Đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Sóc Trăng 2024
Sáng 1/6, các thí sinh tỉnh Sóc Trăng bắt đầu làm bài thi môn Văn kì thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025. VnDoc gửi tới các bạn Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn tỉnh Sóc Trăng kèm đáp án tham khảo sau khi hết thời gian làm bài. Mời các bạn theo dõi.
Đề thi vào 10 môn Văn năm 2024 tỉnh Sóc Trăng
1. Đáp án đề thi vào 10 môn Văn Sóc Trăng 2024
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1.
Văn bản đó là văn bản tự sự.
Câu 2.
Từ xưng hô là: cha
Câu 3.
Lúa tốt ngồn ngộn là nhờ: cuốc xới kĩ, đất ngẫu nên năm ấy lúa rất tốt.
Câu 4.
HS dựa vào nội dung văn bản đọc hiểu rút ra bài học phù hợp.
Gợi ý bài học được rút ra là: Khi chúng ta chăm chỉ làm việc, lao động tất yếu ta sẽ gặt hái thành công.
II. LÀM VĂN
Câu 1.
1. Giới thiệu vấn đề nghị luận: Có làm thì mới có ăn.
2. Giải thích
- Câu “có làm thì mới có ăn” muốn nói chúng ta phải tự lao động, làm việc bằng chính sức mình thì mới có cái ăn, mới tạo ra được của cải vật chất.
-> Câu nói hoàn toàn chính xác. Khuyên nhủ chúng ta phải chăm chỉ lao động, không được lười biếng thì mới được hưởng những thành quả tốt đẹp.
3. Bàn luận
- Chúng ta cần phải chăm chỉ lao động để tạo ra nhiều hơn của cải vật chất phục vụ đời sống cá nhân và góp phần làm phát triển xã hội.
- Người không rèn luyện cho mình đức tính cần cù chăm chỉ sẽ nảy sinh nhiều tính xấu khác như: ỷ lại, dựa dẫm vào người khác,...
- Nếu không cố gắng vươn lên trong cuộc sống, chúng ta sẽ nhanh chóng bị xã hội đào thải và trở nên thụt lùi so với sự phát triển của thời đại.
HS lấy dẫn chứng minh họa phù hợp.
- Phê phán những kẻ lười biếng, chỉ thích dựa dẫm vào người khác.
4. Tổng kết vấn đề
Câu 2
1. Mở bài
- Mùa thu là đề tài gợi lên bao cảm xúc đối với mỗi thi nhân song, mỗi người sẽ có những cảm nhận về mùa thu khác nhau. Với nhà thơ Hữu Thỉnh, khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu đã rung động hồn thơ để thi sĩ vẽ nên một bức tranh thơ “Sang thu” thật hay.
- Giới thiệu vài nét về bài thơ “Sang thu”: bài thơ miêu tả những chuyển biến nhẹ nhàng của đất trời từ hạ sang thu, không chỉ có hình ảnh thiên nhiên mà còn có bóng dáng con người trước mùa thu của cuộc đời.
2. Thân bài
a. Khổ 1: Cảm nhận ban đầu của nhà thơ về cảnh sang thu của đất trời
- Bài thơ mở đầu bằng một phát hiện bất ngờ.
- Thiên nhiên cảm nhận từ những gì vô hình:
+ “hương ổi” : hương thơm bình dị của làng quê Bắc Bộ mà bất cứ ai cũng đã từng cảm nhận mỗi dịp chớm thu.
+ “Gió se”: gió heo may, khiến làn da cảm nhận được hơi lạnh và khô
+ “phả”: gợi sự sánh, hòa quyện, hương thu hòa trong làn gió se trải đều khắp các ngõ ngách làng quê. Từ “phả” cho thấy hương ổi ở độ thơm nồng quyến rũ, hòa vào trong gió heo may.
+ “sương chùng chình”: tả làn sương mỏng nhẹ bắt đầu xuất hiện, có lẽ làn sương cũng như cố chậm lại có vẻ đợi chờ ai. Hai câu thơ sử dụng biện pháp nhân hóa khiến thiên nhiên như có linh hồn, như cũng đợi chờ, trông ngóng ai.
⇒ Những chuyển biến của không gian được tác giả cảm nhận bằng nhiều giác quan tinh tế: khứu giác (hương ổi), xúc giác (gió se), thị giác (sương chùng chình) và bằng cảm giác (hình như thu đã về).
