Giải thích câu nói Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới
Văn mẫu lớp 7: Giải thích câu nói của nhà văn M.Gorki: "Sách mở rộng trước mắt tôi những chân trời mới" bao gồm Dàn ý và những bài văn mẫu lớp 7 hay được VnDoc sưu tầm chọn lọc giúp các em học sinh có thêm vốn từ vựng phong phú hoàn thiện bài văn lập luận giải thích lớp 7. Thông qua tài liệu này các bạn học sinh sẽ biết cách trình bày phần mở bài, thân bài và kết bài sao đúng và đầy đủ ý. Mời các em học sinh cùng tham khảo và tải về.
Sách mở ra trước mắt tôi những những chân trời mới
- Dàn ý giải thích Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới
- Giải thích Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới ngắn gọn
- Giải thích Sách mở ra những chân trời mới của M.Gorki mẫu 1
- Giải thích câu nói Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới mẫu 2
- Giải thích Sách mở ra những chân trời mới của M.Gorki mẫu 3
- Giải thích Sách mở ra những chân trời mới của M.Gorki mẫu 4
- Các bài văn mẫu cho bài viết số 6 lớp 7
- Đề thi học kì 2 lớp 7 có đáp án
Dàn ý giải thích Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới
1. Mở bài
- Giới thiệu M. Goóc-ki và quá trình tự rèn luyện để trở thành một nhà văn nổi tiếng, phần lớn nhờ đọc sách.
- Dẫn đề (ghi lại câu nói của M. Goóc-ki).
- Chuyển mạch: giải thích câu nói, nêu cách chọn sách và phương pháp đọc sách.
2. Thân bài
a. Giải thích:
- Sách chứa đựng tri thức loài người, được chọn lọc, tích lũy từ ngàn xưa, là công cụ truyền lưu văn hóa nhân loại.
- Sách mở rộng những chân trời mới:
- Mở rộng hiểu biết về thế giới tự nhiên và vũ trụ.
- Mở rộng hiểu biết về loài người, các dân tộc xa lạ: đời sống vật chất, tinh thần, tình cảm, văn hóa của họ.
- Rèn luyện nhân cách, nuôi dưỡng khát vọng, ước mơ của ta.
b. Cách chọn sách và đọc sách:
- Chọn sách tốt, sách tốt giúp ta
- Nhận thức đúng sự vật, sự việc, con người.
- Hành động đúng và tiến bộ.
- Nâng cao phẩm chất đạo đức, làm phong phú đời sống tinh thần.
- Loại bỏ sách xấu, vì sách xấu
- Bóp méo sự thật, xuyên tạc lịch sử.
- Khích động những thị dục thấp hèn.
- Thúc đẩy những hành vi sai trái, hành động vô đạo đức.
(Nêu dẫn chứng cụ thể)
- Cách đọc sách:
- Chọn thời gian và nơi đọc thích hợp.
- Chọn lọc, tiếp thu những tri thức tốt, bổ sung kiến thức bản thân.
(Nêu dẫn chứng cụ thể)
3. Kết bài
- Tóm lược những chân trời mới mà sách có thể mở rộng cho ta.
- Sách gắn liền với nền văn minh của nhân loại.
Giải thích Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới ngắn gọn
M.Gorki đã từng nói rằng “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”. Nhân định ấy là một lời tán dương và khẳng định hết sức chính xác về giá trị và vai trò to lớn của sách.
Sách là tên gọi chung của một đồ vật chứa đựng cả kho tàng tri thức nhân loại. Bất kì sự kiện nào, địa danh nào, phát minh nào, thành tựu nào… cũng được ghi lại trong sách vở. Vì vậy, chỉ cần đọc sách, bạn sẽ biết được mọi điều. Chỉ cần bạn chọn được đúng quyển sách mà mình cần có.
Khi đọc sách, chúng ta được biết những kiến thức mới. Được thấy, được nghe, được trải nghiệm những điều đã xảy ra từ rất lâu, được khám phá những vùng đất, những nền văn minh xa lạ, được chinh phục những thử thách khó khăn… Những điều ấy khiến chúng ta trở nên thông minh hơn, hiểu biết hơn và có lẽ là mạnh mẽ hơn. Chính vì vậy, sách đã đưa ta đến một chân trời mới, một vùng trời mới với bao la kiến thức.
