Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, -yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh. Chiến tranh khiến cho những công dân Xô viết nhận ra vẻ thanh tú của chốn quê hương. Người vùng Bắc nghĩ đến cánh rừng bên dòng sông Vi-na hay miền Xu-cô-nô, thân cây mọc là là mặt nước, nghĩ đến những đêm tháng sáu sáng hồng và tiếng “cô nàng” gọi đùa người yêu. Người xứ U-crai-na nhớ bóng thùy dương tư lự bên đường, cái bằng lặng của trưa hè vàng ánh, vào lúc ấy, thời gian dường như không trôi đi nữa. Chỉ có tiếng ong bay khẽ xua động cái yên lặng trọng thể. Người xứ Gru-di-a ca tụng khí trời của núi cao, những tảng đá sáng rực và nỗi vui bất chợt của một dòng suối óng ánh bạc, vị mát của nước đóng thành băng, rượu vang cay sẽ tu trong bọc đựng rượu bằng da dê, những lời thân ái giản dị và những tiếng cuối cùng của câu chào tạm biệt vọng lại. Người thành Lê-nin-grát bị sương mù quê hương ám ảnh, nhớ dòng sông Nê-va rộng và đường bệ như nước Nga đường bệ, nhớ những tượng bằng đồng tạc những con chiến mã lồng lên, và lá hoa rực rỡ của công viên mùa hè, nhớ phố phường mà mỗi căn nhà là một trang lich sử. Người Mát-xcơ-va nhớ như thấy lại những phố cũ chạy ngoằn ngoèo lan man như một hoài niệm, để rồi đổ ra những đại lộ của thành phố mới. Xa nữa là điện Krem-li, những tháp cổ ngày xưa, dấu hiệu vinh quang của đất nước Nga và những ánh sao đỏ của ngày mai.
Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vôn-ga, con sông Vôn-ga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc. Có thể nào quan niệm được sức mãnh liệt của tình yêu mà không đem nó vào lửa đạn gay go thử thách. Người ta giờ đã hiểu lòng yêu của mình lớn đến dường nào, yêu người thân, yêu Tổ quốc, yêu nước Nga, yêu Liên bang Xô viết. Điều đó ta đã hiểu, khi kẻ thù giơ tay khả ố động đến Tổ quốc chúng ta. Ai là kẻ chẳng cảm thấy, mùa thu qua, điều giản dị này: “Mất nước Nga thì ta còn sống làm gì nữa”.