- Cảm xúc của con người: tâm trạng ngỡ ngàng, bâng khuâng, giật mình, bối rối thể hiện qua loạt từ “bỗng, phả, hình như”.
=> Cảm nhận nhẹ nhàng, tinh tế, mơ hồ khi thu vừa sang.
b. Khổ 2: Quang cảnh đất trời vào thu
- Không gian đất trời vào thu bằng những dấu hiệu và hình ảnh: “sông dềnh dàng”, “chim vội vã”: Sông cạn nước đã chảy chậm hơn, đàn chim đã bắt đầu bay đi tránh rét.
- “sông dềnh dàng”, “chim vội vã”, “mây vắt nửa mình”: Phép nhân hóa => từ những dấu hiệu vô hình giờ đây hữu hình, không gian đất trời mở ra nhiều tầng bậc khác nhau.
- Phép nhân hóa “mây vắt nửa mình”: những đám mây xanh mỏng lững lờ bảng lảng như một dải lụa nửa nghiêng về mùa hạ nửa ngả về mùa thu.
⇒ Bằng sự cảm nhận qua nhiều giác quan, sự liên tưởng thú vị, tâm hồn nhạy cảm, tinh tế của tác giả, tất cả không gian, cảnh vật như đang chuyển mình từ điềm tĩnh bước sang thu.
c. Khổ 3: Những biến chuyển âm thầm của tạo vật và suy ngẫm về cuộc đời người lúc chớm thu
- Nắng – hình ảnh cụ thể của mùa hạ. Nắng cuối hạ vẫn còn nồng, còn sáng nhưng đã nhạt dần, yếu dần bởi gió se chứ không còn chói chang, gay gắt.
- Mưa cũng đã vơi dần, tất cả đều chầm chậm, từ từ, không hối hả.
- Hai câu cuối:
+ Tả thực: hình tượng sấm thường xuất hiện bất ngờ đi liền với những cơn mưa rào chỉ có ở mùa hạ. Hàng cây cổ thụ, cảnh vật thiên nhiên vào thu không còn giật mình bởi tiếng sấm.
+ Ẩn dụ: sấm là những vang động bất thường của cuộc đời; hàng cây đứng tuổi gợi tả những con người đã đi qua nhiều thăng trầm. Qua đó con người trở nên vững vàng và không sợ trước những vang động của cuộc đời.
=> Đất trời sang thu khiến lòng người bâng khuâng, gợi bao suy nghĩ về cuộc đời.
d. Nhận xét về vai trò của thiên nhiên với cuộc sống con người hiện nay
- Thiên nhiên là một phần tất yếu trong cuộc sống, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của con người.
- Thiên nhiên cung cấp cho ta môi trường sống, sinh hoạt và phát triển.
- Là nguồn tài nguyên phục vụ cho con người
- Là nơi giúp ta nghỉ ngơi, giải tỏa căng thẳng
...
=> Cần phải bảo vệ thiên nhiên...
3. Kết bài
- “Sang thu” của Hữu Thỉnh đã không chỉ mang đến cho người đọc những cảm nhận mới về mùa thu quê hương mà còn làm sâu sắc hơn tình cả quê hương trong trái tim mọi người.
- Miêu tả mùa thu bằng những bước chuyển mình của vạn vật, Hữu Thỉnh đã góp thêm một cách nhìn riêng, một lối miêu tả riêng cho mùa thu thi ca thêm phong phú.
2. Đề thi vào 10 môn Văn Sóc Trăng 2024
Lịch thi vào lớp 10 tỉnh Sóc Trăng năm học 2024 - 2025
3. Đáp án đề vào lớp 10 môn Văn tỉnh Sóc Trăng năm 2023
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Thể thơ lục bát
Câu 2.2 từ láy xuất hiện trong bài thơ: nhè nhẹ, long lanh
HOẶC: chói chang, xập xình, thơm tho .....
Câu 3.
Câu 4.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1
Câu 2
a. Mở bài:
- Tác giả: Nguyễn Quang Sáng sinh năm 1932, quê ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia bộ đội, hoạt động ở chiến trường Nam Bộ. Từ sau năm 1954, tập kết ra miền Bắc, Nguyễn Quang Sáng bắt đầu viết văn. Những năm chống Mỹ, ông trở về Nam Bộ tham gia kháng chiến và tiếp tục sáng tác văn học. Tác phẩm của ông thuộc nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim và hầu như chỉ viết về cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như trong thời bình.
- Tác phẩm: Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” được viết năm 1966, khi tác giả hoạt động ở chiến trường Nam Bộ và được đưa vào tập truyện cùng tên.
- Nhân vật ông Sáu là nhân vật chính của tác phẩm, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc. Đặc biệt là ở đoạn trích từ: “Tôi vẫn còn nhớ buổi chiều hôm đó… Có cây lược, anh càng mong gặp lại con”. Đoạn trích thể hiện vẻ đẹp của tình phụ tử thiêng liêng, sâu sắc của ông Sáu đối với bé Thu trong những ngày ở chiến khu.
b. Thân bài:
* Giới thiệu khái quát cảnh ngộ gia đình ông Sáu và tình yêu thương ông Sáu dành cho con:
- Đất nước có chiến tranh, ông Sáu phải đi công tác khi con gái chưa đầy một tuổi, khi con lớn lên, ông Sáu không một lần được gặp con, được yêu thương chăm sóc cho con.
- Sau tám năm vào sinh ra tử, khi được về thăm nhà, nỗi khao khát được gặp con, được ôm con vào lòng khiến ông không kìm nén được cảm xúc. Tuy nhiên, khi ông vì vết thẹo trên mặt, vết thương do chiến tranh gây ra nên đứa con gái hồn nhiên, ngây thơ của ông nhất định không chịu nhận cha. Đến khi con gái nhận ra thì cũng là lúc ông phải trở lại chiến trường. Lúc chia tay, ông đã cố nén giọt nước mắt vì cách bộc lộ, tình cảm của con đối với mình khiến ông quá xúc động. Niềm hạnh phúc mà ông hằng mong chờ đã tới nhưng quá ngắn ngủi vì đã đến giờ biệt li. Ông chỉ kịp rút khăn lau nước mắt rồi hôn lên tóc con, lặng lẽ ra đi không hẹn ngày về mang theo một ước nguyện của con là cây lược nhỏ.
* Cảm nhận về vẻ đẹp nội dung của đoạn trích - vẻ đẹp của tình phụ tử thiêng liêng:
- Luôn ghi nhớ như in lời con dặn vội vàng lúc chia tay “Ba về, ba mua cho con một cây lược nghe ba!”. Điều đó thúc giục ông đến việc làm một chiếc lược ngà. Và ông Sáu đã dồn tất cả tình yêu, nỗi nhớ con vào việc làm cây lược ấy. “Lúc rảnh rỗi anh ngồi cưa từng chiếc răng lược cho đến khi hoàn thành, những đêm nhớ con anh lấy cây lược ra ngắm nghía ”.
- Chiếc lược trở thành một vật quý giá, nó làm vơi đi nỗi ân hận và chứa đựng bao nhiêu tình cảm nhớ thương, yêu mến của người cha đối với đứa con trong xa cách. Chiếc lược ngà trở thành một kỉ vật thiêng liêng, nuôi dưỡng tinh thần chiến đấu cho người chiến sĩ trong những ngày gian khổ.
* Vẻ đẹp về hình thức nghệ thuật:
- Đoạn văn là lời kể của một người đồng chí của ông Sáu, người đã chứng kiến toàn bộ quá trình ông làm cây lược tặng con gái và thấu hiểu những suy nghĩ, cảm xúc của ông. Đoạn văn vì thế trở nên khách quan, chân thành.
- Ngôn ngữ văn xuôi giàu tình cảm, khả năng miêu tả tâm lí tinh tế, chính xác, bắt nguồn từ một tâm hồn nhạy cảm và tấm lòng yêu thương, trân trọng con người.
- Đặc biệt, nhà văn đã xây dựng một tình huống truyện rất éo le, bất ngờ mà tự nhiên, cảm động; qua đó, phần nào nói lên sự ác nghiệt của chiến tranh.
c. Kết bài:
Cảm nhận khái quát về đoạn văn, liên hệ bản thân.
4. Đề vào lớp 10 môn Văn tỉnh Sóc Trăng năm 2023
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc bài thơ:
Tiếng hát mùa gặt
Đồng chiêm phả nắng lên không
Cánh cò dẫn gió qua thung lúa vàng
Gió nâng tiếng hát chói chang
Long lanh lưỡi hái liếm ngang chân trời
Tay nhè nhẹ chút người ơi
Trông đôi hạt rụng hạt rơi xót lòng
Dễ rơi là hạt đầu bông
Công một nén, của một đồng là đây
Mảnh sân trăng lúa chất đầy
Vàng tuôn trong tiếng máy quay xập xình
Rơm vò từng búi rối tinh
Thân rơm rách để hạt lành lúa ơi
Nắng non mầm mục mất thôi
Vì đời lúa đó mà phơi cho giòn
Nắng già hạt gạo thêm ngon
Bưng lưng cơm trắng nắng còn thơm tho
(Nguyễn Duy, trích “Cát trắng”, theo Tiếng Việt lớp 5, tập hai, NXB Giáo dục, 2004, tr.36-37)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định thể thơ của bài thơ trên (lục bát; song thất lục bát; Đường luật; tự do).
Câu 2. Liệt kê ít nhất 2 từ láy xuất hiện trong bài thơ.
Câu 3. Em hiểu như thế nào về nội dung khổ thơ:
Tay nhè nhẹ chút, người ơi,
Trông đôi hạt rụng, hạt rơi xót lòng.
Dễ rơi là hạt đầu bông,
Công một nén, của một đồng là đây.
Câu 4. Thông điệp rút ra từ bài thơ trên.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm). Từ nội dung phần Đọc hiểu, viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) bày tỏ quan niệm của em về giá trị của lao động.
Câu 2 (5,0 điểm). Trong Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng, có đoạn:
[...] Tôi hãy còn nhớ buổi chiều hôm đó - buổi chiều sau một ngày mưa rừng, giọt mưa còn đọng trên lá, rừng sáng lấp lánh. Đang ngồi làm việc dưới tấm ni lông nóc, tôi bỗng nghe tiếng kêu. Từ con đường mòn chạy lẫn trong rừng sâu, anh hớt hải chạy về, tay cầm khúc ngà đưa lên khoe với tôi. Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được quà.
Sau đó anh lấy vỏ đạn hai mươi li của Mĩ, đập mỏng làm thành một cây cưa nhỏ, cưa khúc ngà thành từng miếng nhỏ. Những lúc rỗi, anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc. Chẳng hiểu sao tôi thích ngồi nhìn anh làm và cảm thấy vui vui khi thấy bụi ngà rơi mỗi lúc một nhiều. Một ngày, anh cưa được một vài răng. Không bao lâu sau, cây lược được hoàn thành. Cây lược dài độ hơn một tấc, bề ngang độ ba phân rưỡi, cây lược cho con gái, cây lược dùng để chải mái tóc dài, cây lược chỉ có một hàng răng thưa. Trên sống lưng lược có khắc một hàng chữ nhỏ mà anh đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Cây lược ngà ấy chưa chải được mái tóc của con, nhưng nó như gỡ rối được phần nào tâm trạng của anh. Những đêm nhớ con, anh ít nhớ đến nỗi hối hận đánh con, nhớ con, anh lấy cây lược ra ngắm nghía rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt. Có cây lược, anh càng mong gặp lại con. [...]
(Theo Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2011, tr.199-200)
Cảm nhận của em về đoạn trích trên. Từ đó, liên hệ tình cảm cha con trong cuộc sống hiện nay.
- HẾT-
5. Đáp án đề vào lớp 10 môn Văn tỉnh Sóc Trăng năm 2022
I. ĐỌC HIỂU:
1. Kiểu văn bản: tự sự.
2. Câu cầu khiến: Bây giờ anh hãy hót tiếng của riêng anh cho bọn em nghe nào!
3. Vì Chàng Làng xấu hổ khi không luyện tiếng hát của riêng mình mà chỉ đi bắt chước người khác.
4. HS rút ra bài học phù hợp với nội dung đoạn trích. Gợi ý: Mỗi cá nhân cần tạo ra giá trị, dấu ấn chỉ thuộc riêng về mình. Việc tạo giá trị, dấu ấn riêng góp phần khẳng định và phát huy tính sáng tạo, sự chủ động, bản lĩnh, tự tin của chúng ta.
II. LÀM VĂN:
Câu 1:
Cách giải:
a. Yêu cầu về hình thức: Viết đúng một đoạn văn khoảng 200 chữ.
b. Yêu cầu về nội dung:
- Giới thiệu vấn đề: giá trị của sự sáng tạo trong cuộc sống.
- Giải thích: Sáng tạo là những suy nghĩ, hành động mới mẻ không đi theo lối cũ nhưng lại mang đến kết quả tích cực.
- Giá trị của sự sáng tạo trong cuộc sống:
+ Giúp con người phát hiện ra những tiềm năng trong chính bản thân mình.
+ Giúp con người có những cách giải quyết mới lạ mang lại hiệu quả cao.
+ Đưa đất nước, xã hội ngày càng phát triển hơn.
+Giúp con người rèn luyện được trí tuệ, giúp con người trở nên linh hoạt, nhạy bén hơn trong tất các các vấn đề của đời sống.
- Bàn luận mở rộng:
+ Luôn cố gắng, rèn luyện sự sáng tạo của bản thân.
+ Khuyến khích sự sáng tạo nhưng không được xa rời thực tế.
Câu 2:
Cách giải:
1. Mở bài: Giới thiệu chung
2. Thân bài
2.1 Biểu hiện của tình đồng chí:
* Là sự thấu hiểu những tâm tư, tình cảm của nhau:
- Nhân vật trữ tình nói về nỗi lòng của đồng đội mà như đang bộc bạch nỗi lòng của chính mình.
- Thấu hiểu:
+Cảnh ngộ, nỗi bận lòng về hậu phương. + Ý chí lên đường, tình cảm cách mạng mãnh liệt. Khi cần họ biết hi sinh hạnh phúc cá nhân và dân tộc. Họ bỏ lại ruộng vườn, ngôi nhà – là những tài sản quý giá để vào lính. Từ “mặc kệ” đã nói lên sự lựa chọn dứt khoát ấy.
+ Nỗi nhớ quê nhà đau đáu trong tâm hồn người lính: nhân hóa, hoán dụ, ẩn dụ... => Người lính mạnh mẽ nhưng không vô tâm; quyết liệt, ý chí nhưng không hề lạnh lùng. Từng giây, từng phút họ đang phải vượt lên minh, tự nén lại những yêu thương, nhung nhớ để cống hiến trọn vẹn cho cuộc kháng chiến của toàn dân tộc.
* Là sự đồng cam, cộng khổ trong cuộc đời người lính:
- Đó là những cơn sốt rét rừng đã từng cướp đi bao sinh mạng, từng là nỗi ám ảnh đè nặng lên cuộc đời người lính. Cách nói “anh với tôi” một lần nữa cho thấy câu thơ không chỉ tả hình ảnh người lính bị cơn sốt rét rừng hành hạ mà còn gợi tình cảm đồng chí, đồng đội khi gian khổ đến cùng cực “sốt run người” vẫn quan tâm, lo lắng cho nhau.
- Đó còn là cái hiện thực thiếu thốn, khó khăn, gian khổ của cuộc đời người lính. Họ đã sống trong hoàn cảnh nghèo nàn về vật chất: thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc men...nhưng họ vượt lên tất cả nhờ sức mạnh của tình đồng chí.
- Đó còn là những khắc nghiệt của khí hậu núi rừng -> họ vượt lên nhờ tinh thần lạc quan cách mạng, sự ấm áp của tình đồng chí.
* Là niềm yêu thương, gắn bó sâu nặng họ dành cho nhau.
- Hình ảnh “tay nắm bàn tay”:
+ Chất chứa bao yêu thương trìu mến. +Sẵn lòng chia sẻ khó khăn.
+ Chứa đựng cả những khao khát bên người thân yêu.
=> Chính tình đồng chí chân thành, cảm động và sâu sắc đã nâng đỡ bước chân người lính và sưởi ấm tâm hồn họ trên mọi nẻo đường chiến đấu.
2.2. Sức mạnh và vẻ đẹp của tình đồng chí:
* Được xây dựng trên nền một hoàn cảnh khắc nghiệt:
- Thời gian, không gian: rừng đêm hoang vu, lạnh lẽo.
- Không khí căng thẳng trước một trận chiến đấu. Trước mắt họ là cả những mất mát, hi sinh không thể tránh khỏi. -> Tâm hồn họ vẫn bay lên với hình ảnh vầng trăng nơi đầu súng (thanh thản kì lạ -> Họ vẫn xuất hiện trong tư thế điềm tĩnh, chủ động “chờ giặc tới”.
=> Nhờ tựa vào sức mạnh của tinh thần đồng đội. Họ “đứng cạnh bên nhau” và trở thành một khối thống nhất không gì lay chuyển nổi.
* Được biểu hiện qua một hình ảnh thơ độc đáo, đầy sáng tạo: “Đầu súng trăng treo”:
- Vốn là một hình ảnh thơ được cảm nhận từ thực tiễn chiến đấu.
- Song hình ảnh này mang nhiều ý nghĩa biểu tượng phong phú: + Gợi liên tưởng: chiến tranh - hòa bình, hiện thực - ảo mộng, kiên cường – lãng mạn, chất chiến sĩ – chất thi.
+ Gợi vẻ đẹp của tình đồng chí snags trong, sâu sắc, sự xuất hiện của vầng trăng là một bằng chứng về sức mạnh kì diệu của tình đồng đội. Tình cảm ấy giúp tâm hồn người lính bay lên giữa lúc gay go, khốc liệt của chiến tranh."
+ Gợi vẻ đẹp của tâm hồn người lính – một tâm hồn luôn trong trẻo, tươi mát dẫu phải băng qua lửa đạn chiến tranh.
+ Gợi vẻ đẹp tâm hồn dân tộc Việt Nam – một bàn tay giữ chắc cây súng mà trái tim luôn hướng đến những khát vọng thanh bình.
3. Kết bài
- Nội dung: Bài thơ thể hiện chân thực, cảm động một tình cảm lớn mang tính thời đại, đó là tình đồng chí bền chặt, thiêng liêng của những người lính cách mạng. Qua đó tác giả đã khắc họa thành công hình ảnh người lính thời kì đầu chống Pháp.
- Nghệ thuật: Lối miêu tả chân thực, tự nhiên, từ ngữ, hình ảnh giản dị và giàu sức gợi, cảm xúc dồn nén.
6. Đề vào lớp 10 môn Văn tỉnh Sóc Trăng năm 2022
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SÓC TRĂNG ĐỀ CHÍNH THỨC | KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT Năm học 2022 - 2023 Môn: NGỮ VĂN (Thời gian làm bài 120 phút, không kể thời gian phát đề) |
I. ĐỌC HIỂU: (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:
Chàng Làng vẫn thường kiêu ngạo và hãnh diện về tiếng hót của mình hơn hẳn đồng loại. Một hôm, nhân có mặt đông đủ bạn bè họ nhà chim, chú đậu tốt trên cành cao rối ưỡn ngực, vươn cô cất tiếng hót. Chú hót say sưa và tiếng hót rất hay, khi thì giông giọng của sáo đen, sáo sậu; khi là giọng của chiến chiện, sơn ca; khi là giọng của chích chòe, họa mi... Ai cũng khen chú bắt chước giống thật và tài quá. Cuối buổi “biểu diễn, một chú chim sâu đề nghị: “Bây giờ anh hãy hót tiếng của riêng anh cho bọn em nghe nào!”. Vừa bí vừa xấu hổ, Chàng Làng cất cánh bay thẳng, không dám ngoái cổ lại. Bởi vì xưa nay, Chàng Làng chi quen nhại theo, bắt chước chứ đâu chịu luyện cho mình một giọng hót riêng của chính mình.
(Nguồn https://dinhthithuycl.violet.vn/entry/show/entry_id/1428506)
Câu 1. Văn bản trên thuộc kiểu văn bản nào (miêu tả, biểu cảm, tự sự, nghị luận)?
Câu 2. Xác định câu cầu khiến trong văn bản.
Câu 3. Vì sao, cuối buổi biểu diễn”, [...] Chàng Làng cất cánh bay thẳng, không dám ngoái cổ lại?
Câu 4. Bài học rút ra từ văn bản trên.
II. LÀM VĂN: (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm). Từ nội dung phần Đọc hiểu, em hãy viết đoạn văn nghị luận (độ dài khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về giá trị của sự sáng tạo trong cuộc sống
Câu 2 (5,0 điểm)
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi.
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
(Theo Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục, 2011, tr.128-129)
Cảm nhận của em về đoạn thơ trên. Từ đó, bày tỏ lòng tri ân đối với những anh hùng liệt sĩ đã quên mình vì nền độc lập tự do của đất nước.