Tuy nhiên, sách chỉ thực sự phát huy sức mạnh to lớn ấy, khi chúng ta tìm đúng sách và đọc đúng cách. Bởi hiện nay, có không ít những quyển sách trôi nổi, nội dung sai lệch xuất hiện trên thị trường. Và cũng có không ít người đọc sách chỉ để khoe mẽ, đọc lướt, đọc cho vui chứ chẳng đọng lại gì trong tâm trí. Khi ấy, sách cũng chỉ là những tờ giấy vô nghĩa mà thôi.
Thế nên, chúng ta cần phải chọn và đọc sách bằng cả tâm trí của mình. Cảm nhận nó, suy nghĩ về nó, thấu hiểu nó. Để có thể tự mình làm chủ thế giới tri thức nhiệm màu ấy. Để sách thực sự là cánh cửa mở ra một chân trời mới.
Giải thích Sách mở ra những chân trời mới của M.Gorki mẫu 1
Trong cuộc sống của mình, con người luôn luôn có ý thức học tập, tìm hiểu khám phá thế giới tự nhiên và xã hội. Những kinh nghiệm, suy nghĩ của con người được ghi chép, lưu giữ lại để truyền cho muôn đời con cháu mai sau. Và vì vậy, sách trở thành một con đường quan trọng để con người đến với tri thức. Con người lưu lại vào sách những suy nghĩ tâm tư, tình cảm của mình về những vấn đề trong cuộc sống. Tuỳ vào loại tri thức con người lưu giữ mà sách có nhiều loại: sách khoa học, sách nghệ thuật, sách đời sống. Nhà văn M. Gorki từng nhận định: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”.
“Sách” có thể hiểu đơn giản là một dạng văn bản được in ra thành quyển, chứa đựng một khối lượng thông tin và kiến thức đã được đúc kết qua nghiên cứu, kinh nghiệm của người viết. Sách là nơi lưu giữ tri thức của nhân loại, vì vậy khi đọc sách, con người sẽ tìm tòi, khám phá ra được những chân trời kiến thức mới mẻ. Sách có thể giúp con người vượt mọi giới hạn về không gian và thời gian, mọi ngôn ngữ. Đọc một cuốn sách hay, cũng giống như đang trò chuyện với một người uyên bác, chúng ta sẽ tích lũy thêm nhiều bài học. Sách còn giúp bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm cho mỗi người giữa cuộc sống nhiều bộn bề, lo toan này. Còn “những chân trời mới” là một hình ảnh giàu tính biểu tượng, ý chỉ những điều mới mẻ trong cuộc sống mà con người chưa biết đến, chưa khám phá hết. Như vậy, sách đem đến cho con người những nguồn kiến thức mới mẻ, vô cùng bổ ích. Chân trời mới là những giá trị mới mẻ, tích cực mà con người có thể chạm tới. Chân trời mới có thể là chân trời trí thức, là chân trời cảm xúc, chân trời nhân cách. Lời nhận định của M.Gorki đề cập đến tầm quan trọng của sách trong đời sống tinh thần của con người. Sách giúp con người ta trau dồi tri thức, rèn luyện tình cảm, từ đó hình thành nhân cách tốt đẹp.
Kiến thức giống như một đại dương mênh mông. Mà những hiểu biết của con người chỉ là một giọt nước nhỏ bé. Nhưng nhờ có những cuốn sách, chúng ta đã tìm tòi, khám phá ra được những chân trời kiến thức mới mẻ. Đọc một cuốn sách hay, cũng giống như đang trò chuyện với một người uyên bác, chúng ta sẽ học thêm những kiến thức bổ ích. Không chỉ vậy, sách còn giúp bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm cho mỗi người giữa cuộc sống nhiều bộn bề, lo toan này. Sách sẽ cung cấp tri thức về mọi lĩnh vực cho con người, từ mọi khu vực, từ vũ trụ xa vời đến lòng đất sâu thẳm. Sách lịch sử giống như cỗ máy thần kỳ giúp chúng ta vượt thời gian quay trở lại quá khứ hào hùng đã qua. Sách địa lí giống như cánh cửa thần kỳ giúp ta vượt thời gian, đưa chúng ta vi vu đến những vùng đất xa xôi, bay đến những vì sao, thám hiểm trong lòng biển. Kì diệu hơn, ta còn có thể thâm nhập vào thế giới vi mô của sự vật hiện tượng để biết về nguồn gốc chung của cả vũ trụ.
Sách có những tác dụng to lớn như vậy, vậy làm thế nào để đọc sách hiệu quả và hợp lý nhất? Trước tiên chúng ta cần lựa chọn thời điểm thuận lợi để đọc sách 1 cách tốt nhất. Hãy đọc sách ngay khi còn trẻ vì khi đó trí nhớ và khả năng tiếp thu tốt hơn. Tri thức cũng có nhiều loại khác nhau, tri thức phù hợp mới thực sự có giá trị. Khi đọc sách cũng cần có sự lựa chọn cẩn thận tránh những loại sách chứa đựng giá trị tiêu cực, không phù hợp cho quá trình nâng cao vốn hiểu biết của bản thân. Cuộc sống thay đổi, xã hội ngày càng đi lên, di sản tinh thần của nhân loại càng phong phú thì lượng kiến thức tích lũy trong sách vở ngày càng đồ sộ, việc đọc sách ngày càng trở nên quan trọng. Sách thực sự mở ra trước mắt chúng ta những chân trời mới. Chính vì thế hãy luyện cho mình thói quen đọc sách để phù hợp với bước phát triển của thời đại.
Giải thích câu nói Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới mẫu 2
Từ xưa đến nay, sách luôn là hiện thân của trí tuệ, của tinh hoa nhân loại. Khi cần giải đáp, cần tìm hiểu về điều gì, ta tìm đến sách. Khi muốn tâm sự, chia sẻ, ta tìm đến sách. Có lẽ, chính vì thế, mà M.Gorki đã khẳng định rằng: Sách mở ra những chân trời mới.
Sách là nơi chứa đựng những kiến thức, những thông tin, những trí tuệ và vô vàn những thứ tuyệt diệu khác mà con người tìm được, phát hiện được và đúc kết được. Khi đọc sách, chúng ta sẽ biết thêm những điều mình chưa biết, gỡ rối những phân vân trong lòng ta, đưa ta đến những miền kiến thức, chân lí mới. Dù chỉ ở trong một căn phòng, nhưng có thật nhiều sách để đọc, thì ta vẫn có thể hiểu về những miền đất xa xôi chưa từng được đặt chân đến; về những con người chưa từng được gặp mặt; và về cả những triều đại đã chìm vào trầm tích của lịch sử xa xưa. Thật thú vị và bổ ích. Từ những trang sách ấy, kiến thức ấy, chúng ta trở nên hiểu biết, trở nên rộng rãi hơn, và có những khát vọng, ước mơ to lớn hơn. Tựa như những đứa trẻ đọc sách về những chuyến bay, mơ ước mình được làm phi công, những cậu bé đọc sách về vùng đất xa xôi, liền mơ ước được đi đây đi đó. Và sẽ có người mơ ước được viết lên những trang sách kì diệu bằng chính đôi bàn tay của mình. Tất cả đều được bắt đầu từ trang sách.
Tuy nhiên, để sách thực sự có thể mở ra cho ta những chân trời mới, đem đến cho ta những điều tốt đẹp, thì chúng ta luôn phải tỉnh táo trong mọi trường hợp. Đầu tiên, chúng ta cần phải biết chọn lựa những cuốn sách phù hợp với trình độ, nhu cầu của bản thân. Đó phải là cuốn sách có giá trị và ở mức ta có thể hiểu được. Như một học sinh cấp hai lại đọc những cuốn sách học thuật dành cho tiến sĩ thì sao có thể tiếp thu hết được. Hay như ta đọc một cuốn sách “rác”, được viết không có giá trị gì thì cái ta đạt được cũng sẽ chẳng là gì cả. Cùng với đó, phải biết tránh những cuốn sách mang tư tưởng lệch lạc, phản động, sai chuẩn kiến thức, để bản thân không phải tiếp xúc nguồn thông tin sai lệch. Quan trọng hơn, chúng ta cần phải chú ý đến cách đọc. Khi đọc sách, ta cần tập trung, đọc kĩ, hiểu kĩ, nắm được nội dung, quan điểm, đào sâu bới kĩ. Chứ nếu chỉ đọc theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa thì thật khó mà đạt được hiệu quả như mong muốn.
Tuy sách có ý nghĩa to lớn như vậy, nhưng chúng ta cũng không nên đề cao tuyệt đối sách, mà phủ nhận đi những bài học khác từ bên ngoài. Bởi chúng ta có thể học được nhiều điều từ thực tiễn, từ mắt thấy tai nghe, từ những gì ta đúc rút được. Như ông bà ta nói “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Phải ra ngoài, phải gặp gỡ, phải va chạm thì ta mới tiến bộ lên được. Chứ chỉ dựa vào ngồi một chỗ đọc sách thì khó mà phát triển toàn diện được.
Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận vai trò của sách. Mà ở đây, chúng ta cần kết hợp giữa sách vở và cuộc sống thực tiễn, giữa lý thuyết và thực hành. Có vậy mới phát triển toàn diện được. Như ở trường, ngoài việc học các kiến thức bổ ích từ sách vở. Em và các bạn còn thường xuyên được tham gia các chuyến đi trải nghiệm, học các giờ thực hành. Các kiến thức được đọc, được nghe, nay còn được nhìn tận mắt bởi vật thật hay mô hình nữa. Theo đó, em cảm giác mình hiểu thêm được nhiều điều hay và bổ ích.
Càng học nhiều, đọc nhiều, em càng thêm thấu hiểu giá trị của những cuốn sách. Từ đó em càng thêm tâm đắc câu nói của M.Gorki: Sách mở ra những chân trời mới.
Giải thích Sách mở ra những chân trời mới của M.Gorki mẫu 3
Đã từ lâu, sách luôn là một món ăn tinh thần không thể thiếu được trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Sách luôn là một kho tàng huyền bí kích thích sự tò mò của biết bao người. Nó càng bí ẩn bao nhiêu thì càng gợi sự say mê của con người bấy nhiêu. Nếu chúng ta không thể sống thiếu bạn thì ta cũng không thể không thiếu sách được. Sách là chiếc chìa khóa mở mang tầm hiểu biết và làm đẹp cuộc đời. Cho nên khi nhận định về giá trị của sách, nhà văn M.Gorki có viết:
"Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới".
Sự thật sách có giá trị to lớn và kì diệu như thế nào?
Trong đời sống hằng ngày, nếu như không có sách báo để mọi người giải trí sau những giờ phút căng thẳng làm việc, không có một nguồn thông tin nào để mọi người theo dõi những diễn biến trong nước và ở nước ngoài, cũng như không tiếp nhận được một kiến thức mới lạ nào... thử hỏi cuộc sống, xã hội đó sẽ ra sao? Do vậy, chính nhờ có sách báo mà đời sống con người thoải mái hơn, tầm hiểu biết được mở rộng, nâng cao hơn. Sách bao giờ cũng mang đến cho chúng ta nhiều điều mới mẻ. Sách có nhiều loại, mang nhiều đề tài khác nhau. Do đó, nó giúp cho ta có nhiều kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đến với sách, chúng ta không chỉ biết được việc xảy ra trên quả đất, những sự kiện của thời nay mà ta còn biết được cả những việc đã xảy ra từ thời xa xưa hoặc những vấn đề liên quan ở trên cung trăng hoặc ở sâu dưới đáy đại dương. Xem truyện cổ tích, ta biết được cuộc sống, ước mơ của cha ông thuở trước. Sách lịch sử giúp ta hình dung những trận ác chiến của quân thù, những thời vàng son rực rỡ qua các triều đại. Sách còn giới thiệu với ta những kinh nghiệm, những thành tựu về khoa học. nông nghiệp, công nghiệp và cả về chính trị nữa. Ngoài ra, sách còn là hướng dẫn viên đưa ta đến những danh lam thắng cảnh, những kì quan trên thế giới. Tất cả những điều trên là "chân trời mới" như lời nhận định của nhà văn. Sách còn dạy cho ta biết được bao điều hay lẽ phải trong cuộc đời, giúp ta sống ngày một hoàn thiện hơn về nhân phẩm, đạo đức của con người. Cho nên, ta có thể nói rằng, sách là bạn thân vô cùng hữu ích, mang lại niềm tin yêu, vui vẻ đến cho ta. Sách không những giúp ta mở mang kiến thức, mở rộng tầm nhìn mà còn mang lại nguồn hạnh phúc, sự thanh thản cho tâm hồn. Sách vừa là người bạn vừa là người thầy luôn có mặt trong cuộc sống của ta. Do đó, lời nhân định trên của M.Gorki là một nhận định đúng đắn.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phân biệt loại sách tốt và loại sách xấu. Bởi lẽ hiện nay trên thị trường bày bán rất nhiều sách mà không phải bất cứ loại sách nào cũng là bạn hiền, bạn tôi cho con người đâu. Nếu sách tốt thì nó góp phần giáo dục ta biết sống nhân ái, biết vươn tới cái đẹp. Còn sách xấu thì nó sẽ làm đen tối tâm hồn của tuổi trẻ, biến thanh thiếu niên thành những kẻ xấu xa, đồi trụy...Vì vậy ta cần phải biết chọn sách phù hợp với lứa tuổi của mình. Đọc sách vừa là để giải trí lành mạnh, vừa là cách tự học, tự bồi dưỡng kiến thức cho mình.
