Tính lương giáo viên khi chuyển hạng thế nào?
Từ khi các Thông tư 01, 02, 03, 04 có hiệu lực, vấn đề lương, phụ cấp của giáo viên đã có thay đổi so với quy định mới. Vậy Công thức tính lương giáo viên khi chuyển hạng như thế nào? Mời các bạn cùng tham khảo bài viết để biết thêm cách tính lương giáo viên khi chuyển hạng mới nhất hiện nay.
- Chi tiết Lương giáo viên khi chuyển hạng từ cũ sang mới thay đổi ra sao?
- Giáo viên Tiểu Học hạng III cũ chuyển hạng III mới thế nào, xếp lương ra sao?
- Xếp lương giáo viên Tiểu Học hạng IV theo quy định mới
Công thức tính lương giáo viên khi chuyển hạng
Lương giáo viên theo quy định tại bốn Thông tư này được tính theo công thức:
Lương = Hệ số x mức lương cơ sở
Đặc biệt, bảng lương này chưa bao gồm phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp và các loại phụ cấp khác.
Bên cạnh cách chuyển hạng của giáo viên là các bảng lương mới sẽ áp dụng từ ngày 20/3/2021 như sau:
- Giáo viên THPT hạng III có hệ số lương của viên chức loại A1, từ 2,34 - 4,98; Giáo viên THPT hạng II có hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ 4,0 - 6,38; Giáo viên THPT hạng I có hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1, từ 4,4 - 6,78.
- Giáo viên THCS hạng III có hệ số lương của viên chức loại A1, từ 2,34 - 4,98 (hiện nay từ 2,1 - 4,89); Hạng II có hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ 4,0 - 6,38 (hiện nay từ 2,34 - 4,98); hạng I có hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1, từ 4,4 - 6,78 (hiện nay từ 4,0 - 6,38).
- Giáo viên tiểu học: Hạng III có hệ số lương viên chức loại A1 từ 2,34 - 4,98; hạng II có hệ số lương viên chức loại A2, nhóm A2.2 từ 4,0 - 6,38; hạng I có hệ số lương viên chức loại A2, nhóm A2.1 từ 4,4 - 6,78.
Trong khi đó, hiện nay, giáo viên tiểu học đang được hưởng hệ số lương dao động từ 1,86 (hạng IV) - 4,98 (hạng III)
- Giáo viên mầm non: Hạng III có hệ số lương viên chức loại A0 từ 2,1 - 4,89; hạng II có hệ số lương viên chức loại A1 từ 2,34 - 4,98; hạng I có hệ số lương viên chức loại A2, nhóm A2.2 từ 4,0 - 6,38.
Trong khi đó, hiện nay, giáo viên mầm non đang được hưởng hệ số lương dao động từ 1,86 (hạng IV) - 4,98 (hạng III).
Tính lương giáo viên khi chuyển hạng thế nào?
Bảng trên hướng dẫn cách xếp lương giáo viên khi được bổ nhiệm vào các hạng tương đương tuy nhiên, cách quy đổi lương từ hệ số lương cũ sang hệ số lương mới được quy định tại khoản 2 Điều 8 của 04 Thông tư 01, 02, 03, 04 nêu trên như sau:
Việc xếp lương khi bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật.
Theo đó, khoản 1 mục II Thông tư 02/2007 quy định cụ thể như sau:
a. Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. [...]
b. Trường hợp đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ, thì căn cứ vào tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới và thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.
c. Trường hợp có tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ lớn hơn hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch mới, thì xếp vào hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch mới và được hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm nhiên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới (kể cả hệ số chênh lệch bảo lưu) và thời gian xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.
Theo quy định này, việc xếp lương giáo viên được quy định như sau:
- Trường hợp chưa đủ điều kiện hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở hạng cũ: Căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở hạng cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở hạng mới.
Ví dụ: Bà A là giáo viên tiểu học hạng II mã số V.07.03.07, chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung, đang hưởng lương bậc 6 với hệ số lương là 3,99 khi đáp ứng đầy đủ điều kiện để được bổ nhiệm sang hạng II mã số V.07.03.28 thì sẽ được hưởng lương với hệ số bằng hoặc cao hơn gần nhất ở hạng mới là bậc 1 hệ số 4,0.
