Đáp án cuộc thi “Kể chuyện về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tỉnh Hưng Yên

Bộ câu hỏi và đáp án cuộc thi Kể chuyện về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách HCM

VnDoc.com mời các bạn tham khảo tài liệu bộ câu hỏi và đáp án Cuộc thi “Kể chuyện về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tỉnh Hưng Yên nhằm giúp tham gia cuộc thi kể chuyện về học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách HCM năm 2018 hiệu quả.

Bản thu hoạch và cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018

Nội dung sinh hoạt chuyên đề năm 2018 học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Kể chuyện về Bác

Câu 1:

Hãy nêu xuất xứ của câu: “…Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta…”.

Trả lời: Câu trên trích trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 9/9/1969 tại Hà Nội.

Câu 2:

Hãy cho biết câu nói:

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông,
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc,
Người có 4 đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính,
Thiếu một mùa thì không thành trời,
Thiếu một phương thì không thành đất,
Thiếu một đức thì không thành người”.

được Bác viết trong tác phẩm nào? thời gian nào?

Trả lời: Câu trên được Bác viết trong tác phẩm “Cần kiệm liêm chính” vào tháng 6 năm 1949.

Câu 3:

Tháng 1 năm 1946, khi trả lời các nhà báo nước ngoài, Bác đã nói ham muốn tột bậc của Người là gì?

Trả lời: Bác nói “…Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Câu 4:

Trong bài viết “Sửa đổi lối làm việc”, tháng 10 năm 1947, vì sao Bác dạy “Người cách mạng phải có đạo đức”?

Trả lời: Trong bài viết “Sửa đổi lối làm việc”, tháng 10 năm 1947, Bác dạy “Người cách mạng phải có đạo đức” vì “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Câu 5:

Hãy trình bày lời căn dặn trong Di chúc của Bác khi nói về nhân dân lao động?

Trả lời: Trong Di chúc, Bác viết: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lộc, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh.

Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng.

Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Câu 6:

“Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: mình vào Đảng để làm đày tớ cho nhân dân, Bác nhấn mạnh: làm đày tớ nhân dân chứ không phải là "quan" nhân dân.

Lãnh đạo là làm đày tớ nhân dân và phải làm cho tốt”.

Câu nói này được Bác nói ở đâu, vào thời gian nào?

Trả lời: Câu nói trên của Bác tại buổi nói chuyện với cán bộ tỉnh Hà Tây, ngày 10 tháng 2 năm 1967.

Câu 7:

Khi viết tặng một đơn vị thanh niên xung phong, tháng 9/1950, Bác đã khuyên điều gì với thanh niên?

Trả lời: Bác khuyên:

“Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền,
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên”

Câu 8:

Hãy trình bày một bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về rèn luyện, tu dưỡng nói chung và đạo đức nói riêng.

Trả lời: Bài thơ “Nghe tiếng giã gạo”, trong tập thơ “Nhật ký trong tù”:

“Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công”.

Câu 9:

Khi nói chuyện tại lớp đào tạo hướng dẫn viên các trại hè cấp I, ngày 12 tháng 6 năm 1956, Bác đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rèn “đức”, luyện “tài” như thế nào?

Trả lời: Bác nói: “Trong giáo dục không những phải có tri thức phổ thông mà phải có đạo đức cách mạng. Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”.

Câu 10:

“Dao có mài, mới sắc.
Vàng có thui, mới trong.
Nước có lọc, mới sạch.
Người có tự phê bình, mới tiến bộ”.

Nội dung trên được Bác viết trong tác phẩm nào? Đăng ở đâu? Thời điểm nào?

Trả lời: Câu trên được Bác viết trong bài Tự phê bình, đăng trên báo Nhân Dân, số 9 ngày 20 tháng 5 năm 1951.

Câu 11:

“…Kiên trì và nhẫn nại,
Không chịu lùi một phân,
Vật chất tuy gian khổ
Không nao núng tinh thần”

Đoạn thơ trên của Bác viết ở trong bài thơ nào? Viết vào thời gian nào?

Trả lời: Đoạn thơ trên của Bác trong bài thơ Bốn tháng rồi, đăng trong tập Nhật ký trong tù, năm 1942 – 1943.

Câu 12:

Trong bài “Người cán bộ cách mạng”, tháng 3 năm1955, Bác đã nói “Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt” là gì?

Trả lời: Bác nói “Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là:

Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường.

Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”.

Câu 13:

“Tinh thần trách nhiệm là: Nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ” .

Bác nói câu trên trong tác phẩm nào, khi nào?

Trả lời: Bác nói câu trên trong tác phẩm “Tinh thần trách nhiệm”, đăng trên Báo Nhân dân, số 36, ngày 13 tháng 12 năm 1951.

