Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Tổng hợp đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Văn được tải nhiều nhất

Tổng hợp đề thi thử THPT Quốc gia 2016 môn Văn được tải nhiều nhất

Cùng với Toán và Tiếng Anh, Văn là môn thi bắt buộc trong kì thi THPT Quốc gia 2016. VnDoc.com mời các bạn tham khảo 10 đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn được tải nhiều nhất. Mời các bạn thử sức!

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn - Số 1

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn - Số 2

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn - Số 3

Đề thi thử Đại học môn Văn

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 1 năm 2016 trường THPT Hàn Thuyên, Bắc Ninh

SỞ GD&ĐT BẮC NINH

TRƯỜNG THPT HÀN THUYÊN

(Đề gồm 02 trang)

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA LẦN I

NĂM HỌC 2015 – 2016

MÔN: NGỮ VĂN – 12

Thời gian làm bài:180 phút (Không kể thời gian phát đề)

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:

"Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.

Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.

Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.

Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.

Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.

Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng.

Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn...".

(Trích Tuyên ngôn Độc lập - Hồ Chí Minh).

Câu 1: Đoạn văn trên viết theo phong cách ngôn ngữ nào? (0.25đ)

Câu 2: Em hãy đặt tiêu đề cho đoạn văn? (0.25đ)

Câu 3: Nghệ thuật đặc sắc của đoạn văn trên ? Nêu tác dụng của nghệ thuật ấy? (0.5đ)

Câu 4: Từ nội dung đoạn văn anh chị suy nghĩ về tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta (Viết đoạn văn khoảng 5-7 dòng) (0.5đ)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời từ Câu 5 đến Câu 8

Làng Quan họ quê tôi
Những ngày bom Mỹ dội
Quán đổ dưới gốc đa
Chín nhịp cầu đứt nối

Pháo lên núi Thiên Thai
Súng trường lên Quán Dốc
Loan phượng vẫn ăn xoài
Vườn xoan đào vẫn mọc

Em tiễn anh lên đường
Đứng bên bờ em hát
Muốn gửi đi theo anh
Cả dòng sông trong mát

Mẹ mang nước lên đồi
Yêu các con mẹ hát
Bao nhiêu máy bay rơi
Sau mái đầu tóc bạc...

Thuyền thúng thuyền thúng ơi
Có ghé về tỉnh Bắc
Nghe tiếng hát quê tôi
Trên tầm bom đạn giặc

(Trích Làng quan họ, Nguyễn Phan Hách, theo Tinh tuyển thơ Việt Nam 1945 -1975 NXBKH và XH, 1978)

Câu 5: Chỉ ra phương thức biểu đạt của đoạn thơ trên? (0.25đ)

Câu 6: Nêu nội dung của đoạn thơ? (0.25đ)

Câu 7: Hình ảnh "làng quê" và "con người làng quê" được miêu tả bằng những chi tết nào? Suy nghĩ của anh (chị) về chi tiết đó? (0.5đ)

Câu 8: Cảm nhận của anh (chị) về tiếng hát xuyên suốt ba khổ thơ? (Viết đoạn văn khoảng 5-7 dòng)? (0.5đ)

II. PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (3.0 điểm)

Hiện nay nhiều bạn trẻ có thói quen nghiện chụp ảnh "tự sướng" để thể hiện bản thân, khẳng định cái tôi của mình.

Bằng bài văn nghị luận khoảng 600 từ anh (chị) hãy trình bày về thói quen này của giới trẻ.

Câu 2 (4.0 điểm)

Cảm nhận anh (chị) về hai đoạn thơ sau:

"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"

(Trích Tây Tiến – Quang Dũng Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012)

Trong bài Việt Bắc Tố Hữu viết:

"Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan"

(Trích Việt Bắc –Tố Hữu Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012)

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 1 năm 2016 tỉnh Vĩnh Phúc

SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC

ĐỀ KTCL ÔN THI THPT QUỐC GIA LẦN 1

NĂM HỌC 2015 - 2016

MÔN: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề.

PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 4:

Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm
Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về
Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm
Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.
...
Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ.
...
Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình.

(Tiếng Việt, Lưu Quang Vũ - Thơ tình, NXB Văn học 2002)

1. Các phương thức biểu đạt của đoạn thơ trên là gì?

2. Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ:

Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ.

