Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Các yếu tố quyết định động cơ

Chúng tôi xin giới thiệu bài Các yếu tố quyết định động cơ được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

1. Theo lý thuyết phân cấp nhu cầu

Theo lý thuyết thúc đẩy của Abraham Maslow, sự thúc đẩy gắn bó chặt chẽ với nhu cầu, chúng khiến con người có những nỗ lực, những nỗ lực này tạo ra sự thúc đẩy. Một nhu cầu nào đó khi còn chưa được thoả mãn sẽ có một sự thúc đẩy để buộc con người phải hành động nhưng một khi đã thỏa mãn hoàn toàn thì nhu cầu đó không còn là nguồn gốc thúc đẩy nữa. Nói một cách khác đơn giản hơn, nếu ta muốn tạo ra và duy trì ở mức độ cao sự thúc đẩy thì chúng ta phải giữ cho một vài nhu cầu luôn ở tình trạng chưa được thỏa mãn. Trong thực tế con người có xu hướng có một loạt các nhu cầu đồng thời, nhưng một trong các nhu cầu đó luôn mạnh mẽ hơn các nhu cầu khác, nó quyết định hoàn toàn động cơ thúc đẩy của cá nhân, quyết định mức độ thực hiện của cá nhân đó.

Sự thúc đẩy gắn liền với nhu cầu, chúng khiến người ta có những nỗ lực, những nỗ lực này tạo ra sự thúc đẩy. Dựa vào kết quả nghiên cứu và thực nghiệm Maslow đã xác định được một loạt nhu cầu có xu hướng sắp xết theo thứ tự tăng dần như sau:

1.1. Nhu cầu sinh lý

Những nhu cầu này bao gồm những thứ có thể mua sắm được bằng tiền như thực phẩm, quần áo và các thứ cần cho cuộc sống khác. Nỗi sợ hãi gắn liền với những nhu cầu này, người ta sợ bị cướp đi bát cơm, manh áo, mất đi những thứ mà họ đang có.

1.2. Nhu cầu an toàn, an ninh

Nhu cầu này xuất phát từ mong muốn tự bảo vệ mình khỏi trở lại tình trạng bị cướp đi những thứ cần thiết cơ bản trong cuộc sống và tính mạng của họ. Việc đảm bảo các phúc lợi là một điều kiện để đáp ứng nhu cầu này, tuy nhiên ý nghĩa thúc đẩy chỉ có giới hạn nhưng thiếu nó thì quá trình thực hiện sẽ chịu tác động xấu.

1.3. Nhu cầu xã hội, liên kết

Các nhu cầu xã hội xuất phát từ mong muốn cố hữu của con người là cần phải thuộc vào một nhóm xã hội nào đó. Điều này không có nghĩa là họ phải hội nhập với bất cứ nhóm người nào mà họ thường có nhu cầu được hội nhập với những nhóm có các điều kiện gần gũi với họ.

Ví dụ: Khi con người vui vẻ, sôi nổi tự tin thì con người có xu hướng muốn gần gũi với những người cùng vui vẻ, sôi nổi và tự tin như họ. Ngược lại một người đang đau khổ, buồn phiền, cùng cực thì họ lại thích gần gũi những người cùng cảnh ngộ như họ. Không một người cùng cực nào lại muốn gần gũi với những người hạnh phúc, sung sướng.

Nhu cầu xã hội là rất mạnh mẽ, nếu tách biệt con người ra khỏi cộng đồng họ sẽ cảm thấy rất cô đơn và buồn tủi, điều này dẫn đến triệt tiêu sự nhiệt tình làm việc của họ.

Khi môi trường hay điều kiện sống thay đổi, mong muốn thỏa mãn các nhu cầu cũng thay đổi, các nhu cầu xã hội chỉ có tác dụng mạnh mẽ trong trường hợp các nhu cầu sinh lý, nhu cầu an toàn an ninh được đảm bảo.

1.4. Nhu cầu được kính trọng, thừa nhận

Sự kính trọng thừa nhận tồn tại trong con mắt của người khác đối với chúng ta, chúng ta sẽ cảm thấy rất hài lòng và vui vẻ nếu mọi người tôn trọng và sùng bái những thành công và kỳ tích của của chúng ta. Con người nói chung rất mong muốn có tiếng tăm hay ít nhất cũng không bị người khác xem thường. Khi có một người nào đó hơn bạn hoặc nổi tiếng, bạn cũng ao ước sẽ được như họ. Nhu cầu theo kịp hay ganh đua với ai đó là nguồn thúc đẩy mạnh mẽ, tích cực đối với bạn giống như một cuộc chạy đua, bạn cũng ao ước và cố gắng hết sức để về nhất vì người ta chỉ tung hô và tặng hoa cho những người về nhất.