Câu 14:

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Bác Hồ từng làm nhiều nghề. Hãy kể ít nhất 10 nghề Bác đã từng làm?

Trả lời: Trong quá trình hoạt động cách mạng, Bác Hồ từng làm các công việc như: dạy học, phụ bếp, cào tuyết, đốt lò, rửa bát, giặt ủi, làm vườn, in và phóng ảnh, vẽ, viết báo, viết kịch, đóng kịch, bán báo, bán thuốc lá, dọn dẹp khách sạn, nghiên cứu …

Câu 15:

“Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính. Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là:

Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường.

Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”.

Đoạn văn này được Bác nói ở đâu, khi nào?

Trả lời: Bác nói trong tác phẩm Người cán bộ cách mạng, đăng trên Báo Nhân dân, số 366, ngày 3 tháng 3 năm 1955..

Câu 16:

Tháng 12 năm 1912, khi đặt chân tới thành phố New York ( Mỹ), tới thăm tượng Nữ thần Tự do, chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành đã ghi những dòng lưu niệm gì tại đây?

Trả lời: Người viết: “Ánh sáng trên đầu Thần Tự do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng Thần Tự do thì người da đen đang bị chà đạp…”.

Câu 17:

Trong lời kết thúc buổi ra mắt Đảng Lao động Việt Nam, ngày 3/3/1951, Hồ Chí Minh đã nói mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm 8 chữ, đó là 8 chữ gì?

Trả lời: 8 chữ đó là: “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”.

Câu 18:

Năm 1952, Bác Hồ đã nói “chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp” như việc gì?
Trả lời: Bác nói “chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận”.

Câu 19:

Trong bản Di chúc, điều mong muốn cuối cùng của Bác Hồ là gì?

Trả lời: Trong bản Di chúc, điều mong muốn cuối cùng của Bác Hồ là “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Câu 20:

Theo gia phả, ông tổ dòng họ Hoàng ở Hoàng Trù, Nam Đàn, Nghệ An, quê ngoại của Bác Hồ có gốc tại đâu?

Trả lời: Theo gia phả, ông tổ dòng họ Hoàng ở Hoàng Trù, Nam Đàn, Nghệ An, quê ngoại của Bác Hồ có gốc tại thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu?

Câu 21:

Sinh thời, Bác Hồ đã về thăm và làm việc với tỉnh Hưng Yên bao nhiêu lần? Hãy nêu thời gian ba lần Bác về Hưng Yên?
Trả lời: Sinh thời Bác đã 10 lần về thăm và làm việc với Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên

- Lần thứ nhất: Ngày 10-1-1946
- Lần thứ hai: Ngày 21-10-1946
- Lần thứ ba: Ngày 5-1-1958
- Lần thứ tư: Ngày 3-7-1958
- Lần thứ năm: Ngày 20-9-1958
- Lần thứ sáu: Ngày 16-10-1958
- Lần thứ bảy: Ngày 25-10-1958
- Lần thứ tám: Ngày 20-2-1959
- Lần thứ chín: Ngày 15-9-1961 đến ngày 16-9-1961
- Lần thứ mười: Ngày 5-2-1966

Câu 22:

Bác Hồ nói câu “Làm thủy lợi khó nhọc trong vài năm để được sung sướng muôn đời” ở đâu, vào thời gian nào?

Trả lời: Ngày 5-1-1958, Bác về thăm Hưng Yên, sau khi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bác đã đi thăm nhân dân đang vét ngòi Triều Dương, xã Quốc Trị (nay là xã Hải Triều, huyện Tiên Lữ) và dân công đào sông từ Phố Giác đến Chợ Thi. Tại đây Người đã nói "Làm thuỷ lợi khó nhọc trong vài năm để được sung sướng muôn đời".

Câu 23:

Trong những lần về thăm Hưng Yên, Bác Hồ đã đến thăm công trường Đại thủy nông Bắc- Hưng - Hải bao nhiêu lần? Hãy nêu thời gian và địa điểm của một trong những chuyến thăm của Bác?

Trả lời: Bác đã 4 lần về thăm công trường Đại thuỷ nông Bắc - Hưng - Hải.

- Lần thứ nhất: Ngày 20-9-1958, Bác về thăm công trường Đại thuỷ nông Bắc - Hưng - Hải. Tại đây Bác nói chuyện với nhân dân các địa phương đang làm việc tại công trường.
- Lần thứ hai: Ngày 16-10-1958, Bác về thăm công trường Đại thuỷ nông Bắc - Hưng - Hải và nói chuyện với cán bộ, dân công và nhân dân xã Trung Kiên (nay là xã Lạc Đạo, Văn Lâm) đang làm việc tại đoạn sông Đình Dù đoạn như Quỳnh, chợ Đậu .
- Lần thứ ba: ngày 25-10-1958, Bác về thăm công trường Đại thuỷ nông Bắc - Hưng - Hải lần thứ ba.
- Lần thứ tư: ngày 20-2-1959, Bác về thăm công trường Đại thuỷ nông Bắc - Hưng - Hải lần thứ tư. Bác đến thăm anh chị em công nhân đang làm việc tại cống Xuân Quan (Văn Giang).

Câu 24:

Bác nói: “Xã Nghĩa Dân là dân có nghĩa, phải ra sức tăng gia, sản xuất. thực hành tiết kiệm tốt, làm gương cho các xã khác” ở đâu, khi nào?

Trả lời: Sau khi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và nói chuyện với đồng bào, cán bộ tại sân vận động thị xã Hưng Yên, chiều ngày 16/9/1961, Bác Hồ đến thăm lớp mẫu giáo thôn Thổ Cầu (xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động). Tại đây, khi nói chuyện với nhân dân xã Nghĩa Dân, Bác đã nói câu trên.

Câu 25:

"Hưng Yên đã làm thuỷ lợi khá, vì vậy hôm nay Bác về thăm và chuyển đến đồng bào, bộ đội và cán bộ lời khen ngợi của Trung ương Đảng và Chính phủ", đồng chí hãy cho biết, Bác Hồ nói câu trên ở đâu, vào thời gian nào?
Trả lời: Chiều ngày 15/9/1961, Bác về dự phiên họp tổng kết Hội nghị thuỷ lợi toàn miền Bắc tổ chức tại Nhà Thành, thị xã Hưng Yên (nay là thành phố Hưng Yên). Phát biểu tại Hội nghị, Bác đã nói câu trên.

Câu 26:

Trong bài Nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Hưng Yên ngày 16-9-1961, Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ về thăm, khen ngợi và mong muốn đồng bào, bộ đội và cán bộ Hưng Yên điều gì?

Trả lời: “Trung ương Đảng và Chính phủ mong rằng đồng bào, bộ đội và cán bộ Hưng Yên không ngừng cố gắng vượt mọi khó khăn, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm để tiến bộ mãi, làm cho tỉnh nhà đứng vào hàng khá nhất trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”.

Câu 27:

"Đường số 5 hơn trăm đồn bốt
Dân đường 5 có một lòng son
Dù cho sông cạn, đá mòn
Quyết tâm gìn giữ nước non Lạc Hồng"

Hãy cho biết nội dung trên được Bác thể hiện trong bài viết nào, vào thời gian nào?

Trả lời: Nội dung trên nằm trong bài “Đường số 5 anh dũng”, đăng trên Báo Nhân Dân, số 472, ngày 18-6-1955.

Câu 28:

"Toàn dân đoàn kết một lòng
Đập đá thì núi vỡ, đào sông thì nước về"

Hãy cho biết, Bác Hồ nói câu trên ở đâu, vào thời gian nào?

Trả lời: Ngày 3-7-1958, buổi sáng, Bác về nói chuyện tại Đại hội thi đua sản xuất vụ mùa tỉnh Hưng Yên. Buổi chiều, Bác về thăm nhân dân xã Vạn Xuân (nay là xã Đình Dù, huyện Văn Lâm) - nơi có thành tích đào giếng lấy nước cứu lúa. Tại đây, Bác nhắc nhở cán bộ và nhân dân "Toàn dân đoàn kết một lòng. Đập đá thì núi vỡ, đào sông thì nước về".

Câu 29:

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho Hưng Yên lá cờ “Đoàn kết nhân dân đánh thắng giặc Pháp” tại đâu, khi nào?

Trả lời: Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho Hưng Yên lá cờ “Đoàn kết nhân dân đánh thắng giặc Pháp” tháng 5 năm 1952 tại Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc.

Câu 30:

Ngày 15 tháng 1 năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 77-SL, truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho một nữ cán bộ tỉnh Hưng Yên vì có tinh thần chiến đấu dũng cảm và đã hy sinh anh dũng. Đồng thời Người còn truy tặng 6 chữ vàng “Sống anh dũng, chết vẻ vang”. Chị là ai?

Trả lời: Chị là Bùi Thị Cúc (tức Trần Thị Lan), sinh năm 1930, tại làng Vân Mạc, xã Vân Du, huyện Ân Thi; là đội viên Đội Công an xung phong quận III - Hưng Yên.

Đánh giá bài viết
1 2.886
Sắp xếp theo

    Bài thu hoạch

    Xem thêm