư phạm được cấp học phí, sinh hoạt phí

Năm học 2021 - 2022, Sinh viên sư phạm được cấp học phí, sinh hoạt phí theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP. VnDoc mời các bạn cùng theo dõi bài viết để nắm được nội dung chi tiết.

Bắt đầu từ năm học 2021-2022, nhằm tạo ra sức hút tăng và tính cạnh tranh cho ngành giáo dục, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2020/NĐ-CP với các chính sách hỗ trợ dành cho sinh viên sư phạm. Theo đó, tân sinh viên sư phạm năm nay sẽ được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả sinh hoạt phí áp dụng với mọi sinh viên ngành sư phạm. Nhưng sinh viên cần làm gì để nhận hỗ trợ, có phải chịu ràng buộc gì khi nhận hỗ trợ không,... trong bài viết này VnDoc sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về chính sách hỗ trợ cũng như việc cần làm, mời các bạn cùng theo dõi.

Sinh viên sư phạm 2021 được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 116/2020/NĐ-CP, tân sinh viên sư phạm năm nay sẽ được hỗ trợ các khoản sau:

a) Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học;

b) Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Như vậy, các sinh viên này không chỉ được miễn học phí như các khóa trước đây mà còn được hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng.

Cũng theo khoản 2 Điều này, thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được tính theo số tháng thực tế mà sinh viên học tập tại trường, nhưng không quá 10 tháng/năm học.

Do đó, chỉ tính riêng tiền hỗ trợ phí sinh hoạt, sau 04 năm học, sinh viên sư phạm có thể nhận được hỗ trợ sinh hoạt phí lên đến 142,5 triệu đồng.

Lưu ý:

- Thời gian nghỉ học tạm thời, bị đình chỉ học tập tạm thời: Không được hưởng hỗ trợ.

- Trường hợp dừng học do ốm đau, tai nạn, học lại, lưu ban (không quá một lần) hoặc dừng học vì lý do khác không do kỷ luật hoặc tự thôi học, được xem xét cho tiếp tục học tập: Được hưởng hỗ trợ nhưng thời gian hưởng không vượt quá thời gian tối đa hoàn thành chương trình học.

Căn cứ: Khoản 3 và khoản 4 Điều 6 Nghị định 116/2020/NĐ-CP.

Mọi sinh viên học ngành sư phạm đều được hỗ trợ?

Căn cứ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị định 116/2020/NĐ-CP, không phải cứ theo học các ngành sư phạm thì sẽ được hưởng tiền hỗ trợ mà chỉ những người sau đây mới thuộc đối tượng được hỗ trợ của Nghị định này:

- Sinh viên học trình độ đại học, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên theo hình thức đào tạo chính quy, liên thông chính quy.

- Sinh viên học văn bằng thứ 2 theo hình thức đào tạo chính quy trình độ đại học, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên có kết quả học lực văn bằng thứ 1 đạt loại giỏi.

Theo đó, sinh viên hệ trung cấp chuyên ngành sư phạm hoặc các học viên đào tạo trình độ thạc sĩ sẽ không được nhận các chính sách hỗ trợ trên.

Cần làm gì để được nhận tiền hỗ trợ?

Theo Quyết định số 3227/QĐ-BGDĐT, để được nhận tiền hỗ trợ, sinh viên sư phạm cần chuẩn bị hồ sơ và tiến hành theo các thủ tục sau:

- Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn học phí, chỉ nhà sinh hoạt đến cơ sở đào tạo giáo viên Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP).

Số lượng: 01 bộ hồ sơ cho 01 lần đầu đề nghị hỗ trợ trong cả thời gian học.

- Thời hạn nộp: Trong 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo trúng tuyển.

- Cách nộp hồ sơ:

Sinh viên nộp hồ sơ theo một trong các cách dưới đây:

  • Trực tiếp tại cơ sở đào tạo giáo viên.
  • Qua đường bưu điện.
  • Nộp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của cơ sở đào tạo giáo viên (nếu có).

- Thời hạn giải quyết hồ sơ:

Trong 15 ngày kể từ ngày kết thúc nhận đơn đăng ký, cơ sở đào tạo giáo viên thống nhất với cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu để xác nhận và thông báo cho sinh viên sư phạm được hưởng chính sách hỗ trợ.

Cơ sở đào tạo giáo viên có trách nhiệm chi trả tiền hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm thông qua tài khoản tiền gửi của sinh viên tại ngân hàng.

Sinh viên sư phạm nhận hỗ trợ có chịu ràng buộc gì không?

Đi đôi với quyền lợi sẽ là trách nhiệm và nghĩa vụ. Do đó, nếu đã nhận tiền hỗ trợ, sinh viên ngành sư phạm cũng phải chịu sự ràng buộc nhất định. Cụ thể, theo Điều 6 Nghị định 116/2020/NĐ-CP, sinh viên sư phạm đã nhận hỗ trợ phải đảm bảo các yêu cầu sau:

1 - Phải hoàn thành chương trình học:

Đang học mà chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học sẽ phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ đã nhận.

2 - Đảm bảo thời gian công tác trong ngành giáo dục theo một trong các trường hợp sau:

+ Trong thời hạn 02 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp: Phải công tác trong ngành giáo dục và có thời gian công tác tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo tính từ ngày được tuyển dụng.

+ Sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp đang công tác trong ngành giáo dục, nhưng chưa đủ thời gian công tác tối thiểu và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều động bố trí công tác ngoài ngành giáo dục.

+ Sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp tiếp tục được cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu cử đi đào tạo giáo viên trình độ cao hơn và tiếp tục công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian công tác tối thiểu.

Mức bồi hoàn kinh phí hỗ trợ là bao nhiêu?

Nếu không đáp ứng được các yêu cầu nêu trên, sinh viên sư phạm đã nhận tiền hỗ trợ sẽ phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ. Mức bồi hoàn được quy định cụ thể tại Điều 8 Nghị định 116 như sau:

- Trường hợp chưa hoàn thành chương trình đào tạo hoặc sau 02 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp mà không công tác trong ngành giáo dục: Phải hoàn trả toàn bộ kinh phí hỗ trợ đã nhận.

- Trường hợp không đủ thời gian công tác tối thiểu trong ngành giáo dục: Chỉ phải bồi hoàn 1 phần kinh phí hỗ trợ.

Chi phí bồi hoàn này được theo công thức sau:

S = (F/T1) x (T1 - T2)

Trong đó:

  • S là chi phí bồi hoàn.
  • F là khoản học phí và chi phí sinh hoạt được nhà nước hỗ trợ.
    T1 là tổng thời gian làm việc trong ngành giáo dục theo quy định được làm tròn theo thán.
  • T2 là thời gian đã làm việc trong ngành giáo dục được làm tròn theo tháng.
Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Dành cho Giáo Viên

    Xem thêm