Nhu cầu được tôn trọng hoặc nhân biết xuất hiện dưới một số hình thức, biểu hiện rõ rệt là uy tín và quyền lực.

Uy tín. Ngày nay, trong xã hội, động cơ uy tín đang trở nên nổi bật hơn, đặc biệt khi chúng ta hướng về một xã hội trung lưu. Uy tín thực chất là gì? Gellerman miêu tả nó là “một kiểu định nghĩa không thành văn của tất cả các cách cư xử mà người ta mong những người khác thể hiện với sự hiện diện của người đó: mức độ tôn trọng hoặc không tôn trọng, lễ nghi hay thông thường, dè dặt hay lộ liễu”. Uy tín dường như có ảnh hưởng tới mức độ thuận tiện và thoải mái mà người ta có thể hy vọng trong cuộc sống.

Uy tín là một cái gì đó vô hình do xã hội dành cho một cá nhân nào đó. Thực tế là ngay từ khi ra đời trẻ em đã thừa kế vị trí của cha mẹ. Trong một số trường hợp, điều này đủ đảm bảo cho họ cả đời sống trên “một làn sống được phủ bằng uy tín”. Ví dụ, một Rockefeller con hay một Ford con thừa kế uy tín sẵn có tức thì của nền tảng gia đình mình.

Con người được uy tín qua cuộc sống bằng nhiều cách khác nhau. Nhiều người có xu hướng chi tìm các dấu hiệu về địa vị vật chất, trong khi đó những người khác cố gắng đạt những thành tựu cá nhân hay những gì tự thực hiện được, điều này có thể hàm chứa uy tín trong chính bản thân nó.

Cho dù uy tín được thể hiện bằng cách nào thì có vẻ có nhiều người muốn có vị trí quan trọng nhất định, và thực tế, tầm quan trọng đó được thiết lập ở, một cấp bậc mà mỗi người đều cảm thấy xứng đáng. Thông thường con người muốn có sự đánh giá cao về bản thân mình, điều này chắc chắn dựa trên cơ sở thực tế như đã được biểu lộ thông qua sự nhận biết và tôn trọng từ phía những người khác.

Nhu cầu uy tín dù nhiều hay ít cũng có giới hạn. Người ta có xu hướng tìm uy tín chi tới mức nhận thức được. Khi con người cảm thấy đã đạt được mức độ này thì sức mạnh nhu cầu này thường có xu hướng giảm xuống và uy tín trở thành vấn đề duy trì hơn là tiến xa hơn nữa. Một vài người có thể hài lòng với mức độ quan trọng của họ trong công ty và trong cộng đồng. Theo sự đánh giá riêng của họ, “họ đã tới đích”. Chi có những người ngoại lệ mới tìm kiếm sự công nhận ở tầm cỡ dân tộc hay quốc tế. Động cơ uy tín thường xuất hiện ở những thanh niên có xu hướng chưa thỏa mãn với vị trí trong cuộc sống của mình. Người lớn tuổi hơn có xu hướng cố gắng đạt tới mức uy tín mà họ cảm thấy thỏa mãn hoặc cũng có thể cam chịu một thực tế là họ chỉ có thể làm được rất ít để nâng cao địa vị của họ.

Quyền lực: Quyền lực là nguồn làm cho mọi người có thể đem lại sự bằng lòng từ hoặc tới các ảnh hưởng khác. Đó là tiềm năng ảnh hưởng của một người. Có hai loại quyền lực: quyền lực địa vị và quyền lực cá nhân. Các cá nhân có thể gây ra quyền lực đối với những người khác nhờ địa vị của họ trong tổ chức thì đó là những người có quyền lực địa vị, còn các cá nhân gây ra ảnh hưởng từ tính cách và hành vi của họ thì đó là những người có quyền lực cá nhân. Cũng có một số người gây ảnh hưởng bằng cả quyền lực địa vị và quyền lực cá nhân.

1.5. Nhu cầu tự khẳng định

Nhu cầu này xuất phát từ nhận thức cá nhân mỗi người, sự thôi thúc bên trong của bản thân muốn chúng ta phải đạt được những gì mà mình mong muốn: “Nhất định tôi sẽ làm được những gì mà tôi có thể làm được”. Việc thỏa mãn các nhu cầu tự khẳng định này hoàn toàn là do ý thức chủ quan của một người nào đó trong lĩnh vực mà họ chọn với nỗ lực của mình.

Trong tất cả nhu cầu do Abraham Maslow đưa ra, nhu cầu tự khẳng định là nhu cầu ít được biết nhất. Việc thỏa mãn nhu cầu tự khẳng định này hoàn toàn do ý thích chủ quan của một người nào đó trong lĩnh vực mà họ lựa chọn với nỗ lực của mình.

Đặc điểm của nguồn thúc đẩy này không có giới hạn, nó khác với các nguồn thúc đẩy khác là sự triệt tiêu sau khi nhu cầu đã được đáp ứng. Sự tự khẳng định luôn luôn thúc đẩy con người lên các mức thực hiện cao hơn.

Có hai tác động bên trong có thể khiến con người sử dụng tất cả khả năng của mình để tự khẳng định đó là: được điều khiển bởi năng lực hoặc bởi thành tích.

Năng lực có liên quan tới sự tinh thông nghề nghiệp hay nhiệm vụ, một người nào đó có trình độ tay nghề rất cao ông ta làm việc liên tục, rõ ràng được kích thích bởi một điều gì khác hơn là

được kính trọng hay công nhận. Động cơ kích thích ở đây là mong muốn là tốt hơn nữa những cái mà mình đã làm được.

Nếu sự tự khẳng định là do thành tích dẫn dắt thì sự thực hiện của nó lại rất khác một số người được kích thích bởi nhu cầu muốn hoàn thành tất cả những gì mà họ làm, một số người khác lại tự mình cố gắng thử những giới hạn ngoài khả năng của họ.

Khi nhu cầu phát triển không tự sinh ra, vì vậy nhà quản lý cần tạo ra môi trường nuôi dưỡng cho sự phát triển của chúng. Trong hệ thống đặt mục tiêu cần xác định các mục tiêu ở một mức cao vừa phải để ngay khi cá nhân hay tổ chức đã hết sức cố gắng vẫn chỉ có một nửa cơ hội để thực hiện chúng. Sở dĩ như vậy là vì đầu ra sẽ có xu hướng tăng lên khi mọi người vươn tới một mức thành tích ngoài tầm hiểu biết trực tiếp của anh ta, mặc dù thử có nghĩa là thất bại một nửa.

2. Theo cách tiếp cận của Frederick Herzberg

Lý thuyết của Maslow chú trọng vào cá nhân con người, trong khi đó Frederick Herzberg và một số nhà khoa học hành vi tập trung xem xét sự thúc đẩy nhân viên trên phương diện công việc. Công trình nghiên cứu đã đưa Herzberg tới kết luận là hai trạng thái mà người công nhân đã trải qua đó là: Sự thỏa mãn và không thỏa mãn trong công việc, bởi vậy mô hình của ông được gọi là mô hình hai yếu tố.

2.1. Các yếu tố thúc đẩy

Là những yếu tố thuộc bên trong công việc, bao gồm sự thách thức của chính công việc, trách nhiệm cá nhân, sự công nhận của mọi người, sự thành đạt và triển vọng của công việc. Những yếu tố này qui định sự hứng thú và thỏa mãn xuất phát từ một công việc. Khi cả 5 yếu tố này đều hiện diện bên trong công việc, thì chúng ta sẽ tạo ra thúc đẩy ở mức cao và kích thích người nhân viên đạt tới những thành tích cao hơn, nếu không thỏa mãn những điều kiện trên thì sẽ không kích thích hứng thú làm việc, dẫn đến thành tích bị hạn chế.

2.2. Các yếu tố duy trì

Là những yếu tố thuộc bên ngoài công việc bao gồm điều kiện làm việc, các chính sách của Công ty, chất lượng quản trị, mối quan hệ với các đồng nghiệp và lương bổng, địa vị, sự an toàn của công việc. Những yếu tố này qui định phạm vi mà công việc thực hiện.

Herzberg cho rằng, mặc dù đảm bảo các yếu tố bên ngoài này ở trạng thái tích cực là cần thiết để duy trì mức độ thỏa mãn hợp lý của công việc. Song sự hiện diện của chúng không nhất thiết sẽ làm tăng mức độ thỏa mãn của công việc.