3. Nêu ngắn gọn nội dung của đoạn thơ.

4. Viết một đoạn văn (5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ của anh (chị) sau khi đọc câu thơ: Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình.

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ 5 đến 8:

(1) Có thể sẽ có nhiều, rất nhiều người không tin. Làm sao để tin được bởi vì chữ "nghề" được hiểu là công việc để kiếm sống, tức là có thu nhập để chăm lo cho cuộc sống bản thân, gia đình. Nên nói làm từ thiện là "đi cho" chứ ai lại "cá kiếm" bao giờ.

(2) Chuyện tưởng nghe chừng vô lý, là khó xảy ra, nhưng nó lại là sự thật, thậm chí xuất hiện nhan nhản cứ như "nấm mọc sau mưa" trên... mạng xã hội Facebook. Mạng thì tưởng là ảo, nhưng chuyện là thật và tiền là thật của trò kiếm sống bằng nghề "làm từ thiện" online.

... (3) Ăn chặn tiền từ thiện của các nhà hảo tâm dành cho những số phận, những mảnh đời kém may mắn là một trong những điều độc ác. Thế nên ai đang nghĩ, đang suy tính hay đang lọc lừa bằng cách "lấy từ thiện làm nghề mưu sinh", ắt hẳn chưa bao giờ có được một giấc ngủ trọn vẹn. Họ mới chính là những người đáng thương hơn cả những người có số phận không may, kém may mắn, phải không các bạn?

(Theo Blog - Dantri.com.vn, 18/12/2015)

5. Văn bản trên thuộc kiểu phong cách ngôn ngữ nào?

6. Chỉ ra giọng điệu và thái độ của tác giả trong đoạn (1).

7. Thao tác lập luận trong đoạn (3) là gì?

8. Phân tích cấu tạo ngữ pháp và xác định kiểu câu của câu văn sau: Ăn chặn tiền từ thiện của các nhà hảo tâm dành cho những số phận, những mảnh đời kém may mắn là một trong những điều độc ác.

PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

Viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) bày tỏ quan điểm của anh/chị về ý kiến sau: Gập máy tính lại, tắt điện thoại đi. Hãy giao tiếp nhiều hơn với xã hội và tận hưởng cuộc sống thực tại.

Câu 2. (4,0 điểm)

Về hình tượng sông Hương trong bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường, có ý kiến cho rằng:

Sông Hương mang vẻ đẹp đầy nữ tính và rất mực đa tình.

Bằng hiểu biết về tác phẩm, anh (chị) hãy làm sáng tỏ nhận xét trên.

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 Sở GD-ĐT Hà Nội

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

HÀ NỘI

KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG HỌC SINH LỚP 12 - THPT

NĂM HỌC 2015 - 2016

Môn: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 180 phút

(Đề gồm 02 trang)

1. PHẦN ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn văn bản dưới đây và trả lời các câu hỏi 1, 2, 3, 4

Chiều 7 - 4 tại Hà Nội, T.Ư Hội chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam, cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400, báo tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh phối hợp tổng kết chiến dịch nhắn tinh nhân đạo 2015 và phát động chiến dịch nhắn tin "nước ngọt và sinh kế cho đồng bào bị ảnh hướng bởi hạn hán và xâm nhập mặn".

Năm 2015, thông qua các đầu số 1405, 1408, 1409, TƯ Hội CTĐ Việt Nam đã tiếp nhận và giải nhân số tiền gần bốn tỷ đồng cho các công trình xây cầu Mỹ Lợi B, huyện Cái Bè, Tiền Giang, giám định AND, hỗ trợ phẫu thuật tim cho 37 em mắc bệnh tim bẩm sinh, trao quà tết, áo ấm tặng trẻ em và đồng bào nghèo.

Để hỗ trợ đồng bào vùng hạn hán và xâm nhập mặn, TƯ Hội CTĐ Việt Nam cùng các đối tác phát động nhắn tin từ nay đến hết 5 - 6 - 2016 với cú pháp NC gửi 1407.

1. Văn bản trên được biết theo phong cách ngôn ngữ nào? (0,25đ)

2. Ghi lại sự kiện thời sự được đề cập đến trong văn bản trên? (0,25đ)

3. Từ kết quả chiến dịch nhắn tinh nhân đạo năm 2015, những hoạt động có ý nghĩa xã hội cao đẹp nào đã được thực hiện và được nêu trong văn bản? (0,5đ)

4. Hãy giới thiệu một vài hoạt động nhân đạo đang được tổ chức và hưởng ứng hiện nay. (0,25đ)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi 5, 6, 7, 8.


Em nghe thầy đọc bao ngày
Tiếng thơ đỏ nắng xanh cây quanh nhà
Mái chèo nghe vọng sông xa
Êm êm như tiếng của bà năm xưa
Nghe trăng thở động tàu dừa
Rào rào nghe chuyến cơn mưa giữa trời...

...Đêm nay thầy ở đâu rồi
Nhớ thầy em lại lặng ngồi em nghe.

(Nghe thầy đọc thơ - Trần Đăng Khoa)

5. Hãy ghi lại 2 hình ảnh thiên nhiên được tác giả sử dụng để miêu tả tiếng thơ thầy đọc? (0,25đ)

6. Cho biết tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong dòng thơ "Mái chèo nghe vọng sông xa / Êm êm như tiếng của bà năm xưa? (0,5đ)

7. Đọc đoạn thơ anh, chị hiểu thế nào về tình cảm mà nhà thơ dành cho người thầy của mình? (0,5đ)

8. Ghi lại suy nghĩ (khoảng 5 - 7 câu văn) của bản thân về những công ơn của thầy cô trong cuộc đời mỗi con người? (0,5đ)

II. PHẦN LÀM VĂN (7 điềm)

Câu 1 (3 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến sau:

Một người đã đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc chắn sẽ còn đánh mất them nhiều thứ quý giá khác nữa.

Câu 2 (4 điểm)

Trong tác phẩm ký "Ai đã đặt tên cho dòng sông" của Hoàng Phủ Ngọc Tường có đoạn viết:

...Từ đấy, như đã tìm đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long, kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng tây nam - đông bắc, phía đó, nơi cuối đường, nó đã nhìn thấy chiếc cầu trăng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non.

Giáp mặt thành phố ở Cồn Giã Viên, sông Hương uốn một nhánh cung rất nhẹ sang đến Cồn Hến; đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng "vâng" không nói ra của tình yêu. Và như vậy, giống như sông Xen của Pa - ri, sông Đa - nuýp của Bu - đa - pét, sông Hương nằm ngay giữa lòng thành phố yêu quý của mình; Huế trong tổng thể vẫn giữ nguyên dạng một đô thị cổ, trải dọc hai bờ sông.

Đầu và cuối ngõ thành phố, những nhánh sông đào mang nước sông Hương tỏa đi khắp phố phường với những cây đa, cây dừa cổ thụ tỏa vầng lá u sầm xuống xóm thuyền xúm xít; từ những nơi ấy, vẫn lập lòe trong đêm sương những ánh lửa thuyền chài của một linh hồn mô tê xưa cũ mà không một thành phố hiện đại nào còn nhìn thấy được. Những chi lưu ấy cùng với hai hòn đảo nhỏ trên sông đã làm giảm hẳn lưu tốc của dòng nước, khiến cho sông Hương khi đi qua thành phố đã trôi đi chậm, thật chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh.

Tôi đã đến Lê - nin - grát, có lúc đứng nhìn sông Nê - va cuốn trôi những đám băng lô xô nhấp nháy trăm màu dưới ánh sáng của mặt trời mùa xuân; mỗi phiến băng chở một con hải âu nghịch ngợm đứng co lên một chân, thích thú với chiếc thuyền xinh đẹp của chúng; và đoàn tàu tốc hành lạ lùng ấy với những hành khách tí hon của nó băng băng lướt qua trước cung điện Pê - téc - bua cũ để ra bể Ban - tích.

Tôi vừa từ trong khói lửa miền Nam đến đây, lâu năm xa Huế, và chính Lê - nin - grát đã đánh thức trong tâm hồn tôi giấc mơ lộng lẫy của tuổi dại; ôi tôi muốn hóa làm một con chim nhỏ đứng co một chân trên con tàu thủy tinh để đi ra biển. Tôi cuống quýt vẫy tay, nhưng sông Nêva đã chảy nhanh quá, không kịp cho lũ hải âu nói một điều gì với người bạn của chúng đang ngẩn ngơ trông theo.

Hai nghìn năm trước, có một người Hi Lạp tên là Hê - ra - clít, đã khóc suốt đời vì những dòng sông trôi đi qua nhanh, thế vậy! Lúc ấy, tôi nhớ lại con sông Hương của tôi; chợt thấy quý điệu chảy lặng lờ của nó khi ngang qua thành phố... Đấy là điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế, có thể cảm nhận được bằng thị giác qua trăm nghìn ánh hoa đăng bồng bềnh vào những đêm hội rằm tháng bảy từ điện Hòn Chén trôi về, qua Huế bỗng ngập ngừng như muốn đi muốn ở, chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng...

Hãy phân tích để thấy được tác giả không chỉ miêu tả vẻ đẹp của sông Hương mà còn gửi gắm trong đó tình yêu tha thiết đối với quê hương xứ sở.

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Ngọc Tảo, Hà Nội

TRƯỜNG THPT NGỌC TẢO

Năm học 2015 - 2016

ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG KHỐI 12

Môn: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề

Phần I: Đọc- hiểu (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:

"Bi kịch ấy họ gửi cả vào tiếng Việt. Họ yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỉ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt. Tiếng Việt, họ nghĩ, là tấm lụa đã hứng vong hồn những thế hệ qua. Đến lượt họ, họ cũng mượn tấm hồn bạch chung để gửi nỗi băn khoăn riêng."

(Trích Một thời đại trong thi ca – Hoài Thanh)

1. Đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào? Xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích? (0.5 điểm)

2. Khi nói đến tình yêu tiếng Việt của các nhà thơ mới, tác giả đã dùng những từ ngữ, hình ảnh nào? (0.25 điểm)

3. Cách diễn đạt "là tấm lụa đã hứng vong hồn những thế hệ qua" có ý nghĩa gì? (0.25 điểm)

4. Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 5 - 7 dòng) nói lên trách nhiệm của anh/chị đối với tiếng Việt? (0.5 điểm)

Đọc đoạn thơ dưới đây và trả lời câu hỏi từ câu 5 đến câu 8:

"Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.
Ngoài rèm thước chẳng mách tin,
Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?
Đèn có biết dường bằng chẳng biết,
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.
Buồn rầu chẳng nói nên lời,
Hoa đèn kia với bóng người khá thương.
Gà eo óc gáy sương năm trống,
Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên.
Khắc giờ đằng đẵng như niên,
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa."

(Trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ - Dịch giả Đoàn Thị Điểm)

5. Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào? (0.25 điểm)

6. Nêu nội dung chính của đoạn thơ? (0.25 điểm)

7. Tìm và chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ "Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa."? (0.5 điểm)

8. Từ đoạn thơ trên, anh/chị có suy nghĩ như thế nào về chiến tranh? Trả lời bằng một đoạn văn (Khoảng 5 - 7 câu). (0,5 điểm)

Phần II: Làm văn (7.0 điểm)

Câu 1: (3.0 điểm)

Làm việc nhóm từ lâu đã trở thành một hình thức làm việc hiệu quả ở các nước Phương Tây nhưng ở Việt Nam làm việc nhóm vẫn chưa phát huy được hết vị trí và vai trò của nó.

Bằng một bài văn nghị luận ngắn (khoảng 2 trang giấy thi) anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về thực trạng trên.

Câu 2: (4.0 điểm)

Phân tích nghệ thuật lập luận trong bản "Tuyên ngôn độc lập" của tác giả Hồ Chí Minh.

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội (Lần 2)

TRƯỜNG THPT CHUYÊN

NGUYỄN HUỆ

ĐỀ KIỂM TRA KIẾN THỨC LẦN II

NĂM HỌC: 2015 - 2016

----------

Môn thi: Ngữ văn

(Đề thi có 02 trang)

Thời gian: 180 phút không kể thời gian giao đề

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:

(1) Hiện nay, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng còn nhiều bất cập. (2) Nguy cơ thất truyền, mai một của nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể và sự xuống cấp của các di tích lịch sử vẫn còn ở mức báo động; việc phát huy giá trị các lễ hội truyền thống còn nhiều hạn chế, hiện tượng thương mại hóa trong lễ hội chưa được ngăn chặn một cách hiệu quả; sự hạn hẹp về kinh phí để bổ sung hiện vật cho bảo tàng; nạn trộm cắp buôn bán cổ vật vẫn diễn ra phức tạp; tình trạng lấn chiếm di tích, danh lam thắng cảnh; hiện tượng xây dựng trái phép, tu bổ di tích sai nguyên tắc chưa có biện pháp ngăn chặn kịp thời...

(Giáo dục ý thức bảo vệ di sản văn hóa cho thế hệ trẻ - Nguyễn Bá Khiêm)

Câu 1: Hãy ghi lại câu văn nêu chủ đề của đoạn trích.(0,25 đ)

Câu 2: Trong đoạn trích, tác giả đã sử dụng những thao tác lập luận nào?(0,5 đ)

Câu 3: Hãy tìm thành phần phụ trong câu văn số (1) và gọi tên thành phần đó(0,25 đ)

Câu 4: Theo anh/chị, cần làm gì để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc?

Trả lời trong khoảng 10 dòng (0,5 đ)

Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8:

Nắng trong mắt những ngày thơ bé

Cũng xanh mơn như thể lá trầu

Bà bổ cau thành tám chiếc thuyền cau

Chở sớm chiều tóm tém

Hoàng hôn đọng trên môi bà quạnh thẫm

Nắng xiên khoai qua liếp vách không cài

Bóng bà đổ xuống đất đai

Rủ châu chấu, cào cào về cháu bắt

Rủ rau má, rau sam

Vào bát canh ngọt mát

Tôi chan lên suốt dọc tuổi thơ mình.

(Thời nắng xanh, Trương Nam Hương)

Câu 5: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên. (0,25 đ)

Câu 6: Xác định 02 biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong đoạn thơ trên. (0,5 đ)

Câu 7: Xác định thể loại của bài thơ trên (0,25 đ)

Câu 8: Nêu nội dung chính của đoạn thơ trên. (0,5 đ)

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

Chủ nghĩa cá nhân là thuốc độc chết người nhưng cá tính lại là "muối ăn" trong cuộc sống thường ngày.

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phát biểu suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.

Câu 2. (4,0 điểm)

Anh/chị hãy phân tích hình tượng người lái đò trong cuộc chiến với con sông hung dữ trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân. Từ đó, hãy cắt nghĩa vì sao, trong con mắt của tác giả, thiên nhiên Tây Bắc quý như vàng, nhưng con người Tây Bắc mới thật xứng đáng là vàng mười của đất nước ta.

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 1 năm 2016 trường THPT Bình Thạnh, Tây Ninh

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:

"... Tiếng nói là người bảo vệ quý báu nhất nền độc lập của các dân tộc, là yếu tố quan trọng nhất giúp giải phóng các dân tộc bị thống trị. Nếu người An Nam hãnh diện giữ gìn tiếng nói của mình và ra sức làm cho tiếng nói ấy phong phú hơn để có khả năng phổ biến tại An Nam các học thuyết đạo đức và khoa học của châu Âu, việc giải phóng dân tộc An Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Bất cứ người An Nam nào vứt bỏ tiếng nói của mình, thì cũng đương nhiên khước từ niềm hi vọng giải phóng giống nòi. [...] Vì thế, đối với người An Nam chúng ta, chối từ tiếng mẹ đẻ đồng nghĩa với từ chối sự tự do của mình..."

(Nguyễn An Ninh, Tiếng mẹ đẻ - nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức, Theo SGK Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục, 2014, tr. 90)

Câu 1. Hãy xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích? (0,25 điểm)

Câu 2. Trong đoạn trích, tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào? (0,5 điểm)

Câu 3. Hãy ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn trích. (0,25 điểm)

Câu 4. Từ đoạn trích trên anh chị hãy nêu khái quát chủ đề của đoạn trích

Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8:

Tôi đứng lặng giữa cuộc đời nghiêng ngả
Để một lần nhớ lại mái trường xưa
Lời dạy ngày xưa có tiếng thoi đưa
Có bóng nắng in dòng sông xanh thắm.
Thoáng quên mất giữa tháng ngày ngọt đắng
Trưởng thành này có bóng dáng hôm qua
Nhớ được điều gì được dạy những ngày xa
Áp dụng - chắc nhờ cội nguồn đã có.
Nước mắt thành công hoà nỗi đau đen đỏ
Bậc thềm nào dìu dắt những bước đi
Bài học đời đã học được những gì
Có nhắc bóng người đương thời năm cũ
Vun xới cơn mơ bằng trái tim ấp ủ
Để cây đời có tán lá xum xuê
Bóng mát dừng chân là một chốn quê
Nơi ơn tạ là mái trường nuôi lớn
Xin phút tĩnh tâm giữa muôn điều hời hợt
Cảm tạ mái trường ơn nghĩa thầy cô.

(Lời cảm tạ - sưu tầm)

Câu 5. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính trong đoạn thơ trên? (0,25 điểm)

Câu 6. Nêu rõ phép tu từ được sử dụng trong câu thơ Thoáng quên mất giữa tháng ngày ngọt đắng (0,25 điểm).

Câu 7. Nêu nội dung chính của bài thơ trên. (0,5 điểm)

Câu 8. Anh chị hiểu hai dòng thơ: "Vun xới cơn mơ bằng trái tim ấp ủ/ Để cây đời có tán lá xum xuê" như thế nào? Từ ý thơ này, hãy viết một đoạn văn ngắn nêu vai trò của mái trường và thầy cô đối với cuộc đời của mỗi người. Trả lời trong 5-10 dòng. (0,5 điểm)

Phần II. Làm Văn (7,0 điểm)

Câu 1 (3,0 điểm)

"Trách nhiệm chính là thứ mà con người đôi lúc cảm thấy bị ràng buộc nhất. Tuy nhiên, đó cũng chính là yếu tố cơ bản cần phải có để xây dựng và phát triển nhân cách của mỗi con người". (Frank Crane).

Anh (chị) hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) bày tỏ suy nghĩ về ý kiến trên.

Câu 2 (4,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

(Tây Tiến, Quang Dũng, ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục 2008, trang 88)

"Mình về rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già
Mình đi có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám đậm đà lòng son"

(Việt Bắc, Tố Hữu, Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục 2008, trang 110)

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Chuyên Lào Cai

SỞ GD& ĐT LÀO CAI

TRƯỜNG THPT CHUYÊN

ĐỀ THI THỬ - KỲ THI THPT QUỐC GIA

NĂM HỌC 2015 - 2016

Môn: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 180 phút

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm):

Đọc bài thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:

Con sẽ không đợi một ngày kia
khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt
Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua
mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ
ai níu nổi thời gian?
ai níu nổi?

...ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ
giọt nước mắt già nua không ứa nổi
ta mê mải trên bàn chân rong ruổi
mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng
Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân
mấy kẻ đi qua
mấy người dừng lại?
Sao mẹ già ở cách xa đến vậy
trái tim âu lo đã giục giã đi tìm
ta vẫn vô tình
ta vẫn thản nhiên?

Hôm nay...
anh đã bao lần dừng lại trên phố quen
ngã nón đứng chào xe tang qua phố
ai mất mẹ?
sao lòng anh hoảng sợ
tiếng khóc kia bao lâu nữa
của mình?

(Xin tặng cho những ai được diễm phúc còn có Mẹ - Đỗ Trung Quân)

Câu 1: Đặt nhan đề cho bài thơ. (0,25 điểm).

Câu 2: Đặt trong toàn bài thơ, câu thơ "Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?" có ý nghĩa gì? (0,25 điểm).

Câu 3: Đoạn thơ

"Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân
mấy kẻ đi qua
mấy người dừng lại?
sao mẹ già ở cách xa đến vậy"

tác giả muốn nói điều gì? (0,5 điểm)

Câu 4: Viết đoạn văn khoảng 5 dòng trình bày cảm xúc khi đọc xong đoạn thơ? (0,5 điểm)

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8:

Thư Các Mác gửi con gái.

Con ơi! Dù con sợ Tình yêu, Tình yêu vẫn cứ đến.

Con đừng bao giờ tự hỏi rằng người yêu con có xứng với con không? Cái thứ Tình yêu mà lại mặc cả như món hàng ngoài chợ thì không còn gọi là tình yêu được nữa. Yêu là không so tính thiệt hơn, con ạ!

