Trợ cấp lần đầu cho công chức: Điều kiện và mức hưởng
Để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đến công tác tại vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, Chính phủ đã ban hành nhiều loại phụ cấp, trợ cấp. Một trong số đó là trợ cấp lần đầu. Vậy loại trợ cấp này được quy định cụ thể thế nào?
Trợ cấp lần đầu cho công chức: Điều kiện và mức hưởng
Ai được hưởng trợ cấp lần đầu?
Theo Điều 2 Nghị định 76/2019/NĐ-CP, các đối tượng được hưởng trợ cấp lần đầu khi đến nhận công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn gồm:
- Cán bộ, công chức, viên chức (kể cả người tập sự) trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp xã;
- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP;
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam;
- Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, công nhân công an và lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thuộc Công an nhân dân;
- Người làm việc trong tổ chức cơ yếu;
- Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế của các hội được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động.
Tuy nhiên, không phải ai thuộc các trường hợp nêu trên đều được hưởng trợ cấp lần đầu. Đây là trợ cấp dành cho người lần đầu đến công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Trong đó, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn gồm:
- Huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1;
- Các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
- Các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp, ... (gọi chung là thôn) đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 433/QĐ-UBDT của Ủy ban dân tộc.
Như vậy, so với quy định trước đây tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP, điều kiện để hưởng trợ cấp lần đầu đã đơn giản và cụ thể hơn.
Theo đó, hiện nay, công chức lần đầu đến công tác tại vùng đặc biệt khó khăn nêu trên sẽ được hưởng trợ cấp lần đầu. Trong khi đó, trước đây, Chính phủ yêu cầu phải đáp ứng thời gian công tác ở vùng đặc biệt khó khăn: Nam từ 05 năm, nữ từ 03 năm trở lên.
Công chức hưởng trợ cấp lần đầu bao nhiêu?
Cũng tại Điều 6 Nghị định 76/2019/NĐ-CP, mức hưởng trợ cấp lần đầu gồm:
Trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Hiện nay, lương cơ sở đang là 1,49 triệu đồng/tháng theo quy định tại Nghị định 38/2019/NĐ-CP. Do đó, mức hưởng trợ cấp lần đầu của công chức là 14,9 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu công chức có gia đình cùng đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì ngoài trợ cấp lần đầu, còn được trợ cấp:
- Tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình cùng đi. Tiền này được tính theo một trong hai cách sau đây:
- Giá vé, giá cước thực tế của phương tiện giao thông công cộng;
- Mức khoán theo công thức: Số km đi thực tế x đơn giá phương tiện công cộng thông thường như tàu, thuyền, xe ô tô khách…
- Trợ cấp 12 tháng lương cơ sở cho hộ gia đình tương đương với 17,88 triệu đồng.
Đáng chú ý: Các khoản tiền nêu trên được trả ngay khi công chức đến nhận công tác và chỉ thực hiện 01 lần trong tổng thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Trên đây là quy định về điều kiện và mức hưởng trợ cấp lần đầu dành cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn. Ngoài Trợ cấp lần đầu cho công chức: Điều kiện và mức hưởng, các bạn có thể tham khảo thêm Toàn bộ chế độ với công chức, viên chức vùng đặc biệt khó khăn.