Do vậy các nhà quản trị phải áp dụng đồng bộ của hai nhóm yếu tố, bởi các nhóm yếu tố duy trì không thể giải quyết vấn đề như nạn vắng mặt, bỏ việc, sự bất bình, hay năng suất thấp. Theo Herzberg những yếu tố này chỉ được giải quyết khi vận dụng thành công yếu tố thúc đẩy.

Nghiên cứu của Herzberg đã trải qua những thách thức. Một số cách hỏi của Herzberg không được người trả lời trả lời khách quan, tức là các phương pháp điều tra của ông có xu hướng sai lệch với các kết quả.

Ví dụ: Xu hướng chung của mọi người là, họ coi rằng kết quả tốt là do sự cố gắng của bản thân họ, còn nếu kết quả tồi thì đổ lỗi cho người khác, đó là cách suy nghĩ dẫn tới những kết quả sai lệch của Herzberg. Các nhà nghiên cứu khác, không theo cách của ông đã nhận thấy rằng trên thực tế các yếu tố gọi là các yếu tố vệ sinh đã mang lại sự thỏa mãn hay bất mãn.

3. Theo lý thuyết hy vọng

Một cách tiếp cận khác để giải thích về động cơ thúc đẩy được xem là có triển vọng trong việc giải thích xem con người được thúc đẩy bằng cách nào là “Lý thuyết theo hy vọng". Theo nhà tâm lý học Victor HVroon ông cho rằng con người sẽ được thúc đẩy trong việc thực hiện những công việc để đạt tới mục tiêu nếu họ tin vào giá trị của mục tiêu đó, và họ có thể thấy rằng những công việc của họ làm giúp cho đạt được mục tiêu.

Thuyết của Vroon có thể được phát biểu như sau (theo thuật ngữ riêng của mình).

SỨC MẠNH = MỨC HAM MÊ x HY VỌNG

Trong đó: Sức mạnh: Cường độ thúc đẩy của con người

Mức ham mê: Cường độ ưu ái của một người dành cho kết quả

Hy vọng: Là xác suất mà một số hoạt động riêng lẻ sẽ dẫn tới một kết quả mong đợi.

Khi một người thờ ơ với công việc đạt tới mục tiêu nhất định, thì mức ham mê coi như bằng 0 và sẽ có một mức ham mê âm (-) khi con người phản đối việc đạt tới mục tiêu đó. Tất nhiên kết quả của hai trường hợp đều là không có động cơ thúc đẩy. Cũng như vậy, một người có thể không có động cơ thúc đẩy nào để đạt tới một mục tiêu nếu hy vọng là số 0 hoặc số âm.

Sức mạnh dùng để làm một việc nào đó sẽ phụ thuộc vào cả mức ham mê và hy vọng. Hơn nữa một động cơ để thực hiện một hành động nào đó có thể được xác định bằng sự mong muốn có được một kết quả nào đó.

Một trong những nét hấp dẫn lớn của thuyết H.Vroom là nó thừa nhận tầm quan trọng của các nhu cầu và động cơ thúc đẩy khác nhau của con người. Do đó nó tránh được những đặc trưng đơn giản hóa trong cách tiếp cận của Maslow và Herzberg . Nó tỏ ra thực tế hơn. Nó phù hợp với quan điểm về sự hài hòa giữa các mục tiêu giữa cá nhân và tổ chức cho dù giữa chúng là khác nhau. Hơn nữa lý thuyết của Vroom hoàn toàn phù hợp với toàn bộ hệ thống quản trị theo mục tiêu.

Nhưng điểm mạnh lý thuyết của Vroom cũng là điểm yếu của nó. GIả thiết của ông cho rằng ý nghĩa về giá trị thay đổi theo từng người và theo không gian và thời gian dường như phù hợp với cuộc sống thực tế. Nó cũng phù hợp với quan điểm cho rằng công việc của các nhà tâm lý nhằm tạo ra một môi trường làm việc đòi hỏi phải tính đến sự khác biệt trong những hoàn cảnh khác nhau. Nhưng mặt khác lý thuyết của Vroom lại khó áp dụng vào thực tế, mặc dù nó chính xác về mặt lôgic nhưng phức tạp hơn nhiều so với cách tiếp cận của Maslow và Herzberg.

---------------------------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Các yếu tố quyết định động cơ về đặc điểm, nội dung của lý thuyết hy vọng, nhu cầu tự khẳng định, nhu cầu được kính trọng, thừa nhận, an toàn, an ninh....

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Các yếu tố quyết định động cơ. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm