Đề thi học sinh giỏi Văn 7 năm 2020 - 2021
Đề kiểm tra học sinh giỏi Văn 7 năm 2020 - 2021
Đề thi học sinh giỏi Văn 7 năm 2020 - 2021 do VnDoc sưu tầm và đăng tải là tài liệu hay giúp các em học sinh làm quen với các đề thi thực tế, đồng thời cũng là tài liệu tham khảo hữu ích cho thầy cô ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi của mình.
Đề thi học sinh giỏi Văn 7 năm 2020 - 2021 nằm trong bộ đề thi học sinh giỏi lớp 7 trên VnDoc. Đây là tài liệu hay giúp các em học sinh ôn tập, chuẩn bị cho kì thi học sinh giỏi của mình đạt kết quả cao.
Đề kiểm tra học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 7 năm học 2020 - 2021
ĐỀ KIỂM TRA HSG MÔN NGỮ VĂN 7
NĂM HỌC: 2020-2021
Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian giao đề)
ĐỀ A
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:
“Đồng lặng lẽ sương mù buông bát ngát,
Áo âm thầm mây tối ngập mênh mang
Gió im vắng, tự từng không man mác,
Mây bay, trăng nhè nhẹ dệt tơ vàng.
Và nhè nhẹ trong tơ trắng phơ phất
Khóm tre xanh lướt gió cuốn cung đàn.
Làng xóm lặng say đi trong giấc ngát,
Những lượng đào, lựa lý cái miên man.”
(Trích “Đêm trăng xuân” – Anh Thơ)
Câu 1: (1.0 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên?
Câu 2: (1.0 điểm) Nêu nội dung chính của đoạn thơ trên?
Câu 3: (2.0 điểm) Tìm và phân tích tác dụng của việc dùng từ láy trong đoạn trích trên?
Câu 4: (2.0 điểm) Cảm nhận chung của em về đoạn trích trên
PHẦN II: TẠO LẬP VĂN BẢN (14.0 điểm)
Câu 1: (4.0 điểm) Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày cảm nhận của em về đoạn trích sau:
“Tự nhiên như thế: ai cũng chuộng mùa xuân. Mà tháng giêng là tháng đầu của mùa xuân, người ta càng trìu mến, không có gì lạ hết. Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ con; ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân.”
(Mùa xuân của tôi – Vũ Bằng)
Câu 2: (10.0 điểm) Nhận xét về văn học trung đại Việt Nam (giai đoạn thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX), có ý kiến cho rằng:
“Một trong những nét nổi bật nhất của văn học trung đại Việt Nam giai đoạn này là tình cảm nhân đạo sâu sắc, thấm thía”.
Qua bài thơ: “Bánh trôi nước” của tác giả Hồ Xuân Hương em hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
----------HẾT----------
ĐỀ KIỂM TRA HSG MÔN NGỮ VĂN 7
NĂM HỌC: 2020-2021
Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian giao đề)
ĐỀ B
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
“Yêu Tổ quốc từ những giọt mồ hôi tảo tần. Mồ hôi rơi trên những cánh đồng cho lúa thêm hạt. Mồ hôi rơi trên những công trường cho những ngôi nhà thành hình, thành khối. Mồ hôi rơi trên những con đường nơi rẻo cao Tổ quốc của những thầy cô trong mùa nắng để nuôi ước mơ cho các em thơ. Mồ hôi rơi trên thao trường đầy nắng gió của những người lính để giữ mãi yên bình và màu xanh cho Tổ quốc…”
(Nguồn http://vietbao.vn ngày 9-5-2014)
Câu 1: (1.0 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên
Câu 2: (1.0 điểm) Nêu nội dung chính của đoạn trích trên
Câu 3: (2.0 điểm) Biện pháp tu từ đặc sắc được sử dụng trong đoạn trích trên là gì? Nêu tác dụng?
Câu 4: (2.0 điểm) Thông điệp tác giả muốn gửi đến chúng ta qua đoạn trích là gì?
PHẦN II: TẠO LẬP VĂN BẢN (14.0 điểm)
Câu 1: (4.0 điểm) Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày cảm nhận của em về đoạn thơ sau:
“Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi
Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác!
Khi bờ bãi dần lui, làng xóm khuất,
Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre.
Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ?
Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương!
Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở,
Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương!”
(Trích “Người đi tìm hình của nước” – Chế Lan Viên)
Câu 2: (10.0 điểm) Nhận xét về văn học trung đại Việt Nam (giai đoạn thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX), có ý kiến cho rằng:
“Một trong những nét nổi bật nhất của văn học trung đại Việt Nam giai đoạn này là tình cảm nhân đạo sâu sắc, thấm thía”.
Qua bài thơ: “Bánh trôi nước” của tác giả Hồ Xuân Hương em hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
----------HẾT----------
ĐỀ KIỂM TRA HSG MÔN NGỮ VĂN 7
NĂM HỌC: 2020-2021
Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian giao đề)
I. PHẦN ĐỌC- HIỂU (4,0 điểm)
Đọc phần trích sau và trả lời các câu hỏi:
Quê hương là một tiếng ve,
Lời ru của mẹ trưa hè à ơi,
Dòng sông con nước đầy vơi,
Quê hương là một góc trời tuổi thơ.
(…)
Quê hương là cánh đồng vàng,
Hương thơm lúa chín mênh mang trời chiều.
Quê hương là dáng mẹ yêu,
Áo nâu nón lá liêu xiêu đi về...
(Quê hương, Nguyễn Đình Huân)
Câu 1 (1.0 điểm) Phần trích trên được viết theo thể thơ nào?
Câu 2 (1.0 điểm) Nêu nội dung chính của đoạn thơ?
Câu 3 (1,0 điểm) Chỉ ra các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó trong việc làm nổi bật nội dung, cảm xúc của đoạn thơ?
Câu 4 (1,0 điểm) Đoạn thơ đã gửi đến cho em bức thông điệp gì?
II. PHẦN LÀM VĂN (16,0 điểm)
Câu 1 (6,0 điểm) Từ đoạn thơ trong phần đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về vai trò của quê hương trong cuộc đời của con người.
Câu 2 (10,0 điểm) Phát biểu cảm nghĩ của em về truyện ngắn “Cuộc chia tay của những con búp bê” của Khánh Hoài.
HƯỚNG DẪN CHẤM BÀI
Câu | Yêu cầu | Điểm |
I. | ĐỌC - HIỂU (2,0 điểm) | |
1 | Thể thơ: lục bát | 1.0 |
2 | Nội dung chủ yếu của đoạn thơ: vai trò của quê hương đối với cuộc đời mỗi con người. | 1.0 |
3 | - Biện pháp nghệ thuật tu từ: + So sánh, liệt kê: Quê hương là một tiếng ve, lời ru của mẹ, dòng sông, con nước đầy vơi; Quê hương là một góc trời tuổi thơ; Quê hương là cánh đồng vàng; Quê hương là dáng mẹ yêu. + Điệp ngữ: Quê hương là - Phân tích tác dụng: + Quê hương là những gì bình dị, thân thuộc, gần gũi, gắn bó máu thịt với cuộc đời mỗi con người; + Quê hương là nơi chúng ta sinh ra, lớn lên, nơi chôn rau cắt rốn - cội nguồn của đời ta; nơi đó có tuổi thơ dấu yêu, có người mẹ hiền tần tảo sớm hôm nuôi ta nên người. + Đoạn thơ bồi dưỡng cho chúng ta tình yêu quê hương - cội nguồn sinh dưỡng của mỗi người. | 1,0 |
4 | - HS có thể trả lời bằng nhiều cách khác nhau nhưng phải hướng tới thông điệp giàu ý nghĩa mà đoạn thơ đem lại, đồng thời phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức. Dưới đây là một số gợi ý: + Mỗi chúng ta cần phải biết coi trọng quê hương, gốc rễ, hướng về cội nguồn của mình. Thiếu đi tình cảm này là một khiếm khuyết trong cuộc sống tâm hồn, tình cảm khiến con người không được làm người một cách trọn vẹn. + Biết yêu quê hương và có ý thức gìn giữ, phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương…. | 1,0 |
II | LÀM VĂN (16,0 điểm) | |
| Câu 1 (6,0 điểm) | |
| a. Đảm bảo cấu trúc của một đoạn văn nghị luận: Mở đoạn giới thiệu vấn đề nghị luận; phát triển đoạn làm rõ vấn đề nghị luận, triển khai được vấn đề nghị luận; Kết đoạn khái quát được nội dung nghị luận. | 0,5 |
| b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: vai trò của quê hương đối với cuộc sống mỗi con người. | 0,5 |
c. HS triển khai vấn đề nghị luận cụ thể, rõ ràng. Có thể trình bày theo định hướng sau: * Giải thích khái niệm: “Quê hương”: quê hương là nơi ta sinh ra và lớn lên, nơi mà ta có nhiều kỉ niệm gắn liền với kí ức và tâm hồn của mỗi con người. Cùng với gia đình, quê hương là cái nôi đầu tiên cho ta trưởng thành… * Bàn luận về vai trò của quê hương đối với cuộc đời mỗi con người: - Quê hương nuôi dưỡng con người về cả tâm hồn và thể chất, từng bát cơm dẻo thơm, ngụm nước mát trong ngọt ngào, tiếng sáo diều vi vu trong gió chiều….mà chúng ta được tận hưởng mỗi ngày đều từ quê hương ban tặng. - Quê hương dõi theo từng bước ta đi trong cuộc đời, là chỗ dựa tinh thần vững chắc để chúng ta vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống; là bến đỗ bình yên cho ta tìm về sau những chặng đường vất vả mưu sinh…Hình ảnh quê hương yêu dấu đã in sâu vào trong tâm trí chúng ta để khi đi xa ta vẫn nhớ về. - Cảm thấy tự hào về những vẻ đẹp của quê hương - cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người (HS liệt kê một số biểu hiện tiêu biểu ca ngợi vẻ đẹp của quê hương, đất nước.) - Phê phán những con người có lối sống lệch lạc, không coi trọng gốc rễ, cội nguồn của mình… * Bài học nhận thức và hành động: Quê hương có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc đời của con người. Bởi vậy, chúng ta cũng phải trân trọng, yêu quý và tri ân quê hương của mình; luôn có ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, xây dựng quê hương giàu đẹp…. * Lưu ý: HS có thể có cách trình bày suy nghĩ về vai trò của quê hương theo cách khác. Tuy nhiên phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức. | 1.0 2,0 1.0 | |
| d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt độc đáo, thể hiện những suy nghĩ, kiến giải mới mẻ về vấn đề nghị luận. | 0.5 |
| e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo những quy tắc về chuẩn chính tả, dùng từ, đặt câu. | 0.5 |
2 | Văn biểu cảm về tác phẩm văn học (10,0 điểm) | |
| a. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn phát biểu cảm nghĩ về một tác phẩm văn học đã học trong chương trình. | 0.5 |
| b. Xác định đúng đối tượng, nội dung biểu cảm. | 0.5 |
| c. Triển khai bài văn biểu cảm theo định hướng sau c1. Mở bài: - Truyện ngắn Cuộc chia tay của những con búp bê của tác giả Khánh Hoài được trao giải Nhì cuộc thi viết về thiếu nhi do Viện khoa học giáo dục và Tổ chức cứu trợ trẻ em Thụy Điển tổ chức năm 1992. - Nêu khái quát nội dung chính của truyện đã để lại cho em ấn tượng sâu sắc: nội dung truyện đề cập đến những vấn đề bức xúc của gia đình và xã hội, cụ thể là nạn li hôn dẫn tới sự tan vỡ gia đình và nỗi bất hạnh của trẻ thơ. C2. Thân bài * Cảm nhận về nỗi khổ tâm của hai anh em Thành và Thủy khi cha mẹ li hôn: - Thành: Đau lòng khi nghĩ đến chuyện phải chia tay với đứa em gái yêu quý. + Suốt đêm, nghe tiếng khóc tức tưởi của em. Thành phải cắn chặt môi để không bật lên tiếng khóc, nhưng nước mắt cứ tuôn ra như suối, ướt đầm cả gối và hai cánh tay áo. + Cố giấu kín nỗi buồn, rón rén đi ra ngoài, ngồi xuống gốc cây hồng xiêm. Thấy em gái theo ra thì thương em vô cùng, kéo em ngồi xuống và khẽ vuốt lên mái tóc. + Chua chát nghĩ rằng cảnh vật vẫn vui tươi như mọi ngày mà sao tai họa lại giáng xuống đầu hai anh em nặng nề như vậy. + Những kỉ niệm đẹp đẽ, cảm động của tình anh em ruột thịt hiện lên rõ ràng trong tâm trí càng làm cho Thành đau đớn. + Lúc phải chia đôi đồ chơi theo lệnh của mẹ, Thành nhường tất cả cho em gái. * Tâm trạng đau đớn, xót xa của Thành khiến trái tim người đọc rung động, thương cảm… - Thủy: Tủi thân và hoảng sợ trước cảnh ngộ éo le của gia đình. + Biết tin bố mẹ li hôn, Thủy khóc suốt đêm. + Nghe mẹ ra lệnh chia đôi đồ chơi, Thủy bất giác run lên bần bật, kinh hoàng đưa cặp mắt tuyệt vọng nhìn anh. Cặp mắt….buồn thăm thẳm, hai bờ mi đỏ sưng mọng lên vì khóc nhiều. + Thấy anh ra vườn, Thủy len lén ra theo, ngồi nép bên cạnh anh… + Lúc chia đồ chơi, thấy anh đặt hai con búp bên Vệ Sĩ và Em nhỏ ra hai phía, Thủy giận dữ mắng: Sao anh ác thế? Bởi bé không muốn chúng phải xa nhau. + Cô bé thương anh, nhường cả cho anh hai con búp bê và bắt anh hứa không bao giờ để chúng ngồi cách xa nhau. -> Trào dâng cảm xúc nghẹn ngào, xót xa cho tình cảnh đáng thương, nỗi khổ tâm mà Thủy đang phải gánh chịu. * Cảm nhận về những khao khát, ước mong của hai anh em Thành và Thủy: - Mãi mãi được sống bên nhau cùng cha mẹ, dưới mái ấm gia đình hạnh phúc. - Mong cho hai con búp bê cũng không bao giờ phải xa nhau. * Cảm nhận nét đặc sắc về nghệ thuật của truyện ngắn “Cuộc chia tay của những con búp bê” được nhà văn thể hiện trong tác phẩm. - Hình ảnh ẩn dụ trong nhan đề. (con Vệ sĩ và con Em nhỏ: cũng là hình ảnh ẩn dụ cho hai anh em Thành và Thủy) - Lựa chọn ngôi kể thích hợp. (Ngôi kể thứ nhất, Thành là người kể chuyện -> khiến câu chuyện chân thực, cảm động, đáng tin cậy) - Xây dựng nhân vật tài tình, thành công. - Nghệ thuật đối lập nội tâm với ngoại cảnh… - Lời kể chân thành, giản dị, truyền cảm… - Tính chân thực, nghệ thuật miêu tả tâm lí tinh tế khiến người đọc xúc động. * Trình bày suy nghĩ của bản thân về ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình trong việc xây dựng, giữ gìn tổ ấm hạnh phúc gia đình (HS tự bộc lộ theo quan điểm cá nhân nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật….) C3. Kết bài: - Truyện đề cập đến vấn đề nhức nhối mà cả xã hội quan tâm: sự đổ vỡ hạnh phúc trong gia đình và bi kịch của con trẻ trong hoàn cảnh bất hạnh đó. Tác giả khẳng định li hôn là một vấn đề nhức nhối, gây ra những hậu quả đau lòng mà con cái phải gánh chịu. - Cuộc chia tay đầy đau đớn giữa hai đứa trẻ trong truyện có nghĩa nhắc nhở, cảnh báo mọi người: Gia đình là tổ ấm hạnh phúc vô cùng quý giá nên phải cố gắng giữ gìn, bảo vệ. | 1.0 3.0 2,0 1.0 1.0 |
| d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt độc đáo, thể hiện những suy nghĩ, kiến giải mới mẻ về vấn đề nghị luận. | 0,5 |
| e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo những quy tắc về chuẩn chính tả, dùng từ, đặt câu. | 0,5 |
Ngoài Đề thi học sinh giỏi Văn 7 năm 2020 - 2021, mời các bạn học sinh tham khảo các đề thi học kì 2 lớp 7 các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì 2 lớp 7 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn ôn thi tốt