Nếu người con yêu là một người nghèo khổ thì con sẽ cùng người ấy chung sức lao động để xây đắp tô thắm cho Tình yêu. Nếu người yêu của con già hơn con thì con làm cho người đó trẻ lại với con. Nếu người yêu con bị cụt chân thì con sẽ là cái nạng vững chắc nhất đời họ. Tình yêu đẹp nhất sẽ đến với con nếu con nghĩ và làm đúng lời cha dạy.

Nhưng con cũng phải luôn tự hỏi xem người đó yêu con vì lẽ gì. Nếu người đó yêu con vì sắc đẹp, con nên nhớ sắc rồi sẽ tàn. Nếu người đó yêu con vì có chức tước cao thì khẳng định người đó không yêu con, con hãy từ chối và bảo họ rằng địa vị không bao giờ làm sung sướng cho con người, chỉ có sự làm việc chân chính mới thoả mãn lòng người chân chính.

Con phải độ lượng, phải giàu lòng vị tha nếu có sự hối hận thực sự. Con phải chung thuỷ với người con yêu. Nếu con làm mất hai chữ quý báu ấy, con sẽ hổ thẹn không lấy gì mà mua lại được. Con sẽ không được quyền tự hào với chồng, với con, với xã hội. Nếu con dễ dàng để cho 1 kẻ xa lạ nào đó đặt cái hôn gian manh bẩn thỉu lên môi con, thì trước khi hôn họ đã khinh con, đang khi hôn họ cũng khinh con và sau khi hôn họ càng khinh con hơn nhất.

Ai sẽ vì con mà chăm sóc đời con, vui khi con có tin mừng, buồn khi con không may, nhất định đó là chồng con.

Câu 5: Nội dung chính của văn bản trên. (0,5 điểm)

Câu 6: Tại sao Các Mác lại nói: Dù con có sợ Tình yêu, Tình yêu vẫn cứ đến? (0,25 điểm)

Câu 7: Trong văn bản trên Các Mác sử dụng kiểu câu: "Nếu người con yêu là một người nghèo khổ thì con sẽ cùng người ấy chung sức lao động để xây đắp tô thắm cho Tình yêu". Câu văn trên thuộc kiểu câu nào xét về mặt ngữ pháp? (0,25 điểm)

Câu 8: "Nếu con dễ dàng để cho 1 kẻ xa lạ nào đó đặt cái hôn gian manh bẩn thỉu lên môi con, thì trước khi hôn họ đã khinh con, đang khi hôn họ cũng khinh con và sau khi hôn họ càng khinh con hơn nhất". Theo em tại sao Các Mác lại nói như vậy (0,5 điểm)

Phần II. Làm văn (7,0 điểm):

Câu 1. (3,0 điểm)

"Vào đêm thứ Sáu vừa qua, các ngươi đã cướp đi mạng sống một con người đặc biệt, tình yêu của đời ta, mẹ của con trai ta nhưng ta sẽ không bao giờ căm thù các ngươi dù chỉ là một giây phút.

Ta không quan tâm và cũng không muốn biết các ngươi là ai – những kẻ linh hồn đã chết. Nếu Chúa trời mà các người tôn thờ biết tới chúng ta thì mỗi viên đạn găm trên người vợ ta sẽ là một vết thương cào xé trái tim ông ấy.

Thế nên, ta sẽ không bao giờ cho phép mình ghét bỏ các ngươi. Các ngươi muốn ta căm ghét nhưng ta sẽ không đáp trả bằng sự giận dữ ngu ngốc. Sự vô minh ấy đã hình thành nên thứ hình hài như các ngươi.

Các ngươi muốn ta run sợ, muốn nhìn những người đồng bào của mình bằng ánh mắt nghi ngờ, muốn ta hy sinh tự do vì an toàn cá nhân. Các ngươi đã nhầm".

Viết một bài văn nghị luận xã hội (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về lời tâm sự trên.

Câu 2. (4,0 điểm)

Bàn về đặc điểm cái tôi trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, có ý kiến cho rằng: Đó là cái tôi có khát vọng sống, khát vọng yêu chân thành mãnh liệt. Lại có ý kiến khẳng định: Bài thơ đã thể hiện một cái tôi nhạy cảm, day dứt về giới hạn của tình yêu và sự hữu hạn của kiếp người.

Từ cảm nhận về cái tôi của nhà thơ Xuân Quỳnh trong bài thơ Sóng, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn năm 2016 tỉnh Thanh Hóa

GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

THANH HÓA

KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG LỚP 12 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

NĂM HỌC 2015 - 2016

Môn: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian giao đề

Đề gồm 02 trang

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu từ câu đến câu 4:

Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời

Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ;
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió,
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.

Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.

(Chiều xuân - Anh Thơ, Ngữ văn 11, tập 2, NXB Giáo dục 2008, tr. 51 - 52)

Câu 1. Các từ êm êm, im lìm, tơi bời, vu vơ, rập rờn, thong thả, chốc chốc thuộc loại từ gì? (0,25 điểm).

Câu 2. Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong câu thơ Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi? Tác dụng của biện pháp tu từ đó? (0,5 điểm)

Câu 3. Tìm những câu thơ có sử dụng từ chỉ màu sắc. (0,25 điểm)

Câu 4. Viết một đoạn văn (7 - 10 dòng) thể hiện cảm nhận của anh/chị về bức tranh quê buổi chiều xuân được tác giả phác họa trong bài thơ. (0,5 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 5 đến câu 8:

Nguyễn Mộng Tuân, một người bạn của Nguyễn Trãi đã ca ngợi Ngợi Nguyễn Trãi như sau: "Gió thanh hây hẩy gát vàng, người như một ông tiên ở trong tòa ngọc. Cái tài làm hay, làm đẹp cho nước, từ xưa chưa có bao giờ..." Nguyễn Trãi không phải là ông tiên, Nguyễn Trãi là người chân đạp đất Việt Nam, đầu đội trời Việt Nam, tâm hồn lộng gió của thời đại lúc bấy giờ, thông cảm sâu xa với nỗi lòng dân lúc bấy giờ, suốt đời tận tụy cho lý tưởng cao quý. Nguyễn Trãi là khí phách của dân tộc, là tinh hoa của dân tộc. Sự nghiệp và tác phẩm của Nguyễn Trãi là một bài ca yêu nước và tự hào dân tộc. Nguyễn Trãi rất xứng đáng với lòng khâm phục và quý trọng của chúng ta. Ca ngợi người anh hùng của dân tộc, chúng ta đã rửa mối "hận nghìn năm" của Nguyễn Trãi.

(Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc - Phạm Văn Đồng,
dẫn theo Bài tập Ngữ văn 11, tập 1, NXB Giáo dục 2008, tr. 72)

Câu 5. Trong câu "Nguyễn Mộng Tuân, một người bạn của Nguyễn Trãi đã ca ngợi Ngợi Nguyễn Trãi như sau...", cụm từ "một người bạn của Nguyễn Trãi" là thành phần gì? (0,25 điểm)

Câu 6. Trong đoạn trích, tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào? Tác dụng của thao tác lập luận ấy? (0,5 điểm)

Câu 7. Phép liên kết chủ yếu được tác giả sử dụng trong đoạn trích là gì? (0,25 điểm)

Câu 8. Nêu nội dung chính của đoạn trích? (0,5 điểm)

II. PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (3.0 điểm)

Máu của những con người đất Việt dù trong các hoàn cảnh lịch sử khác nhau đã đổ xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Ghi nhận công ơn to lớn đó, chia sẻ nỗi đau của những người mẹ, người vợ, người con có người thân đã hy sinh bảo vệ Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) là việc làm rất cần thiết của cả cộng đồng và xã hội. Trong lời kêu gọi ủng hộ chương trình "Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa" của đồng chí Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có đoạn viết:

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động chương trình "Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa" để tri ân các chiến sĩ đã ngã xuống vì Hoàng Sa, Trường Sa, để lịch sử không quên, tôn vinh những người con của đất Việt đã anh dũng hi sinh bảo vệ Tổ quốc và thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Từ việc hiểu ý nghĩa của lời kêu gọi trên, anh/chị hãy viết một bài văn thể hiện những suy nghĩ, tình cảm của mình về vấn đề chủ quyền dân tộc.

Câu 2 (4,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:

Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn, to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời...

(Trích Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục, 2008, tr. 118 - 122)

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 12

    Xem thêm