Xét cho cùng, câu nói của M.Gorki "Sách mở rộng ra trước mắt tôi những chân trời mới" hàm chứa một ý nghĩa phong phú và cũng là một lời khuyên vô cùng quý giá.
Giải thích Sách mở ra những chân trời mới của M.Gorki mẫu 4
Sách là người bạn không thể thiếu được của con người, nhất là đối với học sinh sinh viên. Ngày nay xã hội đã phát triển, con người đã có những cách tiếp cận khác nhau để đến với tri thức nhưng sách vẫn vô cùng quan trọng, chính vì những ý nghĩa đó của sách, nhà văn M. Gorki từng nhận định: "Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới".
Sách đưa đến cho chúng ta nguồn tri thức vô tận, giúp chúng ta mở mang kiến thức và vốn hiểu biết theo từng ngày. Trong cuộc sống của mình, con người luôn luôn có ý thức học tập, tìm hiểu khám phá thế giới tự nhiên và xã hội. Những kinh nghiệm, suy nghĩ của con người được ghi chép, lưu giữ lại để truyền cho muôn đời con cháu mai sau. Và vì vậy, sách trở thành một con đường quan trọng để con người đến với tri thức. Con người lưu lại vào sách những suy nghĩ tâm tư, tình cảm của mình về những vấn đề trong cuộc sống... Tùy vào loại tri thức con người lưu giữ mà sách có nhiều loại: sách khoa học, sách nghệ thuật, sách đời sống...
Với tất cả những kiến thức trong dân gian cũng như trong khoa học được ghi chép lại vào sách, khi con người đọc sách, sách sẽ cung cấp tri thức cho con người, con người biết được mọi chuyện Đông, Tây, kim cổ, trên vũ trụ xa vời hay dưới lòng đất thẳm sâu. Đến với sách, ta sẽ được "du lịch miễn phí" đến những quốc gia xa xôi, bay đến những vì sao, thám hiểm trong lòng biển. Không chỉ thế, ta còn có thể ngược dòng lịch sử trở về quá khứ thậm chí bay vào thế giới viễn tưởng để hình dung về cuộc sống trong tương lai. Kì diệu hơn, ta còn có thể thâm nhập vào thế giới vi mô của sự vật hiện tượng để biết về nguồn gốc chung của cả vũ trụ..
Khi chúng ta cầm cuốn sách trên tay, giở từng trang sách để đọc, chúng ta nhận thấy rằng, mỗi trang sách không những chứa đựng những thông tin mà qua đó sách còn giúp con người giao lưu với thế giới bên ngoài. Khi đọc sách, người đọc cũng bộc lộ những cảm xúc, suy nghĩ của mình. Nếu Hoài Thanh viết trong "Ý nghĩa văn chương": "Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm sẵn có...", thì ta cũng có thể nói rằng: sách đã cho ta những tình cảm ta chưa có, còn bồi đắp cho ta những tình cảm ta sẵn có. Khi đọc sách sử, người ta có thể thêm yêu nước, thêm yêu đồng loại. Sách có thể cho ta một cách sống thế nào cho ý nghĩa mà có thể trường học, đường đời chưa dạy ta. Đó là những triết lí cuộc sống mà chúng ta tìm được khi đọc một câu chuyện, một lời tâm sự trên trang sách. Khi đọc sách ta có thể nhận ra cuộc sống muôn màu muôn vẻ, và chứa trong đó nhiều giá trị cao đẹp, giúp ta nhìn nhận chính mình cũng như người xung quanh chính xác hơn. Như vậy, trong câu nói của nhà văn Nga, "chân trời mới" có thể được hiểu là những chân trời tri thức mới, những chân trời cảm xúc mới. Tất cả đã giúp con người đẹp thêm, có văn hóa hơn, nhân ái hơn...
Câu nói của nhà văn đã cho ta hiểu thêm về giá trị của việc đọc sách và tầm quan trọng của sách đối với đời sống như thế nào. Vấn đề quan trọng cần ở đây là đọc sách thế nào để có hiệu quả, làm thế nào để sách thật sự là người bạn thân thiết của mỗi người? Khi còn trẻ nên đọc sách để tiếp thu những tri thức nhân loại, để tôn trọng những thế hệ trước. Còn những người có tuổi, bản thân họ đã là một quyển sách, một bộ tiểu thuyết nhưng không vì thế mà họ không cần đọc sách. Những người đã già cũng cần đọc sách để giải trí, để suy ngẫm, để thấy cuộc sống có ý nghĩa ngay cả khi ta sắp lìa đời. Nói như Đac-uyn: "Bác học không có nghĩa là ngừng học". Nói rằng sách là sự thu nhỏ của biển trời tri thức nhưng không phải lúc nào sách cũng làm được điều như vậy, vì có người tạo ra sách không vì mục đích trong sáng, không hướng tới mục tiêu giáo dục. Lịch sử càng tiến lên, di sản tinh thần của nhân loại càng phong phú thì sách vở tích lũy những điều đó càng đồ sộ, việc đọc lại trở nên quan trọng. Khi đọc sách phải có phương pháp thích hợp, có mục đích rõ ràng. Khi đọc không chỉ bằng mắt, mà phải tư duy theo sách, phải nhập tâm, và nên kết hợp với ghi chép. Bởi những điều trong sách là những điều có ích cho cuộc sống mà tác giả đã chứng kiến hoặc đã trải nghiệm sau đó viết ra để là bài học kinh nghiệm cho đọc giả.
Câu nói của nhà văn M.Gorki như một lời khẳng định về giá trị của việc đọc sách và cũng là lời khuyên con người nên chăm chỉ đọc sách hơn, đọc những điều có giá trị hơn để làm chủ vũ trụ rộng lớn bao la này.
Các bài văn mẫu cho bài viết số 6 lớp 7
- Bài văn mẫu lớp 7 số 6 đề 1: Giải thích lời khuyên của Bác Hồ qua 2 dòng thơ về Tết trồng cây
- Bài văn mẫu lớp 7 số 6 đề 2: Suy nghĩ về câu: Nhiễu điều phủ lấy giá gương - Người trong một nước phải thương nhau cùng
- Bài văn mẫu lớp 7 số 6 đề 3: Hãy giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ: Thất bại là mẹ thành công
- Lập Dàn ý Giải thích sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người
- Bài văn mẫu lớp 7 số 6 đề 4: Giá trị của lời nói qua câu: Lời nói chẳng mất tiền mua - Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau
- Bài văn mẫu lớp 7 số 6 đề 5: Em hãy giải thích nội dung lời khuyên của Lê-nin: Học, học nữa, học mãi
Đề thi học kì 2 lớp 7 có đáp án
------------------------------------------------------------
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Dàn ý và 5 bài văn mẫu lớp 7 Bài viết số 6 đề 6: Giải thích câu nói của nhà văn M.Gorki “Sách mở ra trước mắt tôi những những chân trời mới”. Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh hiểu hơn về câu nói này, đồng thời biết xây dựng cho mình bài viết hoàn chỉnh với các lí lẽ dẫn chứng thuyết phục để đạt điểm cao trong các bài thi, bài kiểm tra môn Ngữ văn 7 sắp tới.