- Trường hợp đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở hạng cũ: Căn cứ vào tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở hạng cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở hạng mới.
Ví dụ: Bà Trần Thị A đang hưởng 6% phụ cấp thâm niên vượt khung ở hạng II mã số V.07.03.08 giáo viên tiểu học. Khi đó, bà A đang hưởng hệ số lương 4,98 ở bậc 9.
Tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở hạng cũ của bà A được tính như sau: 4,98 + (4,98*6%) = 5,28.
Bà A đạt đủ tiêu chuẩn và được bổ nhiệm vào hạng II mã số V.07.03.28 thì bà A được căn cứ vào tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung 5,28 này để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở hạng mới là 5,36 ở bậc 5 hạng II mã số V.07.03.28.
Trường hợp có tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở hạng cũ lớn hơn hệ số lương ở bậc cuối cùng trong hạng mới: Xếp vào hệ số lương ở bậc cuối cùng trong hạng mới và hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở hạng cũ.
Ví dụ: Bà Trần Thị A đang hưởng 15% phụ cấp thâm niên vượt khung ở hạng III mã số V.07.03.08 giáo viên tiểu học. Khi đó, bà A đang hưởng hệ số lương 4,89 ở bậc 10.
Tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở hạng cũ của bà A được tính như sau: 4,89 + (4,89*15%) = 5,62.
Khi đó, tổng hệ số này lớn hơn hệ số lương ở bậc cuối cùng của hạng III mới mã số V.07.03.28 (hệ số cuối cùng của hạng III mới là 4,98) nên bà A xếp lương ở bậc cuối cùng trong hạng III mới là 4,98 và hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu là 0,64.
Ví dụ tiếp theo: Ông Nguyễn Văn Dũng (tỉnh Lai Châu) là giáo viên trung học cơ sở (THCS) hạng II, mã V.07.04.11, hệ số lương hiện hưởng 3,33. Ông Dũng hỏi, nếu ông đủ điều kiện để được xếp vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II theo Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT thì ông được xếp lương như thế nào?
Trả lời:
Kể từ ngày Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành (ngày 20-3-2021), việc bổ nhiệm và xếp lương giáo viên THCS thực hiện theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 của Thông tư.
Theo đó, giáo viên THCS hạng II (mã số V.07.04.11) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II (mã số V.07.04.31) và được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38 nếu đạt các tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II (mã số V.07.04.31).
Việc xếp lương khi bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại Khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25-5-2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật.
Theo đó, nếu ông Nguyễn Văn Dũng được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II (mã số V.07.04.31) thì sẽ được xếp lương ở hệ số 4,00.
Tăng hệ số lương cho giáo viên các cấp từ 20/3/2021 được đặc biệt quan tâm của các thầy cô giáo. Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tiếp ban hành 4 Thông tư liên quan đến giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Khi 4 Thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hiệu lực, một trong những vấn đề được giáo viên các cấp quan tâm nhất là cách chuyển xếp lương khi bổ nhiệm hạng chức danh mới. Liệu lương có thay đổi gì so với bây giờ không? Có thể thấy thì sẽ tùy theo cấp học, bậc học, và thời gian công tác sẽ có chênh lệch đôi chút về phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, phụ cấp thâm niên vượt khung. Các thầy cô nên đợi thông báo chính thức từ địa phương nơi bạn đang công tác và làm việc để biết rõ mức lương mình được hưởng.
Trên đây là nội dung chi tiết của bài viết Tính lương giáo viên khi chuyển hạng thế nào? Tất cả các tài liệu về Văn bản Giáo dục đào tạo được VnDoc cập nhật và đăng tải thường xuyên. Chi tiết nội dung của các Văn bản, Thông tư mời các bạn cùng theo dõi và tải về sử dụng.
- Bảng lương mới của giáo viên Tiểu học 2021
- Bảng lương giáo viên các cấp theo hạng chức danh nghề nghiệp mới từ 20/3/2021
- Cách tính lương giáo viên khi chuyển hạng từ 20/3/2021
- Hướng dẫn chuyển hạng cho giáo viên các cấp từ năm 2021 chi tiết nhất
- Bảng lương giáo viên Tiểu Học khi chuyển hạng cũ sang mới từ 20/3/2021