Bảo vệ môi trường là vấn đề nóng hổi được tất cả mọi người cùng quan tâm trong cuộc sống ngày nay. Tuy nhiên, trong giờ sinh hoạt hôm trước, một bạn ở lớp em đã có ý kiến rằng: Bảo vệ môi trường là việc của người lớn, còn học sinh như chũng em vẫn còn nhỏ thì chẳng thể làm gì được. Theo em, đó là một quan điểm thiếu đúng đắn.
Bác Hồ đã từng nói rằng “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, Tùy theo sức của mình”. Câu nói này rất phù hợp để làm rõ quan điểm của em.
Môi trường là của chung tất cả mọi người. Dù là người lớn hay trẻ nhỏ, đều cùng nhau tồn tại trong môi trường này. Và khi môi trường bị ô nhiễm, nguồn nước bị nhiễm bẩn, rau xanh không sạch sẽ, các dịch bệnh nổ ra… thì sức khỏe của tất cả chúng ta đều có thể bị ảnh hưởng. Vì vậy, không thể nào mà những học sinh như chúng ta lại tự cho mình lý do để đứng ngoài hoạt động bảo vệ môi trường.
Hơn nữa, bảo vệ môi trường không phải chỉ là những việc lớn lao, cần nhiều tiền và khả năng để thực hiện. Mà nó cũng là những việc nhỏ bé, dù bất kì ai cũng có thể làm được. Như vứt rác đúng nơi quy định, phân loại rác trước khi vứt, trồng thêm cây xanh trong vườn nhà, hạn chế sử dụng túi bóng, hộp nhựa dùng một lần… Rồi cả những hành động như tiết kiệm điện và nước trong sinh hoạt, thường xuyên quét dọn, làm vệ sinh môi trường sống… Những việc ấy cũng góp phần không hề nhỏ trong công cuộc bảo vệ môi trường. Và học sinh chúng ta đều có thể thực hiện được. Tuổi nhỏ và sức còn nhỏ, thì chúng ta chọn những việc trong khả năng để làm. Khi tất cả học sinh chúng ta cùng đoàn kết để thực hiện, thì những đốm sáng nhỏ cũng có thể tạo nên một biển ánh sáng.
Chính vì vậy, ý kiến Bảo vệ môi trường là việc của người lớn, còn học sinh như chũng em vẫn còn nhỏ thì chẳng thể làm gì được của bạn học thật là sai lầm. Nhận thức lệch lạc đó sẽ đưa đến những hành động thiếu trách nhiệm và thờ ơ trước vấn đề chung của tập thể, cộng đồng. Vì vậy, chúng ta cần phải thay đổi những suy nghĩ như vậy. Và luôn hướng bản thân tới các hành động thiết thực để bảo vệ môi trường, từ những việc nhỏ nhất.
Dân tộc ta có rất nhiều truyền thống tốt đẹp từ trước đến nay. Một trong số đó phải kể đến chính là sự sẻ chia trong cuộc sống.
Chia sẻ là việc sẵn sàng san sẻ với mọi người niềm vui nỗi buồn. Khi thấy người khác rơi vào hoàn cảnh khó khăn sẵn sàng dang tay giúp đỡ mà không màng tư lợi. Người có lòng yêu thương, sự đồng cảm, chia sẻ là người sống chan hòa với người khác, sẵn sàng giúp đỡ, cho đi mà không mong nhận lại. Chia sẻ vô cùng quan trọng trong cuộc sống, mỗi chúng ta hãy sống, yêu thương, chia sẻ với người khác cũng như yêu thương chính bản thân mình. Người sống có tsự đồng cảm, chia sẻ là những người sẵn sàng giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình mà không màng đến tư lợi của bản thân. Họ sống vì tập thể, vì người khác, biết nghĩ đến lợi ích chung của tập thể, của mọi người. Bên cạnh đó, họ cũng là những người biết lan tỏa những hành động, những thông điệp tốt đẹp đến người khác cũng như tuyên truyền những thông điệp đó để nó lan tỏa tốt hơn. Sự chia sẻ có vai trò vô cùng to lớn đối với cuộc sống của con người: Khi giúp đỡ, san sẻ với người khác, ta không chỉ giúp cuộc sống của họ tốt hơn mà ta sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của họ dành cho mình. Một xã hội tràn ngập tình yêu thương là một xã hội vô cùng đáng sống. Mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay vẫn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, lại có những người vô cảm mặc kệ nỗi đau của đồng loại, dù trong khả năng của mình cũng không giúp đỡ người khác… những người này cần phải xem xét lại thái độ sống của bản thân mình.
Mỗi người sống yêu thương, chan hòa một chút thì cuộc sống này sẽ trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều.