Soạn bài Đề văn nghị luận và việc lập ý cho bài văn nghị luận ngắn gọn
Soạn văn 7: Đề văn nghị luận và việc lập ý cho bài văn nghị luận ngắn gọn dưới đây được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các bạn để tham khảo giúp học tập tốt môn Ngữ Văn lớp 7 của học kì 2 chuẩn bị cho bài giảng sắp tới đây của mình.
Soạn Đề văn nghị luận và việc lập ý cho bài văn nghị luận ngắn nhất
I - Tìm hiểu đề văn nghị luận
1. Nội dung và tính chất của đề văn nghị luận
Đọc các đề sau và trả lời câu hỏi:
(1) Lối sống giản dị của Bác Hồ.
(2) Tiếng Việt giàu đẹp.
(Đề có tính chất giải thích, ca ngợi)
(3) Thuốc đắng dã tật.
(4) Thất bại là mẹ thành công.
(5) Không thể sống thiếu tình bàn.
(6) Hãy biết quý thời gian.
(7) Chớ nên tự phụ.
(Đề có tính chất khuyên nhủ, phân tích)
(8) Không thầy đố mày làm nên và Học thầy không tày học bạn có mâu thuẫn với nhau không?
(9) Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.
(Đề có tính chất suy nghĩ, bàn luận)
(10) Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau nên chăng?
(11) Thật thà là cha dại phải không?
(Đề có tính chất tranh luận, phản bác, lật ngược vấn đề)
Câu hỏi:
a) Các đề văn nêu trên có thể xem là đề bài, đầu đề được không? Nếu dùng làm đề bài cho bài văn sắp viết có được không?
b) Căn cứ vào đâu để nhận ra các đề trên là đề văn nghị luận?
c) Tính chất của đề văn có ý nghĩa gì đối với việc làm văn?
a. Tất cả các đề đưa ra đều có thể xem là đầu đề (đề bài) của một văn bản, bài viết.
b. Đặc điểm căn cứ để xác định là đề văn nghị luận:
- Có vấn đề để trao đổi, bàn bạc.
- Yêu cầu người viết có ý kiến riêng về vấn đề.
c. Ý nghĩa của tính chất đề văn với việc làm văn:
- Biết viết đúng chủ đề.
- Đòi hỏi kĩ năng viết mạch lạc, đúng đắn đối với người viết.
2. Tìm hiểu đề văn nghị luận
a) Tìm hiểu đề văn Chớ nên tự phụ:
- Đề nêu lên vấn đề gì?
- Đối tượng và phạm vi nghị luận ở đây là gì?
- Khuynh hướng tư tưởng của đề là khẳng định hay phủ định?
- Đề này đòi hỏi người viết phải làm gì?
b) Từ việc tìm hiểu đề trên, hãy cho biết: Trước một đề văn, muốn làm bài tốt, cần tìm hiểu điều gì trong đề?
a. Với đề văn Chớ nên tự phụ
- Đề nêu vấn đề: Không nên tự phụ.
- Đối tượng và phạm vi nghị luận: Tính tự phụ của con người trong cuộc sống.
- Khuynh hướng tư tưởng là phủ định, khuyên can, nhắc nhở.
- Đòi hỏi ở người viết: Phải có thái độ đúng mực về tính tự phụ, về tính tự cao, phải biết khiêm tốn học hỏi.
b. Để làm tốt một đề văn, cần tìm hiểu về:
- Xác định đúng vấn đề, đúng trọng tâm cần nghị luận.
- Xác định đúng tính chất nghị luận.
II - Lập ý cho bài văn nghị luận
1. Xác lập luận điểm
Đề bài Chớ nên tự phụ nêu ra một ý kiến thể hiện một tư tưởng, một thái độ đối với thói tự phụ. Em có tán thành với ý kiến đó không? Nếu tán hành thì coi đó là luận điểm của mình và lập luận cho luận điểm đó. Hãy nêu ra các luận điểm gần gũi với luận điểm của đề bài để mở rộng suy nghĩ. Cụ thể hóa luận điểm chính bằng các luận điểm phụ.
Đề bài Chớ nên tự phụ là luận điểm chính nêu lên tư tưởng, thái độ với thói tự phụ:
- Tự phụ là một thói xấu của con người.
- Tác hại của tính tự phụ.
- Đưa ra lời khuyên.
2. Tìm luận cứ
Để lập luận cho tư tưởng (chớ nên tự phụ), thông thường người ta nêu các câu hỏi: Tự phụ là gì? Vì sao khuyên chớ nên tự phụ? Tự phụ có hại như thế nào? Tự phụ có hại cho ai? Hãy liệt kê những điều có hại do tự phụ và chọn các lí lẽ, dẫn chứng quan trọng nhất để thuyết phục mọi người.
Những điều có hại do tự phụ:
- Với chính người đó: Tự mình nhận thức sai về bản thân, trở nên kiêu ngạo.
- Với mọi người: Bị mọi người khinh ghét, các mối quan hệ dễ bị phá vỡ.
3. Xây dựng lập luận
Nên bắt đầu lời khuyên "chớ nên tự phụ" từ chỗ nào? Dẫn dắt ngời đọc đi từ đâu tới đâu? Có nên bắt đầu bằng việc miêu tả một kẻ tự phụ với thái độ chủ quan, tự đánh giá mình rất cao và coi thường người khác không? Hay bắt đầu bằng cách định nghĩa tự phụ là gì, rồi suy ra tác hại của nó? hãy xây dựng trật tự lập luận để giải quyết đề bài.
>> Xem dàn ý chi tiết, các bài văn mẫu cho đề văn nghị luận "Chớ nên tự phụ" tại đây
III - Luyện tập
Hãy tìm hiểu đề và lập ý cho đề bài: Sách là người bạn lớn của con người
- Tìm hiểu đề:
- Vấn đề nghị luận: Khẳng định vai trò, ý nghĩa to lớn của sách với đời sống
- Yêu cầu: Phân tích tác dụng của sách với nhận thức, với đời sống tinh thần của con người. Từ đó khẳng định sách là người bạn không thể thiếu và đưa ra lời khuyên nên đọc sách.
- Lập ý:
- Giới thiệu về sách.
- Sách đem đến một thế giới mới, đưa ta đi vào miền đất hiểu biết và khám phá.
- Sách giúp ta tích lũy kinh nghiệm.
- Sách thân thiết như người bạn: Thư giãn, giúp ta cảm nhận được cái đẹp.
- Lời khuyên: Biết trân trọng, yêu quý và đọc sách nhiều hơn.
-------------------------------------------------------------
Dưới đây là bài soạn Đề văn nghị luận và việc lập ý cho bài văn nghị luận bản đầy đủ nếu bạn muốn xem hãy kích vào đây Soạn văn 7: Đề văn nghị luận và việc lập ý cho bài văn nghị luận.
Ngoài đề cương ôn tập chúng tôi còn sưu tập rất nhiều tài liệu học kì 2 lớp 7 từ tất cả các trường THCS trên toàn quốc của tất cả các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh. Hy vọng rằng tài liệu lớp 7 này sẽ giúp ích trong việc ôn tập và rèn luyện thêm kiến thức ở nhà. Chúc các bạn học tốt và đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới.
Mời các bạn tham khảo tài liệu liên quan: